Các nhà sử học ngầm của Trung Quốc đang thách thức câu chuyện lịch sử của Đảng cộng sản nước này.
Chân dung lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông và ảnh lãnh đạo sinh viên biểu tình Chai Ling, Hồng Kông, tháng 4/2014 - Tyrone Siu / Reuters
Đầu năm 1990, một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc đã ẩn náu cùng vợ và con trai tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, trong lúc chứng kiến đất nước bị nhấn chìm bởi bạo lực. Vào tháng 6 một năm trước, chính quyền đã đàn áp các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo ở Quảng trường Thiên An Môn, sát hại hàng trăm người và buộc nhiều người khác phải lưu vong. Phương Lệ Chi khi đó đã trốn đến đại sứ quán và đang chờ đợi một thỏa thuận cho phép ông rời đi.
Với nỗi tuyệt vọng sâu sắc, Phương đã viết "Chứng mất trí nhớ của Trung Quốc" (bản dịch tiếng Anh : The Chinese Amnesia), một bài tiểu luận giải thích tại sao những bi kịch cứ liên tục ập đến với Trung Quốc. Ông cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) đã kiểm soát lịch sử một cách gắt gao đến mức đại đa số người dân vẫn không nhận thức được chu kỳ bạo lực bất tận của đảng này. Kết quả là người dân chỉ biết được những gì bản thân họ đã trải qua, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tuyên truyền của đảng, "Theo cách này, cứ khoảng một thập niên, bộ mặt thật của lịch sử sẽ bị xóa hoàn toàn khỏi ký ức của xã hội Trung Quốc", Phương nhận xét. "Đây là mục tiêu của chính sách ‘Lãng quên Lịch sử’ của cộng sản Trung Quốc".
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc ngày nay ủng hộ cách nhìn nhận của Phương. Họ cho rằng quyền kiểm soát lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi vì đảng hiện được hỗ trợ bởi một nhà nước kỹ trị hùng mạnh hơn, được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo cam kết minh oan cho quá khứ. Trong khi đó, hệ thống giám sát quốc gia rộng lớn luôn để mắt tới bất kỳ ai có quan điểm khác biệt về quá khứ hoặc hiện tại. Chứng mất trí nhớ của Trung Quốc dường như đã trở thành bệnh kinh niên.
Tuy nhiên, quan điểm này là sai. Phương đã mô tả chính xác Trung Quốc ở thời điểm đầu thập niên 1990. Nhưng một vài năm sau đó, mô hình xóa bỏ lịch sử này đã bắt đầu bị phá vỡ. Lý do chính là sự nổi lên của phong trào sử gia công dân, những người đang thách thức sự kiểm soát lịch sử của đảng. Nền tảng cho những nỗ lực của họ là hai công nghệ kỹ thuật số cơ bản mà chúng ta thường không để tâm đến : PDF và máy ảnh kỹ thuật số. Vì quá phổ biến trong cuộc sống hiện đại nên chúng thường dễ bị bỏ qua, tuy nhiên, chúng đã thay đổi căn bản cách ký ức lịch sử được bảo tồn và lan truyền ở các quốc gia độc tài như Trung Quốc. Chúng cho phép người ta hồi sinh những cuốn sách bị cấm hoặc không còn xuất bản, và tạo ra những ấn phẩm mới mà không cần máy in hay máy photocopy. Chúng cũng giải phóng các nhà làm phim khỏi những thiết bị cồng kềnh và đắt tiền, mà trước đây chỉ các hãng phim hoặc hãng truyền hình mới có thể mua được. Kết quả là hai thập niên tràn ngập sách báo, tạp chí, và phim ảnh được làm trên máy tính xách tay và được chia sẻ khắp nơi qua email, tập tin, và thẻ nhớ.
Những công cụ này đã được chứng minh là vũ khí thời hiện đại của kẻ yếu, cho phép một nhóm người nổi lên đối đầu với chính phủ về vấn đề nguồn gốc của tính chính danh : cách thể hiện lịch sử giống như thần thoại. Theo câu chuyện huyền thoại hóa của đảng về quá khứ, Đảng cộng sản Trung Quốc đã lên nắm quyền vào giữa thế kỷ 20 để cứu đất nước Trung Hoa, và sau đó tiếp tục điều hành đất nước nhờ thành tích gần như không tì vết. Khi quảng bá câu chuyện này, đảng có những lợi thế to lớn, bao gồm độc quyền về truyền hình, phim ảnh, xuất bản, và chương trình giảng dạy ở trường học. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản các sử gia công dân tiếp tục thách thức nhà nước ngay cả vào thời nay, dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã coi việc kiểm soát lịch sử là một trong những chính sách đặc trưng của mình.
Các sự kiện như biểu tình "giấy trắng" hồi năm ngoái, nhằm chống lại lệnh phong tỏa Covid và nền kinh tế đang chậm lại, đã cho thấy cách một lượng lớn người dân Trung Quốc nhìn thấu sự tư lợi trong câu chuyện quá khứ của chính phủ. Các nhà tuyên truyền của chính phủ có thể đưa phiên bản thực tế của họ lên các kênh truyền thông chính thức, hoặc cản đường những thông tin không mong muốn. Hình thức kiểm duyệt phức tạp này đồng nghĩa là hầu hết người dân vẫn đồng ý với phiên bản sự kiện của chính phủ. Tuy nhiên, hiện đã có đủ người được tiếp cận với những cách giải thích khác nhau để thúc đẩy việc đặt câu hỏi cho chính phủ một cách sâu rộng và thường trực. Những nỗ lực ngày càng mạnh tay của đảng nhằm kiểm soát lịch sử đã chứng minh sức mạnh của cuộc nổi dậy này, vốn được Tập coi là một cuộc đấu tranh sinh tử mà đảng phải giành chiến thắng bằng mọi giá.
Xóa bỏ tất cả
Kể từ thời Mao Trạch Đông, Đảng cộng sản Trung Quốc đã sử dụng những huyền thoại để giải thích quá khứ gần đây của họ. Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Nạn đói lớn, từ năm 1959 đến năm 1961, giết chết tới 45 triệu người, gấp khoảng 20 lần số người chết trong Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, về mặt chính thức, cái được gọi là "Ba năm Đói kém" này chỉ giết chết vài triệu người, và lý do chỉ là vì thiên tai và sự rút lui của các cố vấn Liên Xô. Nói cách khác, đảng vô tội. Tuy nhiên, quan điểm xuyên tạc lịch sử này đã bị hầu hết các nhà sử học hàng đầu ở cả trong và ngoài nước bác bỏ, chưa kể đến những người đã sống qua thời kỳ đó. Họ biết rõ rằng nạn đói xảy ra do chính sách kinh tế ảo tưởng của Mao, buộc nông dân phải theo đuổi các chiến lược công nghiệp và nông nghiệp viển vông, khiến mùa màng bị phá huỷ suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, cho đến gần đây, khác biệt này không phải là vấn đề lớn đối với đảng, vì nó chỉ tạo ra sự xa cách ở một vài nhóm nhỏ – một số người có thể biết phiên bản của đảng là sai sự thật, nhưng hầu hết mọi người chỉ biết đến phiên bản của đảng mà thôi. Nhưng các sử gia không chính thức của Trung Quốc đã làm lung lay cách giải thích của đảng trong một loạt các sự kiện bước ngoặt quan trọng trong gần 75 năm cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Chúng bao gồm các vụ thảm sát trong thập niên 1940 và 1950 chống lại tầng lớp quý tộc từng điều hành các vùng nông thôn (mà đảng gọi là chiến dịch chống "địa chủ"), Nạn đói lớn, Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn, và gần đây nhất là phong tỏa Covid-19.
Một trụ cột của phong trào phản lịch sử này là tạp chí sinh viên ra đời vào năm 1960, có tên là Tinh Hỏa (tên tiếng Anh : Spark). Tạp chí được thành lập bởi những sinh viên đã bị cuốn vào một chiến dịch hồi những năm 1950, nhằm chống lại tầng lớp trí thức của Trung Quốc, đày những người này đến miền tây đất nước. Tại đó, họ đã tận mắt nhìn thấy hậu quả của Nạn đói lớn : ăn thịt đồng loại, chết đói hàng loạt, và các quan chức quá sợ Mao nên không dám báo cáo sự thật. Họ thành lập tạp chí với hy vọng khơi dậy sự phản đối chế độ độc đảng, xuất bản các bài báo chống chế độ chuyên quyền (despotism), viết về sự thiếu tự do ngôn luận, và sự bất lực của nông dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay sau khi Tinh Hỏa ra mắt, chính quyền đã đóng cửa và tịch thu tất cả các bản sao của tạp chí này. Bốn mươi ba người bị bắt, ba người bị hành quyết, và số còn lại bị đưa đến các trại lao động. Sau khi Mao qua đời vào năm 1976 và những nhân vật tương đối ôn hòa lên nắm quyền, đảng đã bù đắp một phần cho những hành vi quá đáng của thời kỳ đó. Một số người đã được phép xem hồ sơ nhân thân của mình, hay còn gọi là đương án, loại hồ sơ mà nhà nước dùng để giám sát mọi công dân, chứa đựng đủ loại thông tin từ điểm thi trung học đến án tích. Vào những năm 1980, một trong những sinh viên có liên quan đến Tinh Hỏa, Đàm Thiền Tuyết, đã được xem đương án của mình và nhận ra chính quyền đã lưu giữ các bản sao của mọi thứ dùng để kết án bà một cách vô cùng nghiêm túc. Chúng bao gồm các bản sao của tạp chí, lời thú tội của tất cả các sinh viên, và thậm chí cả những bức thư tình mà bà đã viết cho bạn trai mình, người từng là động lực thúc đẩy tạp chí, và đã bị hành quyết vào năm 1970.
Đàm đã chụp ảnh tất cả các tài liệu trong hồ sơ, nhưng suốt nhiều năm, bà chỉ giữ chúng trong căn hộ của mình. Thế rồi, vào những năm 1990, bạn của bà đã sử dụng những bức ảnh này để tạo thành tệp PDF. Điều đó đã giúp hồi sinh Tinh Hỏa ở định dạng kỹ thuật số và cho phép mọi người tìm hiểu về lời phê bình trước đây của sinh viên đối với chế độ độc đảng. Nó cũng cho phép mọi người chia sẻ hàng trăm trang tài liệu của cảnh sát về các sinh viên, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim, nhà báo, và nhà tư tưởng độc lập ở Trung Quốc làm phim, viết sách, và bình luận về các sinh viên và tạp chí của họ. Những ký ức từng là ký ức cá nhân nay trở thành ký ức tập thể – dù không phải đối với tất cả người Trung Quốc, nhưng cũng là một số lượng đáng kể người dân, mà nhiều người trong số đó có trình độ học vấn cao và có ảnh hưởng.
Suốt hai mươi năm qua, việc tái khám phá quá khứ và tạo ra kiến thức lịch sử mới này đã được lặp lại vô số lần. Hàng trăm cuốn sách đã gạt bỏ phiên bản quá khứ của đảng và đang được phổ biến rộng rãi trên mạng, trong khi các nhà quay phim thực hiện những bộ phim tài liệu và lịch sử truyền miệng đầy tham vọng, nhằm bảo tồn những tiếng nói đã từng bị biến mất.
Học cách lên tiếng
Một cách để hiểu mối quan hệ đang thay đổi của Trung Quốc với ký ức lịch sử là tìm hiểu về một trong những nhà văn Trung Quốc vĩ đại nhất trong nửa thế kỷ qua, tiểu thuyết gia Vương Tiểu Ba.
Vương bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi vợ ông, Lý Ngân Hà, người được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về tính dục ở Trung Quốc. Bà đã nghiên cứu và viết về phong trào đồng tính nam và đồng tính nữ ở Trung Quốc, thậm chí trong những năm gần đây còn đứng lên bảo vệ những công dân chuyển giới và song tính. Hai người gặp nhau vào năm 1979 và kết hôn một năm sau đó. Năm 1984, cả hai đến Đại học Pittsburgh, nơi Lý lấy bằng tiến sĩ và Vương lấy bằng thạc sĩ. Khi họ trở về Trung Quốc vào năm 1988, Lý đảm nhận một vị trí tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong khi Vương giảng dạy lịch sử và xã hội học tại Đại học Nhân dân và Đại học Bắc Kinh.
Vào thời điểm diễn ra phong trào sinh viên năm 1989, Vương đã giữ im lặng trước các cuộc biểu tình. Ông đã bị tổn thương sau Cách mạng Văn hóa, và cũng không chắc chắn về phong trào non trẻ mới. Ai là người lãnh đạo nó ? Mục tiêu của nó là gì ? Giống như nhiều người cùng thế hệ, ông cảnh giác với những phong trào lớn, đôi khi vô trật tự kiểu này. Giữ im lặng đã trở thành chủ đề trong bài tiểu luận nổi tiếng nhất của Vương, "Đa số Im lặng". Ông mô tả thời đại Mao đã làm mọi người phải im lặng như thế nào trước sự hiện diện khắp nơi của lãnh tụ : những suy nghĩ, ý tưởng, và lời nói của ông ấy trút xuống ngày đêm. Điều đó đã để lại một vết sẹo, mà đối với Vương có nghĩa là, "Tôi không thể tin tưởng những người thuộc xã hội ngôn luận". Cuộc đấu tranh để tìm ra tiếng nói đã trở thành một hành trình cá nhân đối với Vương và là một câu chuyện ngụ ngôn đối với toàn bộ người dân Trung Quốc.
Đây chính là điều đã thu hút Vương nghiên cứu về cộng đồng người đồng tính ở Trung Quốc. Các nhóm thiệt thòi đã bị bịt miệng. Họ đã bị tước đi tiếng nói. Xã hội đôi khi còn phủ nhận sự tồn tại của họ. Thế rồi, Vương chợt nhận ra : phần lớn xã hội Trung Quốc không có tiếng nói – không chỉ những người có xu hướng tính dục khác biệt, mà cả sinh viên, nông dân, người di cư, thợ mỏ, người dân sống ở các khu đô thị lịch sử sắp bị phá bỏ, và nhiều người khác nữa. Họ không chỉ là thành viên của một vài nhóm lợi ích đặc biệt, mà còn đại diện cho một bộ phận lớn trong xã hội Trung Quốc. Ông viết, "Những người này giữ im lặng vì bất kỳ lý do gì. Một số là vì họ thiếu khả năng hoặc cơ hội để lên tiếng, số khác là bởi họ đang che giấu điều gì đó, và những người khác nữa thì nhận ra mình có sự chán ghét nhất định đối với thế giới ngôn luận". Ông cũng thêm rằng, "Là một người trong số họ, tôi có nhiệm vụ phải nói ra những gì tôi đã thấy và đã nghe".
Trên thực tế, Vương bị sốc trước vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và đã tự vấn bản thân vì không ủng hộ những người biểu tình. Nhưng ông tin rằng những người biểu tình, dù họ cao thượng đến đâu, cũng chỉ đại diện cho một cách làm cũ mà ông không còn có thể ủng hộ. Họ tự coi mình là những trí thức xưa, những người muốn gây ảnh hưởng đến nhà nước để rồi tức giận vì bị phớt lờ. Còn Vương nhìn xã hội theo cách khác. Ông tin rằng vấn đề cốt lõi là xã hội đã bị chia cắt thành các nhóm quá yếu để chống lại sức mạnh áp đảo của nhà nước độc đảng. Đây mới là lý do tại sao người Trung Quốc im lặng. Cuối cùng, ông nhận ra rằng mình phải viết về những nhóm này chứ không phải trở thành một trí thức có đặc quyền khác.
Đi từ cơ sở
Vương đã trở thành một trí thức nổi tiếng, người đã viết rất nhiều cho các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Dù ông qua đời chỉ 5 năm sau đó, vào năm 1997, vì một cơn đau tim ở tuổi 44, nhưng ông đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Một trong số những người chịu ảnh hưởng từ ông là học giả nữ quyền và nhà làm phim ngầm Ái Hiểu Minh, tác giả của những bộ phim xoay quanh những nhóm thiệt thòi trong xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như nông dân, nạn nhân bị hãm hiếp, và tù nhân trong trại lao động. Những người khác, chẳng hạn như các nhà văn Diêm Liên Khoa và Liêu Diệc Vũ, cũng bắt đầu mô tả những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, chẳng hạn như các tù nhân và nạn nhân thời Mao. Một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất của Trung Quốc, Giả Chương Kha, thường nói rằng Vương là nhà văn đã truyền cảm hứng cho ông, để kể những câu chuyện cá nhân hơn là những câu chuyện tập thể được nhà nước ưa chuộng.
Bản thân Vương cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nhà tư tưởng. Khi còn là một thanh niên lớn lên ở Trung Quốc thời Mao, ông đã bí mật đọc các tác phẩm của Bertrand Russell và nội hóa ý tưởng về tự do cá nhân. Tại Pittsburgh, ông cũng đọc thêm Michel Foucault và mô tả của ông ấy về mối quan hệ quyền lực giữa các cá nhân và nhà nước. Bên cạnh việc tác động đến suy nghĩ của Vương, Foucault cũng giúp giải thích vai trò của chính Vương trong xã hội Trung Quốc. Foucault mô tả cách mà rất nhiều trí thức đã chuyển từ việc giảng dạy về các chủ đề phổ quát kinh điển – như tự do, đạo đức, sự tồn tại – sang các lĩnh vực cụ thể mà họ sở hữu kiến thức chuyên môn. Chính nhờ những kiến thức chuyên môn này, họ có thể can thiệp một cách hiệu quả vào các cuộc tranh luận công khai, thường là thay mặt cho các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người nhập cư, hoặc người nhiễm HIV/AIDS.
