Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2022

Tập trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao

Thanh Hà - Phan Minh

Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực để thách thức thế giới hay đây sẽ là một thử thách đối với Trung Quốc ?

Thanh Hà, RFI, 24/10/2022

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã kết thúc. Hôm 23/10/2022 trước ống kính truyền hình thế giới chính ông Tập Cận Bình thông báo được Đảng tín nhiệm giao phó thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Nhân vật số 1 của Đảng cộng sản Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn 6 người trong Ban thường vụ mới của Bộ Chính trị : tất cả là những người trung thành với ông.

tcb1

Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. © Noel Celis / AFP

Việc trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông sẽ giúp ông Tập Cận Bình nhanh chóng thực hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành "trung tâm" của thế giới, cho phép Bắc Kinh áp đặt trật tự mới về ngoại giao, quân sự và kinh tế ? Hay trái lại đó sẽ là một trở ngại trên con đường xây dựng một xã hội "hài hòa" và thịnh vượng chung cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc ? 

Giáo sư về quan hệ quốc tế William Callahan, London School of Economics, được AP trích dẫn, lưu ý trong những phát biểu gần đây ông Tập Cận Bình luôn quan niệm hệ thống "quản trị", lãnh đạo thế giới đang "đổ vỡ" và Trung Quốc là một "giải pháp" để xây dựng một mô hình, một trật tự mới. Càng lúc ông Tập càng tin rằng phong cách của Trung Quốc mới thực sự là một "mô hình phổ quát" để áp dụng cho thế giới. Chính vì lô-gic đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách "zero-Covid" mặc dù công luận Trung Quốc càng lúc càng bất mãn vì những xáo trộn đối với kinh tế mà biện pháp này gây nên. Việc bí thư thành ủy Thượng Hải, Lý Cường, được bổ nhiệm vào Ban thường vụ Bộ Chính trị và có triển vọng trở thành thủ tướng là bằng chứng rõ rệt nhất cho phép đưa ra kết luận này. Lý Cường là người đã quyết định phong tỏa nghiêm ngặt Thượng Hải trong nhiều tuần lễ, gây phẫn uất trong công luận Trung Quốc. 

Về kinh tế, Đảng cộng sản Trung Quốc đề ra mục tiêu đến khoảng năm 2032 thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này phải tương đương với mức trung bình tại một quốc gia phát triển. Điều đó có nghĩa là trong hơn một chục năm, Trung Quốc sẽ phải tìm ra được một phép lạ kinh tế để "GDP tăng lên gấp đôi so với thời điểm 2020" như ghi nhận của hai chuyên gia Larry Hu và Yuxiao Zhang thuộc viện nghiên cứu tài chính Macquarie, trụ sở tại Sydney, Úc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó hoàn thành vì nhiều lý do. Thứ nhất là nguồn lực lao động đang sụt giảm. Thứ hai là tham vọng lấy công nghệ cao làm động lực phát triển liên tục bị thách thức : Mỹ thu hẹp dần những khả năng cho phép các tập đoàn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ mới của phương Tây. Thứ ba, theo hai chuyên gia của viện Macquarie, Bắc Kinh muốn kiểm soát chặt chẽ guồng máy kinh tế và điều đó sẽ không tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng. 

Nhìn đến vế ngoại giao và an ninh, Đài Loan tiếp tục là "cái gai" theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, nhất là khi Đảng cộng sản Trung Quốc gắn liền hồ sơ này với vấn đề "an ninh". Trong chiều hướng đó, các chuyên gia chờ đợi Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh và phát triển sức mạnh quân sự. Đầu tư phát triển từ tên lửa đến tàu ngầm và những công nghệ cao phục vụ cho quân đội sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới. Giáo sư Callahan nhấn mạnh Trung Quốc muốn "thống lĩnh thế giới" và một trong những phương tiện để đạt được mục tiêu đó là "một đường lối cứng rắn về chính trị, về ngoại giao". 

