Phó thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái nói cần làm "rất thận trọng để tránh sơ suất, trách nhiệm sau này vì mức độ "phức tạp và số tiền lớn" của gói phục hồi kinh tế 350 ngàn tỷ VND (hơn 15 tỷ USD) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1/2022.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 2/6/2022.
Ông Khái đưa ra bình luận tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội trong bối cảnh một số đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế tới giờ vẫn chưa được giải ngân.
Ông Khái mô tả một số văn bản, chính sách ban hành chậm do chương trình, chính sách thuộc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế rất phức tạp, cần phối hợp giữa các bộ, ngành.
"Một số chính sách đã thực hiện trước đây có những việc làm chưa tốt, còn vướng mắc, nên các bộ, ngành và Chính phủ rất thận trọng để tránh sơ suất và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn," ông Khái được VnExpress dẫn lời.
Được biết Chính phủ Việt Nam quyết định tung ra gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng để khắc phục hậu đại dịch theo đó 46.000 tỷ đồng (2 tỷ USD) để mua vaccine, trang thiết bị y tế.
Số dư còn lại khoảng 301.000 tỷ đồng, được chia thành hai khoản chi chính 125.000 tỷ đồng (5,4 tỷ USD), gồm khoản chi cho miễn, giảm thuế, hỗ trợ người lao động thuê nhà, hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mạ) và 176.000 tỷ (hơn 7.6 tỷ USD) thuộc về đầu tư công.
Như vậy gói đầu tư công chiếm khoảng 50% gói hỗ trợ kinh tế 15 tỷ USD.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Hà Nội nói về một số thách thức trong việc triển khai gói đầu tư công này.
"Trong lúc có khó khăn thế này đầu tư được cho là mảng rất nóng bỏng bởi nó có thể giúp cho tăng trưởng. Đặc biệt là các hệ thống giao thông yếu kém tại Việt Nam, chưa liên kết các vùng miền một cách tối ưu.
"Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thị sát nhiều khu vực và phải thúc tận nơi, thiếu cái gì là phải đốc thúc ngay. Trước đây nhiều mỏ đất đá để phục vụ cho giải nền làm đường thì người ta tư nhân hóa hết rồi, tức là cho các tư nhân đấu thầu, mà đầu tư công về hạ tầng thì cần những cái đó. Thế thì không thể đến đó mà đào được mà phải có thỏa thuận, trong bối cảnh giá tăng lên.
"Một vấn đề nữa của chống tham nhũng là khi làm mạnh thì người ta sẽ ì ra, không làm nữa, làm đóng băng bộ máy làm trì trệ mọi việc, viện vào lý do không giải ngân, chậm tiến độ… tức là phụ thuộc vào ý thức chủ quan của các quan chức cấp địa phương. Ít nhiều thì họ đều "dính chàm" cả mà làm nữa thì lại phải "xếp hàng giải trình".
"Hồi cuối tháng Tư năm nay Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập 6 tổ công tác trong đó có thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong đó có 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng trực tiếp phụ trách.
"Tôi thấy trong nhiệm kỳ này rất nhiều các ban bệ nhưng cách làm này theo tôi không nên kéo dài. Làm sao phải để nó tự vận động từ bên dưới chứ nếu cứ ép mãi từ bên trên tôi nghĩ sẽ không bền được," ông Thọ nói với BBC qua điện thoại.
Trước đó trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC tiếng Việt hồi họp Hội nghị Trung ương 5, ông Phạm Quý Thọ nói phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid thì "không thể hô hào được mà phải có tiền" nhưng ông nói khá lo ngại về gói kích thích nền kinh tế mà Chính phủ triển khai để hỗ trợ thời hậu Covid.
"Chúng ta nhớ lại khoảng 10 năm trước đã từng có việc bơm tiền rất nhiều vào nền kinh tế dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó bơm 241 ngàn tỉ VND là số ít hơn bây giờ nhiều nhưng đã làm nền kinh tế điêu đứng.
"Tất nhiên là có đường lối chung của Đảng nhưng các quan chức được "nuông chiều" quá mức. Tại Việt Nam khi nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng vẫn giữ cái toàn trị thì muốn làm ăn được thì phải có quan hệ với quan chức."
"Nguyên nhân là do tiền chảy không đúng địa chỉ, nó chảy qua ngân hàng rồi các doanh nghiệp nhà nước rồi các quan chức quản lý cấp thấp hơn. Khi đội ngũ này suy thoái như thế mà được ẩn nấp và che đậy bởi chính đặc quyền đặc lợi của nó thì nó làm cho nền kinh tế điên đảo mà tôi vẫn gọi đó là "thập niên mất mát của nền kinh tế Việt Nam."
"Bởi vậy nên tôi rất lo ngại chúng ta nếu không cẩn thận lại quay lại thập niên mất mát với quan chức tiếp tục tham nhũng khi anh bơm tiền vội vàng ra ra nhưng lại bơm vào những chỗ để quan chức đầu cơ kiếm lời," ông Phạm Quý Thọ nói với BBC.