Nhà báo James Borton có bài viết trên trang mạng Geopoliticalmonitor.com, với nội dung về hoạt động hướng tới Ngày Môi Trường Thế Giới 5/6 tại Việt Nam. Một bạn trẻ có tên Hoàng Mai 17 tuổi được đánh giá là một thành viên đáng tự hào.
- Courtesy of Nguyễn Phương's Facebook
Nhà báo James Borton viết rằng cô bạn Hoàng Mai này sẽ kết nối cùng hàng triệu công dân trẻ khác đang hành động để làm sạch môi trường.
Dưới mắt ký giả Borton, sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, từ một trong năm quốc gia nghèo nhất trên thế giới năm 1985, chuyển mình thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường do các dòng sông bị ô nhiễm, mất đa dạng sinh học và suy giảm chất lượng không khí.
Những rủi ro về khí hậu và thiên tai được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với khát vọng của Việt Nam về một nền kinh tế có thu nhập cao. Điều này đặc biệt đúng ở các vùng đồng bằng của quốc gia từ sông Hồng đến sông Mekong.
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những nước dễ bị tác động nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với đường bờ biển dài hơn 3.000km, người dân thường xuyên hứng chịu những thiên tai nghiêm trọng như bão, lốc xoáy, lũ lụt, lở đất và xói mòn bờ biển.
Vì vậy theo James Borton, không có gì đáng ngạc nhiên khi lời kêu gọi hành động vì môi trường của chính phủ có tính cấp thiết như vậy.
Lại nữa, với dân số 98 triệu, trong đó một nửa là người dưới 25 tuổi, có thể nói phần lớn gánh nặng chắc chắn sẽ đổ lên vai thanh niên.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, thuộc công ty Lữ Hành Lửa Việt, cho biết ý kiến về vấn đề này :
"Những bạn đã học Đại học chắc khó quên những mùa hè gọi là ‘Mùa Hè Xanh’, đi về các vùng xa xôi làm vệ sinh, sửa nhà giúp dân, dạy học, phổ cập kiến thức vệ sinh môi trường.
Đó là việc đáng trân trọng và nên phát huy, nhưng dưới góc độ chủ quan tôi thấy bên cạnh việc cử các đoàn về các tỉnh thì rất cần những đoàn nhỏ hơn, làm những việc cụ thể ngay tại nhà mình, xóm mình, đường phố của mình trước khi làm theo kiểu phong trào, chiến dịch, ra quân rầm rộ nọ kia nghe ghê gớm quá".
Các bạn trẻ tham gia chương trình ‘Mùa Hè Xanh’, ông Nguyễn Văn Mỹ nói tiếp, được Nhà Nước hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, tức chỉ bỏ công sức của mình :
"Nhưng đáng trân trọng hơn là những nhóm tự phát không ai chỉ đạo. Họ không làm theo phong trào mà họ làm theo khả năng và thực tế. Họ tổ chức đi trồng cây xanh, họ kết hợp đi làm vệ sinh môi trường, đi gom rác… những việc không cần hô hào, không cần băng rôn khẩu hiệu.
Gần đây thì nhiều nhóm bạn tham gia hơn, phổ biến nhất là trồng cây và hạn chế phân hóa học, thuốc trừ sâu. Điều đáng mừng đáng quí là họ tự làm với tất cả tấm lòng, với công sức nhỏ bé. Chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện tối đa, ghi nhận sự đóng góp của những bạn trẻ này".
Cũng khó để biết chính xác có bao nhiêu nhóm bạn trẻ tình nguyện bảo vệ môi trường, thế nhưng ý thức và thiện chí của các bạn cũng như sự hấp dẫn đối với những bạn trẻ khác là điều không thể nghi ngờ.
Cô Lyly Nguyễn, nói về sự khởi đầu và hình thành nhóm Lối Sống Xanh, khuyến khích việc trồng và sử dụng rau sạch nhưng quan trọng nhất là giảm sử dụng vật liệu làm từ nhựa, ny lông, plastic, loại rác thải không những khó tiêu hủy mà còn tồn tại mãi trong môi trường sống :
"Từ những điều đó Lyly bắt đầu liên kết và nối kết những người bạn có lối sống giống mình. Sau khi mình cứ đi tìm, đi tìm thì mình hiểu có một cộng đồng với lối sống như vậy, đó là Lối Sống Xanh.
Bắt đầu là tụi mình lan tỏa thông điệp không sử dụng nhựa ny lông, chỉ sử dụng túi giấy và đồ tái chế được. Đi siêu thị thì mang theo túi vải còn túi ny lông thì không lấy. Bây giờ nhiều hãng nước suối cũng bắt đầu dùng nhựa tái chế rồi, mình chọn nhãn hàng đó để uống, và mình cũng tự chủ động mang theo chai nước uống bằng thủy tinh, đó là cách mình bảo vệ môi trường.
"Lyly nghĩ trước sau gì mọi người cũng phải đi con đường như nhóm Lyly đang đi thôi. Có thể khi nhóm chia sẻ ra thì còn nhiều bất cập, nhưng đối với nhóm thì không có gì khó khăn, chỉ là nó chưa hình thành một thói quen tránh xài đồ nhựa thôi. Chỉ khoảng hơn một năm mà ì Lyly cảm nhận thông diệp Lối Sống Xanh đã lan tỏa mạnh mẽ hơn".
