Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2023

Không có quốc gia nào thực hiện "Chuyến bay giải cứu", ngoài Việt Nam

Nguyễn Ngọc Già - Gió Bấc - Nguyễn Vũ Bình

Chuyến bay giải cứu : hậu quả của chủ nghĩa Duy Tình

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 21/07/2023

Báo Người Lao Động ra ngày 29/01/2022, sau khi "Chuyến bay giải cứu" được khởi tố vào ngày 27/1/2022. Trong bài báo này có đoạn : "...Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh khó khăn về nước là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong suốt 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các hãng hàng không trong nước và nước ngoài thực hiện 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước..." [1].

duytinh1

 Chuyến bay đặc biệt từ Việt Nam đã đưa 219 công nhân Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi bên bờ Đại Tây Dương, về nước.

Theo wikipedia cho biết (trích) : "...Từ giữa cuối tháng 3/2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Kể từ đó, người lao động, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu (hay còn được gọi là chuyến bay hồi hương). Khi đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng trên thế giới, Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay để giải cứu công dân mắc kẹt ở nước ngoài. Chuyến bay đón công dân đầu tiên có liên quan đến việc đưa công dân từ vùng dịch về Việt Nam là chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines sử dụng chuyên cơ Airbus A321 mang số hiệu HVN68. Máy bay khởi hành lúc 21g55 ngày 9/2/2020, đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước…" [2].

Việt Nam chưa có Luật Bảo hộ Công dân. Thay vào đó, chỉ có quyết định của Chính phủ [3] mang số 119 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 25 tháng Bảy năm 2007 và quyết định của Bộ Ngoại giao [4] mang số 2985 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Phú Bình ký thay Bộ trưởng, ban hành vào ngày 29/11/2007. Cả 2 quyết định này, liên quan đến vấn đề "thành lập quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài", nhằm bảo hộ công dân và pháp nhân, trong những vấn đề liên quan đến nước sở tại, khi gặp khó khăn hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại. Vì lẽ đó, "Chuyến bay giải cứu" không thuộc phạm vi điều chỉnh của hai quyết định này.

Không có quốc gia nào thực hiện cái gọi là "Chuyến bay giải cứu", ngoài Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bối rối và lúng túng, rồi hành động bằng "quyết tâm chính trị" hơn là tìm cách giải quyết khoa học và hợp pháp về tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh đại dịch gọi là "covid 19" lan rộng toàn cầu. Bất cứ Chính phủ nào cũng chỉ thể hiện "tinh thần nhân đạo", đối với những sự việc vi phạm pháp luật trầm trọng, chứ tính nhân đạo không thể và không bao giờ thay thế pháp luật để quản trị quốc gia.

Tên gọi "Chuyến bay giải cứu" đã tự bộc lộ "tư thế ban ơn" từ nhà cầm quyền và "tư thế nhận ơn" từ công dân Việt Nam. Điều này thể hiện chủ nghĩa Duy Tình, thay vì rất cần chủ nghĩa Duy Lý. Thêm vào đó, lẽ ra phải làm rõ tính trách nhiệm và bổn phận của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam, những tên tham nhũng đã dùng Duy Tình để trục lợi một cách táng tận lương tâm.

Người Việt Nam thường được biết như là dân tộc (có vẻ) "trọng tình hơn trọng lý". Không chỉ gói trong mối quan hệ gia tộc - chòm xóm mà nó lan rộng đến từng cơ quan công sở, cho đến cấp cao nhứt tại thượng tầng chính trị. Tư tưởng thấu tình (trước) đạt lý (sau) dễ khiến cho người ta mù quáng, rồi nhanh chóng tin tưởng bọn tham nhũng bằng cái vỏ bọc "nhà nước", cùng hậu quả ê chề đang diễn ra như một vở hài kịch lố lăng, với phát ngôn vô cùng thách thức của Trần Văn Dự : vì "số đen", không may thì trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả và dặn vợ : "Em chuẩn bị 3 tỉ để trả lại cho Nhà nước và coi như anh đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về". Người dân ngỡ ngàng với cái bấy lâu nay được gọi là "pháp luật" của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, trong cách nhìn nhận - đánh giá sự việc từ Trần Văn Dự !

