Tập Cận Bình củng cố quyền lực, cất nhắc đồng minh vào Ban Thường vụ
Thanh Hà, RFI, 23/10/2022
Ngày 23/10/2022 ông Tập Cận Bình được bầu lại làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm, đứng đầu một Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm toàn là những người thân cận và trung thành. Ông sẽ được chính thức chỉ định là chủ tịch nước vào tháng 3/2023. Với một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập, 69 tuổi, trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông.
Các thành viên mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, đi đầu là chủ tich Tập Cận Bình, đến Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. (Ảnh AP / Andy Wong) AP - Andy Wong
Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde trực tiếp tường thuật buổi lễ ra mắt thành phần lãnh đạo cao cấp nhất tại Trung Quốc diễn ra sáng nay :
"Theo đúng nghi thức truyền thống, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc là người đầu tiên bước lên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay của cử toạ. Ông dẫn đầu phái đoàn, theo sau là ông Lý Cường, người rất có thể sẽ được chỉ định vào chức vụ thủ tướng.
6 người đàn ông theo sau Tập Cận Bình đều mặc những bộ y phục sậm màu, đeo cà vạt đỏ, hai tay để sát người, gần như trong tư thế chào cờ, họ đã lắng nghe tổng bí thư, nhân vật số 1 của Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu.
Đây không là hình ảnh của một đất nước Trung Hoa tươi cười. Mọi người đã biết trước là với việc thủ tướng Lý Khắc Cường về hưu, và với hình ảnh hôm qua của cựu chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường, ban lãnh đạo mới sẽ bao gồm những người thân tín với ông Tập Cận Bình.
Khi giới thiệu thành phần mới trong Ban Thường vụ, ông Tập đã nhấn mạnh đây là những gương mặt ‘quen thuộc’. Trong số này, có 2 ủy viên thường vụ trong khóa sắp mãn nhiệm là các ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, hiện là Bí Thư Ủy ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương, và Vương Hộ Ninh (Wang Huning) một nhà tư tưởng của chế độ.
Trong số những người mới được đưa vào Ban Thường vụ để thay thế các nhân vật vừa về hưu, có Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), trợ lý chính trị của ông Tập ; Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh ; người thứ ba được cất nhắc vào Ban Thường vụ là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Lý Hy (Li Xi), kế đến là bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) mà thính giả của RFI biết đến nhiều, do việc ông là người ra lệnh phong tỏa hơn 25 triệu dân cư Thượng Hải trong nhiều tuần lễ hồi mùa xuân vừa qua.
Đây là những bằng chứng cho thấy trong nội bộ, Đảng cộng sản Trung Quốc đánh giá cao lòng trung thành của các đảng viên hơn là điểm tín nhiệm và được lòng dân của họ".
Trong bài phát biểu sáng nay tân tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cam kết sẽ "làm việc không ngơi nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó" trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. "Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới và thế giới cũng cần có Trung Quốc".
Bắc Triều Tiên và Nga mau mắn chúc mừng Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là hai nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nhanh chóng chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm.
Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cho biết trong thư chúc mừng lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong-un gửi đến ông Tập những lời chúc mừng "nồng ấm nhất" và Bình Nhưỡng rất hân hoan trước viễn cảnh "tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương".
Về phần tổng thống Nga, Vladimir Putin ngay sáng nay đã chúc mừng ông Tập Cận Bình và cho biết rất hân hạnh tiếp tục đối thoại xây dựng và cùng củng cố quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược" giữa Liên bang Nga với Trung Quốc. Nguyên thủ Nga chúc chủ tịch Tập Cận Bình nhiều "thắng lợi", gửi lời chúc "sức khỏe và và thịnh vượng" đến ông Tập Cận Bình.
