Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/08/2022

Quyền được đi học phụ thuộc vào ý muốn của Đảng cộng sản

Mai Lan, Lê Tự Do, RFA

Thầy cô giáo trở thành con rối của lãnh đạo ?

Mai Lan, VNTB, 24/08/2022

Thầy cô giáo đang là con rối của lãnh đạo tỉnh về vụ chạy đua chích ngừa Covid, vì số vắc-xin ‘tự gia hạn’, sẽ lại hết hạn sử dụng trong tháng 9 này.

giaoduc1

Giáo viên "sợ" nhất là yêu cầu "cam kết thi đua", một thủ tục hành chính bắt buộc trong chuyện xét tăng lương, phụ cấp.

Mới đây, vụ việc của một số giáo viên trường trung học cơ sở Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội gây bức xúc dư luận. Theo đó, thay vì được đồng cảm, chia sẻ khi mắc Covid-19, các giáo viên này bị trừ điểm thi đua do nghỉ dạy trực tiếp.

Một giáo viên cho biết, đầu năm học, giáo viên ký với Công đoàn nhà trường bản cam kết thi đua "cứ nghỉ 1 ngày thì người lao động bị trừ 2 điểm". Do vậy, giáo viên này cả đợt nghỉ do bị F0 là 7 ngày, Công đoàn trừ 10 điểm thi đua – tương đương là 5 ngày. Thầy cô nào có dạy online thì sẽ bị trừ 5 điểm.

Một thầy giáo đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo, giải thích, điểm thi đua của giáo viên được tính theo các tiêu chí như thực hiện ngày giờ công ; tham gia hội họp, sinh hoạt, thực hiện nội quy cơ quan ; thực hiện quy chế chuyên môn ; tham gia sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể và hoạt động ngoài giờ lên lớp… Việc xét bình bầu thi đua khen thưởng mỗi giáo viên sẽ thực hiện sau một học kỳ. Ngoài ra, mỗi tháng sẽ có đánh giá công chức.

Điểm thi đua trong nhà trường thường sẽ là căn cứ đánh giá giáo viên được thưởng hoặc lên lương sớm hay không. Vì thế, họ rất quan tâm, lo lắng cho điểm thi đua của mình mỗi tháng.

"Lương giáo viên vốn dĩ đã thấp nên cần phải có thành tích thi đua. Mỗi giáo viên phải tham gia các kỳ thi như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi… Đây là những kỳ thi tốt cho giáo viên nhưng thực tế chỉ mang tính hình thức, cả cô và trò đang ‘diễn’ với nhau. Ngoài ra, có những kỳ thi trở thành áp lực với giáo viên như cắm hoa, thể thao… Không tham gia thì bị trách móc, tham gia lại có áp lực mang giải về và học sinh thì bị bỏ bê.

Giờ thì một số nơi chạy theo thành tích của chích ngừa phòng Covid-19 nên đưa luôn chỉ tiêu vận động học sinh chích ngừa vào điểm thi đua của giáo viên. Vì chén cơm manh áo nên thầy cô giáo đành ráng năn nỉ phụ huynh đồng ý con em mình chích ngừa…" – ông thầy giáo yêu cầu ẩn danh, giải thích như vậy, kèm một lưu ý là nhiều địa phương quy định rõ luôn phải chích xong toàn bộ trước ngày 30/9/2022, thời điểm mà các vắc-xin ‘tự gia hạn’ cũng ‘hết hạn’ thêm lần nữa.

"Nghiệt ngã hơn, là hàng năm các danh hiệu thi đua như : "Chiến sĩ thi đua" và "Lao động tiên tiến" được nhà trường tổ chức khen thưởng, trong buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ; là một giáo viên có lòng tự trọng không thể không xấu hổ trước đông đủ đại biểu các ngành, các cấp ; trước Ban đại diện cha mẹ học sinh ; trước cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ; nhất là trước học sinh toàn trường tham dự lễ…, khi cứ năm nào mình cũng không có danh hiệu nào hết" – thầy giáo T.T.S., kể và cho biết đây còn là ‘hậu quả’ của việc nhiều lần ông chấp nhận trả lời phỏng vấn của trang Việt Nam Thời Báo lúc người đứng đầu tổ chức xã hội dân sự này còn được quyền tự do lao động viết lách.