Tại phương Tây, bước chuyển đổi này bắt đầu vào giữa thế kỷ XX, nhưng ở Trung Quốc, nó chỉ trở thành hiện thực nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số. Trong thập niên sau cái chết của Vương, các sử gia công dân đã xuất hiện khắp nơi, không chỉ nhờ các tệp PDF và máy ảnh kỹ thuật số giá rẻ, mà còn – trong một vài năm – nhờ Internet tương đối tự do. Điều đó cho phép các blog, bản tin, và mạng xã hội phát triển mạnh, mang lại một nền tảng cho những tiếng nói không chính thức này.
Vương Tiểu Ba và Lý Ngân Hà, Bắc Kinh, 1996 © Mark Leong
Sự nổi lên của Tập Cận Bình là một phần trong phản ứng dữ dội chống lại kỷ nguyên cởi mở đó. Ông đã trấn áp các đảng viên ương ngạnh, cũng như các tổ chức phi chính phủ, và các cuộc thảo luận về chính sách công. Nhưng một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông là kiểm soát lịch sử. Năm 2013, Tập ra lệnh cấm chỉ trích thời Mao. Năm 2016, ông đóng cửa Viêm Hoàng Xuân Thu, tạp chí phản lịch sử hàng đầu – dù chính cha ông, Tập Trọng Huân, một quan chức cấp cao, từng ủng hộ mạnh mẽ tạp chí này. Và vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã viết lại các hướng dẫn về cách mô tả lịch sử, tìm cách che giấu hơn nữa những sự kiện quan trọng như Cách mạng Văn hóa.
Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh kiểm soát quá khứ ngày một gắt gao hơn, công việc của các sử gia công dân vẫn tiếp tục tiến triển. Trong khi một số cá nhân nổi bật nhất, chẳng hạn như các nhà làm phim Ái Hiểu Minh và Hồ Kiệt, thường xuyên bị quấy rối, thì những người khác vẫn tiếp tục làm việc. Tạp chí lịch sử ngầm có ảnh hưởng nhất, Ký ức (Remembrance), đã xuất bản liên tục dưới dạng PDF kể từ năm 2008 ; gần đây, nó đã xuất bản số thứ 245.
Không phải ngẫu nhiên mà trong số những "trí thức cơ sở" này lại dễ dàng tìm thấy những tiếng nói nữ giới, như Ái Hiểu Minh, nhà thơ Lâm Chiêu, và nhà văn Giang Tuyết, và những tiếng nói thiểu số, như nhà trí thức Duy Ngô Nhĩ đang bị cầm tù Ilham Tohti và nhà thơ Tây Tạng Tsering Woeser. Những tiếng nói như của họ thường bị loại khỏi văn hóa chính thống, xuất phát từ truyền thống Nho giáo do nam giới thống trị của giới trí thức người Hán, hoặc thế giới của các đại trượng phu của các tiểu thuyết gia có tên tuổi lớn của Trung Quốc. Trong bài tiểu luận mô tả hành trình cá nhân của mình, Vương Tiểu Ba đã mô tả một sự khác biệt với thế giới của các nhà tư tưởng đại chúng truyền thống. Các trí thức và sử gia công dân không phải là một phần của truyền thống Nho giáo, với những bận tâm "cao cả" dành cho đất nước hoặc nhân dân, mà được thúc đẩy hành động vì lý do cá nhân. Ông viết, "Người tôi mong muốn nâng cao nhất chính là bản thân mình. Điều này thật đáng khinh ; nó cũng ích kỷ ; và nó cũng đúng".
Vương chia sẻ động lực này với các nhà tư tưởng cấp cơ sở khác. Nhà báo sau này trở thành nhà sử học Dương Kế Thằng đã chứng kiến cha nuôi của mình chết đói trong Nạn đói lớn, và quyết định rằng công việc cả đời của ông sẽ là ghi lại biến cố khủng khiếp đó. Blogger Lão Hổ Miếu (tên thật Trương Thế Hòa) từng là lao động cưỡng bức trẻ em ở một tuyến đường sắt vào những năm 1960, và sau đó cũng quyết định ghi lại câu chuyện lịch sử của mình. Ái Hiểu Minh thì nhìn thấy những phụ nữ bị áp bức. Còn Giang Tuyết khi biết rằng ông mình qua đời vì đói đã bắt đầu nghiên cứu về nạn đói. Gần đây hơn, nhiều người đã phải chịu đau khổ vì cách chính phủ xử lý sai lầm đại dịch Covid-19 và bắt đầu ghi lại trải nghiệm của mình. Phản ứng này có thể được cho là hẹp hoặc cục bộ, nhưng như Vương đã chỉ ra, đó cũng là cách xã hội thay đổi : bởi mọi người đang cố gắng hiểu và mô tả cuộc sống của chính họ.
Tác động của các nhà sử học ngầm này có thể được đo lường theo hai cách. Một là cam kết của chính phủ trong việc loại bỏ họ. Người ta thường cho rằng những nhà lãnh đạo độc tài có "vốn chính trị" vô tận. Trên thực tế, họ phải lựa chọn trận chiến của mình. Quyết định của Tập Cận Bình coi việc kiểm soát lịch sử là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông cho thấy rằng ông cảm thấy nó là điều quan trọng. Trong các bài phát biểu, ông đã lên tiếng rõ ràng chống lại các xu hướng ở Liên Xô những năm 1980, khi lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, cho phép chỉ trích lịch sử đảng như một phần trong chính sách glasnost, hay công khai hóa. Tập nói rằng bằng cách cho phép chỉ trích lịch sử Liên Xô, hành động của Gorbachev đã khiến ý thức hệ của đất nước trở nên rỗng tuếch. Theo phân tích của Tập, đây là lý do chính khiến Liên Xô sụp đổ – và cũng là lý do tại sao Đảng cộng sản Trung Quốc phải tiêu diệt các nhà sử học không chính thức.
Các cuộc biểu tình giấy trắng gần đây cho thấy những xu hướng ngầm này có thể gây ra hậu quả chính trị, tạo ra thách thức lớn nhất đối với đảng kể từ cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Chính trong thời kỳ này, các nhà văn như Giang Tuyết đã trở nên cực kỳ nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Trước đó, trong sự nghiệp của mình, bà từng viết một bài luận dài trên tạp chí Tinh Hỏa, và nhiều bài viết khác để phân tích tình trạng bất ổn phổ biến ở Trung và Đông Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các bài viết trong năm 2022 và 2023 của bà, vốn dựa trên những trải nghiệm này, đã bị cơ quan kiểm duyệt cấm nhưng vẫn được đăng đi đăng lại hàng trăm lần.
Trong lúc Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề khó khăn trên nhiều mặt – tăng trưởng chậm, các vấn đề về nhân khẩu học, và môi trường chính sách đối ngoại căng thẳng – thì những sự kiện như các cuộc biểu tình giấy trắng có thể dần trở thành điềm báo về một thời kỳ mới, biến động hơn. Nhưng chúng cũng gợi ý rằng những công dân bình thường của Trung Quốc đã dần sẵn sàng đặt nghi vấn về những câu chuyện chính thức về quá khứ của đất nước họ, và phát triển những cách diễn giải mới về các lực lượng đang định hình hiện tại và tương lai của đất nước.
Ian Johnson là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn sách "Sparks : China’s Underground Historians and Their Battle for the Future" (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2023). Bài viết này được trích lược từ nội dung cuốn sách.
Ian Johnson
Nguyên tác : "Who Gets to Tell China’s Story ?", Foreign Affairs, 19/12/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/12/2023
Trung Quốc cách chức ngoại trưởng Tần Cương, đấu đá gia tăng trong nội bộ Đảng ?
Thanh Hà, RFI, 26/07/2023
Chính sách của Bắc Kinh với Mỹ có thay đổi gì hay không sau vụ Bộ ngoại giao Trung Quốc đổi chủ ? Việc ngoại trưởng Tần Cương, một người thân cận với chủ tịch Tập Cận Bình, bị bãi chức sau một tháng "mất tích" là một đòn "thanh toán" trong nội bộ đảng cộng sản và là hồi kết trong sự nghiệp đầy hứa hẹn của một "ngôi sao đang lên" trên chính trường Trung Quốc ?
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vừa bị cách chức. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 21/02/2023. Reuters – Thomas Peter
Báo chí quốc tế hôm 26/07/2023 nói đến một sự nghiệp nhanh chóng "cất cánh" của ông Tần Cương, 57 tuổi, để rồi chỉ vài giờ sau thông báo thay đổi nhân sự trong Bộ ngoại giao, tên của ông Tần thậm chí đã "bị xóa" hẳn trên các trang mạng chính thức của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã không đưa ra bất kỳ giải thích nào về lý do cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương bị thất sủng.
Vẫn chưa thể trả lời câu hỏi "tại sao người từng được ông Tập Cận Bình cất nhắc đã đột ngột rớt đài".
Ông Vương Nghị quay trở lại Bộ ngoại giao chỉ 7 tháng sau khi bàn giao lại chức vụ này cho họ Tần. Như vậy người được mệnh danh là "con cáo bạc" của nền ngoại giao Trung Quốc kiêm nhiệm luôn cả chức chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại của Đảng.
Trên nhật báo Libération, chuyên gia về Trung Quốc giáo sư Jean-Pierre Cabestan, thuộc trung tâm Asia Centre cho rằng ông Tần Cương mất chức vì lý do chính trị : Từng là bí thư của sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn, rồi sau này đứng đầu sứ quán Trung Quốc ở Washington trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2023, ai cũng biết Mỹ là điểm "nhậy cảm" nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Một số nguồn tin khác nhắc lại rằng, mùa thu năm ngoái các chuyên gia về Trung Quốc đã khá ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình cất nhắc nhân vật "thân tín trong số những người thân cận" của mình vào chức vụ ngoại trưởng, thay thế họ Vương. Đà thăng tiến nhanh chóng đó của ông Tần Cương đã khiến "không ít người ganh tị" nhưng rồi chủ tịch Trung Quốc đã thành công trong việc áp đặt người của mình đứng đầu ngành ngoại giao.
Cũng chuyên gia Cabestan cho rằng, rất có thể vì rất thạo Anh ngữ lại nổi tiếng là có quan hệ với Hoa Kỳ, nên một bộ phận trong "guồng máy Đảng không còn tin tưởng vào nhân vật này", họ sợ rằng ông Tần Cương "trở thành một công cụ trong tay Hoa Kỳ hoặc của phương Tây".
Nếu như chính ông Tập Cận Bình đã gây sức ép để "gài" người thân tín vào Bộ ngoại giao, vậy giờ đây việc cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ này bị thất sủng có ảnh hưởng gì đến uy tín của nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh hay không ?
Theo Bill Bishop, điều hành một tờ báo chuyên về thời sự Trung Quốc, Sinocism, dù bị thanh trừng hay kỷ luật thì vụ này cũng có nguy cơ "làm xấu đi hình ảnh của chính ông Tập".
Về câu hỏi Bộ ngoại giao Trung Quốc đổi chủ - hay chính xác hơn là tìm lại chủ cũ là ông Vương Nghị - báo trước điều gì về quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington khi biết rằng ông Tần Cương có chủ trương "mềm mỏng hơn so với ông Vương Nghị" ?
Trả lời báo Le Figaro Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Canada xem đây "là một vấn đề". Vụ thay đổi nhân sự đó diễn ra vào lúc mà quan hệ giữa hai nền kinh tế toàn cầu đang căng thẳng. Mỗi bên đều viện lý do "an ninh quốc gia" để nhắm vào các quyền lợi kinh tế của đối phương. Tổng thống Biden cũng như người tiền nhiệm cáo buộc Trung Quốc dọ thám Hoa Kỳ. Nhọc nhằn lắm đối thoại song phương mới được khởi động lại ở cấp ngoại giao, tài chính nhưng về quốc phòng thì không.
Trong bối cảnh đó, nếu đúng như là Trung Quốc cũng thực lòng muốn đưa quan hệ song phương thoát khỏi bế tắc thì tại sao lại không khai thác những mối quan hệ với Mỹ mà cựu ngoại trưởng Tần Cương đã có được ?
Do vậy không ít người nghĩ rằng đây là một đòn chính trị, một vụ "đấu đá nội bộ» bởi vì ông Vương Nghị và ông Tần Cương không ưa gì nhau. Việc ông Vương nắm giữ cả hai chức vụ ngoại trưởng và chủ nhiệm Văn Phòng Ủy ban Đối ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc, dường như củng cố thêm cho giả thuyết này.
Một nhà phân tích thuộc cơ quan tư vấn Eurasia Group không vòng vo khi cho rằng "Vương Nghị rõ ràng là đã cho mở điều tra về Tần Cương và sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần đã làm phật lòng khá nhiều các nhà ngoại giao kỳ cựu".
Đối với Alex Payette, những diễn biến gần đây trên chính trường Trung Quốc hay chính xác hơn là trong guồng máy ngoại giao của nước này cho thấy "có những căng thẳng trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh về chiến lược đối với Hoa Kỳ".
Dù vậy nhà chính trị học Neil Thomas thuộc một trung tâm nghiên cứu của Mỹ Asia Society tỏ ra thận trọng khi nói về kịch bản họ Tần bị "thất sủng" : dù không còn giữ chức ngoại trưởng, dù đã bị xóa tên trên trang chính của Bộ ngoại giao, nhưng ông Tần Cương vẫn là "cố vấn Nhà nước". Vả lại, đôi khi một số nhân vật chính trị Trung Quốc hàng đầu cũng đã từng "biến mất" trong một thời gian để rồi "quay trở lại" như chính trường hợp của ông Tập Cận Bình : Trước khi "đăng quang" cuối năm 2012, ông đã "bặt tăm trong 15 ngày".
Một nhà quan sát khác được AP trích dẫn không loại trừ khả năng đôi khi "những tính toán kinh tế và thương mại" có thể lấn át một số xung khắc về chính trị . Vấn đề còn lại là ai đang "cầm lái" tại Bắc Kinh mà thôi !
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 26/07/2023
***************************
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương bị cách chức
Thùy Dương, RFI, 25/07/2023
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), không còn xuất hiện trước công chúng từ một tháng nay, đã bị cách chức, chỉ sau hơn nửa năm tại vị. Theo AFP, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 25/07/2023 đưa tin như trên.
Ông Tần Cương họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/05/2023. AP - Thomas Peter
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu lý do của việc cách chức ông Tần Cương, vị ngoại trưởng mới nhậm chức hồi tháng 12/2022. Tân Hoa Xã hôm nay chỉ cho biết là người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Vương Nghị (Wang Yi) được đưa trở lại chức ngoại trưởng.
Tuy có lịch trình làm việc dày đặc, ông Tần Cương đã không xuất hiện kể từ ngày 25/06. Ngoại trưởng Trung Quốc đã không hiện diện khi đồng nhiệm Việt Nam sang thăm Bắc Kinh. Ông Tần Cương cũng vắng mặt tại nhiều cuộc họp ngoại giao quan trọng, chẳng hạn như cuộc họp với các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia hồi đầu tháng 7 này.
Sự vắng mặt bất thường của ngoại trưởng Tần Cương trong thời gian qua đã làm lan truyền nhiều tin đồn trên mạng xã hội. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã viện dẫn "lý do sức khỏe" để giải thích cho sự vắng mặt này. Kể từ khi ông Tần Cương bất ngờ "biến mất", người tiền nhiệm của ông là Vương Nghị đã thực hiện một số hoạt động với tư cách cựu ngoại trưởng Trung Quốc.
Xin nhắc lại, ông Vương Nghị hiện là chủ nhiệm Văn phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tức lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc, cao hơn cả chức ngoại trưởng.
Thùy Dương
Thống trị "thế giới hậu Phương Tây"
Chưa bao giờ chế độ Trung Quốc quyết tâm chống ảnh hưởng của Tây phương trên lãnh thổ như hiện giờ. Bắc Kinh đang "khóa chặt" người dân trong nước, lựa chọn các đồng minh nhằm thỏa mãn tham vọng đạt vị thế thống trị trong một "thế giới hậu Phương Tây".
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon
Trên đây là những nhận định của nhà phân tích Alice Ekman, phụ trách khu vực Châu Á, Viện Nghiên Cứu An Ninh Châu Âu (EUISS), tác giả cuốn sách "Dernier vol pour Pékin" (Chuyến bay cuối cùng tới Bắc Kinh), Nhà xuất bản Observatoire, trong bài phỏng vấn có tiêu đề : "Chế độ cảm thấy bị đe dọa".
RFI giới thiệu bài phỏng vấn đăng trên báo tuần Le Point số ra ngày 01/12/2022.
Le Point : Bà phân tích thế nào về phong trào biểu tình trong những ngày qua ?
