Chủ tịch Hạ Viện Mỹ thăm Đài Loan : "Lợi bất cập hại" cho quan hệ Mỹ - Trung ?
Minh Anh, RFI, 02/08/2022
Đang công du Châu Á với chặng thứ hai là Malaysia, chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi cho đến giờ vẫn tỏ ra mập mờ về ý định thăm Đài Loan như nhiều tờ báo quốc tế loan tin. Một số nhà phân tích cảnh báo, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nếu diễn ra, chỉ có thể làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm xấu đi và đe dọa an ninh Đài Loan.
Báo Trung Quốc đưa tin về chuyến công du Châu Á của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Ảnh chụp tại một quầy báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 31/07/2022 © AP - Andy Wong
Nếu chuyến đi diễn ra, bà Nancy Pelosi sẽ là nhân vật quan trọng thứ ba trong chính phủ Mỹ đến thăm hòn đảo lần đầu tiên kể từ năm 1997. Và chuyến thăm này có nguy cơ phá vỡ điều mà nhiều quan chức chính quyền Mỹ gọi là "chốt chặn an toàn" trong hồ sơ Đài Loan.
Nhật báo Anh Quốc The Guardian hôm qua, 01/08/2022, trước hết ghi nhận, ý định này của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã làm Bắc Kinh chao đảo trong một năm chính trị đầy nhậy cảm cho đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, trong bối cảnh đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra vào mùa thu năm nay, cho phép ông Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Và năm nay Trung Quốc cũng tổ chức mừng 95 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Đương nhiên, đây không phải lần đầu tiên một chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến thăm Đài Bắc. Cách nay một phần tư thế kỷ, ông New Gingrich, thuộc đảng Cộng Hòa, cũng đã từng đến thăm hòn đảo. Sự việc cũng khiến Bắc Kinh bực bội có những lời phàn nàn. Tuy căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung lúc đó cũng đã kéo dài trong vòng vài tháng, nhưng lần đó Bắc Kinh cũng đành nuốt giận.
Chỉ có điều chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc bây giờ không như cách đây 25 năm. Dù ngân sách dành cho quốc phòng vẫn còn kém xa Mỹ (738 tỷ đô la/năm), nhưng Trung Quốc cũng là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới (193,3 tỷ đô la), theo như số liệu từ Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược ( IISS ) cho năm 2020. Cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành khiến phương Tây lo ngại Trung Quốc có những hành động quân sự nhắm vào Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn xem là một phần lãnh thổ cần phải được thống nhất với Hoa Lục.
Từ những quan sát này, chuyên gia Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, Trung tâm Woodrow Wilson tại Washington, nhận định với tờ The Guardian rằng chuyến thăm Đài Bắc của bà Pelosi sẽ không làm dịu được mối quan hệ Mỹ - Trung, cũng như không phục vụ các lợi ích của Mỹ, và cũng không giúp tăng cường an ninh cho Đài Loan.
Washington sợ rằng nếu bà Pelosi không "quá cảnh" đến Đài Bắc, điều đó chẳng khác gì đưa ra một tín hiệu mềm yếu của Mỹ và có có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đài Loan, nhưng cuộc viếng thăm này cũng có nguy cơ nuôi dưỡng luận điệu của "phe diều hâu" ở Bắc Kinh, theo đó, Hoa Kỳ và các đồng minh đang hậu thuẫn chính quyền Thái Anh Văn tìm kiếm một nền độc lập. Mối ngờ vực này càng được củng cố khi một thông tin hôm thứ Hai (01/8) cho biết một phái đoàn nghị sĩ cấp cao Anh Quốc cũng dự kiến đến thăm Đài Loan vào khoảng cuối năm nay.
Đương nhiên, ý định này của bà Pelosi khiến Bắc Kinh nổi dóa và không ngừng đe dọa có hành động đáp trả mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Bonnie Glaser, giám đốc Trung tâm Châu Á, thuộc cơ quan tư vấn German Marshall Fund, trụ sở tại Washington, mặc dù nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang là rất thấp, "xác suất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực hiện một loạt hành động quân sự, kinh tế và ngoại giao để phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm của họ là khá lớn. Có khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách trừng phạt Đài Loan bằng nhiều cách".