Trong ngành sư phạm từ sau tháng 4/1975 ở miền Nam, giáo viên có thể không ngại hiệu trưởng hoặc Thanh tra Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo ; giáo viên cũng không e dè áp lực từ phụ huynh học sinh ; thầy cô giáo không sợ làm giáo viên chủ nhiệm ; không sợ viết sáng kiến kinh nghiệm ; không sợ làm hồ sơ – sổ sách… dù có người gần đến tuổi hưu, mà họ "sợ" nhất là yêu cầu "cam kết thi đua", một thủ tục hành chính bắt buộc trong chuyện xét tăng lương, phụ cấp.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 24/08/2022

***********************

Quyền được đi học

Lê Tự Do, VNTB, 24/08/2022

Vắc-xin phòng Covid đến cuối tháng 9 này là ‘hết hạn’ sau khi đã có một lần ‘tự gia hạn’.

giaoduc2

Học trò muốn đi học thì phải chích ngừa đủ mũi.

Giờ là thời điểm tựu trường của nhiều nơi. Tưởng chừng mọi chuyện sẽ rất bình thường (nếu không tính thời điểm căng thẳng giãn cách vì chính sách của phó thủ tướng Vũ Đức Đam) như những năm trước, thì nhiều phụ huynh ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) lo lắng vì thông tin nếu học sinh tiểu học không tiêm vắc-xin Covid-19 thì không được đến trường, mà phải học trực tuyến.

"Một giáo viên chủ nhiệm lớp 4, gửi thông tin : Theo thông báo của Phòng Giáo dục thì em nào không tiêm vắc-xin thì không được đến trường mà phải ở nhà học online. Vậy kính mong phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc-xin. Em nào chưa tiêm mũi 1, mũi 2 thì 8 giờ ngày thứ 4, phụ đưa các em đến trường tiêm"".

Một giáo viên chủ nhiệm khác cho biết hiệu trưởng nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải thống kê các em đã tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2 và các em chưa tiêm mũi nào. Những em chưa tiêm phải cho biết lý do tại sao không tiêm…"

"Buộc các em phải chích là một điều hoàn toàn không hợp lý. Tôi đọc báo, thấy có bài viết, với cái kết : "Vin vào cớ này cớ khác để không đưa con đi tiêm phòng mà vẫn đến trường thì không chỉ coi thường sinh mạng con mà còn nguy cơ làm khổ người khác, có khi làm hỏng cả lịch trình năm học", theo quan điểm cá nhân, điều này là không hợp lý.

Dù là vắc-xin nào của Anh, Mỹ, cũng được sản xuất trong giai đoạn khẩn cấp. Ngay cả thuốc đặc trị Covid-19 cũng được khuyến cáo với người trẻ, sử dụng nếu muốn có thai thì phải đợi sau 6 tháng, thì vắc-xin chích cho trẻ em, còn cỡ nào ? Nếu như chích xong, có chuyện gì xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm ? Bà Đào Hồng Lan ? Người đưa ra ý kiến nói trên ? Hay phó thủ tướng chịu trách nhiệm về y tế ? Anh đừng nói thiếu gì người chích, có sao đâu. Mỗi người mỗi cơ địa khác nhau, không thể vì lý do người ta không sao mà mình cũng chắc chắn không sao được", một phụ huynh bức xúc.

Cũng theo thông tin từ báo chí, về những vấn đề trên, ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Giáo dục và đào tạo) tỉnh Khánh Hòa, cho biết không hề có chỉ đạo ép phụ huynh, cũng không có yêu cầu trẻ em không tiêm thì không được đến trường học.

"Mình đọc tin nhắn của các cô giáo thấy các cô làm quá, hiểu sai vấn đề. Sáng nay UBND tỉnh đã họp chỉ đạo đối với các em học sinh chỉ tuyên truyền vận động. Trước đây UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các địa phương chịu trách nhiệm nếu tình hình dịch bùng phát trở lại. Dịch bùng trở lại thì những em chưa tiêm sẽ nguy cơ mắc bệnh cao, không có kháng thể nên có khả năng phải học online. Bùng phát lại như cách đây 1 năm thì phải học online. Bây giờ bình thường thì có sao đâu, vẫn đi học bình thường" – ông Hải cho biết.