Một chiều hướng dư luận được ủng hộ : Hơn 200.000 người được gọi là "nạn nhơn" của "Chuyến bay giải cứu" cần nên được trả lại số tiền, đã buộc phải bỏ ra để được "giải cứu". Chiếu theo chủ nghĩa Duy Tình, chắc chắn nảy sinh ý kiến : Người ta đã bị vậy rồi, nỡ nào đòi tiền. Không thấy lúc đó, nếu không có "Chuyến bay giải cứu" của Nhà nước, liệu bạn có còn mạng hay không mà giờ này đòi trả tiền ?! Lý luận này dễ dàng đánh phủ đầu hơn 200.000 người được gọi là "nạn nhơn", vốn đã mang tâm thế "nhận ơn" từ nhà nước (!).

Chủ nghĩa Duy Tình lấn át chủ nghĩa Duy Lý không chỉ làm người ta mắc kẹt tại đó mà di họa lớn hơn nhiều, với vô vàn tình huống xảy ra trong xã hội ngày hôm nay, bằng tệ nạn lừa đảo rộng khắp, kể cả các tên lừa đảo mang nhãn hiệu "công bộc". Có vẻ không nhiều người quan tâm đến các phép ngụy biện căn bản, trong đó có phép nguỵ biện mang tên "lợi dụng lòng trắc ẩn" (appeal to pity).

Như các bộ phim khác, bộ phim bi - hài - chính kịch có tựa "Chuyến bay giải cứu" rồi sẽ kết thúc theo cách nào đó, với những "diễn viên đời thực" nhận án tù như chừng "đi nghỉ mát" hoặc thậm chí có một án tử hình để gọi là "răn đe". Điều này không có nghĩa, người Việt Nam có thể hiểu ra và dám đối diện để sống với chủ nghĩa Duy Lý. Tại sao ? Vì người đời còn mải miết chạy theo lối sống : vị tha - nhân ái - cao thượng v.v... và cuối con đường của người được gọi là "sống tình cảm lắm", rất có thể là một hố sâu thăm thẳm mang tên Nô Lệ, miễn họ cứ được vuốt ve - xoa dịu nỗi đau, bằng cách "học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - vẫn còn đang tiếp diễn ( !).

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 21/07/2023

[1] https://nld.com.vn/thoi-su/chuyen-bay-dua-nguoi-viet-nam-ve-nuoc-thoi-gi...

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_chuy%E1%BA%BFn_bay_%22gi%E1%BA%... 

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Quyet-dinh-2985-2007-QD-...

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-119-200...

************************

Xử án vụ "Chuyến bay giải cứu" : phân chia lại tiền xương máu của người "Việt Kẹt"

Gió Bấc, RFA, 19/07/2023

Đại án "chuyến bay giải cứu" thực chất là vụ tham nhũng táng tận lương tâm, lợi dụng tình thế nguy khốn của người "Việt Kẹt" (người Việt kẹt ở nước ngoài trong mùa dịch) theo hệ thống. Quan chức bốn bộ và cả Văn phòng Chính phủ, cùng với lãnh đạo địa phương "tạo điều kiện" cho các doanh nghiệp tổ chức hàng ngàn chuyến bay combo với giá cao ngất trời xanh.

duytinh2

Hơn 200.000 người "Việt Kẹt" phải chắt bóp, vay mượn tiền để được bay giải cứu.

Hơn 200.000 người "Việt Kẹt" phải chắt bóp, vay mượn tiền để được bay giải cứu. Họ chính là nạn nhân, chủ nhân của những khoản tiền hối lộ, tiền lừa đảo kếch xù mà các bị cáo đã chia nhau. Họ là chủ thể quan trọng nhất, người bị hại vĩ đại nhất của đại án, thế nhưng họ không hề được các cơ quan tố tụng nhắc đến. Công lý của nhà nước đã gạt họ ra ngoài và pháp luật được sử dụng để "thu hồi" số tiền họ bị cưỡng đoạt vào tay nhà nước.

Điều đáng thương tâm là, phần lớn những người "Việt Kẹt" ấy không phải là đại gia, người giàu có sống ổn định, có chế độ bảo hiểm y tế ở nước ngoài. Những thành phần có yêu cầu bức thiết phải về Việt Nam trong thời dịch bệnh, đa số là công nhân xuất khẩu lao động, du học sinh, thậm chí có cả gần 2000 tù nhân ở Malaysia.

