Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/10/2022

Cô giáo ôm cây vượt suối : Bớt đạo đức giả lại, hỡi các ngài !

Trần Nguyên

Bức ảnh do một thầy giáo chụp cho nữ đồng nghiệp của mình khi cả hai cùng vượt qua con suối để đến trường dưới đây, khi báo chí đăng tải đã được nhiều người cảm thán "xứng đáng dựng tượng đài".

cogiao1

Cô giáo ôm cây vượt suối vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam). Nguồn : Báo Thanh niên

Nhưng chắc cũng có nhiều người giống tôi, nhìn tấm ảnh và nghĩ, nếu thầy/cô trượt tay rơi xuống dòng lũ dữ, đứa con nhỏ của họ sẽ được ai nuôi nấng ? Cháu sẽ lớn lên như thế nào ? Chồng/vợ của họ, cha mẹ, anh chị em, người thân của họ sẽ đau đớn đến bao lâu ? Mất mát của họ có tượng đài nào bù đắp nổi ?

Cô giáo cắm bản nghèo Quảng Nam

Cắm bản là câu chuyện có từ hơn 50 năm nay của ngành giáo dục. Trước kia, giáo viên được bố trí nhiệm sở khi ra trường, không phải tự lo xin việc, tuy nhiên họ phải chấp hành chế độ nghĩa vụ. Thông thường giáo viên chỉ đi nghĩa vụ một nhiệm kỳ năm năm ở một điểm trường xa, sau đó sẽ được chuyển công tác về gần nhà. Tuy nhiên, ở những vùng sâu vùng xa, điểm xa nhiều hơn điểm gần thì đa số giáo viên phải đi hết nhiệm kỳ nghĩa vụ này đến nhiệm kỳ nghĩa vụ khác, khi nào lớn tuổi hoặc lên chức, hoặc được đỡ đầu thì mới được chuyển về gần nhà.

Ở miền xuôi, đi nghĩa vụ là đến các trường huyện, xã, nông thôn, vùng biển, đảo khó khăn xa trung tâm. Ở miền núi, đi nghĩa vụ là cắm bản. Khoảng cách từ nhà đến trường thường vài chục cây số. Từ điểm trường đến trung tâm cũng khoảng đó.

Những điểm trường nghĩa vụ hay cắm bản thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Chúng được dựng lên sơ sài bằng gỗ, lợp tôn hoặc cũng có thể đã được xây xi măng, nhưng điện-đường-chợ-trạm là không có. Vì thế, trường sẽ dựng nhà tập thể để giáo viên ở lại trong tuần, cuối tuần họ về nhà. Có những dãy phòng tập thể, vài ba cô giáo ở chung, thầy giáo cũng thế. Có những nơi chia phòng học làm hai, thầy cô ở phần bên trong, cách một tấm phên tre là lớp học.

Tuy nói khoảng cách chỉ vài chục cây số, nhưng đường đến trường miền núi phía Bắc và miền Trung vô cùng gian truân và hiểm trở. Họ phải vượt những con dốc cao, một bên vách núi, bên kia là vực sâu. Mùa mưa bùn lầy trơn như đổ mỡ, đi bộ cũng ngã oành oạch. Họ phải quấn dây xích sắt vào bánh xe để tăng độ bám đường, cuốn theo vài bộ dây thừng thật chắc để cùng nhau kéo xe lên dốc, hoặc ghì xe lại khi xuống dốc. Qua suối, họ phải dùng cây rừng luồn vào xe, ba bốn người cùng khiêng xe lên lội qua.

cogiao2

Một giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh ở một trường nội trú tại Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, năm 2012 - AFP

Cắm bản là sống như người dân, ở giữa rừng. Các thầy cô dùng nước suối để đánh răng, tắm rửa, nấu ăn, rửa rau, giặt giũ. Cỏ mọc có khi vào đến tận chân lớp học, phải phát cỏ và dọn lùm bụi thường xuyên để xua đuổi rắn rết và côn trùng độc. Đốt lửa sưởi vào mùa đông. Đào măng, hái rau rừng, bắt cá suối... cải thiện bữa cơm hàng ngày.

