Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/08/2022

Hộ chiếu thể hiện danh dự - uy tín - phẩm giá của một dân tộc

Nguyễn Ngọc Già - RFA tiếng Việt

"Hộ chiếu mới" biểu hiện một người bạn không đáng tin

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 04/08//2022

Hộ chiếu là một nét văn hóa của quốc tế, khi loài người ngày càng giao thương - giao đãi trên thế giới. Vì vậy, quốc tế thường xuyên xếp hạng hộ chiếu của các quốc gia trên toàn cầu. Hộ chiếu còn thể hiện danh dự - uy tín - phẩm giá của một dân tộc, khi xuất ngoại.

hochieu01

Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam (bên trái) không có thông tin về nơi sinh như hộ chiếu mẫu cũ (bên phải).

Từ thống kê dựa vào nhiều tiêu chí và qua nhiều năm, quốc tế thu thập số liệu, hành vi trên mọi lãnh vực (đầu tư, giao thương, du lịch, học hành, an ninh - an toàn, sự ổn định chính trị - xã hội v.v.) của một nước cụ thể, để hoàn thành bảng xếp hạng, gần như tất cả các hộ chiếu của các quốc gia. Mục đích của bảng xếp hạng quốc gia nhằm chuyển thông điệp về mức độ văn minh đáng ngưỡng mộ pha lẫn sự kính trọng về phẩm giá của các dân tộc khi xuất ngoại, mà người dân bản xứ không cần phải e dè, ngượng ngùng hay tủi hổ với sự săm soi, cùng ánh mắt nghi ngờ của các viên chức phụ trách về xuất - nhập cảnh các nước, khi cầm trên tay sổ hộ chiếu do chính nhà nước mình cấp cho, lúc đặt chân vào nước khác.

Việt Nam được xếp hạng hộ chiếu lần lượt qua 4 năm 2019 - 2022, như sau :

- Năm 2019 : Hạng 90 [1]

- Năm 2020 : Hạng 94 [2]

- Năm 2021 : Hạng 95 [3]

- Năm 2022 : Hạng 92 [4]

Liên tục 4 năm gần nhứt, hộ chiếu được gọi là "quyền lực", với vị trí đầu bảng thường xuyên thuộc về Nhựt Bổn, Tân Gia Ba, Nam Hàn.

Gần đây, Việt Nam phát hành hộ chiếu mẫu mới, trong đó không có mục "nơi sinh" và 3 quốc gia : Đức, Tây Ban Nha, Czech đã không cấp visa cho những người Việt Nam nào cầm cuốn "hộ chiếu mới" vào nước họ.

Báo Dân Trí ra ngày 3/8/2022 cho biết [5] : "...Từ ngày 3/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech triển khai việc ghi thêm bị chú nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân Việt Nam. Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng thực hiện cấp xác nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để xuất trình kèm theo hộ chiếu của công dân"... Đây là một việc làm mang tính sửa chữa nhưng không rõ Đức và Czech có chấp nhận như vậy hay không. Điều này càng thể hiện tính ấu trĩ của phía Việt Nam với thái độ chủ quan "chỉ biết mình mà không thèm tìm hiểu người", khi phát hành hộ chiếu mới. Người dân cũng thắc mắc, mục "nơi sinh" vốn là điều bình thường mà "hộ chiếu cũ" đã ghi nhận từ lâu, tại sao "hộ chiếu mới" lại loại bỏ điều căn bản về nơi sanh thành của người sở hữu nó (?).

Việt Nam - với hơn 25 năm hội nhập quốc tế, kể từ khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vào năm 1995 thuộc thế kỷ 20 - đời sống kinh tế quả có "dễ thở" hơn so với những năm "bao cấp triền miên" nhưng văn hóa - giáo dục vẫn bế tắc và xuống dốc trầm trọng. Hai lãnh vực quan trọng đó, vốn làm nên hồn cốt của một dân tộc, dù tiêu tốn ngân sách và cải cách - sửa đổi rất nhiều nhưng nhân phẩm người Việt ngày càng thê thảm, đặc biệt ngày càng khó cải thiện cách nhìn của thế giới, thông qua những lãnh vực phải cầm cuốn hộ chiếu trong tay để ra nước ngoài.

Bằng chứng thứ nhứt : Năm 2017, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chính thức công bố danh sách 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố không được cho lao động đi xuất khẩu tại Hàn Quốc. Điều đáng kinh ngạc, tất cả 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh/thành phố đều nằm từ vĩ tuyến 17 trở lên cực Bắc [6].

Bằng chứng thứ nhì : Báo Người Lao Động ra ngày 2/7/2022 cho hay : Có thêm 8 huyện/thị xã thuộc 4 tỉnh bị Hàn Quốc không chấp nhận vào nước họ làm việc, gồm : huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ; thành phố Chí Linh (Hải Dương) ; thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) ; huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) [7].

