Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2022

Chung quanh ngân hàng SCB : tin đồn hay sự thật ?

Gió Bấc , JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA tiếng Việt

Kiểm soát đặc biệt ngân hàng SCB : vì tin đồn thất thiệt hay do yếu kém ?

Gió Bấc, RFA, 20/10/2022

Chỉ một tuần sau khi Vạn Thịnh Phát bị khởi tố, Nhà nước phải công bố kiểm soát đặc biệt ngân hàng SCB, thành lập Hội Đồng quản trị mới từ cán bộ các ngân hàng khác. Tân Chủ tịch SCB đã có tâm thư động viên hứa hẹn với khách hàng nhưng chừng như bức tâm thư vẫn chưa nói thật về nguyên nhân kiểm soát SCB, niềm lo lắng của khách hàng vẫn còn nguyên vẹn,

kiemsoat1

Người dân tập trung đông trước Ngân hàng SCB chi nhánh Hà Nội vào sáng 8/10 để rút tiền - FB Saigon Review

Theo quy định của luật khi đã bị kiểm soát đặc biệt, hoạt động của Ngân hàng SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Ngay cùng thứ bảy, ngày 15/10, đồng thời với việc quyết định kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao của SCB. 

Ngân hàng yếu kém sao đổ thừa cho khách hàng ?

Cụ thể, ông Bùi Anh Dũng không còn là Người đại diện theo pháp luật của SCB kể từ ngày 14/10/2022. Ông Vũ Anh Đức được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Người đại diện pháp luật từ ngày 14/10/2022. Ngân hàng Nhà nước cũng bổ nhiệm bốn thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng gồm : ông Phạm Quang Tiến, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu, ông Lý Thành Phương. Các Quyết định bổ nhiệm này đều có hiệu lực từ 14/10/2022. Các thành viên Hội đồng quản trị mới này từ các ngân hàng Viettin, Bidv, Vietcom, Agribank (1).

Ngày 17/10 tân chủ tịch SCB Vũ Anh Đức đã có tâm thư gửi khách hàng, nội dung hứa hẹn sẽ bảo đảm quyền lợi tiền gởi khách hàng. Song có thể vì muốn trấn an theo chủ trương chung nên cách lý giải nguyên nhân kiểm soát SCB còn xa với sự thật, vô tình đẩy nguyên nhân phải kiểm soát SCB là do tin đồn và tâm lý bất an của khách hàng. Ông Đức nói rằng : "Trong những ngày qua, các tin đồn thất thiệt trên thị trường đã tác động không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu của SCB. Việc khối lượng giao dịch đột ngột tăng trong thời gian ngắn đã khiến chất lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ khách hàng ít nhiều bị ảnh hưởng" (2).

Cách nhìn nhận sự việc như vậy khác nào đổ lỗi là do khách hàng hoang mang làm cho SCB có nguy cơ sụp đổ !

Ở góc độ quản lý nhà nước nếu chỉ vì tin đồn thất thiệt mà phải kiểm soát đặc biệt, nói các nào đó là tước quyền lãnh đạo, quản lý ngân hàng thì Nhà nước quá yếu kém và khuyến khích xã hội hỗn loạn, không nhà đầu tư, kinh doanh nào có thể yên tâm. Với tiền lệ này, nếu doanh nghiệp bị tin đồn thất thiệt thì Nhà nước hất cẳng chủ sở hữu nhảy vô quản lý thì còn ai dám bỏ vốn làm ăn nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng rất nhạy cảm.

Điểm lại trên thông tin báo chí lề phải người ta thấy rằng SBC là ngân hàng yếu kém nhiều năm, lớn mà không mạnh, tỉ suất lợi nhuận trên đồng vốn rất thấp và có nhiều dấu hiệu bất minh, thậm chí có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý.

kiemsoat2

Người dân xếp hàng chờ rút tiền ở chi nhánh SCB tại Đà Nẵng hôm 10/10/2022

SCB lớn mà không mạnh, vốn 530.000 tỉ đồng, lãi chỉ 17,3 tỉ đồng

Theo thống kê, SCB xếp thứ năm trong các ngân hàng có tài sản đạt trên 10 tỷ USD (tương đương trên 232.000 tỷ đồng), chỉ sau bốn ngân hàng Viettin, Bidv, Vietcom, Agribank.

