Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/10/2022

Dự đoán đội hình Ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc

Dan Macklin

Kịch bản 1

Các quy chuẩn về nhân sự trong cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế quyền lực của Tập Cận Bình và nâng cao vị thế của các nhà cải cách ủng hộ thị trường.

dcstq1

Trước thềm đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc vào ngày 16/10 này, có nhiều đồn đoán xoay quanh việc ai sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Người ta đặc biệt quan tâm đến Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan đưa ra các chỉ thị và quyết định quan trọng nhất của Bắc Kinh.

Nhưng dự báo chính trị là một công việc cực kỳ rắc rối. Người sáng lập Eurasia Group, Ian Bremmer, từng nhận xét rằng khoa học chính trị "có khả năng dự đoán rất tệ", nhưng có thể "giới hạn phạm vi của các kịch bản". Trên tinh thần đó, tôi sẽ không đưa ra dự đoán chắc chắn, mà thay vào đó, chỉ nêu ra một số kịch bản tiềm năng.

Trong phần đầu tiên của loạt bài viết này, tôi sẽ phân tích một kịch bản trong đó các quy chuẩn nhân sự của Ban Thường vụ vẫn được tuân theo.

Vậy các quy chuẩn nhân sự ở đây là gì ?

Kể từ năm 2002, đã không có ủy viên Ban Thường vụ nào được tái bổ nhiệm ở độ tuổi 68 trở lên, hoặc nghỉ hưu ở độ tuổi 67 trở xuống (còn gọi là quy tắc "thất thượng, bát hạ"). Những cái tên được chọn vào Ban Thường vụ hầu như luôn đến từ Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, nơi cũng áp dụng quy tắc bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 68 (dù một số quan chức đã lựa chọn nghỉ hưu sớm, không giống như ở Ban Thường vụ). Ngoài ra, còn có một quy tắc tạm thời được ban hành vào năm 2006, quy định rằng các quan chức sẽ không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ 5 năm ở một vị trí.

Việc Tập Cận Bình (69 tuổi) giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc dường như đã vi phạm những quy chuẩn này. Tuy nhiên, việc ông tiếp tục nắm quyền sẽ ít bất thường hơn nếu ta xem ông là một tổng bí thư, thay vì một ủy viên Ban Thường vụ bình thường (xem thêm lời giải thích của Ling Li trên The Diplomat). Hầu hết trong số năm người tiền nhiệm của Tập ở vị trí nhà lãnh đạo tối cao đã được tái bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo trong Ban Thường vụ sau khi họ bước sang tuổi 68. (Chỉ có Hồ Cẩm Đào và nhà lãnh đạo bị lật đổ nhanh chóng Hoa Quốc Phong là không được tái bổ nhiệm).

Đối với các ủy viên Ban Thường vụ bình thường, quy chuẩn về độ tuổi được thể hiện rõ ràng hơn. Giả sử các quy chuẩn này được giữ nguyên, Lý Khắc Cường (67 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi) đều có thể ở lại Ban Thường vụ, cũng như Vương Hỗ Ninh (67 tuổi) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi). Nhưng Lật Chiến Thư (72 tuổi) và Hàn Chính (68 tuổi) đều đã đến tuổi nghỉ hưu, tức là có hai ghế bị bỏ trống trong Ban Thường vụ. Như Jonathan Brookfield đã đề cập, hai ứng viên hàng đầu cho những chiếc ghế này là Hồ Xuân Hoa (59 tuổi) và Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi), xét theo thâm niên trong Bộ Chính trị và quan hệ phe phái của họ.

Các vai trò cụ thể sẽ được phân bổ như thế nào ?

Chúng ta chỉ có thể suy đoán cách mà quy chuẩn nhân sự sẽ quyết định vai trò cụ thể trong đảng và nhà nước của từng ủy viên Ban Thường vụ. Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng mình sẽ không phục vụ thêm một nhiệm kỳ nào nữa với tư cách là Thủ tướng Quốc vụ viện, và điều đó sẽ được chính thức hóa tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) nhóm họp vào tháng 03/2023. Uông Dương, dù lớn tuổi hơn Lý, nhưng có thể sẽ kế nhiệm ông, dù chỉ là trong một nhiệm kỳ duy nhất. Và dù chưa có tiền lệ, nhưng Lý có thể chấp nhận bị giáng chức xuống một vị trí thấp hơn trong Ban Thường vụ, chẳng hạn như Chủ tịch Quốc hội.

