Học sinh bị đánh tại Trường quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh : 'Cách hành xử chưa văn minh’ ?
Trần Thu Hà, BBC, 03/06/2022
Trong nhiều năm nay, bạo lực học đường là một trong những vấn đề được xã hội Việt Nam quan tâm khi tình trạng bạo lực được đánh giá là ngày càng "nhiều hơn" với mức độ "nghiêm trọng" hơn.
Cựu biên tập viên báo Hoa Học Trò – Trần Thu Hà
Mới đây, dư luận Việt Nam lại một phen 'dậy sóng' với vụ việc đánh nhau giữa các học sinh thuộc Trường quốc tế American Academy (International School Hochiminh City – American Academy - ISHCMC-AA) ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào ngày 26/5.
Đáng chú ý, phản ứng sau vụ đánh nhau đã được một phụ huynh live stream trên Facebook khi đến gặp nhà trường để giải quyết vụ việc, thu hút người xem và bình phẩm.
Ngày 28/5, Bộ Giáo dục và đào tạo có Công văn gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị xử lý vụ việc trong Trường quốc tế American Academy.
Đến ngày 02/6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và đào tạo về vụ việc, theo đó Trường ISHCMC-AA đã nhìn nhận một phần trách nhiệm do chưa theo dõi sâu sát học sinh cả về mặt học tập và tâm lý lứa tuổi, để xảy ra vụ việc bạo lực giữa học sinh trong trường.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng bày tỏ lo ngại việc các bên liên quan có xu hướng lạm dụng truyền thông và các phương tiện trực tuyến thực hiện thái độ hoặc hành vi kích động bắt nạt trực tuyến bằng cách phát tán một số thông tin cá nhân của trẻ em (học sinh) như là địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân của các em học sinh, theo báo chí tại Việt Nam.
BBC News tiếng Việt phỏng vấn qua điện thoại bà Trần Thu Hà, cựu biên tập viên báo Hoa Học Trò về vụ việc tại trường ISHCMC-AA, cũng như tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam.
BBC : Liên quan tới vụ việc gây xôn xao dư luận Việt Nam, xảy ra tại Trường quốc tế American Academy ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/5 vừa qua, bà có bình luận gì ?
Trần Thu Hà : Tôi hiểu được sự bức xúc của cô Thủy Bi, vì là bản năng của người mẹ khi mà con mình bị bắt nạt như thế thì bức xúc cũng là chuyện bình thường thôi. Nếu trong trường hợp đó mình cũng bức xúc.
Tuy nhiên, có một số cách làm của cô ấy, tôi không đồng ý lắm. Điều mình cảm thấy buồn là cách xử lý rất là lớn tiếng, rất ồn ào, không đúng pháp luật như vậy của cô Thủy Bi lại được nhiều người tung hô và khen đến như vậy.
Cái đó mình cảm thấy ngạc nhiên và buồn hơn, chứ còn chuyện một người mẹ có con bị bắt nạt và người mẹ đó cáu lên chửi ầm ĩ thì đó là chuyện mình cũng gặp nhiều rồi.
Mình cảm thấy việc này là mọi người đang ủng hộ việc chửi bới, thóa mạ người khác và bạo lực với một đứa trẻ, dù có thể theo cách nhìn của cô ấy là nó sai, nhưng việc mình công khai tất cả thông tin của em học sinh đó lên mạng như vậy và hô hào cho mọi người vào "đập chết" nó đi là không đúng.
Phụ huynh học sinh liên quan đến vụ bạo lực live stream trên mạng xã hội khi đến trường quốc tế American Academy gặp giáo viên (Ảnh chụp màn hình).
Qua hành xử này mình càng cảm thấy chúng ta đi sau các nước văn minh xa quá đi. Ở những nước khác mình thấy mọi người, nhất là nhà trường và phụ huynh rất tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em và người khác.
Nhưng trong sự ủng hộ này của mọi người mình cảm thấy tất cả những điều đó rất là xa. Tại vì đa số người ủng hộ họ đều làm ngược điều đó hết, họ rất là bất chấp và mong được trả đũa bằng bạo lực, chửi thầy, chửi trường rồi yêu cầu trường phải mở cửa để cho phụ huynh này gặp phụ huynh kia để đôi co, cãi nhau ba mặt một lời cho nó xong. Theo mình, cách đó không văn minh.
Cách xử lý của nhà trường và Bộ Giáo dục và đào tạo có đúng ?
BBC : Ngày 28/5, Bộ Giáo dục và đào tạo có Công văn số 2217/BGDĐT-GDCTHSSV gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo xử lý vụ việc trên. Bà có cho rằng đây là việc làm đúng đắn ?
Trần Thu Hà : Việc đề nghị các bên tường trình hoặc giải quyết là việc làm đúng, nhưng cái cách ra quyết định đó mình có cảm giác như nó không đứng về phía nhà trường và không nhằm hạn chế việc phụ huynh đang bạo lực lên học sinh, lên nhà trường.
Trong vụ này mình thấy có nhiều bên đang bạo lực lên nhau. Ví dụ, đầu tiên là các học sinh bạo lực với nhau, sau đó là phụ huynh bạo lực lên học sinh và nhà trường.
Và mình cảm giác công văn đó đang hùa vào một chút, nó đang làm cho việc này trở lên kịch tính hơn, ồn ào hơn. Thì cái đó làm cho mình cảm thấy hơi e ngại.
Việc đó lẽ ra không cần đến mức phải ồn ào lớn đến như vậy. Tất cả vụ xô xát của trẻ em lẽ ra đều có thể giải quyết bằng cách ôn hòa.
Cá nhân mình thấy cách xử lý của nhà trường không có sai, nhà trường làm như thế là đúng khi mà ngăn không cho phụ huynh gặp nhau cãi nhau, và cũng ngăn không cho phụ huynh gặp đối chất với em học sinh kia.
