Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2022

Dư luận vẫn còn chấn động trước những án tù trong vụ Tịnh thất Bồng Lai

Thới Bình, Diễm Thi, Trân Anh, RFA

Hội đồng liên tôn nói chính quyền muốn xóa bỏ cơ sở tôn giáo không theo giáo hội

RFA, 27/07/2022

Hội đồng Liên tôn Việt Nam hôm 25 tháng 7 ra tuyên bố lên án bản án nặng nề mà các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai bị tuyên phạt.

bonglai1

Sáu người bị tuyên án trong cơ sở tu tại gia Tịnh thất Bồng Lai - RFA edited

Có thành viên là đại diện của năm tôn giáo lớn tại Việt Nam, bao gồm Phật Giáo, Công Giáo, Tin lành, Cao Đài, và Phật giáo Hòa Hảo, Hội đồng Liên tôn là tổ chức chuyên đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo không được chính quyền công nhận.

Trong tuyên bố của mình, tổ chức này bày tỏ "cực lực phản đối vụ án bất công và phi pháp, trái ngược với các nguyên tắc căn bản về nền tư pháp quốc tế". 

Đồng thời tố cáo chính quyền Việt Nam "bất chấp Tuyên Ngôn Quốc Tế về quyền làm người của Liên Hiệp Quốc, tước bỏ các quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, quyền được xét xử công bằng…"

Trước đó, hôm 21 tháng 7, tòa án huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, đã kết án sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai, sau đổi tên là Thiền am Bên bờ Vũ trụ, với tổng cộng 23,5 năm tù giam. 

Những người này bị cáo buộc dưới tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2, Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do, Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng chủ tịch của Hội đồng Liên tôn, cho biết lý do tổ chức này đưa ra tuyên bố về phiên tòa xử các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai :

"Có thể nói rằng Hội đồng Liên tôn có mặt ở Việt Nam đã mười mấy năm rồi, trước giờ thì lập trường của hội đồng là chủ trương vận động cho tự do tôn giáo, tín ngưỡng, và nhân quyền ở Việt Nam. 

Nhân đây xin thưa cái vụ của Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ, thì đây (bản án 23,5 năm tù - PV) là một cái việc vi phạm vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng rất là trầm trọng. Cũng như là xúc phạm cái phẩm giá của con người, cũng như nhân quyền của người dân ở Việt Nam không được tôn trọng".

Trong phiên tòa xét xử thì một trong những vấn đề được thẩm phán nêu ra đó là việc Tịnh thất Bồng Lai không chịu đăng ký gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Điều này được ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu tịnh thất, giải thích là vì cảm thấy Giáo hội Phật Giáo Việt Nam "không xứng đáng" để tham gia. 

Nói về vấn đề này, Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng Tịnh thất Bồng Lai có quyền tu theo Phật Giáo theo cách mà họ muốn, không nhất thiết phải gia nhập giáo hội :

"Anh tự nhiên anh ép người ta vô cái tròng của anh để anh quản lý, thì cái đó sao gọi là quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo được. 

Phật Giáo Việt Nam rất đã dạng, và sự tu tập có nhiều hình thức. Bởi vì giáo pháp của Đức Phật đưa xuống có tới bốn vạn tám ngàn pháp môn tu (tám vạn bốn ngàn pháp môn tu - PV). Thành thử ra tuỳ quần chúng và đồng bào, ví dụ mình tiếp cận được một cái điều nào đó của Đức Phật dạy và mình muốn tu tập thì đều có thể được hết".

Hòa thượng Thích Không Tánh từ năm 2016 giữ vai trò đồng Phó Viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức tách ra từ giáo hội có từ thời Việt Nam Cộng Hòa. 

Một thành viên khác của Hội đồng Liên tôn Việt Nam là Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài, cũng cho chúng tôi biết rằng bản tuyên bố mà tổ chức này đưa ra nhằm khẳng định quyền tự do tôn giáo của các thành viên Tịnh thất Bồng Lai, và để tố cáo chính sách đàn áp của nhà nước Việt Nam :

"Chúng tôi đấu tranh để Việt Nam có quyền tự do tôn giáo, không ai có quyền ép buộc mình phải theo một cái tôn giáo nào mà mình không thích. 

