Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2022

Dân kiện do bị ăn chặn tiền bồi thường từ dự án thủy điện

Thanh Trúc

Dự án thủy điện Hồi Xuân nằm trên hệ thống thủy điện của sông Mã, là một dự án lớn, tác động đến hàng chục ngàn dân hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Từ 2016 một số dân bắt đầu khiều kiện, tố cáo chính quyền địa phương thông đồng với doanh nghiệp tư nhân ăn chận tiền bồi thường di dời và giải tỏa đất. Đến lúc này vụ kiện vẫn chưa được giải quyết.

boithuong1

Một số hộ dân Vạn Mai bị thu hồi đất tại dự án thủy điện Hồi Xuân-Thanh Hóa - Người dân cung cấp

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một trong những người khởi xướng đơn kiện gởi từ địa phương ra tới trung ương, nói rằng người dân không chống dự án thủy điện mà chỉ muốn khiếu kiện về những vi phạm và thiếu minh bạch trong kế hoạch di dời, giải tỏa và bồi thường.

Dự án thủy điện Hồi Xuân là một dự án nằm trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu được nói đến từ 2007-2008 : 

"Dự án thủy điện Hồi Xuân này không phải đơn phương phía Việt Nam. Dự án có sự đầu tư từ cộng đồng quốc tế, có vay một ngân hàng của Mỹ và một ngân hàng của Nhật. Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu mà nếu Việt Nam có những dự án năng lượng sạch thì sẽ được cộng đồng quốc tế tài trợ. Tthủy điện Hồi Xuân này nằm trong gói của chính phủ Mỹ và chính phủ Nhật mua cái ‘quota’ về khí thải làm biến đổi khí hậu’

"Dự án không nằm trên địa bàn của riêng tình Hòa Bình, hồ chứa nước của nó nằm trên địa bàn hai tỉnh, gây ảnh hưởng không chỉ vài trăm mà đến hàng chục ngàn dân ở rất nhiều bản làng và các huyện khác nhau của cả Hòa Bình và Thanh Hóa.

Người dân không chống đối dự án thủy điện Hồi Xuân, nhưng họ buộc phải lên tiếng qua đơn kiện vì :

"Một dự án vừa có vốn tài trợ của chính phủ vừa có tài trợ từ quốc tế họ có đủ nguồn lực tiền để vừa xây dựng đập thủy điện vừa bồi thường tái định cư cho người dân. Nhưng chúng ta biết vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam rồi, quan chức ăn rất tham. Đáng lẽ ra bồi thường đầy đủ cho người dân thí dụ 1 tỷ đồng/gia đình chẳng hạn, thì họ chỉ bồi thường 200 triệu đồng tức chỉ khoảng 20% cái thực tiễn mà người dân phải có".

Hậu quả, khi người dân khi đến nơi tái định cư mới thay vì được bố trí ‘điện, đường, trường, trạm’, thì :

"Thực tế người ta chỉ đưa đến đó, giao cho người dân tự xây dụng nhà ở, còn hạ tầng cơ sở điện-đường- trường-trạm tất cả đều thiếu"

"Nhiều video do người dân tự quay, ngoài những video đó thì còn có đài Truyền Hình Thanh Hóa, đài Truyền Hình tỉnh Hòa Bình, rồi những phóng viên có lương tâm họ cũng làm phóng sự những cảnh đó… Vấn đề là có những thế lực đằng sau nó bảo kê cho những chủ tập đoàn ở Thanh Hóa và Hòa Bình trong dự án thủy điện Hồi Xuân như vậy. Cuộc sống người dân bị di dời sau mười mấy năm vẫn chưa đi đến đâu cả".

Trở lại với ông Nguyễn Anh Tuấn, từ 2016 đến 2018, đất đai của người dân cũng như bà con thân nhân của ông trong xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã bị thu hồi để xung vào dự án thủy điện :

"Chính quyền tỉnh Hòa Bình, huyện Mai Châu, vi phạm một số Khoản, một số Nội dung Điều 9, Điều 11và Điều 24, thông đồng cấu kết với chủ đầu tư dự án thủy điện Hồi Xuân là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Mekong để thu hồi đất trái pháp luật Nhà nước Việt Nam".

Một số hộ dân ở Vạn Mai, ông Phạm Văn Tạ, bà Đào Thị Thường, bà Phạm Thị Thoan, bà Phạm Thị Tuyết, trình bày lý do họ ký tên vào đơn kiện : 

"Tôi là Phạm Văn Tạ, đại diện cho các hộ bị thu hồi đất tại dự án thủy điện Hồi Xuân-Thanh Hóa. Chúng tôi là những hộ dân sinh sống tại xóm Thanh Mai, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, trong đó có những hộ dân năm 1983 đã mất đất đai để phục vụ cho Dự án Thủy điện Quốc gia Hòa Bình, được chính phủ di dời vào xóm Thanh Mai và nay là nạn nhân của việc cưỡng đoạt đất đai tại dự án thủy điện Hồi Xuân-Thanh Hóa" 

"Do ít hiểu biết về pháp luật, đa số dân chúng tôi không rành và không đòi hỏi các giấy tờ liên quan. Thậm chí khi được mời ra xã để ký vào sổ và lĩnh tiền bồi thường thì chúng tôi cũng không được nhận biên lai".