Trà Dơn thuộc huyện Nam Trà My, huyện nghèo vùng núi sâu của tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam là tỉnh nghèo của cả nước. Cả nước có 74 huyện nghèo thì Quảng Nam giành mất sáu huyện. Tất cả các huyện nghèo này đều có số hộ nghèo chiếm hơn 50%, tức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống, đồng thời thiếu hụt ít nhất 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin).

Thế nhưng cách chi tiền của lãnh đạo Quảng Nam có vẻ không nghèo

- Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 63 tỷ đồng xây Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan, huyện Tây Giang) dành cho học sinh bốn xã vùng cao biên giới. Các kiến trúc sư và nhà địa chất ngay từ đầu đã cảnh báo khu vực này không phù hợp để xây trường học, nhưng dự án vẫn được duyệt. Ở giai đoạn 1, Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam làm chủ đầu tư với mức phê duyệt hơn 33 tỷ đồng. Công trình xây dựng chậm mất một năm học, đến năm 2018 mới xong. Chỉ hai năm sau, giáo viên phải tổ chức sơ tán gần 300 học sinh ra khỏi ký túc xá ngay trong đêm, do một khối lượng lớn đất đá từ taluy dương của trường sạt lở xuống trường. Thế nhưng giai đoạn 2 vẫn tiếp tục được triển khai vào năm 2020 với tổng vốn gần 30 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay công trình này vẫn chưa biết đến bao giờ mới xây xong.

-Công trình nhà hỏa táng ở TP. Hội An được phê duyệt cuối năm 2004, tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, bắt đầu xây vào năm 2005, dự kiến đến cuối 2006 đưa vào sử dụng. 13 năm sau (thời điểm 2018), công trình vẫn dang dở và cuối cùng thì bị bỏ hoang, chìm trong cây dại. Các tòa nhà đã xây bị bay mái, tường bong tróc loang lổ, đường ống dẫn nước bị đào lên lấy hết thiết bị.

-Bỏ hoang công trình nước sạch vốn đầu tư 5,6 tỉ đồng tại huyện Quế Sơn. Xây xong công trình này, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế ; không có quy trình quản lý, vận hành ; không có đội ngũ nhân lực vận hành, do vậy công trình không thể hoạt động.

-Bỏ hoang công trình nước sạch trị giá 3,1 tỷ đồng tại huyện Tiên Phước năm năm qua, lý do làm xong không vận hành được.

- Bệnh viện Nhi Quảng Nam được đầu tư hơn 150 tỷ đồng (tỉnh bỏ 65 tỷ, còn lại Trung ương rót) để trở thành Bệnh viện Sản - Nhi, quy mô 450 giường bệnh. Xây dựng mất ba năm. Năm 2019 khánh thành, một năm sau vẫn bị bỏ không vì thiếu đồng bộ, không có cầu thang bộ ngoài trời, hệ thống ôxy lỏng. Hệ thống phòng cháy chữa cháy không có ống dẫn nước.

- Đặc biệt, công trình 12 km đường liên xã Phước Mỹ - Phước Công ở huyện nghèo Phước Sơn xây dựng từ 2014, mức đầu tư trên 100 tỉ đồng từ ngân sách. Con đường này nhằm giúp người dân hai xã vùng cao tiện đi lại, nhưng sau khi hoàn thành không ai sử dụng, thậm chí nó bị bỏ hoang. Nguyên nhân do nó trái tuyến nên chỉ có rất ít người làm nương rẫy đi lại sử dụng. Độc đáo hơn cả là nó nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện tương lai, sẽ bị chìm ngập khi hồ tích nước. Đáng lưu ý, quy hoạch đập thủy điện đã được phê duyệt trước đó nhiều năm, tức là tỉnh Quảng Nam đã bỏ trăm tỷ để làm một con đường không có ai đi và sẽ chìm trong lòng hồ.

Vậy nên quý vị xin đừng đặt câu hỏi vì sao tỉnh Quảng Nam vì sao có thể để tình trạng giáo viên ôm cây vượt suối như bức ảnh ở trên ? Vì sao không bỏ tiền làm đường hay gom học sinh các điểm trường vùng sâu về một nơi thuận tiện và an toàn để học hành ?

