Đại án Việt Á : Vì sao một doanh nghiệp 'tép riu' khiến cả guồng máy trục lợi và hệ thống quan chức suy thoái ?
Phạm Quý Thọ, RFA, 13/06/2022
Rúng động dư luận
Một doanh nghiệp ‘tép riu’ khiến cả guồng máy ‘trục lợi’ và sự trừng phạt nhiều quan chức suy thoái làm rúng động dư luận xã hội.
Diễn biến chính của vụ việc như sau :
Ngày 17/12/2021 Giám đốc doanh nghiệp Việt Á và các nhân viên công ty có liên quan bị khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Cùng ngày Giám đốc CDC Hải Dương và thuộc cấp bị bắt ;
Ngày 30/12 vụ án Việt Á việc được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực nâng lên mức "đại án" để mở rộng điều tra và các cấp ủy, tổ chức đảng, tỉnh ủy, thành ủy trực được yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương ;
Gần đây nhất, ngày 10/6/2022 Giám đốc CDC Hà Nội bị bắt cùng viên kế toán trưởng có liên quan ;
Đến nay đã hơn 40 đối tượng có liên quan đại án Việt Á bị bắt ; hai Ủy viên Trung ương đương nhiệm, gồm Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Hà nội là các quan chức cao cấp nhất bị truy tố…
Truyền thông nhà nước mạnh mẽ phê phán các quan tham rằng họ đã ‘đánh mất liêm sỉ’ và làm tổn hại đến thanh danh và uy tín của Đảng’…, còn dư luận ‘vô tư’ khai thác những biệt thự khủng - khối tài sản nổi không thể minh bạch nguồn gốc, những phát ngôn ‘đạo đức giả’ của họ và, thậm chí đặt nghi vấn về loạt những quyết định bổ nhiệm cán bộ dưới quyền… Một vài bình luận ‘chua chát’ rằng có thể ‘bắt ngay tất cả Giám đốc CDC các tỉnh thành, sau đó điều tra thật kỹ, ai thật sự vô tội thì thả ra’ và, thậm chí suy đoán rằng danh sách đối tượng bị truy cứu có thể còn kéo dài và "trùm cuối" có thể ở cấp cao hơn…
Đảng ‘nổi giận’ và sự trừng phạt
Ngoài việc nâng cấp vụ Việt Á lên đại án, lãnh đạo Đảng đã có các động thái quyết liệt, nhanh mạnh được cho là "chưa từng thấy". Quy trình thực hiện lệnh bắt chỉ mất có hai ngày từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường ngày 6/6 đến xử lý hành chính theo pháp luật ngay ngày hôm sau mồng 7/6, bắt tạm giam và khám xét tư gia của hai vị quan ‘trục lợi’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người khởi xướng chiến dịch "đốt lò" - chống tham nhũng, đặt cược vào công tác cán bộ và nhấn mạnh về đạo đức cách mạng của lãnh đạo đảng viên.
Dưới sự chủ trì của ông, Đảng đã ban hành 3 lần Nghị quyết 4 khóa 11 năm 2011, khóa 12 năm 2016 và khóa 13 năm 2021 "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".
Ngày 01/02/ 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Ông Tổng bí thư cam kết "không giới hạn và không có vùng cấm" trong chống tham nhũng và, ông đã và đang thực hiện. Tính đến nay hàng chục nghìn cán bộ lãnh đạo đảng viên, trong đó có hơn một trăm vị do Trung ương quản lý kể cả một số ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật và khởi tố.