Alice Ekman : Điều gây ngạc nhiên là phong trào biểu tình diễn ra ở cùng lúc tại nhiều thành phố trong cả nước. Đó là những cuộc tập hợp thực sự ngoài đời chứ không phải chỉ là trên mạng. Và một số người biểu tình rõ ràng có đòi hỏi vượt xa những đòi hỏi về chính sách Zero Covid. Họ đặc biệt đòi hỏi quyền tự do ngôn luận. Những đòi hỏi như vậy được thể hiện trên đường phố là điều mới lạ. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận thận trọng, vì hầu hết các hình ảnh chúng ta thấy ở đây đều bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, tức là người dân Trung Quốc không thể tiếp cận được những hình ảnh đó.
Rất khó biết mức độ kiểm duyệt và tuyên truyền cuối cùng sẽ hạn chế các yêu sách của người biểu tình lan truyền đến mức độ nào. Hồi đầu đại dịch, vào đầu năm 2020 tại Vũ Hán, cái chết của một người báo động dịch bệnh, bác sĩ Lý Văn Lượng, đã thu hút rất nhiều cư dân mạng. Một số người coi đó là mối đe dọa đối với chế độ, nhưng cuối cùng cơ quan kiểm duyệt đã xóa được toàn bộ các bình luận trên mạng và các cơ quan tuyên truyền đã viết lại lịch sử bằng cách ngợi ca bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng dân tộc. Đảng cộng sản Trung Quốc đã không bị lung lay.
Le Point : Tại sao kết quả chống dịch lại ám ảnh các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc đến như vậy ?
Alice Ekman : Điều này là rất khó nói. Chính quyền Trung Quốc có xu hướng đánh đồng tất cả các biến thể và lúc nào cũng coi virus conona là cực kỳ nguy hiểm. Đồng thời, cuộc chiến chống lại virus được thể hiện như một cuộc thi đấu quốc tế : các cơ quan tuyên truyền không ngừng ca tụng hiệu quả của chính sách Zero Covid, tuyên bố Trung Quốc kiểm soát đại dịch giỏi hơn Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong bối cảnh đó, bất kỳ ý định thay đổi nào đều rất khó được thực hiện. Và cũng vì chính sách Zero Covid là do Tập Cận Bình đề ra, nên chỉ trích chính sách này tức là chỉ trích chính tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, và sẽ gặp rắc rối.
Cùng lúc đó, áp lực về thành tích lại đè nặng lên vai các quan chức địa phương, những người muốn chứng minh cho chính quyền trung ương thấy là họ đang quản lý đại dịch tốt nhất có thể ở địa phương. Và cuối cùng, chính sách chủng ngừa Covid vẫn còn nhiều vấn đề : tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm người cao tuổi và hiệu quả tương đối thấp của vac-xin do Trung Quốc điều chế. Tất cả những điều nói trên đã dẫn đến một chính sách phòng dịch xét về mặt khoa học thì rất khó hiểu. Chính sách đó buộc người dân phải xét nghiệm liên tục, thậm chí nhà chức trách còn cho xét nghiệm cả rau hay cá ! Ngày càng có nhiều chuyện phi lý.
Le Point : Liệu họ có ý muốn sử dụng Covid để đẩy mạnh kiểm soát xã hội nhắm vào dân chúng ?
Alice Ekman : Đó là một trong những hậu quả của chính sách Zero Covid, thế nhưng chính phủ cũng không cần phải đợi đến đại dịch thì mới tăng cường việc dùng công nghệ giám sát dân chúng. Quá trình này thực ra đã diễn ra nhưng với Covid thì nó được đẩy nhanh hơn. Chắc chắn là cuộc khủng hoảng Covid đã khiến chính phủ phải nâng cấp và tăng cường hiệu quả các công cụ công nghệ, chẳng hạn như mã QR và các ứng dụng truy vết trên điện thoại smartphone. Việc đưa các công nghệ vào môi trường đô thị dường như đã đạt đến điểm không thể đảo ngược, rất có thể điều này sẽ vẫn được duy trì mạnh mẽ, ngay cả khi sau này dịch bệnh được kiềm chế. Việc từ bỏ dần dần phương thức thanh toán bằng tiền mặt để chuyển sang dùng các phương thức thanh khoản số hóa cũng đi theo hướng đó.
Le Point : Điều này có nghĩa là chế độ cảm thấy bị các cuộc biểu tình trên đường phố đe dọa ?
Alice Ekman : Đã từ vài năm nay chế độ Trung Quốc cảmthấy bị đe dọa, bởi những tư tưởng của phương Tây và bởi bất cứ điều gì có thể trực tiếp hay gián tiếp góp phần gây bất ổn về chính trị. Dưới thời Tập Cận Bình, Đảng cộng sản Trung Quốc thấy rằng, hơn bao giờ hết, họ phải đấu tranh chống lại mọi ảnh hưởng của nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc, chống lại những lời kêu gọi đổi mới hệ thống chính trị của đất nước và bảo vệ nhân quyền, cũng như phải chống lại những lời kêu gọi ngay trong nước mà cứ mỗi khi diễn ra thì đều bị diễn giải là có sự thao túng từ nước ngoài. Thế nhưng, chế độ Trung Quốc cũng nhận ra rằng từ nay họ phải tấn công trên trường quốc tế, nhấn mạnh điều mà họ xem là sự suy thoái của Phương Tây và tấn công mạnh mẽ để thúc đẩy sự suy tàn đó.
Le Point : Liệu Đảng cộng sản Trung Quốc có tự xếp mình cùng phe với nước Nga của Vladimir Putin, phe chống phương Tây ?
Alice Ekman : Nhìn chung thì đúng là như vậy. Chính quyền Trung Quốc và Nga có chung một kẻ thù và thái độ chống phương Tây rất mạnh. Các phát biểu chính thức ngày càng thô bạo, hung hãn và luôn kết luận rằng các cuộc khủng hoảng khu vực và quốc tế trên hết đều do Hoa Kỳ và các đồng minh gây ra. Tây phương bị họ tố là ngấm ngầm kích động "các cuộc cách mạng màu". Các phát biểu đó trước đây chỉ là ngấm ngầm ở Trung Quốc nhưng nay đã được thể hiện công khai, với một sự hung hăng chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông.
Le Point : Vậy tham vọng của Đảng cộng sản Trung Quốc là gì ? Trong sách, bà đã đề cập đến mục tiêu đạt được "vị thế thống trị trong một thế giới hậu Hoa Kỳ".
Alice Ekman : Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thường được phân tích như một sự cạnh tranh giữa hai nước mà thôi. Thế nhưng hiện giờ thì đó là sự cạnh tranh giữa các nhóm quốc gia. Trong khi liên minh giữa Mỹ và các đối tác được làm mới và củng cố dưới nhiều hình thức (chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ, liên minh bộ tứ Quad, liên minh AUKUS…), cùng lúc đó, về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng có một chiến lược liên minh, một mong muốn "mở rộng vòng bằng hữu quanh Trung Quốc", như Tập Cận Bình từng tuyên bố, tức là tập hợp ngày càng nhiều quốc gia ủng hộ Trung Quốc. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, ngành ngoại giao Trung Quốc đã thành công trong việc có được sự ủng hộ, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, của đa số các nước tham gia bỏ phiếu bác bỏ việc tổ chức một cuộc thảo luận về hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương.
Trung Quốc tìm cách giành vị thế thống trị, đặc biệt bằng cách tập hợp được quanh họ tối đa các nước gọi là các nước phía Nam (các nước đang phát triển). Điều này khiến thế giới chịu sự phân chia mới, trong đó Mỹ và các đồng minh sẽ dần dần bị gạt ra bên lề. Và như vậy, trật tự thế giới hậu phương Tây mới mà Trung Quốc mong muốn tạo ra có lẽ sẽ không được đánh dấu bằng sự biến mất của phương Tây mà là phương Tây sẽ bị đẩy xuống cấp thiểu số trong các hồ sơ quốc tế lớn, và trên hết là trong những hồ sơ thuộc diện các mối quan tâm cơ bản của Trung Quốc (nhân quyền, Biển Đông, Đài Loan…)
Le Point : Tại sao, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như vậy, Tập Cận Bình lại chấp nhận phong tỏa đất nước với nguy cơ là tốc độ tăng trưởng chậm lại ?
Alice Ekman : Đảng cộng sản Trung Quốc coi sự ổn định chính trị và xã hội, trong đó có y tế, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, còn có khía cạnh ý thức hệ : vai trò của đảng ngày càng mạnh trong nền kinh tế và xã hội. Ngày càng có nhiều tác nhân kinh tế (các lĩnh vực công nghệ mới, giải trí, giáo dục tư nhân…) bị chính quyền đưa vào khuôn khổ mới. Trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hôm 16/10/2022, Tập Cận Bình đã kêu gọi đấu tranh chống sự "sùng bái tiền bạc", "chủ nghĩa hưởng lạc" thậm chí là chống "chủ nghĩa vị kỷ". Trước đây, ông Tập đã từng kêu gọi giới trẻ phải có "đạo đức tốt".
Có thể là trong những năm tới đây, chúng ta sẽ thấy Đảng cộng sản Trung Quốc điều chỉnh các mô hình tiêu dùng và rộng hơn nữa là điều chỉnh các tập quán của người dân Trung Quốc, với lời kêu gọi người dân tiêu dùng nhiều hàng Trung Quốc hơn để hướng nhiều hơn tới khả năng tự cung tự cấp, và cũng là nhằm kêu gọi dân chúng tiêu dùng điều độ hơn, quay lưng lại với những điều mà Đảng cộng sản Trung Quốc xem là "trụy lạc" kiểu phương Tây.
Le Point : Đó có phải xuất phát điểm của khái niệm "toàn cầu hóa đôi/kép" mà bà mô tả trong sách ?
Alice Ekman : Điềumà tôi gọi là toàn cầu hóa đôi, toàn cầu hóa kép là một quá trình tái cấu trúc dần dần các trao đổi thương mại. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kéo dài, Trung Quốc đang giảm dần giao thương với Mỹ và các nước họ xem là "thù địch" để dần tái tập trung vào các nước được họ xem là "bằng hữu", chủ yếu là các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Toàn cầu hóa đôi không phải là sự chấm dứt của toàn cầu hóa, mà là sự tái cấu trúc hình thức của toàn cầu hóa : việc các nước mở cửa nền kinh tế ra thị trường thế giới vẫn tồn tại, nhưng dưới một hình thức thu gọn thành một nhóm nước và tác nhân kinh tế kết hợp lại với nhau, các mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau cũng hạn chế hơn, bị giới hạn về địa chính trị hơn là về mặt địa lý.
Luc De Barochez thực hiện
Thùy Dương dịch
Sau khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX kết thúc (Đại hội diễn ra từ ngày 16/10 đến 22/10/2022), vị thế của Tập Cận Bình đã được củng cố vững chắc, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm tới cũng đã rõ ràng, thì vấn đề mà nhiều người Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình chính trị của đất nước đặt ra, đó là quan hệ của Việt Nam-Trung Quốc liệu có thay đổi gì không, và đường lối chính trị, ngoại giao của Đảng cộng sản Việt Nam liệu có ảnh hưởng gì từ sự kiện này ?
Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa XX Tập Cận Bình (giữa) cùng các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới được bầu trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 23/10. (Nguồn : Tân Hoa xã)
Trước hết về phía Trung Quốc, kết quả của Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX như vừa nói ở trên cho thấy Tập Cận Bình sẽ ngồi tiếp thêm một nhiệm kỳ Tổng bí thư, Chủ tịch nước thứ ba (sau khi Quốc hội Trung Quốc vào ngày 11/03/2018 đã thông qua việc hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa, mỗi khóa 5 năm), thậm chí có thể trở thành Chủ tịch nước trọn đời. Vị trí của ông Tập càng to hơn, khi tư tưởng Tập Cận Bình về "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới" sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng, ông Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ ba của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau Mao và Đặng, có tư tưởng mang tên ông được viết trong điều lệ đảng. Không những thế, Đại hội còn công nhận vai trò "hạt nhân", "trung tâm" của ông Tập Cận Bình.
Có thể nói từ sau Mao Trạch Đông đến giờ, mới có một nhân vật có quyền lực bao trùm đến vậy, thậm chí còn hơn cả Đặng Tiểu Bình, người từng được mệnh danh là "kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại". Nhiều nhà phân tích, bình luận quốc tế từ vài năm nay thậm chí đã đặt ra câu hỏi phải chăng Tập Cận Bình sẽ trở thành Mao Trạch Đông của thế kỷ XXI ? Về phương hướng, chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc dưới triều đại "Hoàng đế Đỏ Tập Cận Bình" cũng đã rõ, đối nội sẽ hà khắc hơn, mọi ý kiến đối lập, mọi phe nhóm có tư tưởng khác với Tập Cận Bình sẽ bị "gạt phăng" qua một bên, chỉ còn lại một mình Hoàng đế họ Tập.
Từ những cuộc thanh trừng phe nhóm lấy danh nghĩa diệt tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", cho tới việc Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2002-2012, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2003-2013, là người tiền nhiệm của Tập Cận Bình mà còn bị cho người lôi ra khỏi hội trường trong Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vừa qua là rõ. Hành động đó rõ ràng là muốn gửi thông điệp đến người dân Trung Quốc và với thế giới rằng từ nay ở Trung Quốc chỉ có một Vua mà thôi, thứ hai nữa, đường lối khá ôn hòa, cởi mở, lãnh đạo tập thể, mở cửa với thế giới phương Tây của Hồ Cẩm Đào đã kết thúc. Trung Quốc bước sang một thời kỳ mới, một chặng đường mới, dưới sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của Tập Cận Bình, và chỉ một mình Tập Cận Bình mà thôi, không có "Thái thượng hoàng" nào phía sau như trước đây nữa.
Không chỉ có thế, về mọi mặt của xã hội, bất cứ một cá nhân, tổ chức, công ty có ảnh hưởng quá lớn đối với xã hội sẽ bị vùi dập không thương tiếc. Chúng ta đã thấy trong thời gian qua một số công ty lớn trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và game, nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD… bị "sờ gáy", siết chặt hoạt động kinh doanh, làm bay mất hàng nghìn tỷ USD, hàng loạt tên tuổi lớn trong giới showbiz như Trịnh Sảng, Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Lý Dịch Phong... đang là những ngôi sao hàng đầu trở thành tội đồ, bị "phong sát" khỏi mọi hoạt động nghệ thuật, dưới danh nghĩa "thanh lọc" để loại bỏ các tác động tiêu cực của văn hóa thần tượng. Nhưng mặt khác, chỉ là để nhắc nhở trên đầu họ còn có Đảng cộng sản Trung Quốc và không một ai được "lớn" hơn, có sức ảnh hưởng hơn Hoàng đế Tập cả. Về mặt này, có lẽ Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã học được bài học từ sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của các công ty Big Tech hay các cá nhân nổi tiếng, đại gia đầy quyền lực đã ảnh hưởng đến tình hình chính trị xã hội của Hoa Kỳ như thế nào.
Về đối ngoại, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách hung hăng, hiếu chiến một cách đầy tự tin, và một trong những mục tiêu rõ ràng mà Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã hé lộ là sẽ "thống nhất" Đài Loan, không loại trừ phải sử dụng cả vũ lực. Đó là về Trung Quốc. Còn mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc sẽ như thế nào ? Tại sao Tập Cận Bình lại mời (hay triệu) Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên sang thăm ngay sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX kết thúc và tại sao Nguyễn Phú Trọng lại vội vàng đi như vậy ?
Được Tập Cận Bình mời sang Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng "được lời như cởi tấm lòng" phải đi ngay để thể hiện sự "trung thành, gắn bó" của Việt Nam với Trung Quốc.
Như nhiều nhà bình luận chính trị trong ngoài nước cũng đã phân tích, về phía Tập, "mời" Nguyễn Phú Trọng vừa tránh được sự khó xử thay vì quyết định phải chọn mời một nguyên thủ quốc gia phương Tây hay mời Putin trước, sẽ tạo cảm giác "bên trọng, bên khinh", đồng thời cũng chỉ thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai Đảng cộng sản vì Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải Thủ tướng hay Chủ tịch nước Việt Nam. Và quan trọng hơn là để cho thế giới cũng thấy sự gắn bó đó. Còn Nguyễn Phú Trọng tất nhiên "được lời như cởi tấm lòng" phải đi ngay để thể hiện sự "trung thành, gắn bó" của Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng cũng chính vì Nguyễn Phú Trọng chỉ là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam nên nếu sau đó ông Thủ tướng hay ông Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có đi Mỹ hay mời Mỹ, Nhật qua thì cũng vẫn có cách để nói với Mỹ, với Nhật… được. Rằng quan hệ giữa hai đảng là một chuyện, ở góc độ chính phủ là khác.
