Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2022

Quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam đang bị lung lay ?

Hà Nguyên - Cát Tường - Nguyễn Nam, Thới Bình, Hoài Nguyễn

Minh bạch thể chế

Hà Nguyên – Cát Tường, VNTB, 24/11/2022

Hiến pháp 2013 có một điều đang là bất khả thi : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

minhbach1

Ba ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăngkể trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Việt Á.

Hiến pháp 2013, "Điều 4.

1. Đảng cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Hiến định trên cho thấy chí ít có 2 nội dung cần làm rõ để có thể thực thi, đó là cụ thể ai sẽ là đại diện Đảng chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của tập thể Đảng ? Thứ hai, pháp luật điều chỉnh về quyền lực Đảng cộng sản Việt Nam ra sao để biết khuôn khổ mà hoạt động ?

Nói một cách khác, rất cần minh bạch thể chế. Công cuộc minh bạch thể chế ấy phải do Đảng khởi xướng, lãnh đạo và tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng Điều 4 Hiến pháp hiện hành. Đơn cử, bầu cử, ứng cử theo cơ chế "Đảng cử dân bầu" phải được công khai và pháp luật hóa về quyền lực thật sự của lá phiếu cử tri đảng viên và lá phiếu cử tri quần chúng đều ngang giá trị nhau.

Hiến pháp cần tu chỉnh theo hướng Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chứ không phải là Quốc hội. Pháp luật hóa sự lãnh đạo của cấp ủy đối với bộ máy nhà nước. Có như vậy mới sớm hoàn thành công cuộc "đốt lò" chống tham nhũng.

Các yêu cầu trên không hề "phản động" hay "diễn biến hòa bình", hoặc "tự chuyển hóa" gì hết, bởi đây từng là những "tuyên ngôn" lúc còn là "lãnh đạo cấp vừa vừa" của một vài vị lãnh đạo "cấp cao nhất nhì" ở hiện tại.

"Nền kinh tế sẽ đạt được những lợi ích lớn nếu chúng ta có một hệ thống thể chế minh bạch, vững chắc, khả thi và có khả năng tiên liệu. Hệ thống thể chế tốt cũng sẽ giải phóng các nguồn lực, phát huy tính sáng tạo của toàn xã hội" – Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy trong một trao đổi được báo Tuổi Trẻ đăng trên số báo phát hành ngày 8/2/2011. Khi đó, ông Nguyễn Xuân Phúc là tân Ủy viên Bộ chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ.

Giờ là tháng 11/2022, nhiệm vụ tự đặt ra của ông Nguyễn Xuân Phúc về "có một hệ thống thể chế minh bạch, vững chắc, khả thi và có khả năng tiên liệu" xem chừng vẫn còn tiếp tục hứa hẹn ở thì tương lai ; bởi nếu ngay từ lúc đó lời nói đi đôi với hành động thì chắc hẳn sẽ khó thể đưa đến những con số thống kê mới vừa được công bố :

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý hình sự 25 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy ; 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương ; 2 nguyên chủ tịch tỉnh và 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Cụ thể, 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy gồm : Ông Nguyễn Thanh Long (sinh năm 1966), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Chu Ngọc Anh (sinh năm 1965), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ. Ông Phạm Xuân Thăng (sinh năm 1966), cựu ủy viên Trung ương Đảng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.

Ba ông kể trên đều bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ Việt Á.

Ông Trần Đình Thành (sinh năm 1955), nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ông Thành bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Ông Thành hiện chưa bị kỷ luật về Đảng.

Có 4 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương bị khởi tố điều tra : Ông Phạm Công Tạc (sinh năm 1962), cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ Việt Á. Ông Tô Anh Dũng (sinh năm 1964), cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ liên quan vụ chuyến bay giải cứu. Ông Cao Minh Quang (sinh năm 1956), cựu thứ trưởng Bộ Y tế, bị khởi tố, bắt giam do liên quan vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Tổng công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, gây thiệt hại 3,8 triệu USD tài sản nhà nước. Ông Nguyễn Quang Linh (sinh năm 1974), cựu trợ lý của phó thủ tướng thường trực Chính phủ, bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.

Có 2 nguyên chủ tịch tỉnh bị khởi tố, điều tra : Ông Nguyễn Ngọc Hai (sinh năm 1962), cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ án xảy ra tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (Bình Thuận). Ông Đinh Quốc Thái (sinh năm 1959), nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị bắt về tội nhận hối lộ liên quan vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan. Ông Thái cũng chưa bị kỷ luật về Đảng.