Về phần mình, nhà nghiên cứu Daly cảnh báo, cuộc khủng hoảng lần này rất có thể là một cơ hội cho Bắc Kinh tạo ra một tiền lệ mới : Hoặc để hộ tống các chuyến thăm Đài Loan của quan chức Mỹ bằng máy bay quân sự, hoặc bay gần hơn, hay thường xuyên hơn về phía không phận Đài Loan.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, mỗi cuộc leo thang sẽ dẫn đến một nguyên trạng mới, và điều đó chỉ làm mối quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên nguy hiểm. Do vậy, theo ông, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh "dồn hết mọi nỗ lực cho các cuộc đàm phán bình ổn chiến lược thay vì chơi trò leo thang căng thẳng".
Từ toàn cảnh này, tờ Journal de Montreal của Canada cho rằng thời gian "quá cảnh" Đài Loan của bà Nancy Pelosi nên ngắn và kín đáo, chỉ nên dừng chân vài giờ để qua đêm trước khi tiếp tục hành trình đến các nước Châu Á khác. Có như thế thì mới cứu vãn được sỉ diện cho cả Bắc Kinh và Washington.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 02/08/2022
*********************
Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khi bà Pelosi thăm Châu Á
Minh Đăng, RFA, 01/08/2022
Chuyến đi "bão táp" của bà Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bắt đầu chuyến công du Châu Á, nhưng không đề cập đến Đài Loan trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng bà có thể đến thăm quốc gia này (1).
AFP
Trước đó, báo chí Mỹ đã đưa tin về chuyến thăm của bà Pelosi sẽ đến Đài Loan dịp này. Nếu chuyến thăm diễn ra, bà Pelosi sẽ là Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên thăm Đài Loan trong 1/4 thế kỷ qua.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ đang "chuẩn bị" cho chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị vào tháng 8 tới và Mỹ sẽ "chịu mọi trách nhiệm về bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào" nếu bà thực hiện chuyến thăm này (2).
Bà Pelosi, thành viên Đảng Dân chủ, người đứng thứ hai (sau Phó tổng thống) trong hàng ngũ kế vị tổng thống trong trường hợp tổng thống đương nhiệm hoặc tổng thống đắc cử không thể thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khởi động sự nghiệp chính trị của mình với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc - một nữ nghị sĩ trẻ tuổi và mới mẻ dám giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh trong chuyến thăm năm 1991 với các nhà lập pháp khác của Mỹ ngay sau vụ thảm sát này. Hơn 30 năm sau, ý định tới Đài Loan của bà đã tạo nên một dấu ấn ngoại giao mạnh mẽ, góp phần đổ thêm dầu vào những căng thẳng đang ở mức cao nhất ở Washington và Bắc Kinh.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là một nhánh bình đẳng với chính phủ, các nhà lập pháp có quyền tự do thăm bất cứ quốc gia nào họ muốn. Nhưng chính quyền Biden lo ngại phản ứng của Bắc Kinh, vốn coi sự ủng hộ ngày càng tăng của Mỹ đối với Đài Loan là một phần trong âm mưu thúc đẩy nền độc lập cho vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên. bố chủ quyền.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã thăm Đài Loan hồi năm 1997, nhưng phản ứng của Đảng Cộng hòa đối lập cũng như của Bắc Kinh thời điểm đó tương đối im ắng. Hôm 25/7, ông Gingrich đã chỉ trích Lầu Năm Góc vì cảnh báo chống lại chuyến thăm của bà Pelosi. Ông đăng trên Twitter : "Nếu chúng ta bị Cộng sản Trung Quốc đe dọa đến mức chúng ta thậm chí không thể bảo vệ một Chủ tịch Hạ viện Mỹ, lý do gì để Bắc Kinh phải tin rằng chúng ta có thể giúp Đài Loan tồn tại ?" (3).
Cuộc so găng về sức mạnh và ảnh hưởng
Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể làm nổi bật những lo ngại trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden về các kế hoạch của Trung Quốc đối với Đài Loan khi Bắc Kinh tăng cường các lời lẽ và hành động gây hấn đối với hòn đảo này trong những tháng gần đây, như điều máy bay chiến đấu bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng những động thái đó có thể là tiền đề cho những bước đi quyết liệt hơn nữa của Trung Quốc trong những tháng tới nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với Đài Loan.
