Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2023

Metro Sài Gòn chừng nào trở thành hiện thực ?

Tuấn Khanh -Trần Chân Dân

Đường Metro Sài Gòn trong trí nhớ

Tuấn Khanh, RFA, 21/07/2023

Nói đến Sài Gòn, lại nhớ đến khuôn viên xanh tươi và thảnh thơi của một trung tâm đô thị. Kể từ khi có lệnh chặt cây, Sài Gòn đại tiến về một bộ mặt mới là cào sạch cây xanh, đập bỏ thương xá Tax, lấp hồ bùng binh cây liễu… hơn một thập niên, nhiều người Sài Gòn của thế hệ thương tiếc di sản miền Nam đã từ chối tham gia vào các hội hè diễn ra ở phố đi bộ. Con đường Nguyễn Huệ giờ đây mỗi ngày là chỗ bán hàng rong, tụ tập những đứa trẻ thị thành không còn nơi chốn đến rong ruỗi qua ngày, và chờ - Chờ một kết thúc cuối cùng của đại dự án metro nối từ Sài Gòn ra những vùng chung quanh, mãi dọn lấp, vẫn không thể hoàn thành.

metro1

Tại lễ ra quân đầu năm Kỷ Hợi 2019 của Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) ngày 13/02/2019, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến giao nhiệm vụ tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành – Suối Tiên phải hoàn thành trong tháng 10/2020. Ây vậy mà đến nay vẫn nằm ỳ ở đó

Tin báo chí nhà nước nói Sài Gòn đang rất kẹt tiền để làm tiếp metro, bản thân hệ thống đang làm dang dở đã kéo dài 16 năm vì thiếu vốn. Dự trù hoàn thành được hệ thống micro ở Sài Gòn với các nhánh của nó đang cần đến hơn 25 tỷ USD.

Dĩ nhiên, để có tiền thì phải được Hà Nội duyệt chi, để tạo vốn cho Sài Gòn tiếp tục thực hiện việc phát triển. Việc vay vốn nước ngoài lúc này gần như bế tắc. Nhật Bản, quốc gia hào phóng nhất cung cấp vốn ODA cho phát triển cũng đang lắc đầu, dù metro Sài Gòn do chính công ty Nhật thầu xây dựng. Vốn vay nước ngoài để tiếp tục hoàn thành metro thì ngày càng khó hơn.

Báo Tuổi trẻ bản in, ngày 21/7, ghi rằng : "Nguồn vốn rất lớn để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) này không thể chỉ trông chờ vào các khoản vay. Vậy tìm vốn ở đâu ?".

Tại hội nghị đầu tiên của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ngày 18/7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị nghiên cứu cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh vay khoảng 20 tỉ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch.

Có vốn để thực hiện các dự án này là việc đáng mừng. Tuy nhiên tìm vốn ở đâu ?

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Sài Gòn (MAUR), quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm tám tuyến đường sắt đô thị, ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài gần 220km, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25,8 tỉ USD.

Trong khi đó, ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng 16 năm qua Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm xong 20km tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là quá chậm".

Sài Gòn chậm là phải, bởi vùng đất này vẫn chưa có cơ chế được ưu tiên dùng ngân sách của mình để phát triển hạ tầng phục vụ dân sinh, khi khả năng tạo ngân sách của mình luôn dồi dào.

Ước tính năm 2022, khi cả nước vẫn đang rơi vào cơn suy thoái, vô cùng khó khăn của các doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước (có đến hơn 143.000 doanh nghiệp đóng cửa, rút vốn trong năm), thì Sài Gòn vẫn xuất sắc thu ngân sách theo yêu cầu của Trung ương là 471.562 tỷ đồng (gần 20 tỷ USD), tăng 23,6% so cùng kỳ. Năm 2023, Thành phố lại được giao chỉ tiêu thu phải ngân sách 469.375 tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng thu ngân sách cả nước, tức khả năng góp phần ngân sách của Sài Gòn rất cao, nếu không nói là cao nhất trong cả nước...

Theo nghị quyết số 70/2022 của quốc hội, thì con số phần trăm được giữ lại sau khi đã nộp ngân sách cho trung ương, thì Hà Nội được giữ lại 32%, Sài Gòn được giữ lại 21% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Theo tỷ lệ này, trong năm 2023, Hà Nội có thể được giữ lại 62.637,898 tỷ đồng và Sài Gòn được giữ lại 51.156,798 tỷ đồng (khoảng hơn 2 tỷ USD) từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách địa phương và ngân sách trung ương.

Metro Sài Gòn từng nằm trên đầu bảng ngôn từ tuyên truyền hàng đầu của thời ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là một cuộc cách mạng giải phóng bộ mặt Sài Gòn lần hai. Và được khoe khoang là sẽ xây dựng trong năm năm, biến Sài Gòn trở thành thành phố hiện đại kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ 21.

