Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2022

Vượt lên sợ hãi : Người Trung Quốc xuống đường chống phong tỏa

Gideon Rachman - Chu Lập Luân - Hiếu Bá Linh

Biểu tình chống phong tỏa đang thách thức quyền lực của Tập Cận Bình

Gideon Rachman, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 01/12/2022

Thói kiêu ngạo và độc đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến Trung Quốc rơi vào chuỗi ngày phong tỏa vô tận.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2021, Tập Cận Bình đã khoe khoang về sự thành công của chính sách zero-Covid tại Trung Quốc. Trong khi hàng triệu người chết ở những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đã "đặt người dân và mạng sống của họ lên hàng đầu… Bằng sự đoàn kết và kiên cường, chúng ta đã viết nên bản anh hùng ca chống lại đại dịch".

phongtoa1

Những huênh hoang chiến thắng đại dịch Covid-19 của Tập Cận Bình trở lại ám ảnh ông ta

Gần hai năm sau, chiến dịch của Tập nhằm mô tả quá trình quản lý đại dịch của Trung Quốc như một chiến thắng của cá nhân ông và của hệ thống đang dần sụp đổ. Làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng nhằm chống lại các chính sách zero-Covid của ông đã khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc phải mất mặt. Chúng dường như là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lãnh đạo của Tập kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 10 năm.

Một vài cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa không hồi kết của Trung Quốc thực sự đã nhắm vào cá nhân Tập. Tại thành phố Thành Đô, những người biểu tình đã hô vang : "Chúng tôi không muốn một hệ thống chính trị với một nhà lãnh đạo trọn đời. Chúng tôi không muốn có một hoàng đế".

Những khẩu hiệu này đã nêu bật vấn đề chính trị nhạy cảm nhất ở Trung Quốc hiện đại – những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một sự sùng bái cá nhân. Kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Đảng cộng sản đã cố gắng tránh tạo ra một Mao thứ hai, một nhà lãnh đạo tối cao duy nhất, người thống trị hệ thống chính trị và cả nước, và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực.

Nhưng Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ cai trị gần như của một hoàng đế. Một bước ngoặt đã xảy ra vào tháng trước, khi đại hội Đảng cộng sản bầu ông vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là người lãnh đạo đảng. Người tiền nhiệm của Tập, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bị buộc rời khỏi lễ đài ngay trước ống kính truyền hình. Thông điệp rất rõ ràng. Quyền lực của Tập là bất bại và ông sẽ cai trị suốt đời.

Giống như Mao, Tập đã biện minh cho việc nắm quyền của mình bằng cách khuyến khích tạo ra một sự sùng bái cá nhân. "Tư tưởng Tập Cận Bình" đã được ghi vào điều lệ Đảng cộng sản Trung Quốc. Việc cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xử lý thành công Covid-19 trở thành một phần quan trọng trong dòng quan điểm về ông. Một bài báo gần đây của Quốc vụ viện Trung Quốc ca ngợi khả năng lãnh đạo của Tập trong đại dịch Covid, tuyên bố rằng "Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đích thân chỉ huy, lên kế hoạch ứng phó, giám sát tình hình chung, và hành động quyết đoán".

Đúng là Trung Quốc đã ghi nhận số ca tử vong trên đầu người do Covid-19 ít hơn hẳn so với Mỹ. Nhưng cái giá của việc theo đuổi chính sách zero-Covid đang dần trở nên rõ ràng. Khi nền kinh tế bị đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã lên tới gần 20%.

Căng thẳng xã hội gây ra do phong tỏa kéo dài và lặp đi lặp lại cũng vô cùng lớn. Hai tháng phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải đầu năm nay đã trở thành tin tức trang nhất trên toàn thế giới. Một số người tin rằng đây sẽ là điểm bùng phát, buộc Tập phải suy nghĩ lại về chính sách zero-Covid của mình. Thế nhưng, thay vào đó, tại đại hội đảng, ông lại đề bạt Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường – người chịu trách nhiệm về vụ phong tỏa – lên vị trí cao thứ hai trong Đảng cộng sản. Đó là một tín hiệu cho thấy zero-Covid sẽ không có hồi kết.