Có 5 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang : Trung tướng Nguyễn Văn Sơn – cựu tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Trung tướng Hoàng Văn Đồng – cựu chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Kim Hậu – cựu phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Bùi Trung Dũng – cựu phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết – cựu phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị Cảnh sát biển Việt Nam.

Cả 5 sĩ quan cấp tướng kể trên cùng bị khởi tố điều tra về tội tham ô tài sản.

Hà Nguyên – Cát Tường

Nguồn : VNTB, 24/11/2022

**************************

Với thể chế độc đảng toàn trị thì "mất chế độ" cần được hiểu như thế nào ?

Nguyễn Nam, VNTB, 21/11/2022

Sáng 19/11/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận : Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng (đơn vị bầu cử số 1) báo cáo kết quả kỳ họp 4 Quốc hội khóa 15.

quyenluc1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rằng, "không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ".

Tổng bí thư nhìn nhận việc phòng, chống tham nhũng phải kiên trì, bền bỉ, làm lâu dài vì xong vụ này lại xảy ra vụ khác. "Bây giờ có những người xảy ra cái là trốn đi nước ngoài. Trốn đi sang nước ngoài thì sang nước ngoài bắt về đây. Không bắt được thì luật pháp của ta cho phép xử vắng mặt. Trốn cũng không được, trốn đi rồi ta vẫn có quyền xử vắng mặt", Tổng bí thư nói, nhấn mạnh phải làm quyết liệt, không để tham nhũng, tiêu cực làm hỏng bộ máy, làm mất chế độ.

Người viết cho rằng nội hàm "mất chế độ" ở đây nếu đặt trong hiến định ở Điều 4, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là "độc tài toàn trị", thì "mất chế độ" chỉ diễn ra khi có đảo chánh và phe nhóm thực hiện đảo chánh này tuyên bố "ly khai cộng sản" để lập một đảng mới cùng cạnh tranh bình đẳng theo đúng lá phiếu bầu dân chủ của cử tri.

Việc đảo chánh bằng vũ lực nếu có, xem ra chỉ có thể từ phe nhóm trong quân đội. Còn đảo chánh theo nghĩa "chiến tranh tâm lý – diễn biến hòa bình" để kích động tạo phe nhóm nhằm hạ bệ Tổng bí thư, thì khả thi hơn ; và rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng đang ngầm ý ám chỉ điều này cho cảnh báo "mất chế độ".

Như vậy dù bằng cách nào thì "mất chế độ" cũng do chính những đảng viên cộng sản thực hiện, nôm na đó đúng như cảnh báo của ông Trần Quốc Vượng khi còn là Thường trực Ban Bí thư : "Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi" tại "Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020" diễn ta tại Hà Nội ngày 25-12-2019.

"Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú ý. Đây là thực tiễn và thời sự. Thành bại là do cán bộ. Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà "cơ đồ đổ xuống biển sâu". Có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu", ông Vượng nói.

Ông Vượng cho hay, khi sang Châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. "Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy", ông nói.

quyenluc2

Ông Trần Quốc Vượng khi còn là Thường trực Ban Bí thư nói : "Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ thôi"

Theo Thường trực Ban Bí thư, vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.

"Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thời điểm mà ông Trần Quốc Vượng – người từng có thời gian dài giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có các phát biểu cảnh báo cụ thể như trên so với kiểu chung chung như hiện tại của ông Nguyễn Phú Trọng, không ít người đoạn chắc rằng ông Vượng sắp rời chính trường bởi khả năng "vạ miệng" của "trung ngôn thì nghịch nhĩ".

Đến đầu tháng 2/2021, ông Trần Quốc Vượng rời chính trường khi không có tên trong danh sách của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tuy vậy, trước khi rời chính trường, ông Trần Quốc Vượng đã đưa ra hàng loạt cảnh báo mà có lẽ giờ đây ông Nguyễn Phú Trọng đang thực hiện : không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng ; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút ; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh ; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ;

Chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" hay bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 21/11/2022

******************************

Ở Việt Nam vì sao rất khó minh bạch quyền lực ?

Thới Bình, VNTB, 20/11/2022

Để giám sát quyền lực, phải có một cơ quan chuyên trách. Nhưng, nó sẽ lại bế tắc, vô hiệu, khi cơ quan này, nếu có, phụ thuộc vào Đảng và tính Đảng… Trừ khi Đảng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát từ 1 tổ chức chính trị… phi Đảng.