Nhà nghiên cứu Jean Pierre Cabestan, thuộc Trung Tâm Asia Center tại Hồng Kông ghi nhận, với ban lãnh đạo mới, chủ tịch Trung Quốc giờ đây đứng đầu một cơ quan quyền lực tối cao với toàn là những người thân tín. Ông không cần quan tâm đến việc phải tìm ra thế quân bình giữa các phe phái, chẳng hạn như là giữa cánh bảo thủ và phe chủ trương cải tổ ; phe ôn hòa với cánh diều hâu. William Lam đại học Hồng Kông nói đến một "thắng lợi toàn diện" của ông Tập và đó là dấu hiệu cho thấy ông "chuẩn bị để lãnh đạo đất nước lâu hơn nữa" chứ không chỉ dừng lại khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba. Với điều kiện, tất nhiên, là ông vẫn làm chủ được cuộc chơi trong "nội bộ Đảng" từ nay đến thời điểm đó. Chính ông Tập Cận Bình dường như cũng ý thức được điều này khi tuyên bố với gần 2 300 đại biểu toàn quốc "Đây sẽ là một hành trình dài hơi và đầy gian nan với những giai đoạn đều mang tính quyết định để chúng ta cùng đạt đến đích", nghĩa là "xây dựng một mô hình Trung Hoa".

Thanh Hà

*************************

Kẻ thù lớn nhất của ông Tập Cận Bình chính là Tập Cận Bình

Phan Minh, RFI, 24/10/2022

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc XX đã chính thức khép lại vào cuối tuần qua với việc tổng bí thư Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Trang mạng Mỹ CNN ngày 21/10/2022 có bài viết nói về việc ông Tập tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc không chắc đã phải là điều tốt đối với ông nói riêng và Trung Quốc nói chung. RFI xin giới thiệu.

tcb2

Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. Reuters – Tingshu Wang

Nền kinh tế Trung Quốc đang chao đảo. Tỷ lệ thất nghiệp đang tăng vọt. Các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 đang tàn phá các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Lĩnh vực bất động sản đang gặp khủng hoảng. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các cường quốc toàn cầu đang trở nên căng thẳng.

Các vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt vẫn còn đó, và những thách thức dài hạn này càng trở nên tồi tệ hơn dưới một thập kỷ cầm quyền của Tập Cận Bình. Tuy nhiên, quyền lực của nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không hề bị suy yếu.

Trong thập kỷ qua, ông Tập đã củng cố quyền lực ở một mức độ chưa từng có kể từ thời người sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông. Ông là người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc, đứng đầu nhà nước, lực lượng vũ trang và nhiều ủy ban khác đến mức ông được mệnh danh là "chủ tịch của mọi thứ".

Nhưng quyền lực tuyệt đối thường đi kèm với trách nhiệm tuyệt đối, và khi các vấn đề ngày càng gia tăng, các nhà phân tích cảnh báo rằng ông Tập sẽ khó có thể trốn trách nhiệm.

"Tôi nghĩ kẻ thù lớn nhất của việc Tập Cận Bình nắm quyền trong một thời gian dài, đó chính là Tập Cận Bình", Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở Luân Đôn nhận định. "Khi ông ấy mắc phải một sai lầm chính sách lớn gây ra sự tàn phá ở Trung Quốc, điều đó có khả năng kéo theo sự khởi động của quá trình lật đổ quyền lực của Tập Cận Bình".

Bên trong phòng cộng hưởng

Sự cai trị của Mao từ năm 1949 đến năm 1976 được đánh dấu bằng những quyết định chính sách thiếu suy nghĩ dẫn đến hàng chục triệu người chết và phá hủy nền kinh tế Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ hỗn loạn đó, Đảng cộng sản đã "thiết kế" và phát triển một hệ thống lãnh đạo tập thể nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của một nhà độc tài khác có thể đưa ra những quyết định độc đoán và nguy hiểm.

Lãnh đạo sau đó của Trung Quốc là ông Đặng Tiểu Bình, đã đặt ra một quy tắc bất thành văn với tiền lệ là tổng bí thư Đảng cộng sản – chức vụ của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thực quyền - sẽ phải từ chức sau hai nhiệm kỳ.

Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc khi nước này hội nhập chặt chẽ hơn với phần còn lại của thế giới. Trước đó 4 năm hồi năm 2008, Trung Quốc đã khiến cả thế giới choáng váng với Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh vô cùng hoành tráng. Nhưng đối với ông Tập, Đảng đang trong tình trạng khủng hoảng, chìm ngập trong tham nhũng, đấu đá nội bộ và kém hiệu quả.

Giải pháp của ông Tập là quay trở lại chế độ cai trị độc tài và vai trò cá nhân. Ông đã thanh trừng những đối thủ chính trị trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, bịt miệng bất đồng nội bộ, bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch và ghi "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ của Đảng.

Theo các nhà phân tích, nhiều chế độ độc tài rơi vào mô hình lạm dụng quyền lực và đưa ra quyết định tồi tệ khi rất ít những lời khuyên phản biện được các nhà lãnh đạo lắng nghe. Họ nêu ra cuộc chiến ngày càng tốn kém của Vladimir Putin chống lại Ukraine và lo ngại rằng quyền lực tối cao của ông Tập giống như đối với tổng thống Nga, một ngày nào đó có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc không kém.

Theo chuyên gia Tsang, ông Putin và ông Tập "cùng mắc phải hội chứng muốn trở thành người hùng, có nghĩa là biến những cộng sự thân cận chính trị thành những buồng cộng hưởng, sao cho mọi người không còn có thể tự do phát biểu ý kiến của mình nữa". "Chúng tôi thấy họ đang phạm phải những sai lầm lớn, bởi các tranh luận chính sách nội bộ đã bị thu hẹp hoặc thậm chí bị gạt bỏ".

Cái bẫy zero-Covid

Thời gian gần đây, không có quốc gia nào hiện đại hóa nhanh chóng như Trung Quốc. Đảng Cộng sản khẳng định rằng sự lãnh đạo của họ đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, biến những ngôi làng ở vùng sông nước trở thành những siêu đô thị tuyệt đẹp. Nhưng phép màu tăng trưởng đó đã bị chậm lại. Và các chính sách của ông Tập làm cho nhiều thách thức dài hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn.

Ông Tập đã tự cho mình có sứ mệnh củng cố quyền lực Đảng và quyền kiểm soát của đảng đối với các doanh nghiệp và xã hội. Ông đã tiến hành một cuộc trấn áp lĩnh vực tư nhân -vốn một thời năng động- và dẫn đến việc sa thải ồ ạt người lao động. Bắc Kinh tuyên bố các quy định cứng rắn này hạn chế các tập đoàn có quá nhiều quyền lực, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các biện pháp này đã bóp nghẹt các doanh nghiệp tư nhân, gây ớn lạnh cho nền kinh tế và làm dấy lên lo ngại về sự đổi mới trong tương lai.

Bắc Kinh bắt đầu hạn chế cấp tín dụng dễ dàng cho các công ty bất động sản vào năm 2020, dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền mặt và vỡ nợ đối với nhiều nhà phát triển bất động sản, trong đó có tập đoàn khổng lồ Evergrande. Các dự án nhà ở đã bị đình trệ và người mua nhà tuyệt vọng trên khắp nước từ chối tiếp tục thanh toán các khoản tiền đối với những ngôi nhà chưa hoàn thiện. Sự gián đoạn trong lĩnh vực bất động sản có tác động lớn đến nền kinh tế trên diện rộng của Trung Quốc, vì nó chiếm tới 30% GDP của cả nước.

Nhưng trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập, không có gì làm rung chuyển nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc nhiều như chính sách zero-Covid. Trong năm thứ ba của đại dịch, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách khắc nghiệt dựa vào việc xét nghiệm hàng loạt, kiểm dịch trên diện rộng và phong tỏa tức thời để dập tắt các ca lây nhiễm bằng mọi giá, trong khi phần còn lại của thế giới đã học cách sống chung với virus.

Trung Quốc tiếp tục phong tỏa toàn bộ các thành phố chỉ vì một số ít trường hợp lây nhiễm, đồng thời đưa tất cả những trường hợp dương tính và những người có liên quan đến các cơ sở kiểm dịch của chính phủ. Xếp hàng xét nghiệm Covid và quét mã hồ sơ theo dõi sức khỏe để vào bất kỳ nơi công cộng nào đã trở thành chuyện bình thường. Bắc Kinh cho rằng chính sách này đã ngăn Trung Quốc rơi vào thảm họa y tế như phần còn lại của thế giới, nhưng chính sách zero-Covid dẫn đến những chi phí khổng lồ.

