Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2022

Cái gì cũng muốn có nhưng phải do Đảng lãnh đạo !

Thanh Trúc

Việt Nam hấp dẫn Hollywood nhưng bị chế độ kiểm duyệt ngăn chặn

Thanh Trúc, RFA, 13/07/2022

Việt Nam được nói có tiềm năng thu hút các đoàn làm phim từ kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ. Tuy nhiên, chế độ kiểm duyệt vẫn là sợi dây trói lơ lửng đối với lĩnh vực này. Một bài viết trên mạng Nikkei Asian hôm 11/7 nêu ra vấn đề vừa nói.

dang1

Hình minh họa : Cờ Mỹ treo trên biểu tượng Hollywood ở đồi Hollywood, California, Mỹ - Reuters

Cụ thể, Quốc hội Việt Nam tháng trước thông qua Luật Điện Ảnh sửa đổi, nhấn mạnh thêm việc ‘cấm tư tưởng phản động và tệ nạn xã hội' thông qua một danh mục cấm. Ngoài ra, các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay phim ở Việt Nam phải nộp kịch bản tóm tắt cho cơ quan kiểm duyệt trước. 

Chế độ kiểm duyệt của một Nhà Nước độc đảng như ở Việt Nam liệu có cản trở ngành công nghiệp điện ảnh đang muốn cạnh tranh với Thái Lan, Philippines, cũng như đang cố vượt qua nỗi ám ảnh với ‘yếu tố nước ngoài’ về cuộc chiến đã chấm dứt từ lâu, là câu hỏi mà bài viết đặt ra.

Càng kiểm soát thì càng trói buộc, kìm hãm sự phát triển điện ảnh nước nhà là nhận định của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với báo Nikkei Asia. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với bộ phim ‘Em và Trịnh’ mong muốn cơ quan kiểm duyệt Việt Nam ‘thay đổi tư duy và chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ’.

Nêu thí dụ Hàn Quốc từ một thể chế độc tài cho đến những năm 1980, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói với Nikkei Asia rằng Hàn Quốc đã thay đổi suy nghĩ cuối những năm 90 và đã xây dựng nền điện ảnh nước họ thành một trong các nền công nghiệp giải trí có ảnh hưởng nhất thế giới, cạnh tranh cả với Hollywood.

Còn theo đạo diễn Charlie Nguyễn, từ Mỹ về Việt Nam với những bộ phim hành động như "Giòng Máu Anh Hùng’, ‘Bụi Đời Chợ Lớn’…bị cho là phim về xã hội đen gây khá nhiều tranh cãi và bị kiểm duyệt gắt gao hồi 2013, những qui định hay những hạn chế trong Luật Điện ảnh Việt Nam trước nay là rào cản, là trở ngại khiến điện ảnh Việt Nam không phát huy được hết tiềm năng của nó.

Hoàn toàn đồng ý với hai nhà làm phim trẻ hơn này là đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả hai bộ phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế gây tiếng vang nhưng chưa bao giờ được trình chiếu chính thức trong nước.

Theo vị đạo diễn cao tuổi này, thực ra người ta không quan tâm đến luật mới này lắm bởi người ta cũng dự đoán sửa hay không sửa thì luật cũng chỉ phục vụ mục đích, định hướng nào đó của giới cầm quyền mà thôi :

"Tôi thấy những vấn đề nêu lên trong bài viết rất chính xác. Là người bị va vấp nhiều trong vấn để kiểm duyệt, tôi thấy tốt nhất nên có sự cởi mở như bài viết giới thiệu về Hàn Quốc đã tiến những bước dài trong lãnh vực điện ảnh,văn hóa, du lịch và tài chính nữa. Bài viết rất khách quan mà nếu những người thực thi luật học hỏi, cầu thị và chia sẻ được thì rất có lợi".