Thế nên, việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui.

quyenluc3

Ở Việt Nam, Tổng bí thư còn hơn Bao Công

Một ‘hội luận bỏ túi’ tại quán cà phê lề đường khu bờ kè Nhiêu Lộc, Sài Gòn sáng cuối tuần 19-11, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề, luật sư Tr.Th. kể rằng ở một lần được mời thỉnh giảng, có nhóm sinh viên đưa ra ý kiến thảo luận vầy : luật Hiến pháp có nêu về quyền độc quyền trong quản trị quốc gia của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng đến lượt mình, Đảng Cộng sản Việt Nam chịu sự điều chỉnh cụ thể ra sao của hệ thống pháp luật, và cả Hiến pháp, thì đến nay vẫn không rõ.

Thậm chí có sinh viên trước sự cởi mở của giảng viên, đã đặt câu hỏi rất dễ khiến sinh viên này gặp phiền toái với cơ quan an ninh, đó là vì sao Bộ Chính trị lại có các quyền cao hơn cả Quốc hội ; và ở đâu quy định về quyền/ phân quyền của Tổng bí thư Đảng, bởi nhìn vào việc quản trị quốc gia, người dân sẽ thấy quyền hành lẫn quyền lực của Tổng bí thư cao hơn cả 3 ông sau đây cùng gộp lại : Chủ tịch Quốc hội – Chủ tịch nước – Thủ tướng Chính phủ.

"Ông Tổng bí thư kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu người đời nói rằng Bao Công bên Tàu cùng lúc sắm 4 vai là điều tra – luận tội – tuyên án – thi hành án ; Bao Công chỉ chịu thua mỗi ông vua đương triều ở "kim bài miễn tử".

Ở Việt Nam, Tổng bí thư còn hơn Bao Công ở chỗ chỉ cần ngồi ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì ông ấy có thể yêu cầu cơ quan công an phải điều tra trong các cụ thể giới hạn gì ; ông có thể lệnh viện kiểm sát phải ra cáo trạng buộc những tội danh cụ thể thế nào, và tòa án phải tuyên xử ra sao theo đúng ý của ông – kể cả "kim bài miễn tử".

Với quyền lực tối cao và độc quyền Tổng bí thư như vậy, làm sao để minh bạch ? Nhóm sinh viên đặt thêm yêu cầu như vậy khi thầy trò tiếp tục bàn luận ngoài tiết học trên lớp" – luật sư Tr.Th. kể.

Luật sư Ng.V.Th. tiếp vấn đề với nhìn nhận nhiều vụ đại án tham nhũng gần đây đều dính đến các quan chức lớn, và hơn cả lớn. Không chỉ thế, nhìn kỹ các đại án đó, nó là nguyên một đường dây hệ thống – hay nên gọi là tổ chức ? – mang tính chất tinh vi, bí hiểm nhập nhằng… mà khái niệm lợi ích nhóm chưa đủ phản ánh hết bản chất, sự nguy hiểm, nguy hại.

"Đại án tham nhũng không chỉ làm xói mòn lòng tin của người dân mà cả quốc tế vào chính thể cầm quyền, tác hại này không hề nhỏ, khôn lường. Sẽ chẳng có chính phủ nước ngoài nào, doanh nghiệp nước ngoài nào thích làm ăn, hợp tác, hay viện trợ cho một nhà nước đầy… lợi ích nhóm xâu xé, trục lợi. Không một công dân nào an tâm và hứng khởi làm ăn và nộp thuế để nuôi một bộ máy điều hành chỉ lo… bòn mót dân, ăn cướp của dân.

Và tương lai của người dân, của đất nước sẽ ra sao khi đám quan chức đầy lòng tham nhưng bất tài, "trị vì" họ, và đất nước ? Cái gì tạo ra các vụ phạm pháp đó ? Câu trả lời không khó tìm. Nhưng giải pháp giải quyết thì không dễ thực thi. Bởi, cái gốc của tham nhũng ở Việt Nam rất phức tạp, có hệ thống… Mà cách diệt, đánh tham nhũng ở xứ này chỉ giải quyết phần ngọn của nó. Khó nhổ tận gốc tham nhũng thì khó bài trừ được tham nhũng.