Bà Đào Thị Thường nói về việc đền bù không thỏa đáng :

"Lúc mới chuyển lòng hồ về đây ở ai phát được bao nhiêu thì hưởng ngần đấy. Năm 2012 thì họ mở một con đường qua vườn nhà mình, họ đền bù cho được 5.000 đồng/mét thôi chứ không nhiều. Thế thì đất của nhà mình thành ra nằm hai bên mặt đường. Bên nhiều và đẹp thì người ta thu hồi để làm khu tái định cư, cũng đền bù cho được 6.000 đồng/mét, thế nhưng mà tiền đất thì chưa được nghìn nào, 3.000 mét vuông mà đền cho 50 triệu tiền cây cối trồng trên đó thì làm sao mà thỏa đáng được. Coi như họ cướp không, họ cưỡng chế chứ thỏa đáng làm sao được. Cả nhãn, cả xoài, cả ruộng mà được có hơn 50 triệu, còn đất người ta bảo 3000 mét thì họ đền bù cho 100 triệu nhưng mà đã trả cho nghìn nào đâu, chưa được lấy nghìn nào cả". 

Bức xúc vì bị mất đất rồi lâm cảnh cùng cực, gia đình bà Đào Thị Thường trở về nền nhà cũ đã bị thu hồi trước đó :

"Bây giờ thì đang ở chỗ nhà cũ, đất của mình họ san ủi dần thành mặt bằng rồi. Chỗ kia thì có nhà đâu, họ chưa trả đất cho để ở cái khu mới ấy. Họ lại bảo rằng cái thủy điện Hồi Xuân này bị vỡ nợ, 5 năm nay họ có làm nữa đâu. Lên huyện hỏi đất đền bù thì huyện cũng không biết, bảo chủ đầu tư vỡ nợ rồi bên ngoài không cấp tiền nữa nên họ đi đâu người ta không biết"

"Chính quyền người ta cũng đe dọa đấy,tôi định làm mái nhà trên đất cũ để ở nhưng chính quyền bảo không được, làm thì người ta cưỡng chế phá chứ không cho làm".

boithuong2

Các quyết định chuyển nhượng cổ phần trong dự án thủy điện Hồi Xuân (người dân cung cấp)

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn thì việc thu hồi đất ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, trong đó có hai xã Van Mai và Mai Hịch, là phía bên Hòa Bình. Còn đâu số lượng lớn dự án thủy điện này nằm bên xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa :

"Để thực hiện điều này họ đã sử dụng nguồn tài chính, theo tôi tìm hiểu tổng số 239,7 triệu USD để thu hồi đất của dân trái pháp luật. Từ năm 2016 thì đầu tiên là khiếu nại, sau thì tố cáo lên tận trung ương, được trung ương chuyển về tình Hòa Bình hai lần nhưng cuối cùng thì tỉnh Hòa Bình không giải quyết gì cho người dân cả".

Như vậy từ lúc có lệnh thu hồi đất, nhiều người chưa được trả đất tái định cư, đất ở dôi ra so với định mức tái định cư và chưa trả tiền. Có những hộ dân còn bị chính quyền nợ một phần tiền bồi thường.

Về những hộ dân không có đất làm nhà, vẫn lời ông Nguyễn Anh Tuấn, ban đầu họ được hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng về sau thì khoản này cũng bị cắt luôn mà không rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn và những người đồng ký tên khiếu kiện luôn tin họ làm đúng dù đã phải chờ đợi lâu mà không được đáp úng :

"Nếu tôi sai thì chắc chắn bây giờ tôi không thể ngồi đây nói chuyện với mọi người được, nếu sai thì chắc chắn là tôi đã bị bắt. Khi làm thì tôi đều báo cho chính quyền xã Vạn Mai huyện Mai Châu biết là tôi tố cáo thế này thế nọ, lạ là không ai động chạm gì đến tôi cả". 

RFA đã cố nối đường dây viễn liên về Hòa Bình, đặc biệt về ông Khà Văn Sảnh, chủ tịch UBND xã Vạn Mai, huyện Mai Châu. Viên chức này sau cùng bắt máy nhưng dập đường dây ngay lập tức.

Sự im lặng của chính quyền địa phương khiến vụ việc trở thành khó hiểu, còn chuyện kiện tụng của dân thì chẳng khác nào ‘con kiến đi kiện củ khoai" :

"Những người đi khiếu kiện đấy lại còn bị đe dọa từ phía cơ quan cảnh sát, cơ quan an ninh. Thế thì làm sao mà trông chờ vào sự giải quyết của chính quyền để mang lại công bằng công lý cho những người đang bị chèn ép quyền lợi".

Khi người dân bị xâm phạm quyền lợi thì người ta phải đi khiếu kiện. Nếu được trả tiền bồi thường đầy đủ, và nếu theo đúng nguyên tắc mà người cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền rằng khi anh đến chỗ tái định cư mới thì cuộc sống và điều kiện vật chất phải tốt hơn chỗ cũ, thì dân đâu phải kiện tụng chính quyền làm gì cho cuộc sống càng thêm khó khăn ra. 

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 233 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)