Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2022

Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, giảm nghèo

Thu Hằng

Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới. Đây là mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch vùng đầu tiên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, triển khai theo Luật Quy hoạch của Việt Nam và được công bố tại thành phố Cần Thơ ngày 21/06/2022.

dbscl1

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa ngày 04/03/2014. © Flickr / Georgina Smith / CIAT

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long được giám đốc Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam đánh giá (1) là "một cột mốc quan trọng" cho chính phủ Việt Nam. Bản quy hoạch "nêu bật được tư duy và tầm nhìn mới cho khu vực""đưa ra được những cơ hội to lớn để tạo ra các giá trị mới và mang lại sự chuyển đổi, cũng như tiềm năng tăng trưởng xanh, bền vững, đồng đều và thịnh vượng lâu dài trong khu vực".

Vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn được coi là vựa thóc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, tỉ lệ huyện có số hộ nghèo so mức trung bình trên cả nước lại tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2015-2019, đặc biệt do các vấn đề biến đổi khí hậu và gần đây là hệ quả của đại dịch Covid-19. Lượng người di cư từ vùng này chiếm khoảng 37% tổng số người di cư trong cả nước vào năm 2020, theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới.

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 23/06, tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch kiêm giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong (Mekong Conservancy Foundation, MCF), giải thích thêm những bất cập mà đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt :

"Bản quy hoạch này ra đời đúng vào lúc mà sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long đã tới "ngưỡng". "Ngưỡng" ở đây có hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất về mặt diện tích, hiện nay diện tích đất canh tác trên đầu người ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ được 0,7 hecta. Với diện tích nhỏ như vậy, người nông dân bắt buộc phải tăng vụ, thâm canh hay phải làm rất nhiều vụ một năm mới đủ ăn, đủ xài. Tiếp theo, năng suất cây trồng, ví dụ cây lúa, năng suất hiện giờ đang đạt tới đỉnh, nghĩa là được tối đa 7-8 tấn/hecta một vụ. Thâm canh làm 2-3 vụ/năm nên đất đai cũng đến lúc bị kiệt quệ.

Yếu tố thứ hai là Quy hoạch của Đồng bằng sông Cửu Long. Bấy lâu nay chưa có Luật Quy hoạch, do đó mỗi tỉnh tự quy hoạch theo tỉnh, mỗi ngành tự quy hoạch theo ngành cho nên trong quá khứ, những quy hoạch đó bị chồng chéo nhau, thậm chí có những cái chọi nhau. Điều này làm cho người dân, kể cả chính quyền địa phương của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua phải đối phó với rất nhiều bất cập, đôi khi rất lúng túng.

Ngoài ra, điều quan trọng là nhiều quy hoạch chồng chéo, không được minh bạch, rõ ràng, khiến phải điều chỉnh, sửa sang liên tục, làm cho các định chế tài chánh quốc tế, như Ngân Hàng Thế Giới hoặc Ngân Hàng Phát Triển Châu Á lúng túng khi muốn đầu tư hoặc cho vay tiền… Họ không biết dự án đó sẽ được làm hay không làm. Và quan trọng nhất là đối với giới đầu tư, những người muốn bỏ tiền làm ăn lâu dài với người dân ở đồng bằng, họ không biết phải đầu tư vô chỗ nào".

Bỏ tư tưởng chỉ tập trung vào cây lúa để bảo đảm an ninh lương thực

Tiến sĩ Dương Văn Ni nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Luật Quy hoạch năm 2017 tạo nền móng cho Quy hoạch cấp vùng đầu tiên của Việt Nam và tạo bộ khung cho thành phố Cần Thơ, cùng với 12 tỉnh trong vùng phát triển. Ngoài ra, Quy hoạch lần này mang tính khách quan, do được nhiều định chế nước ngoài tư vấn, tổng hợp hết những yêu cầu phát triển của các ngành, các địa phương, tính cả những yếu tố bất lợi như áp lực từ các nước thượng nguồn sông Mê Kông, biến đổi khí hậu toàn cầu…

