Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2022

Đánh tham nhũng gộc ở Sài Gòn : Hà Nội trực tiếp ra tay

Phan Thảo, Lưu Ly, Ngọc Bảo, Hà Khánh

Thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ vướng mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phan Thảo, SGGP 

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

thidiem1

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh : TTXVN

Trong đó, Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung triển khai các khâu đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế, nhân lực và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Chính phủ ; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, lưu ý không để xảy ra "dịch chồng dịch" ; tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định…

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ; tập trung, đẩy nhanh hơn nữa để hoàn thành việc lập quy hoạch thành phố trước ngày 31/12/2022. Đặc biệt, Thủ tướng cho phép thí điểm thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh để đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phan Thảo

Sài Gòn Giải Phóng, 18/08/2022

***********************

Một quan chức Miền Nam bị "kéo cổ" ra Bắc xử, cánh Miền Bắc có ngụ ý gì ?

Đại hội 13 vừa qua cho kết quả rõ rệt, cánh Miền Nam đã thất thế rất rõ ràng. Cánh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số địa phương phía bắc đã chiếm đầy trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Nghĩa là nhóm lợi ích Miền Nam thiếu đi những người đồng hương đại đại diện họ ở Hà Nội để che chở. Tình hình thất thế này xem ra khó lật ngược trong khoảng 3 năm nữa.

thidiem2

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam được dẫn giải tới Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (15/08/2022)

Sáng ngày 15/8, tại Hà Nội, ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 thuộc cấp và đồng phạm được xác định để tư nhân thâu tóm hai khu đất Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng. Ông Trần Văn Nam và 21 bị cáo khác bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Điều đáng nói là nơi ông Trần Văn Năm phạm tội là tỉnh Bình Dương nhưng ông này lại được bắt và đưa ra Hà Nội xử. Chính tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này. Rất nhiều người ngỡ ngàng không hiểu Đảng cộng sản chơi trò gì mà sao tột tòa án tỉnh phía Bắc xét xử một quan chức ở phía Nam, phạm tội cũng tại phía Nam ?

Ngày 7/4, ông cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và 6 thuộc cấp cũng đưa ra xét xử nhưng nhóm này được xét xử tại địa phương. Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các đồng phạm bị phạm tội khi còn đang đương chức, tương tự như ông Trần Văn Năm.

Hay như vụ án xử Lê Tấn Hùng em trai ông Lê Thanh Hải cũng thế, tuy bộ công an bắt giữ nhưng Tòa án Nhân dân Thành Phố HCM xét xử. Ngay cả ông Tất Thành Cang cũng thế, ông Cang được xử tại địa phương mà ông phạm tội chứ không như trường hợp ông Trần Văn Nam.

Một số nhà phân tích cho rằng, việc "lôi cổ" ông Trần Văn Năm từ Bình Dương ra Hà Nội xử là dấu hiệu bất thường, nguyên nhân có thể là do ông Nguyễn Phú Trọng không tin tưởng tòa án địa phương, ông e rằng tòa án Nhân dân Tỉnh Bình Dương sẽ bao che cho ông này. Đây cũng là một ý kiến không phải là không có lý. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác cho rằng, cánh Miền Bắc muốn giằng mặt cánh Miền Nam khi dám vào Nam "gắp mồi" ra Bắc "xơi" như thế.

Sự bất thường này cho thấy sự đấu đá chính trị hơn là vụ án bình thường. Nói về tội thì phía cơ quan điều tra không hề chụp mũ mà tội của ông Trần Văn Năm là quá rõ. Vấn đề là thủ tục tố tụng nó không được bình thường mà thôi.

Từ sau năm 1975, quân Miền Bắc vào tiếp quản họ thường độc chiếm những nơi béo bở, nhiều tiền hoặc nhiều quyền. Sân bay Tân Sơn Nhất từ nhiều năm nay là do cánh Miền Bắc quản lý và hiện giờ sân bay này bát nháo không khác gì cái chợ.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh là mục tiêu cánh Miền Bắc đưa người vào chiếm quyền quản lý. Chỉ khi nào cánh Miền Nam mạnh mới giành lại quyền quản lý thành phố này. Những năm gần đây, tỉnh Bị Dương nổi lên như một địa phương giàu có. Việc đưa người Miền Bắc hay ít nhất người thân với thế lực Miền Bắc lên nắm quyền là mục đích của những thế lực Trung ương. Một Ủy viên Trung ương Đảng mà về quản lý tỉnh này được xem là đặc ân lớn.

Có lẽ hệ thống tòa án của Tỉnh Bình Dương không nghe lời thế lực ngoài Bắc nên mới có trường hợp thế lực ngoài Bắc vào Nam bắt người rồi đưa ra Hà Nội xử như thế.

Từ thời ông Nguyễn Minh Triết, được về Trung ương và leo lên đến chức Chủ tịch nước, những lãnh đạo tỉnh đời sau của Bình Dương dường như không ai có thể leo cao được như ông cựu chủ tịch nước mặc dù tỉnh này liên tục đạt được những thành tích mà nhiều tỉnh khác đáng mơ ước. Lấy ví dụ như tỉnh nghèo như Nghệ An và Hà Tĩnh mà có đến hàng chục Ủy viên Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị là câu hỏi to tướng về sự công bằng trong Đảng cộng sản. Hình ảnh tương phản đấy cho thấy, lợi ích nhóm chính trị trong Đảng cộng sản nghiêm trọng đến mức như thế nào?