Hiến pháp 2013, Điều 39 ghi, "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập".

Tổ chức UNICEF tin rằng giáo dục là một quyền cơ bản của con người, mọi bé gái và bé trai ở Việt Nam đều có quyền đi học, học hỏi và phát triển.

Thêm vào đó, để trở lại cuộc sống như lúc trước ; khôi phục công ăn việc làm của người dân, nền kinh tế, cũng đã gần tròn năm Việt Nam thực hiện "bình thường mới", sống chung với dịch Covid-19.

Tất cả những viện dẫn nói trên, việc buộc học sinh phải chích ngừa đủ hai mũi Covid-19 mới được đi học trực tiếp xem ra là chưa phù hợp với quy định chung. Vậy thì câu hỏi đặt ra, nếu như không có sự chỉ đạo từ cấp trên, thì các giáo viên liệu có dám tự đặt ra quy định buộc phụ huynh phải nghe theo hay không ? Nếu như thật sự không có quy định từ cấp trên, vậy tin nhắn gây hoang mang cho phụ huynh, ai là người chịu trách nhiệm ?

Ai cũng biết không thể có cái vụ giáo viên không hiểu tuyên truyền từ cấp trên để rồi đi nói lại với phụ huynh sai đến như vậy được. Nên nhớ, giáo viên cũng là người có trình độ, tốt nghiệp đại học ra.

Chợt nhớ lại câu chuyện những ngày này của một năm về trước, Nha Trang "dậy sóng" với sự kiện "bánh mì không phải là lương thực thiết yếu".

Vào ngày 21/8/2021, thay vì kỷ luật vì có thái độ không đúng với người dân, "đầy tớ" la mắng "ông chủ" thì Uỷ ban Nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại có quyết định giải quyết cho ông Trần Lê Hữu Thọ – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, người từng nói "bánh mì không phải lương thực thiết yếu" – thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.

Và giờ là câu chuyện đi học của các em nhỏ…

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 24/08/2022

*************************

Giáo viên bị 'trừ thi đua' vì học sinh không tiêm vắc-xin !

RFA, 24/8/2022

Với lý do bị áp lực từ việc 'xét thi đua', nhiều giáo viên ở tỉnh Khánh Hòa mới đây giải thích với truyền thông Nhà nước về việc phải thông báo tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh, khiến nhiều phụ huynh bức xúc, cho rằng họ bị hù dọa.

giaoduc3

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Trả lời RFA từ Khánh Hòa hôm 24/8, nhà báo Võ Văn Tạo xác nhận cháu ngoại của ông có nhận thông báo về việc tiêm phòng Covid-19 :

"Con gái mình có con đi học cũng cằn nhằn vụ đó quá trời, nghe nói tính điểm thi đua của giáo viên về việc có chích ngừa hay không. Nhưng bây giờ phía Nhà nước, hiệu trưởng lại nói không có chủ trương ép các cháu từ 5 tuổi đến mười mấy tuổi đi chích ngừa mới được đến lớp. Trong khi mấy hôm trước giáo viên chủ nhiệm có nhắn qua zalo nếu các cháu không tiêm thì phải học online, nhà trường sẽ dạy trực tiếp cho những cháu nào đã tiêm rồi. Đó cũng là một cách không tiêm là không cho đến trường, các phụ huynh phản ứng ghê quá nên bây giờ UBND Nha Trang cũng như các hiệu trưởng phủ nhận rằng họ đã từng như thế".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, theo quy định của pháp luật, cho đến nay Nhà nước Việt Nam cũng chưa thể đưa ra chủ trương bắt buộc phải tiêm vắc-xin Covid-19, mà cũng chỉ là vận động tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền trong nhân dân, để nâng cao nhận thức, nhận thấy tác dụng của vắc-xin.