Cuộc chiến ở Ukraine càng làm gia tăng những lo ngại đó khi Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ hồi hộp theo dõi xem Trung Quốc có thể rút ra bài học gì từ phản ứng của phương Tây trước cuộc xâm lược của Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - được cho là đang củng cố quyền lực để đảm bảo một nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba liên tiếp, điều chưa từng xảy ra, tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu tới, góp phần gây căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
Trong khi Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ, Washington dường như đã từ bỏ thái độ dè dặt trước đây trong vấn đề Đài Loan. Biden đã nói rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường họp hòn đảo này bị tấn công - không chỉ đơn thuần là cung cấp vũ khí - mặc dù Nhà Trắng sau đó đã phủ nhận tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng. Mike Pompeo, Ngoại trưởng dưới thời Donald Trump, trong chuyến thăm Đài Bắc hồi tháng 3 vừa qua đã kêu gọi Mỹ công nhận "thực tế không thể chối cãi và đã tồn tại" nền độc lập của Đài Loan. Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Trump, tuần trước cũng tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan rằng chính sách "Một Trung Quốc" "đã kết thúc như nó phải thế và không chịu sự tác động từ bên ngoài", đồng thời lưu ý rằng hầu hết người Đài Loan không còn coi họ là người Trung Quốc (4).
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ triển khai một số biện pháp quân sự nếu Pelosi quyết tới Đài Loan, từ các cuộc tập trận - thường diễn ra cùng lúc các chuyến công du mà Trung Quốc phản đối - cho tới đóng cửa không phận hoặc khóa đường biển tạm thời. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đứng trước những nước cờ đòi hỏi sự khéo léo, giữa một bên là nhu cầu thể hiện quyền lực ở trong nước, trước Đại hội Đảng XX, với một bên là phải hết sức tránh leo thang căng thẳng ngoài tầm kiểm soát. Hãng tin AP bình luận : "Trong bối cảnh Mỹ tìm cách cân bằng mối quan hệ có nhiều rủi ro với Trung Quốc, liệu Pelosi có dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan hay không vẫn chưa rõ. Song có điều chắc chắn là quyết định của Pelosi sẽ đánh dấu thời điểm chính sách đối ngoại và nhân quyền mang tính quyết định cho nước Mỹ và nhà lập pháp cấp cao với nhiệm kỳ dài lãnh đạo Hạ viện" (5).
Các quan chức chính quyền Mỹ lo ngại chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm đặc biệt căng thẳng, khi Tập Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới. Giới chức Mỹ nói rằng họ không mấy lo ngại nguy cơ Bắc Kinh sẽ tấn công máy bay của Pelosi, nhưng nhận thức nguy cơ những tính toán sai lầm hoặc sơ suất có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính trị gia này.
Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị cho Đại hội trong những tuần tới, gây áp lực buộc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải thể hiện sức mạnh. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không nắm bắt đầy đủ các động lực chính trị ở Mỹ, dẫn đến sự hiểu lầm về tầm quan trọng của chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc có thể nhầm lẫn chuyến thăm của bà Pelosi với chuyến thăm chính thức của chính quyền Mỹ, vì bà và Biden đều là thành viên Đảng Dân chủ.
Trong chuyến công du tới khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, dừng chân tại Indonesia ngày 24/7, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - đã nhận định : "Quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến và nguy hiểm trong 5 năm gần đây" (6). Theo Tướng Milley, số vụ "đối đầu không an toàn" giữa máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc với Mỹ và đồng minh tăng lên đáng kể, dù ông không đưa ra con số cụ thể. Chuyến công du của Tướng Milley chủ yếu tập trung vào mối đe dọa Trung Quốc, tham dự cuộc họp với những người đồng cấp của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tại Australia trong tuần tới với các chủ đề thảo luận dự kiến tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc và sự cần thiết phải duy trì một "khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa bình" (7).
Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã cảnh báo về nguy cơ Bắc Kinh sẽ xâm lược Đài Loan. Một số quan chức nhận định quyết định này sẽ được đưa ra trước năm 2027. Đến nay, Mỹ vẫn là đồng minh và là đối tác cung cấp vũ khí số 1 của Đài Loan. Theo luật, chính phủ Mỹ phải coi các mối đe dọa với Đài Loan là các " mối quan ngại thực sự", nhưng hiện vẫn "mơ hồ" về khả năng bảo vệ Đài Loan bằng lực lượng quân sự nếu hòn đảo này bị Trung Quốc tấn công.