Nỗi đau 'tự chuốc lấy'

Các vụ phong tỏa liên tục đã làm giảm đáng kể tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục của thanh niên đã lên tới gần 20%. Các nguồn thu đang eo hẹp dần. Chính quyền địa phương hiện mắc rất nhiều nợ vẫn phải chi tiền cho việc xét nghiệm Covid hàng loạt. Các chuyên gia cho rằng sẽ tốt hơn nếu sử dụng tiền vào việc gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, thay vì xây dựng các địa điểm xét nghiệm và cơ sở kiểm dịch tốn kém. Trung Quốc vẫn chưa chấp thuận bất kỳ loại vác-xin Messenger RNA (mRNA) nào của nước ngoài, được chứng minh là có hiệu quả hơn đối với biến thể lây lan nhanh Omicron, so với các loại vac-xin kém hiệu quả được sử dụng ở Trung Quốc.

Khi đại dịch mới bắt đầu, Bắc Kinh đã kiểm duyệt, và trong một số trường hợp đã trừng phạt các bác sĩ, chuyên gia và nhà báo tìm cách cảnh báo về một con virus nguy hiểm chết người ở Vũ Hán.

Gần ba năm trôi qua, khi hầu hết các chuyên gia quốc tế khuyên Trung Quốc tìm cách sống chung với virus, Bắc Kinh ngược lại càng siết chặt những biện pháp phòng dịch. Hồi đầu năm nay, Thượng Hải - một đô thị có dân số nhiều gấp ba lần thành phố New York - đã bị phong tỏa trong vòng hai tháng. Mọi người phải vật lộn để có đủ lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản. Cư dân tuyệt vọng đã lao ra khỏi nhà và xung đột với các nhân viên thi hành công vụ trong các cuộc biểu tình hiếm hoi trên đường phố. Nhiều bệnh nhân đã không được hưởng dịch vụ y tế thiết yếu.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích chính sách zero-Covid là "không bền vững", Trung Quốc đã kiểm duyệt tuyên bố này trên mạng xã hội.

Susan Shirk, giám đốc trung tâm 21st Century China và là tác giả cuốn "OverReach", cuốn sách nói về sự lãnh đạo của ông Tập, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc "cạnh tranh với nhau để chứng minh họ trung thành với ông Tập như thế nào vì ông thăng chức cho những người trung thành chứ không phải những người có năng lực nhất". Điều đó dẫn đến việc cấp dưới sẽ thực thi quá thái các chính sách để cố gắng làm vừa lòng ông Tập.

Chuyên gia Shirk cho biết điều này đã xảy ra với chính sách zero-Covid, vì ông Tập đã trực tiếp đặt cược vai trò lãnh đạo của mình với chính sách này, do đó các quan chức địa phương đã hết lòng tuân theo zero-Covid để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo và bảo tồn sự nghiệp của họ.

Bà Shirk nói : "Một phần lớn những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đều do ông Tập tự gây ra và gánh chịu". "Vì vậy, điều này gợi lên một suy nghĩ đáng lo ngại, là Đảng cộng sản Trung Quốc không còn tự coi mình là một Đảng chú trọng đến phát triển, đặt phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Mà thay vào đó, chỉ coi trọng việc củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình".

