Điều gì sau những tấm ảnh "dìm hàng" của bà chủ Vạn Thịnh Phát và bà Nguyễn Phương Hằng ?
Phạm Hiền, RFA, 11/10/2022
Cuối tuần qua, một tấm ảnh mới của bà Trương Mỹ Lan, người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được đăng trên tất cả các tờ báo thời sự tiếng Việt. Không hiểu người chụp và gửi tấm ảnh này cho các báo có dụng ý hay không, mà cuối cùng, người ta hầu như chỉ tập trung bàn luận về nhan sắc của bà Trương Mỹ Lan, thay vì bàn luận về việc tại sao bà bị bắt.
RFA edit
Tại sao cứ phải chụp ảnh "dìm hàng"
Đại khái, người ta nói tại sao bà tỷ phú quá khác so với những hình ảnh (gắn với các bài báo ca ngợi) trên báo chí hoặc truyền thông xã hội. Một bên xinh đẹp, trẻ trung, sang trọng, trắng hồng nõn nà, đôi mắt hiền từ cười có đuôi, làn tóc mây. Một bên, chụp ngược sáng nên gương mặt tối đen, da khô sạm và sần, đôi lông mày xăm đen ngòm thô tháp với phần đầu như bị chặt ngang (chắc do thợ xăm dạo tiến hành). Đặc biệt trên đầu còn nguyên đôi ống cuốn tóc hai bên, mà thường phụ nữ chỉ làm khi đi ngủ hoặc khi làm việc nhà cho gọn.
Nữ tỷ phú dĩ nhiên không cần tự tay làm việc nhà, vậy có thể tạm đoán khi công an chụp tấm ảnh này, bà đang ngủ hoặc đang trong tình trạng rất riêng tư, và đã bị lay/lôi dậy, chụp hình ngay lập tức. Mà không hề được cho thời gian để chỉnh lại vẻ ngoài.
Bà Lan mới chỉ là người bị bắt tạm giam, bị khởi tố để điều tra vụ án. Theo pháp luật Việt Nam, thậm chí cho đến khi ra trước vành móng ngựa, bà Lan (và những người bị bắt khác) vẫn chỉ là bị can, bị cáo, chưa phải là người có tội. Họ chỉ được xem là người có tội sau khi đã có bản án chính thức đã có hiệu lực của tòa án.
Nếu vậy, tại sao bộ phận bắt giữ, chụp ảnh người bị bắt của Công an không thể cho họ một ít thời gian, ít nhất để chỉnh sửa lại trang phục xộc xệch, tháo chiếc ống cuốn tóc, chải lại mái tóc trước khi chụp ảnh lưu hồ sơ ?
Nhìn tấm ảnh bà Trương Mỹ Lan, người xem không khỏi nhớ đến tấm ảnh của bà Nguyễn Phương Hằng đăng kèm với thông tin bị bắt, vào cuối tháng Ba cùng năm nay. Tấm ảnh bà Hằng cũng do Công an Thành phố Hồ Chí Minh chụp (ghi chú rõ dưới ảnh). Cũng cho thấy rõ vẻ mặt ngái ngủ, mái tóc xõa tung, khuôn mặt không son phấn, cũng chụp ngược sáng khiến gương mặt tối mịt, khác xa những hình ảnh đẹp rực rỡ khi bà live stream thời gian dài trước đó.
Hai người đàn bà làm kinh doanh, cùng vô cùng nổi tiếng vì giàu có, cùng ở độ tuổi đã qua thanh xuân, cùng bị bắt và cùng bị đăng lên những tấm ảnh để đời một cách không mong muốn nhất. Về mặt này, họ trùng hợp nhau đến kỳ lạ.
Tôi không khỏi nghi vấn việc Công an cố tình chụp và tung những tấm ảnh những phụ nữ này một cách xấu xí nhất. Xin lỗi các anh Công an nếu nghi vấn này sai.
Đó là vì, trong hiện tại, những tấm ảnh các anh chụp đã mang lại sức công phá mãnh liệt cho cá nhân người bị bắt cũng như doanh nghiệp của họ, trong khi vụ án chỉ mới được khởi tố để điều tra.