Nhằm tạo ra câu chuyện chính thức về Covid-19, giới lãnh đạo Trung Quốc đã so sánh sự kiên nhẫn và tinh thần tập thể của người dân Trung Quốc với sự thiếu kiên nhẫn và chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của người dân Trung Quốc cũng đang cạn dần.

Hình ảnh những đám đông không đeo khẩu trang từ khắp nơi trên thế giới đến xem các trận đấu World Cup ở Qatar đã chứng minh cho người dân Trung Quốc thấy rằng công dân của các quốc gia khác đã thoát khỏi cái bẫy của những đợt phong tỏa vô tận. Ngược lại, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh bị hạn chế quyền tự do năm thứ tư liên tiếp.

Từng tuyên bố là người có công trong việc xử lý giai đoạn đầu của đại dịch ở Trung Quốc, Tập không thể tránh khỏi việc bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Trên hết, việc không nhập khẩu các loại vắc xin nước ngoài hiệu quả sẽ khiến việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Thất bại đó có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình – người đã khởi xướng chính sách sản xuất các công nghệ then chốt "tại Trung Quốc" (Made in China) vào năm 2015. Nhà lãnh đạo từng khẳng định mình có lòng thương dân vô bờ bến cuối cùng lại quá tự cao, không chịu nhập khẩu các loại vắc xin hiệu quả có thể bảo vệ mạng sống của người dân.

Phong tỏa zero-Covid cũng phản ánh tính cách cứng rắn và sự độc đoán bẩm sinh của Tập Cận Bình. Những người biểu tình Trung Quốc đã nhận ra rằng các công nghệ được phát triển để theo dõi hành vi của người dân – dưới danh nghĩa để chống dịch – có thể tồn tại rất lâu sau đại dịch, rồi trở thành một phương pháp kiểm soát chính trị và xã hội lâu dài và tinh vi.

Nói rộng hơn, những thất bại của Tập trong đại dịch Covid-19 là những thất bại đặc trưng của một chế độ chuyên chế, vốn trao quá nhiều quyền lực và thẩm quyền vào tay một lãnh đạo duy nhất. Khi nhà lãnh đạo chuyên chế đưa ra một quyết định tai hại – như Vladimir Putin đã làm khi xâm lược Ukraine – thì hệ thống cũng không thể thay đổi hướng đi, bởi vì nhận định của nhà lãnh đạo là điều không thể bị chất vấn. Giờ đây, một hình mẫu tương tự đang xuất hiện ở Trung Quốc.

Thời điểm người biểu tình xuống đường luôn là thời điểm cực kỳ nguy hiểm đối với một nhà lãnh đạo chuyên chế. Thật không may, dường như, theo bản năng, Tập sẽ đáp trả bằng vũ lực và đàn áp. Đó là cách ông đã đối phó với các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 – và đó là cách Đảng cộng sản đã đàn áp phong trào sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Phản ứng đó có thể có hiệu quả ở Trung Quốc – và cho đến nay, ở Nga, Iran, và Belarus. Nhưng câu chuyện được thêu dệt cẩn thận về trí tuệ và quyền lực của Tập Cận Bình sẽ không thể tiếp tục tồn tại sau khi chính sách zero-Covid của ông sụp đổ.

Gideon Rachman

Nguyên tác : "Xi Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt him, "Financial Times, 28/11/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/12/2022

*************************

Biểu tình lan rộng ở Trung Quốc, Hà Nội đối mặt với mối nguy nào ?