Lưu Ly

Nguồn : Thoibao.de, 17/08/2022

*************************

Sài Gòn sắp có biến ? Bị ông Tổng thúc, Nguyễn Văn Nên lập một nhóm để "chiến" ?

Ở Hà Nội, ông Trọng đã hạ được rất nhiều nhân vật một cách nhanh gọn. Trong đó phải kể là ông Chu Ngoc Anh. Tuy nhiên, với Thành phố Hồ Chí Minh không dễ như vậy. Với Tất Thành Cang, ông Trọng mất đến hơn hai năm mới đưa được ông này vào tù. Tuy ông Trọng đã hạ ông Đinh La Thăng một cách dễ dàng nhưng ông Thăng không phải là dân gốc Miền Nam. Quan hệ của ông Thăng ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được vững thì ông đã bị đốn hạ, còn với Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua vốn đã "mọc rễ" lâu năm thì ông Trọng đang bất lực.

thidiem3

Ông Tất Thành Cang vào tù, một thành quả của ông Nguyễn Văn Nên

Điều kiện của ông Tổng đặt ra với Nguyễn Văn Nên là vào Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nguyễn Thiện Nhân thì phải làm được việc, đó là xử lý trường hợp Tất Thành Cang. Và ông Nên đã làm được và phần thưởng cho ông Nên là Ủy viên Bộ Chính trị sau đó 3 tháng. Điều đặc biệt là cơ quan bắt ông Tất Thành Can không phải là Bộ Công An mà là Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Sau vụ việc này, ông Nên được ông Tổng Trọng đánh giá cao, tuy nhiên từ sau thành tích tóm Tất Thành Cang cho tới nay, ông Nên không tiến thêm bước nào nữa. Ông Nguyễn Văn Nên đã gặp phải một nhóm đối tượng thực sự cứng cựa không dễ lật được.

Nguyễn Thành Phong sau khi thất hứa với ông Tổng về vấn đề đưa nhóm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua vào tù thì ông này đã bị ông Tổng trút giận. Việc từ chối lời van xin của Nguyễn Thành Phong được xem như là cách mà ông Tổng cảnh cáo ông Nguyễn Văn Nên là chớ bất lực, chớ thất hứa với ông.

Phải nói rằng, ông Nguyễn Văn Nên đã có chút thành tích đáng kể ky nắm thành phố lớn nhất nước, thành tích vượt trội hơn so với Nguyễn Thiện Nhân, tuy nhiên việc ông Nên không làm được gì sau vụ bắt giữ Tất Thành Cang đã làm cho ông Trọng cạn dần sự kiên trì. Sức khỏe ông Trọng thì có hạn, không biết ngã bệnh nay mai mà việc triệt hạ nhóm lợi ích Sài Gòn vẫn chưa tới đâu làn ông Trọng rất nóng lòng.

Dưới áp lực của ông Tổng, ngày 12/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh với chính ông làm trưởng ban.

thidiem4

Ông Nguyễn Văn Nên, ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy làm trưởng ban

Ban này có 15 thành viên gồm : Nguyễn Văn Nên, ủy viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy làm trưởng ban ; Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng ban ; Lê Thanh Liêm – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng ban Thường trực ; Dương Ngọc Hải – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng ban ; Nguyễn Phước Lộc – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng ban ; Lê Hồng Nam – Ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng ban ; Phan Nguyễn Như Khuê – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Nguyễn Văn Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Trần Kim Yến – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Nguyễn Mạnh Cường – Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Lê Thanh Phong – Thành ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Đặng Minh Đạt – Thành ủy viên, Chánh Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Đỗ Mạnh Bổng – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Huỳnh Văn Hạnh – Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên ; Võ Văn Quận – Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm ủy viên.

Ban này lập ra là quyết tâm hạ nhóm ăn đất Sài Gòn, tuy nhiên, theo một số chuyên gia đánh giá là khó hạ được Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua. Người mà ông Nguyễn Văn Nên có thể hạ được là ông Võ Văn Hoan phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Không biết nhóm này sẽ làm được gì, đợi một thời gian sẽ rõ.

Ngọc Bảo

Nguồn : Thoibao.de, 15/08/2022

***********************

Ông Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Thành phố Hồ Chí Minh

Hà Khánh, VOV.vn, 12/08/2022

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh gồm 15 thành viên do Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm Trưởng Ban.

thidiem5

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh : NN)

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng Ban chỉ đạo là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. 

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh gồm 15 thành viên. Thường trực Ban Chỉ đạo gồm 6 thành viên là Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên - Trưởng ban ; Phó Trưởng ban Thường trực là ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy và các Phó Ban khác là bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy ; ông Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy ; ông Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Nội chính Thành uỷ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

9 thành viên còn lại của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án, Thanh tra, Viện Kiểm sát, Sở Tư pháp…

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo Quy định số 67-QĐ/TW ngày 02/6/2022 của Ban Bí thư.

Hà Khánh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Thảo, Lưu Ly, Ngọc Bảo, Hà Khánh
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)