Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng vụ Angela Phương trinh bị tố "phát ngôn ngông cuồng"
RFA, 02/06/2024
Giới chức Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho biết sẽ trao đổi về tài khoản mạng xã hội của diễn viên Angela Phương Trinh trên góc độ văn hóa theo quy định về quản lý, nhà nước trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thuộc về ngành thông tin truyền thông.
Nữ diễn viên Angela Phương Trinh - FBNV
Thông tin này được truyền thông nhà nước loan hôm 2/6 sau một bài viết vào ngày 1/6 trên báo VietnamNet yêu cầu xử phạt nghiêm nữ diễn viên này vì "phát ngôn ngông cuồng" trên mạng xã hội.
Tài khoản Facebook của nữ diễn viên với 2,2 triệu người theo dõi những tuần qua liên tục đang nhiều bài viết, bình luận chỉ trích tu sĩ Thích Minh Tuệ - người đi bộ hành dọc đất nước để thực hiện khổ hạnh theo lời Phật dạy. Hiện tượng tu sĩ Thích Minh Tuệ đã gây nhiều chú ý trong công chúng, nhiều người tỏ lòng ngưỡng mộ ông và theo ông.
Nữ diễn viên Angela Phương Trinh (tên thật Lê Ngọc Phương Trinh), trong các bài viết trên mạng xã hội, gọi tu sĩ này là "một tên lang thang", gọi hành trình của vị tu sĩ ôm ruột nồi cơm điện đi khất thực là một bộ phim "Nồi Cơm Điện" với diễn viên là Minh Tuệ Lê Anh Tú (Lê Anh Tú là tên thật của tu sĩ Thích Minh Tuệ) và Đám đông, kịch bản là Các Thế Lực Tàn Phá Việt Nam.
Trong bài viết trên VietnamNet, tác giả viết : "Những năm gần đây, diễn viên Angela Phương Trinh không còn đóng góp gì cho nghệ thuật, thay vào đó là những phát ngôn gây sốc hoặc lan truyền thông tin sai sự thật".
Theo bài viết này, nữ diễn viên đã đăng tải các "bài viết và video có giọng điệu gay gắt, ngôn từ nặng nề mang mục đích quy chụp, hạ thấp uy tín của một số cá nhân, tổ chức".
Bài viết đưa ra các dẫn chứng về việc nữ diễn viên đưa ra câu chuyện nhân quả không đúng, hoặc hướng dẫn người dùng mạng "chữa ung thư bằng cách nói chuyện với khối u và niệm Phật".
Nữ diễn viên đã từng bị phạt 7,5 triệu đồng vào tháng 10/2021 về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật việc chữa trị Covid-19 bằng giun đất.
Bài viết cho rằng "Những bài viết chia sẻ về kiến thức sai lệch có thể là căn cứ để xử phạt hành chính theo Điều 101 về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử".
Sau bài viết này, nhiều người đã lên mạng xã hội bày tỏ sự đồng tình về việc phải xử phạt nữ diễn viên này.
Nguồn : RFA, 02/06/2024
*************************
Thích Chân Quang ỷ là cháu ruột ông Hồ nên muốn làm gì thì làm ? !
Chánh Thành, VNTB, 02/06/2024
Thích Chân Quang là cháu ông Hồ
Thích Chân Quang tên thật là Vương Tấn Việt, tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Đại học Luật Hà Nội với đề tài "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam năm 2022. Sau đó, ngày 05/04/2022, Thích Chân Quang về nhà thờ họ Hồ (Nghệ An) để làm lễ "vinh quy bái tổ". Tại đây ông Quang đã nhận mình là cháu ruột ông Hồ Chí Minh, chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ông Thích Chân Quang từng tự nhận mình là cháu kêu ông Hồ là bác ruột.
Trước đó, năm 2007, ông Quang cũng từng ra Nghệ An thăm viếng các làng xã quê hương ở Quỳnh Lưu và Nam Đàn, và nhận họ hàng với chú bác, anh chị em, con cháu… dòng tộc nhà họ Nguyễn tại đây.
Theo như lời ông ta tự nói, ông Nguyễn Sinh Sắc hai người vợ. Người vợ đầu là bà Hoàng Thị Loan, có 4 con với ông Sắc, lần lượt là Nguyễn Thị Thanh (con gái cả, sinh năm 1884), Nguyễn Sinh Khiêm (con thứ, 1888), Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh, 1890) và Nguyễn Sinh Xinh (mất sớm).
Năm Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng trong kỳ thi Hội. Tới năm 1907, ông Sắc được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê. Sang năm 1911 trong lúc nhậu say, ông Sắc ra lệnh đánh một số nông dân chậm nộp thuế, làm một người chết. Bị vua kết trọng tội, đánh phạt và bắt giam, nhưng ông Sắc trốn thoát và chạy vào xứ Cao Lãnh – Đồng Tháp, tự xưng là Cụ Vương, làm nghề bắt mạch, bốc thuốc.
Tại Cao Lãnh, Nguyễn Sinh Sắc cưới thêm một người vợ họ Mai, tới năm 1927 thì sinh ra người con trai tên Vương Chí Nghĩa. Như vậy, Vương Chí Nghĩa là em cùng cha khác mẹ với ông Hồ Chí Minh. Sau này ông Nghĩa có 2 người con trai và 5 người con gái, Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) là một trong số đó.
Nếu đúng như vậy thì ông Quang gọi Hồ Chí Minh là bác ruột.
"Vùng cấm" Thích Chân Quang
Chính vì được cho là cháu ruột Hồ Chí Minh, nên Thích Chân Quang rất được các quan chức theo đuôi nịnh bợ, tâng bốc. Trong buổi lễ tri ân thầy cô giáo trường Đại học Luật Hà Nội đã giúp ông Quang tốt nghiệp tiến sĩ năm 2022, có sự góp mặt của ông Hoàng Chí Bảo, người chuyên bịa ra những câu chuyện không tưởng về Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Chí Bảo từng là Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam ; Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực.
Tại buổi lễ này ông Bảo đã dành những lời nịnh hót không tưởng cho ông Quang. Ông Bảo nói : "Tôi cũng muốn nói thêm cảm nhận riêng của tôi về Thầy Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) của chúng ta. Tôi cứ suy nghĩ mãi tên của Thầy cả tên trong cuộc đời và tên Pháp danh. Vương Tấn Việt là một cái tên rất đẹp. "Tấn Việt" nghĩa là chúng ta đang khát vọng phát triển đất nước và tên của Thầy có thể nói như là một biểu tượng tinh thần, trước hết cho bản thân của Thầy, cũng như là một niềm truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta, hãy góp phần vào sự phát triển đất nước đó bằng những công việc bình dị nhưng lại rất sâu sắc. Còn tên Pháp danh của Thầy là Thượng tọa Thích Chân Quang, "Chân Quang" là chân lý rạng sáng, và điều ấy có thể tìm thấy trong chiều sâu của triết lý nhà Phật, cũng như triết lý của ngoài đời".
"Tôi có một may mắn là được dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu và truyền bá về tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi có một cảm nhận như thế này, Tiến sĩ Vương Tấn Việt của chúng ta mang được những nét hình ảnh rất đẹp của Bác Hồ. Thầy có một gương mặt rất phúc hậu, một khả năng truyền cảm rất tốt đẹp, và sự truyền cảm đó, với những nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh, người ta gọi là Bác Hồ của chúng ta có một biệt tài là thuyết phục, thu phục rồi đến chinh phục cả lòng người nữa. Tôi nghĩ rằng, những nỗ lực trong sự nghiệp tu hành của Thầy và bây giờ lại song hành với sự nghiệp Khoa học nữa, thì chắc chắn Thầy sẽ đem lại những thiện cảm rất tốt đẹp cho chúng ta". Ông Bảo nịnh ông Quang (1).
Thích Chân Quang cũng từng gặp gỡ với những nhân vật được cho là con ruột ông Hồ Chí Minh như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tất Trung. Và có nhiều hình ảnh chụp lưu niệm được phát tán trên mạng xã hội, và báo chí. Chính vì mối quan hệ mật thiết này mà Thích Chân Quang mới có thể tỏ ra vô cùng ngạo mạn và có nhiều phát biểu ngược đời, hàm hồ, mê tín dị đoan nhưng vẫn không hề bị xử lý.
Ví dụ năm 2014, ông này từng thuyết giảng : "Trung Quốc là anh, Việt Nam là em. Lý Thường Kiệt mang quân đánh Trung Quốc là hỗn". Hoặc gần đây mạng xã hội lưu truyền những lời dạy vô cùng nhảm nhí về luân hồi, nhân quả như người nào thích đi du lịch thì bị quả báo nằm liệt giường, người nào phí phạm nước thì đầu thai vào sa mạc, hát karaoke nhiều thì thành ma câm, thích câu cá thì kiếp sau bị lở miệng, ung thư miệng…
Thích Chân Quang cũng từng dạy Phật tử cúng dường thì phải cúng tiền chẵn chứ không nên cúng tiền lẻ. Bao nhiêu tiền công đức thì có lẽ khó thống kê, nhưng chỉ thấy ông Quang đi xe hơi hạng sang như Audi, Mercedes… Mới đây mạng xã hội còn lan truyền tin ông Quang đi mua chiếc Volkswagen Viloran 2 tỷ đồng mà không cần trả giá. Bị dư luận tấn công, ông bỏ luôn 50 triệu tiền đặt cọc. Chứng tỏ tiền của ông không hề ít và ông xài không cần suy nghĩ. Ông sống xa hoa như một vị vua !
Thích Chân Quang đã bị rất nhiều người đưa đơn thư tố cáo về các phát ngôn và hành vi của ông ta. Thế nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đó. Thậm chí, có người chỉ trích Thích Chân Quang đã bị công an bắt giam. Đó là trường hợp ông Dương Hồng Hiếu, một người dùng mạng xã hội đã bị công an tỉnh Kiên Giang bắt giam theo điều 331 vì có chỉ trích các phát ngôn của ông Quang.
Rõ ràng, nếu ông Quang là tu sĩ chân chính, thì ông đã không sân si với đời, không tố cáo người dân lương thiện. Việc công an bắt giam người chỉ trích Thích Chân Quang cũng cho thấy ông Quang là "vùng cấm", là một nhân vật không thể đụng tới. Có thể chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng phải từ chức, hoặc đi tù, nhưng Thích Chân Quang có phải vì tự nhận là cháu ruột Hồ Chí Minh nên "bất khả xâm phạm" ?
Chánh Thành
Nguồn : VNTB, 02/06/2024
Tham khảo :
***************************
Đoàn theo Sư Minh Tuệ còn được tự do bao lâu ?
RFA, 01/06/2024
Sư Minh Tuệ đang được rất nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước ngưỡng mộ.Số lượng người tìm đến ông xin đi theo để tu học, xuống tóc ngày một nhiều hơn, nhất là sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm 16/5 ra văn bản khẳng định sư Minh Tuệ "không phải là tu sĩ Phật giáo", không tu tập hay là nhân sự của bất cứ chùa nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sư Thích Minh Tuệ được người dân vây quanh. Screenshot of 4K Watching
"Cái đó một phần cũng xem như là thành quả về tu hành của ông ta. Nó đã trở thành một hương thơm duy nhất bay ngược gió, là cái đạo hạnh của một người tu hành nghiêm chỉnh", ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường đại học Phật giáo ở Paris nói với Đài Á Châu Tự do về đoàn du tăng đang trên đường bộ hành từ Bắc vào Nam.