Thứ hai thì chúng tôi thấy rằng đối với những bản án bất công thế này, thì cộng đồng mạng cũng như những người đấu tranh cần phải nói lên để cho thế giới biết, rằng ở tại Việt Nam nhiều khi người ta áp đặt các bản án để răn đe những người không tuân theo cái ý của nhà cầm quyền".

Vị Chánh trị sự của đạo Cao Đài cũng cho biết việc chính quyền ban đầu vu cáo cho ông Lê Tùng Vân phạm tội loạn luân, nhưng sau lại dùng Điều 331 để xét xử, cho thấy bản chất của vụ án này là muốn xóa bỏ cơ sở tôn giáo nên mới phải áp dụng điều luật mơ hồ. 

Hôm 26 tháng 7, lãnh đạo Công an tỉnh Long an cũng thừa nhận rằng không có đủ chứng cứ để buộc tội loạn luân đối với ông Lê Tùng Vân - người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai, và tuyên bố ngưng tiếp nhận tố giác về tội danh này. 

Trong thông cáo của mình, Hội đồng Liên tôn cũng "thỉnh cầu Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế nhân quyền, các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới áp lực buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền làm người và tuân thủ các thủ tục và nguyên tắc tư pháp quốc tế cho nhân dân Việt Nam".

***********************

Ngàn năm bia miệng

Thới Bình, VNTB, 27/07/2022

Chiều 26/7, nguồn tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết cơ quan này tạm đình chỉ tiếp nhận tin báo tố giác của nhiều tổ chức, cá nhân về 2 hành vi "loạn luân" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại căn nhà của bị án Cao Thị Cúc, số 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An – nơi được bị án Lê Tùng Vân đặt tên là Tịnh thất Bồng Lai, sau đó đổi thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Cũng theo nguồn tin, 2 hành vi trên "sẽ được phục hồi điều tra sau".

bonglai2

Trong ít nhất hai lần livestream trên kênh Youtube "Đạo Phật Ngày Nay", Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đưa ra cái buộc về hành vi "loạn luận" của cụ Lê Tùng Vân, và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với nhóm người tu tại gia tại Tịnh thất Bồng Lai

 Trong hai vấn đề trên, trước đó trong ít nhất hai lần livestream trên kênh Youtube "Đạo Phật Ngày Nay", Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đưa ra cái buộc về hành vi "loạn luân" của cụ Lê Tùng Vân, và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với nhóm người tu tại gia tại Tịnh thất Bồng Lai.

Trong các clip livestream liên quanđến Tịnh thất Bồng Lai, Thượng toạ Thích Nhật Từ nói rằng ông Lê Tùng Vân trước đây đã từng bị Giáo hội Phật Giáo ý kiến đến địa phương về những dấu hiệu vi phạm lợi dụng tôn giáo để trục lợi từ thiện qua việc nuôi trẻ mồ côi.

Thượng tọa Thích Nhật Từ cáo buộc ông Vân không theo bất cứ tôn giáo nào nhưng đã lợi dụng sắc phục tu sĩ, lợi dụng tư gia của mình với cái tên gọi Tịnh thất Bồng Lai, cả hai vấn đề này đều đã vi phạm nghiêm trọng vì đã nhân danh chức sắc giáo hội, nhân danh nhà chùa để trục lợi từ thiện.

"Việc ông Vân lấy tên là Tịnh thất là một trong những tên nằm trong khái niệm tương đương với Thiền Viện, chùa mà Giáo hội công nhận. Tịnh thất là một am thất nhỏ trong tịnh xá dành cho các cá nhân, chính là các tu sĩ Phật giáo tương đương như một Thiền Viện, tuy nhiên trong một khuôn khổ hẹp cả về việc sinh hoạt tôn giáo" – Thượng toạ Thích Nhật Từ lập luận, và thông qua đó, Thượng toạ Thích Nhật Từ cũng lưu ý người dân khi cúng dường, quyên góp tiền từ thiện cần phải xác định cơ sở thờ tự đó có chính xác là chùa không.

"Các chùa Phật giáo tại Việt Nam, được xây dựng theo một hệ thống nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Người dân có thể xác định thông qua việc liên lạc với các Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại mỗi địa phương, để tránh trường hợp mất tiền cho các cơ sở gian dối như Tịnh thất Bồng Lai" – Thượng toạ Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Tuy nhiên trong phiên tòa hình sự sơ thẩm vừa qua, những người ở Tịnh thất Bồng Lai bị cáo buộc theo Điều 331 của Bộ luật hình sự, không thấy có đề cập gì liên quan đến "loạn luân" – "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như cáo buộc trước đó của Thượng tọa Thích Nhật Từ và một số tin tức trên báo chí.

