Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2022

Báo động y tế Việt Nam : lãnh đạo tham ô, nhân sự bỏ việc

Thanh Trúc

Bệnh nhân Việt trong tình cảnh lãnh đạo y tế tham ô, bác sĩ và nhân viên phải bỏ việc

Hôm 13/6 vừa qua, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình), nêu vấn đề sau hai năm đại dịch gần 5.000 nhân viên y tế và bác sĩ công lập xin thôi việc vì áp lực công việc cũng như thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

yte1

Ảnh minh họa : Khoa cấp cứu tại một Bệnh viện Hà Nội chụp ngày 29/7/2020 - Reuters

Nếu cứ đà này, bà nói tiếp, thì rất đáng lo vì các y, bác sĩ hiện nay đang có tâm trạng bất an trong công tác, do đó phải có chính sách thu hút để y bác sĩ không bỏ nghề dẫn đến khủng hoảng thiếu nhân lực ngành.

Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cũng đề nghị trong sửa đổi Luật Khám Chữa bệnh cần đặc biệt quan tâm vấn nạn bạo lực tại các bệnh viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến y bác sĩ và nhân viên điều dưỡng lo sợ cho tính mạng và sự an toàn của chính mình.

Chuyện bác sĩ hay nhân viên y tế xin thôi việc xảy ra từ trước chứ không phải sau đại dịch, nhưng nó trở thành nhạy cảm do bởi ngành y trong nước đang bị tai tiếng quá mức so với điều người ta có thể tưởng tượng. Đây là nhận định của bác sĩ về hưu Huỳnh Tấn Mẫm thuộc phong trào sinh viên yêu nước trước 1975, hiện là thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng cùng nhóm nhân sĩ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh :

" Phải nói là lãnh đạo đầu ngành y tế mà tham ô tham nhũng như thế thì không còn gì để nói nữa, chẳng qua họ sống vì cái gọi là lợi ích nhóm thôi. Cái này phải hỏi lại những người cấp cao hơn. Tại sao đi chọn những người đó để ra làm bộ trưởng, làm chủ tịch ủy ban đầu ngành. Trách nhiệm của người đứng đầu ngành y tế là phải hỏi lại. Bây giờ ngành y tế có còn là ngành y tế không, những con người đi làm và hy sinh như thế có xứng đáng không. Nghĩa là tất cả đều phải hỏi lại".

Và đây là chia sẻ qua điện thư của một nhân viên y tế thuộc hệ thống bệnh viện công, yêu cầu không nên tên :

"Chúng tôi những nhân viên y tế suốt một thời gian dài gần 2 năm vừa qua, căng mình chống dịch, không có thời gian cho gia đình và người thân, làm việc tăng ca… nhưng đổi lại là nợ lương hoặc không được tăng lương. Thu nhập thực tại chỉ là lương cơ bản vài triệu đồng, trong khi vật giá, xăng dầu, lạm phát đều tăng khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Chưa kể, môi trường làm việc bệnh viện độc hại mà chế độ phúc lợi cho nhân viên y tế lại quá nghèo nàn, chúng tôi dù có yêu nghề đến mấy cũng khó có thể bám trụ. Vậy nên, từ sau khi đại dịch thuyên giảm đến nay, rất nhiều người trong nghề như tôi đã phải đi tìm việc khác, cảm thấy rất nản và bi quan nhưng phải chấp nhận thôi".

