Nhật Bản thời hậu Abe : Liệu ổn định chính trị có bị đe dọa ?
Naoya Yoshino, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 21/07/2022
Hệ quả là phe bảo thủ thiếu vắng lãnh đạo, thách thức kinh tế nổi lên, và tương lai bất định dành cho Thủ tướng Kishida.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh minh họa
Ngày 08/07, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến vận động tranh cử ở phía tây thành phố Nara, trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện sẽ diễn ra hai ngày sau đó. Đó là một buổi diễn thuyết của một chính khách lão luyện : Abe vui vẻ giao tiếp với khán giả và phát biểu ủng hộ ứng viên của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền.
Trong lúc ông còn đang phát biểu, hai tiếng nổ lớn vang lên, và Abe ngã xuống đất, trọng thương vì khẩu súng tự chế của tên sát thủ.
Trong thế kỷ 21, Abe có lẽ là nhân vật chính trị đáng gờm nhất mà Nhật Bản từng chứng kiến cho đến nay. Ông là người giữ chức thủ tướng Nhật Bản lâu nhất trong lịch sử, với 3.188 ngày tại nhiệm, và sở hữu danh sách dài những thành tích, từ chính sách kinh tế "Abenomics" đến việc chuẩn bị cho Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020.
Nhưng trong bối cảnh tội phạm về súng là cực kỳ hiếm ở Nhật Bản, cái chết của vị cựu Thủ tướng trở thành một sự kiện lớn đến mức nó có thể làm lu mờ cả di sản của ông. Vụ việc không chỉ gây choáng váng cho một nước Nhật theo chủ nghĩa hòa bình, mà còn tạo ra dợn sóng lan tỏa khắp nơi trong thời điểm bất ổn toàn cầu sau đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Xuất thân từ một gia đình chính khách đầy quyền thế, ông ngoại của Abe từng là Thủ tướng, còn cha ông thì giữ chức Ngoại trưởng ; ông đến từ đỉnh cao trong xã hội phân cấp của Nhật Bản.
Shinzo Abe (trái) và cha của ông, Shintaro, người từng là Ngoại trưởng Nhật Bản giai đoạn 1982-1986. Hình chụp năm 1987. © Kyodo
Nghi phạm Yamagami, 41 tuổi, một cựu công nhân nhà máy, tuyên bố mình đã bắn cựu Thủ tướng vì lý do hận thù : Hắn tin rằng Abe có liên hệ với Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới, thường được biết đến với tên gọi Giáo phái Thống nhất, một nhóm tôn giáo từng được mẹ hắn quyên góp một số tiền lớn, dẫn đến việc gia đình hắn phá sản. Hôm thứ Hai, giáo phái đã xác nhận rằng mẹ của Yamagami là một thành viên của họ, nhưng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với Abe.
Nhóm điều tra vụ ám sát hiện vẫn khẳng định rằng Yamagami hành động một mình và không vì động cơ chính trị, nhưng hình ảnh nhà lãnh đạo quốc gia nằm thoi thóp bên vũng máu trên đường phố gợi nhớ về một thời kỳ sóng gió trong lịch sử chính trị Nhật Bản. Suốt thập niên 1930, nước này đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công nhắm vào Thủ tướng Tsuyoshi Inukai cùng nhiều chính trị gia khác. Bạo lực đã làm xói mòn nền dân chủ, và sau cùng đã mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt dẫn đến chiến tranh.
Shinzo Abe phát biểu tại một buổi vận động tranh cử ở Nara, Nhật Bản, vào ngày 08/07, người đàn ông bị tình nghi là thủ phạm bắn chết cựu Thủ tướng, Tetsuya Yamagami, mặc áo polo và quần cargo, đứng thứ hai từ phải sang. © Kyodo
Cuộc bầu cử Thượng viện được tổ chức ngay sau khi Abe qua đời đã kết thúc với chiến thắng nghiêng về Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, hiện do Thủ tướng Fumio Kishida đứng đầu. Trong thời kỳ hậu Abe, Kishida có trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết là phải đảm bảo rằng các quyền tự do ngôn luận và dân chủ của Nhật Bản không bị đàn áp bởi bạo lực.
Nhân vật mang đến sự thay đổi
Thi hài của Abe đã được đưa về nhà riêng của ông ở Tomigaya, Tokyo, vào thứ Bảy. Sang thứ Ba, một đám tang riêng tư đã được tổ chức, người tham dự chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết của Abe, trong đó có Thủ tướng Kishida.