Chính sách của Mỹ về Đài Loan vẫn luôn là một vấn đề gây tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ. Nhưng dù vô tình hay cố ý, Washington đã bóng gió rằng họ coi Đài Loan là một lợi ích quốc gia cốt lõi. Tổng thống Joe Biden đã mời Đài Loan tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ năm ngoái, như thể đây đúng là một quốc gia độc lập như các quốc gia khác. Vào tháng 5, trong một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc hay không, Biden đã trả lời là "có" và điều này dường như đã đi ngược lại chính sách tiêu chuẩn của Washington là duy trì thái độ quân sự mập mờ của Mỹ.
Mặc dù, mới đây tại Diễn đàn An ninh Aspen, Cố vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 22/7 khẳng định chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và Washington đang theo sát các diễn biến quanh hòn đảo này. Cụ thể, ông Sullivan cho hay : "Tổng thống Biden đã tuyên bố tại Nhật Bản rằng chính sách của Mỹ là không thay đổi" (8). Tuy nhiên, điều này càng cho thấy Mỹ vẫn duy trì sự mơ hồ chiến lược đối với Đài Loan. Mỹ lo ngại nguy cơ xung đột với Trung Quốc sẽ đạt tới điểm mà ở đó một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới sẽ nổ ra. Mỹ hiện đang ở vị thế có thể duy trì cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, dù đó là ở Thái Bình Dương, Châu Âu hay Trung Đông.
Minh Đăng
Nguồn : RFA, 01/08/2022
Tham khảo :
1. https://www.abc.net.au/news/2022-08-01/nancy-pelosi-begins-asia-tour-no-mention-of-taiwan/101286986
2. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271746.shtml
3. https://twitter.com/newtgingrich/status/1551546829363462144?s=20&t=C0OX-9AtSTGFhIMinfcp-w
4. https://www.atlanticcouncil.org/event/a-conversation-with-mark-esper-2/
5. https://apnews.com/article/russia-ukraine-china-beijing-foreign-policy-nancy-pelosi-07eefea303f4da179554abcd3b2845af?taid=62e1ce18bfc7520001fb7c78&utm_campaign=TrueAnthem&utm_medium=AP&utm_source=Twitter
6. https://www.abc.net.au/news/2022-07-25/us-indonesia-partnership-china-aggression/101266264
7. https://www.abc.net.au/news/2022-07-25/us-indonesia-partnership-china-aggression/101266264
8. https://www.youtube.com/watch?v=Vz_cUMcGFe0
********************
Nancy Pelosi rỡn mặt Tập Cận Bình
Ngô Nhân Dụng, VOA, 30/07/2022
Bắc Kinh dọa Mỹ không nên đùa rỡn với lửa ; nhưng Bà Nancy Pelosi đang đùa rỡn với ông Tập Cận Bình.
Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói thẳng với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại rằng không nên "đùa với lửa" khi nhắc tới vấn đề Đài Loan. Liệu bà Nancy Pelosi có đi thăm Đài Loan không ?
Bà Nancy Pelosi bắt đầu chuyến công du miền Đông Á Châu ngày Thứ Sáu 29 tháng 7 ; dẫn một phái đoàn dân biểu Mỹ đi thăm Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia và Singapore, theo tin CNN. Bà nêu lý do về an ninh, từ chối không nói sẽ ghé thăm Đài Loan hay không.
Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói thẳng với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại, khi nhắc tới vấn đề Đài Loan, rằng không nên "đùa với lửa". Cơ quan thông tấn của Bắc Kinh cảnh cáo : "Ai đùa rỡn với lửa sẽ bị bỏng tay… chúng ta hy vọng nước Mỹ thấy rõ như vậy". Nhưng bà Pelosi vẫn rỡn với Tập Cận Bình !
Bà Pelosi đã có chương trình đi từ tháng Tư, phải hoãn lại vì bị nhiễm bệnh Covid. Từ đó Bà khôn ngoan giữ kín ý định đi Đài Loan, chờ cơ hội thuận tiện mới công bố để Bắc Kinh khỏi phản đối ồn ào. Tổng thống Joe Biden vô tình tiết lộ hết các bí mật.
Trong khi mọi người chỉ mới nghe tin đồn đại, chưa thấy bà Nancy nói gì, thì ông tổng thống đã nói ra hết. Ngày 20 tháng Bảy, một phóng viên hỏi về chuyện bà Pelosi có đi Đài Loan không, ông Joe Biden trả lời : "Giới quân sự nghĩ rằng đi ngay bây giờ thì không tốt".