Việc hàng chục Youtuber tụ tập theo đoàn của sư Minh Tuệ để quay video, phát trực tiếp, phỏng vấn các sư, bình luận... và hàng ngàn Phật tử ở mỗi địa phương tập trung lại để đảnh lễ hay chỉ đơn giản là nhìn sư Minh Tuệ đi qua đã khiến giao thông một số nơi rơi vào tình trạng hỗn loạn, mặc dù công an và cảnh sát giao thông có mặt để phân luồng, điều tiết.
Vì sao chính quyền vẫn để hiện tượng sư Minh Tuệ ?
Cụm từ "Sư Minh Tuệ" trên Google trending (xu hướng tìm kiếm trên Google) luôn nằm trong nhóm tìm kiếm thịnh hành của Google suốt hơn một tháng qua trùng với những thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Chỉ có khoảng 2000 lượt tìm kiếm chủ đề "Minh Tuệ" trong ngày 30/4 và tăng vọt cho đến ngày 30/5 thì đã có khoảng 100 ngàn lượt tìm kiếm trên các trang web trên toàn cầu.
Nếu nhìn các hiện tượng thời gian qua nổi lên một cách nhanh chóng rồi bị chính quyền ra tay dẹp bỏ như : "5 chú tiểu Thiền am Bên bờ Vũ trụ", hay nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng hồi năm 2021 phát trực tiếp mỗi buổi lên đến hàng trăm ngàn người xem cùng lúc để bóc phốt giới giải trí, đặt nghi vấn về những khoản thu chi từ thiện không minh bạch... người ta sẽ đặt câu hỏi về việc đến khi nào chính quyền sẽ "xuống tay".
Việc sư Minh Tuệ tu theo 13 Hạnh đầu đà như mỗi ngày chỉ ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường... đã khiến nhiều Phật tử soi lại những phát ngôn gây phẫn nộ trong thời gian qua của một vị giảng sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam về luật nhân quả như : "đi du lịch nhiều sau này sẽ bị liệt", "hát karaoke chết thành ma câm", hay "cúng đất, cúng nhà cho chùa sau này con cháu sẽ giàu sang".
Người dân nhanh chóng nhìn ra mặt trái của những pháp môn tu hành hiện nay của một số nhà chùa quốc doanh không đưa người ta đến con đường giải thoát mọi sự khổ đau.
Trái ngược với hình ảnh khổ hạnh của sư Minh Tuệ là các sư thầy trắng trẻo với chùa to, Phật lớn, đeo đồng hồ hàng hiệu, đi xe hơi sang trọng, và lúc nào cũng khuyến khích các Phật tử phải cúng dường.
Một đại đức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tu tập ở một ngôi chùa ở phía Nam, nói với RFA rằng trong nội bộ của Giáo hội có những công văn để hướng dẫn các trụ trì hay chức sắc tôn giáo về cách ứng xử với hiện tượng sư Thích Minh Tuệ và mọi tăng ni thuộc giáo hội buộc phải tuân thủ. Ông nói trong điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề :
"Theo thầy, vào thời điểm này nếu bất kỳ thầy nào mà đưa các clip lên khen thầy Minh Tuệ, khen cách tu hành đấy thì sẽ có gặp vấn đề. Nếu mà nhẹ thì sẽ bị bắt lên sám hối để xóa bài, còn nếu nặng thì có thể bị trục xuất luôn, vì nó sai với tôn chỉ của tổ chức là Giáo hội".
Ngày 18/5, Thượng tọa Thích Minh Đạo, Trụ trì Tu viện Minh Đạo tại Bà Rịa -Vũng Tàu, bị Giáo hội Phật giáo địa phương kiểm điểm bằng cách quỳ sám hối sau khi ông đăng video khen ngợi hạnh tu của sư Minh Tuệ. Chính thầy Minh Đạo sau đó cũng tự xin ra khỏi giáo hội.
Vị đại đức này đánh giá rằng có thể đang có sự thả lỏng của phía Nhà nước trong vụ việc lần này của sư Minh Tuệ để dẫn đến cao trào chỉ trích Giáo hội Phật giáo Việt Nam như hiện nay, mặc dù cũng có các công văn, các vụ xử lý nhỏ lẻ.
"Bởi vì Phật giáo luôn luôn nghĩ mình có mối quan hệ thân thiết với công an, với tất cả các cơ quan ban ngành trong nước. Phương diện các TikToker hay YouTuber đăng tải những thông tin để dư luận chỉ trích giáo hội thì họ có thể đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo luật an ninh mạng nhưng cho đến giờ này vẫn chưa... thì có nghĩa là chính quyền họ chưa muốn làm và muốn hạ Phật giáo xuống cho các anh bớt 'ảo tưởng sức mạnh' đi để dễ quản lý".
Ông Thành Đỗ từ Pháp cũng đồng ý với nhận định này, ông cho rằng dường như Nhà nước muốn sử dụng sự kiện này để khỏa lấp những sự kiện ở thượng tầng của Đảng và Nhà nước đang rối ren, nội bộ đấu đá nhau trước bàn dân thiên hạ.
"Việc người dân hướng hết tầm nhìn của họ vào hiện tượng sư Minh Tuệ làm cho Nhà nước giải tỏa được áp lực về cái nhìn của người dân đối với bộ máy Đảng và Nhà nước.
Chính vì lý do đó có vẻ như họ cũng có một phần nào đó lợi dụng sự kiện này để đánh lạc hướng dư luận", nhà nghiên cứu Phật giáo khẳng định.
Chỉ trong một thời gian ngắn ba lãnh đạo của Nhà nước, Quốc hội, và Đảng cộng sản Việt Nam phải từ chức vì dính sai phạm, khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoang mang và đặt câu hỏi về tính ổn định chính trị của Việt Nam để quyết định có nên mở rộng đầu tư hay không.
Thế nhưng các sự kiện đó dường như không thu hút người dân bằng bước chân chánh niệm của sư Minh Tuệ. Lý do vì "hữu xạ tự nhiên hương" của một bậc chân tu hay vì định hướng dư luận của chính quyền thì thời gian mới có thể trả lời được.
Tuy nhiên nói như vị đại đức thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, "Ở nước Mỹ sáu tháng nữa mới bầu cử mà bây giờ người ta đã tranh cãi um sùm rồi, trong khi ở Việt Nam tình hình nó rất bình thường không ai quan tâm để ý. Người ta chỉ đang bận quan tâm đến một ông bận đồ rách đi ngoài đường thôi !"
Nguồn : RFA, 01/06/2024
Nhưng đằng sau bản tin ngắn gọn trên là một sự kiện rất đáng chú ý : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập năm 1964 ở Sài Gòn, vẫn đang tiếp tục hoạt động khắp thế giới, kể cả ở trong nước...
Hòa thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác tại Hannover, trao tặng 24 tập Thanh Văn Tạng cho Học viện Á Phi thuộc Đại học Hamburg. (Hình : Văn
Tin tức từ nước Đức cho biết Hòa thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác tại Hannover, đã trao tặng 24 tậpThanh Văn Tạng cho Học viện Á Phi thuộc Đại học Hamburg. Báo chí tiếng Việt ở các nước khác coi đây chỉ là một "tin địa phương", truyền thông chính thức ở trong nước không loan tin.
Nhưng đằng sau bản tin ngắn gọn trên là một sự kiện rất đáng chú ý : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập năm 1964 ở Sài Gòn, vẫn đang tiếp tục hoạt động khắp thế giới, kể cả ở trong nước – mặc dù sau năm 1975 đã bị Đảng cộng sản cấm đoán, các tăng, ni bị bắt giam và đầy ải, nhiều người phải sống lưu vong ở nước ngoài !
Bô Thanh Văn Tạng bằng tiếng Việt Tạng, gồm 29 tập ; trong đó có 16 tập thuộc Kinh tạng A-hàm, 6 tập thuộc Luật tạng, 5 tập Luận tạng, và hai kinh khác - Hình : Văn Công Tuấn
Ấn loát và truyền bá 29 cuốn Thanh Văn Tạng trong Đại Tạng Kinh là tiếp tục một công trình bắt đầu từ năm 1973, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng. Một nửa thế kỷ sau, công việc in ấn và phân phối kinh điển tiếp tục, với nỗ lực cộng tác của tăng ni và Phật tử ở nhiều quốc gia, từ Việt Nam qua Châu Âu và nước Mỹ.
Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng kinh điển lâm thời do chính Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, từng ở chùa Già Lam, Sài Gòn, chủ trì và lãnh đạo.Hòa thượng Thích Nguyên Siêu ở San Diego, California, là Hội trưởng Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam (Việt Nam Tripitaka Foundation) ; Hòa thượng Thích Như Điển ở Hannover, nước Đức, là Chánh Thư ký của Hội đồng.
Đây là một công trình lịch sử, kể từ khi Phật giáo được truyền vào nước ta, với những Phật tử như An Tiêm, Chử Đồng Tử còn được nhắc tên qua các truyền thuyết đời Hùng Vương. Sau khi bị quân ta đánh ba lần, vua nhà Nguyên đã gửi tặng một bản Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán khi Trần Nhân Tông vẫn xin giảng hòa và "xưng thần". Bản kinh này chắc không đầy đủ như ấn bản do Thiên hoàng Đại Chánh(Taisho) cho thực hiện trong những năm 1924 đến 1934. Đầu thế kỷ 20 người Việt Nam không còn sử dụng chữ Hán, các kinh được dịch ra chữ quốc ngữ, như các bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh từ chữ Hán, và của Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ chữ Pali (Phạn), được phổ biến rộng rãi. Hiện nay, các công trình phiên dịch trong một thế kỷ qua được góp lại và tăng bổ thêm, bắt đầu với bộThanh Văn Tạng bằng tiếng Việt.
BộThanh Văn Tạng gồm 29 tập mới ấn hành đòi hỏi việcnghiên cứu và chú giải công phu. Vì Tam Tạng kinh điển đạo Phật đã được phiên dịch nhiều lần, qua nhiều ngôn ngữ, truyền tụng và tu tập trong gần 25 thế kỷ. Tam Tạng nghĩa là Ba Kho báu, ba bộ phận chính gồm Kinh, Luật và Luận. Một trăm ngày sau khi Phật lìa đời, 500 đệ tử trình độ giác ngộ cao nhất đã tập họp, nhắc lại các lời Phật đã nói (Kinh), các quy tắc hành sử (Luật). Người nhớ kinh nhiều nhất là Thầy Ananda (A Nan). Người thuộc các giới luật nhất là Thầy Upali (Ưu Bà Li), ông nhớ rõ cả những sự kiện xảy ra đưa tới việc thảo luận và quyết định các quy tắc sống chung.
Kinh ghi lại những lời do chính Đức Phật nói, tùy theo căn cơ, nhu cầu, trình độ của thính chúng trong mỗi lần tập hợp. Những người theo học Phật gọi là các hành giả, những người đến nghe để thực tập. Mỗi lần, Đức Thích Ca thường nói trọn vẹn về một đề tài ; chú trọng đến việc tu tập, hành trì hơn là lý thuyết, dù đề cập tới những tuệ giác sâu xa.