Tuy nhiên, hàng loạt người đã xuất hiện bên ngoài địa điểm tổ chức tang lễ, Đền Zojoji ở Tokyo, để bày tỏ lòng tiếc thương. Thi hài của Abe được đưa đến nhà tang lễ trong một chiếc xe tang màu đen, trên xe cũng có góa phụ Akie, ngồi cúi đầu. Công chúng đã đặt hoa và cầu nguyện tại một khu tưởng niệm được lập bên trong ngôi đền.
Bất kỳ ai từng dùng bữa với Abe đều có thể cảm nhận rằng ông rất nhiệt tình trò chuyện và rất có khả năng xây dựng quan hệ. Tại các cuộc họp lớn, ông sẽ di chuyển từ bàn này sang bàn khác, nói chuyện riêng với từng người tham gia.
Đám đông người đưa tang chứng kiến cảnh xe tang chở thi hài của cựu Thủ tướng Abe rời khỏi Đền Zojoji, Tokyo sau lễ tang của ông. © Yo Inoue
Vụ ám sát Abe đã trở thành tin tức trang nhất của báo giới toàn cầu. Một tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được công bố vào ngày Abe qua đời đã gọi ông là "một nhà lãnh đạo có khả năng thay đổi của Nhật Bản". Thông điệp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới gia đình Thủ tướng Abe mô tả ông là "một người tuyệt vời" và "một chính khách xuất chúng".
"Tôi nghĩ rằng chỉ có một số ít các nhà lãnh đạo có thể vượt ra khỏi đất nước của họ. Và Thủ tướng Abe là một trong những người đã làm được điều đó, và trở thành một nhà lãnh đạo thế giới", John Roos, cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, nói với Nikkei Asia.
Abe đã có thể tạo ra các tác động toàn cầu nhờ thời gian cầm quyền kéo dài. Những nhà lãnh đạo lâu năm là điều hiếm thấy nơi chính trường Nhật Bản. Suốt 30 năm qua, có nhiều vị thủ tướng chỉ nắm quyền trong vòng chưa đầy hai năm. Sự nổi tiếng của Abe ở nước ngoài một phần xuất phát từ khả năng thiết lập quan hệ với một số nhân vật nổi tiếng là khó gần, chẳng hạn như Putin và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhờ tính cách chu đáo của cựu Thủ tướng Nhật.
Tuy nhiên, danh tiếng của ông ở nước ngoài cũng đã bị lu mờ sau chuyến thăm năm 2013 đến Đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tôn vinh những người Nhật tử trận trong Thế chiến II, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh đã bị kết án. Chuyến thăm đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc, thậm chí cả từ Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo.
Ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, vào tháng 12/2013, Abe đã đến thăm Đền Yasukuni nhiều tranh cãi ở Tokyo, nơi tưởng niệm một số tội phạm chiến tranh Thế chiến II của Nhật Bản. © Koji Uema
Mục tiêu đưa Nhật Bản thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Abe cũng làm nổ ra tranh cãi. Ông đã tìm cách đưa đất nước trở nên bình đẳng hơn với Mỹ bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng và thông qua một đạo luật an ninh mang tính bước ngoặt vào năm 2015, cho phép quân đội Nhật Bản đảm nhận trách nhiệm "phòng thủ tập thể".
Dưới thời Abe, "Nhật Bản chuyển từ trọng tâm hướng nội thuần túy sang quan hệ đối tác với Mỹ, nhằm đảm bảo an ninh và ngăn chặn các hành động mang tính cưỡng bức hoặc quân sự trong khu vực", trích lời Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hiện là Phó Giám đốc phụ trách An ninh và Ngoại giao Quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á.
Cân bằng Abenomics
Bắt đầu vào năm 2006, nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của Abe rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài khoảng một năm. Ở tuổi 52, ông là Thủ tướng Nhật trẻ nhất trong thời hậu chiến, nhưng đã từ chức chưa đầy một năm sau đó, vì thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2007 và những lo ngại về sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của Abe, bắt đầu vào tháng 12/2012, đã chứng kiến việc ông dẫn dắt Đảng Dân chủ Tự do đến chiến thắng trong sáu cuộc bầu cử liên tiếp ở cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội Nhật Bản. Chính sách Abenomics của ông, nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kinh niên của Nhật Bản, đã giúp Chỉ số Chứng khoán Nikkei tăng gấp đôi trong ba năm, và giảm gần một nửa tỷ lệ thất nghiệp của đất nước.