Khi nhận định rằng "tình hình tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, biểu hiện tinh vi" và chưa đạt kết quả như mong muốn, cuối tháng 4/2022 Đảng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; triển khai các đoàn kiểm tra cấp cao của Đảng để "phát hiện và ngăn chặn"…
Phép thử ‘ngặt nghèo’
Điển hình đại án Việt Á… đang là phép thử ‘ngặt nghèo’ với "chiến dịch đốt lò". Tham nhũng là quốc nạn và tính chất của nó đã được cảnh báo đến mức "lũng đoạn nhà nước". Theo dõi diễn biến vụ việc cho thấy nhiều bộ, ban ngành khác nhau, trung ương và địa phương, doanh nghiệp và viện nghiên cứu đã ‘’phối hợp nhịp nhàng" để "trục lợi" trên nỗi thống khổ của người dân trong bối cảnh đại dịch. Bởi vậy, dù trừng phạt nghiêm các đối tượng vi phạm cũng là các cá nhân, chỉ là "cắt phần ngọn", mà về bản chất bộ máy trục lợi vẫn còn, nghĩa là vẫn có nguy cơ sản sinh những quan tham khác khi có điều kiện.
Chiến dịch đốt lò với những cam kết mạnh mẽ liệu có thể vượt qua phép thử này vẫn đang là vấn đề cam go. Chống tham nhũng "cắt phần ngọn" đang trả phí tổn ngày càng cao, Đảng có thể thắng trong từng trận đánh, nhưng cuộc chiến vẫn ở phía trước. Một trong những thách thức lớn được quan tâm của giới quan sát chính trị là ai sẽ là người kế vị Tổng bí thư để tiếp bước, để duy trì "đốt lò" không khoan nhượng, "đánh chuột mà không làm vỡ bình !". Không thể tiếp tục mãi viện dẫn "trường hợp đặc biệt" trong công tác cán bộ để phá vỡ các tiêu chuẩn quy định giới hạn tuổi và nhiệm kỳ, sự thể hiện dân chủ nội bộ, để ngăn ngừa tha hóa quyền lực tuyệt đối.
Món nợ "Lồng thể chế"
Chiến dịch "đốt lò" là một biểu tượng cho cách chống tham nhũng của Đảng. Đảng nhận "trọng trách" này trước dân và tự xử trong nội bộ là chủ yếu. Đảng nhấn mạnh ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa và đề cao cách chống tham nhũng truyền thống là răn đe sự trừng phạt nghiêm khắc đồng thời với kêu gọi rèn luyện và giữ gìn đạo đức cách mạng.
Cũng đã từng có đề xuất xây dựng "lồng thể chế" sao cho quan chức không thể, không dám, không muốn tham nhũng và trục lợi. Năm 2018 những bước đi ban đầu được khởi động như ban hành Luật phòng chống tham nhũng, nhưng khi cụ thể hóa bằng chính sách thông qua các nghị định để thực hiện thì gặp rào cản khó vượt qua liên quan đến kiểm soát tài sản cá nhân. Một cơ chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với quan chức là không thể vì thuộc tính của chế độ toàn trị. Một "món nợ" lớn trước dân về thể chế hóa trong quá trình cải cách.
Cần có câu trả lời đúng đắn vấn đề làm thế nào mà một doanh nghiệp nhỏ Việt Á có thể làm suy thoái đạo đức cả hệ thống quan chức các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, khiến cho cả bộ máy ‘phối hợp nhịp nhàng’ để trục lợi. Động cơ kinh doanh, công cụ "đấu thầu", bộ kit xét nghiệm Covid-19 giả… tất cả được "phù phép" thành thật để chủ doanh nghiệp và quan chức cùng trục lợi…
Tính hai mặt phải- trái của thị trường đều có ma lực mạnh mẽ và "vô hình" : mặt phải là động lực tăng trưởng nhanh và, mặt trái là sự tàn phá, bất công… Từ năm 1776 tổ phụ Adam Smith đã khám phá quy luật "bàn tay vô hình" kỳ diệu nhưng cũng cảnh báo về tha hóa đạo đức vì lòng tham. Các quốc gia thịnh vượng nhờ thị trường và không ngừng cải thiện thể chế để chế ngự mặt trái của nó, thị trường song hành với chủ nghĩa tư bản là quá trình phát triển tự nhiên.