Bởi đơn giản quyền lực khó lòng minh bạch vì để giám sát quyền lực, phải có một cơ quan chuyên trách. Nhưng, nó sẽ lại bế tắc, vô hiệu, khi cơ quan này, nếu có, phụ thuộc vào Đảng và tính Đảng… Trừ khi Đảng cũng chịu sự kiểm tra, giám sát từ một tổ chức chính trị… phi Đảng. Thế nên, việc minh bạch hóa quyền lực hiện nay sẽ mãi tù mù, luẩn quẩn, bàn cho vui" – luật sư Ng.V.Th., kết thúc câu chuyện trong bế tắc.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 20/11/2022

******************************

Vì sao cần gấp rút xử vụ án vắng mặt ‘đầu vụ’ ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 20/11/2022

Tổng bí thư : Người phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải truy tố, xét xử, không thể thoát được.

quyenluc4

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều này trong phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : "Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai’.

Việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như vừa qua, trong đó có cả ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch các tỉnh và nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là minh chứng rõ nhất và sắp tới cũng phải làm như vậy ; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật" – trích phát biểu hôm 18/11/2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong ý phát biểu trên, công luận hiểu rằng ông Nguyễn Phú Trọng ngầm nhắc đến vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tại buổi làm việc thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kết thúc hôm 18/11/2022, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nói rõ ở vụ án AIC và việc các bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bỏ trốn nhưng vẫn bị đề nghị truy tố là thực hiện theo yêu cầu của Tổng bí thư, vì ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói trước công luận rằng dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.

"Hiện nay Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu các quy định luật pháp để truy tố, xét xử các bị can, bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Nếu trốn ra nước ngoài, quy định của pháp luật chúng ta vẫn có thể xử vắng mặt thì tiến hành xử vắng mặt" – ông Học dẫn lại Khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì có thể xét xử vắng mặt.

Góc nhìn khác, một số nhà quan sát cho rằng cần xử nhanh vụ án liên quan bị can đầu vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vì nếu bà Nhàn xuất hiện trước tòa và được luật sư yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết thì rất có thể đe dọa cả một vương triều thuộc một trong ba nhiệm kỳ mà ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ghế Tổng bí thư.

Tóm tắt về riêng vấn đề này : Ông Trần Đình Thành – cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – khai vào năm 2010, khi bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu – cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – báo cáo ông Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho phần thiết bị bổ sung.

Ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý.

Sau đó, việc xin vốn diễn ra thuận lợi. Bà Thu hiểu bà Nhàn đã tác động đến cơ quan trung ương để hỗ trợ tỉnh Đồng Nai trong việc tăng vốn cho dự án. Qua đó, Công ty AIC được tỉnh tạo điều kiện trúng thầu cung cấp phần trang thiết bị cho dự án.

Nhưng cụ thể bà Nhàn và lãnh đạo tỉnh tác động như thế nào lên trung ương để việc xin vốn diễn ra thuận lợi thì bà Thu không biết.

Tương tự, lời khai của ông Đinh Quốc Thái, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng hé lộ "quyền lực ngầm" của bà Nhàn. Ông Thái khai năm 2009, thông qua giới thiệu của ông Thành, ông Thái đã được bà Nhàn đặt vấn đề tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu các gói thầu dự án bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Năm 2010, ông Thái ký quyết định bổ sung chi phí thiết bị y tế cho dự án với số tiền 754 tỉ đồng, mục đích là để bà Nhàn hỗ trợ tỉnh xin vốn ngân sách trung ương nên ông Thái biết phải tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Trong khi đó, ông Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khai biết bà Nhàn từ đầu năm 2010 thông qua giới thiệu của ông Thành. Công ty AIC đã trúng một gói thầu cung cấp máy can thiệp tim mạch trị giá trên 10 tỉ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai cũ. Ông Vũ biết bà Nhàn có mối quan hệ "lớn", thường xuyên giao tiếp với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Như vậy chỉ với tình tiết ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý, cho thấy khi mà một bí thư tỉnh, to nhất tỉnh mà phải "xin" và được "đồng ý" thì quả là thế lực của bà Nhàn không hề nhỏ.

Vậy ai đã chống lực cho bà : quan chức cao nhất trong chính phủ, hay lãnh đạo cao nhất của Đảng mà giờ cần phải xử gấp, bất chấp chuyện bà Nhàn đã bóng chim tăm cá…

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 20/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Cát Tường, Nguyễn Nam, Thới Bình, Hoài Nguyễn
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)