Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/07/2022

Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Nghiêm Huyền Vũ

Mỹ với cách tiếp cận mới chủ động trong quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mới đây, Bộ trưởng quốc phòng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã có cuộc họp để củng cố mối quan hệ trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự trong khu vực (1).

indo1

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley (giữa) duyệt đội danh dự ở Jakarta, Indonesia hôm 24/7/2022 – AFP

Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuộc họp của các nhà lãnh đạo quân sự trong ba ngày tại Sydney tập trung vào "toàn bộ tình hình với sự trỗi dậy của Trung Quốc, một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đảm bảo một vùng Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương hòa bình và ổn định (2).

Các nhà lãnh đạo quân sự từ 26 quốc gia đang tham dự hội nghị, hầu hết là những người đứng đầu lĩnh vực quốc phòng. Trung Quốc được mời nhưng nói rằng không thể tham dự.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng cường đối phó với Trung Quốc

Trong cuộc họp báo ngày 27/7, Tướng Milley cho biết các lãnh đạo quốc phòng đã thảo luận về các cuộc tập trận quân sự và cách họ có thể hợp tác nhiều hơn, làm cho quân đội của họ có khả năng tương tác tốt hơn, bao gồm cả các công nghệ tiên tiến.

Tướng Milley cho rằng, việc Trung Quốc ngăn cản máy bay của đồng minh và đối tác trong không phận quốc tế ở khu vực Thái Bình Dương đã tăng lên "gấp nhiều lần" trong năm năm qua. Ông gọi hành vi của Bắc Kinh là "đối đầu hơn nhiều" so với 5-15 năm trước.

Ông nhấn mạnh hoạt động của Trung Quốc "dường như ngụ ý rằng họ muốn bắt nạt hoặc thống trị, trái ngược với việc có một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (3).

Mỹ cáo buộc Trung Quốc gia tăng "khiêu khích" chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và cho rằng "hành vi gây hấn và vô trách nhiệm" của Bắc Kinh có thể dẫn đến khả năng xảy ra một sự cố hoặc tai nạn lớn.

Phát biểu tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7, bà Jung Pak, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có "xu hướng rõ ràng và gia tăng trong các hành động khiêu khích của Trung Quốc chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực" (4).

Theo ông Ely Ratner, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mối đe dọa lớn nhất về an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "đến từ Trung Quốc" : "Trong những năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực, nhất là để khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển ngoại biên và để phá hoại những yếu tố chủ chốt của trật tự dựa trên luật lệ. Chúng ta đã chứng kiến Bắc Kinh kết hợp sức mạnh quân sự ngày càng tăng với sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn". (5)

Tiến sĩ Ratner chỉ ra những sự cố liên quan đến Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông nhằm chặn tàu chiến, máy bay của Mỹ và của các đồng minh hoạt động trong khu vực. Đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động "cưỡng ép" như đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế hồi tháng 5/2022, triển khai hàng chục máy bay quân sự vào không phận của Malaysia, phun vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Philippines lên đường đến bãi Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây) năm 2021.

Theo Tiến sĩ Ratner, Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu gia tăng sự hung hăng khoảng 5 năm trước (tức từ năm 2017), và đó không phải là sự cố riêng lẻ hay hành động cố tình của một phi công nào đó mà là xu hướng, chính sách rõ ràng của Bắc Kinh. Ông Ratner cảnh báo và lên án hành động của Bắc Kinh là "hung hăng, vô trách nhiệm" và là "mối đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực". (6)

Mỹ không muốn đối đầu

Ông Ratner cho biết, những hành động của Trung Quốc cho thấy nước này muốn xây dựng một trật tự theo ý họ là "cái lý trong tay kẻ mạnh" và "dùng bạo lực giải quyết tranh chấp". Do đó, Bộ Quốc phòng cũng như trong toàn bộ chính quyền Mỹ đều ý thức về thách thức này với sự khẩn trương cao độ : "Chúng ta cần phải thể hiện ý chí và năng lực để làm chùn bước sự hung hăng của Trung Quốc một cách đáng tin cậy".

Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng Washington "không muốn đối đầu hay xung đột với Trung Quốc" mà ưu tiên trước hết của Mỹ là "duy trì trật tự, hòa bình của khu vực" nhưng "sẽ sẵn sàng chiến thắng nếu xung đột xảy ra".

Ely Ratner thừa nhận các nước nhỏ trong khu vực mặc dù lo ngại về sự ức hiếp của Bắc Kinh hay trật tự khu vực do Bắc Kinh thiết lập, nhưng "không nước nào muốn xung đột hay đối đầu với Trung Quốc hay muốn hy sinh mối quan hệ với Trung Quốc, do mối quan hệ kinh tế, văn hóa và lịch sử chặt chẽ". Điều này khác cơ bản với Châu Âu, nơi các nước đoàn kết đối đầu sự hung hăng của Nga trong một cấu trúc quân sự chung là NATO.