Hình ảnh thao túng tâm lý
Vì nó trực quan, đập vào mắt, nên hình ảnh có quyền lực thao túng tâm lý người xem ngay khi họ không ý thức về việc đó. Bà Nguyễn Phương Hằng hiểu rõ điều đó, nên trong tất cả các buổi live stream, bà luôn make up kỹ càng, dùng ứng dụng làm đẹp, thẩm mỹ, và có bộ phận chuyên môn bố trí ánh sáng và góc thu hình sao cho đẹp nhất, trẻ nhất.
Một người phụ nữ giàu là chuyện thường thấy. Nhưng nếu người phụ nữ ấy đã rất giàu mà còn đẹp (tự nhiên và/hoặc nhân tạo, không sao cả, miễn đẹp là được) thì sức thu hút của bà tăng lên theo cấp số nhân. Và người ta-bất kể là ai-cũng nhiều khi mải ngắm gương mặt đẹp mà tự động mặc định rằng mọi lời bà nói, mọi hành động bà làm đều đúng hết. Mọi hạn chế về tất cả các mặt khác đều biến thành điểm độc đáo duyên dáng chết người, nếu chủ nhân nó giàu và đẹp.
Phụ nữ yêu quý nhan sắc còn hơn sinh mạng. Các ông đàn ông cứ thử xỏ chân vào đôi giày cao gót mũi nhọn, mặc chiếc váy bút chì bó sát eo, bụng và hông rồi ngồi làm việc cả ngày đi rồi biết. Các ông có dám cắt gọt, xẻo nặn, bơm hút, thậm chí đập đi xây lại toàn bộ gương mặt và cơ thể như phụ nữ không ? Thế mà chúng tôi dám đấy.
Với phụ nữ làm kinh doanh thì ngoại hình của bà còn là hình ảnh, là bộ mặt của doanh nghiệp. Bà đẹp, bà lên báo chí, truyền thông, nói gì người ta cũng thích thú nghe. Nếu bà làm shark, truyền hình cũng ưu ái quay cận cảnh gương mặt bà nhiều hơn. Bà đẹp, thiện cảm tự nhiên tăng. Nếu bà xấu, đối tác thường không cảm thấy mạnh tay và lấn lướt khi làm ăn với bà. Các tin đồn tiêu cực dễ được dựng lên và loang ra.
Bất chấp mọi lý thuyết về bình đẳng nam nữ, thực tế của tâm lý con người trong cuộc sống chính là như thế.
Ngoài việc phải đẹp để thỏa mãn lòng yêu cái đẹp bẩm sinh của phụ nữ, để sống toại nguyện nhất với gia sản bà đã kiếm được, thì bà cũng cần đẹp để giữ chồng. Ít nhất, tâm lý của phụ nữ Châu Á thường là như vậy.
Cho nên, tôi cho rằng với cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng và bà Trương Mỹ Lan, cũng như với doanh nghiệp của các bà, việc bị bắt chưa hẳn đã gây sốc và đau đớn bằng việc những tấm ảnh mà chúng ta đang thấy đã tràn ngập trên báo chí, trên mạng xã hội, cũng như việc chúng sẽ tồn tại ở đó vĩnh viễn.
Những tấm ảnh đó chỉ ghi lại một khoảnh khắc xấu xí và tạm thời nhất, nhưng nó đập vào vô thức của người xem, ngấm ngầm làm giảm sự khách quan khi tiếp nhận và đánh giá thông tin.
Bà Nguyễn Phương Hằn, còn được gọi là Người đẹp Bình Dương.
Vì sao Nữ thần Công lý phải bịt mắt bằng dải băng đen ?
Nhiều năm trước, khi lần đầu tiên những quy định về việc chụp ảnh, quay phim tại phiên tòa được áp dụng, cánh báo chí nhiều phen đã phải chùn tay trước một góc chụp "đặc tả" bị cáo, mà sẽ rất viral nếu nó được đăng. Quý vị chắc còn nhớ tấm ảnh gây xôn xao dư luận của Nguyễn Hải Dương-người bị tuyên án tử hình do hành vi giết sáu người trong cùng một gia đình ở Bình Dương vào năm…
Người ta lập tức gán nụ cười đó với hành vi của Nguyễn Hải Dương. Họ bình luận rằng kinh khủng quá, thằng máu lạnh này phải tử hình nó trăm ngàn lần mới đáng, nó ra tòa mà còn cười được thế kia.