Luật gồm những quy tắc hành trì, được đặt ra do kinh nghiệm trong cuộc sống tăng đoàn đầu tiên xuất gia theo Đức Phật. Mỗi lần có ai bị nghi ngờ là hành động không thích đáng, tăng đoàn lại thảo luận, đặt ra các quy tắc mới, những quy tắc đó là giới luật bảo vệ "uy nghi". Phần thứ ba, Luận, gồm những bản tóm tắt, xếp đặt theo đề mục và giải thích những lời Phật dạy, do công trình các đệ tử của Phật và các luận sư trong nhiều đời sau.
Hiện nay các kho kinh tạng Phật giáo thế giới được gìn giữ trong ba ngôn ngữ chính. Tạng chữ Pali của Phật giáo Nam Truyền, còn gọi là Theravada hay Nguyên thủy. Các nước Bắc Tông, cũng gọi là Đại Thừa, dùng bản dịch chữ Hán. Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ có bản dịch chữ Kanjur hoặc Tenjur. Phần lớn các bản chữ Pali, đã được dịch sang tiếng Anh. Các bản chữ Hán trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm 55 bộ, mỗi bộ hàng ngàn trang chữ Hán. Các truyền bản chữ Tây Tạng gồm hơn 300 bộ. Hầu hết các kinh bản trong ba kho ngôn ngữ đều giống nhau trong ý nghĩa chính.
Về nội dung, các kinh điển có thể phân chia thành ba kho tàng chính, tùy theo mục tiêu : Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng và Mật Tạng. Trong việc hành trì, Phật giáo Nam Truyền ở Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào Campuchia, Việt Nam, chú trọng đến mục tiêu giác ngộ của hàng Thanh Văn, cao nhất là A La Hán. Phật giáo Bắc Truyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Đài Loan, Hàn Quốc đề cao con đường tu tập của các vị Bồ Tát. Mật Tạng được thực tập nhiều nhất, dù không phải duy nhất, trong Phật giáo Tây Tạng.
Ba bộ phái Phật giáo thật ra không phân cách, không đối nghịch với nhau, như trong các tôn giáo khác. Ngay từ hai ngàn năm trước, trong các tự viện theo phái Theravada vẫn có những vị tu học các hạnh nguyện của Bồ Tát. Các vị sư người Trung Hoa như Huyền Trang (thế kỷ thứ 7), Nghĩa Tịnh (thế kỷ thứ 8), đều kể lại sự kiện này ở khắp nơi đã đi qua, trong lục địa Ấn Độ hay Afghanistan và Pakistan bây giờ. Dù có nhiều tông phái Phật giáo, nhưng dù ở phương Nam hay phương Bắc, tất cả đều thọ trì các giới luật giống nhau. Cả ba dòng Phật giáo trên đều đang phát triển tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Hiện nay 53 phần trăm những người theo Phật giáo ở các nước Bắc Tông, 36% thuộc phái Theravada và 6% theo học Kim Cang Thừa, Tây Tạng.
Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam mới ấn hành trong giai đoạn đầu phiên dịch Phần I là Thanh Văn Tạng, gồm 29 tập ; trong đó có 16 tập thuộc Kinh tạng A-hàm, 6 tập thuộc Luật tạng, 5 tập Luận tạng, và 2 kinh khác. Các học giả thực hiện Đại Tạng Kinh Việt Nam đã sử dụng bản chữ Hán làm gốc, đối chiếu với các bản chữ Phạn, chữ Pali và Tây Tạng để hiệu đính cho chính xác. Hòa thượngThích Tuệ Sỹ soạn thêm 5 Tổng mục, tóm tắt nội dung, liệt kê mục lục và thư mục đối chiếu, so sánh các từ vựng Phạn-Hán, Pali-Việt-Hán.
Ngày 21/5/2023 Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, San Diego, hội trưởng Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đã ra Thông báo cho biết 1.000 bộ Thanh Văn Tạng đã được chuyển từ kho nhà in ở Thái Lan tới các địa điểm tại Hoa Kỳ 330 bộ, Châu Âu 320 bộ, Châu Úc 200 bộ, Canada 100 bộ. Ước tính chi phí ấn hành và vận chuyển một bộ 29 tập khởi đầu là 250 USD.
Ngày 3/6, Phương trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Hòa thượng Thích Như Điển, cùng khoảng 50 vị tăng ni và 400 Phật tử đã cung thỉnh Thanh Văn Tạng chuyển về đến chùa. Ngày 11/6, cùng một số tăng ni và cư sĩ đã họp mặt tại Viện Phật học ứng dụng Châu Âu (EIAB) cùng vị Viện trưởng Chân Pháp Ấn đón nhận bộ Thanh Văn Tạng do Hòa thượng Thích Như Điển gửi tặng. Ngày hôm sau, 10 bộ Thanh Văn Tạng được đưa tới Chùa Việt Nam ở Kanagawa, Nhật Bản ; sau đó sẽ lần lượt cúng dường các chùa của người Việt và các trường Đại Học có chuyên khoa Phật học tại Nhật Bản. Các chùa ở Đài Loan cũng nhận được quà tặngThanh Văn Tạng mới ấn hành để các Phật tử người Việt thêm cơ hội học hỏi.
Bản tin Hoằng Pháp ngày 12/7/2023 cho biết bản Thanh Văn Tạng đã được chuyển tới Sri Lanka (Tích Lan), trao cho Thượng toạ M. Dhammajothi, Giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Cao học Phật học và Pali của trường Đại học Kelaniya (PGIPBS) ; sau đến lượt các học viện tương tự thuộc Đại học Peradeniya và Đại học Phật giáo và Pali (BPU).
Một tin tức đặc biệt nhất, theo bản tin Hoằng Pháp của Hội đồng Hoằng pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày 15/5, các Đại đức Thích Chúc Hiếu và Thích Tâm Luân đã cung thỉnh Thanh Văn Tạng tại Văn phòng Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai. Ngoài ra, có người ở trong nước đã "in lậu" bộ Thanh Văn Tạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà không xin phép ! Theo thông báo ngày 21/5/2023 của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, ấn bản lậu này chỉ có 28 cuốn, thay vì đủ 29 cuốn. Trên trang bìa trước và trang lót, người in trái phép đã xóa bỏ những hàng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" và "Hội đồng Hoằng pháp".
Trong buổi ra mắt bộ Thanh Văn Tạng mới ấn hành ở Quận Cam, miền Nam California, một Phật tử đã xin đóng góp cho các chi phí cho các công trình in ấn tiếp tục trong tương lai.Trong kế hoạch tương lai sẽ còn có khoảng 220 tập được phiên dịch trong vòng 10 năm tới, do Hội Việt Nam Tripitaka Foundation, California thực hiện.
Những tin tức trên đây, với đầy đủ hình ảnh kèm theo, cho thấyGiáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn hoạt động, ở khắp thế giới cũng như ở trong nước. Đối với người Việt Nam theo đạo Phật, đây là điều rất đáng phấn khởi.
Đất đai tôn giáo và quyền tự do tôn giáo nhìn từ vụ phá chùa Thiên Quang
Hà Nguyên, VNTB, 20/11/2022
Tin tức cho biết, liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11/2022, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.
Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.
Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.
Vị trụ trì chùa Thiên Quang đưa ra cáo buộc như sau : "Và bản thân tôi ở chùa Thiên Quang 20 năm qua hành đạo cũng vô vàn khó khăn. Vậy là cho thấy, những ngôi chùa độc lập họ tìm mọi cách để bách hại. Thật là đau xót, tệ nạn xã hội, đạo đức suy suyễn, nghèo đói người dân không có hạnh phúc thì hỏi Phật giáo suy hay thịnh.
Nhớ ! Đức đệ tứ Tăng Thống nói :
"Đạo pháp không thể nở hoa trên giang sơn nô lệ.
Dân tộc không thể hạnh phúc dưới sự áp bức đói nghèo".
Có thể là chùa Thiên Quang được xây dựng nhưng không tuân thủ các yêu cầu về thủ tục hành chính. Tuy nhiên lưu ý là đây phần tài sản bị tháo dỡ là sở hữu hợp pháp, và được pháp luật bảo hộ về quyền dân sự của chùa Thiên Quang.
Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 180 "Chiếm hữu ngay tình", ghi : "Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu" ; Điều 236 "Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật", ghi : "Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Tính đến hiện tại, với những gì đang diễn ra cho thấy đất đai nơi có chùa Thiên Quang là không có sự tranh chấp về quyền sở hữu, và pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không có điều khoản nào buộc một ngôi chùa, tự viện phải thuộc tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lưu ý, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người ; trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 16 của Hiến pháp nêu rõ : "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Điều 24 khẳng định : "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".
Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Như vậy khi đã tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì việc xây cất chùa, tu viện cần được tạo điều kiện về thủ tục hành chính. Tài sản của chùa, tự viện còn là sở hữu hợp pháp được pháp luật dân sự bảo hộ.
Từ góc nhìn trên cho thấy hành vi tháo dỡ một phần động sản thuộc khuôn viên chùa Thiên Quang nêu trên là dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý của người dân dành cho Đảng Cộng sản.
Hà Nguyên
Nguồn : VNTB, 20/11/2022
*************************
Đau thương Thiên Quang Tự
Thục Đoan, VNTB, 18/11/2022
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao
Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ
Ðường âm u nối lại mấy tiền thân
Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn
Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn
Tuệ Sỹ
Ngày 10/11/2022, Chủ tịch xã Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Vũng Tàu dẫn người phá cổng rào, cho xe cần cẩu chạy nát sân chùa, tháo rỡ, lôi khung nhà khách đang sửa lại bằng gỗ lũa xuống, gây cảnh tan hoang chùa Thiên Quang.
Chùa Thiên Quang trước là chùa Sơn Linh xây dựng kiên cố năm 2009. Nhân thày Trụ trì Thích Đồng Quang đi chữa bệnh, chính quyền vào triệt phá hoàn toàn. Vì sót thương thánh địa thờ Phật này, Đại Đức Thích Thiên Thuận mua lại và giao cho đệ tử trẻ có nơi tu tập, hoành dương Phật pháp, thực hành chí nguyện, nhưng tăng chúng đã gặp không ít khó khăn từ phía chính quyền. Ngay cả những việc nhỏ như sửa, dựng một căn nhà diện tích 90m vuông, vách ván, lợp tôn che mưa che nắng, dù là có làm đơn xin, cũng không được chấp thuận.
Nơi bị giật sập ngày 10/11, trước kia bằng tre nứa, đã hai năm qua rách nát. Nhà chùa dựng lại bằng những cây gỗ lũa, lõi, dùng làm cọc cho tiêu leo, tiêu chết, nhà chùa mua về dựng nhà uống trà, tiếp khách.
Người do chánh quyền dẫn đến đang phá dỡ công trình xây dựng trong chùa
Dù không có trụ trì là chủ ở nhà, một nhân viên chính quyền đứng giữa sân đọc quyết định gì đó, không ai nghe được ông ta nói gì. Đọc xong, người này cũng không tìm người để giao hay cho xem giấy tờ. Trong khi ông này đang đọc, ông chủ tịch xã đã lời qua tiếng lại với một sa di và xưng mày tao. Khi bị hỏi tại sao nhân viên chính quyền lại mày tao với dân, ông này lảng đi, lấy tay xoa đầu bảo tao già rồi mày tao với chúng mày không được sao. Lúc nhiều người trèo lên phá dỡ khung cây dựng nhà uống trà, hàng chục người có dáng chỉ huy đã kéo ghế ngồi nơi dành riêng cho các tu sĩ, nhiều người mang dép lê vào chánh điện, không tôn trọng sự trang nghiêm thờ phượng, cố tình coi thường sự thanh tịnh Phật giáo.