Bằng chứng thứ ba : Hoa Kỳ đã hạ Việt Nam xuống nhóm 3 trong bảng xếp hạng về nạn buôn người và phía Việt Nam - Phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng đã phản đối báo cáo này, với khẳng định thông tin phía Mỹ "không xác thực, không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình cũng như nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam" [8]. Nhóm 3 cũng là nhóm thấp nhứt trong báo cáo và rất có khả năng ảnh hưởng về hình ảnh, cùng các khoản viện trợ (nếu có) của Chánh phủ Việt Nam và ngay cả vô số người Việt Nam càng bị "dòm ngó" khi ra nước ngoài, dù bất kỳ lý do gì, cũng dễ bị mất thời gian rất lâu để làm thủ tục, khi cầm cuốn "hộ chiếu mới" trong tay cùng với "dấu ấn của quỷ" với nhóm 3 thuộc nạn buôn bán người.

"Ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu, đừng vơ đũa cả nắm" - loại lý lẽ - tuyệt đại đa số người Việt Nam (dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam) đều nghe rộng rãi trên các diễn đàn tranh cãi về các thói hư tật xấu của người Việt. Lý lẽ này, thoạt nghe qua có vẻ đúng, thậm chí rất đúng. Tại sao ? Lý lẽ đó dựa trên cặp phạm trù triết học mang tên "Tương đối - Tuyệt đối" (tức là người ta thường nghe trên cõi đời này, không có gì là tuyệt đối hết). Nhưng lý lẽ đó đã cố tình chối bỏ những thực tế như 3 bằng chứng thượng dẫn cùng nhiều vụ buôn người dẫn đến cái chết trong container của 39 người Việt tại Anh quốc vào năm 2019, cùng 4 năm xếp hạng hộ chiếu liên tục nói trên. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng không buồn tìm hiểu, tại sao Hàn Quốc lại từ chối lao động xuất thân từ các tỉnh phía Bắc. Họ cũng mắt lấp tai ngơ về nạn buôn người, trồng cần sa trên xứ người, buôn lậu cũng chiếm tuyệt đại đa số là dân từ vĩ tuyến 17 ngược ra phía Bắc ! Không hề thiếu các công chức với chức vụ cao - thấp thuộc Bộ Ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dính vào một số tệ nạn đó. Thậm chí, lạm dụng chức quyền để làm ra những chuyến bay gọi là "giải cứu đồng bào", mà các "quan chức nhà nước" đang lâm vào vòng lao lý.

Sự giàu có vật chất không làm con người văn minh. Thay vào đó, sự diêm dúa và bầy hầy trong cách ăn mặc - ăn ở ngày càng đậm một màu xám lông chuột. Không hiểu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tạo ra loại "văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc" - mà chính họ huênh hoang trong các nghị quyết đại hội đảng ra sao - tới nổi lai tạo ra "con người xã hội chủ nghĩa" như thế !

Thay vì nhìn nhận thực tế rõ ràng đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng đánh mất phẩm giá làm người Việt Nam, khi cầm trên tay cuốn hộ chiếu đi ra nước ngoài, quan chức của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn đổ cho mọi lý do mà họ có thể nghĩ ra. Phẩm giá làm người Việt càng thảm hại.

Mới đây, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an "nghiên cứu và có giải pháp xử lý vấn đề mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" [9]. Yêu cầu của ông Chính làm cho người dân dễ hiểu, khi phát hành "hộ chiếu mới", dường như Bộ Chính trị nói chung và Thủ tướng chính phủ nói riêng không hề hay biết và không được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo để thông qua ?

Kết

Được chính thức kết nạp vào WTO vào tháng 11/2006, với quãng thời gian dài hơn 15 năm, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dường như vẫn làm những gì "vì mình" hơn là tuân theo luật và các nguyên tắc quốc tế. Cho đến khi hữu sự, họ loay hoay sửa chữa để cuối cùng cũng "vì mình" - Một cách quản trị quốc gia mang tính đối phó trước mọi tình huống là cách quản trị quốc gia tạm bợ - chắp vá. Tôn chỉ "Việt Nam muốn làm bạn với thế giới" trở nên lung lay vì niềm tin "bạn bè" không thể đặt vào những bằng hữu chỉ lăm lăm tìm cách đối phó, thay vì cho thấy sự chân thành trong tình bạn.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 04/08/2022

 Chú thích :

[1] https://laodong.vn/the-gioi/nam-2019-ho-chieu-viet-nam-quyen-luc-thu-may...

[2] https://dichvuvisauytin.com/bang-xep-hang-ho-chieu-tren-the-gioi-nam-2020/

[3] https://www.klook.com/vi/blog/ho-chieu-2021/

[4] https://dulich.tuoitre.vn/ho-chieu-viet-nam-tang-3-bac-tren-bang-xep-hang-the-gioi-20220720132436155.htm

[5] https://dantri.com.vn/xa-hoi/anh-cong-nhan-ho-chieu-mau-moi-cua-viet-nam-20220803132455703.htm

[6] https://hoatieu.vn/phap-luat/danh-sach-58-quan-huyen-bi-cam-lao-dong-di-xuat-khau-tai-han-quoc-123312

[7] https://nld.com.vn/cong-doan/dia-phuong-nao-bi-tam-dung-tuyen-chon-lao-dong-di-han-quoc-20220702082508824.htm

[8] https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-phan-doi-bao-cao-cua-my-ve-nan-buon-nguoi-o-viet-nam-2022072112524065.htm

[9] https://tuoitre.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-cong-an-co-giai-phap-voi-mau-ho-...

