Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2022

Thị trường lao động Việt Nam : khu vực công và lao động xuất khẩu

Phạm Quý Thọ - RFA tiếng Việt

Suy thoái nhân lực khu vực công cản trở phát triển thị trường lao động

Phạm Quý Thọ, RFA, 16/09/2022

Nhân lực khu vực công đang đứng ngoài, đứng trên và lợi dụng thị trường dẫn đến suy thoái và, khiến thị trường lao động không thể phát triển lành mạnh và hiệu quả. Suy thoái nhân lực khu vực công là điểm nghẽn nhân lực nghiêm trọng nhất, nhưng nó đã không được đề cập trong Hội nghị toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động…" được tổ chức cuối tháng 8/2022 dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng Chính phủ (CP).

laodong1

Công nhân làm việc tại nhà máy Maxport ở Hà Nội hôm 21/9/2021 (hình minh họa) - AFP

Trong bối cảnh bất ổn kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, dường như ông Chính cần những hội nghị như vậy đề xuất các giải pháp chính sách phục hồi cũng như điều hành kinh tế. Ông Thủ tướng đã "trăn trở" về nghẽn nhân lực, tuy nhiên ông đã không nói đến vấn đề suy thoái nhân lực công đang tạo ra điểm nghẽn lớn nhất cho phát triển thị trường. Cách tiếp cận phiến diện, không đầy đủ về thị trường lao động có thể có những giải pháp chính sách không hiệu quả.

Trăn trở

Bất chấp những báo cáo và tham luận chỉ ra ‘bức tranh toàn cảnh’ về nhân lực với những con số rằng, Việt Nam hiện có "trên 51,6 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 26,2%, tỷ lệ thất nghiệp chung "duy trì" trong khoảng 2,2-2,3% và nhận định : "có được "thành tích" là nhờ "Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát triển", cuối cùng kết luận, rằng "để tiếp tục phát triển thị trường lao động cần thực hiện "Chín nhiệm vụ, giải pháp cơ bản…", ông Thủ tướng chính phủ đã nêu hàng loạt các câu hỏi liên quan đến các điểm nghẽn nhân lực và yêu cầu : "Đây là những câu hỏi chúng ta phải có câu trả lời". Giới truyền thông bình luận đây là những trăn trở của chính khách. Vì vậy, khó có thể nói, rằng Hội nghị này là thành công.

Những năm gần đây các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cho rằng, các nguồn lực bị nghẽn khiến kinh tế tăng trưởng không đúng tiềm năng. Năm 2016 Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia trong và ngoài nước : "Chẩn đoán điểm nghẽn tăng trưởng và Bản đồ năng lực sản xuất của Việt Nam", trong đó ba điểm nghẽn được nêu ra : nhân lực, kết cấu hạ tầng và thể chế. Đây được coi là việc tiếp tục cụ thể hóa để nâng cao tính khả thi cho "ba đột phá chiến lược" được xác định tại Đại hội 11 năm 2011 của Đảng cộng sản. Cách tiếp cận này hàm ý rằng để đạt tiềm năng phát triển kinh tế thì mỗi yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng của nó và, sự kết hợp chúng lại thông qua thị trường có ý nghĩa quyết định tăng trưởng kinh tế.

"Trăn trở" của ông Thủ tướng chính phủ được ghi lại : Một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về nước làm việc ; Lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân ; Lao động xuất khẩu của Việt thu nhập bình quân thường thấp hơn các nước trong khu vực ; Lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở một số địa phương phải bỏ ruộng vườn để đi làm thuê nơi khác ; Công nhân ở các khu công nghiệp, thành phố lớn còn khó khăn về ăn, ở, sinh hoạt ; Hiện tượng đình công ở một số khu công nghiệp ; Chiến lược phát triển thị trường lao động thế nào khi thời điểm dân số vàng đi qua… Tuy nhiên, đây là điểm nghẽn của một một bộ phận nhân lực tư của thị trường và, điểm nghẽn của bộ phận nhân lực công quan trọng hơn đã không được đề cập.

laodong2

Người đi đường đi qua các tấm biển cổ động trên đường phố Hà Nội hôm 24/3/2014. AFP

Suy thoái

Nhân lực khu vực công là một bộ phận của lao động xã hội và, bao gồm các công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên môn trong hệ thống chính trị như Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Suy thoái nhân lực khu vực công có nguyên nhân từ tính chất của chế độ chính trị, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, đã làm tách biệt sâu sắc giữa hai bộ phận nhân lực : tư và công, thị trường và phi thị trường. Hơn thế, nhân lực khu vực công không chỉ đứng ngoài, mà còn đứng trên và lợi dụng thị trường khiến thị trường lao động không thể phát triển lành mạnh và hiệu quả.