Năm 2018, huyện Xuyên Mộc yêu cầu chùa cho họ đào mương dẫn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ngang chùa, tuy nhiên sự việc phải đình lại vì có sự "thăm viếng" chùa của các nhân viên hai tòa lãnh sự Hoa Kỳ và Đức.
Năm 2019, nhà cầm quyền địa phương đã vào chùa, tịch thu toàn bộ đồ nghề thợ nề, bao gồm máy trộn ciment và tất cả công cụ lao động khác của người thợ nghèo khi đang làm công quả cho chùa (anh là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, được thuê với tiền công tượng trưng, xây một mô hình Đài Lục Hòa nhỏ, mô phỏng theo phiên bản Đài Lục Hòa tại Trại Trường của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên đồi thông cạnh Hồ Than Thở Đà Lạt vốn đã bị chính quyền cộng sản tịch thu, mất trắng sau tháng 4 năm 1975 – dù khu đất này có giấy tờ sở hữu bất động sản hợp pháp – và bao lâu nay nhà cầm quyền tỉnh Lâm Đồng đưa vào kinh doanh dưới tên gọi là Khu du lịch Đồi Phật Bà). Vốn có bệnh sẵn, vụ bị lấy hết đồ nghề không xin lại được, không còn phương tiện lao động nuôi sống gia đinh, lại vào dịp cận Tết Nguyên Đán, anh đâm ra chán nản, thất vọng, mất lòng tin, xuống tinh thần, sức khoẻ suy sụp khiến bệnh trở nặng và mạng vong chỉ vài tháng sau đó – vào tháng 3/2019 – trong căn nhà cấp 4 nhỏ ở một xóm ấp gần bìa rẫy.
Ngẩn ngơ chú tiểu nhỏ
Chùa Thiên Quang, một trong nhiều ngôi chùa vẫn kiên định sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từ một am nhỏ dựng nên năm 2000, dù bị chính quyền xã Hòa Bình làm khó dễ, đập phá, tăng chúng và phật tử vẫn kiên nhẫn xây dựng khang trang, xứng đáng phụng-hiến Phật và chúng sanh. Chùa nổi tiếng với các pho tượng Phật, Bồ Tát bằng gỗ quý, có phong cảnh hữu tình nhuốm đậm mùi thiền môn, với dòng thác uốn quanh, như rồng xanh cuộn mình dưới chân Phật. Mới đầu là một tịnh cốc bằng tranh tre mây lá bé xíu khiêm nhường trên mảnh đất hoang hóa và rừng rẩy không mấy ai để ý, nay vô tình lạc vào khu vực quy hoạch được xem có tiềm năng "làm du lịch rừng-thác" của địa phương.
Những người rõ chuyện cho biết chính quyền quyết tâm làm khó, sáp nhập bằng được chùa Thiên Quang vào giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cánh tay của chính quyền vô thần cộng sản, và rồi trở thành phụ thuộc vào họ, làm tăng thu nhập cho khu vui chơi, du lịch, giải trí. Nếu thày trụ trì khong theo họ, họ sẽ ra tay triệt tiêu chùa.
Thượng tọa trụ trì viết trên trang facebook của chùa :
"Tôi mới đi Phật sự hai hôm mà chính quyền đã lập kế vô tháo nhà khách đang làm dang dở.
Mong quý vị bình yên nhé, cái gì cũng từ từ đâu còn đó vội làm chi.
Muốn tháo thì cứ tháo, muốn đập thì cứ đập, phá …. Phá chưa đủ thì cứ phá, Đạo pháp dân tộc muôn đời, Đạo Phật tử bi – Tôi rất thương quý vị, mong quý vị tháo, đập phá an toàn.
Nam mô a di đà Phật".
Sơ Huyền
Tác giả : Tuệ Sỹ
Tang thương một giãi tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu
Một kiếp sống, một đoạn đường lay lắt
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao
Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ
Ðường âm u nối lại mấy tiền thân
Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn
Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn
Thục Đoan
Nguồn : VNTB, 18/11/2022
Liệu Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất có được nhà nước Việt Nam nhìn nhận ?
Ngọc Lan, VNTB, 05/09/2022
Nếu căn cứ vào Hiến pháp và Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì về nguyên tắc, Nhà nước Việt Nam phải nhìn nhận tổ chức tôn giáo có tên là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất.
Tổ chức tôn giáo không chịu sự định hướng ý thức hệ
Ngày 1/9/2022, trên trang web Hội đồng Hoằng Pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ở chuyên mục "Thông tri – Điều hành", có phát hành thông tri "Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Viện Tăng Thống trân trọng công bố" (*), trong đó có đoạn rất đáng quan tâm khi đặt trong bối cảnh chính trị đơn nguyên ở Việt Nam :
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào ; duy chỉ một định hướng duy nhất : Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn ; một cứu cánh duy nhất là giải thoát.
Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết".
Nội dung trên cho thấy có sự khác biệt rất rõ khi so với tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại đã lựa chọn phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" để định hướng cho mọi hoạt động của mình.
Ngoài ra còn có điểm khác biệt nữa, là nếu như tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất nhấn mạnh, "Các thành viên trong hàng giáo phẩm không là thành viên của bất cứ tổ chức, đoàn thể thế tục nào. Cộng đồng đệ tử Phật duy nhất là cộng đồng Bốn Chúng, được thiết lập bởi Đức Thích Tôn bằng Pháp và Luật thiện thuyết", thì với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện không chỉ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng là thành viên chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp địa phương, nơi có tổ chức Tỉnh hội/ Thành hội của Hội Phật giáo Việt Nam.
Vì sao cần phải có "Chủ nghĩa xã hội"
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam có biện giải như sau về phương châm "Chủ nghĩa xã hội" được đặt sau cùng so với "Đạo pháp – Dân tộc", trích :
"Đặt mệnh đề này trong phương châm hoạt động của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam một lần nữa muốn khẳng định, tinh thần ‘nhập thế", "khế lý khế cơ" luôn luôn được theo đuổi và thực hiện một cách triệt để của mình. Đó là, không chỉ luôn đồng hành, gắn bó, mà Phật giáo luôn luôn kề vai sát cánh với dân tộc, với nhân dân trong bất kể thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước, miễn là làm cho nhân dân được sống trong hòa bình và an lạc, quốc thái dân an (dân giàu nước mạnh).
Hơn nữa, những mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa với không hề xa lạ hay đối lập với mục tiêu xây dựng cõi Cực lạc ở nhân gian của Đạo Phật.
Vấn đề ở đây phải trên tinh thần "vô úy vô ngại", tìm ra và vận dụng những pháp môn thiện xảo thích hợp, trong muôn vàn pháp môn, để thực hiện cho được mục tiêu.
Như vậy, phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra có 3 thành tố, những thành tố ấy đã hòa quyện, gắn bó với nhau để tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời. Đó là sự kết hợp hài hòa lợi ích giữa tôn giáo (Phật giáo) với lợi ích của dân tộc, của nhân dân Việt Nam" (dừng trích).
Với cách nhìn nhận vấn đề trên nên hoàn toàn không ngạc nhiên khi đại diện chính phủ đã có lời tán dương tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017- 2022, về việc Phật giáo Việt Nam đã làm tốt yêu cầu của Nghị quyết Đảng – trích (**) :
"Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, cùng với toàn Đảng và toàn dân, tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ với những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giúp đỡ người già cả, neo đơn, trẻ tàn tật, mồ côi, người khó khăn… thực hiện các chương trình tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ…".
Ý thức hệ chính trị là quyền lực thế tục
Với tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, đưa ra lời biện giải về chuyện "không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào", như sau – trích :
"Cộng đồng bốn chúng đệ tử Phật, trong hiện tại, hành đạo và hoằng đạo giữa các cộng đồng dân tộc trong một thế giới đang bị bao phủ trong hận thù, nghi kỵ, điên đảo tranh chấp quyền lực, danh vọng, lợi dưỡng.
Trong một thế giới đảo điên, với sự phổ biến chóng mặt của các phương tiện truyền thông toàn cầu ; xoay vần giữa những nhiễu loạn thông tin, trí ngu đồng đẳng, thực giả khó phân, chánh kiến tà kiến không phân biệt, Phật thuyết, ma thuyết đồng giá.
Và, trong một đất nước trải qua 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, dù được biện minh hay lý giải bằng bất cứ lý luận gì : vì một xã hội tiến bộ được định hướng theo ý thức hệ gì, duy tâm, duy vật hay duy linh các thứ, thì thực tế không thể phủ nhận đối với ai còn đủ lương tri để nhìn lại lịch sử dân tộc, hòa bình và thống nhất đã đẩy dân tộc dấn sâu vào hận thù, nghi kỵ kéo dài trên nửa thế kỷ vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu.
Trong một thế giới như vậy, một đất nước như vậy, chúng đệ tử Phật, trực tiếp hoặc gián tiếp, có ý thức hay không ý thức, dễ bị cuốn hút trong vòng xoáy của danh vọng và lợi dưỡng, đã minh giải những giá trị chân thật được tác thành bởi Minh và Hành xuất thế bằng những giá trị thế tục ; từ nơi đó khoét sâu và làm vỡ cộng đồng hòa hiệp mà đức Thích Tôn đã thiết lập bằng Pháp và Luật thiện thuyết".
Như vậy, từ cách nhìn có phần khác nhau về thế sự, song nếu căn cứ về quyền hiến định và Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện tại, thì tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất không có vi phạm gì để nhà nước Việt Nam hạn chế quyền tôn giáo của tổ chức hiệp hội không thế tục này.
Ngọc Lan
Nguồn : VNTB, 05/09/2022
Chú thích :
(*)https://hoangphap.org/hoi-dong-giao-pham-trung-uong-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-vien-tang-thong-tran-trong-cong-bo/
(**)https://baochinhphu.vn/print/phat-giao-viet-nam-kien-dinh-ly-tuong-dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-102230593.htm
**********************
Vì sao Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bước ra nhận Phật sự, lại được ủng hộ ?
Tuấn Khanh, RFA, 04/09/022
Trong ngày cuối tháng 8/2022, ở Việt Nam xôn xao tin tức về sự ra mắt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chính thức vào chức vụ Chánh Thư ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Bậc minh sư lâu nay ẩn danh đột nhiên xuất hiện ở lễ nhận di chúc, ấn tín, và khai ấn từ Đệ ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ khiến những người yêu Phật giáo chân chính và tự do của Việt Nam đều vui mừng.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống - Hoằng Pháp
Tuy nhiên, có không ít người nhầm lẫn vị trí hiện nay của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một Tăng thống mới, tức vị trí của người lãnh đạo toàn diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Trên thực tế, khi phụng thừa ủy thác tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào năm 2020, ngài Tuệ Sỹ đã thông báo rằng sau giai đoạn sắp xếp lại nhân sự, nội bộ lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khi "điều kiện thuận duyên", ngài cùng Giáo hội sẽ tổ chức đại hội để suy cử Đệ Lục Tăng Thống, người lãnh đạo tối cao tiếp nối của Giáo hội. Hiện tại, nói nôm na, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ có vai trò như quyền tổng quản.