SCB là ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, đạt trên 530 nghìn tỷ đồng. Theo sau, Sacombank và MBBank lần lượt có tổng tài sản là hơn 402 nghìn tỷ và 439 nghìn tỷ (3).

Không phải chờ đợi đến khi khởi tố Vạn Thịnh Phát và có tin đồn mà thật sự từ trước đó nhiều tháng, báo cáo tài chính của SCB đã cho thấy ngân hàng đã bị hụt hơi, lợi nhuận giảm thấp. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, SCB lãi trước thuế giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 101,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của SCB thu về vỏn vẹn 17,3 tỷ đồng, "bốc hơi" đến 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, SCB có lãi chủ yếu nhờ hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng (447,7 tỷ đồng) trong khi hoạt động kinh doanh lỗ thuần 346,3 tỷ đồng…

Không chỉ lợi nhuận sụt giảm, mới đây, SCB còn bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBChứng khoán Nhà nước) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Cụ thể, SCB bị phạt tiền 85 triệu đồng vì không báo cáo một loạt tài liệu : Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2021 đã được kiểm toán ; Báo cáo thường niên 2021 ; Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, năm 2021, 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, SCB đã báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật các tài liệu : Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 3, 4/2020 ; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên soát xét 2020, 2021 ; Báo cáo thường niên 2020 ; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán ; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1, 3, 4/2021 ; Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1, 2/2022 (4).

Xóa siêu tốc 5.000 tỉ đồng nợ xấu, chưa kể 48.000 tỉ đồng gửi nợ VAMC

Việc SCB chậm thực hiện các báo cáo tài chính đến mức bị phạt hoàn toàn không phải do kỹ thuật, nghiệp vụ mà do sự phức tạp, yếu kém, thậm chí là vi phạm pháp luật có hệ thống trong hoạt động kinh doanh mà ngân hàng này đã cố gắng xóa bỏ dấu vết. Một bài báo đã đặt vấn đề qua tựa đề khá mạnh mẽ "SCB : Thủ thuật gì để nợ nguy cơ mất vốn giảm siêu tốc và bê bối rót tiền cho dự án "ma". Theo đó, tại thời điểm ngày 31/12/2021, SCB có tổng tài sản đạt 703.155 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 633.797 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 360.439 tỷ đồng, tăng 2,57% so với đầu năm, tuy nhiên, ngân hàng cũng tăng 114% dự phòng rủi ro tín dụng cho vay khách hàng lên mức 7.135 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng nợ xấu của SCB ở mức 3.966 tỷ đồng, giảm 51,7% so với đầu năm. Trong đó, khoản nợ có khả năng mất vốn giảm từ 7.014 tỷ đồng xuống còn 2.630 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các khoản nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng giảm từ mức 2,34% xuống còn 1,1%.

Nợ có khả năng mất vốn của Ngân hàng SCB bất ngờ giảm mạnh cũng như câu chuyện kỳ lạ khi nhà băng này rót hàng nghìn tỷ đồng vào dự án "ma" khiến giới đầu tư không khỏi tò mò".

Bài báo đặt vấn đề "Việc một ngân hàng giảm mạnh nợ xấu là tín hiệu tốt, song giới tài chính cũng đặt ra nghi vấn về việc tại sao nợ xấu, trong đó khoản nợ có khả năng mất vốn của SCB lại giảm một cách siêu tốc như vậy ?"

Mặt khác, khối nợ trên chưa phản ánh hết bản chất nợ xấu tồn đọng trong SCB khi ngân hàng này nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) hơn 48.400 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với đầu năm 2021, trong đó đã trích lập dự phòng được 11.315 tỷ đồng (5).

Thủ thuật xóa nợ xấu không chỉ phát sinh mà đã có từ nhiều năm trước. Một bài báo khác cho biết, đến hết năm 2020, tổng nợ xấu của SCB lên tận 8.221 tỷ đồng. Đối chiếu với khoản nợ xấu cuối năm 2020, đến ngày 30/9/2021, SCB đã xử lý 60% nợ xấu.