Những biểu hiện chủ yếu của suy thoái nhân lực khu vực công có thể dễ dàng chỉ ra : Họ có quyền lực lớn, thực chất là do Đảng cộng sản ban cho, và khi họ tha hóa quyền lực, trục lợi cùng tham nhũng trầm trọng ; nỗ lực phòng chống của Đảng cộng sản vẫn "không đạt kết quả như mong muốn" ; Họ, về pháp lý, đại diện cho nhân dân quản lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và tài sản công và mọi hoạt động xã hội nhưng khi thực thi công vụ kém và thiếu giải trình và chịu trách nhiệm ; nhân lực công được tổ chức trong bộ máy cồng kềnh, phình to, song trùng, chồng chéo nhiệm vụ chức năng và hiệu quả thấp nhưng không thể tinh giản ; nhân lực công được trả lương theo quy định riêng, từ tiền thuế của dân nhưng không gắn với thị trường ; Bộ phận công chức lãnh đạo không sống bằng tiền lương và thậm chí giàu lên nhanh chóng ; Họ được trang bị ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và đạo đức cách mạng nhưng vẫn dễ bị cám dỗ vật chất, họ ‘mong manh’ dễ vỡ như trường hợp Vụ án Việt – Á ; Họ phản ứng quyết liệt khi chế độ đặc quyền đặc lợi bị đe dọa hay dỡ bỏ, chẳng hạn trường hợp xin rút "tự chủ toàn diện" khiến chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trở thành "nửa vời" ; Họ được Đảng kêu gọi "đột phá" nhưng không dám và không thể…

Tháo gỡ

Suy thoái nhân lực công đang gây ra hậu quả nặng nề, về kinh tế đang cản trở tăng trưởng bền vững và, về xã hội tạo ra sự bất công ngày càng lớn. Giải pháp chính sách chung để tháo gỡ những điểm nghẽn này là cải cách thể chế, hơn thế, phải là thể chế chính trị mà Đảng cộng sản đã thừa nhận, "cải cách thể chế là dư địa lớn để tăng trưởng" và, đẩy mạnh từ Đại hội 13 năm 2021, nhưng đang gặp thách thức khi quyền lực không thể được kiểm soát hiệu quả.

Thực tế chuyển đổi sang thị trường đã buộc Đảng cộng sản phải nới rộng quyền tự do kinh tế, nền tảng của thị trường để tăng trưởng. Hành động của những nông dân can đảm "khoán chui" và những cán bộ liều "sinh mạng chính trị" để "phá rào" là những phản ứng của những cá nhân năng động bị nền kinh tế chỉ huy đè nén, đã làm nên Đổi mới 1986. Quyền "tự do thoát khỏi nghèo đói" đã được trao cho người dân trong cải cách kinh tế để phát triển. Nay, cải cách chính trị cần đáp ứng nhu cầu về các quyền cơ bản khác như tự do ngôn luận và bày tỏ, tự do không chịu các nỗi sợ, tự do tín ngưỡng như hệ quả tất yếu của phát triển kinh tế. Và, người dân cần được trao những quyền đó để có thể tham gia thực sự vào kiểm soát quyền lực và thúc đẩy tiếp tục cải cách.

Trong bất kỳ chế độ nào khi đề cập đến tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng thì nhân lực đều được coi là có vai trò quyết định. Tiềm năng vô hạn của nhân lực là ở tri thức. Và, sự khác biệt ở chỗ những người cầm quyền nào tạo ra được cơ chế hoạt động của nó để phát huy vai trò nhân lực. Trong môi trường thể chế có nhiều tự do hơn, sẽ có nhiều tri thức và nhiều sáng tạo hơn. Nhiều đổi mới hơn dẫn đến kinh tế tăng trưởng năng động hơn và, ngược lại.