Không ai thèm hỏi để biết chính xác Nguyễn Hải Dương cười vì điều gì. Người ta chỉ lập tức nã súng.
Chính vì cảm xúc trực quan ảnh hưởng rất mạnh lên vô thức, nên nữ thần Công lý phải bịt mắt bằng dải băng đen để bà không thể bị những biểu hiện ngoại hình (đẹp, xấu, quyến rũ, đanh ác hoặc vẻ tội nghiệp đáng thương…) làm mê hoặc, gây sai lệch trong việc cân nhắc hình phạt.
Cạnh đó, phải tính đến xác suất chính xác của việc điều tra, xét xử. Nếu người bị bắt hóa ra vô tội thì sao ? Không thể có biện pháp nào minh oan đầy đủ, hay cập nhật thông tin cho toàn bộ những người đã đọc tin trước đó.
Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có điều khoản nào hạn chế quyền về hình ảnh cá nhân của người bị bắt tạm giam hay đang bị khởi tố điều tra. Do vậy những tấm ảnh mà cơ quan Công an cần chụp bị can, bị cáo chỉ nên được giữ trong hồ sơ, không công bố ra công chúng.
Với nhiều lý do cả về quyền con người và hiệu lực của việc điều tra, ở những nước có nền tư pháp phát triển hơn Việt Nam, nghi can/bị can phải được che mặt khi bị bắt và dẫn giải. Họ cũng được giữ kín danh tính, hình ảnh cá nhân trước khi có luật sư bảo vệ và được xét xử công khai bởi một phiên tòa.
Xin nhấn mạnh nguyên tắc của nền tư pháp Việt Nam và toàn thế giới : Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" (nguyên tắc suy đoán vô tội, quy định trong Bộ luật Hình sự 2015). Hiếp pháp 2013 cũng nêu nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân.
Vì lý do đó, báo chí, đặc biệt là cơ quan Công an- KHÔNG được dùng những hình ảnh "có tính minh họa" dìm hàng của người bị bắt để gián tiếp định hướng dư luận rằng họ phạm tội. Đấy là cách làm trái pháp luật, trí trá và khôn vặt.
***
Việt Nam từ lâu đã gia nhập Tuyên ngôn thế giới và các công ước quốc tế về quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân. Vì thế, cần phải thay đổi triệt để việc cơ quan điều tra cung cấp cho báo chí những tấm ảnh rõ mặt, trong tình trạng thiếu chỉnh trang tối thiểu của những nghi can, mà ví dụ mới nhất là những tấm ảnh như trên. Làm được điều đơn giản đó mới có thể nói đến tinh thần nhân đạo, thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người mà chính cơ quan này theo đuổi và khẳng định.
Phạm Hiền
Nguồn : RFA, 11/10/2022
Tham khảo :
https://tuoitre.vn/bat-chu-tich-tap-doan-van-thinh-phat-truong-my-lan-20221007125447397.htm
https://vnexpress.net/ba-nguyen-phuong-hang-khai-ly-do-xuc-pham-nhieu-nguoi-4509682.html
https://lsvn.vn/bao-dam-quyen-con-nguoi-cua-bi-cao-trong-to-tung-hinh-su1632439825.html
https://sotp.thainguyen.gov.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat/-/asset_publisher/hEnG94ajEooh/content/viet-nam-tich-cuc-tham-gia-va-thuc-hien-noi-ia-hoa-tuyen-ngon-the-gioi-ve-nhan-quyen-va-cac-cong-uoc-quoc-te-ve-nhan-quyen
https://baodansinh.vn/nu-cuoi-quai-la-cua-nguyen-hai-duong-22809.htm
************************
Vụ Vạn Thịnh Phát và những ‘biện pháp nghiệp vụ’ ly kỳ
Trân Văn, VOA, 11/10/2022
Vào thời điểm ông Thành đột tử, phu nhân của ông, bà Tống Thị Thanh Hoàng đang đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc VTP Group.
Những khu nhà đất 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và văn phòng cho thuê. (Ảnh : Thy Huệ).
Vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (An Dong Group) và các tổ chức, đơn vị có liên quan, càng lúc càng nhiều tình tiết ly kỳ mang màu sắc của những "biện pháp nghiệp vụ" !
***
Hôm 7/10/2022, ông Nguyễn Tiến Thành (50 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI, kiêm thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Sài Gòn – SCB) đột tử (1). Trước nay, ai cũng biết TVSI gắn bó như bóng và hình với Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group). vào thời điểm ông Thành đột tử, phu nhân của ông, bà Tống Thị Thanh Hoàng đang đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc VTP Group.
Hôm sau - 8/10/2022, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan báo, Bộ Công an đã khởi tố bốn bị can và thực hiện lệnh tạm giam :
- Bà Trương Mỹ Lan(66 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Hội đồng quản trị - VTP Group).
- Bà Trương Huệ Vân(34 tuổi Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor – Tập đoàn WMC).
- Bà Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, Trợ lý VTP Group). ÔngHồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị TVSI, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của VTP Group).
An Dong Group cũng gắn bó với VTP Group như TVSI. Vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vừa bị khởi tố liên quan đến việc An Dong Group phát hành ba lô trái phiếu trị giá khoảng 25.000 tỉ (2). Hai trong ba lô trái phiếu vừa đề cập sẽ đáo hạn vào tháng 9/2023. Lô còn lại sẽ đáo hạn vào tháng 1/2024. Nếu thử cộng khối lượng trái phiếu mà những doanh nghiệp được xem là gần gũi với VTP Group như An Dong Group đã phát hành trong thời gian vừa qua, số tiền họ đã thu sẽ tăng thêm ít nhất hơn 30.000 tỉ đồng nữa !
***
Việc bà Trương Mỹ Lan và ba cộng sự bị bắt đã khiến các ngân hàng, đặc biệt là SCB – ngân hàng mà công chúng cho rằng có quan hệ mật thiết với VTP Group - chao đảo vì khách hàng ồ ạt đổ đến rút hết khoản tiền họ từng gửi.
Đại diện SCB khẳng định,An Dong Group không phải là cổ đông của SCB. Bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của SCB. Đồng thời cam kếtSCB có đầy đủ giải pháp, cũngnhư nguồn lực để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng theo quy định của pháp luậtvà nay đã kiểm soát đượctình hình,giữ cho thanh khoảnổn định.
Đại diện Ngân hàng nhà nước khẳng định :Các tổ chức tín dụng đượcNgân hàng nhà nước cấp phép nhận tiền dân chúng gửi vào. Đó là tài sản cá nhân, luôn được bảo đảm lợi ích hợp pháp, do vậykhông nên hoang mang, rút tiền gửi trước hạn nhưng mua trái phiếu thì bên có trách nhiệm trả khoản tiền đầu tư này là công ty phát hành trái phiếu(3). Nói cách khác, có sự khác biệt về hậu quả giữa đem tiền gửi ngân hàng và dùng tiền mua trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành (trái phiếu doanh nghiệp).
Cần nhớ, tháng trước, Bộ Tài chính cho biết, riêng năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán (đáo hạn) khoảng 144.500 tỉ, trong đó khối lượng trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản đáo hạn năm nay là 62.470 tỉ. Năm tới (2023) và năm tới nữa, những con số này sẽ tăng gấp đôi (271.400 tỉ đồng), gấp ba (329.500 tỉ đồng) so với năm nay. Còn nếu tính riêng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản đáo hạn thì khoản phải thanh toán sẽ là 207.800 tỉ đồng (4).
Họat động của VTP Group đã từng tạo ra nhiều tình tiết ly kỳ. Chẳng hạn hồi 2014, ông Dương Chí Dũng (cựu Cục trưởng Hàng hải) khai đã cùng bà Trương Mỹ Lan hối lộ cho ông Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Công an) một triệu Mỹ kim để được hỗ trợ trong việc chuyển đổi công năng khu Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (5). Sau đó ông Ngọ đột tử, ông Dũng bị kết án tử hình. Còn VTP Group của bà Trương Mỹ Lan phát triển tới mức được ví von là "đế chế".