Dù vậy, Abe vẫn phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã nuôi dưỡng bầu không khí thiếu khoan dung, phá vỡ phong cách kiến tạo sự đồng thuận thường thấy trong chính trị Nhật Bản, vì ông rất hay ngắt lời và chế giễu các đối thủ của mình trong Quốc hội.
Phong cách chính trị của Abe được đặc trưng bởi sự cân bằng khéo léo giữa niềm tin vào chủ nghĩa bảo thủ chính trị và chủ nghĩa thực dụng. Abenomics là xương sống của chủ nghĩa thực dụng đó, và hiệu quả của nó được minh chứng bằng những chiến thắng bầu cử của vị thủ tướng.
Đóng góp quan trọng nhất của Abenomics đối với nền kinh tế Nhật Bản là tạo ra việc làm. Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai của Abe, từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng việc làm sẵn có ở Nhật Bản đã tăng thêm 4,3 triệu, tương đương 7%, giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 4,3% xuống còn 2,2%.
Chỉ số Nikkei dưới thời Abe
Do dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đã suy giảm kể từ năm 1995, và tình trạng nhập cư vẫn cực kỳ hạn chế, lao động nữ giới và cao tuổi là nhóm lao động sẵn có duy nhất mà Abe có thể tiếp cận để đối phó với tình trạng thiếu lao động kinh niên và việc lao động rời khỏi lĩnh vực sản xuất.
Để thu hút nhiều phụ nữ hơn tham gia vào lực lượng lao động, Abe đã khởi động chương trình "womenomics" vào năm 2013. Mục đích của nó là khuyến khích phụ nữ đi làm, bằng cách tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em và mở ra nhiều vị trí cấp cao cho các nhân viên nữ.
Khả năng tiếp cận việc làm của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể dưới thời Abe – 3 triệu trong số 4,3 triệu việc làm mới đã thuộc về phụ nữ. Trong giai đoạn 2012-2021, tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động Nhật Bản đã tăng từ 63% lên 73%, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vượt qua mức trung bình toàn cầu là 65%.
Tuy nhiên, hơn một nửa số việc làm được tạo ra dưới thời Abenomics là những công việc được trả lương tương đối thấp, không an toàn, và không thường xuyên. Tiền lương có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ, thua xa so với mức tăng của chi phí sinh hoạt và thuế.
Abenomics hầu như cũng thất bại trong việc đảo ngược khoảng cách thu nhập đang tăng đều ở Nhật Bản. Trọng tâm của chính sách này luôn là đem về nhiều tiền hơn cho các tập đoàn, với hy vọng rằng họ sẽ chia sẻ số tiền đó cho các nhân viên/công nhân của mình. Thay vào đó, các doanh nghiệp lựa chọn giữ lại lợi nhuận và tích trữ nguồn tiền mặt khổng lồ.
Kết quả là, tỷ lệ nghèo đói ở Nhật Bản hầu như không thay đổi, ở mức 15,7% vào năm 2018 so với 16,0% của năm 2007, và tệ hơn so với mức trung bình năm 2018 của OECD là 11,2%.
Abenomics tạo ra việc làm, nhưng không giúp tăng lương
"[Dưới thời Abe] người ta hy vọng rằng tiền lương sẽ tăng. Đó là một phần trong chu kỳ tốt đẹp sẽ diễn ra sau khi phá giá tiền tệ – mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các công ty, trả lương cao hơn cho mọi người, và khơi dậy niềm tin của người tiêu dùng", Michael Cucek, giáo sư Nghiên cứu Châu Á tại Cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple, cho biết. Nhưng "điều đó đã không bao giờ xảy ra".
Khoảng cách tiền lương theo giới tính của Nhật Bản cũng vẫn ở một trong những mức cao nhất trong số các nước phát triển, với thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới khoảng 26% vào năm 2020, theo dữ liệu từ chính phủ. Nhật Bản chỉ xếp thứ 116 trong số 146 quốc gia về bình đẳng giới, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Sự gia tăng giá hàng hóa toàn cầu hiện nay đã khiến nhiều người phải đánh giá lại Abenomics. Chương trình này dựa trên việc nới lỏng tiền tệ bất thường, dẫn đến chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, đẩy nhanh sự mất giá của đồng yên. Một số người hiện coi Abenomics như một di sản gánh nặng. Các chính sách khác được phe bảo thủ ủng hộ, chẳng hạn như cải cách cơ cấu, dường như đã không còn được ưa chuộng kể từ khi Abe từ chức Thủ tướng.