Chúng ta biết, từ trước tới nay Đảng cộng sản Việt Nam vốn là một cái đảng "không có xương sống", không thể tự đứng một mình nếu không dựa theo, học theo một Đảng cộng sản đàn anh. Hết dựa theo, học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Quốc. Toàn bộ sự ra đời, thành lập cho tới phần lớn chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa là nhờ ở Liên Xô, Trung Quốc và khối XHCN anh em. Từ sau thời kỳ "đổi mới" vào năm 1986 cho tới sau khi Việt Nam-Trung Quốc "bình thường hóa quan hệ" vào năm 1991, sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào Đảng cộng sản Trung Quốc từ kinh tế cho tới chính trị, và nhất nhất học theo mọi thứ Trung Quốc làm. Chỉ khác cái là do kém cỏi hẳn về trí tuệ, tầm nhìn lẫn tham vọng nên Việt Nam chỉ là một "bản sao mờ nhạt, vụng về" của Trung Quốc.
Nguyễn Phú Trọng, người cho đến bây giờ vẫn kiên định vào chủ nghĩa Mác-Lê và kiên quyết đi theo con đường XHCN dù "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" ("Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992", Thanh Niên), là một người thân Trung Quốc và cũng tiếp tục sao chép mọi thứ từ Trung Quốc. Tập Cận Bình có chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" thì Nguyễn Phú Trọng có chiến dịch "đốt lò", đều là nhân danh chống tham nhũng để thanh trừng, tiêu diệt phe phái. Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều bất chấp điều lệ Đảng cộng sản để ngồi thêm một nhiệm kỳ thứ ba.
Tuy nhiên, như đã nói, Việt Nam luôn luôn là một phiên bản kém hơn, các lãnh đạo đảng và nhà nước CS Việt Nam cũng kém tầm hơn các lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc nhiều, Nguyễn Phú Trọng thì vừa thua Tập Cận Bình hẳn hai cái đầu về tầm nhìn, năng lực vừa không có sức khỏe, nên dù có muốn, Nguyễn Phú Trọng cũng không thể thâu tóm toàn bộ quyền lực vào một tay mình-Đảng cộng sản Việt Nam vẫn theo mô hình "lãnh đạo tập thể " của ít nhất là "tứ trụ"-bốn vị trí cao nhất : Tổng bí thư đảng, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Nguyễn Phú Trọng cũng không thể lãnh đạo trọn đời, với tình trạng sức khỏe như vậy thì hai năm nữa không biết có được chưa. Những vụ đấu đá, tranh giành quyền lực phía sau hậu trường để giành lấy cái vị trí Tổng bí thư đảng ở Việt Nam từ lâu nay luôn luôn diễn ra, phe này "đánh" đàn em, bè cánh của phe kia.
Đối nội, Nguyễn Phú Trọng phải "mượn oai hùm", đi sang "triều kiến", tỏ ra thân cận với Tập Cận Bình để được họ Tập che chở mà tiếp tục dằn mặt, thanh trừng những kẻ muốn chiếm lấy cái ghế của mình. Đối ngoại, Nguyễn Phú Trọng cũng muốn cho Hoa Kỳ và phương Tây thấy sự chọn phe khá rõ của Việt Nam, từ thái độ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đối với Nga trong cuộc chiến của Ukraine cho tới sự "trung thành" của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Khác với Trung Quốc, kinh tế và quân sự của Việt Nam yếu hơn gấp nhiều lần nên Việt Nam không thể chọn con đường cô lập như Trung Quốc. Ngay một ví dụ nhỏ, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thoạt đầu Việt Nam học theo chính sách "zero Covid" của Trung Quốc nhưng chỉ sau vài tháng "đóng cửa" là chịu hết nổi, phải chạy sang Hoa Kỳ, phương Tây cầu cứu vaccine để mở cửa cho sớm, trong khi Trung Quốc vẫn bất chấp, "một mình một ngựa" thi hành chính sách "zero Covid" suốt gần ba năm qua !
Có lẽ nhiều người cũng tự hỏi, tại sao Trung Quốc cứ tiếp tục tiến hành chính sách này dù bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, dù người dân ta thán, mệt mỏi ? Tập Cận Bình không phải không biết những sự thiệt hại của chính sách "zero Covid", nhưng đối với Tập, đã hết rồi cái thời kinh tế quan trọng số một đối với Trung Quốc, bây giờ, kinh tế không quan trọng bằng an ninh, ổn định chính trị, đồng thuận một lòng từ trên xuống dưới. Hơn nữa, đây cũng lại là một sự tính toán của Tập Cận Bình xem thử sức người dân chịu đựng đến đâu, họ có nổi loạn lên phản ứng, biểu tình hay không, nhằm dập tắt ý chí phản kháng, dù nhỏ nhất, của người dân, trong mọi vấn đề. Và họ Tập đã thành công. Một 1,4 tỷ dân Trung Quốc dù trong bụng uất ức, bực bội, phẫn nộ, oán trách, thảy đều cúi đầu chịu đựng răm rắp. Chỉ duy nhất cho tới nay thế giới được chứng kiến một người dám công khai phản kháng, đó là người đàn ông trên cầu (được mọi người gọi là bridge man), cũng giống như người đàn ông lẻ loi đứng trước hàng xe tăng năm xưa trong vụ Thiên An Môn (được mọi người gọi là tank man).
Hai điểm yếu lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trước Đảng cộng sản Trung Quốc là sự phụ thuộc về kinh tế và mối đe dọa về an ninh, an toàn lãnh thổ lãnh hải. Vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam không dám chọc tức Đảng cộng sản Trung Quốc, ngược lại, phải luôn luôn tỏ ra trung thành để hy vọng Trung Quốc sẽ để yên, không phá về kinh tế hoặc lãnh thổ, lãnh hải. Mặt khác, cũng chính vì hai điểm yếu này mà Việt Nam rất cần Mỹ và phương Tây, cần làm ăn buôn bán, cần được giúp đỡ, đồng thời cần "cái ô dù" của Mỹ để Trung Quốc không "bắt nạt" quá đáng trên Biển Đông. Bao lâu nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách ngoại giao "đu dây" mà họ gọi là ngoại giao "cây tre", không biết khi tình hình cục diện thế giới đã thay đổi, hai phe đã dần dần hình thành, liệu họ có thể tiếp tục làm như vậy ?
Người viết bài này tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao đó để thủ lợi chừng nào còn có thể, nhất là khi hiện nay, mục tiêu quân sự hàng đầu của Trung Quốc là Đài Loan chứ không phải Việt Nam hay một quốc gia láng giềng nào khác. Nhưng dù "đu dây", mục tiêu lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là độc chiếm quyền lực, không muốn san sẻ quyền lực cho bất cứ ai, cũng không muốn dân chủ hóa, cho nên chừng nào Trung Quốc còn mạnh và còn chưa tính chuyện thâu tóm thêm lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam, thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn đứng bên cạnh Đảng cộng sản Trung Quốc chứ không phải đứng về phe Hoa Kỳ và các nước đồng minh tự do, dân chủ.
Có lẽ Hoa Kỳ và các nước phương Tây cũng nên nhận ra điều đó để đừng phí công sức lôi kéo Việt Nam, nhân nhượng Việt Nam về hồ sơ nhân quyền tệ hại. Muốn Việt Nam thay đổi, các nước cần phải cứng rắn hơn, thậm chí chế tài, cấm vận Việt Nam vì nạn buôn người, đàn áp tôn giáo, đàn áp người bất đồng chính kiến v.v. Lúc đó Việt Nam phải ngã hẳn về phe độc tài là Nga-Trung Quốc-Iran-Bắc Hàn, và như vậy, sau một thời gian, sự thiệt thòi trong chọn phe, kinh tế xuống dốc, phản ứng bất bình của người dân sẽ khiến cho Đảng cộng sản Việt Nam phải thay đổi ; ngược lại, chính sách nhân nhượng, dễ dãi với Việt Nam suốt thời gian qua đã cho thấy không hiệu quả gì.
Riêng đối nội, một điều chắc chắn là Đảng cộng sản Việt Nam sẽ học theo Đảng cộng sản Trung Quốc hà khắc hơn, độc tài hơn, những hành vi đàn áp, những bản án dành cho người bất đồng chính kiến sẽ càng nặng nề, tàn bạo hơn, những cuộc thanh trừng tiêu diệt phe nhóm nhân danh tham nhũng sẽ tiếp tục dài dài. Và những phe nhóm nào có mối làm ăn với Trung Quốc nhưng lại liên quan đến Giang Trạch Dân, Hồ Cầm Đào, Lý Khắc Cường, hay mọi quan chức bị thất thế ở Trung Quốc, sẽ bị phe của Nguyễn Phú Trọng dập cho không thương tiếc. Không phải vô cớ mà bà Trương Mỹ Lan, một người có chồng là người Trung Quốc ở Hong Kong, có những mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, lại bị bắt vào thời điểm này.
Trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ không nhìn thấy chút gì sáng sủa về mặt nhân quyền hay chút hy vọng gì về khả năng dân chủ hóa ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh mọi tiếng nói đối lập trong nước gần như đã bị bắt, bị dập tắt, ở bên ngoài, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ dính líu trực tiếp đến cuộc chiến hay chế độ Việt Nam Cộng Hòa dần dần ra đi hết, thế hệ thứ hai thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không mấy người thực sự quan tâm đến vận mệnh của Việt Nam nữa. Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn yên tâm để một lần nữa, lại tiếp tục chọn lầm đồng minh, chọn đứng về phía sai của lịch sử, đó là chọn đứng trong hàng ngũ của "trục Ác" trong cục diện mới.
Chỉ có người Việt Nam, mà chủ yếu là người dân trong nước, mới có thể cứu lấy tương lai vận mệnh đất nước, dân tộc mà thôi.
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/10/2022
Tập Cận Bình củng cố quyền lực, cất nhắc đồng minh vào Ban Thường vụ
Thanh Hà, RFI, 23/10/2022
Ngày 23/10/2022 ông Tập Cận Bình được bầu lại làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm, đứng đầu một Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm toàn là những người thân cận và trung thành. Ông sẽ được chính thức chỉ định là chủ tịch nước vào tháng 3/2023. Với một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập, 69 tuổi, trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông.
Các thành viên mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, đi đầu là chủ tich Tập Cận Bình, đến Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. (Ảnh AP / Andy Wong) AP - Andy Wong
Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde trực tiếp tường thuật buổi lễ ra mắt thành phần lãnh đạo cao cấp nhất tại Trung Quốc diễn ra sáng nay :
"Theo đúng nghi thức truyền thống, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc là người đầu tiên bước lên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay của cử toạ. Ông dẫn đầu phái đoàn, theo sau là ông Lý Cường, người rất có thể sẽ được chỉ định vào chức vụ thủ tướng.
6 người đàn ông theo sau Tập Cận Bình đều mặc những bộ y phục sậm màu, đeo cà vạt đỏ, hai tay để sát người, gần như trong tư thế chào cờ, họ đã lắng nghe tổng bí thư, nhân vật số 1 của Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu.
Đây không là hình ảnh của một đất nước Trung Hoa tươi cười. Mọi người đã biết trước là với việc thủ tướng Lý Khắc Cường về hưu, và với hình ảnh hôm qua của cựu chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường, ban lãnh đạo mới sẽ bao gồm những người thân tín với ông Tập Cận Bình.
Khi giới thiệu thành phần mới trong Ban Thường vụ, ông Tập đã nhấn mạnh đây là những gương mặt ‘quen thuộc’. Trong số này, có 2 ủy viên thường vụ trong khóa sắp mãn nhiệm là các ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, hiện là Bí Thư Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, và Vương Hộ Ninh (Wang Huning) một nhà tư tưởng của chế độ.
Trong số những người mới được đưa vào Ban Thường vụ để thay thế các nhân vật vừa về hưu, có Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), trợ lý chính trị của ông Tập ; Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh ; người thứ ba được cất nhắc vào Ban Thường vụ là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Lý Hy (Li Xi), kế đến là bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) mà thính giả của RFI biết đến nhiều, do việc ông là người ra lệnh phong tỏa hơn 25 triệu dân cư Thượng Hải trong nhiều tuần lễ hồi mùa xuân vừa qua.
Đây là những bằng chứng cho thấy trong nội bộ, Đảng cộng sản Trung Quốc đánh giá cao lòng trung thành của các đảng viên hơn là điểm tín nhiệm và được lòng dân của họ".
Trong bài phát biểu sáng nay tân tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cam kết sẽ "làm việc không ngơi nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó" trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. "Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới và thế giới cũng cần có Trung Quốc".
Bắc Triều Tiên và Nga mau mắn chúc mừng Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là hai nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nhanh chóng chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm.
Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cho biết trong thư chúc mừng lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong-un gửi đến ông Tập những lời chúc mừng "nồng ấm nhất" và Bình Nhưỡng rất hân hoan trước viễn cảnh "tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương".
Về phần tổng thống Nga, Vladimir Putin ngay sáng nay đã chúc mừng ông Tập Cận Bình và cho biết rất hân hạnh tiếp tục đối thoại xây dựng và cùng củng cố quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược" giữa Liên bang Nga với Trung Quốc. Nguyên thủ Nga chúc chủ tịch Tập Cận Bình nhiều "thắng lợi", gửi lời chúc "sức khỏe và và thịnh vượng" đến ông Tập Cận Bình.
Đài Loan phản ứng dè dặt
Về phía Đài Loan từ chiều qua đã có phản ứng về việc Bắc Kinh đưa vấn đề độc lập của Đài Loan vào bản Điều lệ Đảng được sửa đổi. Thông cáo của chính quyền Đài Bắc kêu gọi Hoa Lục hãy "từ bỏ tư tưởng cũ" với mục đích xâm chiếm hòn đảo này, từ bỏ "chủ trương đối đầu". Ban lãnh đao mới ở Bắc Kinh nên hướng tới việc "giải quyết xung khắc bằng con đường hòa bình, một cách công bằng và thực tế"
Về phía các chuyên gia, tất cả đồng loạt ghi nhận ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ ba trong giai đoạn "kinh tế đang gặp khó khăn". Sau nhiều thập niên tăng trưởng thần kỳ, GDP của Trung Quốc trong năm nay dự trù không tăng quá 3,5 %. Nhiều lĩnh vực đang bị chựng lại như ngành du lịch, hàng không dưới tác động các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid. Ngành địa ốc đang bên bờ vực thẳm. Chuyên gia Đan Vương, thuộc ngân hàng Trung Quốc Hang Seng được Afp trích dẫn ghi nhận "ít có triển vọng tiêu thụ nội địa hồi phục để trở lại với thời kỳ như hồi cuối 2019, trước khi nổ ra đại dịch"
Thanh Hà
*************************
Hồ Cẩm Đào bị buộc rời hội trường Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình cảnh cáo phe phản đối ?
Minh Anh, RFI, 23/10/2022
Ngày 22/10/2022, một hình ảnh hiếm có và tạo ra nhiều bình luận về buổi bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã được lan truyền rộng rãi : Cựu tổng bí thư Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường trước lúc đại hội biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng. Truyền thông chính thức Trung Quốc giải thích rằng cựu lãnh đạo Trung Quốc "cảm thấy không khỏe".
Cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi ngang qua đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (p) và thủ tướng Lý Khắc Cường trong lễ bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10/2022. AP - Ng Han Guan
Trên mạng xã hội Twitter, Tân Hoa Xã khẳng định : "Hồ Cẩm Đào khăng khăng muốn dự phiên bế mạc dù gần đây ông mất nhiều thời gian để hồi phục. Khi ông ấy cảm thấy không được khỏe trong phiên họp, đội ngũ của ông ấy, vì sức khỏe của ông, đã đưa ông đến phòng bên cạnh để nghỉ ngơi. Giờ thì ông ấy đã đỡ hơn nhiều".
Tuy nhiên, theo giải thích của chuyên gia về Trung Quốc, Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là đại diện cho một số hiếm hoi các phe nhóm vẫn còn khả năng chống đối Tập Cận Bình. Việc ông bị ép buộc rời ghế ngay giữa phiên bỏ phiếu, trái với ý muốn của ông, và ngay trước sự hiện diện của giới phóng viên, cho thấy đây là một màn phô diễn thuần túy và đơn giản do Tập Cận Bình dàn dựng nhằm loại bỏ mọi hình thức phản đối đường lối chính trị của ông trong tương lai.
Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích :
"Nói là ông Hồ Cẩm Đào nay đã 80 tuổi, ông ấy bị bệnh, ông ấy sẽ không thể dự hội nghị được… thì thật quá đơn giản. Ở đây, rõ ràng người ta đã cố ý buộc ông phải đứng dậy và ở bên trái Tập Cận Bình, người ta thấy có hai người nắm lấy tay ông và nói rằng "mời ông đi ra".
Lúc ông ấy đi qua phía sau Tập Cận Bình, ông ấy dường như nói điều gì đó với ông Tập, điều gì thì chúng ta không biết được, nhưng chắc chắn là không phải để nói : "À, cảm ơn nhiều, ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại nhất, v.v." rồi mới đi ra.
Khi chúng ta nhìn thấy trong các đại biểu thuộc Đoàn Thanh Niên, vốn dĩ từng là cơ sở quyền lực của Hồ Cẩm Đào, có hai người đã bị gạt ra khỏi Ban Thường vụ và họ công khai loại bỏ Hồ Cẩm Đào ngay giữa đại hội, đây thật sự là một điều quá lớn. Họ gạt ông ấy trước khi bỏ phiếu sửa đổi, điều đó dường như muốn nói rằng những người này khá phản đối việc sửa đổi điều lệ đảng.