Tuy nhiên, một luồng tư tưởng khác, chủ nghĩa Mác, cho rằng tham lam, sở hữu là kẻ thù của con người (Tiếng Anh : The Enemy of Being is Having), phê phán chủ nghĩa tư bản để vẽ viễn cảnh về chủ nghĩa cộng sản, Lê Nin hiện thực hóa bằng bạo lực… Phần còn lại câu chuyện như mọi người đã biết là sự thử nghiệm thất bại.
Dù có biện minh thế nào thì thực tế cải cách chuyển đổi thị trường ở Việt Nam và một số nước, về thực chất, đang "sửa chữa" sai lầm thế kỷ, quay ngược lại quỹ đạo phát triển vốn có. Thị trường đang thể hiện "bản sắc" trong môi trường độc Đảng cộng sản toàn trị. Cải cách thể chế đã không theo kịp để khắc chế mặt trái của nó. Trong trường hợp Việt Á động cơ vị kỷ dựa trên chủ nghĩa cá nhân, thúc đẩy lòng tham đã đánh bại "thói đạo đức giả" nhưng lại được nguỵ trang là "đạo đức cách mạng" dựa trên chủ nghĩa tập thể vốn là sản phẩm của cơ chế tập quyền và ngày càng dễ bị hủy hoại bởi mặt trái thị trường.
Cải cách chính trị sâu rộng
Một cơ chế kiểm soát tha hóa quyền lực hiệu quả đòi hỏi cải cách chính trị. Liên quan đến chống tham nhũng, trước hết, cần công nhận sự tồn tại cả hai loại : tham nhũng công vụ và tham nhũng chính trị, loại sau gây nguy cơ cao hơn làm sụp đổ chế độ. Công luận ngày càng không khoan dung với quan tham và càng hiểu rõ hơn về tham nhũng chính trị.
Năm trụ cột đổi mới đáng kinh ngạc giúp các quốc gia thoát nghèo đói và tăng trưởng, đó là : toàn cầu hóa, thương mại tự do, nhà nước pháp quyền, quyền sở hữu và, tinh thần kinh doanh. Việt Nam đang khó khăn với hai trụ cột : "xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" và "sở hữu toàn dân" để chuyển đổi kinh tế sang thị trường. Hai đại án "Việt Á" và "Cục lãnh sự" không chỉ đang là phép thử với "chiến dịch đốt lò" (Ai dám khẳng định đã là cuối cùng ! ?) mà, hơn thế, còn cảnh tỉnh về sự cần thiết cải cách chính trị sâu rộng.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 13/06/2022
**********************
Đại biểu quốc hội : Nếu công khai, minh bạch đã tránh được vụ Việt Á
VOA, 14/06/2022
Một đại biểu quốc hội cho rằng nếu chính phủ thực hiện tốt dân chủ và công khai minh bạch với người dân thì không xảy ra các vụ tham nhũng lớn như Việt Á, vụ đại án trong đại dịch Covid-19 khiến hơn 60 quan chức từ trung ương đến địa phương bị khởi tố.
Bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Vụ đại án thổi phồng giá kit xét nghiệm của công ty này khiến hàng chục quan chức, gồm 2 bộ trưởng, bị bắt giữ và truy tố.
Vụ Việt Á, trong đó các cán bộ y tế cấu kết với công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 để ăn chia hoa hồng đến hàng trăm tỷ đồng được xem là vụ bê bối quy mô lớn và gây thiệt hại nhiều nhất từ trước đến nay, khiến công luận phẫn nộ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai quan chức cao nhất bị bắt giữ trong đại án này cho đến nay.
Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bị phát hiện đã nhập khẩu 3 triệu kit xét nghiệm Covid-19 từ Trung Quốc với giá dưới 1 USD/bộ trong khi hối lộ các quan chức để bán các bộ xét nghiệm mà họ nói là sản xuất ở Việt Nam tới các cơ sở y tế trong cả nước, gồm nhiều bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), với giá trên 400.000 đồng/bộ.
Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội hôm 14/6, ông Hoàng Văn Cường – thuộc đoàn đại biểu Hà Nội, nêu ra vụ đại án Việt Á và cho rằng vụ sai phạm này đã có thể được tránh khỏi nếu thực thi dân chủ ở cơ sở và minh bạch thông tin cho người dân, theo truyền thông trong nước.
"Trong vụ đại án test kit Công ty Việt Á, nếu chúng ta thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai minh bạch để mọi người biết sẽ tránh được những vi phạm phải xử lý thời gian qua", ông Cường đượcLao Động trích lời nói tại phiên thảo luận về dự án Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở.
Ông Cường ủng hộ việc xây dựng dự luật này vì cho rằng nó "đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" khi công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Dẫn ví dụ vụ kit xét nghiệm Việt Á, ông Cường cho rằng nếu công khai thông tin nhà nước phải mua của Việt Á với giá trên 400.000 đồng/bộ và hải quan cũng công khai thông tin Việt Á nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc với giá 0,955 USD/bộ thì "chắc chắn không để các địa phương, CDC các tỉnh phải mua với giá Việt Á bán", theoVietnam Plus của TTXVN.
Các cơ sở y tế, CDC và bệnh viện của 16 tỉnh, thành phố bị cáo buộc có liên quan sai phạm trong vụ Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.
Ông Cường cũng nêu ra vụ cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước. Đại biểu Hà Nội cho rằng nếu công khai cho người dân biết nước hồ phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho thành phố thì "chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện ra".
Ông Chung bị tuyên 8 năm tù hồi cuối năm ngoái vì "có vai trò chủ mưu, chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua công ty gia đình, gây thiệt hại tài sản nhà nước".
"Nếu nhìn lại tất cả các vụ án tham nhũng từ đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công thấy rằng đều thực hiện đúng quy trình, đầy đủ các cơ quan có chức năng như định giá…", ông Cường được Vietnam Plus trích lời nói. "Nhưng có một điều là không được minh bạch, công khai thông tin để người dân biết. Nếu công khai, dân chủ thì các vụ việc sẽ đều được ngăn chặn từ trước".
Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, được xem là sẽ góp phần chống quan liêu và tham nhũng, đang được Quốc hội Việt Nam thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 4 trong tháng 10 năm nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 6 năm qua đã phát động chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi một cách không chính thức là "đốt lò", khiến hàng loạt các quan chức trong mọi lĩnh vực, từ y tế cho đến chứng khoán, ngân hàng, quân đội, công an và cảnh sát biển… bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, theo giới quan sát và báo chí phương Tây, chiến dịch này, được ví như chiến dịch "đả hổ diệt duồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thanh trừng các thế lực cạnh tranh trong Đảng Cộng sản.
************************
Các cuộc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam làm lộ rõ tầm của đại biểu
RFA, 08/06/2022
Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam mới đây cho rằng, các Đại biểu quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn thực chất, hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu như vừa nêu tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa 15 hôm 7/6/2022.
AFP PHOTO
Theo ông Huệ, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn… để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri.
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu quốc hội, khi trả lời RFA hôm 8/6/2022, giải thích về công việc chất vấn tại Quốc hội Việt Nam :
"Đối với Việt Nam thì chất vấn là một hình thức giám sát tối cao nhất. Từ lâu Việt Nam đã cho phép truyền hình trực tiếp nên hiệu ứng rất mạnh trong xã hội. Chất vấn thì bao giờ cũng có người hỏi, người đáp, đó là cơ hội để cho người dân đánh giá không chỉ các vị bộ trưởng hay các vị quan chức… mà họ đánh giá luôn cả đại biểu nêu vấn đề. Tôi phải nói là sinh hoạt này bây giờ đã đi vào đời sống để chúng ta theo dõi. Tôi không đủ khả năng đánh giá người dân quan tâm như thế nào, nhưng qua những ý kiến trao đổi trên báo chí và các phương tiện mạng thì nó cũng tạo nên sự giám sát rất chặt chẽ hay nói cách khác là cũng tạo áp lực cho sinh hoạt này".