Bất chấp thâm hụt chi tiêu không ngừng, cũng như việc để ngân hàng trung ương thu mua các khoản trái phiếu khổng lồ của chính phủ và tiến hành cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân, ông Abe đã không bao giờ có thể thúc đẩy tiêu dùng nhiều như ông mong muốn. Ngày nay, Nhật Bản không còn trải qua tình trạng giảm phát, nhưng lạm phát tiêu dùng vẫn chỉ ở mức trên 2%, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.
Giờ đây, đến lượt Kishida định hướng nền kinh tế Nhật với tầm nhìn "chủ nghĩa tư bản mới" của mình. Trong bài phát biểu sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 11/07, ông thề sẽ dựa trên di sản của Abenomics để "xây dựng một nền kinh tế bền vững và bao trùm", bằng cách tăng cường đầu tư công và tư vào khoa học và đổi mới.
Thống nhất Đảng Dân chủ Tự do
Ngoài di sản Abenomics, dấu ấn lớn nhất của Abe đối với chính trị Nhật Bản là vai trò chủ chốt của ông trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Ông đã học được tầm quan trọng của các động lực phe phái trong LDP khi làm thư ký cho cha mình, cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe, và luôn hiểu rằng bất kỳ thủ tướng Nhật Bản nào cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của phe lớn nhất trong đảng.
Chưa đầy một năm sau khi từ chức thủ tướng vì bệnh mãn tính vào tháng 09/2020, Abe đã tiếp quản vị trí lãnh đạo của phe lớn nhất trong LDP, Seiwa Seisaku Kenkyukai, và tiếp tục lên tiếng về cả tình hình chính trị và chính sách của đất nước.
Thủ tướng Fumio Kishida (giữa) tưởng niệm cựu Thủ tướng Shinzo Abe tại trụ sở LDP ở Tokyo vào ngày 10/07. © Uichiro Kasai
Khi LDP phải tiến hành bỏ phiếu bầu ra lãnh đạo mới sau khi thủ tướng không được lòng nhiều người Yoshihide Suga từ chức vào tháng 10/2021, Abe đã lên tiếng về lựa chọn của mình.
Ông ủng hộ Sanae Takaichi, một nữ nghị sĩ diều hâu, người ủng hộ Abe lâu năm và chia sẻ nhiều niềm tin với ông. Takaichi không thuộc bất kỳ phe phái nào, nhưng mục tiêu của Abe là thống nhất những người bảo thủ mà chính ông đã lãnh đạo cho đến lúc bấy giờ, cả trong và ngoài đảng, dưới quyền của bà.
Với sự hậu thuẫn của Abe, Takaichi đã vượt qua Taro Kono, một ứng viên khác trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo, người được công chúng yêu thích rộng rãi, để về nhì trong cuộc bỏ phiếu giữa các nhà lập pháp đương nhiệm của LDP. Nhưng sau cùng, bà đã bị đánh bại bởi Kishida, thủ tướng đương nhiệm, người đứng đầu phe lớn thứ tư trong LDP.
Tuy nhiên, Takaichi, người đã trở thành chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng, nhận thấy việc lấp đầy khoảng trống mà Abe để lại và đảm nhận vai trò lãnh đạo của phong trào bảo thủ là chuyện rất khó. Dần dần, Abe hiểu rằng ông cần phải có mặt trên chiến tuyến của LDP, và phải thẳng thắn hơn, đặc biệt là về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Khi Abe trở lại vị trí hàng đầu, ảnh hưởng của Takaichi đối với những người bảo thủ cũng dần suy yếu.
Shinzo Abe và Sanae Takaichi (ngoài cùng bên phải) tham dự một bữa tiệc ở Tokyo vào tháng 12/2021. Abe đã ủng hộ Takaichi trong cuộc đua lãnh đạo LDP vào năm ngoái, nhưng bà đã bị Fumio Kishida đánh bại. © Rie Ishii
Abe cũng gặp phải thách thức trong việc đề bạt Takaichi lên làm người kế nhiệm. Phe của Abe trong LDP bao gồm các nhà lập pháp có ảnh hưởng, chẳng hạn như Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại, và Công nghiệp Koichi Hagiuda, và Abe chẳng thể nâng đỡ cho Takaichi, người không thuộc phe của mình, hơn tất cả những người khác. Vì vậy, trên thực tế, Abe vẫn là nhà lãnh đạo nhóm bảo thủ.
Tuy nhiên, giờ đây khi Abe đã ra đi, không còn nhà lãnh đạo nào có thể tập hợp sự đoàn kết giữa những người bảo thủ. Với việc Takaichi chùn bước và chưa thấy có ai đủ sức kế vị Abe, ngay cả trong phe của ông, không rõ liệu một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn tương tự như vậy sẽ xuất hiện hay không.