Do vậy, hình ảnh này chỉ nhằm nói rằng : "Hãy nhìn đi, tôi mới là lãnh đạo, chính tôi là nhà lãnh đạo, chính tôi là lãnh đạo".
Minh Anh
Ưu tiên của Tập Cận Bình không còn là tăng trưởng kinh tế
Alice Ekman, Trọng Thành, RFI, 17/10/2022
Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc khai mạc hôm 16/10/2022. Phát biểu của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình - người được coi là sẽ tiếp tục đứng đầu Trung Quốc thêm tiếp một nhiệm kỳ 5 năm – đang được soi xét kỹ. Theo tiến sĩ Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Âu (EUISS), ông Tập Cận Bình chủ trương đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường, áp đặt các quy tắc đối với phần còn lại của thế giới, bất chấp "các trả giá về kinh tế".
Ông Tập Cận Bình chủ trương đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường, áp đặt các quy tắc đối với phần còn lại của thế giới, bất chấp "các trả giá về kinh tế"
Trái ngược với quan điểm khá phổ biến trong giới quan sát, cho rằng Trung Quốc đang mất đi thế mạnh của mình là tốc độ tăng trưởng cao, điều được coi là tạo nên tính chính đáng của Đảng cộng sản Trung Quốc trong con mắt của đông đảo dân chúng, chuyên gia Alice Ekman nhấn mạnh : "Tại Trung Quốc, ưu tiên của Tập Cận Bình không còn là tăng trưởng kinh tế". Lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng cho nhiều hy sinh về kinh tế cũng như "quyền lực mềm" nếu cần, để đạt được mục tiêu tăng cường quyền lực của Đảng cộng sản, và ý thức hệ của Đảng. Chế độ Tập Cận Bình cũng sẵn sàng từng bước giảm bớt các hợp tác với phương Tây.
Mục Theo dòng thời sự của RFI giới thiệu một số nét chính trong cuộc trả lời phỏng vấn của chuyên gia Alice Ekman (*) với tuần báo Pháp L’Express (đăng tải ngày 16/10/2022).
***
Bất chấp các thiệt hại nặng nề về kinh tế do các chính sách cứng rắn, chế độ Tập Cận Bình quyết định không vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà sao lãng việc siết chặt sự kiểm soát của Đảng với toàn xã hội. L’Express đặt câu hỏi :
Liệu chế độ Tập Cận Bình có lo ngại tăng trưởng kinh tế bị hãm lại đe dọa quyền lực của Đảng hay không ?
Tiến sĩ Alice Ekman nhấn mạnh : Bắc Kinh đã "sẵn sàng trả giá về kinh tế cho việc bảo đảm một số mục tiêu chính trị và ý thức hệ". Các ví dụ không thiếu. Cụ thể là : sau khi Bắc Kinh áp đặt luật An ninh Quốc gia mới khiến đặc khu Hồng Kông mất hẳn vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, thu hút đầu tư. Nhiều chi nhánh của các tập đoàn quốc tế đã quyết định rời Hồng Kông để chuyển sang Singapore, kể từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh nói trên từ tháng 6/2020. Tuy nhiên điều này không làm cho chính quyền Tập Cận Bình thay đổi chính sách.
Một ví dụ khác là : Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt các nghị sĩ Liên Âu, để đáp trả việc Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt bốn quan chức địa phương Trung Quốc, thuộc tỉnh Tân Cương, bị cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Hệ quả của việc này là việc phê chuẩn Thỏa thuận khung về đầu tư giữa Liên Âu và Trung Quốc đã bị đình chỉ. Bắc Kinh dự kiến sẽ được hưởng nhiều lợi ích lớn nhờ Thỏa thuận này, nhưng trong mắt của Bắc Kinh, cần phải duy trì lập trường (chính trị) hiện nay cho dù phải mất các hợp đồng dự kiến với "các thế lực thù địch phương Tây".
Một ví dụ thứ ba được chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu đưa ra là Trung Quốc tiếp tục chính sách ủng hộ Nga, "không lên án cuộc xâm lăng" Ukraine, tiếp tục duy trì nhiều quan hệ kinh tế với Nga, bất chấp uy tín của Trung Quốc sụt giảm trong con mắt của các nước Đông Âu và Baltic. Tại thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc tháng 4/2022, Liên Âu đã kêu Bắc Kinh làm sáng tỏ lập trường về chiến tranh tại Ukraine, và nhấn mạnh tầm quan trọng của các quan hệ thương mại Âu – Trung, nhưng Bắc Kinh không thay đổi quan điểm.
Vì sao chế độ Tập Cận Bình lại quyết định chuyển sang lập trường hoàn toàn khác trước ?
Kể từ thời Đặng Tiểu Bình đến thời gian cách đây mươi năm, nhà cầm quyền Trung Quốc coi việc phát triển kinh tế để đưa dân chúng thoát nghèo, xây dựng xã hội thịnh vượng, khá giả là mục tiêu chính. Các tham vọng lãnh thổ trên biển và trên đất liền vẫn tồn tại nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chính sách của Bắc Kinh trong giai đoạn này. Thời Giang Trạch Dân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn còn là chủ đạo. Nhưng tình hình giờ đây là ngược lại.
Theo tiến sĩ Alice Ekman, Trung Quốc "sau khi đã củng cố được vị thế của nền kinh tế thứ hai thế giới, và ưu tiên giờ đây của Bắc Kinh là củng cố hệ thống chính trị và mở rộng sức ảnh hưởng của hệ thống chính trị Trung Quốc ở nước ngoài".
Chống lại phương Tây giờ đây là chính sách xuyên suốt của chính quyền Tập Cận Bình. Nếu như cách đây khoảng 10 hay 15 năm, thái độ thù địch với phương Tây có thể được bày tỏ trong một số cuộc họp kín của giới ngoại giao, hay nghiên cứu Trung Quốc, thì giờ đây, thái độ này được bày tỏ công khai và liên tục. Chính quyền Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh gieo rắc rối loạn khắp thế giới, giật dây cho "các cuộc cách mạng màu" khắp nơi. Bắc Kinh cũng đặc biệt phát triển các tuyên truyền "chống thực dân", tỏ ra rất hiệu quả trong việc chinh phục công luận "các nước phía nam" (tức các nước đang phát triển hoặc đang trỗi dậy).
Chính quyền Nga cũng có một quan điểm tương tự. Bắc Kinh đã tìm thấy ở Moskva "sự đồng điệu về ý thức hệ" trong lập trường thù địch với phương Tây. Giống như Nga, Bắc Kinh khẳng định cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện nay trước hết là do các khiêu khích của NATO và Mỹ. Đứng từ quan điểm của Trung Quốc, tội lỗi hoàn toàn thuộc về phương Tây. Chuyên gia Alice Akman nhấn mạnh : nếu tin theo các lời lẽ tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc, "tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới, khu vực hay nội chiến, đều là tội của các nhà nước thực dân phương Tây".
Chính quyền Tập Cận Bình mạo hiểm khi theo đuổi bước ngoặt chiến lược như vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hẳn, chính sách "Zero Covid" khiến đất nước nhiều phần bị tê liệt ?
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc không đến mức bị cô lập, cho dù có thể có ấn tượng là như vậy từ Bruxelles hay Washington. Hình ảnh đất nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình bị xuống cấp trong ngày càng nhiều quốc gia, trong đó có Châu Âu. Thế nhưng, tại nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục là một nhà đầu tư lớn, cung cấp các cơ sở hạ tầng về giao thông, mạng lưới viễn thông, công nghệ. Các dự án của kế hoạch Con Đường Tơ Lụa mới "còn xa mới bị chôn vùi". Cho dù tại Sri Lanka hay một số quốc gia khác, kế hoạch này của Tập Cận Bình bị khựng lại, thì tại nhiều nơi khác Con Đường Tơ Lụa mới vẫn là một nội dung chủ đạo trong các vận động ngoại giao của Trung Quốc.
Bện cạnh sức mạnh gia tăng của Quân đội Trung Quốc, cũng là quân đội thứ hai có ngân sách đứng thứ hai trên thế giới, tiếp tục tăng 7% trong năm nay, nhà Trung Quốc học Alice Ekman cũng báo động về quy mô lớn của mạng lưới ngoại giao trên thế giới của Trung Quốc, được đánh giá là đứng đầu về số lượng các đại sứ và lãnh sự, vượt Hoa Kỳ và Pháp.
Các vận động ngoại giao của Bắc Kinh giúp cho Trung Quốc giảm bớt các áp lực từ phương Tây, và khối các nền dân chủ nói chung. Bà Alice Ekman nhấn mạnh đến việc mới đây, đầu tháng 10, Bắc Kinh đã huy động được đa số các nước trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống lại việc tổ chức một cuộc thảo luận tại Hội đồng về tình hình xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương. Trung Quốc cũng đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận trao đổi mậu dịch tự do giữa 15 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương (RECEP), đi vào hoạt động từ đầu năm 2022. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, với Trung Quốc là thành viên sáng lập, vừa tổ chức thượng đỉnh tại Kazakhstan, với sự tham gia của lãnh đạo Trung Quốc, lần đầu tiên ra nước ngoài, kể từ đầu đại dịch.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu cũng lưu ý là, về mặt công nghệ kỹ thuật số, chính quyền Tập Cận Bình đã có một chiến lược mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện bán dẫn, mà toàn bộ các công đoạn trong dây chuyền nghiên cứu, chế tạo linh kiện bán dẫn nói chung. Nỗ lực của Trung Quốc có khả năng thành công hay không trong lĩnh vực công nghệ đỉnh cao này, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng cô lập hơn với các nền công nghiệp phát triển ?
Câu trả lời của tác giả là khó có thể đoán định, tuy nhiên, điều chắc chắn là "sẽ là sai lầm khi đánh giá thấp nỗ lực rượt đuổi của Trung Quốc". Alice Ekman dự báo, chính quyền Tập Cận Bình sẽ theo đuổi chính sách tách dần khỏi các nước phương Tây, về nhiều mặt, từ kinh tế, đến khoa học, truyền thông… "Nhiều cộng đồng riêng rẽ" - trong đó có các cộng đồng Trung Quốc là thành viên trụ cột - đang dần dần hình thành, dựa trên những tiêu chuẩn rất khác nhau, đối thoại ngày càng khó khăn.
Theo Cyrille Pluyette
Nguyên tác : Alice Ekman : "En Chine, la priorité de Xi Jinping n'est plus la croissance économique", L'express, 16/10/2022
Trọng Thành tóm lược
Nguồn : RFI, 17/10/2022
Ghi chú
(*) Chuyên gia Alice Ekman là tác giả của nhiều khảo cứu về Trung Quốc. Tác phẩm mới nhất của bà là "Dernier vol pour Pékin - Essai sur la dissociation des mondes" (Nhà xuất bản Editions de l'Observateur) ra mắt ngày 16/10/2022.
*********************
Đảng cộng sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát kinh tế
Minh Anh, RFI, 17/10/2022
Trong suốt 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã trao cho các doanh nghiệp nhà nước vai trò cột trụ trong chiến lược kinh tế, đồng thời gia tăng tầm kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc trong lãnh vực tư nhân. Phải chăng giai đoạn mở cửa và cải cách thời Đặng Tiểu Bình đã bị khép lại ?
Người dân xem truyền hình cảnh chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/10/2022. Reuters – Aly Song
Khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 10 năm, giới quan sát nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có một nhà lãnh đạo cấp tiến. Ngay những tháng đầu tiên đầu nhiệm kỳ, thủ tướng của ông là Lý Khắc Cường liên tiếp tuyên bố ủng hộ giảm bớt vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Nhưng 10 năm sau, "không những vai trò của Đảng và Nhà nước trong nền kinh tế chưa bao giờ ngừng được củng cố từ ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949, mà còn được tăng cường mạnh mẽ hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền", theo như nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alice Ekman trên nhật báo kinh tế Les Echos (14/10/2022).
Sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục, khu vực tư nhân đang bị thu hẹp, trong khi đó, khối doanh nghiệp nhà nước dần dần chiếm vị trí trọng tâm cho chính sách kinh tế của Tập Cận Bình. Theo Les Echos, khu vực này giờ cung cấp đến 12% thị trường lao động và chiếm từ 25. 30% GDP của Trung Quốc.
Nhà Trung Quốc học, cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, trong một bài viết có tựa đề "Thế giới theo nhãn quan của Tập Cận Bình", đăng trên Foreign Affairs, giải thích rằng đó là do nền kinh tế Trung Quốc trong một thập niên qua đã chuyển hướng theo chủ nghĩa Marx, tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Sự chuyển hướng này cũng một phần bắt nguồn từ việc ông Tập Cận Bình mất niềm tin vào nền kinh tế thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng tài chính Trung Quốc năm 2015 do bùng nổ bong bóng thị trường chứng khoán, khiến giá cổ phiếu Trung Quốc bị giảm mất đến 50%.
Cũng theo ông Tập, thời kỳ cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã tạo ra một sự phát triển "không cân đối và không phù hợp" Và do vậy ông bác bỏ quan điểm của Đặng Tiểu Bình cho rằng "Trung Quốc cần phải chịu đựng sự bất bình đẳng trong hàng trăm năm trước khi đạt được sự thịnh vượng cho tất cả mọi người". Theo Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể trở nên vĩ đại và đạt được sự bình đẳng về kinh tế nếu nước này tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx.
Kết quả của tư tưởng này là các doanh nghiệp nhà nước, tuy mức sản xuất thấp hơn của khối tư nhân gần 20%, được trao nhiệm vụ thực thi các chính sách công nghiệp chiến lược mũi nhọn của Trung Quốc như các lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình chống biến đổi khí hậu. Cùng lúc, Tập Cận Bình cũng mở một cuộc chiến chống các "biến tướng" của chủ nghĩa tư bản, khi ông không ngừng nhấn mạnh đến lòng trung thành của các doanh nghiệp đối với Đảng, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Do vậy, các chi bộ đảng hiện diện không chỉ trong doanh nghiệp nhà nước mà cả trong khối tư nhân, kể cả trong các doanh nghiệp nước ngoài, với nhiều quyền hạn đáng kể : Tổ chức các cuộc họp phê và tự phê, các buổi học "tư tưởng Tập Cận Bình" và thậm chí quyết định cả việc chọn lựa ban lãnh đạo, cũng như là các định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Mặt khác, khi tham gia vào vốn của các công ty tư nhân, Nhà nước khuyến khích các doanh nhân thành đạt đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước, hình thành nên một kiểu hệ thống hỗn hợp, trộn lẫn thị trường với Nhà nước ở một mức độ lớn hơn bao giờ hết. Và đó sẽ là một nền "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Hoa", theo đúng như ngôn từ của Bắc Kinh. Tóm lại, theo kết luận của cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, "kỷ nguyên cải cách và mở cửa" của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc, thay vào đó là một nền kinh tế chính thống mới, một sự pha trộn giữa kế hoạch hóa và các vùng tự do mậu dịch, giữa Nhà nước và tư bản chủ nghĩa !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 17/10/2022
***********************
Tập Cận Bình với Đại hội 20
Ngô Nhân Dụng, VOA, 15/10/2022
Thất lại ngoại giao lớn nhất của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc.
Năm 2016, Tập Cận Bình được suy tôn lên làm "Lãnh tụ cốt lõi" (Hạch tâm lãnh đạo), một danh hiệu không còn dùng từ sau thời Mao Trạch Đông.
Ngày Chủ Nhật tới, Đại hội thứ 20 Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tôn vinh Tập Cận Bình lên "ngôi cửu ngũ". Quyền lực Đảng cộng sản đã được định chế hóa, sẽ được thâu tóm lại trong tay một cá nhân. Dân Trung Quốc đang tập sống lại giống thời Mao Trạch Đông.
Nói về Tập Cận Bình, tuần báoEconomist trích dẫn lời Machiavelli 5 thế kỷ trước, nói rằng các vị quân vương được lên thừa kế duy trì quyền lực dễ dàng hơn các chế độ mới lập, vì họ chỉ cần không đi ra ngoài "khuôn khổ đời trước" để lại. Tờ báo thấy đó là lý do Tập Cận Bình vẫn cổ động cho chủ nghĩa Mác, Lenin, đủ để bảo vệ lòng trung thành của 97 triệu đảng viên cộng sản, mặc dù trong thực tế kinh tế Trung Quốc đã tư bản hóa từ lâu.
Tập Cận Bình không cần đọc Machiavelli hay Hàn Phi Tử, triết gia Trung Hoa trước đó bảy thế kỷ, để học các thuật chính trị. Tập thường nêu lên kinh nghiệm thực tế : Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì chính họ tự "đi ra ngoài khuôn khổ của đời trước". Khrushchev tố cáo các tội ác của Stalin ; Gorbachev cho đảng viên bỏ phiếu thật. Tập cũng noi gương Đặng Tiểu Bình : Đảng không thể tỏ ra mình yếu, dù phải tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn.
Tập Cận Bình tiến những bước chậm chạp nhưng chắc chắn nhờ chỉ dùng các kinh nghiệm thực tế như vậy.