Chu Lập Luân, RFA, 29/11/2022

Trung Quốc hỗn loạn

Hơn một tháng sau Đại hội XX, Đảng cộng sản Trung Quốc bất ngờ chứng kiến một làn sóng phẫn nộ bùng lên từ mấy ngày nay. Tại hàng chục thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Trùng Khánh, người biểu tình đòi tự do đi lại và chấm dứt các đợt phong tỏa không hồi kết trong phòng chống Covid-19 [1].

phongtoa2

Người dân cầm giấy trắng phản đối chính sách Không Covid ở Trung Quốc trong một cuộc tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Urumqi tại Đại học Hong Kong hôm 29/11/2022 Reuters

Cho đến ngày 27/11, các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế vì đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã bước sang đêm thứ hai và lan sang các thành phố lớn như Bắc Kinh. Người biểu tình đã tập hợp ở thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải, một số hô vang thông điệp yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng cộng sản Trung Quốc phải từ chức. Hàng nghìn người đã tập hợp tại Thượng Hải vào cuối tuần qua.

Mọi người đã đổ xuống đường phố ở các thành phố lớn và tập trung trong khuôn viên của các trường đại học trên khắp Trung Quốc, tạo thành một làn sóng phản đối chưa từng thấy trên toàn quốc kể từ sau khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 bị dập tắt.

Các lực lượng an ninh Trung Quốc hôm 28/11 đã xuất hiện dày đặc trên các đường phố của Bắc Kinh và Thượng Hải sau khi xuất hiện những lời kêu gọi trên mạng về việc tổ chức một đêm biểu tình nữa để yêu cầu quyền tự do chính trị và chấm dứt các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19.

Sự việc bắt đầu với một vụ hỏa hoạn gây thương vong vào tuần trước ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tân Cương, là chất xúc tác khiến công chúng phẫn nộ, khi nhiều người đổ lỗi cho việc phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 đã cản trở các nỗ lực cứu hộ.

Chính sách "Không Covid" của Tập Cận Bình, quy định cách ly tất cả những người mắc bệnh, đã giúp giữ cho số ca mắc bệnh của Trung Quốc thấp hơn so với Mỹ và các nước lớn khác. Tuy nhiên, chính sách này đã khiến hàng triệu người phải ở trong nhà suốt bốn tháng qua và một số người đã phàn nàn về việc thiếu nguồn cung thực phẩm và y tế.

Đảng cộng sản Trung Quốc tháng trước đã hứa hẹn sẽ khắc phục tình trạng gián đoạn này bằng cách thay đổi quy định cách ly và các quy tắc khác. Tuy nhiên, công chúng ngày càng mất kiên nhẫn sau khi số ca mắc tăng đột biến khiến các thành phố phải thắt chặt kiểm soát. Ngày 28/11, số ca mắc mới hằng ngày đã tăng lên 40.347 trường hợp, trong đó có 36.525 ca không có triệu chứng [2].

Người dân bất mãn

Kể từ sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, chưa từng có nhiều người Trung Quốc chấp nhận nguy cơ bị bắt giữ và bất chấp hậu quả để xuống đường biểu tình như lần này. Bates Gill, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Chính sách Asia Society, nhận định : "Trong suốt 10 năm cầm quyền của Tập Cận Bình, đây là lần thể hiện bức xúc công khai và lan rộng nhất của người dân đối với chính sách của chính phủ" [3].

Sự bất mãn của công chúng với chính sách "Không Covid" của Tập Cận Bình, thể hiện trên mạng xã hội, áp phích trong các trường đại học hoặc các cuộc biểu tình, là thách thức đối nội lớn nhất của Tập Cận Bình kể từ cuộc biểu tình năm 2019 ở Hong Kong nhằm chống lại dự luật dẫn độ.

Các nhà phân tích cho biết mặc dù các cuộc biểu tình khiến Tập Cận Bình bối rối, nhưng chúng không thể lật đổ được ông ta, bởi vì Tập Cận Bình có toàn quyền kiểm soát đảng, quân đội, bộ máy an ninh và tuyên truyền.

Như thường lệ, Bắc Kinh đã cáo buộc "các thế lực có động cơ ngầm" đã tìm cách liên kết vụ hỏa hoạn với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Tại một khu vực ở trung tâm kinh tế của Thượng Hải, nơi những người biểu tình tụ tập hồi cuối tuần trước, nhiều người đã chứng kiến cảnh sát đã dẫn giải hai người đi.[4] Bộ máy kiểm duyệt không gian mạng của Trung Quốc cũng tìm cách loại bỏ các dấu hiệu của các cuộc biểu tình do phương tiện truyền thông xã hội phát động.