Cũng không hẳn trách Thượng tọa Thích Nhật Từ về những phát ngôn mang tính cáo buộc thiếu chứng cứ, bởi ngay cả chính tờ báo Sài Gòn Giải Phóng thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đăng với thể kết luận về tình tiết "loạn luân" – "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ở số báo phát hành ngày 5/1/2022 :

"Trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) tự phong là Giám đốc Trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức. Năm 2007, do hoạt động không đúng quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm… nên UBND huyện Bình Chánh quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở này.

Sau đó, ông Vân bán hết đất và về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc nhằm hành nghề nhận con nuôi. Thực tế, đa số trẻ sống ở hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ. Hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.

Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đặc biệt, nhóm người tại "Tịnh thất Bồng Lai đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây".

Trước đó nữa, một tờ báo cũng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra cáo buộc : "Theo thông tin từ ngành chức năng thì kết quả xác minh cho thấy số trẻ em, thanh niên sinh sống tại "Tịnh thất Bồng Lai", "Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ" đa số là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân chứ không phải trẻ em mồ côi, cơ nhỡ".

Vết mực, vết sơn lỡ văng tung toé còn có chất này, nước nọ rửa cũng hết ; còn thông tin, bia miệng người đời thì làm sao xóa hết ? Tội người ta.

Thới Bình

**************************

Tịnh Thất Bồng Lai nói bị vu cáo - nỗi oan ai giải ?

Diễm Thi, RFA, 26/07/2022

Truyền thông Nhà nước có hàng loạt bài viết về thông tin "loạn luân" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Tịnh Thất Bồng Lai trước khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức và đưa ra xét xử với cáo buộc 'lợi dụng các quyền tự do dân chủ'. Các thành viên tại tịnh thất này cho rằng mình bị truyền thông làm nhục và vu khống. Đây là ẩn khuất mà sau phiên sơ thẩm công luận vẫn bất bình. 

bonglai3

Sáu người bị khởi tố trong vụ Tịnh thất Bồng Lai - FBNV/RFA edited

"Tôi không xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cũng không xúc phạm Công an huyện Đức Hòa, ngược lại tôi và các thành viên Thiền Am là nạn nhân bị làm nhục và bị vu khống trong thời gian dài, rất thậm tệ. Ai tố cáo tôi xúc phạm họ, thì cần có mặt tại tòa án, đứng lên đối chất, nói rõ, đừng lừa dối tòa án !".

Đó là lời ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai (tên ban đầu của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ bây giờ), tại phiên tòa xét xử ông và một số thành viên của tịnh thất này diễn ra từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 7 năm 2022.

Sau hai ngày xét xử, Tòa án huyện Đức Hòa tỉnh Long An tuyên hơn 23 năm tù giam đối với sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An cho rằng, ông Lê Tùng Vân đã dùng Tịnh Thất Bồng Lai lợi dụng tôn giáo để trục lợi từ thiện diễn ra trong thời gian dài.

Đầu năm 2022, truyền thông Nhà nước bị cho là dẫn dắt dư luận khi đưa những bài báo có tiêu đề như "Công an điều tra chuyện loạn luân tại Tịnh thất Bồng Lai" ; "Tịnh thất Bồng Lai : Khi đạo đức không còn và u mê dẫn lối" để nói về một cơ sở tu tập, thờ tự tư nhân này. Bài báo đưa thông tin kết quả giám định mà không có bằng chứng, rằng nhiều người sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai có quan hệ huyết thống với ông Lê Tùng Vân ; ông Lê Tùng Vân có quan hệ cha con với 11 người, lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi…

Bài báo dẫn thông tin anh Lê Thanh Minh Tùng là sản phẩm loạn luân giữa ông Lê Tùng Vân và em gái ruột. Ông Lê Tùng Vân đã công khai phủ nhận việc này và xác nhận anh Tùng là con nuôi của em gái của ông. Những người liên quan đều phủ nhận việc quan hệ với ông Lê Tùng Vân để sinh con.

Đến cuối tháng 2 năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Hòa ra Quyết định chuyển hồ sơ vụ án hình sự xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai về Công an tỉnh Long An để điều tra vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân".