Khoan nói Việt Nam có thu hút được Hollywood hay chưa, chỉ biết kiểm duyệt chẳng những không che giấu được diện mạo thật của một bộ phim hay một tác phẩm, trái lại còn gây tác dụng ngược hay trái khoáy, là khẳng định của đạo diễn Trần Văn Thủy với trường hợp điển hình của một số tác giả trong nước và của chính ông : 

"Tại một liên hoan phim ở Brooklyn Academic Music mà thời kỳ đó người ta có chiếu mấy phim của tôi. Hôm đó có mặt nhiều đạo diễn lớn của Mỹ, người ta hỏi tôi đã gặp trở ngại gì trong vấn đề kiểm duyệt. Tôi thừa nhận rằng ở Việt Nam chẳng riêng gì điện ảnh mà nhiều lĩnh vực khác thuộc văn học nghệ thuật, khoa học xã hội này khác cũng bị kiểm duyệt".

"Tôi nói một câu tưởng như đùa nhưng rất thật là nếu Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt thì làm sao tôi được nổi tiếng như thế này. Tôi bảo ở Mỹ làm phim thì phải có khoản tiền lớn để quảng cáo. Còn ở Việt Nam, một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim chỉ cần nhà cầm quyền lên án thì người ta đã đổ xô nhau đi xem rồi. Đây là sự quảng cáo không công cho những nhà làm phim,những người sáng tác nói chung. Cái gì cấm là người ta xem, cấm là người ta tò mò". 

Hầu hết các nhà làm phim ở Việt Nam gần như không rõ lắm về cái gọi là ‘vi phạm pháp luật’, đạo diễn Charlie Nguyễn nói với Nikkei Asia từ Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông, các nhà kiểm duyệt trong nước dựa vào những qui định khác nhau để chính trị hóa, để cắt bỏ những nội dung hay cảnh quay bị cho là không phù hợp, thí dụ nội dung liên quan đảng cầm quyền là cấm kỵ. Các bộ phim thể hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông- đang có tranh chấp với Việt Nam - cũng bị cấm chiếu.

Họ suy diễn, họ cắt bỏ mà không chịu hiểu làm như vậy là gây tổn thương người sáng tác và cả người kiểm duyệt, đạo diễn Trần Văn Thủy phân tích thêm :

"Suy diễn là bệnh của những người kiểm duyệt ở Việt Nam. Thật ra mà nói họ cũng không tận dụng đúng và chính xác những ngôn từ trong văn bản cấm ấy. Nhiều khi người ta cứ suy diễn ra là có ngụ ý này ngụ ý kia, rồi là chống phá rồi là phản động.. vân vân…"

 "Tôi tán thành những quan điểm và nhìn nhận của bài về tình hình điện ảnh Việt Nam. Đúng là nếu cứ giữ chế độ kiểm duyệt này thì không ai vào Việt Nam, không ai chơi với Việt Nam. Đổ không ít tiền để làm phim ở Việt Nam rồi cuối cùng qua khâu kiểm duyệt thì mới thấy suy diễn nọ kia. Các bạn quan tâm đến việc Hollywood vào Việt Nam chứ tôi thì không".

dang2

Hình minh họa : Một cậu bé đứng nhìn tấm biển quảng cáo phim Người Tuyết Bé Nhỏ tại một rạp chiếu phim ở Hà Nội hôm 14/10/2019. Bộ phim bị cấm ở Việt Nam vì có cảnh quay tấm bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra đòi chủ quyền phần lớn vùng nước đang tranh chấp với các quốc gia khác. AFP

Thực tế, theo Nikkei Asia, có nhiều bộ phim không được phép trình chiếu ở Việt Nam vì vi phạm qui định của Luật Điện Ảnh, nhưng ra tới hải ngoại thì được hoan nghênh vì nội dung thâm thúy, hình ảnh đẹp và nét diễn xuất chân thực.

RFA đã liên lạc tiếp xúc với các đạo diễn những bộ phim được chú ý bên ngoài. Rất tiếc không một đạo diễn nào muốn bình luận điều gì về điện ảnh Việt Nam bây giờ và trong thời gian tới.

Các nhà lập pháp Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của những quy định kiểm duyệt nhằm ngăn chặn các bộ phim bạo lực, độc hại hoặc có nội dung xúc phạm an ninh quốc gia và lợi ích chính trị. 