Bất kỳ ai theo dõi tiến trình tồn tại và tranh đấu cho sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ sau năm 1975 đến nay, đều hiểu rõ cụm từ "điều kiện thuận duyên" là như thế nào. Ngay cả việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ làm lễ nhận chức vụ Chánh Thư Ký - Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống và lễ nhận Di chúc, ấn tín, và khai ấn… cũng đã phải lặng lẽ thực hiện, và chỉ công bố sau một tuần. Mục đích của sự lặng lẽ và bất ngờ, thông báo trễ, cũng chỉ để tránh những sự quấy phá rất quen thuộc từ bao nhiêu năm nay.
Trong giai đoạn đau yếu cuối đời, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra được sự rối loạn trong nội bộ bởi nhiều nhánh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang có những chủ trương khác nhau. Trong đó có hai nhánh chính khiến nội bộ bất đồng : Một là dùng mượn nhân lực Giáo hội để chuyên đấu tranh chính trị ; Hai là muốn thỏa hiệp với chính quyền, thông qua một số nhân vật trong nội bộ đã suy đồi. Lợi dụng lúc Hòa thượng Thích Quảng Độ đau yếu, những nhân vật muốn thao túng nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã làm giả những Giáo chỉ, phát đi, gây mâu thuẫn không ít trong các các vị lãnh đạo của Hội đồng Giáo phẩm trong và ngoài nước.
Thoạt đầu, tâm nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Độ là trao quyền Đệ Lục Tăng thống cho ngài Tuệ Sỹ, nhưng vì muốn mọi chuyện minh bạch và tạo sự đoàn kết nội bộ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã xin chỉ nhận quyền tạm thừa hành, để chờ thời điểm bầu chọn Đệ Lục Tăng Thống mới.
Sự ra đi của Hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2/2020, đã tạo ra một một loạt các cơn sóng ngầm. Phía những người muốn thủ tiêu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã coi đây là cơ hội để dứt điểm cái gai trong mắt. Trong tang lễ của Hòa thượng Thích Quảng Độ, người ta chứng kiến các sư của phía Nhà nước tìm cách cướp tro cốt của ngài, đem về chùa của Nhà nước lưu giữ và thờ, như một thủ đoạn nhằm thống nhất toàn bộ Phật giáo Việt Nam trong vòng tay của thế quyền. Ngay sau đó, cũng đã có một cuộc bầu chọn chớp nhoáng Đệ Lục Tăng Thống diễn ra tại Bình Định, nhằm cướp quyền lãnh đạo. May thay, dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị dày vò từ muôn hướng nhưng quý thầy và đệ tử vẫn giữ được sự kiên định trung thành theo Di chúc. Mọi âm mưu ấy, đã mau chóng tàn phai. Nói về những sự bất thường đó, Hòa thượng Thích Không Tánh từng tóm tắt bằng câu nói "Chính quyền muốn quốc doanh hóa đám tang của Hòa thượng Thích Quảng Độ".
Phải kể lại như vậy, mới thấy rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dù bị bôi xóa, phủ nhận như thế nào, nhưng khi người lãnh đạo cao nhất của Giáo hội viên tịch, hầu hết các tờ báo lớn của nhà nước vẫn nhận được lệnh hối hả lên các bài viết mạ lị và bôi nhọ như để tự trấn an nhau. Điều đó cũng dễ hiểu, vì bởi trong lễ tang, ngoài các sư thầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quy tụ về, còn có không ít các sư thầy ở các chùa mang bảng hiệu Giáo hội nhà nước lập nên, lặng lẽ đến cung kính lễ bái.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận trọng trách trong bối cảnh đó.
Có một câu hỏi được đặt ra với những người kính trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Giáo hội Phật giáo tự do và chính danh của Việt Nam trước 1975 - đã bị Nhà nước đẩy ra như là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật, thì sự có mặt của thầy Thích Tuệ Sỹ có thể làm được gì ?
Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính là ngọn đuốc thắp sáng đức vô úy của những Phật tử và những người hướng Phật trong một thế giới chập choạng không còn rõ lằn ranh Ma-Phật. Nó là điểm tựa của tư duy Phật giáo trong lành trong thời pháp nạn. Ngài là hiện thân của tín ngưỡng, đạo pháp sống và chết vì quê hương và dân tộc. Ít nhất, ngài đang là điểm tựa của những người tỉnh thức.
Tháng 4/1975, dòng tiến quân của miền Bắc vào Nam để lại phía sau vô số thương bệnh binh, những người bệnh bình thường không còn người chăm sóc. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là người đứng ra tổ chức các tăng ni trong vùng ở lại để chăm sóc, cứu thương cho dân chúng đang kêu khóc. Nhiều người khuyên thầy phải đi lánh nạn ngay vì những tin tức dội về từ các vùng khác cho thấy các chùa và sư thầy đang gặp chuyện khó lường. Nhưng bài diễn văn ngắn của ngài đã chặn đứng mọi âu lo, ý thức trách nhiệm con dân Việt dội về "Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh".
Năm 1981, Nhà nước thành lập Giáo hội Phật giáo mới, nằm dưới quyền kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc và ra chiến dịch triệt hạ những nhân sĩ, tu sĩ Phật giáo có tinh thần phản kháng việc chính trị hóa tôn giáo này. Năm 1984, công an tổ chức chiến dịch, đồng loạt đột nhập Viện Phật học Vạn Hạnh và chùa Già Lam, Sài Gòn. Hai nơi này chỗ trú ngụ của nhiều cao tăng và nhân sĩ Phật giáo lúc bây giờ. Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị bắt mang đi, lúc đó hai ngài đang dang dở công trình Bách khoa Phật học Đại Từ Điển. Tháng 4-1984, cả hai thầy bị kết án tử hình với lý do "tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ cộng sản". Phiên tòa không có luật sư và khán giả là công an. Mọi thứ là một dòng chảy dài, định mệnh, cay đắng như chính số phận của Việt Nam. Cuối cùng, với sự vận động của quốc tế, thì cả hai thầy được trả tự do, nhiều năm sau đó.
Cũng như những người Tây Tạng có một điều an ủi thầm kín và lớn lao, khi nhìn về sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại của mình. Có rất nhiều người Việt Nam cũng mang niềm kiêu hãnh trong trái tim đã chọn tín ngưỡng là tự do của mình, là cùng với hình ảnh của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Vượt lên những huấn dụ tầm thường, để biến con người trở thành mê muội của Phật Giáo Nhà nước hôm nay như sống chỉ để cúng dường, sống để dòm ngó, hãm hại người khác… Hòa thượng Thích Tuệ sỹ hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dẫn lối đến đạo pháp và dân tộc, bằng lẽ phải và sự thật, với uy vũ bất năng khuất "Sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia" (Thư gửi các Tăng sinh).
Với những đền đài ma chướng, lễ hội ngụy trá Phật hôm nay, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tỏa sáng những khác biệt, vượt lên khỏi những rền rĩ nhảy múa từ các chùa tháp : "Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại ; một đức tính dũng mãnh vô úy ; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng văn, tư, tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu ; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng" (Thư gửi các Tăng sinh).
Chưa lúc nào như lúc này, Phật giáo trong sự dẫn dắt của tăng ni, chùa tháp dưới quyền nhà nước không dắt tay chúng sinh đi vào cõi an nhiên, mà xô đẩy vào bóng tối, cạm bẫy và thao túng để phục vụ thế quyền. Sự có mặt của Hòa thượng Thích Tuệ sỹ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tựa như tiếng chuông để thức tỉnh, nhắc lại giá trị khôn cùng của người hướng Phật "Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của bất cứ xu hướng chính trị, của bất cứ tổ chức thế tục nào ; không hành đạo, hoằng đạo theo bất cứ định hướng ý thức hệ nào ; duy chỉ một định hướng duy nhất : Thập phương Bạc-già-phạm nhất lộ Niết-bàn môn ; một cứu cánh duy nhất là giải thoát" (Công bố tháng 9-2022 của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Viện Tăng Thống).
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 04/09/2022
**********************
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có lãnh đạo tối cao mới
RFA, 03/09/2022
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - giáo hội không được chính quyền Việt Nam thừa nhận - vừa có một Hội đồng trưởng lão mới và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được suy tôn làm Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống, chức vụ co nhất của Giáo hội vào lúc này.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất - Thầy Hạnh Viên
Theo thông cáo của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công bố hôm 1/9, một buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và suy cử Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống vừa được cử hành tại Chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sau khi lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Hòa thượng Thích Quảng Độ - đức Đệ ngũ Tăng Thống - qua đời vào ngày 22/02/2020, Giáo hội vẫn chưa có đức Tăng thống mới. Vì vậy, chức Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống hiện là chức vụ cao nhất của Giáo hội.
Vào ngày 25/11/2018, đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ đã có quyết định giải tán Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo và tạm ngưng các sinh hoạt của Viện Hóa Đạo trong khi chờ đợi Viện Tăng Thống triệu tập Đại hội bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để khôi phục và công cử nhân sự mới cho Viện Hóa Đạo.
Thông cáo mới của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thừa nhận những khó khăn, "thông tin nhiễu loạn, sự phân hóa nội bộ càng lúc càng trầm trọng" đã dẫn đến quyết định này của Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Theo Di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Độ, việc điều hành Viện Tăng Thống đã được ủy thác cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
"Bất cứ lúc nào, khi hội đủ điều kiện thuận duyên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thay mặt Viện Tăng Thống triệu tập đại hội bất thường để bầu cử nhân sự mới cho tất cả chức vụ trong Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất".
Thông cáo mới cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới đây đã thành lập "Ban Vận động Hòa hiệp Tăng Già, với nhiệm vụ tham vấn, thỉnh vấn, đề nghị thỉnh cử Chư tôn Trưởng lão, Hòa thượng, đăng lâm pháp tịch Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, để hướng đến suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo hội".
Ngày 21/8/2022, buổi lễ phát nguyện và suy tôn Hội đồng Giáo phẩm Trung ương và suy cử Chánh Thư ký xử lý thường vụ Viện Tăng Thống đã được cử hành.
Ngày 22/8/2022, buổi lễ chính thức trao truyền Di chức, ấn tín và khai ấn được cử hành tại Tổ đường Từ Hiếu, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được chính quyền Việt Nam hiện tại thừa nhận. Lãnh đạo của giáo hội bị chính quyền đàn áp trong nhiều năm kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (sinh năm 1943) là người từng bị chính quyền Việt Nam bắt đi học tập cải tạo ba năm từ năm 1978. Vào tháng 9/1988, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình với cáo buộc "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". Tuy nhiên, do sự vận động của quốc tế, bản án tử hình của ông sau đó được giảm xuống còn chung thân. Đến ngày 1/9/1998, ông được trả tự do. Vào năm 2003, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bị chính quyền áp lệnh quản chế hành chính hai năm.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Ông làm thơ và viết truyện ngắn.
Ông được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng tranh đấu cho nhân quyền Hellman-Hammet Awards vào năm 1998.
Nguồn : RFA, 03/09/2022
Phước Bửu Tự tọa lạc tại xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày Mùng 6 Tết vừa qua, trong nỗi tiếc thương phát đi tang báo : Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tịnh vừa viên tịch (kèm chương trình tang lễ, do chùa này chủ trì).
Bức ảnh đăng kèm bài viết này, ghép chung từ 3 bức ảnh, đều có liên quan đến Hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Photo : RFA
Phước Bửu Tự là một trong rất hiếm những ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, còn tỏa khói hương, còn thanh âm tiếng chuông ngân vang mỗi sáng tinh sương, mà chưa bị chính quyền triệt hạ, như rất nhiều chùa chiền ở Việt Nam, phải chịu cảnh bi đát, kể từ sau ngày 30/4/1975. Đặc biệt, là cái gai trong mắt chính quyền, nên Phước Bửu Tự từng bị "kẻ xấu", lén lút phóng hỏa thiêu rụi, thời điểm nhiều năm về trước.
