Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/06/2022

Sách giáo khoa tăng giá : Do giấy tốt hay nội dung tốt ?

BBC tiếng Việt

Thông tin sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ và giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đang gây ồn ào trong dư luận Việt Nam.

sach2

Trong giờ ra chơi tại một trường Trung học cơ sở ở miền Trung Việt Nam

Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về các bất cập trong đổi mới sách giáo khoa tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội hôm 25/5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích là do sách được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, theo báo Lao Động .

Ông Sơn cũng giải thích thêm rằng quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính, theo truyền thông Việt Nam.

Phát biểu của ông bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã làm dấy lên những tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Trong đó, nhiều băn khoăn tập trung vào vấn đề liệu tăng giá sách giáo khoa Việt Nam có tương xứng với chất lượng hay không.

BBC News tiếng Việt phỏng vấn thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học phổ thông Thường Tín, Hà Nội, người từng lên tiếng về gian lận thi cử ở Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội), Thạc sĩ nghệ thuật thị giác, Đại học Melbourne, Úc, bà Hoa Nguyễn và dịch giả Nguyễn Việt Long, hiện sống tại Hà Nội.

sach0

BBC : Đánh giá của quý vị về phản ứng của dư luận đối với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn rằng "sách giáo khoa mới đắt hơn vì khổ lớn hơn, giấy tốt hơn" ?

Hoa Nguyễn : Tất nhiên xã hội là đa chiều, vẫn có một số người ủng hộ quan điểm này, bất ngờ là trong đó có một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Tôi đặc biệt quan tâm đến ý kiến của các thầy cô giáo và nhận thấy rằng họ thực sự bức xúc. Những chuyên gia giáo dục hàng đầu Việt Nam cũng đã lên tiếng. Họ chỉ rõ những câu hỏi và bất cập trong dự án GPE-VNEN (Mô hình trường học mới Việt Nam) đã nhận được 84,6 triệu đô la Mỹ của Liên Hiệp Quốc trong đó có 1,78 triệu đô cho sách giáo khoa thì tại sao sách mới lại phải đắt hơn ba lần.

Tôi quan sát thấy một số thầy giáo, trên mạng xã hội, nêu ý kiến về việc in thêm các sách mà họ cho là 'không cần thiết'. Chẳng hạn có ý kiến nói rằng các NXB đã 'bôi ra' thêm sách không cần thiết, từ 1 cuốn sách giáo khoa thành 4 cuốn, những cuốn sách dạy cho học sinh không có tên tác giả, sách phân phối độc quyền theo hệ thống ngành dọc quản lý, khép kín, đơn vị độc quyền phát hành sách VNEN là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội...

Nguyễn Việt Long : Giải thích của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chỉ nêu một trong những lý do khiến sách giáo khoa mới đắt hơn chứ không phải lý do chủ yếu hay duy nhất. Báo giật tít để tăng lượng độc giả truy cập nhưng mạng xã hội, thậm chí một số đại biểu quốc hội có thể không đọc kỹ toàn bộ nội dung phát biểu và không suy ngẫm kỹ (ngay cả một số báo cũng không nêu các lý do khác) nên đã có phản ứng kiểu "dân túy", chạy theo xu hướng đang mốt hiện nay là phê phán khi chưa thấu đáo sự tình.

BBC : Nếu có loại giấy tốt đến thế thì cũng không khó biết tên loại giấy đó là gì. Nên giải thích như thế nào về việc này ?

Đỗ Việt Khoa : Như tôi được biết thì ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời giá sách giáo khoa đắt là do nhiều yếu tố, nhưng báo chí nhấn mạnh câu nói "sách giáo khoa mới đắt hơn vì khổ lớn hơn, giấy tốt hơn".

Khổ giấy to hơn thì số trang sẽ giảm đi. Giấy in sách giáo khoa mấy năm trước tốt rồi, đẹp rồi, không lẽ năm nay nó cực tốt. Cái này phải đợi vài tháng nữa họ in xong mới biết giấy gì.

Trên thực tế thì giá cả hàng hóa nhiều thứ năm nay đắt hơn trước rất nhiều. Nếu giá sách giáo khoa tăng thì phải chấp nhận, đó là kinh tế thị trường. Tuy nhiên tăng giá gáp 2-3 lần năm trước thì đúng là phi lý, dư luận sẽ lên tiếng thôi.Hoa Nguyễn : 

Chỉ biết bật cười trước phát biểu này vì tất cả chúng ta đều hiểu nó hoàn toàn không có chức năng giải thích.

Nguyễn Việt Long : Giấy tốt hơn, kích thước lớn hơn không phải là nguyên nhân chính cho việc giá sách cao hơn sách của chương trình cũ 2 - 3 lần. Yếu tố chính là Nhà nước không còn bao cấp cho việc soạn sách mà các đơn vị kinh doanh phải bỏ tiền thuê các tác giả có uy tín và kinh nghiệm soạn sách, tự hạch toán và trang trải chi phí, cộng với một khoản lãi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Bản thân tôi thấy giá bộ sách không cao so với mặt bằng giá, khi mà tiền thù lao cho các tác giả cũng nằm trong đó.

BBC : Một trong những lý do sách giáo khoa mới giá đắt được nêu là do sách có thể dùng lại cho các năm học sau. Quý vị có ý kiến gì về vấn đề này ?