Phan Minh

*************************

Tập Cận Bình và "tân binh đoàn" Chiết Giang

Thanh Hà, RFI 24/10/2022

Tân Hoa Xã ngày 24/10/2022 tiết lộ đích thân ông Tập Cận Bình can thiệp vào quy trình tuyển chọn thành phần Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Danh sách 205 và hơn 170 người dự khuyết đã được công bố cách nay 2 hôm. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc có 25 ủy viên và Ban thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên, đứng đầu là ông Tập Cận Bình, tổng bí thư.

tcb3

Bảy ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 23/10/2022. AP - Ng Han Guan

Thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm về những tiết lộ của báo chí chính thức Bắc Kinh :

"Việc chọn lựa những người thân tín với chủ tịch đã được khởi động từ cuối 2020, theo như tiết lộ của Tân Hoa Xã. Trên cương vị tổng bí thư Đảng, đích thân ông Tập Cận Bình đã chủ trì một nhóm làm việc có trách nhiệm điều tra các cán bộ Đảng. Ông cũng đưa ra những chỉ thị về thể thức và tiêu chuẩn tuyển chọn nhân sự. Đương nhiên một trong những tiêu chuẩn đó là sự trung thành với chủ tịch nước và xin trích ‘khả năng đương đầu với những biện pháp trừng phạt của phương Tây, và bảo vệ an ninh quốc gia’. Sau các cuộc điều tra về sự trong sạch của các ứng viên, 4 trong số 7 thành viên Ban thường vụ mới, cơ quan quyền lực cao nhất tại Trung Quốc, là những người trung thành với ông Tập Cận Bình. Một số đã từng trực tiếp làm việc với lãnh đạo Trung Quốc từ thời mà ông Tập còn là bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, một tỉnh phía đông giàu có.

Nhà chính trị học Cao Chí Khải (Gao Zhikai) phó giám đốc cơ quan tư vấn Trung Quốc CGC (China Globalization Center) giải thích : ở cương vị bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Tập đã nhân lên gấp đôi số lượng bộ phận quân đội của tỉnh. Ông đã can thiệp quản lý mọi khía cạnh trong đời sống chính trị, xã hội ở Chiết Giang. Qua đó ông đã thiết lập được nhiều quan hệ. Ông gặp gỡ các tỉnh trưởng, những người phụ trách công an các tỉnh, các lãnh đạo thành phố... và ông đã chú ý tới những người có năng lực từng cộng tác với ông. Đây hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên".

Một đội ngũ trung thành mà một số người đã gọi là "tân binh đoàn Chiết Giang" với nhân vật nổi bật nhất là Lý Cường, bí thư thành ủy Thượng Hải. Ông này không có kinh nghiệm trong chính quyền ở cấp trung ương. Trong 5 tháng, tân thủ tướng Trung Quốc, một người trung thành với ông Tập, sẽ chỉ là cái bóng của chủ tịch Trung Quốc".

Thanh Hà

*********************

Tập Cận Bình củng cố quyền lực, cất nhắc đồng minh vào Ban thường vụ

Thanh Hà, RFI, 23/10/2022

Ngày 23/10/2022 ông Tập Cận Bình được bầu lại làm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm, đứng đầu một Ban thường vụ Bộ Chính trị gồm toàn là những người thân cận và trung thành. Ông sẽ được chính thức chỉ định là chủ tịch nước vào tháng 3/2023. Với một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập, 69 tuổi, trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông.

tcb4

Các thành viên mới của Ủy Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, đi đầu là chủ tich Tập Cận Bình, đến Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, ngày 23/10/2022. (Ảnh AP / Andy Wong) AP - Andy Wong

Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde trực tiếp tường thuật buổi lễ ra mắt thành phần lãnh đạo cao cấp nhất tại Trung Quốc diễn ra sáng nay :

"Theo đúng nghi thức truyền thống, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc là người đầu tiên bước lên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay của cử toạ. Ông dẫn đầu phái đoàn, theo sau là ông Lý Cường, người rất có thể sẽ được chỉ định vào chức vụ thủ tướng.

6 người đàn ông theo sau Tập Cận Bình đều mặc những bộ y phục sậm màu, đeo cà vạt đỏ, hai tay để sát người, gần như trong tư thế chào cờ, họ đã lắng nghe tổng bí thư, nhân vật số 1 của Đảng cộng sản Trung Quốc phát biểu.

Đây không là hình ảnh của một đất nước Trung Hoa tươi cười. Mọi người đã biết trước là với việc thủ tướng Lý Khắc Cường về hưu, và với hình ảnh hôm qua của cựu chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường, ban lãnh đạo mới sẽ bao gồm những người thân tín với ông Tập Cận Bình.