Các điểm nghẽn nhân lực đã bộc lộ cải cách thể chế đã không theo kịp sự phát triển của thị trường. Quá trình này đang hướng tới quyền lực tập trung để đảng "mạnh và sạch" nhưng đồng thời đang có dấu hiệu thị trường bị rối loạn, yếu đi trong đó quyền tự do cơ bản của con người bị thu hẹp. Liệu có thể trông chờ sự xuất hiện của những con người can đảm hay các cán bộ dám đột phá để có Đổi mới lần hai ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 18/09/2022

*************************

Người lao động bị lừa trình báo, cơ quan quản lý nhà nước trả lời tắc trách !

RFA, 15/09/2022

Một số người tố cáo bị công ty môi giới việc làm lừa đảo vì sau khi đóng cả trăm triệu đồng rồi mà hơn hai năm trời vẫn chưa được ra nước ngoài làm việc. Nạn nhân trình báo nhờ can thiệp nhưng cơ quan chức năng trả lời bất nhất, để công ty bị tố lừa đảo tiếp tục hoạt động.

laodong3

Công ty Thabilabco bị nhiều người tố lừa tiền người lao động - Thabilabco

Nhiều nạn nhân bị lừa

Trần Thị Duyên, quê ở Thanh Hóa, năm nay 22 tuổi, kiệt sức vì phải gánh số nợ hơn 100 triệu đồng, cộng thêm áp lực phải trả lãi hàng tháng vì vay mượn tiền để làm giấy tờ đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, nhưng lại bị công ty môi giới lừa, nhận tiền mà không đưa người đi.

Duyên nói với RFA rằng vào tháng 3/2020, đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình, viết tắt là Thabilabco, có trụ sở tại phường Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội, đăng ký thi các đơn hàng để sang Nhật lao động.

Một tuần sau, Duyên được báo đã trúng tuyển và được công ty môi giới báo giá đơn hàng này tổng cộng là 6.500 đô-la Mỹ, nhưng phải đóng trước 4.500 đô-la Mỹ để lo học tiếng và làm thủ tục, số còn lại khi nào có lịch bay sẽ đóng hết.

Ngày 27/3/2020, Duyên vay mượn tiền để đóng trước 107 triệu đồng, tương đương 4.500 đô-la Mỹ theo yêu cầu, nhưng không nhận được hóa đơn mà phải điền vào một "Biên bản cam kết tự nguyện".

Nội dung biên bản ghi nhận Duyên đã tìm hiểu rõ và đồng ý tham gia đơn hàng đi Nhật trúng tuyển, đồng thời tự nguyện đóng 3.500 đô-la. Biên bản cũng ghi rằng nếu sau 12 tháng mà Duyên chưa được đi Nhật thì có thể nhận lại số tiền này.

Còn 1.000 đô-la Mỹ được nói là chi phí ăn ở và học tiếng Nhật không được thể hiện trong biên bản này.

Đến cuối năm 2021, chờ mãi vẫn chưa thấy thông báo được bay sang Nhật, mà tiền lãi vay để đóng cho môi giới ngày một nhiều, Duyên liên hệ để lấy lại tiền cọc, nhưng phía công ty này thoái thác không trả, thậm chí có lần còn mướn ‘côn đồ’ đe dọa :

"Đầu năm 2022, em và cậu của em có lên công ty thì họ không giải quyết. Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, họ hứa hẹn hết lần này đến lần khác chứ họ không trả lời.

Cậu của em có lên trung tâm nhiều lần thì có một hôm trung tâm thuê tầm 20 người lạ mặt đến để đe dọa, trấn áp cậu của em, bảo là không được lên công ty này nữa. 

Sau đó bọn em có làm đơn lên phường nhưng mà phường (Gia Thụy, Hà Nội - PV) không cho thì bọn em có lên trực tiếp trên quận (Long Biên, Hà Nội - PV)".

