Nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá.
Phải chịu định hướng chính trị
Ông Ngô Trí Long, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá. Nhưng hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nhà nước nắm thị phần thống lĩnh, nên không thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định.
Đánh giá về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, ông Long cho rằng việc điều hành giá cần có phương án để tiệm cận giá thế giới.
"Trong điều hành giá chúng ta không nên dùng quá nhiều các biện pháp can thiệp vào thị trường. Với xăng dầu phải điều hành theo sát giá thị trường thế giới. Nếu khoảng cách giữa hai kỳ điều chỉnh giá quá dài, dẫn đến lệch pha, không theo kịp với diễn biến giá xăng dầu thế giới", ông Long nói.
Sự lúng túng của yêu cầu "cơ chế thị trường đúng nghĩa" trong bối cảnh "định hướng xã hội chủ nghĩa" với nền kinh tế ở Việt Nam như nhận xét của ông Ngô Trí Long cho thấy rất có thể đây là duyên cớ khiến Việt Nam khó thể quản trị quốc gia "bình thường" như các chính phủ khác.
Quản trị bằng thuế và an sinh
Ngày 30/5, Hãng tin Reuters cho biết giá dầu Brent tăng lên mức 120 USD/thùng trong khi giá dầu trên thị trường Mỹ ở ngưỡng 116 USD/thùng.
Để giảm gánh nặng hóa đơn cho người dân, nhiều quốc gia ở phương Tây đã áp dụng nhiều chính sách tiêu tốn hàng tỉ USD từ khống chế mức tăng giá, giảm thuế và trợ giá nhiên liệu cho đến phát tiền cho người dân.
Giữa tuần trước, Chính phủ Anh đã công bố gói chính sách trị giá 15 tỉ bảng (19 tỉ USD) và đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng để kìm giá xăng dầu.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho người dân, nhất là các gia đình nghèo. Khoảng 8 triệu hộ dân Anh sẽ nhận trực tiếp khoản tiền hỗ trợ chi phí sống ít nhất 1.200 bảng (khoảng 1.500 USD) vào tài khoản ngân hàng. Trước đó, chính quyền Anh đã công bố gói hỗ trợ 22 tỉ bảng vào đầu năm nay.
Ông Sunak cũng công bố một khoản "thuế lợi nhuận" tạm thời 25% đánh vào lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng, trong khi vẫn khuyến khích đầu tư. Khoản thuế này dự kiến thu về 5 tỉ bảng trong một năm, phần nào bù đắp vào gói hỗ trợ tài chính cho người dân.
Bộ trưởng Sunak khẳng định chính phủ sẽ đánh thuế công bằng, tránh làm ảnh hưởng đến đầu tư và thuế sẽ được bỏ sau khi giá dầu, khí đốt hạ nhiệt trở lại.
Dù khoản thuế này khiến các công ty năng lượng phải trả mức thuế từ 40% lên 65% từ ngày 26-5, ông Sunak cho rằng các công ty này vẫn kiếm lợi nhuận "khủng", trong khi người dân đang chịu tác động từ giá nhiên liệu. Theo ông, hệ thống thuế vẫn tạo ra động lực cho các công ty tái đầu tư lợi nhuận. "Công ty đầu tư càng nhiều thì họ càng trả ít thuế", ông Sunak nhấn mạnh.
Thế nhưng Việt Nam lại không thể "bắt chước", dù là quốc gia xuất khẩu dầu thô. Lý do rất đơn giản, vì các công ty cho đến tập đoàn dầu khí đều "khoác áo" là doanh nghiệp nhà nước, với vô số "mối quan hệ" ngầm được gọi là "lợi ích nhóm", và tất cả lại đặt trong thực tế quản trị quốc gia không hề phải chịu sức ép cạnh tranh nào về nhiệm kỳ của đảng chính trị.
Cạnh tranh chính trị sẽ là đòn bẩy quản trị quốc gia
Các tin tức liên quan có thể điểm qua ở đây để thấy lợi ích từ cạnh tranh quyền quản trị quốc gia giữa các đảng phái chính trị.
Ví dụ như tại Philippines, các nhà kinh tế đã có nhiều góp ý cho chính phủ để giảm tác động từ xăng dầu, đánh vào 3 yếu tố bao gồm : giảm thuế, trợ giá và làm việc từ xa. Cụ thể, thuế xăng dầu sẽ giảm theo tỉ lệ phần trăm nhất định nếu giá xăng dầu thế giới đạt các mốc 85-90-100 USD/thùng. Khi giá ổn định, chính phủ có thể khôi phục mức thuế cũ.
Nhà kinh tế trưởng Michael Ricafort từ Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal – một trong những ngân hàng toàn cầu lớn nhất ở Philippines – giải thích rằng tăng trợ giá cho giao thông và nông nghiệp là biện pháp can thiệp "dễ chấp nhận nhất", giúp giảm thiểu tác động lạm phát.
Tại Thái Lan, vào cuối tháng 3 đã công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng cao như duy trì giá bán lẻ dầu diesel ở mức 30 baht/lít (20.400 đồng) cho đến cuối tháng 4 nhờ quỹ bình ổn xăng dầu. Sau đó, Chính phủ Thái Lan trợ giá 50% cho mức tăng giá nhiên liệu.
Chính phủ của ông Prayuth cũng cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Ngoài ra, người dân Thái cũng được nhận phúc lợi : được tăng trợ cấp tiền mặt lên 100 baht/tháng (từ mức 45 baht) và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn.
Các cơ quan chính phủ Thái Lan cũng được yêu cầu tìm cách giúp đỡ những người nông dân đang bị ảnh hưởng bởi chi phí phân bón và thức ăn gia súc tăng cao trước mùa gieo trồng mới, giảm tiền điện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 cho người tiêu dùng…
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 31/05/2022