Trước đó, vào ngày 20/8/2022, truyền thông trong nước dẫn văn bản chỉ đạo của ông Phan Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND thành phố Nha Trang gởi Phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng các trường ‘tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 là một trong những tiêu chí bình xét hoàn thành nhiệm vụ thi đua cuối năm, của các cán bộ, công chức, giáo viên, người lao động’.

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa cũng có yêu cầu : ‘Phấn đấu đến hết ngày 30/9/2022 các đơn vị, trường học vận động chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các lứa tuổi đạt từ 95% trở lên. Kết quả tiêm chủng là cơ sở đánh giá, bình xét thi đua trong năm học 2022-2023’.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học phổ thông Thường Tín – Hà Nội nói với RFA hôm 24/8 :

"Tình trạng này năm ngoái cũng xảy ra, rất nhiều nơi thường là do các phòng giáo dục cấp huyện chỉ đạo các trường ép buộc giáo viên phải vận động phụ huynh, nếu không cho các cháu tiêm thì không cho đến trường. Thậm chí buộc 100% học sinh đi test Covid-19, rồi cưỡng bức chúng phải nộp tiền. Trong tình hình hiện nay thì dịch có chiều hướng đi xuống, mặc dù thời gian miễn dịch cũng đã giảm nhưng các trường cũng chỉ nên vận động tiêm phòng chứ không nên ép buộc".

Theo thầy Đỗ Việt Khoa, không chỉ chuyện tiêm phòng, nhà trường còn dùng điểm thi đua để ép giáo viên nhiều chuyện khác :

"Chuyện đó do nhà trường thôi, thường một số hiệu trưởng cái gì cũng ép giáo viên. Trên đưa xuống một kiểu thì hiệu trưởng lại vẽ ra thành kiểu khác, không ép được học sinh học thêm cũng phạt, thu tiền muộn cũng phạt trừ thi đua, ông nào cũng trừ thi đua giáo viên đủ kiểu. Cái này xuất phát từ người hiệu trưởng kỳ quái, soi mói từng việc bé, hay ngồi vẽ những điều viển vông… thì sẽ nghĩ ra những cái trò trừ thi đua giáo viên như thế".

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 24/8 liên lạc một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, và được cô cho biết :

"Ở trường tôi cũng có yêu cầu này, do y tế ở quận chỉ đạo xuống nhắn tin cho các phụ huynh đưa các em đi chích ngừa. Nếu phụ huynh đồng ý thì chích, còn không đồng ý thì thôi, chứ không có ép phụ huynh. Có đi chích thì chích, không thì thôi, chứ không áp lực trừ thi đua giáo viên".

Tuy nhiên, vị giáo viên này cho biết chuyện áp lực trừ điểm thi đua cũng thường xảy ra trong quá khứ :

"Cũng có áp lực chuyện thi đua, chẳng hạn như mình vận động phụ huynh hỗ trợ công tác, nếu phụ huynh không hỗ trợ thì mình bị trừ thi đua vì không đạt được chủ trương của trường đề ra. Mình có phản ảnh cũng không có được, vì trường của Việt Nam là của Nhà nước. Họ nói rằng mình không dùng hết khả năng của mình để vận động phụ huynh tham gia nên bị trừ vậy thôi. Họ bắt buộc mình trong vấn đề vận động đó, giống như trong tiêu chí công việc của mình phải hoàn thành".

Thời gian gần đây, nhiều hiệu trưởng tại các trường ở Việt Nam bị phát hiện có tiêu cực, lộng quyền... Đơn cử như vụ Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cần Thơ cùng hai đồng phạm bị bắt hồi năm ngoái vì đã cấu kết cấp khống chứng chỉ của trường này cho nhiều người.

Hay vụ Công an tỉnh Tuyên Quang ngày 19/2/2021 quyết định khởi tố và bắt tạm giam trong thời gian ba tháng một hiệu trưởng trường tiểu học và trung học vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm của học sinh và giáo viên.

Sau đó là vụ Cơ quan Điều tra thuộc Công an tỉnh Kiên Giang ngày 25/5/2021 đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam bốn tháng bà Trần Thị Liên -Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để điều tra về tội "Tham ô tài sản".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Lê Tự Do, RFA tiếng Việt
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)