Ông Quốc cho biết thêm, hiện việc chất vấn đang diễn ra khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam đang quyết liệt, như việc bộ trưởng Y tế và chủ tịch Hà Nội liên quan đến Việt Á… Thì có thể nói chất vấn đã thỏa mãn lòng dân. Nhưng mặt khác theo ông Quốc, nó cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về đội ngũ quan chức của Việt Nam. Ông nêu dẫn chứng :
"Ví dụ cùng cơ quan dân cử như Hội đồng Nhân dân hay Quốc hội chấp thuận đề bạt một người vào chức vụ… thì chỉ một hai năm sau lại chính những con người ấy biểu quyết để miễn nhiệm, thậm chí có thể bị tù. Người ta mới đặt vấn đề là năng lực giám sát của cơ quan dân cử như thế nào ? Quốc hội khóa 15 chỉ mới hơn một năm nay, các đại biểu lần đầu tham dự thế nào cũng có những thiếu sót về kỹ năng, năng lực thể hiện nhưng cũng có những ý kiến tạo ra dư luận xã hội, đó là biểu hiện tích cực. Trong khi đó, cũng có thể nói một cái yếu của Quốc hội Việt Nam là tính chuyên nghiệp không cao. Do cơ chế tổ chức, có người có năng lực thể hiện chưa phát huy hết thì đã hết nhiệm kỳ. Có ra tiếp tục ứng cử hay không thì không thuộc cái quyền của đại biểu đó, mà do cơ chế của tổ chức phân công. Cái đó ai cũng nhìn thấy nhưng chưa được khắc phục một cách căn bản".
Dư luận trên mạng xã hội cũng cho rằng, các cuộc chất vấn gần đây đã hơn hẳn những lần trước bởi tính chất thời sự, người trả lời chất vấn cũng đã tỏ ra có thiện chí và không tránh né.
Tuy nhiên, Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc khi nhận định với RFA hôm 8/6 thì cho rằng việc chất vấn cũng chưa tốt hoàn toàn :
"Vấn đề chất vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng, Phó thủ tướng… trên Quốc hội Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là từ khi được trực tiếp truyền hình… Thì tôi thấy đảng và nhà nước có một công thức, là chất vấn để làm rõ hơn sự điều hành của chính phủ, để rút kinh nghiệm cùng nhau bắt tay xây dựng các thứ. Chứ không phải chất vấn để tìm ra khuyết điểm của từng Bộ trưởng hoặc thành viên Chính phủ để cách chức. Điều này hoàn toàn khác với các nước phương Tây. Nhưng nếu cử tri theo dõi những buổi chất vấn thì thấy có những vấn đề nóng của đất nước được nêu trên diễn đàn Quốc hội".
Theo ông Phúc, đó là một tín hiệu rất tốt so với 20-30 năm trước. Khi trả lời chất vấn có những vấn đề được rõ hơn, nhưng cũng có những vấn đề không làm rõ được. Ông Phúc giải thích :
"Chúng ta biết rằng, tất cả sự vận hành của đất nước này đều do sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó có những vấn đề có thể nói và có những vấn đề không thể nói rõ trên phương tiện truyền thông. Đó cũng là hạn chế, nhưng nhìn chung, tôi thấy rằng những vấn đề nóng đã được đặt trên diễn đàn Quốc hội, dù Bộ trưởng có trả lời được hay không cũng là một tín hiệu tốt, để cho thấy rằng sự bức xúc của cử tri đối với các vấn đề chính phủ làm chưa được, hay những quyết định của từng Bộ trưởng, để cho người dân đánh giá… Đó là một ưu điểm, không thể đòi hỏi hơn được nữa".