Năm 1982, Lý Thụy làm phó ban Tổ chức, đã lập ra tiểu ban "Cốt Cán Trẻ", đi tìm hiểu khắp nước, lập ra một danh sách những cán bộ khoảng 20, 30 tuổi có triển vọng thăng tiến nhất, nuôi dưỡng, để theo dõi và đề bạt. Năm đó Tập Cận Bình chỉ là phó bí thư huyện Chính Định, trước có tên là Chân Định, tỉnh Hà Bắc (quê hương của Triệu Đà, hoàng đế nước Nam Việt trước thời Hán thuộc). Bí thư huyện vốn là tay chân của ông bố, Tập Trọng Huân, nên nâng đỡ con trai sếp cũ. Nhưng trong danh sách 1.100 cán bộ trẻ của Lý Thụy, đã có tên Tập Cận Bình. Trong số 14 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc hai khóa 2007 và 2012 thì chỉ 2 người ngoài được lọt vào còn 12 người có sẵn tên trong đó.
Trong 17 năm làm việc ở các tỉnh, Tập Cận Bình nắm quyền ở Phúc Kiến (1985 - 2002) hoặc Triết Giang (2002 - 2007), không mấy người đoán có ngày ông sẽ lên "ngôi hoàng đế". Một phóng viên theo ông thường xuyên năm 2002 phải than rằng công việc rất buồn nản : "Ông ấy có vẻ e thẹn, chẳng nói năng điều gì bao giờ". Tập theo kế "Tàng Long Phục Hổ" vì kinh nghiệm bản thân. Ông bị từ chối bảy lần trước khi được nhận vào Đoàn Thanh niên cộng sản ; và năm 1974 cũng chỉ được "vào Đảng" sau 10 lần nạp đơn.
Nhưng khi đã được "lọt mắt xanh" những lãnh tụ cấp cao nhất, Tập Cận Bình cho thấy bản lãnh của mình. Ngày 1/9/2012, ông biến mất, tất cả các cuộc họp bãi bỏ, kể cả cuộc tiếp đón ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ngày 15, ông phó chủ tịch nhà nước tái xuất hiện. Chuyện gì xảy ra trong hai tuần lễ đó ?
Theo một cựu nhân viên CIA thì Tập Cận Bình đã "làm reo" để mặc cả với "các cụ". Họ là các lãnh tụ cộng sản đã được Đặng Tiểu Bình chọn và phân công, những Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, cùng nhóm "Bát Lão" (tám cụ). Họ cảm thấy dù đã về hưu nhưng vẫn phải đóng vai "dìu dắt" tất cả đảng viên. Tập Cận Bình đã đặt điều kiện : Hoặc các cụ đứng ngoài, không xía vô việc của tôi, hoặc tìm người khác làm.
Cuối cùng Tập Cận Bình được toại nguyện. Nắm quyền trong tay, ông tiêu diệt các đối thủ trong đảng bằng đòn Đánh Tham Nhũng, từ giết ruồi lên tới giết trâu bò ! Bạc Hy Lai, bí thư Trùng Khánh, bị đưa ra tòa về âm mưu tiếm quyền. Chu Vĩnh Khang, một đệ tử của Giang Trạch Dân quyền lực ngất trời trong cả ngành an ninh lẫn guồng máy kinh tế, bị truy tố, tịch thu 14 tỷ mỹ kim cùng với đàn em và họ hàng. Cho đến nay đã có 4,7 triệu cán bộ, đảng viên bị điều tra về tham nhũng. Những người chưa bị đều nơm nớp sợ, vì trong chế độ cộng sản những quan chức không đòi hối lộ cũng vẫn được "bôi trơn" ! Phải sống như mọi người, không sao thoát khỏi !
Năm 2016, Tập Cận Bình được suy tôn lên làm "Lãnh tụ cốt lõi" (Hạch tâm lãnh đạo), một danh hiệu không còn dùng từ sau thời Mao Trạch Đông. Năm sau, Trung ương Đảng sửa cương lĩnh ghi thêm "Tư tưởng Tập Cận Bình" làm một kim chỉ nam. Trước đây, cương lĩnh chỉ nói đến Tư tưởng Mao Trạch Đông, với Lý thuyết Đặng Tiểu Bình, "lý thuyết" nghe thấp hơn "tư tưởng" ! Tập Cận Bình nay được đặt ngang hàng với Mao Trạch Đông.
Chức Tổng bí thư không có giới hạn ; hai ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều mỗi người tự ý rút lui sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Tập Cận Bình không muốn bị ràng buộc với tập tục này ; năm 2018 đã cho sửa cương lĩnh, nói rõ ràng vị trí Tổng bí thư có thể được tái nhiệm không hạn định. Năm nay, Bình chắc chắn được bầu thêm 5 năm nữa, và sẽ còn tiếp tục suốt đời nếu muốn. Mao Trạch Đông cầm quyền từ 1949 đến khi chết 1976. Nếu muốn trị vì được 27 năm như Mao, Tập sẽ phải sống tới năm 2039 ! Lúc đó ông ta cũng mới 86 tuổi, chỉ già hơn vua Càn Long khi chết (1711 - 1796) chừng một tuổi !
Tập Cận Bình nắm đủ các quyền hành, không thua Càn Long hay Mao Trạch Đông bao nhiêu : Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Quân ủy Trung ương ; và chức chủ tịch nước sang năm sẽ được quốc hội bầu lại. Họ Tập cố tình rập theo khuôn mẫu của Mao. Trong các dịp lễ đều mặc áo kiểu Mao, khác các Giang và Hồ thường mặc âu phục. Trong lễ Quốc khánh ngày 1 tháng 10, Tập cũng đứng đọc diễn văn tại quảng trường Thiên An Môn như Mao hồi còn sống.
Tập Cận Bình chứng tỏ có tham vọng không thua Mao về chính trị quốc tế, nhưng dùng phương tiện khác. Mao tuyên dương cách mạng toàn cầu bằng bạo lực, cổ động các nước nghèo (nông thôn) cùng bao vây các nước giàu (thành thị). Tập không kêu gọi bạo lực mà chỉ dùng tiền. Tập "hối lộ" các nước nghèo để xây dựng Một Vòng Đai, Một Con Đường. Chương trình Nhất Đới Nhất Lộ là một phần của Giấc Mộng Trung Hoa, khôi phục địa vị Trung Quốc trên thế giới, ít nhất bằng thời Minh Thành Tổ, đầu thế kỷ 15. Nhưng cho đến nay, kế hoạch này chưa thấy dấu hiệu thành công.
Trong khi đó, thế giới lên án các trại tập trung cải tạo người Uyghurs ở Tân Cương, các luật lệ mới hạn chế tự do của dân Hồng Kông, và những chuyến biểu diễn máy bay và phi đạn quanh đảo Đài Loan. Dư luận các nước đều nghi ngờ tham vọng của Bắc Kinh, giống như các nước thực dân các thế kỷ trước.
Thất bại ngoại giao lớn nhất của Tập Cận Bình là biến nước Mỹ thành thù địch. Trước khi Tập lên ngôi, chỉ có 40% dân Mỹ không có cảm tình với Trung Quốc, bây giờ đã có tới 82% ghét nước Trung Quốc. Tập ủng hộ Putin trong chiến tranh Ukraine, uy tín càng xuống dốc. Chính phủ Mỹ đã đánh thuế nặng trên hàng hóa từ Trung Quốc, tuy không gây thiệt hại nào đáng kể nhưng việc ngăn cấm bán các chất bán dẫn tân tiến nhất đã khiến công nghiệp điện tử và tin học của Trung Quốc đình trệ từ 10 đến 20 năm.
Tập Cận Bình cũng tự chặt tay chặt chân kinh tế Trung Quốc với những mối đe dọa trên các công ty tin học và internet, rồi đến chính sách quá khích "ngăn sông cấm chợ" để ngăn chặn Covid 19 khiến kinh tế suy yếu hơn.
Sau khi yên địa vị lãnh đạo trong 5 hay 10 năm nữa, liệu Tập Cận Bình có thay đổi hay không ? Ông ta có thể nhẹ tay hơn để giúp phục hồi kinh tế, sau khi chọn một thủ tướng mới dễ bảo hơn Lý Khắc Cường. Nhưng ông sẽ không bao giờ chia sẽ quyền lực với ai. Đây là điều bất hạnh cho người Trung Hoa. Vì nền kinh tế dựa trên hiểu biết và thông tin không thể nào phát triển trong một chế độ độc tài.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 15/10/2022
Sáng 16/10/2022, tại Bắc Kinh, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 chính thức khai mạc. 2300 đại biểu của cả nước Trung Quốc dự Đại hội đảng từ hôm nay đến ngày 22/10 tới sẽ thảo luận để thông qua đường lối chính trị, kinh tế, xã hội và chọn ra một bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc trong 5 năm tới. Đại hội 20 này sẽ quyết định trao cho ông Tập Cận Bình quyền lãnh đạo tuyệt đối trong Đảng và Nhà nước, nhiệm kỳ thứ 3.
Tổng bí thư đảng, chủ tịch Trung Quốc (đứng), Tập Cận Bình lên đọc diễn văn phiên khai mạc Đại hội đảng 20, Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. AP - Mark Schiefelbein
Thông tín viên RFI tại bắc Kinh Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin :
Trong tiếng vỗ tay kéo dài, hôm qua, 15/10, ông Tập Cận Bình một mình đứng trên khán đài chủ tọa, cũng giống như những người tiền nhiệm của ông và như truyền thống trong các phiên họp trù bị trước Đại hội ở Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình còn là người duy nhất có bài diễn văn được chờ đợi ngày Chủ nhật hôm nay tại Đại lễ đường Nhân dân.
Dù vị nguyên thủ quốc gia này đã tập hợp mọi quyền lực để duy trì sự lãnh đạo, nhưng trước hết đây là là sự tiếp tục lãnh đạo của toàn Đảng cộng sản Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm này. Các đại biểu về dự Đại hội có một tuần để chọn ra các thành viên thường vụ Bộ Chính Trị từ một danh sách rút gọn các ứng viên đã được ban lãnh đạo đảng đề nghị.
Các thành viên Ủy ban này sẽ có thay đổi vì một nửa số lượng ủy viên Ban chấp hành Trung ương sẽ bị thay thế. Những người tự nguyện hoặc được khuyến khích rút sẽ nhường chỗ cho những nhân vật đã từng giữ những vị trí quan trọng và những người trẻ hơn đang nổi lên.
Vấn để bây giờ là để xem ai là những người sẽ ở xung quanh vị nguyên thủ quốc gia trên đỉnh kim tự tháp.
Cho nhiệm kỳ thứ ba, nhân vật số 1 của Trung Quốc, đã loại hết các đối thủ, sẽ rảnh tay xây dựng một nhóm ủng hộ thân cận trong 5 năm tới.
Lễ khai mạc đã được truyền trực tiếp trên các đài truyền hình, phát thanh, các màn hình lớn ngoài trời và ứng dụng di động ở Trung Quốc.
Anh Vũ
Kịch bản 1
Các quy chuẩn về nhân sự trong cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế quyền lực của Tập Cận Bình và nâng cao vị thế của các nhà cải cách ủng hộ thị trường.
Trước thềm đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, khai mạc vào ngày 16/10 này, có nhiều đồn đoán xoay quanh việc ai sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Người ta đặc biệt quan tâm đến Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, cơ quan đưa ra các chỉ thị và quyết định quan trọng nhất của Bắc Kinh.
Nhưng dự báo chính trị là một công việc cực kỳ rắc rối. Người sáng lập Eurasia Group, Ian Bremmer, từng nhận xét rằng khoa học chính trị "có khả năng dự đoán rất tệ", nhưng có thể "giới hạn phạm vi của các kịch bản". Trên tinh thần đó, tôi sẽ không đưa ra dự đoán chắc chắn, mà thay vào đó, chỉ nêu ra một số kịch bản tiềm năng.
Trong phần đầu tiên của loạt bài viết này, tôi sẽ phân tích một kịch bản trong đó các quy chuẩn nhân sự của Ban Thường vụ vẫn được tuân theo.
Vậy các quy chuẩn nhân sự ở đây là gì ?
Kể từ năm 2002, đã không có ủy viên Ban Thường vụ nào được tái bổ nhiệm ở độ tuổi 68 trở lên, hoặc nghỉ hưu ở độ tuổi 67 trở xuống (còn gọi là quy tắc "thất thượng, bát hạ"). Những cái tên được chọn vào Ban Thường vụ hầu như luôn đến từ Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, nơi cũng áp dụng quy tắc bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 68 (dù một số quan chức đã lựa chọn nghỉ hưu sớm, không giống như ở Ban Thường vụ). Ngoài ra, còn có một quy tắc tạm thời được ban hành vào năm 2006, quy định rằng các quan chức sẽ không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ 5 năm ở một vị trí.
Việc Tập Cận Bình (69 tuổi) giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc dường như đã vi phạm những quy chuẩn này. Tuy nhiên, việc ông tiếp tục nắm quyền sẽ ít bất thường hơn nếu ta xem ông là một tổng bí thư, thay vì một ủy viên Ban Thường vụ bình thường (xem thêm lời giải thích của Ling Li trên The Diplomat). Hầu hết trong số năm người tiền nhiệm của Tập ở vị trí nhà lãnh đạo tối cao đã được tái bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo trong Ban Thường vụ sau khi họ bước sang tuổi 68. (Chỉ có Hồ Cẩm Đào và nhà lãnh đạo bị lật đổ nhanh chóng Hoa Quốc Phong là không được tái bổ nhiệm).
Đối với các ủy viên Ban Thường vụ bình thường, quy chuẩn về độ tuổi được thể hiện rõ ràng hơn. Giả sử các quy chuẩn này được giữ nguyên, Lý Khắc Cường (67 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi) đều có thể ở lại Ban Thường vụ, cũng như Vương Hỗ Ninh (67 tuổi) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi). Nhưng Lật Chiến Thư (72 tuổi) và Hàn Chính (68 tuổi) đều đã đến tuổi nghỉ hưu, tức là có hai ghế bị bỏ trống trong Ban Thường vụ. Như Jonathan Brookfield đã đề cập, hai ứng viên hàng đầu cho những chiếc ghế này là Hồ Xuân Hoa (59 tuổi) và Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi), xét theo thâm niên trong Bộ Chính trị và quan hệ phe phái của họ.
Các vai trò cụ thể sẽ được phân bổ như thế nào ?
Chúng ta chỉ có thể suy đoán cách mà quy chuẩn nhân sự sẽ quyết định vai trò cụ thể trong đảng và nhà nước của từng ủy viên Ban Thường vụ. Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng mình sẽ không phục vụ thêm một nhiệm kỳ nào nữa với tư cách là Thủ tướng Quốc vụ viện, và điều đó sẽ được chính thức hóa tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) nhóm họp vào tháng 03/2023. Uông Dương, dù lớn tuổi hơn Lý, nhưng có thể sẽ kế nhiệm ông, dù chỉ là trong một nhiệm kỳ duy nhất. Và dù chưa có tiền lệ, nhưng Lý có thể chấp nhận bị giáng chức xuống một vị trí thấp hơn trong Ban Thường vụ, chẳng hạn như Chủ tịch Quốc hội.
Tập Cận Bình chắc chắn muốn chọn một trong những đồng minh của mình làm thủ tướng tiếp theo, hơn là một đối thủ khác đến từ Đoàn phái. Nhưng không một đồng minh nào của Tập trong Bộ Chính trị đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm làm phó thủ tướng. Trừ khi yêu cầu đó, hoặc các quy chuẩn khác, bị phá vỡ, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa là hai ứng viên duy nhất đủ điều kiện. Và có lẽ vị quan chức cao tuổi Uông sẽ là lựa chọn hợp lý đối với Tập, hơn là một ngôi sao đang lên như Hồ.
Điều đó sẽ khiến Hồ Xuân Hoa trở thành ứng viên hàng đầu cho chức Phó Thủ tướng thứ nhất vào năm 2023 (và có thể lên kế nhiệm Uông làm thủ tướng vào nhiệm kỳ năm 2028). Ba vị trí còn lại trong Ban Thường vụ sẽ được chia cho Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ, nhiều khả năng là theo thứ tự thâm niên. Dưới đây là tóm tắt kịch bản này.
Kịch bản 1 : Danh sách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20
Tên | Tuổi | Vị trí trong Ban Thường vụ (theo thứ bậc) |
Tập Cận Bình | 69 | Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc |
Uông Dương | 67 | Thủ tướng Quốc vụ viện |
Lý Khắc Cường | 67 | Chủ tịch Quốc hội |
Vương Hỗ Ninh | 67 | Chủ tịch Chính Hiệp |
Triệu Lạc Tế | 65 | Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng |
Trần Mẫn Nhĩ | 62 | Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng |
Hồ Xuân Hoa | 59 | Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện |
Hàm ý về chính trị và định hướng chính sách
Kịch bản này có một số hàm ý. Đầu tiên, đây sẽ là kịch bản "tốt nhất" cho sự phát triển về mặt thể chế của Đảng cộng sản Trung Quốc, bởi vì nó cho thấy rằng các quy chuẩn nghỉ hưu của Ban Thường vụ vẫn có hiệu lực. Kịch bản này cũng sẽ khôi phục lại quy chuẩn ban đầu về việc lựa chọn hai nhà lãnh đạo tương lai. Cụ thể, Trần Mẫn Nhĩ và Hồ Xuân Hoa sẽ được xác định là hai ứng viên rõ ràng duy nhất cho vị trí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc và Thủ tướng Quốc vụ viện vào năm 2027-2028, vì họ tương đối trẻ so với các thành viên khác trong Ban Thường vụ. Trong kịch bản này, không còn ai khác đủ điều kiện để ở lại Ban Thường vụ vào năm 2027.