Một câu nói thực thà chất phác, cho thấy ba điều. Bà Pelosi sắp đi. Bà tính đi bằng máy bay nhà binh. Và chính phủ Mỹ biết Bắc Kinh đang bất bình.
Ông Tập Cận Bình phải lên tiếng ngay vì chính ông Joe Biden nói về chuyến đi, dù chưa chính thức. Mỗi câu do một ông tổng thống Mỹ nói ra thường đều nặng ký, không thể bịt tai lờ đi như không nghe thấy được ! Ông Joe Biden có vẻ không biết, hay không quan tâm, tới điều này.
Chuyện bé xé ra to. Tập Cận Bình không thể ngậm miệng, im lặng trước cảnh phi cơ quân sự Mỹ sẽ hộ tống rầm rộ bà Pelosi bay đến phi trường Đài Bắc ! Ngày 26 tháng Bảy, Bắc Kinh lên tiếng, yêu cầu bà Pelosi ngưng, không đến Đài Loan.
Hôm sau, nhật báoThe Washington Post, trong bài Quan Điểm, nhận xét : "Bây giờ, nước Mỹ đứng trước một thế lưỡng nan". Bà Pelosi đi chuyến này chắc sẽ đến thăm nhiều quốc gia vùng Á Đông. Ngăn không cho bà ấy ghé Đài Loan tức là chịu thua Bắc Kinh. Ngược lại, nếu cứ để yên cho bà ấy tới Đài Loan thì một cuộc chạm trán giữa không lực Mỹ và Trung Cộng có thể diễn ra ! Tờ báo nhắn ông Biden một bài học : Chuyện gì trên đời này, nhất là chuyện chính trị, ngoại giao, cũng phải chờ đúng lúc, đúng chỗ.
Tại sao ông Tập Cận Bình phải ồn ào ngăn cản ?
Thứ nhất Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan vẫn là một tỉnh của Trung Quốc, theo chủ trương "Chỉ có một nước Trung Hoa". Chính phủ Đài Bắc, tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, cũng theo quan điểm đó, từ năm 1949 tới nay. Sau khi rút quân ra cố thủ trên hòn đảo, cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch vẫn coi mình chịu trách nhiệm cai trị cả nước Trung Hoa ; mỗi năm ông vẫn hô hào chuẩn bị "quang phục lục địa". Chính phủ Mỹ, từ thời các tổng thống Carter và Reagan, vẫn đi dây, công nhận thuyết "Một nước Trung Hoa" trong khi giao hảo với cả hai.
Địa vị của Bà Nancy Pelosi khiến chuyến đi Đài Loan này quan trọng hơn tất cả các vị bộ trưởng, dân biểu hoặc nghị sĩ đã tới đó. Theo hiến pháp Mỹ chủ tịch Hạ viện có thể lên nhậm chức tổng thống Mỹ nếu ông tổng thống và bà phó tổng thống đều qua đời hay bị mất chức ; bà Pelosi chỉ đứng sau ông Biden và bà Kamala Harris.
Vì thế Bắc Kinh phải phản đối. Khi ông Newt Gingrich, chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến 1999, ghé thăm Đài Loan, gặp Tổng thống Lý Đăng Huy vào năm 1997, họ không phản ứng giống như bây giờ. Bởi vì trước đó mấy ngày, ông Gingrich đã tới thăm Bắc Kinh. Ở đó, ông đã nói với ông Giang Trạch Dân rằng nếu Trung Cộng đánh Đài Loan thì Mỹ sẽ can thiệp. Và được nghe câu trả lời khéo léo : "Chúng tôi không tính đánh, các ông sẽ không can thiệp !" Thực tình, lúc đó không lực Trung Cộng còn yếu quá, không đủ sức chặn đường máy bay quân sự Mỹ !
Nhưng 25 năm sau, tình hình đã khác. Trung Cộng đã chế tạo được phi cơ chiến đấu tối tân, hỏa tiễn tinh khôn, hàng không mẫu hạm, và phóng nhiều vệ tinh nhân tạo đóng vai gián điệp.