Đài Loan phản ứng dè dặt
Về phía Đài Loan từ chiều qua đã có phản ứng về việc Bắc Kinh đưa vấn đề độc lập của Đài Loan vào bản Điều lệ Đảng được sửa đổi. Thông cáo của chính quyền Đài Bắc kêu gọi Hoa Lục hãy "từ bỏ tư tưởng cũ" với mục đích xâm chiếm hòn đảo này, từ bỏ "chủ trương đối đầu". Ban lãnh đao mới ở Bắc Kinh nên hướng tới việc "giải quyết xung khắc bằng con đường hòa bình, một cách công bằng và thực tế"
Về phía các chuyên gia, tất cả đồng loạt ghi nhận ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ ba trong giai đoạn "kinh tế đang gặp khó khăn". Sau nhiều thập niên tăng trưởng thần kỳ, GDP của Trung Quốc trong năm nay dự trù không tăng quá 3,5 %. Nhiều lĩnh vực đang bị chựng lại như ngành du lịch, hàng không dưới tác động các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid. Ngành địa ốc đang bên bờ vực thẳm. Chuyên gia Đan Vương, thuộc ngân hàng Trung Quốc Hang Seng được Afp trích dẫn ghi nhận "ít có triển vọng tiêu thụ nội địa hồi phục để trở lại với thời kỳ như hồi cuối 2019, trước khi nổ ra đại dịch"
Thanh Hà
*************************
Hồ Cẩm Đào bị buộc rời hội trường Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình cảnh cáo phe phản đối ?
Minh Anh, RFI, 23/10/2022
Ngày 22/10/2022, một hình ảnh hiếm có và tạo ra nhiều bình luận về buổi bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã được lan truyền rộng rãi : Cựu tổng bí thư Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường trước lúc đại hội biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng. Truyền thông chính thức Trung Quốc giải thích rằng cựu lãnh đạo Trung Quốc "cảm thấy không khỏe".
Cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi ngang qua đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (p) và thủ tướng Lý Khắc Cường trong lễ bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 22/10/2022. AP - Ng Han Guan
Trên mạng xã hội Twitter, Tân Hoa Xã khẳng định : "Hồ Cẩm Đào khăng khăng muốn dự phiên bế mạc dù gần đây ông mất nhiều thời gian để hồi phục. Khi ông ấy cảm thấy không được khỏe trong phiên họp, đội ngũ của ông ấy, vì sức khỏe của ông, đã đưa ông đến phòng bên cạnh để nghỉ ngơi. Giờ thì ông ấy đã đỡ hơn nhiều".
Tuy nhiên, theo giải thích của chuyên gia về Trung Quốc, Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), cựu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là đại diện cho một số hiếm hoi các phe nhóm vẫn còn khả năng chống đối Tập Cận Bình. Việc ông bị ép buộc rời ghế ngay giữa phiên bỏ phiếu, trái với ý muốn của ông, và ngay trước sự hiện diện của giới phóng viên, cho thấy đây là một màn phô diễn thuần túy và đơn giản do Tập Cận Bình dàn dựng nhằm loại bỏ mọi hình thức phản đối đường lối chính trị của ông trong tương lai.
Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích :
"Nói là ông Hồ Cẩm Đào nay đã 80 tuổi, ông ấy bị bệnh, ông ấy sẽ không thể dự hội nghị được… thì thật quá đơn giản. Ở đây, rõ ràng người ta đã cố ý buộc ông phải đứng dậy và ở bên trái Tập Cận Bình, người ta thấy có hai người nắm lấy tay ông và nói rằng "mời ông đi ra".
Lúc ông ấy đi qua phía sau Tập Cận Bình, ông ấy dường như nói điều gì đó với ông Tập, điều gì thì chúng ta không biết được, nhưng chắc chắn là không phải để nói : "À, cảm ơn nhiều, ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại nhất, v.v." rồi mới đi ra.
Khi chúng ta nhìn thấy trong các đại biểu thuộc Đoàn Thanh Niên, vốn dĩ từng là cơ sở quyền lực của Hồ Cẩm Đào, có hai người đã bị gạt ra khỏi Ban Thường vụ và họ công khai loại bỏ Hồ Cẩm Đào ngay giữa đại hội, đây thật sự là một điều quá lớn. Họ gạt ông ấy trước khi bỏ phiếu sửa đổi, điều đó dường như muốn nói rằng những người này khá phản đối việc sửa đổi điều lệ đảng.
Do vậy, hình ảnh này chỉ nhằm nói rằng : "Hãy nhìn đi, tôi mới là lãnh đạo, chính tôi là nhà lãnh đạo, chính tôi là lãnh đạo".
Minh Anh