"Người đứng đầu phe quan trọng nhất trong LDP không có người kế nhiệm được đề cử. Phe có sự hiện diện còn lớn hơn cả Kishida giờ không có lãnh đạo", Cucek của Đại học Temple nhận định. "Điều đó sẽ thay đổi hệ thống chính trị của LDP".
Những thách thức thời hậu Abe đối với Kishida
Abe có ảnh hưởng đến mức ngay cả sau khi từ chức thủ tướng, ông vẫn là một nhân vật được coi trọng và là một sự hiện diện không thể thiếu trong Quốc hội Nhật Bản.
Nhiều người coi các quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Kishida là một nỗ lực để giữ Abe và phe của ông ở bên cạnh. Kishida đề nghị trao cho Takaichi, một đồng minh thân cận của Abe, và Nobuo Kishi, em trai Abe, các vị trí trong đảng và trong nội các. Không thể phớt lờ Abe, Kishida chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra các đề nghị như vậy.
Khi vắng mặt Abe, Kishida sẽ có thể tự do hơn trong việc điều hành chính phủ của mình. Cucek nói với Nikkei rằng việc Abe qua đời "sẽ loại bỏ gánh nặng lớn trên vai Kishida. Không còn Abe và một [phe] thống nhất gây rắc rối … [Vì vậy] sẽ có nhiều không gian hơn" để Kishida ra quyết định.
Những người đưa tang cầu nguyện vào ngày 09/07 tại địa điểm Abe bị bắn chết trong khi vận động cho cuộc bầu cử Thượng viện một ngày trước đó. © Kosaku Mimura
Tuy nhiên, việc Abe mất đi cũng khiến Kishida phải gánh vác những trách nhiệm chính trị đáng kể. Kishida sẽ không còn có thể sử dụng Abe, người có ảnh hưởng to lớn trong đảng, làm "cái cớ" để theo đuổi các chính sách gây chia rẽ, không chỉ trong LDP mà còn trong toàn xã hội. Đứng đầu trong số này là sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản.
Thế giới đã thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhiều người lo ngại rằng hiến pháp và khuôn khổ pháp lý hiện hành của Nhật Bản không còn đủ mạnh để chống lại các cuộc tấn công trên không gian mạng và các lĩnh vực chiến tranh phi truyền thống khác. Điều 9 của hiến pháp từ bỏ việc sử dụng vũ lực và nói rằng lực lượng quân sự sẽ "không bao giờ được duy trì".
Abe vẫn luôn thể hiện rõ mong muốn thay đổi Điều 9 và củng cố an ninh của Nhật Bản ; vào năm 2015, ông đã thúc đẩy thông qua luật an ninh toàn diện mới tại Quốc hội, cho phép Nhật Bản có quyền "tự vệ tập thể".
Michael Green, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney và là cựu Giám đốc Cấp cao về Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với Nikkei rằng, "[luật an ninh] là đạo luật tham vọng nhất kể từ năm 1954, khi Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản (ngày nay là Bộ Quốc phòng) và Lực lượng Phòng vệ được thành lập".
Green cho rằng động lực chính của luật an ninh là logic chiến lược mạnh mẽ của Abe, chứ không phải là hệ tư tưởng về hiến pháp của ông. Ông nói, "Nhìn vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng của các hành động cưỡng bức và gây hấn của nước này, Abe kết luận rằng Nhật Bản cần củng cố liên minh và tăng cường khả năng răn đe".
Trong suốt 9 tháng nắm quyền cho đến nay, Kishida đã nói rõ rằng ông đồng ý với Abe về nhu cầu tăng cường an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa hiện thực, và cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản.
Thủ tướng Fumio Kishida đặt một bông hồng bằng giấy trên tên của một ứng viên LDP để biểu thị chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 10/07 tại trụ sở của đảng ở Tokyo. Liên minh cầm quyền của đảng này đã giành được hơn một nửa số ghế trong Thượng viện. © Uichiro Kasai
Nhưng cải cách hiến pháp là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản, xét đến bản sắc hòa bình thời hậu chiến của đất nước. Nếu Abe còn sống, Kishida có thể tận dụng và dựa vào chủ trương cứng rắn của Abe đối với việc sửa đổi Điều 9. Abe là đại diện cho lực lượng thống nhất, và Kishida có thể sử dụng ông làm lá chắn mỗi khi vấp phải sự chỉ trích từ những người phản đối việc thay đổi hiến pháp.