 Làm phim mà bị kiểm tra, theo dõi và chí trích là một cảm giác không dễ chịu, có khi còn rất nguy hiểm, là trải nghiệm của nhà làm phim người Pháp gốc Việt André Menras, tác giả bộ phim ‘Hoàng Sa Nỗi Đau Mất Mát’ và ‘Việt Nam Tiếng Thét Từ Bên Trong’ :

Qua điện thư trao đổi cùng RFA, ông Andre Menras bày tỏ :

"Bộ phim đầu tiên tôi thực hiện năm 2010 ‘ Hoàng Sa Nỗi Đau Mất Mát’, mặc dù được sự ủng hộ của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và được dựng ngay tại cơ quan Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đã bị cấm chiếu ở Việt Nam suốt bốn năm.

Cảnh sát đã xâm nhập địa điểm chiếu phim, cắt điện và quay phim cận cảnh mọi người có mặt. 

Tôi bị theo dõi từ tối hôm đó, phải rời khách sạn nơi tôi không cảm thấy an toàn. Tôi đến ở với những người bạn nhưng công an đã theo dõi và gây áp lực mãi cho đến khi tôi trở về Pháp.

Không một lý do nào được đưa ra cho sự can thiệp thô bạo này từ bất cứ công an viên hay quan chức nào. Một cán bộ tuyên truyền cấp cao ở TP HCM gián tiếp gợi ý rằng "Phim không có tính Đảng mà chỉ đơn giản cho thấy cuộc sống bất hạnh của những góa phụ miền Trung Việt Nam bị hạm đội Trung Quốc tấn công hàng ngày ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".

Kịp đến khi giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào năm 2014, ông Menras viết tiếp, phim của ông mới được trình chiếu một lần duy nhất tại nhà hát IDECAF ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tại Đà Nẵng, nhân Hội thảo Quốc tế ‘Hoàng Sa, Trường Sa và Sự Thật Lịch Sử’, nhà làm phim Menras được mời phát biểu. Đó là cơ may bộ phim cũng được VOV chiếu trên màn ảnh truyền hình rồi biệt tăm sau đó :

"Bộ phim tài liệu thứ hai của tôi được quay vào năm 2017, kể về cuộc sống trên biển của ngư dân thợ lặn ở Hoàng Sa "Những Hiệp Sĩ Cát Vàng", bị các nhà kiểm duyệt bỏ qua hoàn toàn mà tôi tin chắc là vì ‘không có tính Đảng’. "

 Đây là phim giành được một giải thưởng tại liên hoan quốc tế "Pêcheurs du Monde" ở thành phố Lorient, Pháp.

"Với kinh nghiệm bị kiểm duyệt gắt gao, năm 2019 và 2020 tôi không xin phép và đã quay chui bộ phim ‘Việt Nam : Tiếng Thét Từ Bên Trong’. Đó là một phim tài liệu về Đồng Tâm, về tự do biểu đạt ở Việt Nam, đã giành được bảy giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế".

 "Vụ bạo lực nhất mà tôi phải chịu diễn ra tại sân bay Nội Bài, sau khi tôi vừa quay xong đoạn phim về Đồng Tâm (vụ công an tấn công vào làng Đồng Tâm – ngoại thành Hà Nội năm 2020 làm chết một dân thường). Tôi bị ba công an mặc thường phục, một nữ, hai nam, áp sát ‘ mời nói chuyện chút’. Họ bảo tôi phải hiểu ý cấp trên là nếu tôi làm hại uy tín Đảng thì phải chịu hậu quả".

Phim ảnh là nghệ thuật, là văn hóa của một đất nước, ông André Menras nhấn mạnh. Một khi nghệ thuật và văn hóa nằm giữa gọng kềm chính trị thì nó khô héo như cây thiếu nước chứ không mong phát triển cho bằng người, nhà làm phim này quả quyết.

Nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam không thể ngang bằng các lân bang nếu để cho kiểm duyệt thao túng, cũng là lối nghĩ giống nhau từ những nhà sản xuất các thể loại phim ảnh ở Việt Nam.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/07/2022

**********************

Liêm chính khoa học trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam khi nào sẽ có ?

