Tự do Ngôn luận
Christopher Hitchens, Reader's Digest, 07/04/2011
Từ trước bình minh của lịch sử con người, các bạo chúa đã dựa vào tư tưởng rất chính xác rằng lời của họ là luật, hay tuyệt đối. Các hoàng đế thời tiền La Mã và La Mã tìm cách che dấu điều này trong ý tưởng rằng chính họ là những siêu nhân và họ được thần thánh hoá ngay khi còn lúc sinh thời.
Các bạo chúa về sau tuyên bố trị vì theo "thần quyền của các quân vương," một sự khẳng định tồn tại cho đến thế kỷ thứ 18. Tất cả những kẻ nối ngôi hiện đại, từ Hitler đến Khomeini đến Kim Chính Nhật, đều nhất mực khẳng định rằng chỉ có một người hay một đảng hay một cuốn sách tiêu biểu cho chân lý tuyệt đối, cho nên thách thức chân lý ấy là sự ngu xuẩn hay còn tồi tệ hơn thế. Nhưng chỉ cần một chú bé buột miệng thốt ra sự thật khó chịu là hoàng đế trần truồng như lúc sinh ra, và như thế, toàn bộ lâu đài quyền lực tuyệt đối bắt đầu sụp đổ.
Người lớn, tất nhiên, là "chín chắn" hơn, nếu không truyện cổ tích ấy sẽ chẳng hay đến như thế. Từng trải trong đời, người lớn có thể luôn luôn nghĩ ra đủ bao nhiêu lý do để im lặng và khiến người khác im lặng theo. Chẳng hạn, chúng ta có thể nên thảo luận chuyện tình dục trên sách báo ? Hay công khai bất đồng với chính quyền trong thời chiến tranh ? Hay đụng chạm đến tư tưởng ấp ủ của ai đó ? Lưỡi và bút dù tự do nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra những kết quả làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn hay thoải mái hơn.
Ý kiến riêng của tôi là ý kiến rất đơn giản. Quyền tự do biểu đạt của những người khác cũng chính là một phần quyền của tôi. Nếu tiếng nói của ai đó bị dập tắt thì tôi cũng bị tước đi cái quyền được nghe. Hơn nữa tôi chưa từng bao giờ gặp hay nghe nói đến ai đấy người mà tôi sẽ tin tưởng để phó thác cho họ công việc quyết định trước những gì mà tôi hay bất kỳ ai khác được phép nói hay đọc. Theo tôi hiển nhiên là tự do biểu đạt gồm có việc ta có thể nói với những người khác những điều mà họ có thể không muốn nghe và, trên hết, tự do biểu đạt phải mở rộng đến những người có tầm suy nghĩ khác.
Hầu hết tất cả các vụ án tự do ngôn luận nổi tiếng trong lịch sử nhân loại đều liên quan đến khái niệm báng bổ kỳ lạ, mà thực ra chỉ là khái niệm đơn giản cho rằng có những điều ta hoàn toàn không thể nói hay nghe được. Phiên toà xử Socrates liên quan đến tội là cách suy nghĩ của ông đã khiến những người trẻ bất kính với các đấng thần linh. Trong phiên toà xử Galileo, những khám phá của ông về thiên văn được coi phá hoại giáo điều cho rằng trái đất là trung tâm và đối tượng của sáng tạo. Phiên toà Khỉ Scopes ở Dayton, Tennessee liên quan đến lời buộc tội rằng tác phẩm Về nguồn gốc các loài của Charles Darwin là báng bổ và đồi bại và cả sai trái. Chúng ta hồi tưởng những lúc khi các chính quyền, cũng như thường là khi các đám đông cuồng nộ, quyết định nhắm. mắt bịt tai họ và những người khác, rồi chúng ta lắc đầu tự hỏi họ lấy quyền gì.