Sau Đại hội XX, Tập Cận Bình đã ở đỉnh cao quyền lực, khi tái nhiệm với tư cách là lãnh đạo đảng và tổng tư lệnh quân đội, đồng thời bổ nhiệm các thân tín của mình vào tất cả các vị trí quan trọng trong đảng. Các lãnh đạo từng bày tỏ quan điểm trái ngược hoặc quản lý theo phong cách khác với Tập Cận Bình đều không được trọng dụng. Mặc dù sự sắp xếp "độc đoán" này cho phép Tập Cận Bình tập trung quyền lực hơn, nhưng nó cũng cho thấy những vấn đề bất ổn nội tại trong xã hội Trung Quốc mà các cuộc biểu tình đã phơi bày phần nào.

Ngay trong thời gian đang diễn ra Đại hội XX, tại cầu Tứ Thông (Sitong), một người biểu tình đơn độc đã treo một biểu ngữ lên án Tập Cận Bình trước khi bị bắt giữ.

Mặc dù hầu hết những người biểu tình lần này chỉ quan tâm đến việc phản đối chính sách phong tỏa các khu dân cư hoặc bỏ việc xét nghiệm vi-rút thường xuyên. Nhưng cũng có một số người biểu tình hô vang "đả đảo Tập Cận Bình, đả đảo Đảng cộng sản Trung Quốc". Nhiều sinh viên Đại học Thanh Hoa đã giơ cao một tờ giấy trên đó có in một phương trình của Milton Friedman, theo một số người giải thích đó là một cách chơi chữ. Friedman đọc gần giống như "free man" (người tự do) [5].

Thế nhưng, không đơn giản chỉ là tên gọi của Milton Friedman giống cách gọi "người tự do". Milton Friedman đã từng đến Trung Quốc vài lần trước đây và ông ta cũng rất được chào đón ở Trung Quốc khi đó. Một phương châm nổi tiếng của Milton Friedman nói với lãnh đạo Trung Quốc khi nước này muốn chuyển sang kinh tế thị trường, đó là "Free to choose", có nghĩa là "tự do chọn lựa" [6]. Điều này cũng mang hàm ý rất lớn trước việc người dân Trung Quốc không được tự do chọn lựa cuộc sống của họ, lãnh đạo của họ…

Lance Gore, một chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Đông Á ở Singapore, nhận định : "Với việc xung quanh chỉ toàn kẻ nịnh hót, Tập Cận Bình đã tự nhốt mình trong vòng vây của những lời nịnh bợ, điều này có thể khiến ông đánh giá thấp hoặc không cảm nhận được các tác động tiêu cực mà người dân đã phải chịu đựng từ chính sách ‘Không Covid’" [7].

Hà Nội nghĩ gì ?

Tất cả các báo chí chính thống của Việt Nam đều im bặt trước các cuộc biểu tình phản kháng này ở Trung Quốc. Nhiều người đã dí dỏm so sánh là nếu như báo chí Việt Nam tấp nập đưa tin về những cuộc biểu tình ở Châu Âu hoặc ở Mỹ, thậm chí khoét sâu những khía cạnh mâu thuẫn xã hội ở những quốc gia này, nhưng đối với Trung Quốc thì báo chí cách mạng lại vờ như không thấy gì.

Chúng ta còn nhớ trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng này của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên Việt - Trung đã đưa ra một Tuyên bố chung, trong đó có đoạn : "…thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chống khủng bố, chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu"…" [8].

Thể chế của Hà Nội là sao chép từ Bắc Kinh. Kể cả tư duy "diễn biến hoà bình" hay "cách mạng màu" cũng học hỏi từ quan thầy Trung Quốc. Mặc dù ngay trong lòng xã hội các nước phương Tây cũng vẫn còn đầy rẫy những bất bình, mâu thuẫn. Nhưng tại các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, những bất bình và mâu thuẫn xã hội còn trầm trọng hơn rất nhiều lần. Nhưng chính quyền vờ như không thấy. Một mặt chính quyền dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình để "vú cả lấp miệng em", mặt khác, họ dùng quân đội, công an để đàn áp, bắt bớ những người dân dũng cảm lên tiếng phản kháng.