Siết cổ người "Việt Kẹt" trên 2000 tỷ đồng

Là những công dân yếu thế như vậy, lẽ ra họ phải được hưởng sự bảo hộ, phúc lợi quốc gia, được ưu tiên hồi hương miễn phí trong thiên tai dịch bệnh. Đó là cách ứng xử phổ biến của các chính phủ, ngay cả những nước đang phát triển như Campuchia. Thế nhưng, chỉ riêng công dân xứ thiên đường được tự hào "ngạo nghễ" đi trên các "chuyến bay giải cứu".

Núp dưới danh nghĩa cao đẹp "chuyến bay giải cứu", các doanh nghiệp câu kết với quan chức nhà nước, đã tạo ra hệ thống liên hoàn xét duyệt thủ tục, cấp phép, bán vé máy bay, tổ chức cách ly mà những người "Việt Kẹt" vì sự sống chết phải liều mình chấp nhận với giá cắt cổ. Thực chất "chuyến bay giải cứu" là cuộc cưỡng đoạt tài sản kinh hoàng với hơn 200.000 người "Việt Kẹt".

Trong giai đoạn điều tra, tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, nhấn mạnh, "theo các cán bộ điều tra, mỗi chuyến bay combo, khi trừ chi phí ra, có những chuyến có thể lợi nhuận 2 tỷ đồng/chuyến, mà có gần 2.000 chuyến bay" (1).

Lẽ ra 200.000 con người ấy với danh sách, hồ sơ, cụ thể phải là người bị hại trong vụ án và phải được tòa án nhân danh công lý hoàn trả lại cho họ những thiệt hại phải chi trả cho các khoản đưa hối lộ cho quan chức, phần lợi nhuận không tương xứng của các doanh nghiệp. Thế nhưng, thật bất ngờ khi đại án khai đao thì tòa chỉ xét xử 54 bị cáo về 5 tội danh khác nhau. Trong đó, 21 người nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng ; 23 người đưa hối lộ gần 227 tỷ đồng ; 4 người môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng ; 4 người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ ; 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 24 tỷ đồng (2).

Hành vi cưỡng đoạt tài sản công dân bị bỏ lọt và 200.000 người bị hại của vụ án bị loại trừ.

Chỉ xem xét lợi ích nhà nước và doanh nghiệp

Tại sao lạ lùng bất công như vậy ? Tiền các doanh nghiệp đưa hối lộ, môi giới hối lộ… đều được hạch toán vào vé bay giải cứu, đều là từ túi của những người "Việt Kẹt" chảy ra, vì sao không được xem xét ?

Một luật sư đã giải thích thủ thuật pháp lý được dùng trong vụ án này là : Tòa án đang xét xử các Bị cáo về các tội danh Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khách thể bị xâm phạm là trật tự quản lý đúng đắn của nhà nước. Còn tội danh Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, có khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu của Công dân, nhưng Người bị lừa đảo trong trường hợp này là Chủ các doanh nghiệp (Bị lừa đưa tiền cho Người không có khả năng chạy án, để mong được chạy án). Do đó, tài sản của Công dân "Việt Kẹt" là khoản tiền chênh lệch đã bỏ ra – Không phải là khách thể bị xâm phạm trong vụ án, nên không có căn cứ pháp luật để được trả lại tiền ngay trong vụ án này. Đó là điều chắc chắn !

Ôi trời ! Chỉ bằng cái mẹo nhỏ ấy, công lý đã phủi tay với số phận của 200.000 "khúc ruột ngàn dặm" hồi hương, bỏ lọt tội phạm "Cưỡng đoạt tài sản công dân" và số tiền lợi nhuận bất chính khổng lồ mà theo ước tính của ông Tô Ân Xô lên đến hàng ngàn tỉ !

Như vậy, tội phạm tày trời với nhân dân và lợi nhuận khủng ngàn tỷ của tập đoàn tội phạm quan chức, doanh nghiệp này được cho qua, tòa chỉ xem xét số tiền vài trăm tỷ hối lộ, môi giới hối lộ.

Nhà nước chia lại, doanh nghiệp lãi to

Số tiền các bị cáo nộp lại sẽ được giải quyết như thế nào ? Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, cho rằng : "Tất cả số tiền đưa hối lộ, số tiền gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, tiền do phạm tội mà có, thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước theo quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự" (3).