Cũng vì vậy, tự thân việc khởi tố - tống giam bà Lan để điều tra về hành vi liên quan đến hoạt động "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan đương nhiên cũng là ly kỳ. Sự ly kỳ đó lập tức gây nguy hại cho thị trường chứng khoán và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, công an Việt Nam đã dùng các "biện pháp nghiệp vụ" xác định và bắt ngay một người ở Hà Nam vì "bình luận thất thiệt về hoạt động của SCB gây hoang mang dư luận".
Từ "biện pháp nghiệp vụ" vừa kể, Bộ Công an Việt Nam sử dụng thêm một "biện pháp nghiệp vụ" nữa. Đó là :Khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý (6). Ngày 10/10/2022, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức như VietNamNet (7), Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (8), loan báo bà Nguyễn Phương Hồng – một trong bốn bị can vừa bị tạm giam để điều tra về chuyện "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại An Dong Group và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã chết. Sự kiện bà Hồng chết tuy chưa rõ lý do nhưng chắc chắn đó không phải là tin giả, tin sai sự thật song vẫn có "biện pháp nghiệp vụ" nào đó đã được áp dụng, thành ra những cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức đã trót đưa tin này đều tự giác xử lý bằng cách tự ý đục bỏ, thậm chí xóa cả cache !
Dấu vết của các "biện pháp nghiệp vụ" liên quan đến VTP Group không chỉ chừng đó. Ngày 11/10/2022, Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin – Truyền thông tố giác "SCB bất ngờ gỡ toàn bộ thông tin giới thiệu các thành viên hội đồng quản trị". Theo đó, từ tối 10/10/2022, người ta không thể tìm thấy thông tin về các thành viên trong Hội đồng quản trị của SCB trên website của ngân hàng này nữa. Infonet nhấn mạnh, ngoài ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc TVSI) đã đột tử, Hội đồng quản trị của SCB chỉ còn ba người là ông Bùi Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Sun Ka Ziang Henry (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị) và bà Nguyễn Phương Hồng (Thành viên Hội đồng quản trị).
Không rõ bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984là Trợ lý VTPGroup vừa được loan báo là mới qua đờicó liên quan gì với bà Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984 mà Infonet kể là "có hơn 11 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại SCB như : Trưởng phòng Tín dụng, Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Hỗ trợ kinh doanh, Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc chi nhánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định kiêm Giám đốc chi nhánh, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB" hay không (chỉ biết ngay sau đó, Infonet cũng tự ý đục bỏ tố giác của chính mình (9) – song nếu muốn, vẫn có thể tìm đọc ở một số nơi trên Internet - 10) ? Nếu có liên quan thì không chỉ SCB mà Ngân hàng nhà nước có thể lại gặp thêm rắc rối với khách các ngân hàng sau khi đã nỗ lực vãn hồi trật tự và đại diện SCB không sai khi khẳng định An Dong Group không phải là cổ đông của SCB. Bà Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB...
Nếu thử search hình ảnh về bà Nguyễn Phương Hồng, Thành viên Hội đồng quản trị SCB trên Google thì có thể dễ dàng nhận ra ảnh của bà Hồng này và ảnh của bà Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý VTP Grouptrên Cáo phó mà các cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam đã đăng rồi đục bỏ (11) là một. Nếu là một thì Bộ Công an Việt Nam đã bắt mộtTrợ lý của VTP Group hay bắt mộtThành viên Hội đồng quản trị của SCB ? Bà Hồng vừa là Trợ lý của VTP Group,vừa là Thành viên Hội đồng quản trị của SCB, hay Bộ Công an Việt Nam đã chủ động đổi chức danh và nơi làm việc thật của bà ? Đó cũng là "biện pháp nghiệp vụ" ? "Biện pháp nghiệp vụ" ấy có đúng các qui định pháp luật không và nếu chính những "biện pháp nghiệp vụ" này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tựthì có bị xử lý nghiêmnhư Bộ Công an vừa răn đe công chúng không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/10/2022
Chú thích
(5) https://thanhnien.vn/cang-sai-gon-bac-thong-tin-lien-quan-toi-duong-chi-dung-post5622.html
(7) https://vietnamnet.vn/mot-bi-can-trong-vu-an-van-thinh-phat-vua-qua-doi-2068743.html
(8) https://plo.vn/1-bi-can-trong-vu-an-van-thinh-phat-qua-doi-post702578.html