Tập Cận Bình chắc chắn muốn chọn một trong những đồng minh của mình làm thủ tướng tiếp theo, hơn là một đối thủ khác đến từ Đoàn phái. Nhưng không một đồng minh nào của Tập trong Bộ Chính trị đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm làm phó thủ tướng. Trừ khi yêu cầu đó, hoặc các quy chuẩn khác, bị phá vỡ, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa là hai ứng viên duy nhất đủ điều kiện. Và có lẽ vị quan chức cao tuổi Uông sẽ là lựa chọn hợp lý đối với Tập, hơn là một ngôi sao đang lên như Hồ.

Điều đó sẽ khiến Hồ Xuân Hoa trở thành ứng viên hàng đầu cho chức Phó Thủ tướng thứ nhất vào năm 2023 (và có thể lên kế nhiệm Uông làm thủ tướng vào nhiệm kỳ năm 2028). Ba vị trí còn lại trong Ban Thường vụ sẽ được chia cho Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ, nhiều khả năng là theo thứ tự thâm niên. Dưới đây là tóm tắt kịch bản này.

Kịch bản 1 : Danh sách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20

Tên Tuổi Vị trí trong Ban Thường vụ (theo thứ bậc)
Tập Cận Bình 69 Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc
Uông Dương 67 Thủ tướng Quốc vụ viện
Lý Khắc Cường 67 Chủ tịch Quốc hội
Vương Hỗ Ninh 67 Chủ tịch Chính Hiệp
Triệu Lạc Tế 65 Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Trần Mẫn Nhĩ 62 Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng
Hồ Xuân Hoa 59 Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện

Hàm ý về chính trị và định hướng chính sách

Kịch bản này có một số hàm ý. Đầu tiên, đây sẽ là kịch bản "tốt nhất" cho sự phát triển về mặt thể chế của Đảng cộng sản Trung Quốc, bởi vì nó cho thấy rằng các quy chuẩn nghỉ hưu của Ban Thường vụ vẫn có hiệu lực. Kịch bản này cũng sẽ khôi phục lại quy chuẩn ban đầu về việc lựa chọn hai nhà lãnh đạo tương lai. Cụ thể, Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa sẽ được xác định là hai ứng viên rõ ràng duy nhất cho vị trí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc và Thủ tướng Quốc vụ viện vào năm 2027-2028, vì họ tương đối trẻ so với các thành viên khác trong Ban Thường vụ. Trong kịch bản này, không còn ai khác đủ điều kiện để ở lại Ban Thường vụ vào năm 2027.

Thứ hai, kịch bản này sẽ chứng minh rằng có những giới hạn đối với quyền lực cá nhân của Tập. Gần một nửa Ban Thường vụ là các đối thủ thuộc Đoàn phái (Uông Dương, Lý Khắc Cường và Hồ Xuân Hoa), chỉ có hai người là đồng minh của Tập (Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ). Sẽ không có chỗ cho những phụ tá thân tín khác của Tập như Lý Cường (63 tuổi), người đã bị mất uy tín khi thể hiện khả năng quản lý yếu kém trong đợt phong tỏa Covid-19 ở Thượng Hải. (Tuy nhiên, Ban Thường vụ vẫn có thể được mở rộng, chẳng hạn lên 9 thành viên ; quy mô của ban này đã thay đổi trong những năm qua).

Cuối cùng, kịch bản này có thể làm thay đổi cán cân trong Ban Thường vụ, thiên về những tiếng nói cải cách ủng hộ thị trường, cụ thể là Uông, Lý, Hồ và Trần. Liệu nhóm đa số này – kết hợp với một lượng lớn các nhà kỹ trị trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng – có thể khiến nền kinh tế chuyển hướng, sang tự do hóa và chủ nghĩa thực dụng hơn hay không ?

Thật không may, có những lý do để nghi ngờ triển vọng của kịch bản này. Các nhà cải cách thị trường như Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lưu Hạc đã nắm giữ những vai trò điều hành quan trọng trong thập niên vừa qua, nhưng dường như sự hiện diện của họ chẳng đủ để ngăn cản sự chuyển đổi sang chính sách kinh tế "chính trị chỉ huy" dưới thời Tập Cận Bình.

Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những điều kiện kinh tế bấp bênh nhất sau 10 năm cầm quyền. Chính những điều kiện đó, hơn là yếu tố chính trị, cuối cùng có thể trao quyền cho các nhà cải cách ủng hộ thị trường. Và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ khiến Tập mất mặt và gây thiệt hại cho tầm nhìn "nhà nước lãnh đạo" nền kinh tế Trung Quốc của ông.

Tuy nhiên, đây chỉ là một kịch bản có thể xảy ra. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phác thảo một kịch bản ngược lại, nơi các quy chuẩn bị loại bỏ để tạo điều kiện cho Tập củng cố quyền lực.