Trong thời gian qua, không ít lần các Đại biểu quốc hội đã nêu lên công khai tại nghị trường những đề xuất vô bổ, không thiết thực... thậm chí ngớ ngẩn... mà chính truyền thông nhà nước loan tải. Tình trạng này khiến người dân không khỏi thắc mắc : ‘Sao một vị Đại biểu quốc hội, đa phần là cán bộ lãnh đạo các địa phương, lại ăn nói như vậy ?’
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, nói với RFA hôm 8/6/2022 :
"Thật ra chất lượng chất vấn của Đại biểu quốc hội hiện nay là rất thấp. Bởi vì vấn đề họ có thật sự xứng đáng là Đại biểu quốc hội hay không ? Hay chỉ là người của đảng cử vào quốc hội. Với tư cách như thế đã làm cho người ta không thể tin được chất lượng đại biểu của họ. Cho nên Đại biểu quốc hội này thật ra là cơ quan của đảng phân công, để mà nói một vài ý kiến hợp thức hóa lãnh đạo của đảng mà thôi. Cho nên về nguyên tắc nó là vô nghĩa, tôi phải đánh giá chất lượng ý kiến của Quốc hội không đáng kể đối với nhu cầu của xã hội, của dân tộc".
Quốc hội là nơi hoạt động lập pháp, giám sát các hoạt động hành pháp và tư pháp... trong việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đề ra. Ngoài ra, Quốc hội còn là nơi đề xuất, thảo luận các vấn đề mang tầm vĩ mô về kinh tế-xã hội, quốc kế dân sinh... Nói như thế để thấy rằng, các đại biểu khi họp Quốc hội không được sa vào bàn luận những tiểu tiết hay quá cụ thể vì những công việc này sẽ do chính phủ quy định cụ thể theo đặc thù từng ngành.
Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định thêm về vấn đề này :
"Chúng ta cũng thấy rõ rằng, gần 500 Đại biểu quốc hội trình độ khác nhau, nhận thức khác nhau, tiếp cận một vấn đề cũng khác nhau. Do đó có những câu hỏi rất chất lượng đi vào việc quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh… thấy rõ ràng trong thời gian qua là đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hay sử gia Dương Trung Quốc hay trước đây giáo sư Nguyễn Minh Thuyết… Họ có những câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề, chứ không phải những câu hỏi minh họa cho các bộ trưởng trả lời. Có những câu hỏi hết sức nhỏ, không đi vào đúng lĩnh vực Quốc hội mà chỉ ở cấp phường xã hoặc quận huyện, ví dụ như ‘khen hàng xóm đẹp là bạo lực gia đình’… rất vô duyên".
Theo ông Phúc, hạn chế đó là do cơ cấu Đại biểu quốc hội phải có đủ thành phần đại diện như công nhân, nông dân, trí thức… Trong khi Mặt trận Tổ quốc đã có đại diện của tất cả thành phần rồi, thì Quốc hội cần nâng cao chất lượng của đại biểu lên. Ông nói tiếp :
"Thời kỳ này không phải thời kỳ Quốc hội sau năm 1975, một chị công nhân vệ sinh cũng được cơ cấu vào Quốc hội. Khi được hỏi làm gì để tròn vai trò đại biểu thì bà ta lại nói rằng : ‘em cố gắng đoàn kết nội bộ, nâng cao năng suất lao động’. Theo tôi đã qua thời kỳ đó rồi, Đại biểu quốc hội hiện nay phải là những thành phần tinh túy nhất, đại diện cho tiếng nói của cử tri, bàn những vấn đề quốc gia đại sự… Chứ không phải những vấn đề ở quận mình, ở tỉnh mình cũng đem lên diễn đàn quốc hội thì rất mất thời gian và cũng không giải quyết được".
Nhà hoạt động Trần Bang khi còn tại ngoại nói với RFA rằng, các Đại biểu quốc hội vì không thể nói gì hay hơn, mà chả lẽ trong năm năm làm đại biểu lại không nói gì, nên phải nói, nhưng nói toàn điều ngớ ngẩn, và đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng nữa.
Nguồn : RFA, 08/06/2022