Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/05/2022

Ukraine ‘biết ơn chính phủ, nhân dân Việt Nam giúp đỡ’

Bùi Thư

Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam nói với BBC News tiếng Việt hôm 10/5 rằng đất nước bà "biết ơn" chính phủ Việt Nam khi hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

"Sự hỗ trợ này rất quý giá đối với Ukraine. Chúng tôi biết ơn chính phủ Việt Nam về sự đóng góp này", bà Nataliya Zhynkina nói.

hanoi1

Bà Nataliya Zhynkina (giữa), Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam cùng các cá nhân, tổ chức Việt Nam

'Việt Nam giúp Ukraine là vấn đề thời gian'

Bà Nataliya cho biết thêm đã chính thức được Bộ Ngoại giao thông tin rằng Việt Nam sẽ đóng góp 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở Ukraine, sau thông báo của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1/5.

Số tiền sẽ được chuyển đến Ukraine thông qua các tổ chức quốc tế cụ thể : 100.000 USD thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của Liên Hiệp Quốc (CERF), 100.000 USD qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 100.000 USD - thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và 200.000 USD trực tiếp qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine.

Bà Nataliya cũng cho biết thêm, trước khi chính phủ Việt Nam chính thức hỗ trợ 500.000 USD, người dân ở Việt Nam cũng đã quyên góp gần 180.000 USD cho Ukraine.

"Đây là số tiền đã được chuyển vào tài khoản nhân đạo của Bộ Chính sách xã hội Ukraine, một số bệnh viện nhi lớn, quỹ từ thiện và các nhóm tình nguyện viên hỗ trợ nhân đạo trên toàn quốc các thành phố bị ảnh hưởng bởi chiến tranh", bà nói.

Nhà ngoại giao cấp cao của Ukraine ở Hà Nội cũng cho hay, Việt Nam cam kết ủng hộ các hoạt động quốc tế nhằm cứu trợ nhân đạo cho dân thường Ukraine kể từ đầu cuộc chiến. Điều này đã được các quan chức hàng đầu của Việt Nam và đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã đề cập nhiều lần.

"Chỉ là vấn đề thời gian để chốt được con số viện trợ thông qua các cấp liên quan. Bản thân tôi cũng là một công chức nên tôi hiểu cần bao nhiêu thủ tục khi liên quan đến ngân khố nhà nước. Các tổ chức dân sự không bị hạn chế bởi những thủ tục hành chính nên họ có thể phản ứng nhanh hơn".

Kỳ vọng ở Hội nghị Hoa Kỳ-ASEAN

Hội nghị đặc biệt cấp cao Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra tại thủ đô Washington trong hai ngày 12/5 và 13/5.

Bà Nataliya Zhynkina cho rằng, cuộc chiến Ukraine-Nga sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị này vì "Mọi ánh mắt trên thế giới đang tập trung vào Ukraine".

"Việc Nga xâm lăng Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đa chiều. Ngoài các vấn đề về làm hủy hoại nền hòa bình, gián đoạn kinh tế, an ninh lương thực bị đe dọa, giá nhiên liệu tăng cao và nhiều vấn đề khác, cuộc khủng hoảng ở Nga đã gây ảnh hưởng nhiều nhất đến những quốc gia có quan hệ sâu sắc với Nga và phụ thuộc vào sự hợp tác với Nga trong các lĩnh vực quan trọng của kinh tế và an ninh. Đây là những lĩnh vực mà ASEAN có thể phải xem xét kĩ lưỡng", bà nhận định.

Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam đánh giá Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN là sự kiện quan trọng vì các quốc gia và khu vực của thế giới hiện đại có sự liên kết cao và phải hợp tác với nhau để đối mặt những thách thức trong việc xây dựng một trật tự thế giới chống khủng hoảng.

"Chỉ có sự đoàn kết quốc tế và phản ứng chung mạnh mẽ trước hành động xâm lược nhằm vào các quốc gia có chủ quyền, mới có thể bảo vệ thế giới khỏi những mưu đồ xa hơn nhằm sử dụng vũ lực để vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

"Hơn nữa, hệ thống an ninh toàn cầu dựa trên tinh thần trách nhiệm của các Quốc gia hạt nhân với các cam kết của họ theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Một phần không thể thiếu của hệ thống an ninh này là Hiệp ước không vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á", nhà ngoại giao Ukraine nói.

Theo bà Nataliya Zhynkina, các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào các quốc gia phi hạt nhân hóa, đặc biệt là những quốc gia đã tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đang làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới an toàn cho tất cả mọi người.

"Trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới là phải trừng trị nghiêm khắc những mưu đồ như vậy để gìn giữ hòa bình cho cả nhân loại. Cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine càng kéo dài, cuộc khủng hoảng càng sâu sắc và những hậu quả nặng nề giáng vào mọi khu vực trên thế giới. Tôi hy vọng ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, một điều cần hiểu rõ : phản ứng khả thi duy nhất đối với hành động gây hấn là sự cô lập Nga trên trường quốc tế. Kẻ xâm lược không nên được ủng hộ và không có đồng tiền nào cho vũ khí giết hàng ngàn người trong cuộc chiến phi lý này", bà nhấn mạnh.

Bài toán của Việt Nam

Cho đến nay, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 5 năm qua, Việt Nam là khách hàng quân sự lớn thứ năm của Nga. Những vũ khí này sẽ không hoạt động nếu không có hỗ trợ kỹ thuật và nguồn cung cấp phụ tùng thay thế từ Nga.

Trước đó, nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương tại Đại học New South Wales, Úc nêu đánh giá với BBC News tiếng Việt :

"Những gì Việt Nam đang làm, từ việc biểu quyết ở Liên Hiệp Quốc đến tuyên bố viện trợ nhân đạo cho Ukraine là tương đối khéo léo. Việt Nam cân bằng được quan hệ với Nga vì Nga là đối tác an ninh quốc phòng cực kỳ quan trọng và khó có thể thay thế trong thời gian gần và rõ ràng Việt Nam coi Nga là đối tác chiến lược truyền thống", ông Phương kết luận.

Bài toán đặt ra cho Việt Nam là làm sao giữ được mối quan hệ chiến lược với Nga mà không phá vỡ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Trong bài viết trên Asiasentiel , cựu cán bộ ngoại giao Mỹ - ông David Brown viết :

"Giờ đây, Hà Nội không còn yên tâm về việc có trong

tay hệ thống vũ khí được chế tạo tại Nga. Trong tương lai gần, Việt Nam gần như không thể mua vũ khí từ Moscow mà không kích hoạt cái gọi là 'lệnh trừng phạt thứ cấp'. Hà Nội dường như đã hiểu ra điều đó. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý vào ngày 30/4 với Fumio Kishida, Thủ tướng mới của Nhật Bản, rằng "ở bất kỳ khu vực nào, việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là hoàn toàn không thể chấp nhận được".

"Ông Chính sẽ rất khôn ngoan nếu bày tỏ thiện cảm thực sự với Ukraine và thất vọng rằng Nga, một người bạn đáng tin cậy trong lịch sử đối với chế độ Hà Nội, đã "đi chệch hướng". Ông nên xác nhận một cách thẳng thắn và dứt khoát rằng Việt Nam đã dựa vào các hệ thống vũ khí mua từ Moscow để bảo vệ lợi ích của mình trước những phần tử liều lĩnh ở Bắc Kinh. Ông có thể nói đó là vấn đề mà ông hy vọng rằng Mỹ có thể giúp giải quyết", ông David Brown gợi ý.

Còn Tham tán chính trị Ukraine ở Việt Nam thì nhận định :

"Vì lợi ích ngắn hạn, có thể một vài nước vẫn bị cám dỗ tiếp tục việc giao thương với Nga như bình thường. Đồng thời, với chính sách trừng phạt quy mô lớn của các quốc gia hàng đầu thế giới nhằm vào Nga, về lâu dài những nỗ lực đó sẽ gây ra những hậu quả theo hệ thống một cách sâu sắc cho nền kinh tế của những nước vẫn dựa vào hợp tác với Nga và cho sự ổn định toàn cầu nói chung".

"Thay vào đó, việc từ bỏ quan hệ với Nga trong các lĩnh vực trọng yếu sẽ tạo điều kiện cho các dự án triển vọng mới trong việc hợp tác với các nền kinh tế dẫn đầu, các ngành đầu tư và cải cách. Bây giờ là lúc để các nước thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga để biến những thách thức hiện có thành cơ hội phát triển bền vững cho mọi quốc gia ASEAN", bà Nataliya Zhynkina đánh giá.

Về việc Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc trong việc lên án hành động Nga xâm lược Ukraine, bà cho rằng điều này chưa được hiểu đúng ở nhiều nơi, lẫn trong lòng Việt Nam. Bà nói mọi tuyên bố của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đều mạnh mẽ và rõ ràng, Việt Nam đồng thời không tán thành việc vi phạm luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực và đe dọa tấn công vũ lực, sát hại dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng.

Bùi Thư

Nguồn : BBC ; 11/05/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Thư
Read 279 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)