Nay mọi thứ ách tắc, chỉ đơn giản từ một lý do là không vay được vốn, và Sài Gòn cũng không có quyền để có thể tự xuất vốn của mình làm ra để có thể tự phát triển, thì việc hệ thống Metro của Việt Nam chỉ có thể hoàn thành vào khoảng 20 hoặc 25 năm, hoặc lâu nơn nữa, là hiện thực thấy rõ. Sài Gòn quả là lây lất đứng giữa ngã ba đường để tìm cách phát triển đúng tầm của mình. Mà đã 16 năm lây lất như vậy, giữa các dự án cao tốc, xe điện trên cao... đầy tốn kém vô lý, thất bại khắp cả nước bị chỉ trích, chê cười, Metro Sài Gòn vẫn là nỗi đau nhức trong trí nhớ.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 21/07/2023

**************************

Làm đường metro : lâu như con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa

Trần Chân Dân, VNTB, 21/07/2023

Tuyến Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20 km đã trễ hạn 5 năm do thiếu vốn.

metro2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng với cơ chế hiện nay thì cần 100 năm để hoàn thiện hệ thống metro.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trong hội nghị ngày 18/7 : "Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội muốn hoàn thành 8-9 tuyến metro phải mất 100 năm nữa nếu vẫn theo cách cũ". Ông cho rằng cần phải có cơ chế mới để đẩy nhanh tiến độ. Nhưng cơ chế mới có thể ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Nhưng hiện nay mới chỉ có, 2 tuyến với tổng chiều dài hơn 30 km là được triển khai từ vốn ODA. Các tuyến còn lại vẫn chưa được đầu tư.

Trong 2 tuyến đang được triển khai thì tuyến Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20 km đã trễ hạn 5 năm. Theo cơ quan chức năng thì nguyên nhân chính chậm thanh toán cho nhà thầu, nhân viên… thậm chí, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi công văn đến lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.

Theo ông bộ trưởng thì tiến độ hiện nay là quá chậm khi mãi 16 năm mà Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa làm xong 20 km tuyến Metro số 1, trong khi tuyến số 2 vẫn đang loay hoay giải phóng mặt bằng. Ông nói "Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế được vay khoản tiền khoảng 20 tỷ USD để sớm xây dựng, hoàn thành đồng bộ các tuyến metro còn lại". Ông cho rằng nếu có thể huy động được nguồn lực, khai thác các nguồn lực mới, cơ hội mới, sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh tiến trình đầu tư, thúc đẩy liên vùng cùng phát triển.

 Ngoài 20km chưa làm xong ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì Việt Nam mới chỉ có 1 tuyến metro đã hoàn thiện và đang vận hành tại Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13 km. Tuyến đường này cũng mất hơn 10 năm để có thể vận hành ; đội vốn hơn 205%, từ 8.769,97 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 9.231,62 tỷ đồng.

Nhìn sang các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan ; có thể nói hệ thống metro của chúng ta đã đi chậm hơn rất nhiều. Và bỏ lỡ nhiều cơ hội để bắt kịp sự phát triển chung cùng các nước trong khu vực.

Còn nhớ năm 2020, trong vai trò tổng bí thư kiêm tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, thu nhập cao, sánh vai cùng các cường quốc vào năm 2045. Nhưng bây giờ Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng với cơ chế hiện nay thì cần 100 năm để hoàn thiện hệ thống metro. Thì phải chăng con đường làm metro còn khó và lâu hơn con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Hay Việt Nam sẽ là một nước xã hội chủ nghĩa mà không cần hệ thống đường metro ?

Philippines : Tuyến metro đầu tiên ở thủ đô Manila thuộc sở hữu của chính phủ, được đưa vào hoạt động từ năm 1999.

Malaysia : Trong 20 năm, Malaysia đã có được hệ thống giao thông tàu điện ngầm rất tốt ở Thủ đô Kuala Lupur. Hệ thống Metro ở thủ đô được khai trương đầu tiên năm 1995 gồm 2 tuyến với 100,2km. Tuyến đường sắt 1 ray được đưa vào sử dụng cùng thời gian dài 8,6km do một công ty của Bỉ vận hành. Malaysia vẫn tiếp tục phát triển hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô và đây được xem là dự án đắt đỏ nhất của quốc qua này.

Indonesia : Dự án xe điện 1 đường ray của Indonesia tại thủ đô Jakarta đã bị huỷ bỏ năm 2008. Năm 2013 quốc gia này bắt đầu cho xây dựng tuyến Metro đầu tiên và tuyến tiếp theo vào năm 2016 và cả hai được đưa vào hoạt động năm 2019.

Thái Lan : Thái Lan có hai hệ thống metro khác nhau : xe điện trên không và xe điện ngầm bên cạnh hệ thông xe búyt đường thuỷ. Xe điện trên không ở thủ đô Bangkok (BTS) do Siemens làm và đưa vào hoạt động năm 1999 có tổng chiều dài 23km gồm 2 tuyến.

Hệ thống metro ngầm (MTR) dài 21km được bắt đầu xây dựng năm 1997 và khai trương năm 2004. 

Trần Chân Dân

Nguồn : VNTB, 21/07/2023

Quay lại trang chủ
Read 325 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)