"Trước đây, trong thời gian dài, nền nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long chịu áp lực rất lớn từ chính sách an ninh lương thực, thực ra chỉ là trồng lúa. Do đó, chúng ta làm bằng mọi giá, gần như là mọi nơi, mọi chỗ, mọi nguồn lực của xã hội từ vốn liếng đến các chính sách đều tập trung để phát triển cây lúa. Ngay cả những vùng không thuận lợi lắm cũng cố gắng trồng thật nhiều lúa, thành thử ra nó đẩy người dân vào tình huống rất khó khăn, lúc hạn hán hay xâm nhập mặn thì lại thiếu nước ngọt, làm cho việc sản xuất hàng ngày của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Tháo gỡ đầu tiên có thể nói chính là từ nghị quyết 120, được phê chuẩn cuối năm 2017. Nghị quyết đó lần đầu tiên xác định lại vai trò quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên ba trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất là dựa trên thủy sản. Trụ cột thứ hai là trên cây ăn trái. Thứ ba mới là lúa gạo. Trong đó, lúa gạo là vấn đề số 1 vì lúa gạo bảo đảm về vấn đề an ninh lương thực.

Nói như vậy để thấy nền nông nghiệp phải chuyển dịch theo chiều sâu. Có nghĩa là bây giờ không sản xuất quá nhiều số lượng nữa, mà phải chú ý vào chất lượng, bởi vì chất lượng mới có thể làm tăng thu nhập của người dân. Đó là điểm mấu chốt".

Nguồn nước : Biến bất lợi thành ưu điểm để định hình ba trụ cột

Điểm khác biệt quan trọng nhất là Quy hoạch lần này đặt trọng tâm vào nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích tiếp :

"Từ việc dựa trên ba trụ cột là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo, việc quy hoạch đồng bằng lần này phải bám sát vào mục tiêu của nghị quyết 120, do đó chia đồng bằng theo những vùng sinh thái dựa trên vấn đề cốt lõi nhất là nguồn nước, một trong những tài nguyên chủ lực : Có nguồn nước thì mới tính đến chuyện sản xuất.

Cũng nghị quyết 120 cũng cởi trói cho chúng tra về nguồn nước. Hồi trước, mình nhìn nước lũ hay nước mặn như kẻ thù nên phải tìm mọi cách để chống trọi. Còn trong nghị quyết 120 thì khẳng định lại : nước lũ, nước lợ hay nước mặn đều là tài nguyên. Và từ chuyển dịch về khái niệm đó nên mới chia đồng bằng thành ba vùng : Vùng thượng là vùng nước ngọt quanh năm ; thứ hai là vùng xen lẫn mặn-ngọt, hay còn gọi là vùng nước lợ ; thứ ba là vùng ven biển có nước mặn gần như quanh năm.

Dựa trên trụ cột từ ba nguồn nước đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long, ở mỗi Châu thổ vùng như vậy, người ta chia ra thành những tiểu vùng sinh thái mang tính đặc thù dựa trên tài nguyên đất và chất lượng của nguồn nước, thời gian thay đổi nguồn nước đó trong năm chẳng hạn. Từ những tiểu vùng sinh thái đó, chúng ta sẽ vực dậy cho vấn đề sản xuất cho mạnh hơn. Những vùng có nước ngọt quanh năm, chúng ta có thể nghĩ đến sản xuất lúa, cây trồng, chăn nuôi thích nghi với nước ngọt. Còn ở những vùng có nước mặn nhiều, chúng ta sử dụng cây trồng, vật nuôi thích nghi với nước mặn".

Cải thiện môi trường để phát triển du lịch sinh thái

Trong tương lai, vùng đồng bằng sông Cửu Long dành "1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu" (2). Chỉ thị số 10/CT-Tg được phó thủ tướng Lê Văn Thành ký ngày ngày 18/06 nhấn mạnh đến ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Mục tiêu đề ra là phát triển đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp-nông thôn, du lịch sinh thái. Về điểm này, tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích thêm :

"Bây giờ nông nghiệp không còn nhìn vào điểm cố gắng đạt nhiều sản lượng nữa, mà nhìn vào chiều sâu, vào hiệu quả kinh tế. Do đó, nó lồng ghép thêm những khả năng tăng thu nhập cho người dân, ví dụ làm du lịch. Khi chúng ta giữ gìn sinh thái tốt, chọn lựa cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, kiểu canh tác không gây ô nhiễm, độc hại đến cây trồng, vật nuôi thì đồng nghĩa với việc chúng ta phục hồi hệ sinh thái thì chúng ta mới có cơ may khai thác du lịch. Như vậy, trong quy hoạch kỳ này, chúng ta tìm mọi cách, thứ nhất là để phục hồi lại hệ sinh thái của đồng bằng, thứ hai là làm sao để phát huy hết nội lực của tài nguyên đồng bằng".

