Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2022

Chính quyền cộng sản phá chùa Phật giáo độc lập

Hà Nguyên - Thục Đoan

Đất đai tôn giáo và quyền tự do tôn giáo nhìn từ vụ phá chùa Thiên Quang

Hà Nguyên, VNTB, 20/11/2022

Tin tức cho biết, liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11/2022, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.

thienquang1

Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.

Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.

Vị trụ trì chùa Thiên Quang đưa ra cáo buộc như sau : "Và bản thân tôi ở chùa Thiên Quang 20 năm qua hành đạo cũng vô vàn khó khăn. Vậy là cho thấy, những ngôi chùa độc lập họ tìm mọi cách để bách hại. Thật là đau xót, tệ nạn xã hội, đạo đức suy suyễn, nghèo đói người dân không có hạnh phúc thì hỏi Phật giáo suy hay thịnh.

Nhớ ! Đức đệ tứ Tăng Thống nói :

"Đạo pháp không thể nở hoa trên giang sơn nô lệ.

Dân tộc không thể hạnh phúc dưới sự áp bức đói nghèo".

Có thể là chùa Thiên Quang được xây dựng nhưng không tuân thủ các yêu cầu về thủ tục hành chính. Tuy nhiên lưu ý là đây phần tài sản bị tháo dỡ là sở hữu hợp pháp, và được pháp luật bảo hộ về quyền dân sự của chùa Thiên Quang.

Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 180 "Chiếm hữu ngay tình", ghi : "Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu" ; Điều 236 "Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật", ghi : "Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Tính đến hiện tại, với những gì đang diễn ra cho thấy đất đai nơi có chùa Thiên Quang là không có sự tranh chấp về quyền sở hữu, và pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không có điều khoản nào buộc một ngôi chùa, tự viện phải thuộc tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lưu ý, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người ; trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 16 của Hiến pháp nêu rõ : "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Điều 24 khẳng định : "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".

Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Như vậy khi đã tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì việc xây cất chùa, tu viện cần được tạo điều kiện về thủ tục hành chính. Tài sản của chùa, tự viện còn là sở hữu hợp pháp được pháp luật dân sự bảo hộ.

Từ góc nhìn trên cho thấy hành vi tháo dỡ một phần động sản thuộc khuôn viên chùa Thiên Quang nêu trên là dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý của người dân dành cho Đảng Cộng sản.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 20/11/2022

*************************

Đau thương Thiên Quang Tự

Thục Đoan, VNTB, 18/11/2022

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt

Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ

Ðường âm u nối lại mấy tiền thân

Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn

Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn

Tuệ Sỹ

Ngày 10/11/2022, Chủ tịch xã Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Vũng Tàu dẫn người phá cổng rào, cho xe cần cẩu chạy nát sân chùa, tháo rỡ, lôi khung nhà khách đang sửa lại bằng gỗ lũa xuống, gây cảnh tan hoang chùa Thiên Quang.

thienquang2

Chùa Thiên Quang trước là chùa Sơn Linh xây dựng kiên cố năm 2009. Nhân thày Trụ trì Thích Đồng Quang đi chữa bệnh, chính quyền vào triệt phá hoàn toàn. Vì sót thương thánh địa thờ Phật này, Đại Đức Thích Thiên Thuận mua lại và giao cho đệ tử trẻ có nơi tu tập, hoành dương Phật pháp, thực hành chí nguyện, nhưng tăng chúng đã gặp không ít khó khăn từ phía chính quyền. Ngay cả những việc nhỏ như sửa, dựng một căn nhà diện tích 90m vuông, vách ván, lợp tôn che mưa che nắng, dù là có làm đơn xin, cũng không được chấp thuận.

Nơi bị giật sập ngày 10/11, trước kia bằng tre nứa, đã hai năm qua rách nát. Nhà chùa dựng lại bằng những cây gỗ lũa, lõi, dùng làm cọc cho tiêu leo, tiêu chết, nhà chùa mua về dựng nhà uống trà, tiếp khách.

thienquang3

Người do chánh quyền dẫn đến đang phá dỡ công trình xây dựng trong chùa

Dù không có trụ trì là chủ ở nhà, một nhân viên chính quyền đứng giữa sân đọc quyết định gì đó, không ai nghe được ông ta nói gì. Đọc xong, người này cũng không tìm người để giao hay cho xem giấy tờ. Trong khi ông này đang đọc, ông chủ tịch xã đã lời qua tiếng lại với một sa di và xưng mày tao. Khi bị hỏi tại sao nhân viên chính quyền lại mày tao với dân, ông này lảng đi, lấy tay xoa đầu bảo tao già rồi mày tao với chúng mày không được sao. Lúc nhiều người trèo lên phá dỡ khung cây dựng nhà uống trà, hàng chục người có dáng chỉ huy đã kéo ghế ngồi nơi dành riêng cho các tu sĩ, nhiều người mang dép lê vào chánh điện, không tôn trọng sự trang nghiêm thờ phượng, cố tình coi thường sự thanh tịnh Phật giáo.