Nhà băng này có mối quan hệ tín dụng khá thân thiết với nhiều doanh nghiệp "tiếng tăm" về bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và tương đối linh hoạt với các khoản vay tiêu dùng bất động sản. Do đó, các khoản nợ xấu của SCB nằm khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản là điều không khó hiểu. Tính đến hết ngày 30/6/2021, SCB thuộc top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất Việt Nam. 

Căn bệnh nợ xấu gây ra nhiều hậu quả xấu cho sự minh bạch và uy tín thương hiệu của SCB. Những vấn đề về nợ xấu khiến SCB là ngân hàng hiếm hoi không thể đảm bảo duy trì an toàn vốn tối thiểu để tham gia vào cuộc đua Basel II.

Có thể cũng do các yếu tố liên quan đến nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn khiến cho SCB chậm niêm yết. Năm 2021, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chân niêm yết lên sàn chứng khoán, nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát thì SCB là trường hợp hiếm hoi vẫn chưa niêm yết cổ phiếu. 

Hàng chục nghìn tỷ đồng cho vay thế chấp trái phiếu của công ty cá nhân sở hữu chéo

Theo dữ liệu của báo Banduong từ cuối năm 2020, hàng chục cá nhân đã thành lập ra nhiều công ty có sở hữu chéo cùng có ba cổ đông sáng lập, trong đó một cổ đông nắm quyền tuyệt đối. Sang năm 2021, các công ty tăng vốn và dùng cổ phần thế chấp cho các khoản vay nghìn tỷ đồng tại SCB.

Công ty Minh Trường Phú thành lập vào tháng 5/2020 do bà Đậu Thị Nguyệt làm Tổng giám đốc, có vốn điều lệ 460 tỷ đồng, sau đó tăng vốn điều lệ lên gần 800 tỷ đồng. Công ty gồm ba cổ đông sáng lập là Đỗ Thị Kim Nga (2,25%), Lê Thị Hồng Hạnh (2%) và Đậu Thị Nguyệt (95,75%). Ngày 7/1/2022, Công ty cổ phần xây dựng Minh Trường Phú đã phát hành thành công 29,5 triệu trái phiếu để huy động 2.950 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn một năm, đơn vị phát hành và trái chủ của lô trái phiếu này không được tiết lộ. 

Bà Đậu Thị Nguyệt còn nằm cố phần lớn của Công ty cổ phần Long Điền Khang thành lập vào tháng 12/2020 với mô hình giống Minh Trường Phú : là ba cổ đông cá nhân, cùng vốn điều lệ 460 tỷ đồng. Đầu năm 2021, Long Điền Khang đã nâng vốn điều lệ lên 1.846 tỷ đồng, bà Nguyệt đã dùng khối cổ phần làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 1.959 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Bà Đỗ Thị Kim Nga là chủ Công ty cổ phần Hưng Tường Khang thành lập trong năm 2020, với ba cổ đông sáng lập. Tháng 10/2021, bà Nga dùng 145,8 triệu cổ phần tại Hưng Tường Khang thế chấp tại SCB vay 1.592 tỷ đồng.

Cùng trong nhóm này bà Nguyễn Thị Cẩm Hường, cổ đông nắm quyền tuyệt đối tại Công ty cổ phần xây dựng Khang Tường cũng phát hành trái phiếu thế chấp cho SCB vay 1.599 tỷ đồng. 

Công ty liên quan đến ông Trần Thành Long, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Ngô Trường Lâm, Vũ Quốc Lưu cũng mang tài sản là những khối cổ phần trị giá từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng để thế chấp tại SCB. 

Bài báo đã đặt vấn đề "Việc các công ty trên được khai sinh và cùng có khoản vay đặc biệt, duy nhất tại SCB cho thấy có điều gì đó cần làm sáng tỏ ?" (6).

