Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/08/2022

Nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam có vấn đề

Phạm Trần

Nếu không "có vấn đề" thì tại sao phải bảo vệ Đảng, nhưng bảo vệ để làm gì ?

baove01

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa lãnh đạo Học viện An ninh nhân dân, Trung tướng Lê Văn Thắng (trái), và Cục An ninh chính trị nội bộ - A03, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, ngày 12/08/2022

Thắc mắc trong dân không phải ngẫu nhiên mà có lý do chính đáng, bởi vì đảng sợ đảng viên tan hàng và mất quyền cai trị độc tài "toàn xã hội và cả hệ thống chính trị". Chẳng thế mà công tác này được giao cho một Thiếu tướng Bộ Công an tổ chức và điều hành "Cục An ninh chính trị nội bộ", có tên bí mật là "A03".

Người cầm đầu hiện nay, Cục trưởng Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, có nhiệm vụ "tham mưu cho Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ".

Tuy nhiên sự có mặt của A03 không mới mà chỉ tiếp nối công tác của "Vụ Bảo vệ cơ quan", ra đời từ ngày 10/5/1958, có trách nhiệm tham mưu bao phủ và cấp bách hơn nhằm giúp Bộ Công an :

- Thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước ;

- Tổng hợp ý kiến công an các đơn vị, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ;

- Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương và công an các đơn vị, địa phương.

7 Nhiệm vụ trước mắt

Tầm quan trọng và tính khẩn trương của công tác này được bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ công bố ngày 14/3/2022, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị "Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng"

Bà nói : "Bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên… Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ. Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ đường lối, quan điểm, Cương lĩnh, pháp luật ; bảo vệ sự đoàn kết nội bộ trong Đảng ; sự trong sạch của đội ngũ cán bộ ; bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực địch. Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải chấp hành nghiêm Quy định, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật…".

Tầm vóc ảnh hưởng của thay đổi trong "chính trị nội bộ" cũng được quan tâm đặc biệt bởi các viện nghiên cứu và giáo dục cao cấp của đảng vì : "Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là tổng thể các hoạt động nhằm bảo vệ lý tưởng, nền tảng tư tưởng, vị thế chính trị, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ vững sự trong sạch về chính trị của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá Đảng của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử chống đối, cơ hội chính trị". (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 14/10/2021)

Như vậy rõ ràng là khẩn trương và cấp bách vì có "liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ". Vậy
Quy định 58 của Bộ Chính trị, gồm 06 Chương, 22 Điều có gì mới ?

Theo ông Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương có 7 điểm mới gồm :

1. Bổ sung quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp nhưng không vi phạm Quy định này (những trường hợp này được bố trí cao nhất đến ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và tương đương ; bổ sung trường hợp cán bộ, đảng viên là con liệt sỹ, con thương binh 1/4 nhưng có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp của vợ hoặc chồng vi phạm do làm việc cho chế độ cũ thì có thể bố trí đến ủy viên ban thường vụ cấp ủy tỉnh và tương đương).

2. Trường hợp cán bộ, đảng viên có con dâu, con rể là người nước ngoài thì bố trí, sử dụng cao nhất đến tỉnh ủy viên và tương đương ; có thể làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bố trí đến vụ trưởng và tương đương. Đây là nội dung mới, lần đầu đưa vào quy định của Bộ Chính trị.

3. Chính sách bố trí, sử dụng và mức bố trí sử dụng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc phức tạp do quan hệ gia đình trực tiếp (bên bản thân) thấp hơn một bậc so với trường hợp gián tiếp (bên vợ hoặc chồng).

4. Ngoài việc quy định mức trần tham gia cấp ủy, mức trần ứng cử làm đại biểu cơ quan dân cử ở các cấp và làm việc trong cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật thì Quy định 58 đã chỉ dẫn tương đương đối với các chức vụ chính quyền trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điều này đã khắc phục được hạn chế do các nội dung này chưa được quy định cụ thể trong quy định trước đây.

5. Khắc phục triệt để mâu thuẫn bất cập trong việc cho phép một số trường hợp được tham gia đến cấp ủy cấp tỉnh, bố trí đến trưởng ngành cấp tỉnh, nhưng lại không được làm việc trong cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật.

6. Đối với những trường hợp có vấn đề liên quan đến bản thân và quan hệ gia đình (tập trung là những vấn đề chính trị hiện nay), căn cứ mức độ của vấn đề chính trị ; uy tín, phẩm chất, năng lực, quá trình phấn đấu, đóng góp của bản thân cán bộ, sẽ do cấp ủy có thẩm quyền quy định tại Điều 15 xem xét, bố trí phù hợp.