Quyền sở hữu chân lý duy nhất là thứ quyền rỗng tếch. Hơn nữa, giống như các thị trường khác, các thị trường về tư tưởng và thông tin bị thiệt hại bởi sự bóp méo và chúng không phản ứng tốt với sự kiểm soát chắp vá vụng về. Nhắc đến thị trường, chúng ta hãy lưu ý đến công trình của nhà kinh tế người Ấn Độ Amartya Sen, người đã chứng minh rằng ở quốc gia nào có thông tin không bị kiểm duyệt thì nơi đó chưa từng bao giờ xảy ra nạn đói lớn nào cả. Đói kém hầu như luôn luôn xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm mà do chính quyền, bất chấp dư luận, ngu ngốc tích trữ trong những thời khủng hoảng. Hãy nhớ điều này bất kỳ khi nào ta nghe ai nói tự do biểu đạt là điều xa xỉ.
Trong đời nghề nghiệp của mình, tôi đã có dịp đến hàng chục quốc gia đang trải qua các cuộc khủng hoảng về chiến tranh hay nghèo khổ hay xung đột tôn giáo. Tôi có thể nói hết sức chắc chắn rằng ở bất kỳ nơi nào mà ánh sáng của tự do biểu đạt và tranh luận bị dập tắt thì bóng tối ở nơi đấy càng dày dặc hơn rất nhiều, càng khắc đậm hơn, và càng kéo dài thêm ra. Nhưng thôi thúc muốn bịt kín tin xấu hay những ý kiến không hợp lòng sẽ luôn luôn là một thôi thúc rất mạnh, chính vì thế mỗi thế hệ cần phải tiếp tục chiến đấu cho trận chiến tái khẳng định quyền tự do ngôn luận.
Christopher Hitchens
Nguyên tác : Why Even Hate Speech Needs to Be Protected, Reader's Digest, 07/04/2011
Trần Quốc Việt dịch
Christopher Hitchens là nhà văn và nhà báo người Mỹ gốc Anh kỳ cựu và nổi tiếng về những bài viết phản biện về tự do ngôn luận, qua đó ông bảo vệ hùng hồn và cương quyết quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người.
**********************
Sức mạnh công luận
George Orwell, Tribune, 7 tháng 12, 1945.
Trên diễn đàn, hay ở những không gian lộ thiên được công nhận nào đấy giống như Hyde Park, ta có thể hầu như nói bất kỳ điều gì, và, điều có lẽ ý nghĩa hơn, không ai sợ nói lên ý kiến thật lòng của mình ở trong các quán rượu, trên nóc xe buýt, vân vân. Vấn đề là tự do tương đối mà chúng ta có lại phụ thuộc vào công luận.
Luật pháp không bảo vệ. Chính quyền soạn ra luật pháp, nhưng luật pháp có được thực thi hay không, và cách cảnh sát hành xử, tất cả đều phụ thuộc vào thái độ chung trong nước. Nếu rất nhiều người quan tâm đến tự do ngôn luận, thì sẽ có tự do ngôn luận cho dù luật pháp cấm; nếu công luận yếu ớt, thì những nhóm thiểu số gây phiền toái sẽ bị trấn áp cho dù luật pháp tồn tại để bảo vệ họ.
George Orwell
Nguyên tác : "Freedom of the Park", Tribune, 7 tháng 12, 1945.
Trần Quốc Việt dịch
*********************
Tự do nhất định thắng
Ngải Vị Vị, The Guardian, 16/04/2012
Mao Chủ tịch thường nói : "Những người cộng sản chúng ta nắm được chính quyền nhờ sức mạnh của súng và duy trì chính quyền nhờ sức mạnh của ngòi bút". Từ đấy ta có thể thấy tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng chính trị là nhiệm vụ quan trọng nhất của xã hội chuyên chế. Trước khi internet ra đời, mọi người đều chỉ biết xem truyền hình hay đọc báo Nhân dân. Họ thường đọc giữa các dòng chữ để cố suy đoán chính xác sự tình. Còn bây giờ thì khác. Báo chí vẫn cố gắng đề cập đến thời sự, nhưng ngay cả trước khi tin tức xuất hiện trên mặt báo, mọi người đã bàn tán về nó trên mạng.
Tôi vẫn nghĩ cuộc cách mạng của Gorbachev tại Nga - Glasnot- quan trọng hơn. Cởi mở và minh bạch là cách duy nhất để hạn chế những thế lực đen tối này. Công dân Trung Quốc từ trước đến nay không bao giờ có quyền thể hiện trung thực quan điểm của mình ; trong hiến pháp khẳng định ta có thể, nhưng trong đời thực lại nguy hiểm hơn nhiều. Ở Phương Tây người ta coi đấy là quyền họ tự nhiên được hưởng khi chào đời. Còn ở đây quyền ấy do chính phủ ban phát, nhưng lại là quyền người dân thực sự không được dùng đến.
