Cấm, kiểm duyệt và tác dụng ngược
Viết từ Sài Gòn, RFA, 10/05/2022
Mục đích của kiểm duyệt nhà nước độc tài là nhằm tìm ra những chi tiết bất lợi cho nhà độc tài và đi ngược với đường lối tuyên truyền của họ. Mục đích của cấm đoán, cắt bỏ sau kiểm duyệt nhà nước nhằm tránh phổ biến những gì có tính "phản động, đồi trụy…" theo tiêu chuẩn thẩm mỹ và nghệ thuật nhà nước. Nhưng, trong thời đại mạng xã hội phát triển, sự kiểm duyệt, cắt bỏ hay cấm đoán chỉ có tác dụng ngược và cho thấy rằng trình độ của cơ quan văn hóa nhà nước đang ở mức tối thiểu, kĩ năng cũng như khả năng thẩm thấu văn chương, nghệ thuật và sản phẩm văn hóa của các cơ quan này không theo đuổi kịp xã hội. Và, sự kiểm duyệt, cấm đoán có tác dụng ngược.
Hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được nhìn bằng một hiện thực khác
Chuyện tác dụng ngược trong kiểm duyệt, cắt bỏ và cấm đoán trong tác phẩm nghệ thuật, văn học, lịch sử, văn chương, thơ ca… tại Việt Nam đâu phải chỉ lần đầu. Nhưng khác với trước đây, nếu như những năm 1980, một tác phẩm bị kiểm duyệt, xem như tác giả đó bước vào đường hầm, và cái bóng tối u ám trong đường hầm đó chưa biết đến bao giờ chấm dứt, thậm chí tác phẩm bị kiểm duyệt thì kéo theo tác giả bị hạch sách và tiếp theo nữa là số phận của tác giả đến chỗ thê thảm không thể thê thảm hơn. Trong một số trường hợp, tác giả bị bắt bớ, tù đày, thậm chí mất mạng.
Nhưng đó là câu chuyện của thế kỉ trước, kể từ năm 2000 trở đi, sự kiểm duyệt của nhà nước còn gắt gao hơn, khủng khiếp và tàn bạo hơn, họ không dừng ở kiểm duyệt mà tổ chức theo dõi và thậm chí đàn áp, gây khó dễ với tác giả. Nhà nước không chỉ kiểm duyệt tác phẩm mà kiểm duyệt tác giả và kiểm duyệt cả các hoạt động văn hóa, văn nghệ của họ. Trường hợp kiểm duyệt hành vi của người nhận giải thưởng Văn Việt là một điển hình. Hầu như các tác giả từng đăng bài trên Văn Việt đều rơi vào tầm ngắm của an ninh văn hóa. Và các tác giả đoạt giải Văn Việt đều bị kèm cặp một cách gắt gao và vô lý. Không riêng gì nhà thơ Thái Hạo và nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy bị khống chế trong việc đi nhận giải, mà trước đó, các tác giả đoạt giải Văn Việt đều bị khống chế, họ có thể im lặng vì một lý do nào đó, và cũng có thể năm trước nhẹ tay hơn năm sau, hoặc giả có những thứ ràng buộc liên đới mà các tác giả bị khống chế phải ngậm đắng mà im lặng.
Nhưng, hầu như bất kì sự kiểm duyệt nào từ phía nhà nước chỉ mang lại đúng một hệ quả : Tác giả, tác phẩm bị kiểm duyệt trở nên nổi tiếng một cách bất ngờ, thậm chí, giả sử họ được lăng xê hết mức trong hệ thống truyền thông nhà nước, chưa chắc họ đã được nổi tiếng như đang có, tức là như sau khi họ bị tai nạn kiểm duyệt.
Có thể kể xa hơn một chút, những năm đầu thập niên 2000, nhóm thơ Mở Miệng ở Sài Gòn đã gặp nạn kiểm duyệt, họ phải sống lây lất, vừa sống vừa chạy trốn an ninh và nói đến mức độ khốn khổ mà họ đã trải nghiệm thì có vẻ như chẳng kém thời Nhân Văn Giai Phẩm, chỉ có khác chăng là họ đã nhờ vào công cụ internet nên mức độ khốc liệt dành cho họ cũng giảm được đôi phần. Và sau khi gặp nạn kiểm duyệt, Mở Miệng chính thức bước ra khỏi ranh giới quốc gia, họ trở thành một cái tên có tính quốc tế.