Năm 2018, huyện Xuyên Mộc yêu cầu chùa cho họ đào mương dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngang chùa, tuy nhiên sự việc phải đình lại vì có sự "thăm viếng" chùa của các nhân viên hai tòa lãnh sự Hoa Kỳ và Đức.

Năm 2019, nhà cầm quyền địa phương đã vào chùa, tịch thu toàn bộ đồ nghề thợ nề, bao gồm máy trộn ciment và tất cả công cụ lao động khác của người thợ nghèo khi đang làm công quả cho chùa (anh là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, được thuê với tiền công tượng trưng, xây một mô hình Đài Lục Hòa nhỏ, mô phỏng theo phiên bản Đài Lục Hòa tại Trại Trường của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên đồi thông cạnh Hồ Than Thở Đà Lạt vốn đã bị chính quyền cộng sản tịch thu, mất trắng sau tháng 4 năm 1975 – dù khu đất này có giấy tờ sở hữu bất động sản hợp pháp – và bao lâu nay nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng đưa vào kinh doanh dưới tên gọi là Khu du lịch Đồi Phật Bà). Vốn có bệnh sẵn, vụ bị lấy hết đồ nghề không xin lại được, không còn phương tiện lao động nuôi sống gia đinh, lại vào dịp cận Tết Nguyên Đán, anh đâm ra chán nản, thất vọng, mất lòng tin, xuống tinh thần, sức khoẻ suy sụp khiến bệnh trở nặng và mạng vong chỉ vài tháng sau đó – vào tháng 3/2019 – trong căn nhà cấp 4 nhỏ ở một xóm ấp gần bìa rẫy.

thienquang4

Ngẩn ngơ chú tiểu nhỏ

Chùa Thiên Quang, một trong nhiều ngôi chùa vẫn kiên định sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từ một am nhỏ dựng nên năm 2000, dù bị chính quyền xã Hòa Bình làm khó dễ, đập phá, tăng chúng và phật tử vẫn kiên nhẫn xây dựng khang trang, xứng đáng phụng-hiến Phật và chúng sanh. Chùa nổi tiếng với các pho tượng Phật, Bồ Tát bằng gỗ quý, có phong cảnh hữu tình nhuốm đậm mùi thiền môn, với dòng thác uốn quanh, như rồng xanh cuộn mình dưới chân Phật. Mới đầu là một tịnh cốc bằng tranh tre mây lá bé xíu khiêm nhường trên mảnh đất hoang hóa và rừng rẩy không mấy ai để ý, nay vô tình lạc vào khu vực quy hoạch được xem có tiềm năng "làm du lịch rừng-thác" của địa phương.

Những người rõ chuyện cho biết chính quyền quyết tâm làm khó, sáp nhập bằng được chùa Thiên Quang vào giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cánh tay của chính quyền vô thần cộng sản, và rồi trở thành phụ thuộc vào họ, làm tăng thu nhập cho khu vui chơi, du lịch, giải trí. Nếu thày trụ trì khong theo họ, họ sẽ ra tay triệt tiêu chùa.

Thượng tọa trụ trì viết trên trang facebook của chùa :

"Tôi mới đi Phật sự hai hôm mà chính quyền đã lập kế vô tháo nhà khách đang làm dang dở.

Mong quý vị bình yên nhé, cái gì cũng từ từ đâu còn đó vội làm chi.

Muốn tháo thì cứ tháo, muốn đập thì cứ đập, phá …. Phá chưa đủ thì cứ phá, Đạo pháp dân tộc muôn đời, Đạo Phật tử bi – Tôi rất thương quý vị, mong quý vị tháo, đập phá an toàn.

Nam mô a di đà Phật".

thienquang0

Sơ Huyền

Tác giả : Tuệ Sỹ

Tang thương một giãi tóc huyền

Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu

Gởi thân gió cuốn sa mù

Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng

Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng

Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều

Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu

Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu

Một kiếp sống, một đoạn đường lay lắt

Một đêm dài nghe thác đổ trên cao

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt

Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ

Ðường âm u nối lại mấy tiền thân

Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn

Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn

Thục Đoan

Nguồn : VNTB, 18/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Thục Đoan
Read 396 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)