Các cuộc biểu tình vừa qua cho thấy, kể cả việc kiểm soát chặt chẽ xã hội như ở Trung Quốc, thì sự bất bình và các mâu thuẫn xã hội cũng không dễ bị dập tắt bằng bạo lực. "Tức nước thì vỡ bờ", chính vì vậy, đây cũng là bài học để chính quyền và Đảng cộng sản Việt Nam cần phải nghiêm túc học hỏi.

Theo thông tin từ báo chí chính thống thì nền kinh tế Việt Nam đang có những con số đầy ấn tượng. Tỷ lệ tăng trưởng GDP ở mức cao, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp. Mọi chỉ số chính quyền đưa ra đều đẹp như mơ, nhưng thực tế thì nền kinh tế Việt Nam đang tổn thương nghiêm trọng. Việc người dân phải chật vật xếp hàng mua xăng gần đây là một biểu hiện cho thấy việc điều hành nền kinh tế đang có rất nhiều lỗ hổng.

Ngoài ra, các cuộc thanh trừng chính trị gần đây như bắt bớ lãnh đạo các tập đoàn Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát… đã bồi thêm vào nền kinh tế Việt Nam những vết thương chí mạng. Trong tình trạng kinh tế khó khăn này, những người nghèo luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Chính vì vậy, cần phải công khai minh bạch các thông tin cần thiết, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ với sự tham gia phản biện của đông đảo người dân và các tổ chức xã hội dân sự thì mới có thể đưa đất nước phát triển theo hướng đúng đắn.

Nếu Hà Nội chỉ noi gương Bắc Kinh trong việc đàn áp, bắt bớ, luôn đổ lỗi các bất đồng và mâu thuẫn trong xã hội chỉ là "diễn biến hoà bình", "cách mạng màu", chối bỏ những vấn đề thực sự bất ổn trong đời sống của người dân thì chắc chắn sẽ có một ngày người dân sẽ đứng lên phản kháng. Và khi đó thì liệu Đảng cộng sản có còn tồn tại được hay không ?

Chu Lập Luận

Nguồn : RFA, 29/11/2022

Tham khảo : 

[1] https://www.chinatalk.media/p/chinas-protests-harbinger-or-passing?utm_source=post-email-title&publication_id=4220&post_id=87183423&isFreemail=true&utm_medium=email

[2] https://tuoitre.vn/vi-sao-trung-quoc-van-tiep-tuc-3-kien-dinh-trong-chong-dich-covid-19-20221128225002462.htm

[3] https://www.reuters.com/world/china/china-protests-highlight-xis-covid-policy-dilemma-walk-it-back-or-not-2022/11/28/

[4] https://www.thestar.com.my/aseanplus/aseanplus-news/2022/11/28/police-detain-two-people-at-shanghai-protest-site-afp

[5] https://www.news.com.au/finance/economy/riots-erupt-in-china-after-deadly-lockdown-building-fire/news-story/bb837a2bcf0b968137a159be69b976ec

[6] https://www.cato.org/policy-report/september/october-2017/little-known-story-milton-friedman-china

[7] https://www.reuters.com/world/china/china-protests-highlight-xis-covid-policy-dilemma-walk-it-back-or-not-2022/11/28/

[8] https://baochinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-102221101184708373.htm

****************************

Đây là người làm " nổ " ra các cuộc biểu tình ở Trung Quốc

Hiếu Bá Linh, VNTB, 01/12/2022

Vào ngày 13/12/2022, trước thềm Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc, người đàn ông này giương hai biểu ngữ trên cây cầu Tứ Thông (四通), một trục đường giao thông quan trọng ở Bắc Kinh, yêu cầu luận tội Tập Cận Bình, bãi bỏ chính sách ‘Không Covid’ và đòi hỏi các quyền cơ bản nhất của con người như quyền tự do và quyền tự quyết định.

