Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/08/2022

Tôn giáo của sắc tộc ở Tây nguyên : xung đột với đảng cộng sản ?

Hoài Nguyễn – Cát Tường

Quyền dân sự đã bị chụp mũ chính trị ?

Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào lúc 7g30 ngày 16/8/2022 tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

tongiao1

Một chấp sự của Hội thánh Tin lành Việt Nam tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sẽ ra tòa phúc thẩm với cáo buộc vi phạm điều luật hình sự số 331.

Ama Quynh tên thật là Y Wô Niê, 52 tuổi, người sắc tộc Ê Đê, trú tại buôn Pưk Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nguyên là một chấp sự của Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại địa phương. Ông có vợ và hai con cùng cư trú tại buôn Pưk Prông.

Ngày 20/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin đã đưa ông ra xét xử sơ thẩm về tội danh "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật hình sự và đã tuyên phạt ông 4 năm tù giam.

Ông đã kháng cáo bản án.

Theo bản án sơ thẩm, thì ông đã tự tay viết 03 bản báo cáo, chụp lại và gửi qua ứng dụng WhatsApp, gồm : Bản báo cáo thứ nhất "Về tình hình tôn giáo, nhân quyền của người sắc tộc Ê Đê ở Tây Nguyên" ; Bản báo cáo thứ hai, nội dung trong báo cáo thể hiện gửi "Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc", đồng kính gửi qua "Ủy ban tôn giáo quốc tế và Hoa Kỳ" ; Bản báo cáo thứ ba "Về tình hình tự do tôn giáo nói chung và nói riêng cho người sắc tộc Cao nguyên trung phần".

Giả dụ như cả 3 bản báo cáo của ông Ama Quynh là không đúng sự thật, thì nếu thật sự Việt Nam có quyền tư do ngôn luận, tự do biểu đạt chính kiến thì ông sẽ chịu sự điều chỉnh của luật dân sự thay cho việc chính trị hóa bằng điều luật hình sự, với ghép tội danh "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Yếu tố dân tộc và tôn giáo ở Tây nguyên

Ở Tây nguyên trước năm 1975, dân số vùng này chưa đến 1 triệu người, hiện nay đã hơn 5 triệu, tăng hơn 5 lần trong vòng gần nửa thế kỷ qua. Trong cuộc di dân đáng lưu ý nhất là từ năm 1986 đến nay đã có khoảng 50.000 người Hmông từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên.

Điều đáng chú ý, đa số người Hmông di cư là tín đồ Tin Lành. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến hết 2015, đã có khoảng hơn 40.000 người Hmông là tín đồ Tin lành di chuyển vào Tây Nguyên, chiếm 87% số người Hmông trong khu vực.

Những dòng người di cư đã mang đến Tây nguyên những phương pháp canh tác sản xuất khác cư dân tại chỗ, trong đó có việc đốt rừng lấy đất canh tác sản xuất. Đồng thời họ cũng mang đến những lối sống và văn hóa khác nhau. Điều dễ thấy nhất của cuộc di cư tác động đến văn hóa – xã hội là tính thuần nhất của một nền văn hóa đặc trưng bao trùm toàn vùng đất này đã không còn như trong quá khứ, mà nó là bức tranh đa dạng sinh động như chính các thành phần cư dân hiện tại ở Tây nguyên hiện nay.

Hiện nay, Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất trong các tôn giáo ở Tây nguyên. Theo số liệu, các tỉnh Tây nguyên có tới 47 hệ phái Tin Lành, trong số đó nhiều hệ phái chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận về mặt tổ chức tôn giáo.

Trong những báo cáo tham luận ở các hội thảo về vấn đề tôn giáo của sắc tộc ở Tây nguyên, cho biết ở Tây Nguyên hiện đang có hàng chục hiện tượng tôn giáo mới với nguồn gốc xuất xứ, phạm vi và nội dung hoạt động, mức độ ảnh hưởng cũng như xu hướng phát triển rất khác nhau.

Các hiện tượng tôn giáo mới có mặt ở Tây nguyên trong những năm gần đây với cả hai chiều kích đã làm cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam nói chung và ở Tây nguyên nói riêng vốn đã đa dạng lại càng trở nên đa dạng hơn.

Từ những nội dung ở trên cho thấy sở dĩ nhà chức trách thường chụp mũ chính trị đối với các trường hợp lên tiếng về quyền tự do tôn giáo cho sắc tộc ở Tây nguyên, vì chính quyền từ cấp địa phương đến trung ương cho rằng xu hướng ngày càng phát triển và gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia ở Tây nguyên theo những chiều hướng đa dạng và phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bị lôi kéo vào mục tiêu chính trị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Trong đó, ý thức quốc gia và ý thức tộc người của một bộ phận người dân các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây nguyên đang chịu tác động nhiều chiều trong bối cảnh gia tăng các mối quan hệ đồng tộc, thân tộc liên biên giới và xuyên quốc gia trên nhiều lĩnh vực, dẫn đến hiện tượng phân ly cục bộ trong một bộ phận người dân tại một số địa phương.