Không chỉ báo chí, cơ quan pháp luật cũng phát hiện SCB đã cho vay khống hơn 6.000 tỉ đồng. Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2099 BC-TTCP ngày 2/12/2020 đã chỉ ra SCB đã cho vay khống 6.308 tỷ đồng

Nguyên do là Tổng công ty lương thực 2 Vinafood sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bốn công ty thành viên vay ngân hàng và sau này là Công ty Việt Hân Sài Gòn chỉ sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này và lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống (thực tế không tồn tại dự án này. Thanh tra chính phủ đã đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra (7).

Chưa nói đến mối quan hệ sâu rộng với Vạn Thịnh Phát qua các doanh nghiệp con trong hệ sinh thái, chỉ qua việc cho vay thế chấp trái phiếu hàng chục ngàn tỉ đồng có nguy cơ thành nợ xấu, hàng chục ngàn tỉ nợ xấu đã bộc lộ và còn tiềm tàng ẩn khuất đâu đó, SCB thật sự là mối nguy cho cả hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay bất động sản có nguy cơ đóng băng, giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm thấp, nguy cơ phá sản của SCB là tất yếu mà không cần bất cứ tin đồn nào !

Việc để một ngân hàng yếu kém có nhiều sai phạm hoạt động trong thời gian dài và phình to tài sản cũng đồng thời là tổng dư nợ khổng lồ trong đó phần nhiều là nợ xấu, trách nhiệm quản lý trước hết thuộc về ngân hàng nhà nước !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 20/10/2022

Tham khảo :

1. https://cafef.vn/nhan-su-tu-vietinbank-bidv-vietcombank-agribank-duoc-nh...

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scb-leader-assures-custo...

3. http://nfsc.gov.vn/vi/dinh-che-tai-che/quy-mo-va-bang-xep-hang-tong-tai-...

4. https://vietnamindex.vn/loi-nhuan-sau-thue-cua-ngan-hang-scb-boc-hoi-den...

5. https://congnghiepdichvu.vn/tai-chinh/scb-thu-thuat-gi-de-no-nguy-co-mat...

6. https://banduong.vn/an-tuong-khoan-cho-vay-10000-ty-cua-scb-d625.html

7. https://nganhangvietnam.vn/nghiep-vu/bao-cao-tai-chinh/tinh-hinh-hoat-do...

**************************

Giấu đầu lại hở cái đuôi dối trá

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 17/10/2022

Một vụ án khốc liệt ngay từ đầu

Ngày 7/10/2022 Vụ án Vạn Thịnh Phát được khởi tố, bởi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cộng sản Việt Nam. Tội danh được xác định là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Cũng cùng lúc, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 3 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong năm 2018 - 2019.

giau1

Thông tin ban đầu là như vậy, để rồi ngay sau đó, rất nhiều tình tiết vụ án và những vấn đề nóng lập tức nổi lên sau khi vụ án được khởi tố.

Trước hết là chuyện dân tình xôn xao đồn đãi rằng đã đến lúc cái thành trì tưởng như bất khả xâm phạm này cũng đã phải thủng bởi cuộc chiến phe nhóm đã đến hồi gay cấn nhất. Rằng thì là đàn lợn đảng cố gắng nuôi bấy lâu nay bằng nền "Kinh tế thị trường" đã đến lúc đủ béo và đảng thì đang lúc ngặt nghèo sau mấy năm dịch bệnh, nên việc đưa lên thịt theo "Định hướng XHCN" cũng là lẽ thường tình. Rằng thì là đám mafia đất Sài Gòn câu kết với nước ngoài bấy lâu nay chưa ai dám đụng đến, nay đã đến lúc rung chuyển…

Và điều càng làm cho dư luận nóng bỏng và kinh sợ tiếp theo, là liên tiếp những vụ chết chóc bí hiểm xảy ra đi cùng với việc khởi bố, bắt bớ.

Thói thường, một vụ án kinh tế, ít khi có chuyện đầu rơi máu chảy, ít khi có chuyện căng thẳng đến tính mạng con người mà đơn giản thường chỉ là chuyện được, thua, còn hay mất số tài sản của bên bị đánh. Bởi người ta biết rằng, các quan chức, các đại gia vốn là những người ăn trắng mặc trơn, tiền của như nước và sướng quen nên làm án dễ dàng hơn đám cùng đinh bần cùng khố rách rất nhiều. Chỉ cần bỏ đói vài hôm, cho thiếu ăn, thiếu ngủ mấy bận, thì các quan chức và đại gia không chỉ khai hết mà còn khai… khuyến mãi.