phongtoa3

Bành Lệ Pháp giương hai biểu ngữ trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh yêu cầu yêu cầu luận tội Tập Cận Bình, bãi bỏ chính sách ‘Không Covid’ và đòi hỏi các quyền cơ bản nhất của con người

Người này đã bị bắt ngay lập tức, nhưng hành động của ông ta đã gây ra một cơn bão mà ngay cả cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc cũng không thể chế ngự được nữa, mặc dù kiểm duyệt gắt gao bất kỳ bình luận nào có thể đề cập đến vụ việc này, ngay cả việc đăng Cầu Tứ Thông, nơi xảy ra vụ việc, có thể khiến tài khoản mạng xã hội của một người bị cấm vĩnh viễn.

Người ta không biết nhiều về người đàn ông này ngoài tên của anh ta là Bành Lệ Pháp (彭立), hay còn được gọi là Bành Tại Châu (载舟), được cho là một nhà vật lý.

Theo tin tức mới nhất, để giảm bớt tác động của vụ này, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ đưa Bành Lệ Pháp vào bệnh viện tâm thần trong thời gian tới và sẽ không xét xử công khai.

Biểu tình chống chính sách Zero Covid

Trung Quốc đang có một cuộc cách mạng với các cuộc biểu tình nổ ra toàn quốc và lớn nhất kể từ nhiều thập niên sau biến cố Thảm sát Thiên An Môn.

Chính sách zero-covid đã đẩy người dân bình thường và nền kinh tế đến giới hạn cuối cùng.

1. Biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ cầu Tứ Thông tại Bắc Kinh ngay trước nhiệm kỳ thứ 3 của Tập Cận Bình từ Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Một người biểu tình đơn độc dũng cảm thắp sáng cây cầu và giương biểu ngữ vẽ tay khổng lồ yêu cầu ‘chấm dứt chính sách Zero covid và Tập từ chức’

2. Sau đó, tình hình vẫn êm dịu trong nhiều tuần kể từ tháng 10, vì mọi người đều hy vọng sau khi Tập đã khẳng định nắm quyền lâu dài của mình sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, ông ta sẽ nới lỏng Chính sách Zero-Covid.

Nhưng hy vọng đã bị đóng băng khi làn sóng phong tỏa mới lại được tiếp tục công bố vào tháng 11. Và lửa bắt đầu bùng cháy.

3. Cuộc biểu tình lớn đầu tiên bắt đầu tại nhà máy sản xuất iPhone khổng lồ ở Trịnh Châu.

Hàng trăm công nhân tuần hành, với một số người phải đối đầu với những người mặc bộ đồ bảo hộ và cảnh sát chống bạo động.

Những người phát hình trực tiếp các cuộc biểu tình cho biết các công nhân đã bị cảnh sát đánh đập.

4. Làn sóng thứ hai bắt đầu từ Tân Cương, Trung Quốc.
Urumqi rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phong tỏa Covid sau vụ hỏa hoạn chết người.

5. Tác động từ cuộc biểu tình ở Urumuqi, ngày 26/11/2022 hàng ngàn người biểu tình từ Thượng Hải đã tập trung tại đường Wurumuqi để tưởng niệm các nạn nhân vụ hỏa hoạn Tân Cương. Hàng chục người bị bắt.

Ngày hôm sau, cuộc biểu tình tiếp tục đòi thả người bị bắt.

6. Các cuộc biểu tình lan nhanh khắp Trung Quốc đến nhiều thành phố hơn như Bắc Kinh, Vũ Hán, Quế Lâm, Thành Đô và nhiều nơi khác nữa

Hiếu Bá Linh

Nguồn : VNTB, 01/12/2022

CNN: https://edition.cnn.com/2022/11/26/china/china-protests-xinjiang-fire-shanghai-intl-hnk/index.html

BBC :https://cnbc.com/2022/11/27/shanghai-hit-by-covid-protests-as-anger-spreads-across-china.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gideon Rachman, Nguyễn Thị Kim Phụng, Chu Lập Luân, Hiếu Bá Linh
Read 233 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)