Mặc dù chúng tôi đã thực hiện cải cách và mở cửa, nhưng "mở cửa" không có nghĩa là "cởi mở" ; mở cửa nghĩa là mở cửa ra với Phương Tây. Biện pháp này xuất phát từ thực tế hơn là từ tư tưởng chính trị. Ngay từ đầu, không ai -ngay cả tại Phương Tây- có thể tiên đoán được internet sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tự do ngôn luận và các mạng xã hội sẽ phát triễn như hiện nay. Họ chỉ hiểu internet là phương tiện giao tiếp hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn và tốt hơn rất nhiều.
Nhưng kể từ khi chúng tôi có mạng và có thể viết blog- và bây giờ microblog- người ta bắt đầu chia xẻ ý tưởng, và ý thức mới về tự do nảy sinh. Tất nhiên, tự do mới này thật đa dạng từ những bài viết ngu ngơ như buổi sáng ta ăn gì đến những cuộc bàn luận tin tức nghiêm túc, nhưng dù viết gì chăng nữa, người ta vẫn đang học cách thực thi quyền của mình. Đây là thời điểm độc đáo, rất quý giá. Người ta bắt đầu cảm nhận làn gió mới. Internet là miền đất hoang dã, nơi có luật chơi, ngôn ngữ, phong cách riêng biệt, qua đó chúng tôi bắt đầu chia xẻ tâm tư chung.
Nhưng chính quyền không thể nào từ bỏ sự kiểm soát. Chính quyền ngăn chặn các diễn đàn internet chính như Twitter và Facebook vì sợ tự do thảo luận. Cho nên chính quyền xóa thông tin. Máy tính của chính quyền chỉ có một nút : xóa.
Nhưng tự thân kiểm duyệt không có kết quả. Như Mao nói phải cần có cả ngòi bút và súng. Thế là nửa đêm họ có thể xông vào phòng ta bắt ta đi. Họ có thể trùm đầu ta kín mít, giải ta đi đến nơi bí mật để tra hỏi, hòng mong chặn đứng điều ta đang làm. Họ còn đe dọa, người thân, gia đình ta khi nói : "Con cái các người sẽ không tìm được việc làm".
Tuy nhiên, đồng thời chính quyền lại bàn về cách thức làm cho nền văn hóa dân tộc mạnh và sáng tạo. Dĩ nhiên, nếu con người không bao giờ có quyền chọn lựa thông tin cho mình, không bao giờ được tự do tán đồng bất kỳ tư tưởng chính trị nào, và không được tự do phát triễn tính cách cá nhân bằng niềm đam mê và trí tưởng tượng riêng - thì làm sao họ có thể trở nên sáng tạo? Điều này không phù hợp với bản chất con người. Nếu ta chống lại mọi giá trị cơ bản của chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập, và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và gánh chịu hậu quả, và có ý thức trách nhiệm- sự sáng tạo gì ta mong đợi ở đây ?
Thực tế sẽ khiến quốc gia này tụt hậu xa trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vào những thập niên tới. Ta không thể tạo ra những thế hệ chỉ biết lao động ở Foxconn. Mọi người đều muốn có iPhone, nhưng không thể nào chế tạo iPhone ở Trung Quốc vì nó không phải là một sản phẩm ; nó là sự am hiểu về bản chất con người.
Nhưng nếu không có kiểm duyệt, tôi nghĩ cuộc đời sẽ mất đi nhiều thú vị. Cuộc đời thêm thú vị hơn khi ta cố gắng tìm mọi cách để vượt qua bao khó khăn. Tôi thường thấy lũ mèo của tôi đặt đồ chơi của chúng ở nơi đầy những vật cản, nhờ thế cuộc chơi của chúng trở nên thú vị và hấp dẫn.