Mọi bất cập trong ngành Y, liên quan đến bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng… xin thôi việc không phải chuyện lạ, lời một viên chức ngành Y không muốn nêu danh :

"Trong gần cuối đợt dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi năm ngoái thì báo chí đã rộ lên là bác sĩ và nhân viên y tế thôi việc ngày càng nhiều, tức là TP sẽ bị tình trạng thiếu nhân viên y tế. Chuyện cũng khá dễ hiểu, tức là chế độ đãi ngộ nhân viên y tế lâu nay cũng có thay đổi nhưng nó vẫn bất hợp lý. Nên khi đại dịch xảy ra thì sức ép đối với họ rất là lớn. Họ bị sức ép về trách nhiệm và sức ép cả về tính mạng"

"Và chưa kể điều tế nhị mà báo chí cũng chẳng dám nói ra,là họ khó để mà kiếm thêm tiền. Ví dụ khi chữa trị các bệnh bình thường thì họ vẫn bị cấp trên đe nẹt, cấm nhận phong bì phong bao từ người bệnh trong lúc cái chuyện ấy xưa nay là bình thường"

Mình phải nhìn nhận sự việc theo hai chiều. Một chiều là có chuyện nhân viên y tế vòi tiền người bệnh, nhưng cũng không thiếu những trường hợp trở thành tập quán là ai cũng muốn được chăm sóc tử tế, chưa kể vì lịch sự và thói quen bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã chăm sóc cứu chữa mình trong bệnh viện. Khi mà rơi vào đại dịch thì rất là khó kiếm tiền, thế là nhân viên y tế phải chịu hai ba sức ép cùng một lúc, thì chuyện họ nghỉ việc là chuyện bình thường".

Đúng là bây giờ nói tới ngành Y thì chừng như việc nhỏ lớn gì đều dính đến tham nhũng. Không muốn nghĩ thế cũng không được vì mọi chuyện cứ rành rành ra đó, viên chức ẩn danh này phân tích tiếp :

"Thì cũng như giáo dục thôi, ngành y tế chẳng làm được cái gì cả. Hỏi ngành y tế Việt Nam đi về đâu thì nó chẳng về đâu cả, chỉ có dân đi về đâu thôi. Người dân, nhất là người nghèo, sẽ rất khổ sở khi ngành y tế thiếu một lực lượng y bác sĩ cần thiết".

Tất nhiên khi nhiều y bác sĩ và nhân viên xin nghỉ việc được coi là tiêu cực, nhưng nhìn mặt tích cực thì đây là một sự thanh lọc, một sự đánh động :

"Qua theo dõi báo chí và qua suy luận của tôi về toàn bộ hệ thống Nhà Nước này, tôi cho rằng nếu không có sự thay đổi căn bản khi gặp biến động thì tác động sẽ lớn như khủng hoảng. Lúc đó bắt buộc hệ thống phải thay đổi, y tế sẽ phải được tư nhân hóa và phát triển tốt hơn. Chứ còn cứ nửa nạc nửa mỡ, kiểu chân trong Nhà Nước chân ngoài tư nhân thì không tới đâu hết. Chắc chắn ngành y vẫn tồn tại, vẫn dậm chân tại chỗ còn người nghèo thì cứ khổ sở vậy thôi".

Đối với bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm và nhiều người cộng sự với ông, hiện trạng rối rắm trong ngành Y Tế rõ là không thể chấp nhận được, nhưng dù sao những vụ tai tiếng, tiêu cực bị phơi bày ra ánh sánh cũng là cơ may dẫn đến thay đổi :

"Tất nhiên sau cái tồi tệ sẽ có cái thay đổi gì đó, người ta cũng trông chờ ở đó. Nói vậy chứ bản thân ngành y tế cũng có cuộc cách mạng trong đó, tức là họ cũng đang tìm những người tốt, còn những người xấu dần dần sẽ bị loạt trừ"

"Chỉ có mấy người lãnh đạo vì lợi ích nhóm mà tham ô tham nhũng, còn nhiều người bên dưới họ hy sinh cống hiến dữ lắm. Tôi hy vọng sau cái thất bại vừa rồi thì sẽ có những con người mới để phải thay đổi theo chiều hướng tốt hơn".

Tóm lại, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm khẳng định, một cuộc cách mạng để thay đổi diện mạo ngành y tế là điều phải xảy ra và phải đi tới. trong tương lai.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 14/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)