Năm 1981, là thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam thành lập một tổ chức trá hình Phật giáo, với danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm biến một đạo giáo từng là quốc giáo (ở Việt Nam), thành công cụ chính trị. Thời điểm này, họ bằng mọi thủ đoạn, đã gia tăng việc triệt hạ những chùa chiền, mà những Tăng, Ni trụ trì không chịu ước thúc, vẫn kiên định là tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
Hẳn nhiên, triệt hạ chùa chiền, đi kèm với bách (giết) hại Tăng, Ni không tu theo đảng. Trong hằng hà bi án thương tâm, mà Tăng, Ni chịu khổ nạn, cho đến tận hôm nay (và chưa có dấu hiệu ngừng lại), thì Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, người vừa viên tịch, là một trong những nhân chứng sống cho tội ác đàn áp tôn giáo nói chung của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Bức ảnh đăng kèm bài viết này, ghép chung từ 3 bức ảnh, đều có liên quan đến Hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Phía trước, bên trái là hình chân dung của Hòa thượng. Bên phải là "Bản Vinh Danh", được Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (Hoa Kỳ) vinh danh công đức của Hòa thượng, trong công cuộc vì tương lai một Việt Nam có dân chủ, nhân quyền.
Người sư mặc áo vàng, ở trung tâm, ngồi xe lăn, chính là Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, chụp cùng trụ trì Phước Bửu Tự, Thượng tọa Thích Vĩnh Phước (trái), tác giả (giữa), và nhạc sỹ Triệu Mây, hồi tháng 9/201. Trong một lần khi chúng tôi viếng chùa Phước Bửu, vấn an sức khỏe Hòa thượng, cũng như được Hòa thượng xác nhận bằng cách gật đầu, khi tất cả cùng nghe Thượng tọa Vĩnh Phước lược kể những khổ nạn mà Hòa thượng Thanh Tịnh đã trải qua.
Chúng tôi với tâm niệm, sẽ góp nhặt những vỡ đau trên đường tu hướng Phật tích thiện của Hòa thượng, biên tập cùng với những biến cố của Phật giáo. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng có dự định tương tự, nhưng chúng tôi thật có lỗi, khi công việc biên soạn chủ quan trễ nải, thì hôm nay, vị sư chân tu đức độ Hòa thượng Thanh Tịnh đã thâu thần viên tịch.
Bên cạnh lược kể của Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, chúng tôi còn may mắn được một người bạn tri kỷ của Hòa thượng Thanh Tịnh, tường minh thêm về vị sư này. Chúng tôi nay xin ghi lại, như nén tâm hương kính viếng anh linh Hòa thượng. (Và cho tất cả chúng ta cùng được biết, mà thành kính mặc niệm cho người vừa mất).
Nhà thơ Trương Hùng Thái (còn có bút danh Nguyễn Trì, Lều Gió), là bạn tri kỷ, đồng thời, đồng quan, thì nhà thơ Lều Gió còn là bạn đồng tù khổ sai cộng sản với Hòa thượng Thanh Tịnh, trong cùng chung vụ án, mà rất nhiều thành phần tinh hoa trí thức, bao gồm tu sĩ nhiều tôn giáo ở miền Nam Việt Nam, bị chính quyền cộng sản Việt Nam tiến hành đàn áp, bắt bớ, tù đày vô tội vạ, hồi cuối thập niên 70, thế kỷ trước.
Sau ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử bởi cộng sản Bắc Việt, thì số phận của hầu hết người dân ở phía Nam vĩ tuyến 17, vô cùng bi đát, hoặc tù tội, hoặc tan nhà nát cửa, hoặc cả hai. Là một tu sĩ thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhưng Hòa thượng Thanh Tịnh vẫn bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giam, tù ngục đến 2 lần.
Trong chốn lao tù cộng sản, ông đã bị tra tấn đến mù lòa đôi mắt, bằng cách bị trói đứng, mắt ngang tầm chói nóng của bóng đèn cao áp, trong lần thứ 2, khi cộng sản tống ngục ông, trong vụ án với cáo buộc mơ hồ "lật đổ chính quyền nhân dân" vào năm 1981, mà câu chuyện trở thành cáo buộc ấy, toàn bộ do người cộng sản tạo dựng mà thôi.
Trước năm 1975, khi chưa xuất gia, Hòa thượng Thích Thanh Tịnh có tên thật là Hoàng Văn Giang. Quảng Trị là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của ông, với địa danh cụ thể, được nhắc đến trong ca khúc "Trên bốn vùng chiến thuật" của Trúc Phương : "Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh lá…". Ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông Tin của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh đó, ông còn là chủ bút của tờ báo Đông Phương, một thời.
Khi ông bị tống tù lần hai, họ giam ông ở Chí Hòa, rồi đưa về trại Đồng Hòa, hướng ngã ba Bình Long đi vào gần sát biên giới Việt - Cam (thuộc tỉnh Sông Bé cũ - nay là tỉnh Bình Phước). Sau cùng, ông bị đưa về trại tù A20, ở Xuân Phước, tỉnh Phú Yên.
Trại tù A20 còn có tên gọi "Trại Trừng Giới", "Trại Kiên Giam" nằm trong mật khu Kỳ Lộ. Những địa danh do người tù bởi cộng sản, đặt cho nơi này như đồi Vĩnh Biệt, Thung Lũng Tử Thần,... đã lột tả mức độ sự khắc nghiệt, sự ngược đãi, sự hành hạ mà chính quyền thông qua bọn cai tù bất lương, đã trút lên thân thể những người tù chính trị nhưng vô tội này. Những thân thể vốn đã ốm yếu bởi bệnh tật, bởi đói khát, mà trường hợp Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, là một trong những nhân chứng sống tố cáo tội ác kinh hoàng ấy.
Cùng vụ án với ông, có rất nhiều Tăng sĩ, Cha xứ, hay thành phần trí thức khác, ở miền Nam cũng bị từ đày, đến hơn 100 nhân mạng. Điển hình như thầy Thích Tuệ Sỹ và thầy Lê Mạnh Thát (kêu án tử hình, sau giảm án chúng thân, và phóng thích - theo cách gọi bởi chính quyền cộng sản Việt Nam) ; thầy Thích Nhật Ban, thầy Thích Đức Nhuận, nhà thơ Trương Hùng Thái (Nguyễn Trì),...
Có trường hợp Tăng sĩ còn bị tra tấn đến chết, trong nhà tù, như Hòa thượng Thích Thiện Minh, vào thời điểm cuối năm 1978, Giáo hội xin nhận thi hài làm lễ an táng, cũng bị từ chối.
Bản tin của đài BBC London phát ngày 18/10/1978, như sau : "Hòa Thượng Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17/10 năm 1978 đã bỏ mình trong một nhà tù, của cộng sản, tại thành phố Hồ Chí Minh".
Lao tù tra tấn hơn mười năm, vẫn không lay động được tâm thế của bậc chân tu, một lòng vì Phật pháp, phổ độ chúng sinh, nguyện hiến dâng sự sống còn tại thế cho một Việt Nam thật sự có độc lập, cho dân tộc của ông thật sự có tự do, dân chủ. Cho nên, Hòa thượng Thanh Tịnh buộc được phóng thích bởi bàn cờ chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, sức khỏe của Hòa thượng bị tra tấn suy sụp hoàn toàn, với hàng chục bệnh tình đặc biệt nghiêm trọng, như tiểu đường đã biến chứng, cao huyết áp,... Nên chọn phóng thích một "tu sĩ bị tra tấn thành phế nhân", sẽ được tiếng "nhân đạo", theo cách nghĩ của họ, trong đường lối tuyên truyền và đối ngoại, vốn dĩ, hơn là để chết trong ngục tù.
Sau khi được thả ra, Hòa thượng Thanh Tịnh không còn bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, như một người vô tổ quốc. (Đây là cách mà chính quyền vẫn hành xử với tù nhân chính trị lâu nay, để gây khó dễ, nhằm quản thúc khéo, hạn chế, tước đoạt quyền tự do đi lại của người dân). Đầu tiên, ông tìm về, xin tá túc ở Phước Huệ Tự (Thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) do thầy Thích Thái Thuận trụ trì.
Tuy nhiên, không muốn vì sự hiện diện của ông, khiến cho trụ trì Phước Huệ Tự và tăng chúng phải chịu sự sách nhiễu bởi chính quyền sở tại. Cũng như, có lẽ ông gieo "PHƯỚC" vừa đủ tạo thành "duyên", với những chùa tự bắt đầu bằng chữ "PHƯỚC" chăng, nên Hòa thượng gặp được trụ trì Phước Bửu Tự, nên được Thượng tọa Thích Vĩnh Phước cung thỉnh ông về Xuyên Mộc, cùng tăng chúng nơi này, hết lòng chăm lo, phụng dưỡng ông, tính ra cũng đà 20 năm có lẻ... !
Trước thực trạng Phật pháp nước nhà, ngày càng suy vi, băng hoại, lạc vào ma đạo, bởi cái tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, núp bóng Đức Phật, đã không xiển dương Phật pháp, mà còn làm điều tác tệ, mị hoặc tham nhũng, bòn rút đức tin tín đồ, phục vụ cho đảng phái cai trị nhân dân, tổ quốc Việt Nam. (Nhưng lại chịu sự lệ thuộc hoàn toàn vào đảng cộng sản Trung Quốc, dưới mỹ từ trí trá : "thắt chặt tình hữu nghị với bạn 16 chữ vàng 4 tốt"), thì với những khổ nạn đường tu vừa lược kể, nhưng chẳng thể lay chuyển được tâm thế của Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, với duy thức kiên định đức tin Phật pháp chiếu rọi, sẳn sàng xả thân cho một tổ quốc Việt Nam, cho đồng bào của ông thật sự có độc lập, tự do, dân chủ thật sự trong tương lai. Cho nên, sẽ không quá nếu có gọi Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những vị chân sư, có tâm Phật sáng thiên thu, dù cá nhân ông mù lòa bởi chính quyền cộng sản giam cầm tra tấn thành tàn phế.
Giờ thì, mọi khổ đau trần thế thôi ở lại, đã bái biệt nhà sư trên đường về cõi Phật. Xin được kết thúc bài viết, bằng tứ thơ "Nam Kha Mộng", được viết bởi Sadi Du Huyền ở Phước Bửu Tự, để kính tiễn đưa Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, một dặm trường :
"Thịnh suy suy thịnh Nam Kha mộng
Danh lợi tiền tài cũng về không
Cửa tùng áo vải rau dưa mặn
Tỏa Đức yêu thương tựa trăng rằm".
Đàm Ngọc Tuyên
Nguồn : RFA, 03/02/2020
Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30/1/2020, mang theo mình một phần lịch sử của Phật giáo chân chính Việt Nam, cũng như mang theo một phần đời biểu trưng cho rất nhiều người, trước một bước ngoặt trầm luân của người dân miền Nam Việt Nam. Tại ngôi chùa Phước Bửu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi mà ngài đã tìm đển để nương náu, chọn cho mình một cuộc sống lặng lẽ từ năm 2002 đến nay, ngài chống chọi với đủ các vết tích hằn thù trên thân thể mình, và cả những âm mưu hiểm độc của một thời kỳ đen tối sau năm 1975 mà nhà nước cộng sản Việt Nam nhắm vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các nhân sĩ, tăng sĩ Phật giáo.
Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch ngày 30/1/2020
Lần cuối cùng mà hòa thượng Thích Thanh Tịnh lên tiếng, xuất hiện trước truyền thông đại chúng là vào năm 2006, lúc đó, chùa Phước Bửu, một trong những chùa hiếm hoi còn lại, trung kiên và sừng sững với danh hiệu cơ sở thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất. Sự tồn tại của nơi này, và cả việc cho hòa thượng Thích Thanh Tịnh nương nhờ đã là cái gai trong mắt nhiều người có quyền thế. Hai lần trong đêm của năm 2006, chùa Phước Bửu bị đốt nhưng may sao cứu được. Là người luôn thức từ 2 giờ sáng để tụng kinh, hòa thượng Thích Thanh Tịnh nhận biết rõ sự kiện nên đã tham gia lên tiếng tố cáo âm mưu này, thành một trong những hồ sơ quan trọng được chuyển ra thế giới.
Cũng như nhiều tu sĩ, trí thức, thương gia… của miền Nam, mà cho đến nay vẫn chưa ai giải thích được là vì sao mình phải chịu kiếp nạn, phải chịu tù đày, hòa thượng Thích Thanh Tịnh cũng đã bị biệt giam nhiều năm, rồi bị kết án 15 năm tù vì tội danh chống chính quyền. Nhưng năm 2000 rồi ông được thả ra sớm vì lúc đó ngài sống như đã chết, thương tật và yếu ớt. Nhưng may sau, ông lại hồi sinh với đời.
Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo nhà nước, hay được người dân gọi là Phật giáo quốc doanh, được thành lập, các chuỗi kế hoạch nhằm xóa sổ các nhân sĩ, tăng già diễn ra quyết liệt. Trước tháng 9/1988, ngày mà nhà nước cộng sản Việt Nam kết án tử hình với các ngài Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát… đã có hàng loạt các cuộc bắt bớ, tra tấn và ép cung để ngụy tạo chứng cứ Giáo hội Phật giáo Thống nhất âm mưu lật đổ chính quyền. Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những đích ngắm cho việc tra tấn, ép cung như vậy. Có lẽ những kẻ chủ mưu thấy sự hiền lành và cam chịu của ngài là một yếu tố dễ hoàn thành hồ sơ. Thế nhưng nhiều tháng liền, với hình thức tra tấn hàng đêm, treo đèn cao áp cách đầu có vài mươi phân, đánh đập để buộc nhận rằng Giáo hội Phật giáo Thống nhất có tàng trữ vũ khí, âm mưu liên kết các nhóm phục quốc để lật đổ chính quyền cộng sản, hòa thượng Thích Thanh Tịnh vẫn nhất định không chịu khai gian. Dẫn đến khi ngài được trả tự do, mắt đã lòa, mọi hoạt động cần đến hệ thống thần kinh đều khó khăn.
Chỉ mới mùa thu năm ngoái, khi ngồi nắm tay Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, hỏi về chuyện xưa, ông gật, và nói bằng tiếng nói đã bị vặn vẹo không rõ do trải qua quá nhiều cơn thập tử nhất sinh "Đúng rồi, con". Ông hướng đôi mắt nhìn về một khoảng xa xăm nào đó của ký ức, rồi nói "buồn lắm". Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những vết hằn, mà tôi tự hỏi không biết là tuổi già hay những khổ nạn đã khắc dấu muôn lối trên mặt ông.
Chỉ thị số 20 của ông Lê Duẩn, dù được ký từ năm 1960, với sự thù ghét tôn giáo và chủ trương tiêu diệt tín ngưỡng, nhưng vẫn là tinh thần nòng cốt của các hoạt động thanh trừng, tiêu diệt sau 1975. Chùa chiền bị tịch thu, kinh sách bị đốt, các hòa thượng như Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ bị bắt giam, những người bất phục như Tuệ Sỹ thì bị tuyên án tử hình. Tương tự như hòa thượng Thích Thanh Tịnh, nhưng kém may mắn hơn là hòa thượng Thích Thiện Minh, đã bị tra tấn đến chết Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, nay là Bộ Công An. Ông Đỗ Trung Hiếu, người nhận nhiệm vụ giải quyết số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, theo lệnh của Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận, vì không chịu nổi gánh nặng này nên về sau, năm 1994, đã kể lại mọi thứ trong cuốn "Thống nhất Phật Giáo" của ông ta.
Như các hòa thượng Thích Quảng Độ hay Thích Không Tánh, việc không có một mảnh giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là một công dân trên đất Việt, cũng là tình trạng của hòa thượng Thích Thanh Tịnh. Viện vào các chi tiết pháp lý để gây khó, để không cấp cho bất kỳ loại giấy tờ nào cho việc an sinh, vốn vẫn thường thấy ở các hệ thống chính quyền địa phương lẫn trung ương, như một cách trả thù hèn mọn luôn dành cho các vị hòa thượng của Phật giáo không muốn bị thế quyền giam cầm tinh thần. Ngày hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch, việc chứng tử cho ngài khởi đầu đã gặp không ít khó khăn do toàn bộ chính quyền địa phương nơi chùa Phước Bửu từ chối, bởi ngài không được cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi bị đẩy ra khỏi nhà giam với tình trạng thoi thóp.
Những lúc ngồi hầu chuyện hòa thượng Thích Thanh Tịnh, ông hay rơi nước mắt, và cười khi nghe kể về bạn bè, ngày xưa, và cuộc đời khi chưa phải qua kiếp nạn cộng sản. Tôi cứ hay nghĩ về một con người dễ mềm lòng và yếu đuối như vậy, sao lại có thể chịu đựng ngày qua ngày, vô vọng với những đòn tra tấn tàn bạo như vậy mà không ngã quỵ. Buổi chiều lần cuối cùng gặp ngài, sau khi ngồi một lúc lâu im lặng ngắm nhìn, tôi từ biệt ra về. Chợt ông nắm tay tôi, hỏi "cộng sản còn ác với dân không con ?". Không phải ông, mà tôi, nước mắt cứ chảy xuống, mà tôi sợ ông biết.
Tôi cứ định viết về ông, và những lần gặp mặt hữu duyên đó, nhưng không kịp. Khi nghe tin ông mất, thì chỉ còn biết viết vài dòng, kể lại những gì mình biết về hòa thượng Thích Thanh Tịnh như một lạy chào. Mà không chỉ lạy riêng ông, còn là lạy một phần lịch sử và khổ nạn của đất Việt, người Việt đã bước qua những chương bất khả tư nghị không bao giờ cũ.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 31/01/2020 (tuankhanh's blog)
Nhân lễ Phật Đản (2563), Tăng đoàn của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất gửi thông điệp đến nhà cầm quyền Việt Nam
Nhân mùa Phật Đản 2019, Phật Lịch 2563, đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Thống Nhất đã phát đi thông điệp, gồm 5 điểm chính đến nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Đại lễ đã diễn ra tại chùa Phước Bửu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào đêm 18-5-2019, nhằm 14 tháng Tư âm lịch với sự chứng kiến của đông đảo tín hữu đến tham dự.
Hình minh họa : lễ Phật Đản tại chùa Phước Bửu ở Vũng Tàu hôm 18/5/2019 - Photo by blogger Tuấn Khanh
Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Vĩnh Phước, Phó Tổng vụ trưởng tổng Vụ Cư sĩ Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đại lễ đã diễn ra trang nghiêm với lòng hướng Phật, cũng như thành tâm phát nguyện lên tiếng cho đất nước, dân tộc hôm nay, với 5 điểm sau đây :
1. An ninh quốc phòng và vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đang bị uy hiếp, phải nhờ vào sức mạnh toàn quân, toàn dân mới có thể đương đầu.
2. Hãy trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm, họ chỉ vì yêu Tổ quốc và lên tiếng đòi công bằng cho người dân mà bị tù đày, lao lý.
3. Hãy phổ biến ý thức, đặt sự sống còn của Tổ quốc và dân tộc lên trên mọi ý thức hệ cục bộ Xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng ý kiến trung thực, xây dựng của nhân dân.
4. Can đảm và cấp thời cải tổ thể chế chính trị sâu rộng, từ thể chế độc đảng, sang thể chế chính trị đa đảng, đa nguyên, tam quyền phân lập, để toàn dân và các thành phần dân tộc có thể tham gia, cùng chung sức cứu nguy Tổ quốc.
5. Hãy về với dân để sống an vui, hạnh phúc với gia đình. Xa dân, ghét dân thì chết, cửa nhà tan nát, tài sản bị tịch thu, trưng dụng.
Trong diễn văn tại đại lễ, hòa thượng Thích Vĩnh Phước có nhắc đến thông bạch của Đức Thượng Thủ Thích Thiện Hạnh kêu gọi đến tất cả những Phật tử Việt Nam rằng "Phật giáo có mặt trên quê hương Việt Nam đã hơn hai nghìn năm lịch sử truyền thừa và phát triển, mà Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất là biểu tượng lịch sử truyền thừa, mục tiêu duy nhất, tạo dựng an lạc, hạnh phúc đích thực cho nhân loại, chúng sinh. Trong quá trình lịch sử dài lâu, giáo lý Đức Phật đã thấm sâu, in đậm vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân tộc, gắn bó cùng dân tộc qua mọi thăng trầm, vinh nhục của Tổ quốc". Chính vì vậy, thăng trầm của dân tộc và đất nước, người Phật tử chân chính không thể bàng quan, mũ ni che tai, không thể an phận lo riêng cho đời mình.
Tại buổi lễ, lời của Đức Đệ ngũ Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất có đoạn : "Trong hiện tình của đất nước hiện tại, với những tà tín tà ngụy mê hoặc nhân tâm, với những tranh chấp quyền lợi kinh tế, chính trị, có nguy cơ dẫn đại khối dân tộc đến những thiên tai nhân họa khôn lường, khiến cho lòng người điên đảo, nhân tâm ly tán ; trong hiện tình đó, một phần các cộng đồng đệ tử Phật tự biến thái để trở thành công cụ thống trị của thế gian, đuổi bắt những giá trị kinh tế và xã hội thấp hèn, phần khác tương tranh nội bộ vì những giá trị phù phiếm, vì những địa vị hư ảo không có thực, khiến cho những người chưa có tín tâm thì không thể thấy nơi đây có giá trị thiết thực để khởi tín tâm, và những người đã có tín tâm thì bị mất hướng và thoái thất".
Được biết, không chỉ riêng chùa Phước Bửu, mà hầu hết các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất còn hoạt động ở khắp Việt Nam, cũng như các tăng ni, Phật tử có liên quan, cũng đều truyền đi thông điệp 5 điểm và lời của Đức Tăng thống Thích Quảng Độ trong mùa Phật đản 2019.
Ngay lúc diễn văn của hòa thượng Thích Vĩnh Phước chưa kết thúc, khắp trong viên chùa Phước Bửu đã xuất hiện hàng chục an ninh thường phục với sự căng thẳng, thăm dò lẫn khiêu khích. Tuy vậy, đại lễ đã diễn ra trọn vẹn. Suốt hơn 3 giờ đồng hồ (từ 7g30 cho đến hơn 10g30 tối) không khí đông đúc và oi bức của tháng 5, đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Phía đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng ghi nhận thiện chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc tôn trọng toàn bộ tiến trình của đại lễ.