7. Điều 15 của Quy định chỉ rõ diện cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị mà cấp ủy cấp dưới cần phải xin ý kiến cấp ủy hoặc cơ quan tổ chức cấp trên khi bố trí, sử dụng.

baove1

Toàn cảnh Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa lãnh đạo Học viện An ninh nhân dân và Cục An ninh chính trị nội bộ - A03 ngày 12/08/2022

Bảo vệ cho ai ?

Như vậy, vấn đề "bảo vệ chính trị nội bộ" chính là bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và phòng, chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên để bảo vệ chế độ. Nó cũng phản ảnh sự lúng túng của các cấp nhà nước về chính sách nhân sự của đảng.

Đó là lý do tại sao đảng đã khoe rằng : "Công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội".

Có đúng như Dảng nói không ? Nếu trúng thì tại sao không trưng ra bằng chứng để "lấy thưởng" ? Ngược lại Đảng nhìn nhận : "Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng chống đối, cơ hội chính trị tăng cường tấn công vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong nội bộ ta. Họ tập trung tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, vai trò lãnh đạo của của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật và vai trò quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền các cấp, với những thủ đoạn rất tinh vi, nguy hiểm. Triệt để tấn công vào nội bộ ta một cách toàn diện cả về tổ chức, con người và hoạt động ; lợi dụng một số vụ việc phức tạp, nhạy cảm, sai phạm, khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên để kích động, chia rẽ nội bộ, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao" (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 14/10/2021).

Do đó, Đảng cảnh cáo : "Nếu cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ rất dễ bị tác động dẫn tới hoang mang, dao động, không phân biệt được đúng - sai, dẫn tới thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thậm chí có hành động trái với Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là những mầm mống bên trong rất nguy hiểm, đe dọa sự vững mạnh của nội bộ Đảng.

Do vậy, với ý nghĩa tự bảo vệ, chủ động bảo vệ và bảo vệ từ bên trong là chính, công tác bảo vệ chính trị nội bộ chính là "tấm khiên", "bộ lọc" để triệt tiêu các ngoại lực phá hoại cũng như loại bỏ những mầm mống nguy hại từ bên trong. Các quy chế, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên chính là những căn cứ quan trọng để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những việc được làm, không được làm, từ đó tự giác điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của bản thân, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nội bộ đoàn kết, thống nhất ; đội ngũ cán bộ đảng viên thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì dù các thế lực thù địch, phản động có chống phá quyết liệt đến mấy cũng không thể làm suy yếu nội bộ ta".

Nói thì hay đấy, nhưng Đảng đã làm được bao nhiêu mà tự ca nhiều thế ?

Bằng chứng thất bại đã do chính Trung ương đảng công bố qua Kết luận 21, sau Hội nghị 4 của khóa đảng XIII, ngày 25/10/2021 về "đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Kết luận tố giác : "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả ; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch"...

Thất bại đã được điểm mặt, nhưng lý do từ đâu ? Trung ương trả lời : "Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên ; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân".

Đội ngũ cán bộ mà xuống cấp như thế thì sự tồn tại của đảng chỉ là một gánh nặng cho nhân dân. Nếu Đảng còn biết đặt quyền lợi của tổ quốc trên quyền lợi của phe nhóm thì nên tự xử mà rút lui, trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân, vì nhân dân chưa bao giờ chọn Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước mà đảng tự chiếm quyền này.

Hơn nữa, Đảng từng lớn tiếng chỉ trích "cá nhân chủ nghĩa" và "tham vọng quyền lực", vì chúng là "kẻ thù nguy hiểm của cách mạng" và vi phạm chủ trương "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thế nhưng, Nghị quyết Trung ương 4/XIII vẫn tìm cách duy trì những thối nát đang phá hoại đất nước qua kết luận : "Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn ; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta".

Nên biết từ năm 1994, Đảng đã xác định những nguy cơ đó gồm : "tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch".

Nhưng 28 năm sau, theo lời Thường trực Ban Bí thư Trung ương Võ Văn Thưởng thì "4 nguy cơ trước mắt" của Đảng vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn.

Như vậy thì xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dù tích cực hơn từ Khóa đảng XI năm 2011, vẫn không thay đổi được hệ quả của vấn đề là : khi đảng viên đã mất niềm tin vào Đảng, tiếp tục thối nát và bất lực thì sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ kéo dài suy thoái và chậm tiến cho đất nước mà thôi.

Phạm Trần

(16/08/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)