Quy hoạch còn chú trọng đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông với mục tiêu đến năm 2030 xây mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ. Ngoài mục tiêu biến đồng bằng sông Cửu Long thành nơi đáng sống đối với người dân, mọi nỗ lực trong Quy hoạch còn hướng đến việc quản lý sử dụng tài nguyên một cách hợp lý để cải thiện sức khỏe môi trường nhằm ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, theo giải thích của tiến sĩ Dương Văn Ni :

"Điểm đặc biệt là quy hoạch này được chuẩn bị chu đáo từ mặt chính sách cho đến hướng dẫn về cách thực hiện quy hoạch này, kể cả chuẩn bị về vấn đề tiền bạc để thực hiện. Đặc biệt là chúng ta có rất nhiều nhà tài trợ hoặc là những định chế tài chính hay là Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Châu Á…, họ rất sẵn sàng hỗ trợ, cho Việt Nam vay để phát triển Quy hoạch này. Đây là điểm đặc biệt so với những quy hoạch trước đây. Về những quy hoạch trước đây, nhiều khi quy hoạch rồi nhưng không biết lấy tiền ở đâu để làm. Lần này thì có cả cơ chế, chính sách, kinh phí. Nói như vậy để chúng ta thấy việc thực thi quy hoạch này có khả năng thành công rất lớn".

Ngân Hàng Thế Giới, một đối tác hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cam kết tiếp tục hỗ trợ khi Quy hoạch được triển khai. Cụ thể là các cán bộ của định chế tài chính này đã bắt đầu chuẩn bị một chương trình tổng hợp để thực hiện Quy hoạch vùng. Tuy nhiên, "chuyển từ tầm nhìn và quy hoạch sang thực hiện luôn là một thách thức" cho nên khi phát biểu tại lễ công bố ngày 21/06, bà giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam đã nêu ba điểm quan trọng mà phía Việt Nam cần cân nhắc khi tiến hành : Thứ nhất, đảm bảo tập trung cao độ vào hiệu quả và hiệu lực ; thứ hai, đảm bảo sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang ; thứ ba, đảm bảo quy hoạch vùng luôn được cập nhật. (3)

Theo tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch kiêm giám đốc Quỹ Bảo tồn Mekong, vì là quy hoạch cấp vùng đầu tiên được thực hiện theo Luật Quy hoạch năm 2017 nên Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể không hoàn hảo 100%, nhưng đặt nền tảng để tiếp tục phát triển hoàn thiện hơn.

"Về điểm yếu, chúng ta đang làm ở mức độ cấp vùng, nên chưa đi vào ngóc ngách, vào thực tế của người dân cho nên sẽ phải cần rất nhiều sự sáng tạo, thông tin cập nhật và chính xác của từng địa phương. Rồi địa phương mới bắt đầu làm một quy hoạch chi tiết cho việc minh bạch. Cho nên còn cần thêm một bước nữa mà bước này cần vào sự quyết tâm của chính quyền địa phương và kể cả người dân ở địa phương đó. Chúng ta phải chia sẻ những kinh nghiệm, đặc biệt là vốn sống, những tri thức bản địa. Nếu tích hợp được đầy đủ những yếu tố đó, tôi tin rằng bản Quy hoạch cuối cùng cho từng địa phương, từng tỉnh sẽ tiếp cận tốt hơn vào đời sống thực tế của người dân".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 27/06/2022

(1) (3) Bài phát biểu của bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam tại Lễ Công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ, ngày 21/06/2022.

(2) Báo Chính phủ, ngày 18/06/2022.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 385 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)