Nhưng đằng sau bản tin ngắn gọn trên là một sự kiện rất đáng chú ý : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập năm 1964 ở Sài Gòn, vẫn đang tiếp tục hoạt động khắp thế giới, kể cả ở trong nước...
Hòa thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác tại Hannover, trao tặng 24 tập Thanh Văn Tạng cho Học viện Á Phi thuộc Đại học Hamburg. (Hình : Văn
Tin tức từ nước Đức cho biết Hòa thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác tại Hannover, đã trao tặng 24 tậpThanh Văn Tạng cho Học viện Á Phi thuộc Đại học Hamburg. Báo chí tiếng Việt ở các nước khác coi đây chỉ là một "tin địa phương", truyền thông chính thức ở trong nước không loan tin.
Nhưng đằng sau bản tin ngắn gọn trên là một sự kiện rất đáng chú ý : Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập năm 1964 ở Sài Gòn, vẫn đang tiếp tục hoạt động khắp thế giới, kể cả ở trong nước – mặc dù sau năm 1975 đã bị Đảng cộng sản cấm đoán, các tăng, ni bị bắt giam và đầy ải, nhiều người phải sống lưu vong ở nước ngoài !
Bô Thanh Văn Tạng bằng tiếng Việt Tạng, gồm 29 tập ; trong đó có 16 tập thuộc Kinh tạng A-hàm, 6 tập thuộc Luật tạng, 5 tập Luận tạng, và hai kinh khác - Hình : Văn Công Tuấn
Ấn loát và truyền bá 29 cuốn Thanh Văn Tạng trong Đại Tạng Kinh là tiếp tục một công trình bắt đầu từ năm 1973, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng. Một nửa thế kỷ sau, công việc in ấn và phân phối kinh điển tiếp tục, với nỗ lực cộng tác của tăng ni và Phật tử ở nhiều quốc gia, từ Việt Nam qua Châu Âu và nước Mỹ.
Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng kinh điển lâm thời do chính Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, từng ở chùa Già Lam, Sài Gòn, chủ trì và lãnh đạo.Hòa thượng Thích Nguyên Siêu ở San Diego, California, là Hội trưởng Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam (Việt Nam Tripitaka Foundation) ; Hòa thượng Thích Như Điển ở Hannover, nước Đức, là Chánh Thư ký của Hội đồng.
Đây là một công trình lịch sử, kể từ khi Phật giáo được truyền vào nước ta, với những Phật tử như An Tiêm, Chử Đồng Tử còn được nhắc tên qua các truyền thuyết đời Hùng Vương. Sau khi bị quân ta đánh ba lần, vua nhà Nguyên đã gửi tặng một bản Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán khi Trần Nhân Tông vẫn xin giảng hòa và "xưng thần". Bản kinh này chắc không đầy đủ như ấn bản do Thiên hoàng Đại Chánh(Taisho) cho thực hiện trong những năm 1924 đến 1934. Đầu thế kỷ 20 người Việt Nam không còn sử dụng chữ Hán, các kinh được dịch ra chữ quốc ngữ, như các bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh từ chữ Hán, và của Hòa thượng Thích Minh Châu dịch từ chữ Pali (Phạn), được phổ biến rộng rãi. Hiện nay, các công trình phiên dịch trong một thế kỷ qua được góp lại và tăng bổ thêm, bắt đầu với bộThanh Văn Tạng bằng tiếng Việt.
BộThanh Văn Tạng gồm 29 tập mới ấn hành đòi hỏi việcnghiên cứu và chú giải công phu. Vì Tam Tạng kinh điển đạo Phật đã được phiên dịch nhiều lần, qua nhiều ngôn ngữ, truyền tụng và tu tập trong gần 25 thế kỷ. Tam Tạng nghĩa là Ba Kho báu, ba bộ phận chính gồm Kinh, Luật và Luận. Một trăm ngày sau khi Phật lìa đời, 500 đệ tử trình độ giác ngộ cao nhất đã tập họp, nhắc lại các lời Phật đã nói (Kinh), các quy tắc hành sử (Luật). Người nhớ kinh nhiều nhất là Thầy Ananda (A Nan). Người thuộc các giới luật nhất là Thầy Upali (Ưu Bà Li), ông nhớ rõ cả những sự kiện xảy ra đưa tới việc thảo luận và quyết định các quy tắc sống chung.