Theo tinh thần xét xử "nhân văn" hiện nay, nếu các bị cáo chịu ói ra tiền đã ngậm, gọi là "tích cực khắc phục hậu quả" thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt. Điểm mới của phiên tòa là hầu hết các bị cáo đều nhanh nhẩu nộp lại tiền để mua tội ngay từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử. Mặt khác, tòa cũng ưu ái mở rộng vòng tay tiếp nhận. Chính vì vậy đã xảy ra sự kiện vui chưa có tiền lệ là, hoãn phiên tòa cho các bị cáo nộp tiền, tương tự như cuối năm doanh nghiệp giảm giá, xả hàng tồn kho.

Sáng 17/7, theo dự kiến, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cùng 53 bị cáo. Thế nhưng, để "tạo điều kiện" cho luật sư và các bị cáo thực hiện việc "cập nhật" tiền khắc phục hậu quả, Hội đồng xét xử "chuyến bay giải cứu" tạm dừng phiên tòa (4).

Thủ thuật xử án cắt khúc và "nhân văn" lấy tiền chuộc tội này, có công minh, thượng tôn pháp luật hay không, là chuyện đáng bàn, nhưng ngân sách nhà nước sẽ thu được trên dưới trăm tỉ trong số tiền lẽ ra phải thu hồi hoàn trả cho người bị hại.

Đáng lo ngại rằng, với nền pháp luật lỏng lẻo mà ngay trong giai đoạn điều tra cả tướng lãnh, trưởng phòng điều tra, đều chạy án hàng chục tỉ đồng, có bị cáo tố ngay tại tòa là sót người, lọt tội, thì liệu giai đoạn xét xử lượng hình bỏ tiền mua tội tỉ tỉ đồng này, có phát sinh chuyện ân tình ?

Với các doanh nghiệp vi phạm thì đây là thương vụ lãi đơn, lãi kép. Số tiền khắc phục hậu quả chỉ là phần nhỏ trong số tiền họ đã cưỡng đoạt từ những khách hàng "Việt Kẹt".

Giống như chuyện ngụ ngôn cáo và chồn tranh nhau miếng thịt sư tử, phân xử bằng cách xơi trọn miếng mồi. Loại trừ quan hệ dân sự giữa khách hàng "Việt Kẹt" và doanh nghiệp, phiên tòa chỉ phân chia lại một phần số tiền mà các bị cáo đã cưỡng đoạt của người dân.

Trên Facebook cá nhân, Luật sư Đặng Bá Kỹ đã nhận xét, "vụ án hình sự xảy ra, với những khoản tiền chung chi, với những lời khai của các Bị cáo – Hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng : Đã có việc đẩy giá vé lên cao một cách bất thường, nhằm để Doanh nghiệp có những khoản tiền chung chi. Hay nói cách khác, là các Bị cáo đã có hành vi biến tài sản hợp pháp của Người dân trở thành ‘Công cụ phương tiện phạm tội’ trọng Vụ án hình sự đang xét xử nêu trên. Hiểu na ná như : A trộm xe của B, sau đó dùng xe này đi cướp giật tài sản của C, thì A phạm cùng lúc hai tội trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng chiếc xe là công cụ phương tiện phạm tội, nhưng vì là xe của B, B là bị hại trong vụ án trộm cắp, nên phải trả lại xe cho B (Giả dụ lúc đầu xe là của A thì xe này sẽ bị tịch thu)".

Khởi tố vụ án cưỡng đoạt tiền của người "Việt Kẹt" ?

Từ đó, Luật sư Đặng Bá Kỹ đưa ra 2 phương án giải quyết tình huống này như sau :

"1. Khởi tố, điều tra thêm một Vụ án về lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, mà trong đó Bị hại chính là những Hành khách đã sử dụng dịch vụ : Để áp dụng được phương án này, phải có căn cứ để chứng minh các Bị cáo đã đưa ra những thông tin gian dối, như kê khống các dịch vụ không có, hoặc nâng khống giá lên nhằm dụ dỗ Khách hàng, rằng giá vé đó là hợp lý (Hành vi khách quan của tội danh lừa đảo) hoặc có căn cứ để chứng minh các Bị cáo đã có hành vi đe dọa, uy hiếp về tinh thần, khiến cho Khách hàng cảm thấy sợ hãi, hoang mang mà miễn cưỡng chấp nhận mua giá vé cao (Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản). Lưu ý là, ở đây chúng ta mới xác định phương hướng, còn để vận dụng được, thì phải dựa trên các chứng cứ để chứng minh. Và khi những Hành khách được xác định là Bị hại, và khách thể bị xâm phạm là quyền sở hữu tài sản, thì việc trả lại tiền chênh lệch là điều hiển nhiên.