Hoa Nguyễn : Kể từ năm 1979 đến nay đã có 3 cuộc cải cách sách giáo khoa. Lần gần đây nhất là năm 2018, được đánh giá là chưa có lần nào mà cải cách có "nhiều thị phi rối rắm" như vậy. Thời gian không phải là vấn đề, mà vấn đề là sự cải cách.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện cuốn chiếu. Năm học 2020-2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Thế nhưng, chỉ sau gần hai năm triển khai thì những bất cập, hạn chế đã xảy ra. Trong đó có việc sách giáo khoa hiện có nhiều sạn. Do đó năm sau thường có chỉnh sửa và tái bản. Như vậy có nghĩa năm sau không thể dùng sách của năm trước.

Đỗ Việt Khoa : Từ trước đến nay, đa số sách giáo khoa đều được dùng lại nhiều năm, trừ một số ít sách tiểu học dành cho trẻ làm bài tập vào đó. Do vậy không phải nghi ngờ chuyện đó. Tôi đã tiếp xúc với vài bộ sách giáo khoa cấp Trung học phổ thông thì thấy rõ ràng điều đó, sách dùng lại được cho nhiều năm.

Điều đáng lo ngại nhất là về nội dung sách giáo khoa mới còn có chỗ sẽ phải điều chỉnh, sẽ dẫn đến việc phải tái bản hiệu chỉnh thậm chí phải thay một số cuốn sách giáo khoa. Cứ đợi một năm nữa sẽ biết rõ hơn.

Vấn đề đáng bàn là có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau do các nhóm chủ biên khác nhau được phát hành, thay vì chỉ có một bộ duy nhất như trước kia. Học sinh chuyển từ nơi này sang nơi khác có thể phải mua bộ sách giáo khoa mới vì mỗi địa phương sẽ chọn một bộ sách giáo khoa riêng cho mình.

Khá là rắc rối. Cái này lỗi cũng một phần do dư luận đòi xóa bỏ độc quyền một bộ sách giáo khoa.

Nguyễn Việt Long : Lo ngại không có gì chắc chắn giữ nguyên nội dung sách trong dăm năm, theo tôi là không có cơ sở qua cả thực tiễn lẫn lý thuyết. Mỗi lần cải cách (kèm theo sự thay đổi sách giáo khoa) là một lần huy động lực lượng, tập hợp đội ngũ, qua nhiều khâu chuẩn bị, phê duyệt ý tưởng, chương trình, tiến hành thử nghiệm… nên kinh phí không nhỏ, thời gian cũng kéo dài. Lần sau có kinh nghiệm và chỉn chu hơn lần trước, nhắm cái đích dài hơn, xã hội ổn định hơn trước, chi phí cũng tăng lên, thì thời gian sử dụng sách sẽ càng phải dài ra.

BBC : Phương Tây có câu : "Don't judge a book by its cover", nghĩa là đừng đánh giá một quyển sách qua cái bìa của nó. Theo ông giá trị của một bộ sách giáo khoa là gì ?

Nguyễn Việt Long : Đúng là đánh giá một quyển sách không chỉ qua cái bìa của nó, nhưng cái bìa cũng là bộ mặt bề ngoài, góp phần gây thiện cảm khi tiếp xúc lần đầu tiên.

Sách giáo khoa được soạn bám theo mục tiêu, chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông của quốc gia, nên phải góp phần thực hiện thành công những chuẩn mực đó. Như vậy, sách giáo khoa phải có tính thực hành cao, cùng với giáo viên phải hướng dẫn phương pháp tư duy hơn là nhắm vào kiến thức hàn lâm đơn thuần mà ít gắn với thực tiễn.

Đỗ Việt Khoa : Nội dung sách giáo khoa lâu nay được dư luận bàn tán rất nhiều. Phổ biến nhất là nội dung muôn toán quá nặng nề, cần giảm bớt. sách giáo khoa mới có giảm, nhưng chỗ giảm ấy họ đi lướt qua. Ví dụ tôi có đọc sách giáo khoa toán lớp 10, thấy vẫn có 3 đường conic, dù dạy lướt, thay vì bỏ hẳn.

Nay mai những thứ nặng nề của nguyên hàm, tích phân liệu có bỏ hẳn hay vẫn đưa vào thì do cái chỉ đạo của Bộ Giáo dục Đào tạo cả. sách giáo khoa môn địa lí lớp 10 thì nội dung cơ bản vẫn như cũ, không nhẹ hơn sách giáo khoa cũ. Những môn khác tôi không thể đánh giá hết được.

Hoa Nguyễn : Ở Mỹ và Úc, hàng năm đều có những hội thảo về vai trò của sách giáo khoa trong giáo dục. Họ để học sinh tham gia các khảo sát. Nhưng ngay cả ở Mỹ, theo một bài báo nghiên cứu của Washington Post thì vai trò của sách giáo khoa ngày càng kém hiệu quả.

Lỗi là do sách giáo khoa kể cả cải tiến, cũng không giúp cải thiện nhiều thành tích của học sinh.

Vì thế, Phần Lan, nơi có nền giáo dục tốt nhất thế giới đã làm một điều ngoạn mục. Mặc dù sách giáo khoa và sách làm bài tập được chú trọng ở Phần Lan, nhưng họ để mỗi giáo viên có toàn quyền tự chủ; quyết định là của giáo viên về cách giảng dạy dựa trên bất cứ điều gì tốt nhất cho học sinh.

Sau trao đổi với ba vị khách nêu trên, được biết, một số đại biểu quốc hội Việt Nam đang có mong muốn chất vấn ông Nguyễn Kim Sơn về vấn đề sách giáo khoa của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu quốc hội (ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục) cho biết đã ghi phiếu đề xuất chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 3 về vấn đề sách giáo khoa mới, trong đó có việc tăng giá sách.

Nguồn : BBC, 03/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoa Nguyễn, Nguyễn Việt Long, Đỗ Việt Khoa
Read 369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)