Chiều 26 tháng 7 năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An cho biết đã tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác của nhiều tổ chức, cá nhân về hai hành vi "loạn luân" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Tịnh thất Bồng Lai.

Luật sư Ngô Anh Tuấn viết trên Facebook cá nhân của mình tối cùng ngày : "Ngay từ đầu, khi tiếp nhận thông tin về những vụ việc liên quan tới Tịnh thất Bồng Lai, tôi có cái nhìn có phần ác cảm về họ, đó là sự thật…

Cho tới thời điểm này, qua một số thông tin mà các tờ báo chính thống đăng tải, có vẻ như những tố cáo về hành vi loạn luân trong Tịnh thất Bồng Lai là suy diễn, thiếu căn cứ khoa học vững chắc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, sự ác cảm của tôi đối với những người nơi đây là thiếu cơ sở".

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bảo vệ pháp lý cho Tịnh Thất Bồng Lai tại tòa nêu quan điểm của ông với RFA :

"Thực tế, trước đây, gia đình ông Lê Tùng Vân đã từng khiếu nại về việc bị ông Thích Nhật Từ xúc phạm trong suốt một năm nhưng không được cơ quan nào giải quyết cả. Sau khi Lê Thanh Hoàn Nguyên làm clip phản ứng, trong clip có câu "Sư phụ tui nói Nhật Từ ngu như bò", thì Hoàn Nguyên bị khởi tố hình sự và bị bắt giữ.

Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 20/07 không xét xử gì các tội "Loạn luân" hoặc "Lừa đảo", thì có thể gia đình họ sẽ tính đến việc tố cáo bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Theo quy định, thì các tố cáo của họ sẽ phải được thụ lý xem xét. Về phương diện truyền thông đưa tin làm nhục họ thì cũng đã từng bị khiếu nại, nhưng cơ quan truyền thông cho rằng chỉ loan tin từ cơ quan điều tra cung cấp mà thôi. Gia đình ông Lê Tùng Vân cũng đang cân nhắc khả năng tố cáo truyền thông đưa tin làm nhục họ".

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi cố ý đưa ra các thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích gây ảnh hưởng xấu đến danh dự nhân phẩm của một cá nhân cụ thể ; Hành vi vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Các hành vi này tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Cuối năm 2021, Bộ Công an Việt Nam đề nghị tăng mức phạt tội vu khống trên mạng nhằm xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác lên đến 60 triệu đồng, tức cao gấp 2-3 lần mức phạt đang được áp dụng trước đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm với RFA :

"Có những người dùng sự phỉ báng để hạ gục đối phương nên tôi nghĩ phải phạt nặng thì mới chấm dứt tình trạng này. Vu khống người khác, làm nhục người khác hiện nay xảy ra trên mạng xã hội rất nhiều nhưng mức phạt không cao nên người ta sẵn sàng đóng phạt rồi lại làm tiếp.

Thẩm quyền xử phạt và áp dụng những biện pháp xử lý hành chính được quy định trong luật xử lý vi phạm hành chính. Dưới luật này có hàng chục quy định trên từng lãnh vực. Luật giao cho Chính phủ quy định chủ tịch ủy ban từng cấp, hoặc một số ngành giao cho công an cấp tỉnh, quận, xã thẩm quyền về mức phạt. Nếu chính quyền vượt quá thẩm quyền, làm không đúng theo luật định thì người dân có thể kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó ra tòa. Sẽ có tòa án hành chính xử".

Việc truyền thông Nhà nước loan tin từ một nguồn được cơ quan chức năng đưa ra là một thực trạng tại Việt Nam. Trường hợp Tịnh Thất Bồng Lai chỉ là một trong biết bao vụ việc về sau được chứng minh hoàn hoàn trái ngược với những gì báo chí đồng loạt loan đi trước đó.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 26/07/2022

***********************

Vì đâu một "thầy chùa" dùng tòa án đẩy ông già 90 tuổi vào tù ?