2. Khởi kiện vụ án dân sự, đề nghị Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội và bị cưỡng ép, đe dọa. Việc chứng minh giao dịch vô hiệu do trái đạo đức xã hội trong trường hợp này, có lẽ không hề khó trong tình huống này, với câu nói cửa miệng bình dân "Ăn trên xương máu đồng bào trong dịch bệnh", và chỉ cần nhiêu đó cũng đủ căn cứ pháp lý tuyên hợp đồng vô hiệu, còn việc chứng minh có hành vi cưỡng ép, đe dọa chỉ tăng thêm phần "sinh động" mà thôi. Khi Hợp đồng bị vô hiệu, hai bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, tất nhiên Khách hàng vẫn phải trả khoản tiền tương ứng với phần dịch vụ đã sử dụng. Tức sẽ chỉ được nhận lại phần tiền chênh lệch, chứ không phải nhận lại toàn bộ tiền.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, ngay cả khi áp dụng được một trong những phương án trên, thì việc thực tế có nhận lại được tiền hay không là một vấn đề bỏ ngỏ – Vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng thi hành án của các Bị cáo, tức liệu còn tiền để hoàn trả hay không. Vì về nguyên tắc, những khoản tiền các Bị cáo đã nộp lại trong Vụ án đang xét xử, là công cụ phương tiện phạm tội trong vụ án này, sẽ bị tịch thu, sung vào ngân sách, mà không có chuyện dùng để hoàn lại trong một Vụ án khác. Bởi tiền là vật cùng loại, không phải vật đặc định như ví dụ về chiếc xe nêu trên (Có số khung, số máy, biển kiểm soát, giấy đăng ký riêng), để khẳng định đó có phải là tiền mà các Bị hại trong vụ án khác đã bị chiếm đoạt hay không – Dù có niềm tin nội tâm ‘Rằng tiền này là tiền đó’ ! Tất nhiên về mặt chính sách, chủ trương, Nhà nước có thể xem xét, cân nhắc về việc điều này – Tức không dựa trên quan điểm pháp luật, mà chỉ tính đến sự nhân văn" (5).

Kiến giải của Luật sư Đặng Bá Kỹ có cơ sở pháp luật, phù hợp lòng người. Có lẽ sự sáng suốt của Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng của cụ Tổng thừa sức hiểu, thừa sức làm. Nếu đã có ý bảo vệ dân, bảo vệ sự công minh của pháp luật, không cần phải tách ra thêm vụ án thứ hai mà phải đưa hành vi cưỡng đoạt tài sản của người "Việt Kẹt" vào ngay trong vụ án này, bởi chính nó mới là bản chất của hành vi phạm tội. Mong ước đúng đắn này không bao giờ xảy ra.

Chỉ xét xử 5 tội danh trên cho thấy sự lựa chọn, quan điểm của đảng là : Mặc xác dân đen !

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 19/07/2023

Chú thích :

1. https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/trung-tuong-to-an-xo-gan-2-000-chuyen-bay-giai-cuu-co-nhung-chuyen-thu-loi-khoang-2-ty-dong-i656021/

2. https://tapchitoaan.vn/khai-mac-phien-toa-xet-xu-dai-an-cac-"chuyen-bay-giai-cuu"-voi-54-bi-cao8909.html

3. https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-nguoi-dan-co-duoc-tra-lai-tien-20230717152427002.htm

4. https://nld.com.vn/phap-luat/tam-dung-toa-vu-chuyen-bay-giai-cuu-de-bi-cao-cap-nhat-tien-khac-phuc-hau-qua-20230717090846265.htm

5. https://tinyurl.com/bd7nhca8

**************************

Phiên tòa câm

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 18/07/2023

Phiên tòa xét xử vụ "Chuyến bay giải cứu" từ ngày 11/7/2023 đang diễn ra đã thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người dân Việt Nam. Với 54 bị cáo bao gồm các quan chức ở các Nộ Ngoại giao, Y tế, Công an, Văn phòng Chính phủ cùng một số doanh nghiệp và người dân đưa hối lộ. Quy mô và mức độ phạm tội của các bị cáo trong vụ án đều đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam. Những vi phạm pháp luật, việc đưa và nhận hối lộ, mức độ trắng trợn và tàn ác đối với người dân trong đại dịch Coivid-19 đều đã bị bóc trần đến từng chi tiết. Dư luận vô cùng căm phẫn đối với giới quan chức, công chức tham nhũng trong vụ án này.

