Sách Tàu có tích Lưu Bị kiên nhẫn tam cố thảo lư mời thỉnh Khổng Minh. Người Việt có câu "nhất quá tam ba bận". Chuyện cầu cạnh quan trọng đến mấy thì cũng chỉ ba lần. Ấy thế mà hai năm qua, bác Tổng nhà ta đã hạ cố đến bốn lần đánh tiếng chào mời Tổng thống Biden. Ôi ! Thiết tha đến vậy nhưng ông Biden vẫn cứ lững lơ hẹn sẽ đến vào "thời điểm thích hợp cho cả hai bên" ! Chẳng bù với bác Tập đả hổ, chưa đại hội đảng, chưa biết tái đắc cử hay không đã ưu ái hẹn hò dành suất gặp đầu tiên tình thương mến thương cho đàn em Trọng đốt lò ! Vậy thời điểm nào là "thích hợp cho cả hai bên" để ông Bảy Đờn hát bản tình ca hẹn hò với bác Tổng ?
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
Gừng càng già càng cay, chừng như tuổi càng cao thì tình cảm hữu nghị càng thêm nồng thắm nên dù bận trăm công nghìn việc chỉ đạo đốt lò, chống tham nhũng theo kiểu nhân văn, mở đường cán bộ tham nhũng nộp tiền chuộc tội, vừa phải lo trừng trị bọn suy thoái bị thế lực thù địch tác động, âm mưu diễn biến hòa bình, bác Tổng nhà ta vẫn hừng hực khí thế xông pha đối ngoại.
Chưa đầy hai năm có bốn lần mời !
Vừa mới sang Tàu tiếp kiến, chúc mừng Hoàng đế Tập Cận Bình tái đắc nhiệm kỳ 3, bác Tổng lại liên tục thúc giục đàn em bắn tiếng chào mời Tổng Thống Biden. Với tầm nhìn xa rộng ngất trời xanh, kết thúc năm 2019,đất nước, nhân dân phải oằn mình chịu đựng bao thiên tai, nhân tai, địch họa, dịch Covid đang chớm nở, bác Trọng đã nhìn thấy : 'Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam'. Từng là Chủ tịch Hội Đồng lý luận Trung Ương, bậc thầy lý luận của sĩ phu Bắc Hà có lý luận luôn giữ sĩ khí "Mình phải như thế nào người ta mới như thế ấy chứ !".
Năm 2021, bác Tổng từng hai lần đánh tiếng chào mời, Tổng Thống Biden vẫn làm lơ, lẽ ra sẽ tự ái dồn dập cạch mặt, đoạn giao. Ấy vậy mà tháng 11 này trong vòng chưa đầy một tuần lễ, bác Tổng hai lần trực tiếp và gián tiếp nhắn gửi lời mời Tổng Thống Biden thăm viếng, đó là sự trân trọng thiết tha nhũn nhặn xưa nay chưa hề thấy. Tất cả những lần nhắn gửi này đều được báo chí nhà nước thông tin ầm ỉ.
Đầu tiên, ngày 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, bác Tổng tiếp Đại sứ Daniel Kritenbrink đến chào từ biệt khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. "Nhân cuộc tiếp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Đại sứ chuyển lời cảm ơn đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gửi thư chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ; trân trọng mời Tổng thống Hoa Kỳ sớm thăm Việt Nam" (1).
Tiếp theo đó, trong chuyến Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam bác Tổng làm cao không tiếp nhưng đã nhờ "Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hỏi thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Tổng thống Joe Biden. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam trong thời gian tới" (2).
Suốt từ ấy đến nay, chưa nghe thấy Tổng thống Biden trả lời trả vốn về lời mời này, tuy nhiên các quan chức chính phủ từ Bộ trưởng quốc phòng, Thứ trưởng Ngoại giao, ông Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu liên tục đến Việt Nam. Mặc khác, thông lệ gần đây hai năm một lần các hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam một lần đã bị gián đoạn dù báo chí đã có thông tin USS Ronald Reagan sẽ đến Đà Nẵng trong năm ngày vào tháng 7/2022. Mới đây nhất, Tổng thống Biden đã vượt Thái Bình Dương bay đến Campuchia sát nách với Việt Nam nhưng chẳng hề ngó ngàng chi tới lời mời của bác Tổng (3).
Chuyện lạ đã xảy ra ngày 12/11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Biden và "chuyển lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam".
Tổng thống Joe Biden vui vẻ nhận lời và hứa sẽ thu xếp chuyến thăm vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên" (4).
Có lẽ lời hứa của Tổng thống Biden vẫn chưa thỏa mãn với mong muốn của bác Tổng nên chỉ 8 ngày sau, tại Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC. "Thông qua Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng chuyển lời mời Tổng thống Mỹ Joe Biden sớm thăm Việt Nam’ (4a).