Được biết, cũng trong ngày 18/5, chùa Phước Bửu cũng đã phát đi hàng trăm phần quà cho người nghèo trong vùng và đặc biệt chuyển đến cho các gia đình tù nhân lương tâm, hay những người đang bị nhà cầm quyền cầm giữ không theo luật pháp như gia đình của tù nhân Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Ngọc Ánh, Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Trần Phương… "Phụng sự chúng sanh theo lời Đức Phật, không chỉ riêng cho người nghèo khó, mà còn phải nghĩ đến và đứng cùng cả những người yêu nước đang lâm hoạn nạn. Đó là những con người cao quý vì biết đặt quyền lợi của tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi nhỏ bé của bản thân", hòa thượng Thích Vĩnh Phước gửi lời đến từng gia đình như vậy.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 19/05/2019 (tuankhanh's blog)
Chùa An Cư ở quận Sơn Trà thành Phố Đà Nẳng, có thể là một hình ảnh xót xa nối tiếp của cây chuyện cưỡng chế, đập tan như trường hợp Chùa Liên Trì ở quận 2, Thủ Thiêm, Sài Gòn.
Ngôi Chùa chỉ hơn 300m2 được nhận được lệnh cưỡng chế giải tỏa, mặc dù nhiều yêu cầu đưa ra, trong đó chỉ xin đổi lại một nơi khác để tu tập. Mục đích của Đà Nẳng, hay nói chung là chính sách của Nhà nước vô thần hiện nay tại Việt Nam là triệt hạ các cơ sở tôn giáo độc lập, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tin cho hay Văn bản cưỡng chế trước đây là từ ngày 24/9/2018, đến ngày cuối là 23/11/2018. Thông báo cưỡng chế chùa lần này là 8 giờ sáng ngày 9/11/2018.
Dưới đây là cuộc trò chuyện với hòa thượng Thích Thiện Phúc, trụ trì chùa An Cư, trước vài ngày Chùa bị cưỡng chế, cùng với sự sách nhiễu và trấn áp nhiều năm nay từ chính quyền.
Chùa An Cư ở Đà Nẵng - Courtesy Blog Tuấn Khanh
Tuấn Khanh : Nhờ Thầy tóm tắt, nói rõ thêm cho mọi người đuợc biết về hoàn cảnh của Chùa An Cư hiện nay.
Thích Thiện Phúc : Từ 2003-2004, người ta đã có ý định giải tỏa co việc xây dựng nhưng thực chất, ý của họ là nhằm triệt hạ các cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước đây các văn bản họ gửi đến Chùa, đều đề tên đời của Thầy chứ không đề tên đạo. Nhưng rồi bẳng đi một thời gian, do chuyện kinh tế trì trệ thế nào đó nên họ tạm yên mấy năm. Từ 2014 đến nay thì họ làm lại, mở lại chuyện giải tỏa đền bù. Họ định bồi thường là 400 triệu hơn, nhưng Thầy không chịu giải tỏa.
Trong những bức thư trước đây mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố, phường quận… Thày có nói rõ là Thầy không có nhu cầu chuyển nhượng hay mua bán đất. Nếu Nhà nước muốn giải tỏa thì giao lại một mảnh đất tương đương để Thầy xây Chùa, thậm chí là Thầy tự làm cũng được, dĩ nhiên trong quá trình xây dựng thì đừng gây khó dễ. Cuối cùng Thầy cũng nói là nếu mọi thứ vẫn không thể đồng thuận được thì viêc cưỡng chế cần báo trước 15 ngày để thu dọn phần cá nhân, chứ không đặt ra yêu cầu gì nữa, vì đã yêu cầu và thiện chí đến đó không được thì thôi.
Tuấn Khanh : Chùa An Cư đã hình thành như thế nào, hiện nay sinh hoạt ra sao ? Giấy tờ của Chùa có đủ hợp pháp để Thầy có thể đối thoại với chính quyền Đà Nẳng không ?
Thích Thiện Phúc : Ngày xưa Thầy đi tu ở Bình Dương, Sông Bé. Nhưng sau đó thì dành dụm và mua lại đất của ông Nguyễn Văn Tỏ, người ở nơi này. Thầy mua dần 2 lần để mở rộng. Mua từ năm 1993, đến năm 1995 thì cơi cất thành Chùa và tồn tại đến nay.
Ngày xưa thì không có chuyện gì hết, đến khi họ biết được là người của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thì họ đàn áp, tấn công.
Hiện tại Thầy không còn một đệ tử nào ở lại hết. Tín đồ cũng lui hết. Bởi chính quyền họ cô lập, phân hóa… mục đích làm tê liệt toàn bộ, kể cả vấn đề kinh tế.
Tuấn Khanh : Chính quyền Đà Nẳng nói họ giải tỏa để phát triển đô thị, văn hóa… đã có bao giờ trong đối thoại, Thầy gợi ý với họ rằng gìn giữ và tôn tạo chùa chiền cũng là việc làm văn hóa ?
Thích Thiện Phúc : Thầy chưa đặt vấn đề đó với họ, nhưng Thầy có nói rằng nếu cần làm gì tốt cho môi trường thì chúng tôi sẳn sàng ra đi, với điều kiện là phải quyết chỗ để chúng tôi sinh hoạt tín ngưỡng như cũ. Nhưng họ không trả lời. Họ cứ âm thầm làm. Thầy nói rằng nếu cần làm bệnh viện, trường học thì chúng tôi sẳn sàng nhường, chỉ xin một trăm mét đất để chúng tôi tái tạo Chùa nhưng họ cứ nín thinh. Họ không thèm nghe gì cả. Mặc dù bề mặt họ cũng lịch sự "dạ thầy" nhưng trong lòng không phải vậy.
Tuấn Khanh : Ngay vào lúc này, Chùa còn ai ở với Thầy ?
Hòa thượng Thích Không Tánh trên đất chùa Liên Trì ở Sài Gòn sau khi bị phá huỷ Courtesy Quangduc.com
Thích Thiện Phúc : Không có ai dám tới con à. Mà họ xử sự rất tệ. Kể cả những ngày gần đây, đợi Thầy đi khỏi Chùa thì họ cho người tới chụp hình. Mới hôm trước, họ cho người chạy theo vác ná thun bắn đá vào người Thầy.
Hồi năm ngoái, Thầy đi cúng cho người ta, thì lúc về họ cho 2 thanh niên chạy theo bắn đá vào lưng, vào đầu Thầy. Còn ở ngay trong Chùa thì họ cho người nhỏ keo super vào ổ khóa, quăng bả độc giết chó trong Chùa, đường trước Chùa thì họ cho người rải đinh 3 phân khắp nơi để Phật tử không dám đến nữa. Thầy trò lúc nào phải ra quét để tránh tai nạn.
Trước đây có người thì còn lo cho người ta, chứ bây giờ còn một mình Thầy cũng không lo như trước. Tình cảnh Chùa An Cư giờ đây cũng không khác nào Chùa Liên Trì ở Quận 2, Thủ Thiêm thôi con à.
Đà Nẳng chỉ còn 2 Chùa gọi là liên đới với Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nay phá Chùa An Cư thì giờ chỉ còn lại một, là chùa bên kia do Thầy Thanh Quang quản thì lâu nay già yếu nên không có hoạt động hay làm gì nữa thì chắc không sao.
Tuấn Khanh : Bị cưỡng chế, Thầy sẽ đi đâu ?
Thích Thiện Phúc : Trong lá đơn mà Thầy gửi cho Chủ tịch thành phố Đà Nẳng, chủ tịch quận… thì điều cuối cùng là nếu chính quyền thành phố này quyết tâm giải tỏa thì Thầy sẽ xin tá túc ở đâu đó. Có vài nơi Thầy có thể đi như Huế, Bình Định hay Sài Gòn để tá túc một thời gian. Mình thấp cổ bé miệng thì biết làm gì ? (cười)
Ngày xưa Thầy mình bỏ ngai vàng điện ngọc mà đi, thì mình hôm nay có sá chi những lúc như vậy. Có người trách là Thầy không thuận với chính quyền nên gặp chuyện như hôm nay nhưng Thầy không làm chính trị. Nhưng bất kỳ ai thì cũng phải có thái độ về chính trị, lúc cần thì phải nói về đất nước, non sông, tiền đồ của dân tộc chứ không giành quyền lực chi của người ta hết.
Thầy có nới với Phật tử là ngay cả lúc phá chùa, họ đến tống Thầy vào tù thì cũng không sao con à. Phật dạy thế gian vô thường. Chùa họ đến phá đi được thì mình cũng có là chi ? (cười)
Tuấn Khanh (ghi)
----------------------
Tham khảo thêm :
Tâm tình của Thầy Thích Thiện Phúc
về việc nhà cầm quyền thu hồi đất Chùa An Cư - Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng (ngày 1/11/2018)
Tôi tên Huỳnh Văn Côi, Đạo hiệu Thích Thiện Phúc. Hiện trú tại Chùa An Cư, Tổ 171 nay là tổ 80 Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng. Tôi kính trình đến các cấp lãnh đạo kiến nghị về việc thu hồi đất. Giao cho ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng sử dụng để xây dựng khu dân cư An Cư 4.
Thưa quý ông bà lãnh đạo thuộc các cấp chính quyền. Xét rằng dự án trên không phải là một dự án quan trọng thuộc bộ Quốc phòng hay các dự án có tầm cở của Quốc gia. Mà là một dự án khu dân cư bình thường. Vì vậy, yêu cầu tái định cư tại chổ là điều khả thi. Vì sự an sinh và phát triển của thành phố, vì sự tọa lạc của chùa An Cư chúng tôi, chúng tôi sẻ ra đi nhưng chúng tôi kiến nghị :
THỨ NHẤT :
- Chúng tôi không bán đất Chùa.
- Chúng tôi không nhận tiền đền bù, không nhận đất ở nơi khác.
- Chúng tôi Không chấp nhận đi đến địa phương nơi khác. Hoán đổi đất và tái định cư tại chỗ đường Vương Thừa Vũ cho Chùa một lô đất bằng tổng diện tích đất mà Chùa bị thu hồi là 317,80m2. Làm lại chùa tương đương với diện tích đã được đo đạc như trong bản kiểm định. Sau khi xây dựng xong cấp quyền sở hữu sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, thì chúng tôi sẽ trao quyền sở hữu sử dụng cũ và tiến hành bàn giao mặt bằng về nơi ở mới.
THỨ HAI :
- Nếu muốn chúng tôi tự định đoạt thì phải cấp lại đất tương đương cũng như trên, sở tài nguyên và sở xây dựng phải cấp giấy quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng để chúng tôi tiến hành làm lại nơi mới, phải bảo đảm thời gian chúng tôi xây dựng lại kẻo tránh những bất trắc có thể xảy ra, đồng thời treo bảng Chùa như cũ. Chúng tôi sẽ bàn giao mặt bằng.
- Trường hợp không giải quyết được, nếu cưỡng chế thì chính quyền thông báo cho tôi biết trước 15 ngày để tôi dàn xếp y phục và dụng cụ cá nhân. Đến ngày cưỡng chế khi chính quyền đến chúng tôi tự đi ra và giao Chùa cho chính quyền định đoạt, cho chúng tôi xem cảnh phá Chùa . Xong chúng tôi đi tìm nơi tá túc.
Kính chúc Quý Ngài Sức Khỏe. Người kiến nghị kính trình.
Tỳ kheo Thích Thiện Phúc