Kinh ghi lại những lời do chính Đức Phật nói, tùy theo căn cơ, nhu cầu, trình độ của thính chúng trong mỗi lần tập hợp. Những người theo học Phật gọi là các hành giả, những người đến nghe để thực tập. Mỗi lần, Đức Thích Ca thường nói trọn vẹn về một đề tài ; chú trọng đến việc tu tập, hành trì hơn là lý thuyết, dù đề cập tới những tuệ giác sâu xa.
Luật gồm những quy tắc hành trì, được đặt ra do kinh nghiệm trong cuộc sống tăng đoàn đầu tiên xuất gia theo Đức Phật. Mỗi lần có ai bị nghi ngờ là hành động không thích đáng, tăng đoàn lại thảo luận, đặt ra các quy tắc mới, những quy tắc đó là giới luật bảo vệ "uy nghi". Phần thứ ba, Luận, gồm những bản tóm tắt, xếp đặt theo đề mục và giải thích những lời Phật dạy, do công trình các đệ tử của Phật và các luận sư trong nhiều đời sau.
Hiện nay các kho kinh tạng Phật giáo thế giới được gìn giữ trong ba ngôn ngữ chính. Tạng chữ Pali của Phật giáo Nam Truyền, còn gọi là Theravada hay Nguyên thủy. Các nước Bắc Tông, cũng gọi là Đại Thừa, dùng bản dịch chữ Hán. Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ có bản dịch chữ Kanjur hoặc Tenjur. Phần lớn các bản chữ Pali, đã được dịch sang tiếng Anh. Các bản chữ Hán trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh gồm 55 bộ, mỗi bộ hàng ngàn trang chữ Hán. Các truyền bản chữ Tây Tạng gồm hơn 300 bộ. Hầu hết các kinh bản trong ba kho ngôn ngữ đều giống nhau trong ý nghĩa chính.
Về nội dung, các kinh điển có thể phân chia thành ba kho tàng chính, tùy theo mục tiêu : Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng và Mật Tạng. Trong việc hành trì, Phật giáo Nam Truyền ở Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Lào Campuchia, Việt Nam, chú trọng đến mục tiêu giác ngộ của hàng Thanh Văn, cao nhất là A La Hán. Phật giáo Bắc Truyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản. Đài Loan, Hàn Quốc đề cao con đường tu tập của các vị Bồ Tát. Mật Tạng được thực tập nhiều nhất, dù không phải duy nhất, trong Phật giáo Tây Tạng.
Ba bộ phái Phật giáo thật ra không phân cách, không đối nghịch với nhau, như trong các tôn giáo khác. Ngay từ hai ngàn năm trước, trong các tự viện theo phái Theravada vẫn có những vị tu học các hạnh nguyện của Bồ Tát. Các vị sư người Trung Hoa như Huyền Trang (thế kỷ thứ 7), Nghĩa Tịnh (thế kỷ thứ 8), đều kể lại sự kiện này ở khắp nơi đã đi qua, trong lục địa Ấn Độ hay Afghanistan và Pakistan bây giờ. Dù có nhiều tông phái Phật giáo, nhưng dù ở phương Nam hay phương Bắc, tất cả đều thọ trì các giới luật giống nhau. Cả ba dòng Phật giáo trên đều đang phát triển tại các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Hiện nay 53 phần trăm những người theo Phật giáo ở các nước Bắc Tông, 36% thuộc phái Theravada và 6% theo học Kim Cang Thừa, Tây Tạng.
Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam mới ấn hành trong giai đoạn đầu phiên dịch Phần I là Thanh Văn Tạng, gồm 29 tập ; trong đó có 16 tập thuộc Kinh tạng A-hàm, 6 tập thuộc Luật tạng, 5 tập Luận tạng, và 2 kinh khác. Các học giả thực hiện Đại Tạng Kinh Việt Nam đã sử dụng bản chữ Hán làm gốc, đối chiếu với các bản chữ Phạn, chữ Pali và Tây Tạng để hiệu đính cho chính xác. Hòa thượngThích Tuệ Sỹ soạn thêm 5 Tổng mục, tóm tắt nội dung, liệt kê mục lục và thư mục đối chiếu, so sánh các từ vựng Phạn-Hán, Pali-Việt-Hán.
Ngày 21/5/2023 Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, San Diego, hội trưởng Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam đã ra Thông báo cho biết 1.000 bộ Thanh Văn Tạng đã được chuyển từ kho nhà in ở Thái Lan tới các địa điểm tại Hoa Kỳ 330 bộ, Châu Âu 320 bộ, Châu Úc 200 bộ, Canada 100 bộ. Ước tính chi phí ấn hành và vận chuyển một bộ 29 tập khởi đầu là 250 USD.
Ngày 3/6, Phương trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Hòa thượng Thích Như Điển, cùng khoảng 50 vị tăng ni và 400 Phật tử đã cung thỉnh Thanh Văn Tạng chuyển về đến chùa. Ngày 11/6, cùng một số tăng ni và cư sĩ đã họp mặt tại Viện Phật học ứng dụng Châu Âu (EIAB) cùng vị Viện trưởng Chân Pháp Ấn đón nhận bộ Thanh Văn Tạng do Hòa thượng Thích Như Điển gửi tặng. Ngày hôm sau, 10 bộ Thanh Văn Tạng được đưa tới Chùa Việt Nam ở Kanagawa, Nhật Bản ; sau đó sẽ lần lượt cúng dường các chùa của người Việt và các trường Đại Học có chuyên khoa Phật học tại Nhật Bản. Các chùa ở Đài Loan cũng nhận được quà tặngThanh Văn Tạng mới ấn hành để các Phật tử người Việt thêm cơ hội học hỏi.
Bản tin Hoằng Pháp ngày 12/7/2023 cho biết bản Thanh Văn Tạng đã được chuyển tới Sri Lanka (Tích Lan), trao cho Thượng toạ M. Dhammajothi, Giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Cao học Phật học và Pali của trường Đại học Kelaniya (PGIPBS) ; sau đến lượt các học viện tương tự thuộc Đại học Peradeniya và Đại học Phật giáo và Pali (BPU).
Một tin tức đặc biệt nhất, theo bản tin Hoằng Pháp của Hội đồng Hoằng pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngày 15/5, các Đại đức Thích Chúc Hiếu và Thích Tâm Luân đã cung thỉnh Thanh Văn Tạng tại Văn phòng Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai. Ngoài ra, có người ở trong nước đã "in lậu" bộ Thanh Văn Tạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà không xin phép ! Theo thông báo ngày 21/5/2023 của Hòa thượng Thích Nguyên Siêu, ấn bản lậu này chỉ có 28 cuốn, thay vì đủ 29 cuốn. Trên trang bìa trước và trang lót, người in trái phép đã xóa bỏ những hàng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất" và "Hội đồng Hoằng pháp".
Trong buổi ra mắt bộ Thanh Văn Tạng mới ấn hành ở Quận Cam, miền Nam California, một Phật tử đã xin đóng góp cho các chi phí cho các công trình in ấn tiếp tục trong tương lai.Trong kế hoạch tương lai sẽ còn có khoảng 220 tập được phiên dịch trong vòng 10 năm tới, do Hội Việt Nam Tripitaka Foundation, California thực hiện.
Những tin tức trên đây, với đầy đủ hình ảnh kèm theo, cho thấyGiáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn hoạt động, ở khắp thế giới cũng như ở trong nước. Đối với người Việt Nam theo đạo Phật, đây là điều rất đáng phấn khởi.