Khi giới thiệu thành phần mới trong Ban thường vụ, ông Tập đã nhấn mạnh đây là những gương mặt ‘quen thuộc’. Trong số này, có 2 ủy viên thường vụ trong khóa sắp mãn nhiệm,là các ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, hiện là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, và Vương Hộ Ninh (Wang Huning) một nhà tư tưởng của chế độ.

Trong số những người mới được đưa vào Ban thường vụ để thay thế các nhân vật vừa về hưu, có Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), trợ lý chính trị của ông Tập ; Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh ; người thứ ba được cất nhắc vào Ban thường vụ là bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, Lý Hy (Li Xi), kế đến là bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) mà thính giả của RFI biết đến nhiều, do việc ông là người ra lệnh phong tỏa hơn 25 triệu dân cư Thượng Hải trong nhiều tuần lễ hồi mùa xuân vừa qua.

Đây là những bằng chứng cho thấy trong nội bộ, Đảng cộng sản Trung Quốc đánh giá cao lòng trung thành của các đảng viên hơn là điểm tín nhiệm và được lòng dân của họ".

Trong bài phát biểu sáng nay tân tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cam kết sẽ "làm việc không ngơi nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó" trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. "Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới và thế giới cũng cần có Trung Quốc".

Bắc Triều Tiên và Nga mau mắn chúc mừng Tập Cận Bình

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un là hai nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nhanh chóng chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cho biết trong thư chúc mừng lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong-un gửi đến ông Tập những lời chúc mừng "nồng ấm nhất" và Bình Nhưỡng rất hân hoan trước viễn cảnh "tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương".

Về phần tổng thống Nga, Vladimir Putin ngay sáng nay đã chúc mừng ông Tập Cận Bình và cho biết rất hân hạnh tiếp tục đối thoại xây dựng và cùng củng cố quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược" giữa Liên Bang Nga với Trung Quốc. Nguyên thủ Nga chúc chủ tịch Tập Cận Bình nhiều "thắng lợi", gửi lời chúc "sức khỏe và và thịnh vượng" đến ông Tập Cận Bình.

Đài Loan phản ứng dè dặt

Về phía Đài Loan từ chiều qua đã có phản ứng về việc Bắc Kinh đưa vấn đề độc lập của Đài Loan vào bản Điều lệ Đảng được sửa đổi. Thông cáo của chính quyền Đài Bắc kêu gọi Hoa Lục hãy "từ bỏ tư tưởng cũ" với mục đích xâm chiếm hòn đảo này, từ bỏ "chủ trương đối đầu". Ban lãnh đao mới ở Bắc Kinh nên hướng tới việc "giải quyết xung khắc bằng con đường hòa bình, một cách công bằng và thực tế".

Về phía các chuyên gia, tất cả đồng loạt ghi nhận ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ ba trong giai đoạn "kinh tế đang gặp khó khăn". Sau nhiều thập niên tăng trưởng thần kỳ, GDP của Trung Quốc trong năm nay dự trù không tăng quá 3,5 %. Nhiều lĩnh vực đang bị chựng lại như ngành du lịch, hàng không dưới tác động các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid. Ngành địa ốc đang bên bờ vực thẳm. Chuyên gia Đan Vương, thuộc ngân hàng Trung Quốc Hang Seng được AFP trích dẫn ghi nhận "ít có triển vọng tiêu thụ nội địa hồi phục để trở lại với thời kỳ như hồi cuối 2019, trước khi nổ ra đại dịch"

Thanh Hà

*************************

Bế mạc Đại hội Đảng : Tập Cận Bình, yếu tố "trung tâm" của Đảng cộng sản Trung Quốc

Thanh Hà, RFI, 22/10/2022

Kết thúc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 22/10/2022, toàn thể 2.300 đại biểu "nhất trí" thông qua hai điều khoản sửa đổi Điều lệ Đảng. Hai quy định đó gồm : dứt khoát chống đối Đài Loan độc lập và công nhận vai trò "hạt nhân" của ông Tập Cận Bình. Sự kiện gây chú ý trong ngày là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào bị áp giải khỏi hội trường trước khi Đại hội XX chính thức bế mạc. 

tcb5

Hai người áp tải cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) ra khỏi hội trường trước khi biểu quyết sửa đổi Điều lệ Đảng. Ảnh ngày 22/10/202. © Andy Wong / AP

Trong diễn văn bế mạc Đại hội Đảng Trung Quốc, ở cương vị tổng bí thư Ban chấp hành trung ương, ông Tập Cận Bình kêu gọi "Hãy dám đấu tranh để giành lấy chiến thắng".