Thế nhưng ở đây, chỉ mới mấy ngày sau khi khởi tố vụ án, thì ít nhất đã có 3 cái chết không bình thường của những nhân vật quan trọng có vai trò quan trọng và liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trước hết, nhân vật Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội đồng Quản trị Độc lập ngân hàng SCB mới 49 tuổi đã đột ngột chết vào đêm 7/10, ngay khi mới khởi tố vụ án mà chi tiết về cái chết của nhân vật này không được đề cập đến, gây sự hoài nghi cho công chúng khi ông Thành còn là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong khi cái chết của ông Thành đang làm ồn ĩ dư luận chưa lắng xuống, thì đột nhiên, ngày 9/10 nhân vật thứ hai của vụ án này lại chết đột ngột lúc 3h30 phút sau khi bị công an bắt giữ. Đó là Nguyễn Phương Hồng, trợ lý tập đoàn Vạn Thịnh Phát lại chết khi mới vừa bị công an bắt hai ngày.

Đám tang của bà Hồng được mô tả là công an chìm nổi và dân phòng canh gác nghiêm ngặt, báo chí đưa tin lên lại xóa tin không một lời đính chính càng làm tăng thêm sự tò mò của công chúng vào những bí mật đằng sau vụ án bí ẩn và hứa hẹn nhiều điều không bình thường này.

Và dường như hai cái chết đó, chỉ mới là phần mở đầu của những sự ly kỳ của vụ án.

Ngày 14/10/2022, thêm một nhân sự chủ chốt của đế chế Vạn Thịnh Phát chọn im lặng ra đi - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dương, 49 tuổi, chủ tịch Tập đoàn Sài Gòn Penninsula, doanh nghiệp lớn nhất của Vạn Thịnh Phát. Ông còn là đại diện pháp luật của : Sunny Square, Crystal Empire, Sunny World, Peak Performance của Vạn Thịnh Phát.

Cái chết của ông được cư dân mạng đồn đại là do tự tử và ông để lại thư tuyệt mệnh cho gia đình vợ con.

Những thế lực ngầm ?

Khi khởi tố vụ án, dư luận xã hội đã tập trung chú ý, bởi nhân vật chính trong vụ án này là Trương Mỹ Lan, một người đã ít nhất được chỉ mặt, vạch tên cách đây gần cả chục năm trước ngay trước Tòa án với tội danh hối lộ cả triệu đola để giành dự án bất động sản. Nhân vật nhận hối lộ là Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ.

giau2

Tưởng rằng đến vậy, thì nhân vật này chỉ có con đường xộ khám hoặc biến mất khỏi thương trường.

Nhưng không, chẳng những bà ta không biến mất, mà ngược lại, chính Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ mới là người nhận cái chết bất đắc kỳ tử để cho mọi việc chìm xuồng tại đó.

Khi đó, người ta thấy đây là một nhân vật ghê gớm trong bóng tối, nhưng đa phần sự kinh sợ đó, cũng chỉ đem lại do sự đồn đoán không có cơ sở cụ thể.Chỉ đến khi hàng loạt nhân vật đã lăn đùng ra chết trong vụ án này, thiên hạ mới thấy rùng mình sởn ốc.

Và thiên hạ ồn ào, đốn đoán và kinh sợ, kinh hoàng với cái "luật im lặng" thường được cho là nguyên tắc của đám Mafia, mang yếu tố xã hội đen trong phim Hong Kong xưa nay vẫn đồn đại nhưng giờ mới được chứng kiến.

Những cái chết như vậy ngay từ đầu vụ án đã nói lên sự khốc liệt và tính chất, quy mô của vụ án đến mức nào.

Chống tham nhũng và triệt hạ, có tác dụng gì ?