Khi lựa chọn đó không còn, những lời chỉ trích đối với chính quyền Kishida sẽ đến từ mọi phía. Ngoài sự bất mãn của các đảng đối lập, hơn bao giờ hết, Kishida có thể đối mặt với sự bất mãn từ chính của những người bảo thủ mà chỉ Abe mới có thể dẹp yên.
Khi mất đi Abe, "cánh hữu đã mất đi nhà lãnh đạo", Cucek nói. Liệu điều này có mang lại lợi thế cho Kishida hay không ? Chúng ta sẽ phải chờ xem.
Naoya Yoshino
Nguyên tác : "Japan after Abe : Political stability under threat ?", Nikkei Asia, 13/07/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/07/2022
************************
Hồi kết đặc biệt cho quan hệ giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe
Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 20/07/2022
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dành sự tôn trọng khác thường cho kỳ phùng địch thủ suốt 10 năm qua của mình.
Định mệnh đã gắn kết cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình suốt cả một thập niên.
Tập được chọn làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 15/11/2012. Một tháng sau, Đảng Dân chủ Tự do của Abe giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản, quay trở lại nắm quyền và giúp Abe giữ chức Thủ tướng lần thứ hai.
Nhiệm kỳ thứ hai đã khiến Abe trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cả chính sách đối nội và đối ngoại ngay cả sau khi từ chức vì lý do sức khỏe vào năm 2020.
Abe và Tập đã lãnh đạo đất nước của mình trong thời kỳ hỗn loạn, xây dựng đại chiến lược trong tình trạng đối đầu với nhau. Cuộc cạnh tranh kéo dài hàng chục năm của họ đã đột ngột kết thúc bằng vụ ám sát Abe trong chiến dịch vận động tranh cử vào tuần trước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh bên lề hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2014. © Reuters
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng mạnh mẽ của Abe đối với Đài Loan, và Bắc Kinh đang chờ đợi một sự kiện cụ thể, ngày 30/07, tưởng niệm hai năm ngày mất của cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy. Lý từng học tại Đại học Hoàng gia Kyoto (nay là Đại học Kyoto), ngưỡng mộ mọi điều về Nhật, và đặc biệt thành thạo tiếng Nhật.
Ngay từ đầu năm, đã có những tin đồn xôn xao sau phát biểu bị rò rỉ của Abe, về khả năng ông đến thăm Đài Loan sau cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này. Tưởng niệm ngày mất của Lý Đăng Huy có thể chính là cái cớ.
Một chuyến thăm của Abe chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội, trong bối cảnh sau tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hồi tháng 5, mô tả hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan là "một yếu tố không thể thiếu trong an ninh và thịnh vượng của cộng đồng thế giới".
Thay vào đó, cái chết của Abe đã dẫn đến một bước đi khác ở Đài Loan. Hôm thứ Hai, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) đã đến Nhật Bản để viếng ông Abe. Vị chính trị gia thân Nhật đã đến thăm nhà của Abe ở Shibuya và dự đám tang của ông vào thứ Ba.
Dù được mô tả là chuyến thăm riêng tư vì tình bạn cá nhân giữa Lại và Abe, việc quan chức số 2 của Đài Loan đến Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào năm 1972.
Trong chuyến thăm lịch sử của mình, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã tham dự lễ tang của Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Nhật Bản vừa bị ám sát, tại Đền Zojoji, Tokyo vào ngày 12/07. © Reuters
Sự kiện này được so sánh với chuyến dừng chân ở Nhật Bản vào năm 1985 của của Lý Đăng Huy, khi đó còn là Phó Tổng thống, đang trên đường về nước sau một chuyến công du nước ngoài.
Trong nội bộ Đảng Dân Tiến cầm quyền, Lại Thanh Đức được coi là một trong những ứng viên kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn, thế nên đương nhiên là Trung Quốc sẽ quan tâm đến chuyến thăm của ông tới Nhật Bản.
Phản ứng chính thức của Trung Quốc đối với vụ ám sát Abe cũng đáng chú ý. Tập Cận Bình đã gửi một bức điện chia buồn tới Kishida vào ngày 09/07, buổi sáng ngày hôm sau khi Thủ tướng Abe qua đời. Tập nói rằng Abe "đã nỗ lực cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản trong thời gian đương nhiệm, và đã đóng góp tích cực vào nỗ lực này".