Đặc biệt, do những bất đồng cục bộ nảy sinh trong đời sống hàng ngày giữa các tộc người trong quá trình sinh sống xen cư, dẫn đến một bộ phận người dân các tộc người thiểu số tại chỗ có những nhận thức chưa đúng về quan hệ giữa các tộc người với nhau và giữa các tộc người với quốc gia đa dân tộc…

Như vậy dễ thấy rằng ở đây là lỗi từ phía quản lý hành chính và các chính sách chưa có những cập nhật thích hợp với một vùng đất đa sắc tộc, nơi từng trải qua nhiều thể chế chính trị khác biệt nhau từ thời đệ nhất rồi đệ nhị cộng hòa, và từ năm 1975 đến nay là cộng sản.

Một vài khuyến nghị

Hãy thử đặt câu hỏi vì sao tôn giáo của sắc tộc ở Tây nguyên chủ yếu xung đột với đảng cộng sản, chứ như nửa thế kỷ trước, người ta không thấy có những bản án luật hình kiểu như điều 331 hay 117 đối với vấn đề về quyền tự do tôn giáo của sắc tộc ở Tây nguyên ?

Nhóm tác giả bài viết này cho rằng cần có những nghiên cứu tư vấn các chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hội nhập của các tộc người thiểu số, nhất là các tộc người thiểu số tại chỗ ở Tây nguyên vào cộng đồng quốc gia Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa, nhất là :

1) Mối quan hệ dân tộc và quan hệ tôn giáo ở trong vùng, trong nước và liên biên giới, xuyên quốc gia ;

2) Vai trò của các dân tộc thiểu số và người Kinh đa số đối với sự ổn định, phát triển bền vững vùng Tây nguyên ;

3) Ảnh hưởng của các động thái dân số, dân cư, đặc điểm cư trú, nhất là của lực lượng lao động người nước ngoài đến quan hệ giữa các dân tộc và sự ổn định, phát triển của Tây Nguyên.

Đừng nhìn qua lăng kính chủ quan của đơn nguyên chính trị, mà cần ‘dũng cảm’ nghiên cứu kỹ lưỡng những vấn đề dân tộc liên vùng và liên quốc gia ở Việt Nam nói chung và Tây nguyên nói riêng ; chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách vùng biên cương của các quốc gia láng giềng, trong khu vực và một số nước lớn trên thế giới… ; qua đó đánh giá, dự báo chính xác những tác động của các vấn đề dân tộc và chính sách đó đối với sự ổn định, phát triển bền vững vùng Tây nguyên.

Nghiên cứu tư vấn xây dựng chiến lược và các giải pháp phù hợp phòng chống những định kiến tộc người, tư tưởng tự trị ly khai và các hoạt động lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây nguyên.

Trong đó cần chú ý đến các vấn đề sau :

Một là, tập trung nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống một số khái niệm, lý luận cơ bản của các học giả và tổ chức nước ngoài về vấn đề dân tộc, tôn giáo có thể bị lợi dụng vào mục đích chống phá, như : "Một quốc gia một dân tộc", "Quyền tự quyết dân tộc", "Chủ nghĩa dân tộc (tộc người) xuyên quốc gia", "Chủ nghĩa giải lãnh thổ", "Chủ nghĩa ly khai", "Lãnh thổ tộc người và Biên giới quốc gia", "Luận thuyết về nhân quyền cao hơn chủ quyền", "Quyền của người bản địa", "Quyền của các tộc người thiểu số",…

Hai là, nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp tăng cường chất lượng dự báo những vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc, tôn giáo ở Tây nguyên, nhất là các nội dung và luận điệu đã, đang và tiềm ẩn được cho là "sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng".

Trong đó tập trung vào ba nhóm nội dung chính là :

1) Vấn đề lịch sử vùng đất, lịch sử phát triển và quá trình hội nhập vào quốc gia Việt Nam của các tộc người thiểu số tại chỗ ;

2) Một số mâu thuẫn, tranh chấp cục bộ đã kéo dài hoặc đang nảy sinh hay tiềm ẩn trong quan hệ giữa các tộc người, đặc biệt là giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với người Kinh đa số, giữa người dân các dân tộc với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trên địa bàn, giữa người dân với chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo ;

(3) Những tồn tại, hạn chế trong hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai, chính sách dân cư, chính sách xóa đói giảm nghèo ;

4) Những hạn chế, yếu kém có thật của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ địa phương trong công tác điều hành, quản lý.

Ba là, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá chính xác về các tổ chức đối lập của người Việt Nam ở trong và ngoài nước, nhất là những tổ chức liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên và những hình thức, nội dung mà các tổ chức này sử dụng, qua đó có các xử trí thích hợp trên cơ sở thỏa thuận về các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Đồng thời, nghiên cứu nội dung và cách thức ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với những tổ chức và hoạt động của các tổ chức đối lập người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Hoài Nguyễn – Cát Tường

Nguồn : VNTB, 06/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, Cát Tường
Read 346 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)