Có thể nói rằng vụ án này là một cơn địa chấn về chính trị và kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi cái gọi là chống tham của Đảng cộng sản Việt Nam nhằm loại bỏ các phe nhóm cạnh tranh trong đảng và đồng thời vuốt mặt cho đảng khi mà nạn tham nhũng, phá phách đã làm cho bộ mặt đảng trở nên không chỉ nhem nhuốc mà trở nên gớm guốc và tởm lợm trong con mắt, trong suy nghĩ và đời sống người dân Việt Nam.

Vậy nhưng, liệu những đòn triệt hạ lẫn nhau giữa những phe nhóm này có làm cho bộ mặt đảng được sáng sủa hơn, được sạch sẽ và đễ coi trước mặt thiên hạ hơn không ? Câu trả lời là chưa hẳn.

Bởi ngay cả trước và trong khi vụ án này xảy ra, người cộng sản vẫn cứ vốn dùng lại bài cũ, cách làm cũ để mong có thay đổi mới là điều không nên mơ mộng.

Đó là sự dối trá, sự thiếu minh bạch và lấp liếm, che đậy vẫn là phương thức hành động, ngay ở chính vụ án này.

Chẳng cần nói đến nhiều mặt, nhiều khía cạnh liên quan vụ án, bởi trong khuôn khổ bài viết này không thể đề cập được hết, ở đây chúng ta chỉ nói về một vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch của đảng và cách xử lý vấn đề này như thế nào.

Đó là việc ngân hàng Thương Mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) liên hệ chặt chẽ với Vạn Thịnh Phát. Vạn Thịnh Phát là ông chủ đứng sau Ngân hàng SCB và Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Đây là 2 đơn vị tư vấn, phân phối rất nhiều trái phiếu của nhóm Vạn Thịnh Phát. Tổng tài sản SCB 6 tháng năm 2022 là 761.177 tỷ, đứng Top 5. Tổng mức huy động tại SCB đạt gần 594.630 tỷ, chiếm khoảng 5% toàn hệ thống. Tổng vốn cho vay là 384.274 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% hệ thống.

Thế nên khi Vạn Thịnh Phát vào cơn lâm nguy, thì người gửi tiền đã ùn ùn kéo đến ngân hàng này rút lại tiền của mình. Con số hàng dài những người dân đông đúc kéo nhau đến rút tiền, đã làm cho ngân hàng này chao đảo và hoảng loạn. Cũng trong khi đó, vấn đề nhân sự lãnh đạo của Ngân hàng này đang có những vướng mắc và uẩn khúc càng làm cho người gửi tiền không an tâm.

Và dòng người nối đuôi nhau đến rút tiền từ SCB đã là cho hệ thống chính trị hoảng hốt bởi nguy cơ hiện tượng domino trong ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin khẳng định "những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp". SCB cũng tăng 1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng, trong đó mức gửi một năm lên tới 8,55% - cao nhất hệ thống. Giữa tuần này, Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho biết tình hình tại SCB đã ổn định hơn.

Thế nhưng, dường như những lời nói, những sự trấn an và thông tin kia chẳng mấy tác dụng với người dân vốn vẫn đã được nghe quá nhiều những lời không có thật như thế.

Và dòng người chen nhau rút tiền vẫn cứ đông đúc dẫn đến nguy cơ vỡ chợ.

Thế là những ngón nghề đặc trưng cộng sản được áp dụng.

Đó là hệ thống Công an vào trận, bắt bớ những người đăng tin tức hình ảnh mà họ chụp được liên quan dòng người rút tiền từ SCB. Cái cớ để công an khủng bố họ, là "Đăng tin sai sự thật" làm ảnh hưởng đến ngân hàng.

Đó là hệ thống báo chí bắt đầu màn bịa đặt và lừa đảo. Rằng chỉ trong một ngày, người dân đã không những không rút tiền, mà còn gửi vào ngân hàng này 12.000 tỷ đồng.

Rồi lại Ngân hàng Nhà nước rằng đừng đua nhau rút tiền từ SCB, và chúng tôi sẽ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Nhưng bảo đảm như thế nào thì chẳng ai biết. Trong khi đó, người dân rất có kinh nghiệm với những lời hứa từ cơ quan nhà nước và chính quyền cộng sản nên càng hứa, dân càng hoảng và càng mất tin.