Thanh Trúc, RFA, 13/07/2022

Hội đồng Giáo sư các cấp năm 2022 vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề nghị thẩm định kỹ hơn đối với những hồ sơ ứng viên có phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí đăng bài nghiên cứu.

dang3

Những ứng viên đủ điều kiện xếp hàng nhận chứng nhận giáo sư và phó giáo sư ở một buổi lễ tại Quốc tử giám, Hà Nội hôm 24/12/2012 - AFP

Nội dung công văn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước lưu ý về việc triển khai tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Theo đó, các hội đồng giáo sư cơ sở, các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2022 ; các đại học, trường đại học, học viện ; các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ… cần ‘quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên’.

Tất cả những yêu cầu vừa nói nhằm uốn nắn, chỉnh đốn lại sự ‘liêm chính khoa học’ đã bị bỏ qua, bị bôi bác tới mức quá lộ liễu trong việc xét tuyển ứng viên vào chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam lâu nay. Đó là nhận định của người rất quan tâm đến vấn đề, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, khi cho rằng vấn đề đó không mới nhưng rất cần phải nhắc lại.

Một cách dung dị, vẫn theo lời thạc sĩ Đinh Kim Phúc, sở dĩ có một công văn như thế này là vì có những ‘lò ấp’ đào tạo hàng loạt tiến sĩ dỏm bị phát hiện :

"Những tiến sĩ này làm mọi cách để chạy cho được cái học vị phó giáo sư, giáo sư. Rõ rằng trên mạng liêm chính khoa học có những luận án tiến sĩ rất tào lao. Họ lấy một khúc lịch sử Đảng bộ hoặc một cái phong trào đoàn thể ở địa phương để làm một cái luận án tiến sĩ, mà công trình đó hoàn toàn không có một giá trị về khoa học, cũng không có đẳng cấp gì trong giới khoa học ở khu vực và trên thế giới".

Theo ông Phúc, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên mang tính liêm chính khoa học, phản ảnh chất lượng của người được phong phó giáo sư, giáo sư, là phải sử dụng thông thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu, giao tiếp, trao đổi trong các hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế :

"Nhưng nhìn lại thì lực lượng phó giáo sư, giáo sư của Việt Nam khi tham gia hội thảo quốc tế đều phải gắn cái headphone vào tai để nghe phiên dịch.

Cũng cần thấy rõ phó giáo sư không phải cái nghề để đi làm quan, để tham gia chính quyền, mà đó là để bắt đầu nghiên cứu khoa học, để bắt đầu hướng dẫn nghiên cứu sinh trong các đại học, các viện nghiên cứu. Có những người ngoại ngữ là mù, không hề có một công trình khoa học nào gọi là nghiêm túc, nhưng Hội đồng vẫn thông qua, vẫn xét duyệt thành phó giáo sư, giáo sư. Như thế là phá vỡ trật tự, phá vỡ chất lượng đội ngũ khoa học của Việt Nam. Rõ ràng là tốn tiền dân, phí thuế và phí công của Nhà nước".

dang4

Một người nhận chứng nhận phó giáo sư tại một buổi lễ ở Quốc tử giám, Hà Nội năm 2012. AFP

Ông Phúc cho rằng đã đến lúc phải nâng cao trở lại chất lượng hàng ngũ phó giáo sư, giáo sư :

"Phải kiên quyết hủy bỏ những luận án tiến sĩ ‘ầu ơ ví dầu’, thậm chí những trường hợp nghi ngờ chạy điểm, mua bằng. Phải lập hội đồng kiểm tra thì may ra có thể lập lại cái trật tự, cái liêm chính khoa học trong giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay".

Một giảng viên đại học ở Hà Nội, có nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, góp ý nhưng không muốn nêu tên vì sợ đụng chạm đến các tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư đang là bạn của ông :

"Quan điểm của tôi về việc này rất là ‘negative’ (tiêu cực). Bạn tôi làm trong Hội đồng Giáo sư cũng có, làm tiến sĩ cũng có. Tôi biết có những người chỉ mất chưa đầy một năm mà đã xong cái bằng tiến sĩ. Cho nên tiến sĩ dỏm ở Việt Nam rất là nhiều. Thậm chí có những ông bạn tôi là tiến sĩ mà còn không muốn xưng danh mình là tiến sĩ nữa cơ".