Thứ hai, kịch bản này sẽ chứng minh rằng có những giới hạn đối với quyền lực cá nhân của Tập. Gần một nửa Ban Thường vụ là các đối thủ thuộc Đoàn phái (Uông Dương, Lý Khắc Cường và Hồ Xuân Hoa), chỉ có hai người là đồng minh của Tập (Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ). Sẽ không có chỗ cho những phụ tá thân tín khác của Tập như Lý Cường (63 tuổi), người đã bị mất uy tín khi thể hiện khả năng quản lý yếu kém trong đợt phong tỏa Covid-19 ở Thượng Hải. (Tuy nhiên, Ban Thường vụ vẫn có thể được mở rộng, chẳng hạn lên 9 thành viên ; quy mô của ban này đã thay đổi trong những năm qua).
Cuối cùng, kịch bản này có thể làm thay đổi cán cân trong Ban Thường vụ, thiên về những tiếng nói cải cách ủng hộ thị trường, cụ thể là Uông, Lý, Hồ và Trần. Liệu nhóm đa số này – kết hợp với một lượng lớn các nhà kỹ trị trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng – có thể khiến nền kinh tế chuyển hướng, sang tự do hóa và chủ nghĩa thực dụng hơn hay không ?
Thật không may, có những lý do để nghi ngờ triển vọng của kịch bản này. Các nhà cải cách thị trường như Lý Khắc Cường và Phó Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lưu Hạc đã nắm giữ những vai trò điều hành quan trọng trong thập niên vừa qua, nhưng dường như sự hiện diện của họ chẳng đủ để ngăn cản sự chuyển đổi sang chính sách kinh tế "chính trị chỉ huy" dưới thời Tập Cận Bình.
Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những điều kiện kinh tế bấp bênh nhất sau 10 năm cầm quyền. Chính những điều kiện đó, hơn là yếu tố chính trị, cuối cùng có thể trao quyền cho các nhà cải cách ủng hộ thị trường. Và nếu điều đó xảy ra, nó sẽ khiến Tập mất mặt và gây thiệt hại cho tầm nhìn "nhà nước lãnh đạo" nền kinh tế Trung Quốc của ông.
Tuy nhiên, đây chỉ là một kịch bản có thể xảy ra. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phác thảo một kịch bản ngược lại, nơi các quy chuẩn bị loại bỏ để tạo điều kiện cho Tập củng cố quyền lực.
*************************
Kịch bản 2
Nếu các quy chuẩn về nhân sự bị bỏ qua, Tập có thể sẽ bổ nhiệm những người thân tín với mình, từ đó làm tăng nguy cơ mắc sai lầm chính sách.
Trong bài viết trước, tôi đã phân tích một kịch bản có thể xảy ra tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc), sẽ bắt đầu vào ngày 16/10. Theo kịch bản đó, Tập Cận Bình sẽ đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba, nhưng Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ tập trung nhiều nhà cải cách ủng hộ thị trường, những người có khả năng thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách kinh tế.
Dự báo đó giả định rằng các giới hạn về độ tuổi và nhiệm kỳ đối với giới tinh hoa của Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ được tuân theo. Ngược lại, một kịch bản xấu hơn là khi những giới hạn đó bị loại bỏ. Như những gì tôi sẽ phân tích dưới đây, kịch bản này là một bước thụt lùi lớn đối với các thể chế chính trị Trung Quốc. Nó cũng có thể đưa quyền lực của Tập lên đến mức cực đoan, theo đó làm tăng khả năng phạm sai lầm về chính sách.
Các quy chuẩn có thể bị gạt bỏ như thế nào ?
Thay vì chỉ đơn giản được tái bổ nhiệm làm Tổng Bí thư, Tập Cận Bình (hiện 69 tuổi) có thể xóa bỏ chức vụ này và khôi phục chức vụ Chủ tịch Đảng. Thường nhắc nhớ đến Mao Trạch Đông, chức Chủ tịch Đảng cộng sản Trung Quốc đã không được sử dụng kể từ năm 1982. Việc khôi phục nó sẽ mang lại cho Tập một địa vị sánh ngang với Mao, và nâng ông lên cao hơn nữa so với các ủy viên còn lại trong Ban Thường vụ.
Nhưng để làm cho việc cai trị suốt đời của Tập ít mang tính cá nhân hơn, Hàn Chính (68 tuổi) và Lật Chiến Thư (72 tuổi) có thể ở lại Ban Thường vụ. Trong kịch bản này, đảng sẽ phủ nhận sự tồn tại của quy tắc "thất thượng, bát hạ", quy định rằng những người từ 68 tuổi trở lên sẽ nghỉ hưu khỏi các vị trí lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Và nếu quy chuẩn bị phá vỡ thêm một lần nữa, hai ủy viên đương nhiệm hiện đang 67 tuổi có thể nghỉ hưu sớm. Tầm ảnh hưởng của nhà lý luận đảng Vương Hỗ Ninh và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường có thể đã trở nên quá lớn so với ý muốn của Tập. Nhưng Triệu Lạc Tế (65 tuổi) và Uông Dương (67 tuổi) là những cái tên ít gây lo ngại hơn, và việc họ duy trì ghế ủy viên Ban Thường vụ sẽ mang lại cho Tập tính liên tục vốn có giá trị trong thời điểm có nhiều thách thức chính sách.
Ngoài ra, như một dấu hiệu cho thấy quyền lực vô biên của Tập, ông có thể ngăn việc trao một vị trí trong Ban Thường vụ cho Hồ Xuân Hoa (59 tuổi), ngôi sao đang lên của Đoàn phái. Thay vào đó, Tập sẽ thăng chức cho nhiều phụ tá thân tín của mình, những đồng minh như Lý Cường (63 tuổi) và Hoàng Khôn Minh (65 tuổi).
Cuối cùng, để đảm bảo phe của mình sẽ thống trị trong tương lai, Tập có thể tăng số ghế Ban Thường vụ từ bảy lên chín (như trong giai đoạn 2002-2012). Một quyết định như vậy sẽ tạo thêm ghế trống cho Trần Mẫn Nhĩ (62 tuổi) và Đinh Tiết Tường (60 tuổi), những người tương đối trẻ để cân bằng với nhóm ủy viên lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, với việc bỏ giới hạn độ tuổi, không rõ liệu một ngày nào đó họ có thể kế vị Tập hay không.
Đồng minh của Tập có thể chen chân vào Ban Thường vụ như thế nào ?
Không giống như giới hạn độ tuổi không chính thức của đảng, các quy tắc bổ nhiệm Thủ tướng Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị phá vỡ. Điều này sẽ ngăn Tập thăng chức cho đồng minh của mình, Lý Cường – người còn thiếu kinh nghiệm làm phó thủ tướng, điều mà cả Uông Dương và Hàn Chính đều có. Trong hai người này, Tập nhiều khả năng sẽ thích một nhân vật trung lập như Hàn, thay vì một đối thủ Đoàn phái như Uông.
Nhưng Uông Dương và Triệu Lạc Tế có thể tiếp quản hai chức vụ cao nhất tiếp theo : Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) và Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chủ tịch Chính Hiệp). Trong số các vị trí của nhà nước cần được lấp đầy vào tháng 03/2023, Lý Cường có thể trở thành Phó Thủ tướng thứ nhất, còn Lật Chiến Thư sẽ trở thành Phó Chủ tịch nước (cũng là phó chủ tịch nước đầu tiên ngồi vào Ban Thường vụ, sau Tập Cận Bình trong giai đoạn 2007-2012).
Trong số các vị trí của đảng, Trần Mẫn Nhĩ dường như là một lựa chọn hợp lý để tiếp quản chiến dịch chống tham nhũng của Triệu Lạc Tế tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Đinh Tiết Tường có thể kế nhiệm Vương Hỗ Ninh ở vị trí lãnh đạo Ban Bí thư Trung ương Đảng, cơ quan quản lý công việc thường ngày của đảng. Còn Hoàng Khôn Minh sẽ kế thừa ghế Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần Trung ương Đảng của Vương, cơ quan giám sát công tác tuyên truyền.
Cuối cùng, để hoàn thành việc thống trị cơ quan quản lý cao nhất của Trung Quốc, Tập có thể để đồng minh chủ chốt là Hà Lập Phong tham dự các cuộc họp của Ban Thường vụ với tư cách thành viên không bỏ phiếu. Vào thời điểm căng thẳng kinh tế ngày càng gia tăng, Hà có thể đóng một vai trò quan trọng với tư cách là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, kế nhiệm Lưu Hạc trong Bộ Chính trị.
Kịch bản 2 : Danh sách thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20
Tên | Tuổi | Vị trí trong Ban Thường vụ (theo thứ bậc) |
Tập Cận Bình | 69 | Chủ tịch Đảng |
Hàn Chính | 68 | Thủ tướng Quốc vụ viện |
Uông Dương | 67 | Chủ tịch Quốc hội |
Triệu Lạc Tế | 65 | Chủ tịch Chính Hiệp |
Lật Chiến Thư | 72 | Phó Chủ tịch nước |
Đinh Tiết Tường | 60 | Bí thư thứ nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng |
Hoàng Khôn Minh | 65 | Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Văn minh Tinh thần Trung ương Đảng |
Trần Mẫn Nhĩ | 62 | Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng |
Lý Cường | 63 | Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện |
Hàm ý về chính trị và định hướng chính sách
Trong kịch bản này, các đồng minh của Tập Cận Bình sẽ chiếm ưu thế trong Ban Thường vụ, và Đoàn phái chỉ còn một đại diện duy nhất là Uông Dương. Kịch bản này sẽ mang lại cho Tập khả năng kiểm soát lớn bất thường, và có thể dẫn đến những tình huống xấu cho sự ổn định chính trị lâu dài của Trung Quốc. Về cơ bản, quy chuẩn về độ tuổi nghỉ hưu là cơ chế duy nhất để điều chỉnh nhân sự trong Ban Thường vụ, và việc từ bỏ quy chuẩn này có nguy cơ đưa đất nước quay trở lại chế độ lão trị thời Mao.
Bước thụt lùi về thể chế này cũng sẽ có những tác động đáng lo ngại đối với định hướng chính sách. Được vây quanh bởi một liên minh các quan chức yếu kém nhưng trung thành, Chủ tịch Tập sẽ chỉ phải đối mặt với sự phản kháng tối thiểu trong việc kiên trì áp dụng "zero Covid" hoặc gia tăng đàn áp các tập đoàn. Ông sẽ bị mắc kẹt trong một vòng tròn các ý kiến phản hồi theo hướng chuyên chế, ngày càng không nhận thức được thiệt hại do chính sách của mình gây ra.
Hậu quả của việc quay lại chế độ độc nhân trị là sự tổn hại đến di sản của Tập, đồng thời làm suy yếu chính đảng mà ông đã dành 10 năm qua để củng cố. Thật may, viễn cảnh đó sẽ khiến kịch bản này trở thành một kết quả khó xảy ra tại Đại hội lần thứ 20.
Một kịch bản có thể xảy ra hơn là quyền lực của Tập Cận Bình sẽ lớn mạnh, nhưng vẫn được giám sát bởi các quy chuẩn thể chế và động lực cạnh tranh phe phái. Bởi vì, trái với những gì một số nhà bình luận nghĩ, Tập không phải là hiện thân tái sinh của Mao.
Dan Macklin
Nguyên tác : "China’s 20th Party Congress : A Downside Scenario", The Diplomat, 12/10/2022
Nguyễn Thị Kim Phụng bên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/10/2022
Dan Macklin là một nhà phân tích chính trị và nhà tư vấn rủi ro, hiện đang sống tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Ông chuyên viết về chính trị và kinh tế chính trị Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình được dọn đường để tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc
Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 11/11 đã thông qua nghị quyết về lịch sử và thành tựu của Đảng, Tân Hoa Xã đưa tin, một biện pháp được cho là củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hình ông Tập Cận Bình tại lối vào Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh
‘Nghị quyết lịch sử’ được đưa ra vào lúc cao trào của Hội nghị Trung ương 6 với khoảng 370 ủy viên trung ương dự họp kín ở Bắc Kinh kể từ hôm 8/11.
Nghị quyết được thông qua một năm trước Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào năm 2022 khi ông Tập dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba – phá vỡ tiền lệ của Đảng.
Đây là ‘nghị quyết lịch sử’ thứ ba kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc được thành lập vào năm 1921. Hai nghị quyết trước đó, vào các năm 1945 và 1981, có tác dụng củng cố quyền lực của các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. ‘Nghị quyết lịch sử’ được đưa ra dưới thời Tập Cận Bình là cách để nâng ông lên ngang hàng với Mao và Đặng.
Ông Tập được xem là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông.
Nghị quyết tuyên bố hệ tư tưởng của Tập Cận Bình là ‘tinh hoa văn hóa Trung Hoa’. Trung ương Đảng nói rằng ‘điều này có ý nghĩa quyết định’ đối với ‘sự phục hưng của quốc gia Trung Quốc’.
Đảng đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông Tập vào năm 2018, cho thấy ý định của ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền sau năm 2022.
Ngoài ra, các nhà chính trị học chỉ ra những gì đã xảy ra ở các nước Châu Á, Phi và Mỹ Latinh để cảnh báo rằng một người cai trị quá lâu sẽ dẫn đến các quyết định và thành tích kinh tế tệ hại.
Ông Tập đã thực thi chính sách đối ngoại quả quyết và mở rộng Giải phóng Quân. Nước này có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và đang phát triển tàu ngầm, máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân để mở rộng sức mạnh của Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ của họ.
Ông Tập cũng lãnh đạo sáng kiến ‘Thịnh vượng chung’ nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập và của cải giữa giới tỷ phú Trung Quốc và đa số dân nghèo. Các công ty đang chịu áp lực phải san sẻ của cải với dân lao động bằng cách tăng lương, tạo việc làm ở thôn quê và tài trợ các nỗ lực phát triển khác.
Đảng cộng sản cũng thắt chặt kiểm soát xã hội, đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập và các nhà hoạt động nhân quyền.
Bản thân ông Tập Cận Bình đã sử dụng bộ máy tuyên truyền rộng lớn của đảng để đánh bóng hình ảnh của mình.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ghi công ông Tập trong những thành tựu như chống dịch Covid-19, sự vươn lêncủa Trung Quốc như là đất nước sáng tạo công nghệ và sứ mạng khảo sát Mặt trăng hồi năm ngoái để về đá Mặt trăng.
Nguồn : VOA, 12/11/2021
Nguồn : VOA, 12/11/2021
*********************
Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử
Huyền Lê, VnExpress, 11/11/2021
Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết quan trọng về lịch sử đảng do ông Tập trình bày, dự kiến củng cố di sản của ông trong sử sách.
Nghị quyết "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng" được khoảng 400 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua chiều nay, trong ngày làm việc cuối cùng của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng (Hội nghị Trung ương 6) tại thủ đô Bắc Kinh.
Theo hãng thông tấn Xinhua, nghị quyết này nhằm củng cố di sản của Chủ tịch Tập Cận Bình trong sử sách, kêu gọi duy trì "quan điểm đúng đắn về lịch sử đảng", đồng thời cho rằng đảng đã "viết nên bản hùng ca tráng lệ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Trung Hoa".
Du khách trước màn hình chiếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bảo tàng Đảng cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay. Ảnh : AFP.
"Ban Chấp hành Trung ương đảng kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa quanh Ban Chấp hành Trung ương đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt, thực hiện đầy đủ kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình đề ra", nghị quyết nêu.
Đây là "nghị quyết lịch sử" thứ ba được Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) thông qua từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình..
Hội nghị Trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra ngày 8-11/11, là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19. Chương trình nghị sự của hội nghị là tuyệt mật, chỉ được công bố bằng một thông cáo về nội dung thảo luận và nghị quyết được thông qua sau khi hội nghị kết thúc.
Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc năm 2022, quyết định liệu ông Tập có tiếp tục giữ chức chủ tịch Trung Quốc, sau khi quốc hội nước này năm 2018 bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp.
Các nhà phân tích cho rằng nghị quyết mới được thông qua sẽ giúp ông Tập củng cố quyền lực bằng cách thiết lập tầm nhìn đối với Trung Quốc trước thềm đại hội năm tới. Theo họ, nghị quyết cũng sẽ xác định lịch sử Trung Quốc được giảng dạy ra sao, đồng thời nêu bật những thành công của đất nước nhờ vai trò lãnh đạo và các chính sách của ông Tập.
Tại hội nghị trung ương đảng năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua văn kiện gọi ông Tập là "lãnh đạo cốt lõi", đặt ông ngang hàng với Mao Trạch Đông cùng Đặng Tiểu Bình, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế tập thể lãnh đạo. Xinhua tuần này đưa tin ông Tập "chắc chắn là nhân vật cốt lõi để vạch ra tiến trình lịch sử".