Bạn trẻ Mai Yến, thành viên nhóm Trạm Xanh, chia sẻ rằng mọi chuyện bắt đầu từ 2019, khi những vụ hỏa hoạn tàn phá hàng dãi rừng xanh ở Hoa Kỳ, Úc, đặc biệt rừng nguyên sinh Amazon vốn được xem là bộ phổi của địa cầu :
"Em thấy khủng khiếp quá, thấy cần phải làm cái gì đó để trái đất này không bị hủy diệt trong tương lai. Lúc đó em mới tìm hiểu, tham gia các nhóm, các trang nói về ô nhiễm môi trường, về biến đổi khí hậu, cách sống bền vững, rồi các nhóm trồng rừng, bảo vệ rừng, hạn chế đồ nhựa dùng một lần.
"Khi tham gia các hội nhóm trồng rừng trồng cây thì mình quyên góp cho các hội nhóm đó. Tụi em cũng có một nhóm bạn đi đến vùng Bảo Lộc có khu từng nguyên sinh. Ttụi em gom lại mua miếng đất ở bìa rừng để tụi em bảo vệ, không cho những người khác mua vì người ta sẽ chặt phá cây rừng ở đó. Mọi người ai muốn lên đó trồng cây và gắn kết với thiên nhiên thì cũng có chỗ để lên".
Tháng 9/2020, cửa hàng mang tên Trạm Xanh do cô Mai Yến thành lập tại Quận Một Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng phương pháp bảo vệ môi trường 5R, trong đó 3R đầu quan trọng nhất, gồm :
"Reduce giảm thiểu, giảm tiêu dùng đồ nhựa ; Re-use là tái sử dụng những đồ nào mình có thể sử dụng lại được ; Recycle tái chế thành những đồ vật hữu dụng và không bỏ phế đi"
"Trạm Xanh lan tỏa lối sống xanh thông qua việc cung cấp thực phẩm sạch không hóa chất,những đồ tiêu dùng như xà bong hay nước tẩy rữa thân thiện với môi trường, Những đồ tái chế-hand made- đều có nguồn gốc tự nhiên, ít qua sơ chế nhất và ít hóa chất nhất. Em và các bạn hay tổ chức những buổi workshop, những buổi chiếu phim về môi trường, cả những buổi làm đồ tái chế hand made. Đến với Trạm Xanh là những bạn trẻ quan tâm đến môi trường và ý thức về sức khỏe cộng đồng".
Từ Đà Lạt, thành phố của những rừng thông đồi thông đang mất dần, bạn trẻ Hoàng Nam nhóm Về Rừng, kể rằng một môi trường sạch đẹp nhiều cây hơn rác nẩy sinh trong anh từ thời điểm chọn Đại học :
"Lúc ấy em thấy Hà Nội có rất nhiều rác. Em tự hỏi tại sao lại nhiều rác thế, em cảm thấy xấu hổ và bỗng nhiên tìm đến Đại học Khoa học Tự nhiên, khoa Môi Trường. Đại học Khoa học Tự nhiên cho em kiến thức về môi trường nhưng chưa đủ".
Sau khi tốt nghiệp, Hoàng Nam khởi sự làm việc cho các tổ chức NGO chuyên bảo vệ môi trường :
"Em làm với The Forest Vietnam đầu tiên, sau đó là Live and Learn, rồi là MCP, rồi là UNDP rồi đến hiện tại là LVDI International"
"Trong một thời gian rất dài sống ở Hà Nội em gần như không biết rừng là cái gì. Dần dà đi vào rừng nhiều lần em cảm nhận rừng liên quan trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của mình. Càng ngày em càng thích rừng và gỗ. Đó là cái duyên khiến em muốn bảo vệ rừng và ở càng gần rừng càng tốt".
Hiện tại Hoàng Nam và nhóm Về Rừng do anh khởi xướng làm công việc gầy rừng và bảo vệ rừng cho Đà Lạt và những thành phố lân cận như Đà Răng, Tùng Nghịa, Bảo Lộc… Tất cả đều là tự nguyện :
"Tạm gọi một từ chuyên môn là ‘đi ném bom phân’, là bom có hạt giống để phát tán hạt như các loài động vật, để tự gây dựng thiên nhiên tại nơi mình sống. Em cũng có làm việc với bên LVDI về các loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Những loài đặc hữu đấy cũng đang rất cần rừng.
Khó khăn thì chủ yếu đến từ con người. Một số vùng mà bọn em đến thì các cô chú kiểm lâm rất ùng hộ và rất là tạo điều kiện luôn. Vào đấy nói chuyện và xin phép là được đi trồng rồi, trồng xong người ta còn giữ và cố gắng bảo vệ cùng với mình.
Cũng có nhiều vùng mình phải mất nhiều công sức để thuyết phục họ là mình đang cố phục hồi lại hệ sinh thái trong cái phần của mình thôi. Các cô chú kiểm lâm ấy cũng không tạo điều kiện và rất là dè chừng, nên là cũng khó làm việc cùng".
Đối với Hoàng Nam, bảo vệ môi trường với nhiều chục, nhiều trăm nhóm, dẫu là nhỏ nhoi nhưng vô cùng cần thiết vì bầu khí quyển, không khí, cây xanh, nước sạch là tài sản chung của nhân loại.
Đây là những hoạt động có tâm, có tầm, có tính cách bền vững, Hoàng Nam khẳng định. Ước mơ của Về Rừng chắc cũng không khác Lối Sống Xanh hay Trạm Xanh, là một chiến lược nhất quán, bền bĩ nhằm bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu.
Tuy nhiên theo nhóm Trạm Xanh của Mai Yến thì :
"Nếu mà trông chờ vào tác động đồng loạt từ phía những người có quyền thì nó lâu và nó cần thời gian. Thực ra họ đã phát động phong trào nọ kia nhưng mà chưa hiệu quả. Bản thân tụi em và các anh chị khác phải tự vận động tự hỗ trợ vậy thôi chứ không thể chờ các cơ quan đoàn thể Nhà nước".
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 08/06/2022