Vụ án xét xử Tịnh Thất Bồng Lai đã diễn ra và ông Lê Tùng Vân bị kết án 5 năm tù, một mức án mà cộng đồng mạng cho là vô lý mà ai cũng biết, không chắc ông sống được đến 5 tháng. Đây là hành động được đánh giá là tàn ác.

vaotu1

Ông Lê Tùng Vân quá già yếu để có thể tự đi đứng một mình - Ảnh minh họa : Ông Lê Tùng Vân được dìu đến tòa

Từ đầu ai cũng có thể nhìn thấy sát khí từ đơn tố cáo của Thích Nhật Từ và Tòa án ở Long An đều nhắm vào ông Lê Tùng Vân là chính. Ở trước tòa ông Lê Tùng Vân đã nói những lời rất khẳng khái và thành thật về cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà ông Thích Nhật Từ đang đại diện và thao túng. Có lẽ đẩy ông Vân vào tù thành công, nhưng tuyên bố sấm động "Giáo hội không xứng đáng thì tôi không vào", sẽ là lời nhắc của công chúng về ông Lê Tùng Vân, mãi về sau.

Tòa xử những người sống trong Tịnh thất Bồng Lai vì xúc phạm ông Thích Nhật Từ do ví ông ta với con bò. Chuyện này sẽ trở thành tiền lệ pháp và hình thành quy chuẩn xã hội bi hài : bắt đầu từ bây giờ, việc trò chuyện và so sánh con người với con vật, sẽ khiến bất cứ ai cũng có thể đi tù.

vaotu2

Thầy chùa Thích Nhật Từ

Có thể nói, từ xưa đến nay chưa ai nói người khác "ngu như bò" mà phải ngồi tù đến 5 năm. Những câu nói nhưn trên giả sử là có thì đó cũng chỉ là những câu chửi bình thường ngoài xã hội. Nó tựa như những lười chửi thế trên cửa miệng mà nhiều người vẫn hay dùng, tuy nhiên trong trường hợp này ông Lê Tùng Vân và những người trong nhóm của ông đã phải nhận những bản án nặng nề.

Ở xã hội không phải ai cạo đầu trọc cũng là thầy tu. Thầy tu có chân tu và thầy chùa. Mạng xã hội đã chỉ ra rằng, ông Thích Nhật Từ vì tham sân si quá nặng mà đệ đơn kiện người khác vì câu nói vô thưởng vô phạt.

Tòa Long An lâu nay đã tạo nhiều cột mốc trong lịch sử thế giới về tư pháp tại Việt Nam. Hôm nay lại là một cột mốc độc đáo. Bởi Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên mà trong các giao tiếp xã hội, việc so sánh người và thú vật đều có thể dẫn đến án tù bằng điều 331 mơ mơ hồ hồ "lợi dụng tự do dân chủ". Đây cũng là phiên tòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người ta nhìn thấy toàn bộ công lực xã hội của một nhà nước như ráo riết đứng về phía bảo vệ kẻ có nhân dạng như thầy tu, giúp giải thoát việc liên quan đến hình hài một con bò.

Giờ thì các bà mẹ ông bố cũng nên cẩn trọng trong việc mắng con cái, đại loại với câu "mày ăn như mèo" hay "sao mày cáu bẳn như chó", những thứ đó hôm nay chính thức được quan thầy của thời xưng danh Phật Giáo – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề oanh liệt, có thể khiến họ ở tù bất cứ lúc nào.

Với câu "Thích Nhật Từ ngu như bò" mà bị bắt bỏ tù đến 5 năm thì nhiều người cho rằng, trong đó có uẩn khúc. Đây chỉ là cái cớ để cho chính quyền bắt giam một ông già 90 tuổi mang màu sắc trả thù hơn là thực thi công lý. Vậy thì ông Lê Tùng Vân đã phạm vào điều gì ? Đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nơi mà có nhiều vụ án làm xấu mặt những vị tu chân chính. Mới đây tại chùa Thích Minh Pháp, trụ trì Chùa Biện Sơn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phạm tội dâm ô bị báo chí phanh phui.

Hầu hết các cá nhân bị ghép vào điều 331 Bộ Luật Hình Sự đều là những cá nhân mà chính quyền này cho là "chống phá" dù cách này hay cách khác. Và ông Lê Tùng Vân và các nạn nhân cùng chung vụ án với ông cũng là những người mà Nhà cầm quyền không ưa.

Có ý kiến cho rằng, Thích Nhật Từ là chim mồi, ông ta cố tình tố một tội lẽ ra không phải là tội để nhà cầm quyền có cớ triệt hạ người mà họ không ưa. Đấy cũng là một nhận xét rất có cơ sở.

Trân Anh

Nguồn : Thoibao.de, 24/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình, Diễm Thi, Trân Anh, RFA tiếng Việt
Read 402 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)