Tổng thống Biden vốn không cực đoan, thiên kiến, ông từng phê phán thái tử Mohammed bin Salman, là người đang thật sự trị vì Saudi Arabia, ra lệnh giết chết nhà báo Jamal Khashoggi của báo Washington Post. Nhưng để giải quyết tình trạng khủng hoảng xăng dầu của thế giới ông vẫn sẳn sàng đến Saudi Arabia gặp thái tử Mohammed bin Salman.
Tình trạng nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam dưới thời bác Tống tuy ngày càng tệ, bác Tổng nhà ta tuy có trao huân chương cho các chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến tiêu diệt cụ Lê Đình Kình và đàn áp mấy trăm hộ dân ở Đồng Tâm hay dính dáng đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa đến đổi làm ảnh hưởng đến các quan hệ chiến lược quốc gia và vai trò địa chính trị của Việt Nam trên bàn cờ quốc tế.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ công bố năm 2022 đã xác định "Tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương" (4b).
Đây không phải là lời nói suông, chính phủ Mỹ thời Biden đã hào phóng hỗ trợ Việt Nam hơn 30 triệu liều vacxin Covid ngay thời điểm nóng bỏng nhất : xây dựng trụ sở sứ quán ở Hà Nội quy mô lớn nhất Đông Nam Á ; mở trung tâm CDC ; đại học Fulbright… ; nương tay cho Việt Nam về cáo buộc ‘thao túng tiền tệ"thời Tổng thống Trump ; hỗ trợ Việt Nam về bảo vệ môi trường sông Mê Kông…
Quan trọng nhất là với Biển Đông, Mỹ đề cao quyền tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngược lại Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn, biến Biển Đông thành ao nhà, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, đưa tàu thăm dò xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cướp bóc, bức hại ngư dân, gây áp lực buộc Việt Nam phải hủy hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí… Những cuộc tuần tra thực hiện tự do hàng hải của Mỹ vừa qua đã giảm thiểu rất lớn mưu đồ dùng vũ lực bành trướng Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia ở Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương được đánh giá là "đối tác hàng đầu". Mỹ đã tặng Việt Nam nhiều tàu cảnh sát biển. Với người dân Việt Nam đó là những tín hiệu tốt lành. Những chuyến viếng thăm của các tổng thống Bill Clinton, Obama, được người dân Việt Nam hoan nghênh chào đón nồng nhiệt.
Không dám nâng tầm quan hệ Việt- Mỹ
Vậy thì lý do gì ngăn cản Tổng thống Biden đáp ứng lời mời của bác Tổng ? Hỏi cho vui vậy thôi chứ trẻ con cũng biết cái kiểu lý luận nói vậy mà không phải vậy của chiến lược ngoại giao cây tre của bác Tổng. Cũng không riêng Tổng Trọng mà từ các thế hệ tiền nhiệm đặt lợi ích, sự tồn vong của đảng, của chế độ chính trị mà nói trắng ra là đặc quyền đặc lợi của tầng lớp cai trị cha truyền con nối lên trên lợi ích và sự tồn vong của dân tộc nên miệng cười đong đưa với túi tiền thế lực thù địch tay chân thì nắm chặt xích sắt của bạn vàng.
Chuyến đi Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris năm rồi không chỉ là cuộc dạo chơi, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Kamala Harris thẳng thắn mở lời "việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ sẽ là một thông điệp tích cực đối với nhân dân hai nước" (5).
Thế nhưng từ Nguyễn Xuân Phúc đến Phạm Minh Chính đều lu loa những lời hoa mỹ ca ngợi thành tựu tốt đẹp của quan hệ hai nước và chốt hạ giới hạn là "làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ hợp tác toàn diện".
Tiếp tục trò chơi chữ nghĩa và thử thách lòng kiên nhẫn của chính phủ Mỹ, dù Tổng thống Biden chưa hứa hẹn gì nhưng trong cuộc gặp bà Sherman, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ sáng 13/06/2022, Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn rào đón Việt Nam coi Mỹ là một trong những "đối tác quan trọng hàng đầu" đề nghị hai bên thúc đẩy chuyến thăm của Tổng thống Biden trong năm nay. chừng như sợ bà Sherman không hiểu khái niệm "đối tác quan trọng hàng đầu" chỉ là cách nói đãi bôi, ông Bùi Thanh Sơn còn khẳng định "Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau".
Đáp lời, Thứ trưởng Sherman khẳng định Washington coi trọng quan hệ với Hà Nội, nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng. Bà cũng nhắc lại, phía Mỹ mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam khi điều kiện phù hợp và không đả động gì về việc thúc đẩy chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Biden (6).
Những câu thần chú kinh điển "đối tác quan trọng hàng đầu", "thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất" cũng được Phạm Minh Chính và Nguyễn Xuân Phúc nhai đi nhai lại kèm theo lời mời của Tổng Trọng trong các cuộc gặp gần đây.
Trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, người ta thường phân định ra thành bốn cấp độ từ thấp đến cao lần lượt là : Đối tác (partnership) – đối tác toàn diện (comprehensive partnership) – đối tác chiến lược (strategic partnership) và mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện (comprehensively strategic partnership)
Trong đó đối tác chiến lược là mối quan hệ giữa hai quốc gia mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ này gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi có thể bao gồm cả lĩnh vực an ninh quân sự.
Việt Nam đã ký quan hệ đối tác chiến lược với hàng tá quốc gia, được xem là bội thực đối tác chiến lược. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ là ba đối tác chiến lược toàn diện nhưng với Mỹ trước sau Việt Nam từ chối cơ hội nâng cấp quan hệ, chỉ dừng ở mức quan hệ đối tác toàn diện.
Thần phục Tập, đong đưa với Biden !
Đồng thời với việc mời mọc, ve vãn Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam, Tổng Trọng hể hả khoe khoang với cử tri Hà Nội : "Vừa rồi các chuyến đi thăm Trung Quốc của tôi thế giới quan tâm để ý lắm cũng có nhiều đặc biệt, một thực tế là trước khi Trung Quốc đại hội chưa biết ai là Tổng bí thư nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã có thư mời Tổng bí thư ta sang thăm Trung Quốc và là vị khách quốc tế đầu tiên sang thăm chính thức, bạn cũng khẳng định sẽ đón vào ngày 30/10 và chúng ta sang đúng vào ngày đó. Sang thăm thì Trung Quốc dành rất nhiều ngoại lệ, trong điều kiện dịch bệnh nhưng bạn đón tiếp như thế nhiều người bình luận chưa từng có, rất là đặc biệt nhất là dư luận quốc tế đánh giá cao" (7).
Tổng Trọng tự hào sự tiếp đón long trọng của Trung Quốc mà quên rằng biển đảo tổ quốc vẫn nằm trong tay Trung Quốc, hài cốt 66 liệt sĩ bị thảm sát ở Trường sa vẫn đang vất vưởng dưới lòng biển Gạc Ma, ngư dân vẫn đang biến thành vật tế thần cho các lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc. Tổng Trọng và báo chí trong nước vẫn giấu diếm những thỏa thuận thần phục mà chính báo chí Trung Quốc đã công khai là Trọng và Tập đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển ; cho rằng kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng". Theo tuyên bố này, các lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc "nhất trí xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh lâu dài ở khu vực".
Theo CGTN, mạng lưới tin tức truyền hình do nhà nước Trung Quốc quản lý, ông Trọng nói với ông Tập rằng Việt Nam không cho phép bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không sử dụng vũ lực chống lại bất kỳ nước nào, và không liên kết với quốc gia này chống lại quốc gia khác (8).
Trong bối cảnh Trung Quốc đang bành trướng thế lực, độc chiếm Biển Đông hiện nay, Mỹ muốn nâng cấp quan hệ việt Mỹ nhằm tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước và cả khu vực ASEAN. Mỹ tôn trọng giá trị dân chủ nhân quyền nhưng đó là điều cần cho người dân Việt chứ không phải với người dân Mỹ nên việc thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam không phải là mục tiêu của Mỹ.
Với những thề nguyền thần phục Trung Quốc cùng với việc khăng khăng khước nâng cấp quan hệ Việt Mỹ liệu Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam thì hai bên có chuyện gì để bàn ?
Thời điểm phù hợp với điều kiện của hai nước mà Tổng thống Biden đến Việt Nam có thể hiểu rằng chỉ khi nào Tổng Trọng vứt bỏ vòng kim cô 16 chữ vàng, thay đổi nhãn quan chính trị lệch lạc lấy lợi ích dân tộc phục vụ cho đảng phái, phe nhóm cầm quyền, tự tin, thực tâm nâng cấp quan hệ Việt Mỹ thành đối tác chiến lược. Điều đó còn khó hơn xoay mặt trời mọc ở hướng tây nên chỉ còn lại một cơ hội mong manh khác là một ngày trọng đại theo ý nghĩa tứ đại lễ của người Á Đông của Tổng Trọng nếu nó xảy ra khi Tổng thống Biden còn đương chức.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/11/2022
1. https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tiep-dai-su-my-tai-vi...
2. http://m.mattran.org.vn/tin-tuc/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-tiep-pho-...
3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62074562
4b. https://vn.usembassy.gov/vi/trang-thong-tin-chien-luoc-an-do-duong-thai-...
6. https://tuoitre.vn/viet-nam-thuc-day-chuyen-tham-cua-tong-thong-biden-tr...
7. https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tong-bi-thu-thong-tin-toi-...