Tập cho biết ông "đã đạt được đồng thuận quan trọng" với Abe về việc "xây dựng một quan hệ Trung-Nhật đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên mới", còn nói thêm rằng ông "vô cùng thương tiếc" trước sự ra đi đột ngột của Abe.
Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ mình sẵn sàng "làm việc với Thủ tướng Kishida để tiếp tục phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, theo các nguyên tắc được thiết lập trong bốn văn kiện chính trị giữa hai nước".
Cùng với vợ là Bành Lệ Viên, Tập đã gửi một bức điện chia buồn riêng tới vợ của Abe, bà Akie, để bày tỏ sự cảm thông. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng gửi một bức điện riêng tới Kishida.
Việc các lãnh đạo Trung Quốc gửi đi nhiều bức điện chia buồn sau cái chết của một nhà lãnh đạo nước ngoài là điều rất bất thường, và đáng được lưu tâm. Trên thực tế, Tập từng thừa nhận rằng Abe, chính trị gia mà ông luôn có quan hệ căng thẳng trong 10 năm qua, là người mà Mỹ coi là "có vai trò thực sự quan trọng" (the real deal.)
Abe là một nhân vật gây chia rẽ ở Trung Quốc, nơi mọi người có ấn tượng mạnh mẽ rằng ông là một chính trị gia cánh hữu, kiên quyết ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Ý tưởng "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do" của Abe chắc chắn có nhắm đến Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã tận dụng mối quan hệ của mình với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để thúc đẩy khái niệm này đi xa hơn nữa.
Nhiều điều đáng suy ngẫm tại hội nghị thượng đỉnh G-20 do Nhật Bản chủ trì, vào tháng 06/2019 : Từ trái sang, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. © Reuters
Chừng nào Tập còn là nhà lãnh đạo của Trung Quốc, giọng điệu tích cực được ghi trong các bức điện chia buồn sẽ được coi là đánh giá chính thức của nước này về cựu Thủ tướng Nhật Bản quá cố.
Ngày 08/07, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có mặt tại Indonesia. Khi báo đài công bố tin Abe bị bắn, Vương ngay lập tức bày tỏ sự lo lắng. Trả lời phóng viên Nikkei Asia bằng tiếng Nhật, ngôn ngữ mà ông thông thạo nhưng hiếm khi sử dụng trước công chúng, Vương cho biết ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Abe trong thời gian làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản và họ đã hợp tác để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong nửa sau thời kỳ cầm quyền của Abe, cơ hội để hai nhà lãnh đạo gặp gỡ cá nhân đã tăng lên, và đôi khi, Abe cũng thể hiện sự hóm hỉnh của mình.
Trong một lần gặp gỡ, hai người đã nói về sở thích cá nhân. "Tôi nghe nói ông là một tay chơi golf rất cừ", Tập nói với Abe.
Đến lượt mình, Abe hướng về phía Vương, người khi đó cũng đang ở trong phòng và nói : "Chà, tôi không giỏi bằng ông Vương đâu. Tôi nghe nói hồi ở Nhật, ông ấy chơi golf khá lắm".
Hơi giật mình, điều duy nhất Vương có thể làm là bảo rằng mình đã không hề chơi môn này kể từ khi trở về Trung Quốc. Thực tế thì chiến dịch chống tham nhũng khốc liệt của Tập đã cấm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chơi golf, vì thế Vương đã rơi vào thế khó xử với sếp của mình.
Giai thoại này minh họa cho bầu không khí cởi mở, thoải mái giữa Tập và Abe. Có lẽ cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất của họ là khi gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11/2014, bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh. Đây là cơ hội đầu tiên để họ có thể trò chuyện kéo dài, gần hai năm sau khi cả hai nhậm chức, nhưng Tập vẫn giữ vẻ mặt cứng đờ khi bắt tay và chụp ảnh kỷ niệm.
Quan hệ Trung-Nhật tiếp tục băng giá sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào tháng 09/2012, ngay trước khi Tập lên nắm quyền, khiến làn sóng biểu tình chống Nhật dữ dội nổ ra ở Trung Quốc.
Nhưng hội nghị thượng đỉnh APEC là một thời khắc quan trọng đối với chủ nhà Tập. Nếu người ta đánh giá rằng ông không thể hội đàm với nhà lãnh đạo của nước láng giềng Nhật Bản, thì uy tín ngoại giao của ông sẽ bị nghi ngờ.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda là người có công trong việc tổ chức cuộc gặp đầu tiên này. Fukuda, một đảng viên lão thành trong Đảng Dân chủ Tự do của Abe, đã có chuyến đi lặng lẽ đến Bắc Kinh vào tháng 06/2014. Sau khi nhận được phản ứng thuận lợi từ phía Trung Quốc, Fukuda trở lại Tokyo để khuyên Abe không nên bỏ lỡ cơ hội gặp Tập Cận Bình.