Thế nên, chừng như thấy quá nguy hiểm, ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước phải đặt SCB vào diện "Giám sát đặc biệt" – điều khoản thường áp dụng cho các ngân hàng trước nguy cơ mất chi trả, vỡ nợ. Tiếp sau đó, là động tác của nhà nước điều chuyển các cán bộ từ nhà nước sang "nắm" lấy ngân hàng này.

Đến khi đó, tất cả những màn dối trá của hệ thống chính trị, ngân hàng, công an, báo chí… bị lột trần trước thiên hạ.

Điều đó, cũng có nghĩa là những thông tin người dân gửi tiền mỗi ngày đến 12.000 tỷ vào SCB là bịa đặt.

Vậy mà không thấy công an triệu tập, bắt phạt đám báo chí và quan chức vì cái tội "tung tin thất thiệt, sai sự thật về SCB ?

Và hẳn nhiên, những thông tin của người dân về việc dân đua nhau rút tiền và những hình ảnh, thông tin của họ về Vạn Thịnh Phát là sự thật rõ ràng không thể chối cãi. Vậy nhưng chưa thấy cơ quan nào làm việc để trả lại tiền bạc bị phạt và danh tiếng cho họ ?

Hẳn nhiên, ai cũng hiểu rằng chuyện phạt quan chức báo chí dối trá, bịa đặt hay trả lại tiền phạt cho người dân nói thật, cũng chỉ là chuyện viễn tưởng trong chế độ cộng sản mà thôi.

Vậy nên đại án Vạn thịnh Phát một lần nữa góp phần bóc trần sự dối trá của hệ thống chính trị cộng sản.

Và người ta thấy được một điều : Dối trá là một chứng nan y không thể cứu chữa. Mà không chữa được chứng này, thì việc đòi lấy lại lòng tin hay việc chống tham nhũng, chỉ là một vở hài kịch mà thôi.

Và khi đã dối trá, thì như cha ông đã nói : "Giấu đầu lại hở cái đuôi".

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 17/10/2022

**********************

Thông tin Vạn Thịnh Phát - Chính quyền càng kiểm soát, tin đồn càng lan tràn

RFA, 17/10/2022

Chính quyền đang cố gắng kiểm soát thông tin liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Điều này, theo nhận định của một nhà báo trong nước, không những không che đậy được thông tin mà còn gây ra một sự hoang mang không đáng có trong xã hội.

vtp1

Cháy ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát khuya 13/10. Screenshot cand.com.vn

Bộ Công an hôm 7/10 ký Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan". Cùng quyết định khởi tố là Lệnh bắt tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng ba người khác là đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Báo nhà nước im lặng

Trên mạng xã hội vài ngày qua xuất hiện thông tin về vụ cái chết, được cho là nhảy lầu tự tử, của ông Nguyễn Ngọc Dương (48 tuổi) - Chủ tịch Tập đoàn Sài Gòn Penninsula - một công ty con của Vạn Thịnh Phát.

Hình ảnh được cho là cáo phó, địa điểm nhảy lầu cũng như bức thư tuyệt mệnh của ông Dương được lan truyền nhanh chóng trên không gian mạng. 

Trong khi đó, báo chí Nhà nước và phía công ty Penninsula cho đến lúc này đều im lặng, không đưa ra bất kỳ phát biểu nào về lời đồn này trái với trường hợp về lời đồn tử vong của hai lãnh đạo SCB khác trước đó vài ngày.

Vào đầu tuần trước, hai lãnh đạo khác của ngân hàng SCB, là ông Lưu Quốc Thắng - Trưởng Ban Kiểm soát SCB và ông Diệp Bảo Châu - Phó Tổng Giám đốc SCB cũng bị đồn là đã chết.

Sáng 12/10, đại diện SCB có thông cáo báo chí công bố hai người này vẫn đang điều hành công việc bình thường.