********************

Bộ Công an Việt Nam sẽ thêm nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới

RFA, 04/08/2022

Bộ Công an Việt Nam sẽ nghiên cứu để bổ sung mục nơi sinh vào mẫu hộ chiếu mới. Đó là phát biểu hôm 3/8 của Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam, về vấn đề mẫu hộ chiếu mới series ‘P’ của Việt Nam không có mục khai nơi sinh.

hochieu2

Hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam - Người Lao Động

Do thiếu mục nơi sinh nên ngày 27 tháng 7, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ra thông báo ngưng cấp thị thực đối với công dân Việt Nam sử dụng cuốn hộ chiếu mới, quyết định tượng tự sau đó tiếp tục được hai quốc gia Châu Âu khác là Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech đưa ra vào hồi đầu tháng 8.

Tuy vậy Bộ Công an Việt Nam vẫn khẳng định mẫu hộ chiếu mới được làm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, và tiêu chuẩn quốc tế.

Mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím của Việt Nam có thiết kế được cho đẹp hơn so với mẫu hộ chiếu cũ theo ý kiến của một số người dân. Đặc biệt là mỗi trang hộ chiếu đều được in hình ảnh của các địa danh nổi tiếng tại quốc gia Đông Nam Á này, như Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, hay Cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang…

Quyết định của ba nước Châu Âu như vừa nêu đã thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự do, ông Hoàng Quốc Hùng, người điều hành diễn đàn Tôi và Sứ quán dành cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, cho biết chính thành viên của diễn đàn đã cảnh báo việc không có thông tin nơi sinh trong cuốn hộ chiếu mới, trước cả khi phía Đại sứ quán Đức lên tiếng :

"Trước khi Đức họ phản hồi chính thức trên trang của đại sứ quán thì đã có thành viên họ phản hồi ở trên diễn đàn Tôi và Sứ quán rồi. Tức là, những người định cư ở tại Đức họ đến đổi họ chiếu theo mẫu mới ở đại sứ quán Việt Nam.

Khi đến trình báo có hộ chiếu mới với cả Sở Di trú của Đức thì Sở Di trú vẫn tiếp nhận cuốn hộ chiếu đấy, thế nhưng họ bảo với cả người cầm cuốn hộ chiếu đây là cuốn hộ chiếu này không có nơi sinh". 

Ông này cũng cho biết Đức và Cộng hòa Czech là hai quốc gia có số người Việt sinh sống đông đảo nhất ở Châu Âu, nên việc hai nước này từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam sở hữu phiên bản hộ chiếu mới sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt là những người cần phải gia hạn visa.

Do vậy, phản ứng của cộng đồng người Việt ở những nơi này là khá tiêu cực, theo ông Hùng :

"Sau khi Bộ Ngoại giao Đức chính thức trao công hàm cho phía Việt Nam, và họ tạm thời dừng, không cấp visa cho những cuốn hộ chiếu đấy, thì phần lớn các thành viên của trang Tôi và Sứ quán đều phản ứng rất mạnh về vấn đề không có nơi sinh".

Đối với người Việt Nam trong nước thì việc cuốn hộ chiếu mới bị ba nước Đức, Czech và Tây Ban Nha từ chối cấp visa đã ảnh hưởng đến các đối tượng muốn đi du lịch, đi du học hoặc đi làm việc tại các nước Châu Âu kể trên.

Trao đổi với phóng viên đài RFA qua tin nhắn, bà Hoàng Anh, một người kinh doanh du lịch tại tỉnh Bắc Giang cho biết công ty của bà giờ đây phải tránh nhận những khách dùng cuốn hộ chiếu mới :

"Hiện giờ thì việc các nước Châu Âu không cấp visa cho những người dùng hộ chiếu mới vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh, vì số lượng hộ chiếu mới được nộp vào đại sứ quán để xin visa vẫn nhỏ, và để tránh rủi ro thì chúng tôi đã quyết định không nhận thêm khách có hộ chiếu mới, còn những người dùng hộ chiếu cũ thì vẫn bình thường".

Ông Trần Đình Thành, một người làm trong mảng du lịch và du học cho biết nhiều công ty hiện đã phải bỏ ba nước Đức, Czech và Tây Ban Nha ra khỏi lịch trình các chuyến du lịch ở Châu Âu, và cũng có hiện tượng người sở hữu hộ chiếu mới hủy chương trình du lịch dù đã mua, để chờ xem liệu tình hình có thay đổi hay không trong thời gian sắp tới.

Với thông báo của Trung tướng Tô Ân Xô như vừa nêu, bà Hoàng Anh hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết và khắc phục nhanh chóng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già, RFA tiếng Việt
Read 394 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)