Fukuda trở lại Bắc Kinh vào ngày 28/07 và bí mật đến gặp Tập để nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda (trái) đóng vai trò quan trọng trong hậu trường của sự kiện năm 2014, chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thẳng thắn và cởi mở giữa Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). © Kyodo / Reuters
Trọng tâm chính của Fukuda là tạo ra một cơ chế quản lý khủng hoảng cho Biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku, và điều đó dẫn đến một "thỏa thuận song phương bốn điểm".
Tập đã gật đầu đồng ý khi Fukuda đưa ra thông điệp của mình. "Tôi hoàn toàn hiểu", Tập nói, cảm nhận được sự chân thành của cựu Thủ tướng Nhật. Trong số những người có mặt tại cuộc họp đột phá ấy, có nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Ngày hôm sau, chính quyền Tập tuyên bố điều tra Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản. Đó là một cột mốc quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng do Tập phát động, nhằm loại bỏ những kẻ thù chính trị. Bằng cách giải quyết vấn đề lớn nhất còn chưa xử lý của chính trị trong nước, Tập đã củng cố quyền lực của mình và chuyển hướng sự tập trung sang lĩnh vực ngoại giao.
Kishida, người khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản, cũng đóng một vai trò quan trọng. Ông đã có buổi gặp không chính thức với Vương Nghị tại Myanmar, vào đêm muộn ngày 09/08 trong một hội nghị quốc tế.
Vì đã có mặt trong cuộc họp bí mật Tập-Fukuda, Vương biết được ý định của nhà lãnh đạo Trung Quốc và đã hồi tưởng bầu không khí tích cực trong phòng. Kishida và Vương nhất trí về sự cần thiết phải cải thiện quan hệ Trung-Nhật.
Sau cuộc gặp Tập-Abe, quan hệ Trung-Nhật bắt đầu được cải thiện. Mùa hè năm 2015, một bức ảnh chụp Tập và Abe bắt tay trong cuộc gặp đầu tiên của họ tại APEC đã xuất hiện tại Bảo tàng Kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc (Museum of the War of Chinese People’s Resistance Against Japanese Aggression). Bảo tàng nằm gần Lư Cầu Kiều ở Bắc Kinh, nơi lực lượng Trung Quốc và Nhật Bản đã đụng độ vào năm 1937, khơi đầu cho Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai.
Tháng 08/2014, với tư cách là ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) đã tham dự cuộc họp ngoại trưởng ASEAN + 3 cùng với người đồng cấp Hàn Quốc, Yun Byung-se (giữa) và Vương Nghị của Trung Quốc ở Naypyitaw, Myanmar. © Gaku Shimada
Dù cả Tập và Abe đều không cười trong bức ảnh, nhưng biểu cảm của họ không cho thấy sự giận dữ. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Nhật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, và chuyến thăm cấp nhà nước của Tập tới Nhật Bản dự kiến diễn ra vào tháng 04/2020 đã phải hoãn lại vì đại dịch Covid-19.
Dù bản thân Abe chưa bao giờ lên tiếng về việc bị xem là "diều hâu", nhưng đường lối ngoại giao của ông luôn mang tính hiện thực chủ nghĩa và thực dụng. Ngay sau khi chính quyền Abe đầu tiên nhậm chức vào năm 2006, Trung Quốc và Hàn Quốc đã được chọn làm điểm đến trong các chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông, bất chấp nhiều vấn đề nổi cộm với cả hai nước này. Tính cách ‘diều hâu’ bẩm sinh của Abe đã cho phép ông vượt qua các lực lượng bảo thủ trong nước vào những thời điểm như vậy.
Đảng Dân chủ Tự do của Kishida đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm Chủ nhật, diễn ra chỉ hai ngày sau khi Abe qua đời. Từng là Ngoại trưởng dưới thời Abe, hơn ai hết, Kishida hiểu rõ những bước đi cẩn trọng đã được thực hiện trong thời gian qua, để cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Nhật vẫn đang bế tắc, dù năm nay đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ song phương. Chắc chắn sẽ có những dịp trong tương lai để Kishida tận dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là ngoại trưởng của Abe.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Dramatic final curtain on special Abe-Tập relationship", Nikkei Asia, 14/07/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 20/07/2022
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.