Năm học mới bắt đầu sớm hơn thường lệ ở Hà Nội. Nhiều trường phổ thông đã khai giảng từ cuối tháng 8 thay vì sau Quốc Khánh 02/9.
Học sinh một trường tiểu học nhận quà từ các thiện nguyện viên
Học sinh và thầy cô có phần vui vẻ khi giờ đây một năm học mới lại có thể diễn ra bình thường, thay vì lúc tới trường, lúc online như thời đại dịch. Tuy vậy, đối với các phụ huynh nghèo, niên học mới bắt đầu cũng là lúc những nỗi lo liên tiếp ập tới khi việc kiếm sống đã vất vả nay phải gồng gánh thêm nhiều khoản đóng góp cho thầy cô, trường lớp, sách vở, đồng phục…
Chị Đỗ Thị Lan, một người buôn bán nhỏ ở Ba Đình, Hà Nội, cho biết nhiều tuần nay chị ‘chóng hết cả mặt mày’, phải chắt bóp từng li từng tí, chưa kể vay mượn thêm, để đóng các khoản phí đầu năm học cho con trai út năm nay vào lớp 2 một trường công lập.
"Nào là tiền trông bán trú các con, tiền suất ăn cho các con trong khi cho các con ăn có gì đâu, có tí rau và ít thịt mà cũng tính bao nhiêu tiền một buổi ấy. Đi học được có vài buổi, thì hôm nay mình lại phải đóng 1,5 triệu tiền ăn, tiền học bán trú tháng 8. Lại còn tiền sách tiền vở, tiền quần áo đồng phục, vừa mới đóng một loạt hết gần 5 triệu bạc trong khi kiếm thì không ra. Các con vừa mới bước đến trường thôi mà nhà trường đã phán phải đóng ngần đấy thứ tiền rồi đấy. Không biết là vào năm học không biết còn những khoản nào, còn tiền xây dựng trường lớp và tiền quỹ lớp nữa. Thoát thế nào được hai khoản đấy", chị Lan than thở.
Chị Lan cho biết thêm sau khi đại dịch Covid được khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, thì lạm phát tăng cao, kinh doanh ngày càng ế ẩm nên cuộc sống của gia đình chị thực sự rất khó khăn. Từ trong hè, chị đã phải xoay sở hết sức để con trai út tham gia các lớp học thêm của giáo viên chủ nhiệm và của trường tổ chức vì cả lớp không có cháu nào là không đi, ‘không đi bị trù thì còn mệt hơn nhiều nữa’. Giờ vào năm học mới, thêm các khoản đóng góp này nữa, chị Lan nói phải ‘vay mượn liều để đóng cho đủ’.
"Nghỉ hè một phát được nghỉ có 1 tuần thôi là cô đã bảo cô dạy thêm rồi để cô bồi dưỡng lại cho các con những lúc dịch bệnh các con không được học. Cuối tháng 5 nghỉ thì đầu tháng 6 đi học, mất mấy triệu cho con đi học hè, hai tháng hè. Sau đó tưởng được nghỉ thì trường lại kêu gọi đi học một tháng trước khi khai giảng. Chả hiểu ở Việt Nam kiểu gì dạy thêm cứ tràn lan ra. Mà mình không cho con đi học thì cũng không được cơ", chị chia sẻ.
Anh Đặng Thành Trung, một nhân viên làm việc cho một công ty tư nhân ở quận Hoàn Kiếm, cho biết riêng đợt nhập học của con trai vào cấp hai đã ngốn hết một tháng lương của anh. Thu nhập của vợ chồng,vốn được chia ra người lo chi phí sinh hoạt gia đình, người lo tiền học cho hai cậu con, thì giờ đây vào đầu năm học chỉ đủ để lo cho cậu út.
"Thằng cu nhà tôi mới bước chân đến trường là phải nộp 6 triệu rồi. Đại loại là các loại tiền bảo hiểm, đồng phục gì đấy, rồi đóng góp xây dựng cơ sở trường lớp… Còn hôm nào đi họp phụ huynh thì đóng quỹ lớp sau", anh Trung cho biết.
Anh nói để chuẩn bị cho năm học mới, vợ chồng anh đã hạn chế chi tiêu từ đầu hè để có thể đáp ứng cáckhoản đóng góp.
"Học trường công nó phải thế, không thể đấu lại nhà trường và thầy cô được đâu", anh Trung nói và cho biết anh từng chứng kiến con cái người bạn thân phải rơi vào cảnh khó khăn và sau đó còn tốn kém hơn nhiều, khi không chấp nhận các khoản đóng góp theo quy định của nhà trường.
Còn anh Nguyễn Hoàng Thắng, một phụ huynh sinh sống tại khu đô thị mới Mỹ Đình, cho biết năm học này anh đã xin cho con trai ra học trường tư. Bởi theo anh, học trường tư mọi thứ rõ ràng hơn mà con anh cũng được quan tâm, kèm cặp tốt hơn khi tổng số học sinh mỗi lớp chỉ từ 20-30 cháu, bằng một nửa so với các lớp ở trường công. Tuy nhiên, anh nói, điều quan trọng nhất là vợ chồng anh đã quá mệt mỏi với các khoản đóng góp và các mối quan hệ với thầy cô ở trường công rồi.
"Nhìn thì cứ tưởng rẻ chứ vào trong đấy thì các khoản đóng góp, các khoản phí, tính chung (trường công và trường tư) cũng bằng nhau thôi. Rồi lại phải nịnh thầy nịnh cô các kiểu. Mình việc gì phải thế. Ở đây là mình chấp nhận bỏ tiền ra mình mua giáo dục cho con mình cơ mà", anh Thắng cho biết và khẳng định rằng anh đã có một quyết định đúng đắn khi ‘đoạn tuyệt’ với các ngôi trường công, để tập trung thời gian và tinh thần cho công việc, cải thiện cuộc sống gia đình.