Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/07/2022

Tại sao cứ phải gắn 'đuôi' xã hội chủ nghĩa vào "Nhà nước pháp quyền" ?

RFA tiếng Việt

Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng ban.

xhcn1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo xây dựng "Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" 

Tại hội nghị tổ chức tại Bình Dương tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dự thảo đề án bám sát Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng thể hiện tại cương lĩnh của Đảng, các văn kiện của Đại hội Đảng và Hiến pháp 2013.

Nhà nước pháp quyền được định nghĩa căn bản là không có ai đứng trên luật pháp, tất cả mọi người phải tuân theo pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo với Hiến pháp đứng sau cương lĩnh của Đảng. Điều này từng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trước cử tri hôm 28 tháng 9 năm 2013, nguyên văn là : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng".

Như vậy, việc xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đề án của Bộ chính trị có ý nghĩa gì không nếu có thêm "cái đuôi xã hội chủ nghĩa" ?

xhcn2

Phiên họp thứ 2 ngày 18/4/2022

Một luật gia không muốn nêu tên giải thích với RFA sáng 12 tháng 7 :

"Cái chủ trương đề án Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có từ lâu rồi chứ không phải mới. Nhà nước Việt Nam muốn chứng minh cho thế giới là họ cũng hội nhập khi có Nhà nước pháp quyền, giống như có kinh tế thị trường trước đây, nhưng họ phải thêm cái đuôi chủ nghĩa xã hội để chứng tỏ có sự khác biệt, mà nói thẳng ra là ở Việt Nam thì cương lĩnh của Đảng là đứng trên hiến pháp. Nghĩa là năm triệu đảng viên đứng trên 100 triệu dân.

Về mặt lý luận thì như ông Trọng đã nói, cương lĩnh của Đảng đặt trên Hiến pháp nghĩa là cương lĩnh được soạn bởi 200 ủy viên Trung ương Đảng không do dân bầu chọn lại đứng trên cả Hiến pháp. Trong khi đó, hiến pháp ở bất cứ quốc gia nào cũng là gốc của các loại bộ luật.

Tóm lại, Việt Nam muốn chứng tỏ hội nhập nhưng lại có xã hội chủ nghĩa đính kèm để làm chỗ dựa khi họ muốn làm điều gì có lợi cho Đảng của họ chứ không phải có lợi cho quốc gia, dân tộc".

xhcn3

Phiên họp thứ 3 ngày 31/05/2022

Việt Nam là một quốc gia nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa được nói là một chế độ dân chủ, quyền lực cao nhất thuộc về nhân dân. Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đăng trên báo chí nhà nước vào tháng 5 năm 2021, tác giả bài viết là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định : "Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam ; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam".

Trước đó, trong một phiên họp tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào tháng 10 năm 2013, ông Trọng phát biểu : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Với đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông với RFA sáng 12 tháng 7 năm 2022 :

"Thứ nhất, Việt Nam không cần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gì cả, bởi đã là Nhà nước thì đặc trưng nhất nó phải quản trị xã hội bằng pháp luật. Thứ hai, thực tế Nhà nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nó không giống ai hết. Ví dụ vụ án của ông Nguyễn Đức Chung mới nhất hiện nay đang gây cười trong dư luận xã hội khi ông ta nộp 85 bằng khen các loại trước phiên xử. Nó như một cái trò diễn hề chứ không phải một cái Nhà nước đang dùng pháp luật để xử. Thứ ba, thực tế hiện nay, thông qua nhiều bộ luật và hầu hết các lĩnh vực trong xã hội, Nhà nước của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay nó gần như nghiêng về chủ nghĩa công xã với mục đích là để che lấp sự độc tài toàn trị. Cái đặc trưng rất dễ nhận của chủ nghĩa công xã đó chính là họ đặt trọng tâm vào tính cộng đồng".

Ông Nguyễn Ngọc Già nói thêm, một trong những điều cản trở việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo ý của Bộ chính trị, là trình độ tiếng Việt của các quan chức từ cấp cao đến cấp thấp quá tệ. Họ soạn luật, viết luật với những từ ngữ mù mờ, rối rắm không ai hiểu ý nghĩa dẫn đến hàng loạt văn bản, nghị định, nghị quyết ra đời sau đó để giải thích luật.

Trong quá trình thực hiện dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", trưởng ban chỉ đạo là ông Nguyễn Xuân Phúc tổ chức một số buổi hội thảo. Theo ông Phúc nêu giá trị phổ biến và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền : Thứ nhất là đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan với quyền lực của Nhà nước ; Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Thứ hai là tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước. Thứ ba là đề cao những giá trị công bằng, công lý, quyền con người.

Trong báo cáo thường niên do tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative- HRMI) có trụ sở tại New Zeland công bố vào tháng 6 năm 2022, tình trạng nhân quyền của Việt Nam trong năm qua có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo, điểm Trao quyền chỉ đạt 3/10, tức ở mức rất tệ hại, cho thấy nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và tự do chính trị như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và các quyền dân chủ.

HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, 19 nước vào năm 2019, 33 nước vào năm 2020, và 39 quốc gia năm 2021.

Tổ chức này hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới.

Nguồn : RFA, 12/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)