Bạo lực học đường ở Việt Nam ngày xưa và bây giờ
BBC : Có quan điểm cho rằng ngày xưa học sinh thỉnh thoảng 'động thủ' với nhau là chuyện bình thường của tuổi học trò, nhưng không gây ồn ào như bây giờ đến mức trở thành bạo lực học đường. Vụ việc ở trường American Academy, theo bà có phải là bạo lực học đường hay không ?
Trần Thu Hà : Với mình, việc đánh giá bạo lực học đường không phải là rách bao nhiêu centimet, chảy bao nhiêu máu. Mình không nghĩ như vậy. Theo mình, vụ việc này cũng đã là bạo lực học đường rồi.
Nếu cho rằng ngày xưa trẻ con đánh nhau nhiều thì kệ bây giờ cứ cho chúng nó đánh nhau đi, đánh nhau là bình thường, thì chuyện đó không phải. Mình không đồng ý như vậy.
Bởi vì, có những vụ đánh nhau mà sau đó không được giải quyết thì trẻ em trở lên bị tổn thương rất nhiều, thậm chí nếu mà cứ ép một học sinh phải nhịn những học sinh khác thì mình đã chứng kiến có học sinh phải tự tử vì sợ hãi khi bị bắt nạt và bạo lực.
Thậm chí bắt nạt đó không xảy ra về mặt thân thể, tức là không bị đánh mà chỉ bị bắt nạt cô lập thôi. Người lớn thậm chí còn không nhận ra, tại vì không nhìn thấy máu chảy, không nhìn thấy vết thương nào phải băng bó cả.
Nhưng đối với trẻ em thì nó đã rất là tổn thương và trẻ em cảm thấy môi trường đã không còn an toàn nữa. Và có em đã phải tìm tới cách tự tử để trốn thoát khỏi môi trường nguy hiểm đó.
Vậy thì Hà thấy rằng cứ môi trường nguy hiểm và có bạo lực thì là bạo lực học đường rồi.
Tuy nhiên, cách xử lý với bạo lực học đường thì có rất nhiều cách khác nhau, làm sao để cho nó hòa bình và an toàn cho nhiều bên và an toàn lâu dài, chứ không phải là mình cứ theo kiểu ăn miếng trả miếng, nợ máu trả máu.
Việc xã hội ngày càng trầm trọng hóa hiện tượng này lên cũng là chuyện bình thường. Đối với Hà, nó còn thể hiện sự văn minh nữa bởi vì nó cho thấy càng ngày người ta càng coi trọng sự an toàn về thân thể, về tinh thần của học sinh ở môi trường học đường hơn, càng ngày người ta càng trân trọng quyền con người hơn.
Cho nên, có những vịệc ngày xưa cảm thấy là chuyện bình thường nhưng bây giờ trở thành chuyện lớn hơn, thì Hà thấy rằng có những cái là chuyện tốt chứ không phải cứ cái gì làm àm ĩ hơn đều là chuyện xấu cả.
BBC : Bà đánh giá thế nào về tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam hiện nay ? Giải pháp cho vấn đề này là gì ?
Trần Thu Hà : Ngày xưa cũng có rất nhiều chuyện bạo lực học đường, nhưng ngày đó tôi không quan tâm nên không đọc được, và ngày xưa internet chưa có và thông tin không dễ dàng như bây giờ.
Nhưng bây giờ do có mạng xã hội, có internet, truyền thông quá tốt nên chỉ cần một nhóm học sinh trong Sài Gòn đánh nhau là cả nước biết. Cho nên mình sẽ cảm thấy bạo lực học đường rất là nhiều.
Ngoài ra, không ngoại trừ việc sau thời gian Covid-19 khi mà học sinh phải ở nhà quá lâu nên em trở nên căng thẳng, dễ nóng giận hơn.
Theo cảm nhận chủ quan, đúng là bây giờ bạo lực học đường nhiều hơn và có vẻ nghiêm trọng hơn, tệ hơn.
Khi còn làm việc cho báo Hoa Học Trò mình hay phải đối diện với những vụ lộ clip một nhóm nữ sinh lao vào đánh đấm nhau, xé quần xé áo nhau. Thì mình cảm thấy những cái đó rất là kinh khủng, cực kỳ sợ hãi luôn.
Cảm giác những việc mà nhà trường, Bộ Giáo dục và đào tạo và cả xã hội làm vẫn chưa đủ. Tại vì hiện tượng này vẫn xảy ra, bất kỳ phụ huynh nào cũng rất sợ hãi khi xem những clip đó, và họ luôn luôn đặt câu hỏi là liệu con mình sẽ rơi vào trường hợp đó không và nếu rơi vào thì sẽ như thế nào.
Và tôi nghĩ rằng việc nhiều người ủng hộ những livestream của cô Thủy Bi một phần cũng vì những nỗi lo sợ rằng nếu không dập tắt được những vụ bạo lực học đường này ngay từ bây giờ thì ngày sau nó sẽ nhân lên nhân lên và tới lượt con họ sẽ rơi vào.
Tuy nhiên, tôi lại có một cách nghĩ khác là không phải dập đi bằng cách đó, dù tôi hiểu được nỗi lo của các phụ huynh.
Khi đã là bạo lực thì tất cả các bên đều thiệt hại, bên bị đánh thiệt hai, bên đánh cũng thiệt hại, cả người đứng xem và tung hô những chuyện đó cũng thiệt hại luôn, bởi vì rõ ràng họ đang hướng tới những cái không tử tế, không tốt đẹp gì cả khi mà họ tung hô chuyện để cho hai bên chiến nhau như vậy.
Nguồn : BBC, 03/06/2022