Kiểm duyệt tuyên bố : "Ta là người nói câu cuối cùng. Ngươi nói gì thì mặc ngươi, kết luận là của ta". Nhưng internet giống như cây đang lớn. Mọi người sẽ luôn luôn có tiếng nói sau cùng - dù tiếng nói của họ rất yếu, rất nhỏ. Quyền lực kiểm duyệt sẽ sụp đổ vì một lời nói thầm.
Khi tôi còn trẻ tính tình tôi ương ngạnh. Khi tóc tôi mọc dài, và ngay lúc tôi định cắt tóc thì cha mẹ tôi bảo "Cắt tóc đi con ; tóc dài quá rồi". Nghe trách thế tôi nghĩ tôi sẽ càng để tóc dài thêm, cuối cùng tóc mọc quá dài. Toàn bộ thế hệ trẻ hiện nay đều giống như thế- khác với các giá trị của cha mẹ họ, những người chỉ muốn tồn tại để kiếm tiền.
Trung Quốc tưởng chừng như có thể thành công trong nỗ lực kiểm soát ngôn luận, nhưng thật ra chỉ tăng mực nước lên. Giống như việc xây đập : cứ tưởng có nhiều nước hơn nên xây đập càng cao. Nhưng mỗi giọt nước trong đập vẫn còn đó. Họ không biết cách xả áp lực. Nên áp lực cứ tăng dần lên theo cách họ duy trì sự kiểm soát rồi họ cuối cùng đùn đẩy vấn đề cho thế hệ kế tiếp.
Thời điểm chế độ sụp đổ vẫn chưa đến. Cho nên nhiều nước khác vẫn còn khâm phục kỹ thuật cùng phương pháp kiểm soát của họ. Nhưng về lâu dài, những nhà lãnh đạo của chế độ phải hiểu họ không thể nào kiểm soát internet chỉ trừ phi họ dẹp hẳn nó - nhưng họ không thể sống với hậu quả của quyết định như thế. Internet nằm ngoài mọi sự kiểm soát. Cho nên nếu internet không thể nào kiểm soát được thì tự do nhất định thắng. Đơn giản là như thế.
Ngải Vị Vị
Nguyên tác : China's censorship can never defeat the internet, The Guardian, 16/04/2012. Tựa đề tiếng Việt của người dịch
Trần Quốc Việt dịch
*********************
Những bạo chúa thời nay
Aldous Huxley, Harper's số ra tháng Hai 2018
Trong nhà nước dân chủ nhà tuyên truyền nào cũng sẽ có các đối thủ cạnh tranh với họ để giành lấy sự ủng hộ của công chúng. Trong nhà nước toàn trị không có tự do ngôn luận cho các tác giả và không có tự do chọn lựa cho độc giả của họ. Chỉ có một nhà tuyên truyền tức nhà nước.
Điều thoạt nhìn tưởng như nghịch lý là lịch sử biết đến những nhà cai trị quyền uy tuyệt đối mà thường xuyên xử dụng khủng bố lại là những nhà tuyên truyền tích cực nhất. Nhưng với lưỡi lê ta có thể làm được bao nhiêu chuyện ngoại trừ ngồi trên chúng. Ngay cả bạo chúa cũng không thể cai trị trong bất luận thời gian bao lâu nếu không có sự ưng thuận của thần dân họ.
Tuyên truyền độc tài trước tiên nhắm đến hợp pháp hóa lòng yêu mến của nhân dân đối với chính quyền nhà độc tài. Những chính quyền được thành lập lâu đời không cần tạo ra giấy chứng nhận hợp pháp. Thói quen từ lâu khiến nhân dân cảm thấy chuyện họ nên ở dưới quyền của quân chủ tuyệt đối hay quân chủ lập hiến, của tổng thống cộng hòa, của hoàng thân - giám mục, của thiểu số các dòng họ quý tộc, tùy theo mỗi hoàn cảnh, là điều "tự nhiên". Những nhà cai trị mới phải chứng minh rằng họ đã không tiếm đoạt chức tước, nhưng có chính nghĩa cao quý hơn rất nhiều để cầm quyền hơn chỉ đơn thuần đã cướp được quyền lực. Sự tiếm đoạt, giống như bất kỳ tội khác, chính nó phải được biện minh theo những bộ giá trị thịnh hành-tức là theo chính hệ thống mà coi sự tiếm đoạt là tội. Chẳng hạn, ở Ý trong thế kỷ mười bốn và mười lăm có hai nguồn quyền lực chính trị được thừa nhận: Đế quốc và Giáo hội. Vì lý do này những người cướp được chính quyền thành phố bằng gian lận hay bạo lực, thường vội vàng tự phong là Đại diện Giáo hội hay Lãnh chúa Thừa kế của Đế quốc. Để có thể cai trị có hiệu quả họ cần tước vị và vẻ ngoài quyền lực hợp pháp. Kể từ Cách mạng Pháp những nguồn quyền lực chính trị được công nhận là Nhân dân và Quốc gia.