"Thế còn Hội đồng Giáo sư thì tôi rất là không có sự tin tưởng. Chắc là phải chờ đến khi nào có vụ tai tiếng nào thật lớn nó làm bể tan cái hội đồng này ra, chứ còn thực chất có quá nhiều khuất tất.

Trong giới anh em học thuật với nhau thì rất nhiều người không thích Hội đồng Giáo sư, cũng không thích cái cơ chế phong hàm giáo sư kiểu Nhà nước. Tại vì hệ thống bên Mỹ là trường nào phong giáo sư của trường đó, nhưng hệ thống bên Việt Nam giống kiểu Châu Âu thì phong giáo sư theo cấp quốc gia. Mà khi cái gì thuộc về phong cấp quốc gia rồi thì nó xa rời khỏi thực tế của trường, chất lượng thấp và nhiều chuyện khuất tất lắm.

Tôi cũng chẳng đánh giá cao kiến thức và khả năng của Hội đồng Giáo sư các cấp hay Hội đồng Giáo sư Nhà nước đâu. Tôi nghĩ sẽ đến lúc phải thay đổi thôi".

Theo đề nghị trong công văn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước gửi cho Hội đồng Giáo sư các cấp, cần chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng viên ; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan. Ngoài ra, cần thẩm định kỹ đối với những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.

Về những yêu cầu này, mà nhà nghiên cứu Ngữ học, Giáo sư Hoàng Dũng gọi là những khuyến cáo, được ông phân tích rõ ràng hơn :

"Thực ra Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhắc nhở hội đồng liên ngành các cấp về tính liêm chính khoa học thì điều đó là tốt. Tuy nhiên không cần nhắc thì đó cũng là nguyên tắc mà tất cả các hội đồng chuyên ngành hay liên ngành đều phải tuân thủ".

"Trong vài năm gần đây nhiều hồ sơ của các giáo sư có vấn đề về liêm chính khoa học. Họ đang bài trên những tạp chí gọi là ‘tạp chí săn mồi’, mang danh là tạp chí khoa học mà thực chất để làm tiền. Tôi tin rằng những tài liệu như vậy cũng là thiểu số thôi. Vì không biết đó là những tạp chí săn mồi, nhưng việc làm đó pha hoại cái môi trường khoa học tử tế mà đất nước nào cũng muốn hướng tới".

Ông cho rằng đúng là chuyện càng lúc càng đến mức độ đáng báo động, và phải hiểu khuyến cáo của Hội đồng Chức danh Nhà nước đồng nghĩa với sự báo động chứ không phải điều gì mới :

"Tôi cho rằng với chính sách quá coi trọng việc đăng bài trên những tạp chí Scorpus hoặc ISI như hiện nay thì chuyện trước sau có một tỷ lệ nào rơi vào các tạp chí săn mồi như vậy cũng là tất yếu thôi".

Người ta cần những cách khác nhưng ở Việt Nam hiện nay là khó và người ta không dám làm. Giáo sư Hoàng Dũng lý giải thích tiếp :

"Mỗi hồ sơ xin phong chức giáo sư, phó giáo sư đều phải qua một hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định đó phải đủ gan để đánh giá một hồ sơ là tốt hay xấu chứ không dựa vào cái thuần túy là bài này đăng trên những tạp chí có tên Scorpus hay có tên ISI".

"Tình hình hiện nay tôi thấy là còn xa mới đi đến chỗ Hội đồng Giáo sư nhìn chung có thể bày tỏ ý kiến một cách dứt khoát và không có liên quan gì đến việc bài đó đăng ở ISI hay Scorpus, mà chỉ căn cứ duy nhất là chất lượng của bài đó".

Đó mới là tính liêm chính khoa học trong việc xét tuyển cũng như phong chức học hàm, học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cho Việt Nam trong năm 2022 và những năm sắp tới, nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng xác định.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 13/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)