*************************

Kịch bản 2

Nếu các quy chuẩn về nhân sự bị bỏ qua, Tập có thể sẽ bổ nhiệm những người thân tín với mình, từ đó làm tăng nguy cơ mắc sai lầm chính sách.

dcstq2

Trong bài viết trước, tôi đã phân tích một kịch bản có thể xảy ra tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc), sẽ bắt đầu vào ngày 16/10. Theo kịch bản đó, Tập Cận Bình sẽ đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, nhưng Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tập trung nhiều nhà cải cách ủng hộ thị trường, những người có khả năng thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách kinh tế.

Dự báo đó giả định rằng các giới hạn về độ tuổi và nhiệm kỳ đối với giới tinh hoa của Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ được tuân theo. Ngược lại, một kịch bản xấu hơn là khi những giới hạn đó bị loại bỏ. Như những gì tôi sẽ phân tích dưới đây, kịch bản này là một bước thụt lùi lớn đối với các thể chế chính trị Trung Quốc. Nó cũng có thể đưa quyền lực của Tập lên đến mức cực đoan, theo đó làm tăng khả năng phạm sai lầm về chính sách.

Các quy chuẩn có thể bị gạt bỏ như thế nào ?

Thay vì chỉ đơn giản được tái bổ nhiệm làm Tổng Bí thư, Tập Cận Bình (hiện 69 tuổi) có thể xóa bỏ chức vụ này và khôi phục chức vụ Chủ tịch Đảng. Thường nhắc nhớ đến Mao Trạch Đông, chức Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc đã không được sử dụng kể từ năm 1982. Việc khôi phục nó sẽ mang lại cho Tập một địa vị sánh ngang với Mao, và nâng ông lên cao hơn nữa so với các ủy viên còn lại trong Ban Thường vụ.

Nhưng để làm cho việc cai trị suốt đời của Tập ít mang tính cá nhân hơn, Hàn Chính (68 tuổi) và Lật Chiến Thư (72 tuổi) có thể ở lại Ban Thường vụ. Trong kịch bản này, đảng sẽ phủ nhận sự tồn tại của quy tắc "thất thượng, bát hạ", quy định rằng những người từ 68 tuổi trở lên sẽ nghỉ hưu khỏi các vị trí lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Và nếu quy chuẩn bị phá vỡ thêm một lần nữa, hai ủy viên đương nhiệm hiện đang 67 tuổi có thể nghỉ hưu sớm. Tầm ảnh hưởng của nhà lý luận đảng Vương Hỗ Ninh và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường có thể đã trở nên quá lớn so với ý muốn của Tập. Nhưng Triệu Lạc Tế (65 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi) là những cái tên ít gây lo ngại hơn, và việc họ duy trì ghế ủy viên Ban Thường vụ sẽ mang lại cho Tập tính liên tục vốn có giá trị trong thời điểm có nhiều thách thức chính sách.

Ngoài ra, như một dấu hiệu cho thấy quyền lực vô biên của Tập, ông có thể ngăn việc trao một vị trí trong Ban Thường vụ cho Hồ Xuân Hoa (59 tuổi), ngôi sao đang lên của Đoàn phái. Thay vào đó, Tập sẽ thăng chức cho nhiều phụ tá thân tín của mình, những đồng minh như Lý Cường (63 tuổi) và Hoàng Khôn Minh (65 tuổi).

Cuối cùng, để đảm bảo phe của mình sẽ thống trị trong tương lai, Tập có thể tăng số ghế Ban Thường vụ từ bảy lên chín (như trong giai đoạn 2002-2012). Một quyết định như vậy sẽ tạo thêm ghế trống cho Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi) và Đinh Tiết Tường (60 tuổi), những người tương đối trẻ để cân bằng với nhóm ủy viên lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, với việc bỏ giới hạn độ tuổi, không rõ liệu một ngày nào đó họ có thể kế vị Tập hay không.

Đồng minh của Tập có thể chen chân vào Ban Thường vụ như thế nào ?

Không giống như giới hạn độ tuổi không chính thức của đảng, các quy tắc bổ nhiệm Thủ tướng Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị phá vỡ. Điều này sẽ ngăn Tập thăng chức cho đồng minh của mình, Lý Cường – người còn thiếu kinh nghiệm làm phó thủ tướng, điều mà cả Uông Dương và Hàn Chính đều có. Trong hai người này, Tập nhiều khả năng sẽ thích một nhân vật trung lập như Hàn, thay vì một đối thủ Đoàn phái như Uông.