Các thông tin trên trang mạng xã hội cho rằng SCB có dính dáng đến Vạn Thịnh Phát và điều này đã dẫn đến tình trạng người dân đổ dồn đến các chi nhánh của ngân hàng này để rút tiền sau khi có quyết định khởi tố vụ án ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

SCB đã phủ nhận thông tin bà Trương Mỹ Lan có liên quan đến việc quản lý ở ngân hàng.

Từ ngày 6 đến ngày 10/10, hai người khác liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng đột ngột qua đời là ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng.

Ông Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cũng là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, qua đời tối 6/10 tại nhà riêng.

Bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị công an bắt giam hôm 7/10, được gia đình thông báo chết hôm 10/10. Cơ quan điều tra không đưa ra lời giải thích về cái chết của bà Hồng.

Một số mạng báo trong nước như Vietnamnet, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ban đầu có đưa tin về những cái chết bất ngờ này. Tuy nhiên, sau đó, các tờ báo này đều đồng loạt âm thầm rút bài mà không nêu nguyên nhân.

Nhà báo Ngọc Vinh, cựu thư ký tờ Tuổi Trẻ, nhận định rằng đương nhiên là chính quyền phải chỉ đạo hạn chế đưa tin liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay SCB. Bởi, đây là các vụ án nhạy cảm vì có nhiều "dây mơ rễ má" :

"Vì đây là vụ án nhạy cảm còn đang trong vòng điều tra, nhiều dây mơ rễ má nên chính quyền không muốn báo chí đưa tin sâu. Ví dụ như những cái chết bất ngờ của người liên quan vụ án. Việc báo chí phải lột bỏ tin về cái chết của cô Hồng là minh chứng".

Xử lý cư dân mạng

Một người hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho biết ông bị công an "mời" làm việc gần đây vì các bài viết liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB trên trang Facebook cá nhân của mình. RFA không thể tiết lộ danh tính và thời gian Facebooker này bị mời làm việc để đảm bảo an toàn cho người cung cấp thông tin.

Người này nói mình bị tra hỏi bởi các nhân viên an ninh trong suốt hơn năm giờ đồng hồ. Ngoài ra, có rất nhiều cán bộ, phóng viên báo chí có mặt để quay phim buổi làm việc.

An ninh cáo buộc người này đưa tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tập đoàn vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB. 

"Họ nói mình gây hoang mang dư luận. Hiện nay ngân hàng SCB có số lượng người đến gởi tiền rất nhiều, mà mình viết bài để người dân đi rút tiền, làm ảnh hưởng uy tín của người khác.

Họ hỏi mình viết như vậy để làm gì ; Họ nói tôi vu khống người ta làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người khác. Vì vậy, họ ghép tôi vào tội vu khống và một số tội khác nữa mà tôi không nhớ rõ hết".

Trước khi được thả về, người này bị yêu cầu mở điện thoại cá nhân và tài khoản Facebook. Một viên an ninh lướt Facebook kiểm tra, thấy status nào liên quan đến Vạn Thịnh Phát hay SCB thì xóa ngay.

"Trước khi kết thúc buổi làm việc, họ nói là buổi làm việc chỉ kết thúc ngày hôm đó thôi, sau này nếu bị mời nữa thì yêu cầu tôi hợp tác làm việc.

Sau khi làm việc với an ninh xong thì tôi phát hiện ra rằng tên của tôi bị đưa lên trên báo".

Theo thông tin  từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai ngày 12 và 13/10/2022, cơ quan này đã làm việc với bốn người bi cho là "Lợi dụng mạng xã hội đưa tin xuyên tạc về Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát".

Tin về Vạn Thịnh Phát vẫn lan tràn

Việc chính quyền muốn kiểm soát, ngăn chặn thông tin không về Vạn Thịnh Phát và SCB càng làm dư luận thêm tò mò, tìm kiếm thông tin liên quan đến vụ án này.

Ngày 7/10, các từ khoá như Vạn Thịnh Phát, SCB hay Nguyễn Tiến Thành… đều dẫn đầu tìm kiếm trên Google. Từ ngày 9 đến 15/10, cụm từ Vạn Thịnh Phát đều được Google Trend (xu hướng) đánh giá là tăng đột biến.

Nguồn : RFA, 17/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc, JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA tiếng Việt
Read 354 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)