Về thành phần nhân sự mới, như dự báo đương kim thủ tướng Lý Khắc Cường không có tên trong danh sách 205 thành viên Ban chấp hành trung ương. Ông chính thức rời khỏi chức vụ thủ tướng vào tháng 3/2023. 

Tuy nhiên sự kiện đáng chú ý nhất trong lễ bế mạc Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hôm nay là hình ảnh cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) người ngồi ngay bên tay trái ông Tập Cận Bình, đã bị áp giải ra khỏi Đại Lễ Đường Nhân Dân trước cuộc biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng.

Thông tín viên đài RFI Stéphane Lagarde tường thuật về sự kiện được các nhà quan sát bình luật nhiều nhất sáng nay :

"Có vẻ như là cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bất đắc dĩ đã phải rời khỏi hội trường. Ngay sau khi bắt đầu làm việc tại phòng báo chí, các phóng viên qua ống nhòm đã trông thấy hai người áp tải ông Hồ Cẩm Đào ra khỏi phòng họp. Ai cũng biết cựu chủ tịch Trung Quốc nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe suy yếu và có thể là ông đã bị mệt. Dù vậy ông Hồ Cẩm Đào đã rời hội trường trước khi mọi người biểu quyết sửa đổi Điều lệ Đảng. Toàn thể các đại biểu đã nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa theo đường lối Trung Quốc vào văn bản này.

Trong khi đó ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ ba, điều chưa từng thấy từ thời Mao Trạch Đông. Việc ông Tập tiếp tục nắm giữ quyền lực đã làm dấy lên nhiều chỉ trích ngay trong nội bộ Đảng. Trong lễ bế mạc Đại hội Đảng hôm nay, phía bên tay trái của ông Tập Cận Bình là một chiếc ghế bị bỏ trống.

Chưa có thông tin về thành phần Ban thường vụ và danh sách 6 nhân vật chung quanh ông Tập Cận Bình. Liên quan đến Ban chấp hành trung ương, trong số 205 thành viên, không có tên thủ tướng Lý Khắc Cường. Trong danh sách này cũng không thấy tên ông Uông Dương (Wang Yang) chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc. Có lúc ông này được dự báo là có thể được cất nhắc vào chức vụ thủ tưởng.

Dù vậy, đương kim ngoại trưởng Vương Nghị cùng tuổi với phó thủ tướng thứ nhất Quốc Vụ Viện Hàn Chính (Han Zheng) thì vẫn được giữ lại. Một nhân vật thân tín khác với ông Tập Cận Bình là thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) thì có tên trong Ban chấp hành trung ương. Ngày mai mọi chú ý sẽ tập trung vào thành phần Ban thường vụ để xem xem rằng trong đó sẽ có bao nhiêu người thân tín với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".

AFP ghi nhận, sau vụ ông Hồ Cẩm Đào đột ngột rời hội trường trước khi Đại hội Đảng kết thúc trong những điều kiện "bất thường", tên tuổi ông bị kiểm duyệt trên các mạng internet tại Trung Quốc.

Hai điều khoản mới trong bản Điều lệ Đảng

Liên quan đến bản Điều lệ Đảng sáng nay 2.300 đại biểu Trung Quốc "nhất trí" thông qua hai điều khoản mới. Một là xác định "Vai trò trung tâm của đồng chí Tập Cận Bình", qua đó củng cố thêm vị trí của đương kim tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước, chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nghị quyết thứ nhì cũng đã dễ dàng được toàn thể các đại biểu thông qua liên quan đến quy chế độc lập của Đài Loan. Điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc quy định rõ "chống đối" Đài Loan độc lập.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Phan Minh
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)