Nhưng Uông Dương và Triệu Lạc Tế có thể tiếp quản hai chức vụ cao nhất tiếp theo : Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) và Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chủ tịch Chính Hiệp). Trong số các vị trí của nhà nước cần được lấp đầy vào tháng 03/2023, Lý Cường có thể trở thành Phó Thủ tướng thứ nhất, còn Lật Chiến Thư sẽ trở thành Phó Chủ tịch nước (cũng là phó chủ tịch nước đầu tiên ngồi vào Ban Thường vụ, sau Tập Cận Bình trong giai đoạn 2007-2012).

Trong số các vị trí của đảng, Trần Mẫn Nhĩ dường như là một lựa chọn hợp lý để tiếp quản chiến dịch chống tham nhũng của Triệu Lạc Tế tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Đinh Tiết Tường có thể kế nhiệm Vương Hỗ Ninh ở vị trí lãnh đạo Ban Bí thư Trung ương Đảng, cơ quan quản lý công việc thường ngày của đảng. Còn Hoàng Khôn Minh sẽ kế thừa ghế Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần Trung ương Đảng của Vương, cơ quan giám sát công tác tuyên truyền.

Cuối cùng, để hoàn thành việc thống trị cơ quan quản lý cao nhất của Trung Quốc, Tập có thể để đồng minh chủ chốt là Hà Lập Phong tham dự các cuộc họp của Ban Thường vụ với tư cách thành viên không bỏ phiếu. Vào thời điểm căng thẳng kinh tế ngày càng gia tăng, Hà có thể đóng một vai trò quan trọng với tư cách là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, kế nhiệm Lưu Hạc trong Bộ Chính trị.

Kịch bản 2 : Danh sách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20

Tên Tuổi Vị trí trong Ban Thường vụ (theo thứ bậc)
Tập Cận Bình 69 Chủ tịch Đảng
Hàn Chính 68 Thủ tướng Quốc vụ viện
Uông Dương 67 Chủ tịch Quốc hội
Triệu Lạc Tế 65 Chủ tịch Chính Hiệp
Lật Chiến Thư 72 Phó Chủ tịch nước
Đinh Tiết Tường 60 Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Hoàng Khôn Minh 65 Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần Trung ương Đảng
Trần Mẫn Nhĩ 62 Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng
Lý Cường 63 Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện

Hàm ý về chính trị và định hướng chính sách

Trong kịch bản này, các đồng minh của Tập Cận Bình sẽ chiếm ưu thế trong Ban Thường vụ, và Đoàn phái chỉ còn một đại diện duy nhất là Uông Dương. Kịch bản này sẽ mang lại cho Tập khả năng kiểm soát lớn bất thường, và có thể dẫn đến những tình huống xấu cho sự ổn định chính trị lâu dài của Trung Quốc. Về cơ bản, quy chuẩn về độ tuổi nghỉ hưu là cơ chế duy nhất để điều chỉnh nhân sự trong Ban Thường vụ, và việc từ bỏ quy chuẩn này có nguy cơ đưa đất nước quay trở lại chế độ lão trị thời Mao.

Bước thụt lùi về thể chế này cũng sẽ có những tác động đáng lo ngại đối với định hướng chính sách. Được vây quanh bởi một liên minh các quan chức yếu kém nhưng trung thành, Chủ tịch Tập sẽ chỉ phải đối mặt với sự phản kháng tối thiểu trong việc kiên trì áp dụng "zero Covid" hoặc gia tăng đàn áp các tập đoàn. Ông sẽ bị mắc kẹt trong một vòng tròn các ý kiến phản hồi theo hướng chuyên chế, ngày càng không nhận thức được thiệt hại do chính sách của mình gây ra.

Hậu quả của việc quay lại chế độ độc nhân trị là sự tổn hại đến di sản của Tập, đồng thời làm suy yếu chính đảng mà ông đã dành 10 năm qua để củng cố. Thật may, viễn cảnh đó sẽ khiến kịch bản này trở thành một kết quả khó xảy ra tại Đại hội lần thứ 20.

Một kịch bản có thể xảy ra hơn là quyền lực của Tập Cận Bình sẽ lớn mạnh, nhưng vẫn được giám sát bởi các quy chuẩn thể chế và động lực cạnh tranh phe phái. Bởi vì, trái với những gì một số nhà bình luận nghĩ, Tập không phải là hiện thân tái sinh của Mao.

Dan Macklin

Nguyên tác : "China’s 20th Party Congress : A Downside Scenario", The Diplomat, 12/10/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng bên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/10/2022

Dan Macklin là một nhà phân tích chính trị và nhà tư vấn rủi ro, hiện đang sống tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Ông chuyên viết về chính trị và kinh tế chính trị Trung Quốc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dan Macklin, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)