Câu trả lời quá rõ : tiền, anh không thiếu, nhưng tiền để làm những công trình sử dụng được thì… anh không có !

Quý vị cũng có thể đặt một câu hỏi nữa : các thầy cô giáo ở những vùng sâu vùng xa của Quảng Nam có biết tình trạng tham nhũng tiền dự án như chúng tôi vừa liệt kê sơ sơ không ?

Thưa, chắc chắn họ có biết. Thời này tin tức gì cũng lên mạng cả. Vậy tại sao hai thầy cô giáo có thể liều tính mạng ôm cây vượt suối như trên ?

cogiao3

Giáo viên đang giải thích cho các em học sinh về bệnh tay chân miệng với tấm biển của Hội Chữ thập đỏ tại một trường nội trú ở Mù Cang Chải, Yên Bái, năm 2012. AFP

Là vì ở miền núi, làm giáo viên được gọi là thu nhập cao

Nhiều năm nay chế độ nghĩa vụ trong ngành giáo dục đã chấm dứt. Giáo viên ra trường không được phân công nhiệm sở nữa mà phải tự đi xin việc. Thế nhưng đào tạo giáo viên thì nhiều, mà các trường ở trung tâm hay vùng xuôi, điều kiện dễ dàng hơn thì đã đầy ắp người. Quý vị cũng biết để "chạy" một chân công chức ở miền Bắc thường phải mất vài trăm triệu đồng đút lót cho lãnh đạo trường. Rất nhiều giáo viên không thể có chừng ấy tiền.

Trong khi đó, chính sách Nhà nước có một chế độ gọi là phụ cấp thu hút, áp dụng cho người lao động (kể cả tập sự) đang công tác hoặc đến công tác ở Hoàng Sa, Trường Sa và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (có quy định). Các vùng này thường tập trung ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu. Với giáo viên, phụ cấp này từ 50% đến 100% mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Ngoài ra, khi đến nhận việc tại vùng đặc biệt khó khăn, họ còn được hưởng khoản trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở. Nếu đi cùng gia đình thì được trả tiền vé tàu xe và cước hành lý, đồng thời trợ cấp 12 tháng lương cơ sở. Cộng thêm trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, tiền tàu xe về thăm gia đình theo quy định. Khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi về hưu cũng được hưởng trợ cấp một lần, tính theo mỗi năm công tác được một nửa tháng lương hiện hưởng cộng với phụ cấp lãnh đạo + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)... Giáo viên chuyên trách xóa mù chữ, phổ cập giáo dục thường xuyên phải đi đến các thôn được hưởng thêm 20% mức lương cơ sở, gọi là phụ cấp lưu động. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng thêm 50% mức lương hiện hưởng, gọi là phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Tính ra, các khoản phụ cấp này khiến giáo viên cắm bản có thu nhập rất cao so với đồng nghiệp không cắm bản, đặc biệt ở những vùng thiếu việc làm như miền núi phía Bắc và miền Trung. Ăn ở sinh hoạt tại địa phương gần như không tốn kém. Tốn nhất là tiền sửa xe, nỗi buồn xa gia đình, xa nơi đông người và cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức.

Một số giáo viên cắm bản nhanh nhẹn còn biết tận dụng điều kiện để buôn bán thêm : buôn gia súc hoặc buôn gỗ. Đó là thực tế, dù không nhiều người nói ra.

Thưa các ngài bụng to

Do vậy, nhìn từ bên ngoài, chúng ta cám cảnh cho các giáo viên cắm bản, nhưng với không ít người, đó là công việc mơ ước. Chúng tôi còn nghe (không có điều kiện xác minh), muốn được nhận vào làm giáo viên đi cắm bản cũng phải đút lót cho người có quyền trong lĩnh vực này.