Khi các bạo chúa thời nay phải hợp pháp hóa việc tiếm đoạt của họ, họ hợp pháp hóa về chủ nghĩa dân tộc và về dân chủ nhân đạo mà chính họ đã lật đổ. Họ đưa ra tuyên truyền để chứng minh rằng chế độ họ vì lợi ích của nhân dân, hay nếu những thông tin kinh tế khiến sự tuyên bố như thế trở thành vô lý, thì vì thực thể huyền bí, khác hơn và phi thường hơn những cá nhân nhỏ bé tạo nên nó, Quốc gia. Nhưng sự thừa nhận chung rằng chính quyền của y là hợp pháp cũng chưa đủ đối với nhà độc tài toàn trị; y đòi hỏi thần dân y tất cả họ đều phải suy nghĩ và cảm nhận giống nhau, y dùng mọi cách tuyên truyền để làm cho họ đều suy nghĩ và cảm nhận giống nhau. Nhưng năm mươi triệu người nam nữ có nghề nghiệp chuyên môn không thể sống chung với nhau mà không nhấn mạnh đến những khác biệt tự nhiên lẫn nhau. Cho dù có muốn đi chăng nữa, nhà độc tài cũng không có thể nào cô lập mình với tất cả những giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đây là một trong những lý do mà, về lâu dài, y nhất định thất bại.
Trong thời gian ấy y chắc chắn thắng lợi phần nào và tạm thời. Tuyên truyền độc tài đòi hỏi sự phục tùng và cả hy sinh rất nhiều về tài chính và những hy sinh khác; nhưng bù lại tuyên truyền bảo với cá nhân rằng, với tư cách thành viên của quốc gia, nòi giống, hay giai cấp ưu việt, họ tốt hơn tất cả những cá nhân khác trong xã hội; tuyên truyền làm tiêu tan ý thức tự ti cá nhân của họ bằng cách khiến cho họ tưởng vinh quang của cộng đồng là vinh quang của chính mình; tuyên truyền cho họ những lý do để nghĩ tốt về bản thân; tuyên truyền cung cấp cho họ những kẻ thù để họ có thể đổ lỗi cho kẻ thù những khuyết điểm của họ và cũng để cho họ có thể trút lên kẻ thù sự tàn bạo tiềm tàng trong họ và thói thích bắt nạt. Tuyên truyền độc tài, mà luôn luôn là tuyên truyền về dân tộc và cách mạng, khuyến khích nam nữ hoàn toàn tự do thể hiện tánh tự phụ, kiêu ngạo, và những khuynh hướng tự tôn của họ, và cung cấp cho họ những cách tâm lý nhằm khắc phục ý thức tự ti cá nhân nhân ở họ. Tuyên truyền độc tài đề cao hiện thực thành kiến xấu xí và cảm xúc mạnh mẽ lên mức lý tưởng. Những nhà độc tài là những giáo hoàng của chủ nghĩa dân tộc; và tín điều của chủ nghĩa dân tộc là những gì nên tồn tại chỉ là những gì hiện tồn tại, chỉ nhiều điều như thế. Tất cả những cá nhân muốn tìm sự biện minh cho những cảm xúc mạnh mẽ như ghen ghét, căm thù, tham lam quá độ, và tàn ác; nhờ tuyên truyền về dân tộc và cách mạng các nhà độc tài cho họ những biện minh như thế.
Aldous Huxley
Nguyên tác : Modern Despots, Harper's số ra tháng Hai 2018
Trần Quốc Việt dịch
Aldous Huxley (1894-1963) là nhà văn Anh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Brave New World (1932).