Gần đây, các cây bút như Thái Hạo, Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng nhanh chóng bước ra thế giới nhờ vào kiểm duyệt và khống chế. Và vô hình trung, sự kiểm duyệt, khống chế của nhà nước lại trở thành một bước lăng xê đáng kể cho các nghệ sĩ. Và, cũng qua sự kiểm duyệt của nhà nước, tác phẩm, sản phẩm nghệ thuật được quan tâm, được đánh vào tính hiếu kì cũng như được thẩm định, đánh giá chuyên môn một cách nghiêm túc hơn bởi các nhà phê bình độc lập. Song hành với việc này là gu thẩm mỹ của người thưởng ngoạn cũng được nâng tầm. Bởi hiệu ứng truyền thông phi nhà nước, bởi hệ quả của việc cấm và bị/được biến thành hiện tượng, bởi phép so sánh ngầm giữa tác phẩm được nhà nước công nhận, tung hô với tác phẩm bị nhà nước cấm đoán. Hay nói khác đi, tư duy mỹ học của con người được phát triển theo chiều kích mới, rộng mở và khoáng đạt hơn.
Theo RFA : "Một cuộc triển lãm tranh ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mới bị tạm dừng khi chưa kịp mở cửa hôm 7/5 vừa qua vì cơ quan văn hoá cho rằng một tác phẩm tham gia triển lãm có vấn đề.
Sự việc này xảy ra chỉ một tuần sau khi ca sĩ trẻ nổi tiếng Sơn Tùng M-TP bị Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du Lịch phạt 70 triệu đồng và buộc gở bỏ một video ca nhạc, với lý do tác phẩm này "tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".
Hai sự việc trên đã một lần nữa dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội tiếng Việt về đề tài muôn thuở ở xã hội Cộng Sản – biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ.
Khác với những lần kiểm duyệt trước, khi nạn nhân là những tác phẩm văn học hay nghệ thuật khác có hơi hướng chính trị hoặc đề cập đến các vấn đề xã hội được cho là nhạy cảm, lần này, những tác phẩm chịu kiểm duyệt lại khiến người ta bất ngờ bởi chúng không hề nhạy cảm.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, cho biết : "Lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu".
RFA : Trước khi xảy ra vụ việc kiểm duyệt đối với ca khúc "There’s no one at all" và bức tranh trận Điện Biên Phủ, xã hội Việt Nam cũng được phen tranh luận sôi nổi khi bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị bắt theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự vì các phát ngôn của bà này trên mạng xã hội.
Động thái trên cũng được nhiều người cho là một hành vi kiểm duyệt của chính quyền nhắm vào những tiếng nói gây ảnh hưởng đến uy danh của chế độ. Trên thực tế, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng thừa nhận rằng bà Hằng bị bắt là vì "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng".
Và lần này, sau văn chương, hội họa trở nên rầm rộ trong thị trường vốn dĩ rất rầm rộ của nó theo chỉ hướng chính trị. Và có gì đáng mừng hơn cho một ngành nghệ thuật khi độ quan tâm từ phía người thưởng ngoạn nhanh chóng tăng vọt, và vô tình, nó được gắn với yếu tính lịch sử, với số mệnh của nghệ thuật thời kiếm duyệt và độc đoán. Hay nói cách khác là nghệ thuật, hội họa cũng nằm trong chuỗi cọ xát, thậm chí gọt đẽo và bị đập những nhát búa kiểm duyệt, điều đó cho thấy rằng độ cứng của giá trị tác phẩm cao hơn so với độ rắn của kiểm duyệt. Và mọi tác động của kiểm duyệt nhà nước ngẫu nhiên trở thành thao tác đánh bóng cho tác phẩm trong thời đại mà tư duy nghệ thuật cũng như nhận thức của con người đã cởi mở và phát triển.
Có lẽ sẽ không bao Lâu nữa, Việt Nam sẽ xuất hiện "trăm hoa đua nở" nhờ vào cơ chế kiểm duyệt của nhà nước. Thậm chí mượn tay kiểm duyệt của nhà nước để phổ biến giá trị tác phẩm cũng là một cách ! Vì, càng bị/được kiểm duyệt và khống chế, người ta càng được đánh giá và nhìn nhận trung thực hơn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 10/05/2022
*******************
Câu chuyện lá cờ rách và ‘tự do nhảy nhót trong lồng’
Trân Văn, VOA, 09/05/2022
Sáng tác, sáng tạo trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam vẫn thế : Tốt – xấu, hay – dở, thành – bại không phụ thuộc vào khả năng của văn nghệ sĩ cũng như nhận thức, mức độ cảm thụ của công chúng mà lệ thuộc vào trình độ, thành ý của một số cá nhân có quyền xem xét – phê duyệt.
Bức họa khiến cuộc triễn lãm bị đình hoãn của Mai Duy Minh.
Bất kể cuối cùng, giới hữu trách quyết định như thế nào đối với việc trưng bày các bức họa của Mai Duy Minh về "Điện Biên Phủ" thì quyết định tạm hoãn mở cửa cuộc triển lãm này hôm 7/5/2022 vẫn là ví dụ minh họa hết sức sinh động về màu sắc, diện mạo của "tự do, dân chủ và thăng tiến nhân quyền" tại Việt Nam.