Ông Ratner cho rằng Washington không tìm cách xây dựng một liên minh chống Trung Quốc như mô hình NATO : "Mỹ không yêu cầu các nước phải chọn phe. Mỹ tôn trọng quan hệ của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực với Bắc Kinh. Mỹ chỉ muốn làm việc với họ để nâng cao khả năng tự bảo vệ lợi ích và cùng nhau xây dựng tầm nhìn chung cho khu vực".

22222222222222222222

Tàu chiến của Hải quân Mỹ USS Benfold trong một cuộc tập trận ở vùng biển Philippines năm 2018. Reuters

Quân sự chủ động

Để làm điều này, ông Ratner nói rằng "củng cố năng lực phòng vệ của các nước ở Biển Đông có tầm quan trọng trước hết đối với Bộ Quốc phòng Mỹ" và Lầu Năm Góc đang ngày càng chủ động tìm kiếm các cách làm để thực hiện mục tiêu này.

Rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ không nhất thiết phải xây dựng lực lượng ngang bằng với đối thủ vì "những nước nhỏ vẫn có thể qua mặt những kẻ xâm lược lớn hơn thông qua đầu tư thông minh vào công nghệ phòng vệ, vũ khí chống máy bay và các năng lực chống tiếp cận khác".

Ông Ratner chỉ ra rằng các nước trong khu vực không có năng lực Nhận dạng vùng biển (MDA) sẽ phải đi tuần tra vùng biển và vùng trời của họ "giống như xe cảnh sát đi tuần trong khu phố".

Washington cũng muốn xây dựng sự hiện diện chiến đấu chủ động đáng tin cậy trong khu vực, bao gồm tìm kiếm khu vực tiếp cận mới và cách thức hoạt động mới, trong đó xem khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "đấu trường hoạt động chính của Mỹ".

Ông Ely Ratner cho biết Mỹ đã tăng cường mức độ phức tạp, quy mô và thời gian của các cuộc tập trận chung của Mỹ với các đối tác trong khu vực, dẫn chứng cuộc tập trận thường niên Balikatan (tức Vai kề Vai) với Philippines và tập trận RIMPAC với 26 nước trong năm 2022 đều được thực hiện với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hàng nghìn quân tham gia. Cuộc tập trận Garuda với Indonesia vào tháng tới sẽ là lần đầu tiên có thêm nhiều nước tham gia như Anh, Australia, Nhật Bản, Canada, Malaysia và Singapore. Ông Ratner cho rằng : "Ngoài việc Mỹ củng cố vị trí trong khu vực, Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đi vào vùng trời, vùng biển của Biển Đông và bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép" (7).

Giúp đỡ đối tác

Một trong những ưu tiên của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc là "xây dựng các liên minh và mối quan hệ đối tác có năng lực trong khu vực". Ông Ratner cho biết, năm đồng minh có hiệp ước với Washington trong khu vực là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ausatralia và Philippines tiếp tục "nằm ở trung tâm cách tiếp cận của Mỹ".

Đối với Philippines, ông nhấn mạnh các hiệp định về lực lượng viếng thăm (VFA) và hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) làm nền tảng cho hợp tác quân sự giữa hai nước. Ely Ratner khẳng định : "Nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào tàu hay máy bay của quân đội Philippines trên Biển Đông thì nó sẽ kích hoạt cam kết phòng vệ chung trong khuôn khổ Điều 4 của Hiệp ước phòng vệ tương hỗ (MDT)".

Ngoài các đồng minh có hiệp ước, ông Ely Ratner chỉ ra mối quan hệ "ngày càng mạnh mẽ" với các đối tác quan trọng khác trong khu vực như Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Đây cũng sẽ là cơ hội cho Việt Nam vừa có thể nhận sự giúp đỡ của các quốc gia khu vực này trong việc hiện đại hoá sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển, việc này cũng giúp cho Việt Nam có đủ sức mạnh để chống lại chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc trên Biển Đông. Như vậy, cũng sẽ là giúp cho Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Vấn đề là Việt Nam cần năng động và mạnh mẽ hơn trong các hợp tác với các quốc gia khu vực này, đặc biệt là Mỹ. Việc Việt Nam từ chối cho tàu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan ghé thăm cảng Đà Nẵng vừa qua là một sự kiện làm nhiều người thất vọng.

Nguyễn Huyền Vũ

Nguồn : RFA, 30/07/2022

Tham khảo :

1. https://news.defence.gov.au/media/media-releases/australia-and-united-states-military-leaders-reinforce-shared-commitment-free

2. https://www.smh.com.au/politics/federal/china-wants-to-bully-and-dominate-the-indo-pacific-top-us-general-20220727-p5b4z7.html

3. https://www.washingtonpost.com/politics/pacific-defense-chiefs-meet-against-backdrop-of-rising-china/2022/07/26/0730b910-0d58-11ed-88e8-c58dc3dbaee2_story.html

4. https://www.csis.org/events/twelfth-annual-south-china-sea-conference

5. https://www.csis.org/events/twelfth-annual-south-china-sea-conference

6. https://www.csis.org/events/twelfth-annual-south-china-sea-conference

7. https://www.csis.org/events/twelfth-annual-south-china-sea-conference

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nghiêm Huyền Vũ
Read 339 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)