Tập Cận Bình khó ngồi yên không lên tiếng. Uy thế của ông đang suy giảm vì chính sách chống Covid quá cứng nhắc khiến kinh tế xuống thấp và lòng dân bất mãn. Tập Cận Bình đang mong dân chúng quên những nỗi bực mình đó. Lên tiếng đả kích Mỹ và Đài Loan là cách dễ dàng nhất. Dân lục địa đã thấy nhiều viên chức và phái đoàn đại biểu quốc hội Mỹ tới thăm Đài Bắc. Các chính phủ Mỹ, từ Trump đến Biden, tỏ ra thân thiết, bán nhiều vũ khí mới cho Đài Loan hơn trước. Ông càng phải giữ thể diện vì trong tháng Tám, Trung Ương Đảng sẽ họp để xác định chương trình Đại hội Đảng vào tháng 11, chuẩn bị suy tôn ông ngồi vững trên ngôi cửu ngũ.
Bây giờ bà Nancy Pelosi cứ đi, không khác gì trực tiếp khiêu khích Tập Cận Bình.
Một vấn đề đặt ra cho chính phủ Mỹ là ai quyết định chính sách ngoại giao ? Hành pháp hay lập pháp ? Nếu hai bên bất đồng ý kiến thì ai làm trọng tài quyết định ? Hiện chưa có ai trả lời, nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì hành pháp có quyền ưu tiên, vì chính họ phải lo đối phó với các hậu quả. Nhưng trong vụ bà Pelosi đi Đài Loan, ông Biden không thể nào ngăn cản, vì sẽ bị coi là quá yếu đuối trước áp lực của Trung Cộng. Ông có thể vuốt ve Tập Cận Bình bằng cách giảm bớt thuế quan trên số hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Những món thuế đó Tổng thống Trump đặt ra nhằm giảm bớt khiếm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Trung Quốc, nhưng không có hiệu quả. Cán cân thương mại Mỹ vẫn tiếp tục khiếm hụt với các nước khác, trong khi ngoại thương Trung Cộng vẫn thặng dư ; còn người tiêu thụ ở Mỹ phải trả giá đắt hơn vì thuế nhập cảng. Giảm bớt thuế đánh trên hàng Trung Quốc, ông Biden còn nêu được lý do chính đáng là ngăn ngừa lạm phát.
Ông Biden có thể giúp cục diện bớt căng thẳng. Nếu chính phủ Mỹ cho hàng không mẫu hạm tiến vào eo biển Đài Loan để hộ tống bà Pelosi thì Trung Cộng sẽ thấy mình bị khiêu khích. Nếu hạm đội Mỹ vẫn tránh xa vùng này thì sẽ chứng tỏ một thiện chí hòa dịu.
Những lần trước, khi các phái đoàn quốc hội Mỹ thăm Đài Loan, họ đều dùng máy bay quân sự. Các giới chức Mỹ, từ Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đến Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley, Đô đốc John C. Aquilino, phụ trách vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đều đã thuyết trình với bà Pelosi về các vấn đề an ninh. Ông Biden có thể ra lệnh họ kiềm chế, giữ hải quân Mỹ bất động trong mấy ngày sắp tới, để ông Tập Cận Bình khỏi mất mặt.
Chính phủ Đài Loan là nạn nhân của những rắc rối mới xuất hiện. Họ phải lo bảo vệ không phận khi các chiến đấu cơ Trung Cộng bay qua đe dọa. Nếu máy bay Trung Cộng bay lên ngăn cản không cho máy bay Mỹ chở bà Pelosi đáp xuống, thì không lực Trung Hoa Dân Quốc phải cất cánh chống cự. Nhưng nếu Trung Cộng chỉ cho không quân cất cánh, theo sát các máy bay Mỹ hộ tống bà Pelosi, để biểu diễn nỗi giận của ông Tập Cận Bình mà không ngăn cản, thì Đài Loan sẽ không cần phản ứng.
Không riêng gì Đài Loan, các nước trong vùng Á Đông đang bị vạ lây. Họ không mong gì hơn là Mỹ và Trung Cộng giải quyết mọi chuyện trong hòa bình. Nếu hai bên xung đột họ sẽ phải chọn đứng về phía Mỹ, gây rắc rối lâu dài với Trung Cộng. Chính phủ Mỹ không thể bỏ quên các nước đồng minh của Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Malaysia, trong lúc đang cần đoàn kết cùng ngăn ngừa Trung Cộng !
Bắc Kinh dọa Mỹ không nên đùa rỡn với lửa ; nhưng Bà Nancy Pelosi đang đùa rỡn với ông Tập Cận Bình.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 30/07/2022