duytinh3

Quang cảnh phiên toà xét xử, sáng 11/7/2023. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tôi đã quan sát, đọc nhiều bài báo cả chính thống và mạng xã hội, những bình luận và nhận xét về phiên tòa, tôi phát hiện ra, hiện đang có một phiên tòa khác, diễn ra song song với phiên tòa này, nhưng nó hoàn toàn không có lời nói, hình ảnh nào, nó là một phiên tòa câm, nó đang xét xử chế độ này.

Gọi là phiên tòa câm xét xử chế độ bởi vì thủ phạm chính của vụ án này chính là chế độ độc tài toàn trị hiện nay. Chính chế độ này đã tạo ra những con người đang vi phạm pháp luật bị xét xử, chính chế độ này đã bắt ép những quan chức, công chức tham nhũng, vi phạm pháp luật. Đối với tôi, thủ phạm là chế độ này bởi vì nguyên nhân vụ "Chuyến bay giải cứu" có khoảng 70% là do chế độ (cơ chế của chế độ), còn lại chỉ khoảng 30% là do đích thân những người trong bộ máy thực hiện hành vi tham nhũng. Tất cả các quan chức, công chức của các ngành, các cấp được phân công triển khai thực hiện chuyến bay giải cứu đều vi phạm, đều tham nhũng. Điều đó lý giải nguyên nhân chỉ có thể là do cơ chế, chứ không thể do các cá nhân đồng loạt nổi máu tham cùng một lúc.

Gọi là phiên tòa câm xét xử chế độ bởi vì tất cả những người tham dự phiên tòa từ người lính công an nghĩa vụ dẫn giải bị cáo đi xét xử, cho tới chủ tọa phiên tòa đều biết rằng, nếu họ vào vị trí của những người bị cáo hôm này, họ cũng sẽ đang đứng trước vành móng ngựa. Hơn nữa, việc đút lót, hối lộ và tham nhũng họ vẫn đang thực hiện hàng ngày hàng giờ, chỉ khác về tính chất và mức độ so với vụ chuyến bay giải cứu mà thôi. Gọi là câm bởi vì ai cũng biết (hoặc cảm nhận được) nguyên nhân thật sự chính là do cơ chế, do chế độ này mà không một ai dám nói ra. Tất cả đều phải tránh nói về thủ phạm chính, phải lờ thủ phạm chính đi để tồn tại.

Gọi là phiên tòa câm để xét xử chế độ vì tất cả những nạn nhân của chuyến bay giải cứu đều không hề được nhắc tới, không hề có một chút quyền lợi gì trong khi họ là bị hại trong một vụ án kinh thiên động địa. Người dân biết chuyện đó, cộng đồng mạng nhắc tới chuyện đó, nhưng chế độ không hề nhắc tới. Vậy thì phiên tòa này cũng chính là xét xử chế độ theo một cách nào đó…

Gọi là phiên tòa câm để xét xử chế độ vì sau phiên tòa này, đảng cộng sản lại tiếp tục các phiên tòa khác, ở các cấp độ khác để tự hào về thành tích chống tham nhũng của mình. Đã có nhiều người thắc mắc, không lẽ đảng cộng sản không nhận ra tham nhũng xuất phát từ chế độ, từ cơ chế độc tài toàn trị. Câu trả lời có lẽ là nhận ra nhưng không có cách nào giải quyết, giải quyết là phải từ bỏ độc tài, từ bỏ quyền lực.

Sau phiên tòa này, tất cả những quan chức cán bộ của các ngành tố tụng lại quay về với đời sống thường nhật, với hối lộ, đút lót và tham nhũng nhưng phải cẩn thận và khéo léo hơn. Họ cũng như các quan chức và cán bộ ở các ngành các cấp khác đều không thể dừng việc tham nhũng lại được, bởi vì cơ chế của chế độ vẫn đang tồn tại, quán tính của việc tham nhũng vẫn đang vận hành. Tất cả đều tự nhủ, cơ chế vậy, tất cả đều làm vậy, ai đen thì sẽ bị dính đòn, không dính đòn thì vẫn còn được rao giảng đạo đức cho người dân.

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 18/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già, Gió Bấc, Nguyễn Vũ Bình
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)