(theo AFP)
Huyền Lê
Nguồn : VnExpress, 11/11/2021
**********************
Trung Quốc sắp ra 'nghị quyết lịch sử'
Nguyễn Tiến, VnExpress, 09/11/2021
Hội nghị Trung ương 6 Đảng cộng sản Trung Quốc dự kiến thông qua "nghị quyết lịch sử" về thành tựu của đất nước và tầm nhìn của ông Tập.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (Hội nghị Trung ương 6) diễn ra ngày 8-11/11 tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai mạc hội nghị hôm qua với báo cáo công tác của Bộ Chính trị và trình bày dự thảo "nghị quyết về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử 100 năm của Đảng cộng sản Trung Quốc". Đây được coi là "nghị quyết lịch sử" đầu tiên được Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua trong 40 năm qua, kể từ sau nghị quyết được lãnh đạo Đặng Tiểu Bình công bố năm 1981.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Kinh ngày 9/10. Ảnh : Reuters.
Chương trình nghị sự của hội nghị là tuyệt mật, chỉ được công bố bằng một thông cáo về nội dung thảo luận và nghị quyết được thông qua sau khi hội nghị kết thúc ngày 11/11.
Nghị quyết nhiều khả năng được thông qua trong bối cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc vào năm 2022. Đại hội này sẽ quyết định việc ông Tập có tiếp tục giữ chức Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba hay không, sau khi quốc hội nước này bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong hiến pháp vào năm 2018.
Tại hội nghị trung ương đảng năm 2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thông qua văn kiện gọi ông Tập là "lãnh đạo cốt lõi", đặt ông ngang hàng với Mao Trạch Đông cùng Đặng Tiểu Bình, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế tập thể lãnh đạo.
Đây sẽ là "nghị quyết lịch sử" thứ ba được Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua kể từ khi thành lập, sau văn kiện năm 1945 của Mao Trạch Đông nhằm xác lập mục tiêu của đảng, cùng "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử từ khi dựng nước đến nay" năm 1981 của Đặng Tiểu Bình.
"Nghị quyết năm 1945 khẳng định vai trò lãnh đạo của Mao Trạch Đông với Đảng cộng sản Trung Quốc, còn nghị quyết năm 1981 mở ra trang mới sau những biến động từ cách mạng văn hóa", Dali Yang, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Chicago, cho biết. "Nghị quyết năm nay sẽ mang tính dung hòa giữa lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc với tương lai của ông Tập".
Giới chuyên gia cho rằng nghị quyết này sẽ xác định lịch sử Trung Quốc được giảng dạy ra sao, đồng thời nêu bật những thành công của đất nước nhờ vai trò lãnh đạo và các chính sách của ông Tập.
Ông Tập hồi tháng 7 tuyên bố Đảng cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu trong 100 năm đầu tiên là xây dựng xã hội thịnh vượng vừa phải cho mọi người và xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực. Ông nhấn mạnh thống nhất Đài Loan "là một sứ mệnh lịch sử và cam kết không thể lay chuyển của Đảng cộng sản Trung Quốc".
Anthony Saich, giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định hội nghị trung ương 6 sẽ thể hiện vai trò mới của Trung Quốc trên trường quốc tế và "vai trò của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc giúp người Trung Quốc đạt được giấc mơ Trung Hoa".
"Chúng ta sẽ tiếp tục thấy một Trung Quốc quyết đoán trên bình diện quốc tế. Ở trong nước, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ ưu tiên nhiệm vụ chống tham nhũng, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và suy thoái môi trường", Saich nói.
(theo The Guardian)
Nguyễn Tiến
Nguồn : VnExpress, 09/11/2021
Mã Kiến (Ma Jian), nhà văn tên tuổi của Trung Quốc đang lưu vong nhận định trên Le Monde "Tất cả người dân Trung Quốc đang bị đảng cộng sản cầm tù về tư tưởng".
Trình diễn xếp hình trong chương trình gala nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Nhà văn kể lại cách đây vài năm khi đến Đài Loan dự một liên hoan văn chương, ông đến một khu chợ đêm tìm món tangyuan (thang viên, một loại chè trôi nước nhân mè đen) để đỡ nhớ quê hương. Bà chủ gian hàng đã bán hết, nhưng chỉ cho ông mua hàng đông lạnh ở siêu thị, mang về bà nấu giùm và nhất định không chịu lấy tiền. Sự tử tế của bà cụ không quen biết khiến nhà văn nhớ lại renqing (chữ Hán là nhân tình, tức tình người), giá trị Khổng giáo truyền thống nay đã phai nhạt ở Hoa lục.
Đảng cộng sản với 70 năm ngự trị, từ thời Mao đã bám chặt quyền lực bằng sự tàn bạo, tuyên truyền và dối trá. Công dân là những con cờ ngốc nghếch bị lóa mắt bởi một tương lai hoang tưởng, bị giam cầm trong địa ngục của hiện tại. Nhà độc tài bịt mắt dân chúng một cách dễ dàng.
Hồi năm 13 tuổi, sống sót sau trận đói kinh hoàng vì chính sách Đại nhảy vọt của Mao, anh chị em trong nhà phải ăn vỏ cây để đánh lừa cái đói, Mã Kiến vẫn ước mong được đứng vào đội ngũ Hồng vệ binh. Ước vọng lớn nhất của thế hệ ông thời đó là sau khi thanh trừng hết các phần tử tư sản tại Hoa lục, có thể sang Anh và Mỹ giải phóng nhân dân khỏi ách kềm kẹp của tư bản, chào đón họ gia nhập đại gia đình cách mạng.
Rồi dần dà với những màn đấu tố tập thể dã man, Mã Kiến bắt đầu nhận ra thảm họa phi nhân tính, chia rẽ con người thành những giai cấp, đấu tranh với nhau không ngơi nghỉ, hữu đấu với tả, láng giềng đấu với láng giềng. Các giá trị truyền thống như gia đình, tôn trọng người có tuổi bị tan vỡ, khi người ta khuyến khích con cái tố cáo cha mẹ. Không một tư tưởng nào ngoài Mao Trạch Đông được cho phép, chệch hướng một chút sẽ bị quy là "kẻ thù giai cấp" và bị tiêu diệt.
Ít nhất 45 triệu người đã chết đói vào thời Mao, nhiều triệu người nữa bị sát hại hay đàn áp trong Cách mạng Văn hóa. Có những khoảng thời gian ngắn ngủi xã hội được hưởng đôi chút làn gió tự do. Nhưng rồi chế độ đưa xe tăng cán nát người biểu tình Thiên An Môn năm 1989, tống giam Lưu Hiểu Ba cho đến khi giải Nobel Hòa bình chết trong tù, các nhà báo độc lập đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán người vào trại giam người mất tích, đàn áp Hồng Kông, Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ. Nhà văn kết luận, tất cả những người sống tại Hoa lục đều trở thành con tin của đảng.
Về Trung Quốc và đại dịch Covid, La Croix phỏng vấn ông Étienne Decroly, chuyên gia về cơ chế sao chép của các loại virus mới, giám đốc nghiên cứu CNRS về hậu quả của việc Trung Quốc hôm 23/07/2021 ngưng cho phép Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc Covid-19 tại Hoa lục.
Thái độ của Bắc Kinh liệu có ngăn cản việc tìm ra xuất xứ của con virus corona phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán ?
Nhà nghiên cứu giải thích, để tìm được nguồn gốc của SARS-CoV-2, cần phải điều tra ở nơi đại dịch khởi phát : kiểm tra ngân hàng máu, một số dữ liệu và mẫu vật đông lạnh tại các bệnh viện. Nếu do truyền từ một con vật trung gian, thì còn phải lấy mẫu trên những con vật ở các chợ, các trại nuôi súc vật trong vùng hay trong rừng, để có thể lần ra chuỗi lây nhiễm.
Có hai giả thiết : virus lây từ một con vật trung gian sang người, hoặc rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Dù là giả thiết nào, việc tìm ra nguyên nhân đại dịch sẽ giúp không phải đối mặt với một trận dịch tương tự trong vài năm tới.
Nếu là trường hợp thứ nhất, virus lây từ một con thú hoang sang vật nuôi rồi truyền sang người, chúng ta có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm nếu nhận diện được con vật trung gian. Tại Pháp, khi phát hiện được cúm gà ở một trang trại, lập tức tất cả gia cầm trong trại đều bị tiêu hủy để cắt đứt nguồn lây.
Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 thoát ra khỏi phòng thí nghiệm, việc thiết lập các tiêu chuẩn an toàn mới là hết sức quan trọng. Đồng thời đặt ra câu hỏi về các nguy cơ liên quan đến những thí nghiệm lai tạo virus tại đây. Liệu có thể tiếp tục các thí nghiệm này trong khi không hề có một cơ chế quốc tế nào để kiểm tra như trong trường hợp nguyên tử ? Như vậy cần có sự phối hợp tầm quốc tế.
Chuyên gia Étienne Decroly cảnh báo, con virus xuất xứ từ Vũ Hán không để lại dấu vết lâu dài trong bộ gien người hay súc vật như trường hợp HIV, thế nên chúng ta chỉ còn có vài năm để tìm ra nguồn gốc. Nói cách khác, thời gian càng trôi đi thì nhân loại càng ít cơ hội nhận diện thủ phạm, và bây giờ đã là trễ. Tóm lại, không vào được Hoa lục để điều tra là cản ngại chủ yếu cho việc truy tìm.
Nhìn sang đảo quốc cộng sản Cuba, đặc phái viên Le Mondetại La Havana trong bài phóng sự "Nỗi sợ ở Cuba, đất nước khổ đau" nói về việc chính quyền ra tay bắt bớ sau cuộc biểu tình lịch sử.
Một nghệ sĩ 29 tuổi nói với nhà báo Pháp : "Chúng tôi đang trở thành một dân tộc của những người di cư và tù nhân. Nhưng ít nhất người ta không thể nói rằng người Cuba chẳng làm gì để tự giải phóng khỏi chế độ này".
Theo tổ chức nhân quyền Cubalex, đã có trên 600 người bị bắt và mất tích. Trong những cuộc biểu tình sau đó, cảnh sát đến tận nhà những người ly khai bị nghi ngờ. Nhiều người nay đã được thả, nhưng số khác vẫn bị cầm tù như nghệ sĩ đối lập Luis Otero Alcantara, thủ lãnh phong trào San Isidro. Hơn một chục người đã lãnh án một năm tù, trong đó có đạo diễn điện ảnh Anyelo Troya, tác giả clip nhạc rap Patria y Vida (Tổ quốc và cuộc sống) đã trở thành bài ca của người biểu tình. Nhà tổ chức triển lãm tranh Solveig Font bị truy vấn có "nhận tiền của đế quốc Mỹ" không và nay bị quản thúc tại gia trong lúc chờ ra tòa. Gần hai chục nhà báo độc lập cũng bị bắt.
Sau cuộc biểu tình ngày 11/07, quân đội tuần tiễu trên đường phố, các xe quân sự chở lực lượng đặc biệt vũ trang mặc đồ màu đen ngang dọc các tuyến đường, im lặng bao trùm La Havana. Kể từ 17/07 cuộc sống mới dần trở lại bình thường, vẫn với sự hiện diện hùng hậu của quân đội và cảnh sát. Ở mỗi góc đường, cư dân tiếp tục xếp hàng dài để mua thực phẩm theo giá nhà nước. Cuộc chạy đua này chiếm hết toàn bộ thời giờ của họ, nảy sinh ra nghề xếp hàng thuê (colero).
Một người dân cho biết với sổ mua hàng phân phối (cartilla), mỗi nhân khẩu được tiêu chuẩn 3 ký rưỡi gạo mỗi tháng, nửa ký đậu đen, 400 gam thịt gà một tuần, không thể nào đủ ăn. Nếu muốn mua sữa bột, giấy vệ sinh… phải xếp hàng ở các cửa tiệm bán bằng ngoại hối. Bất bình đẳng đào sâu giữa các gia đình có người thân ở nước ngoài, có thể mua đô la và euro với giá chợ đen cao gấp ba và những người trắng tay, một nghịch lý ở đất nước hoang tưởng về "chủ nghĩa xã hội".
Về phía kiều dân Cuba tại Mỹ, Le Figarocho biết thêm về sự kiện "Một đoàn tàu chống chế độ Castro thách thức La Havana" : sáu con tàu của những người lưu vong ở Miami hôm thứ Sáu tuần trước đã áp sát vùng biển Cuba.
Được tuần duyên Mỹ hộ tống để tránh mọi sự cố, đoàn tàu rời Key West đến thả neo ở ranh giới trên biển với Cuba. Các nhà đấu tranh đợi đến tối để bắn lên những quả pháo bông có thể trông thấy tại nhiều khu phố thủ đô La Havana. Một trong những nhà tổ chức nói với hãng tin AP, họ đến vùng biển quốc tế để biểu lộ sự ủng hộ cư dân Cuba của những người đang sinh sống tại Miami, đồng thời lôi kéo sự chú ý của Washington.
Sự kiện này gợi nhớ lại tình hình căng thẳng trong những năm 90 giữa Hoa Kỳ và Cuba. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân đảo quốc thiếu thốn thực phẩm trầm trọng, nhiều người liều mình vượt biên (balsero) và có những đoàn tàu của các tổ chức chống cộng cứu vớt người trên biển. Hermanos al Rescate (Anh em cứu hộ), một trong các tổ chức được Washington tài trợ đưa các máy bay Cessna ra biển để hỗ trợ, đồng thời thả truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi dậy.
Ngày 24/02/1996, Fidel Castro ra lệnh cho một chiến đấu cơ MiG-29 và một MiG-23 chận các chiếc Cessna của Hermanos al Rescate, bắn hạ hai chiếc. Tổ chức này bị năm điệp viên Cuba xâm nhập, cả năm đều bị bắt vào năm 1997 và được lần lượt trả tự do năm 2011 và 2014 khi Obama xích gần lại với Cuba. Câu chuyện này đã được đạo diễn Olivier Asssayas dựng thành phim Cuban Network năm 2019.
"Tại Miến Điện, tập đoàn quân sự dựa vào Covid để bóp nghẹt đối lập", theoLibération. Độc quyền oxy tại các bệnh viện quân đội, dịch lan tràn nơi các nhà ly khai bị cầm tù… con virus từ Vũ Hán tỏ ra hữu ích cho chế độ.
Chỉ trong vài tuần lễ, Miến Điện rơi vào thảm họa dịch tễ. Con số chính thức 7.000 ca nhiễm mới và gần 300 người chết mỗi ngày còn rất xa so với thực tế. Theo các chuyên gia người Miến Điện được Asia Times nêu ra, phân nửa dân số Miến Điện sẽ trở thành dương tính trong ba tuần tới. Trên khắp cả nước, không ít người đấu tranh chống tập đoàn quân sự chết vì Covid, nhất là trong các nhà tù quá tải.
Đối với những nhà đấu tranh lâu năm, lịch sử đang lặp lại. Sau vụ đảo chính năm 1988, dịch sốt rét đã sát hại nhiều người kháng chiến đang lẩn trốn trong rừng, người ta chết vì bệnh này nhiều hơn là trên chiến địa.
Vấn đề giấy thông hành dịch tễ và vac-xin chống Covid là mối quan tâm chính của các báo Pháp hôm nay 26/07/2021. Le Figarochạy tựa "Thông hành dịch tễ được áp đặt dù có những do dự". Tương tự,Les Echosnhận định "Thông hành dịch tễ áp đặt một cách vất vả" : Quốc hội lưỡng viện đã thông qua dự luật nhưng điều khoản sa thải các nhân viên trong lãnh vực liên quan không chịu chích ngừa bị Thượng Viện bác. Trang nhấtLe Mondeđăng bản đồ tiêm chủng nước Pháp cho thấy miền tây bắc có tỉ lệ chích ngừa nhiều hơn hẳn đông nam.
Libérationđưa tít trang nhất "Tiêm chủng, một phong trào xuống đường khác" với hình ống chích trên nền đỏ. Nếu 160.000 người Pháp đã biểu tình chống thông hành dịch tễ thì cùng ngày, số người đông gấp đôi đã đi chích ngừa, và ngưỡng 40 triệu người đã tiêm chủng được vượt qua hôm nay. Libération nhấn mạnh "đám đông im lặng" vẫn lớn hơn số người chống đối rất nhiều.
Bài xã luận của La Croix chỉ trích thái độ quá trớn của một số người biểu tình chống vac-xin, như đeo ngôi sao vàng mà Do Thái bị buộc phải mang trong thời phát-xít Đức chiếm đóng, gọi nước Pháp là "độc tài", "chế độ quốc xã". Thậm chí có biểu ngữ còn ghi "thà xin tị nạn chính trị ở Bắc Triều Tiên còn hơn". Thật là quá đáng ! Tờ báo cho rằng đây là một cái bẫy : các chính khách có thể không còn muốn muốn thuyết phục họ, hoặc tỏ ra mị dân, hay ngược lại những người quá khích cũng có thể bị gậy ông đập lưng ông.
Thụy My