Xã Trà Dơn nơi cô giáo ôm cây vượt suối chủ yếu là người dân tộc Cà Dong (chiếm 91,56% dân số toàn xã). Nngười Kinh chiếm 6,61%, người Mơ Nông chiếm 1,67%, còn lại là các dân tộc khác. Họ sinh sống chủ yếu bằng cách trồng chuối, sắn, chăn nuôi gia súc gia cầm, nhưng do không có hệ thống giao thông để mang đi tiêu thụ nên hàng hóa rất ít. Thu nhập trung bình người dân theo lãnh đạo xã cho biết trên báo chí khoảng 2,4 triệu VND/lao động/năm, trong đó đến 70% dành cho lương thực. Một người dân được coi là khá giả trong thôn nếu họ có nhà, trâu, làm lâm nghiệp, xe máy, thu nhập trung bình khoảng 5 đên 6 triệu đồng và con cái họ được đi học. Số hộ nghèo chiếm trên 71,6%, và 15,8 % số hộ cận nghèo.

Người dân nơi đây có phong tục đâm trâu vào mùa tết, nhưng do quá nghèo, 10 năm trở lại đây người dân không tổ chức được lễ hội này !

Một chi tiết lột tả đến cùng cực sự bi đát của cái nghèo nơi đây.

Dễ thấy, các cô giáo, thầy giáo dám liều mình bò qua cây cầu khỉ trơn trượt trên dòng lũ dữ để đến trường như trong bức ảnh, còn có một động lực bền vững và mạnh mẽ hơn rất nhiều câu khẩu hiệu ca tụng họ về tình thương học trò, trách nhiệm với xã hội, v.v. Động lực đó chính là thu nhập hàng tháng, là nguồn sinh nhai cho cả gia đình.

Họ không cần ca tụng đâu, thưa các lãnh đạo bụng to vì tham ô, hối lộ ngập họng. Họ chỉ cần con đường đến trường được an toàn cho tính mạng, được dạy học trong những phòng học đủ ánh sáng và hơi ấm. Bớt đạo đức giả lại, hỡi các ngài !

Trần Nguyên

Nguồn : RFA, 22/10/2022

Tham khảo :

https://baotainguyenmoitruong.vn/quang-nam-nghia-trang-qua-tai-nha-hoa-tang-tien-ty-bo-hoang-268157.html

https://giaoducthoidai.vn/quang-nam-bo-hoang-truong-63-ty-dong-thay-tro-di-hoc-nho-day-tam-post581689.html

https://giaoducthoidai.vn/quang-nam-bo-hoang-truong-63-ty-dong-thay-tro-di-hoc-nho-day-tam-post581689.html

https://baoquangnam.vn/xa-hoi/quang-nam-co-6-huyen-ngheo-giai-doan-2021-2025-124674.html

http://daidoanket.vn/cong-trinh-nuoc-sach-tien-ty-bo-hoang-5691147.html

https://tienphong.vn/benh-vien-tram-ty-bo-hoang-sau-khanh-thanh-post1321191.tpo

https://laodong.vn/ban-doc/lang-phi-o-quang-nam-cung-gay-hau-qua-nghiem-trong-chang-khac-gi-tham-nhung-915447.ldo

https://baoquangnam.vn/xa-hoi/quang-nam-co-6-huyen-ngheo-giai-doan-2021-2025-124674.html

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhung-khuat-tat-o-nganh-giao-duc-quang-nam-can-duoc-lam-ro-910094.vov

http://pgdnamtramy.edu.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=1&NID=509&cam-dong-hinh-anh-khai-giang-tu-cac-diem-truong-xa-xoi-giua-dai-ngan-truong-son

https://baoquangnam.vn/xa-hoi/co-giao-mam-non-vung-cao-nam-tra-my-mao-hiem-om-cay-vuot-lu-den-truong-133438.html\

https://giaoduc.net.vn/che-do-phu-cap-tro-cap-cho-giao-vien-vung-dac-biet-kho-khan-co-gi-moi-post218974.gd

https://luatminhkhue.vn/phu-cap-thu-hut-doi-voi-giao-vien-cong-tac-tai-vung-dac-biet-kho-khan-bi-cat-khi-nao--.aspx

http://namtramy.gov.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=31&NID=477&xa-tra-don-huyen-nam-tra-my-tinh-quang-nam

https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Quang-Nam-Gian-nan-con-chu-tren-dinh-Tra-Don-i55315/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Nguyên
Read 428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)