Duyên không phải là trường hợp duy nhất, có hai nạn nhân khác cũng xác nhận với RFA rằng họ cũng bị công ty này lừa như vậy. Tuy nhiên, những người này từ chối cung cấp thêm thông tin về trường hợp của mình vì muốn yên ổn làm ăn.

Tra tên Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình trên Google, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều người từng là nạn nhân cảnh báo rằng đây là một công ty lừa đảo. Một tài khoản tên Hoàng Minh đánh giá về công ty này như sau : "Anh em không nên thi tuyển trung tâm này. Có nhiều đơn ảo hoặc có đơn nhưng nhiều khi phải đợi cả năm còn chưa chắc sang được Nhật ; phí học cực cao, phí phát sinh cực kì nhiều, nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra thì việc mất tiền oan là 100%".

Trong khi đó, vào năm 2017, trên báo Nhân Dân có bài viết ca ngợi công ty này như sau : "Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình (Thabilabco) đã vượt mọi khó khăn, thách thức để vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực này".

Công ty không phép, cơ quan quản lý làm ngơ ?

Sau khi đến công ty mà không nhận lại được số tiền đã đóng, Duyên làm đơn trình báo lên Công an quận Long Biên, Hà Nội và Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội.

Đến ngày 31/5/2022, Công an quận Long Biên có biên bản trả lời với nội dung chính rằng "Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Long Biên đã tiến hành xác minh sơ bộ xác định : Công ty Thabilabco hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài".

Đồng thời phía công an cũng khẳng định, sự việc trong đơn trình báo của chị Duyên là tranh chấp giữa cá nhân và doanh nghiệp, không có dấu hiệu phạm tội, nên không thuộc trách nhiệm của cơ quan công an, rồi đề nghị chị Duyên liên hệ với tòa án để giải quyết.

Chị Duyên nói :

"Sau khá là nhiều lần trình báo thì công an đều bảo rằng đây là sự việc do hợđồng của hai bên, chứ không hề liên quan đến vấn đề về pháp lý và một mực khẳng định rằng công ty này có giấy phép".

Ngược lại, trong văn bản của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước phản hồi cho chị Duyên hôm 22/8/2022, cho biết Công ty này đã chấm dứt hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và nộp lại giấy phép từ ngày 1/12/2021.

Phóng viên RFA tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Cục Lao động Ngoài nước, tên công ty này không có trong danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện đang được cấp phép.

Trong khi đó, hiện nay, trang Facebook page "Thabilabco  - Công ty trách nhiệm hữu hạn Hợp tác Lao động và Thương mại Thái Bình" vẫn đăng tải thông tin tuyển lao động sang Nhật và Hàn Quốc làm việc bình thường. Thậm chí, công ty này còn vừa tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập công ty vào giữa tháng tám vừa qua. 

Một luật sư không muốn nêu danh tính, trả lời RFA từ Thành phố Hồ Chí Minh rằng, trong trường hợp này, phía công an quận Long Biên có thể nói là đang vô trách nhiệm với người dân, và việc công ty không có giấy phép mà vẫn hoạt động là có dấu hiệu lừa đảo :

"Thực ra công an trả lời biên bản này một cách lập lờ. Công an xác định công ty Thabilabco có giấy phép hoạt động, nhưng vào thời gian nào thì nó lại không nói. Có thể nói rằng cái cách trả lời như vậy của cơ quan công an là vô trách nhiệm với người dân.

Trong biên bản, công an nói đây là quan hệ dân sự, nghĩa là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân hoặc tranh chấp giữa cá nhân với doanh nghiệp, và không có dấu hiệu lừa đảo, nhưng theo tôi là công an đã xác minh không rõ ràng và đã có văn bản từ Cục quản lý lao động ngoài nước như thế mà vẫn hoạt động thì là lừa đảo rồi".

Chỉ một vấn đề là công ty này có hay không có giấy phép thì bên Công an quận Long Biên và Cục Quản lý Lao động ngoài nước lại trả lời trái ngược nhau. 

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Công an quận Long Biên và Cục Lao động Ngoài nước để hỏi về những cáo buộc mà người lao động nêu ra, tuy nhiên cả hai cơ quan đều không có người nhấc máy.

Nguồn : RFA, 15/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: pqtn RFA tiếng Việt
Read 250 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)