Áp lực trái phiếu đến hạn trả nợ
Thới Bình, VNTB, 03/08/2022
Theo thống kê của Bộ Tài chính thì trong năm nay khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144,5 ngàn tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, tức khoảng 62,47 ngàn tỷ đồng, khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29,16 ngàn tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.
Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 – 2024 rất lớn, mỗi năm các doanh nghiệp phải trả hàng trăm ngàn tỷ nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành những năm qua.
Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271,4 và 329,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207,8 ngàn tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207,5 ngàn tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến nay, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành hầu hết là trái phiếu riêng lẻ. Quy mô giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2021 đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, bình quân giao dịch đạt 7.665 tỷ đồng/ngày, chủ yếu là giữa các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân.
Trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân cao hơn thị trường sơ cấp. Trong năm 2021, các tổ chức tín dụng nắm giữ 51,4%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 27,7% khối lượng trái phiếu phát hành trong năm 2021.
Theo quan sát của những nhà tư vấn tài chính độc lập thì việc huy động trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã bùng nổ cách đây 3 – 4 năm, và rầm rộ hơn trong 2 năm trở lại đây. Mức lãi suất 11 – 12% trở nên quá hấp dẫn khi so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng chỉ quanh ở ngưỡng 5 – 6%/năm. Tuy nhiên, lãi cao cũng đi kèm với rủi ro và thực tế đã xảy ra.
Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp bất động sản năm 2021, từng có không ít cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản, với dẫn chứng con số trái phiếu đã phát hành lên tới 214.440 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ và tăng gấp 3 lần so với năm 2020 là 71 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, cũng bộc lộ lo ngại về sự mất an toàn của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Mức lãi suất phát hành trái phiếu dao động trong khoảng 8 – 13%/năm với tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ; trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Thống kê của Tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (thuộc FiinGroup) cho thấy, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới rất lớn, với giá trị phát hành trung bình khoảng 100 ngàn tỷ đồng/năm, chiếm từ 30 – 40% tổng giá trị phát hành. Tỷ trọng dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 46% trong tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản.
Và điều này cho thấy việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chuyển sang thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, lượng phát hành với quy mô lớn, lãi suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
May mắn ở hiện tại là ngoại trừ trường hợp các trái phiếu doanh nghiệp bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, còn lại thì theo Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp phát hành vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư dù vẫn tiềm ẩn rủi ro do khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tập trung trong giai đoạn 2022 – 2024.
"Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro do khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm đa số, khoảng 94,5%. Hơn nữa, các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết, quyền tài sản phát sinh… vốn rất khó xác định giá trị và thay đổi nhanh.
Trong khi đó, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi những quy định pháp lý phải cao hơn thì lại chưa được cập nhật trong hệ thống quản lý. Đây mới là điều đáng ngại và cần nỗ lực hơn nữa của yêu cầu quản trị phải bằng luật pháp rõ ràng, minh bạch" – kiểm toán viên N.T.D., ý kiến.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 03/08/2022
**********************
Nhà băng khó đẩy mạnh cho vay ?
Hàn Lam, VNTB, 03/08/2022
Với đặc thù là các khoản vay mua nhà, thời gian quay vòng vốn của tín dụng bất động sản tự sử dụng thường kéo dài hàng chục năm, đây là nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng cạn "room" tín dụng chỉ sau nửa năm.
Nhiều ngân hàng cạn "giới hạn cho vay" tín dụng chỉ sau nửa năm.
Thuật ngữ "room" tín dụng trong ngân hàng có nghĩa là "giới hạn cho vay" của ngân hàng. Ví dụ, Ngân hàng XYZ có vốn chủ sở hữu là 4.000 tỷ, thì "room" cho vay 1 khách hàng sẽ là 4000*15% = 600 tỷ. Đó là giới hạn cho 1 khách hàng được vay. Như vậy "room" đó đã hết, khách hàng đó không thể vay trên 600 tỷ.
Vậy nếu khách muốn vay 1.000 tỷ thì sao ? Ngân hàng XYZ và 1 vài ngân hàng khác sẽ "hợp vốn" để có "room" nhiều hơn cho 1 khách hàng.
"Room" tín dụng cũng có thể hiểu là dành một "số vốn nhất định" để cho vay 1 lĩnh vực "ưu đãi" nào đó. Khi đó, đã cho nhiều khách hàng vay rồi, thì đã hết room, không còn để cho vay tiếp.
Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn so với trước đây. Do vậy, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng hợp lý để tạo điều kiện cho các công ty bất động sản có dự án khả thi, có uy tín, khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng trần dư nợ tín dụng năm nay thêm 1% – 2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% đã xác định trước đây. Trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel 2 (*).
Không chỉ các doanh nghiệp muốn nới hạn mức tín dụng mà bản thân các ngân hàng cũng đang mong chờ. Bởi mới hơn nửa năm nhưng nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng cả năm, thậm chí có đơn vị đã sử dụng hết.
Số liệu ghi nhận của Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).
Như vậy, nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã sử dụng hết room tín dụng cả năm.
Một báo cáo của ABBank cho biết nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã "xài" hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được Ngân hàng Nhà nước cấp cho 7%.
Liên quan đến vấn đề trên, trong một văn bản về việc điều hành chính sách tín dụng trong thời gian vừa qua được Ngân hàng Nhà nước phát hành, thì việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết "room", mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…
"Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng", văn bản của Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Về vấn đề cung ứng vốn cho lĩnh vực bất động sản, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường bất động sản về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này. Về lâu dài, để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Cái đáng ngại là ở văn bản kể trên, Ngân hàng Nhà nước phát đi một cảnh báo là đang có nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng rơi vào "vòng xoáy" đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao… đã đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, so với 6 tháng đầu năm ngoái thì tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản ; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với 31.12.2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 03/08/2022
Chú thích :
(*) Basel 2 là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel 2 được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.
Theo đó, với Basel 2, ủy ban Basel đã từ bỏ phương pháp luận "một kích thước phù hợp với tất cả" ("one size fits all") của hiệp ước về vốn năm 1988 về việc tính toán yêu cầu vốn pháp định nhỏ nhất và giới thiệu khái niệm "3 cột trụ" (three pillar concept) mà tìm kiếm để liên minh các yêu cầu pháp định với các nguyên tắc kinh tế của quản lý rủi ro. Basel 2 sử dụng khái niệm "three pillars" – (1) yêu cầu vốn tối thiểu, (2) rà soát giám sát, (3) nguyên tắc thị trường.
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision – BCBS) được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các Ngân hàng Trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sỹ nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80.
Hiện nay, các thành viên của Ủy ban gồm đại diện ngân hàng trung ương hay cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng của các nước : Anh, Bỉ, Canada, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Ý. Ủy ban được nhóm họp 4 lần trong một năm.