Mai Duy Minh từng được giới thiệu như một họa sĩ dám bỏ ra mười năm để chuẩn bị cho cuộc triển lãm vừa kể. Ngoài hai họa phẩm chính là "Điện Biên Phủ" và "Đại tướng Võ Nguyên Giáp", Mai Duy Ninh dự định trưng bày 86 họa phẩm khác cùng chủ đề trong hai tuần tại Nhà Bảo tàng của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.
Báo chí Việt Nam cho biết, Mai Duy Minh đã xin giấy phép triển lãm theo qui định hiện hành. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức thẩm định và đã cấp giấp phép tổ chức trưng bày từ 7/5/2022 đến 20/5/2022. Tuy nhiên chỉ ít phút trước giờ Mai Duy Minh mở cửa đón khách, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu "tạm dừng triển lãm".
Nghệ sĩ chỉ được quyền tự do nhảy nhót trong lồng chế độ xã hội chủ nghĩa mà thôi, không được làm khác
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giải thích, sở dĩ cơ quan này phủ nhận chính họ vì có "một số thông tin cho rằng một số bức tranh dễ gây hiểu lầm" nên cần "thành lập hội đồng thẩm định lại". Việc tổ chức "thẩm định lại" và công bố quyết định của "hội đồng thẩm định lại" được hứa là sẽ diễn ra "trong một thời gian gần nhất có thể" (1) !
Còn ông Nguyễn Đỗ Bảo – một trong những thành viên "Hội đồng Duyệt triển lãm" của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từng thẩm định các họa phẩm của Mai Duy Minh trước khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp giấy phép cho Mai Duy Minh triển lãm tại Nhà Bảo tàng Mỹ thuật thuộc Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội – giải thích cặn kẽ hơn : Lý do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hành xử bất nhất như vậy vì sáng 7/5/2022 (vài tiếng trước giờ khai mạc),Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãmthuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam có văn bản "yêu cầu xem xét lại triển lãm của Mai Duy Ninh" bởi… "lá cờ trong bức họa ‘Điện Biên Phủ’ rách quá" và "bộ đội trong bức họa này không đẹp" !
Ông Bảo không thèm giấu diếm sự bất bình đối với Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vì yêu cầu tạm dừng triển lãm mà "không chỉ ra sai ở chỗ nào" và "như thế là thiếu trách nhiệm". Riêng chuyện "cờ rách nhiều quá" và "bộ đội không đẹp" thì "bảokhông có vấn đề cũng được mà bảo có vấn đề thì cũng được".
***
Trong sự kiện này có vài điểm đáng chú ý, sáng 7/5/2022 – trước khi Mai Duy Minh mở cửa triển lãm đón khách – một số cơ quan truyền thông đã giới thiệu cuộc triển lãm này kèm nhận định của một số nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, họ xem "lá cờ rách" và "bộ đội không đẹp" trong họa phẩm Điện Biên Phủ là những yếu tố vừa mới, vừa đắt.
Chẳng hạn ông Vũ Duy Thông – làm việc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên nghiên cứu phê bình mỹ thuật - bảo với tờ Tuổi Trẻ :Hình tượng người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn, những người nông dân gầy gò, hình thể nhuốm đầy khói súng rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây(2)...
Có thể viên chức hữu trách nào đó ở Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cảm thấy ngứa mắt, ngứa tai sau khi tình cờ đọc được những nhận định như thế nên lập tức soạn văn bản, gửi cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, yêu cầu Mai Duy Minh tạm dừng mở cửa triển lãm để tổ chức "thẩm định lại" những yếu tố mới được khen là vừa đắt, vừa mới ấy !
Mai Duy Minh vốn chỉ có một họa phẩm "Điện Biên Phủ" để trưng bày trong cuộc triển lãm dự kiến sẽ đón khách hôm 7/5/2022. Chắc chắn không có văn bản pháp quy nào định lượng về tỉ lệ quốc kỳ được phép rách trong lĩnh vực mỹ thuật nên với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, họa phẩm này không có vấn đề nhưng với Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm thì có !
Đến giờ, sáng tác, sáng tạo trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung tại Việt Nam vẫn thế : Tốt – xấu, hay – dở, thành – bại không phụ thuộc vào khả năng của văn nghệ sĩ cũng như nhận thức, mức độ cảm thụ của công chúng mà lệ thuộc vào trình độ, thành ý của một số cá nhân có quyền xem xét – phê duyệt.
Chẳng riêng văn nghệ sĩ bị buộc phải lệ thuộc vào một số cá nhân như thế mà ngay cả công chúng cũng chỉ có thể thưởng thức nếu những cá nhân ấy cho phép được giới thiệu, được phổ biến. Đâu phải tự nhiên mà thỉnh thoảng lại có chuyện trên cho dưới không cho hay ngược lại. Hoặc nơi này bật đèn xanh, nơi kia mở đèn đỏ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/05/2022
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/yeu-cau-tam-dung-trien-lam-hoi-hoa-dien-bien-phu-2022050719405393.htm
(2) https://tuoitre.vn/10-nam-ve-chien-thang-dien-bien-phu-20220507092336419.htm