Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2022

CPC : Hà Nội khó chối cãi không có vi phạm tự do tín ngưỡng ở Việt Nam

BBC - Nguyễn Hữu Liêm

Giới hoạt động chào đón việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo

RFA, 06/12/2022

Một số nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (Special Watch List- SWL) vì đàn áp tôn giáo là một biện pháp hữu ích cho tự do tôn giáo ở quốc gia Đông Nam Á này.

cpc1

Người đi lễ chùa tại Chùa Cầu Đông, Hà Nội hôm 26/5/2021 (minh họa) - AFP

Ngày 2/12 vừa qua, Ngoại trưởng Antony Bliken công bố quyết định đưa Việt Nam cùng với bốn quốc gia khác vào SWL vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập luận rằng mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở các nước trong danh sách này chưa đến mức phải đưa vào danh sách Quốc gia Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concern- CPC), nhưng sẽ bị theo dõi sát sao về hồ sơ tự do tôn giáo, và nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định CPC.

Hoa Kỳ quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam

Thượng toạ Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu, thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) về quyết định trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ :

"Tôi thấy rất là vui khi thấy một sự tiến bộ, đó là Hoa Kỳ quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam".

Vị thượng toạ này cho biết trong vài năm gần đây, chính quyền ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tiếp phá hủy cơ sở Phật giáo độc lập ở địa phương này như phá chùa Pháp Biên ở xã Phước Thuận hay chiếm cổng chùa Phước Bửu, phá hủy tịnh thất Đạt Quang ở xã Bầu Lâm, và gần đây nhất là phá hủy nhà khách của chùa Thiên Quang.

Nhà hoạt động về tự do tôn giáo Nguyễn Văn Ân, một giáo dân từ giáo xứ Kẻ Gai (Nghệ An) nhưng đang tỵ nạn ở Thái Lan bình luận về động thái mới nhất của phía Mỹ :

"Với thành tích đàn áp có tính hệ thống và liên tục trong thời gian vừa qua của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lên các tôn giáo thì tôi nghĩ đây là việc cần làm và đáng lẽ phải làm sớm hơn để buộc Việt Nam phải thay đổi và hạn chế các đàn áp đó".

Theo ông, việc đưa Việt Nam vào SWL sẽ buộc chính quyền do Đảng cộng sản lãnh đạo nới lỏng các biện pháp đàn áp tôn giáo để tránh bị Hoa Kỳ đưa vào CPC, vốn đi cùng với những chế tài nghiêm khắc dành cho nhà nước, quan chức trực tiếp vi phạm và cả thân nhân của họ.

"Chắc chắn Việt Nam sẽ phải thay đổi vì nếu không thì có thể bị đưa vào CPC bất cứ lúc nào",- ông Ân nói.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn thận trọng trong đánh giá về kết quả của quyết định mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm Hội thánh Chuồng Bò thuộc Tin Lành không hoàn toàn lạc quan về hồ sơ tự do tôn giáo của Việt Nam trong tương lai. Ông bày tỏ :

"Tôi rất vui khi đón nhận thông tin trên. Tuy nhiên, tôi nghĩ các biện pháp trên của Hoa Kỳ rất tốt nhưng có lẽ không thể buộc Việt Nam cải thiện tình trạng tự do tôn giáo".

Ông nhận xét rằng tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và tinh vi, mang tính hệ thống. Từ sau 1975, các nhóm tôn giáo bị đưa Nhà nước tìm cách quản lý, đưa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam- cánh tay nối dài của Đảng.

Theo ông, lý do chưa thể buộc Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền, trong đó có hồ sơ tự do tôn giáo, là thiếu chế tài để trừng phạt. Ông cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ cần có biện pháp cụ thể để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.

"Nếu như Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ chỉ đối thoại về nhân quyền với Việt Nam mà không có các chế tài xứng đáng thì tôi nghĩ Việt Nam không thay đổi hồ sơ tự do tôn giáo tín ngưỡng".

Đồng quan điểm với mục sư Nguyễn Mạnh Hùng là Hoà thượng Thích Không Tánh, người trụ trì chùa Liên Trì ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng bị chính quyền địa phương phá hủy từ năm 2016. Hoà thượng nói với RFA :

"Theo tôi, Việt Nam là nước vi phạm quyền tự do tôn giáo nặng nề và liên tục. Phải lưu ý đặc biệt vì nếu chỉ nhìn thoáng bên ngoài thì họ vi phạm nhưng họ che đậy".

Hoà thượng Thích Không Tánh cho biết sau khi chùa Liên Trì mà ông trụ trì bị phá nát, ông phải đi tu nhờ ở nhiều chùa khác nhưng ông vẫn bị theo dõi chặt chẽ, nhất là trong những sự kiện tôn giáo.

Vị hoà thượng này cho biết Nhà nước Việt Nam biết cách che giấu vi phạm nhân quyền để đạt được mục đích. Trước năm 2007, để được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách CPC và vào tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), chính quyền thả một số tù nhân lương tâm và khôn khéo làm như có tự do tôn giáo nhưng khi đã đạt mục đích rồi thì lại vi phạm.

Theo ông, sau hành động mới nhất của Mỹ, chính quyền Việt Nam có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát việc thực hành tôn giáo, nhưng đến một lúc nào đó thì lại siết chặt vì bản chất của chế độ cộng sản là muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả tự do tôn giáo.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ để đề nghị bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Báo đài nhà nước Việt Nam đến nay hoàn toàn không nhắc gì đến việc nước này bị theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo.

Cần làm gì để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ tự do tôn giáo ?

Theo nhà hoạt động Nguyễn Văn Ân, các nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo, các tổ chức nhân quyền, các nhóm tôn giáo và đặc biệt là nạn nhân của đàn áp tôn giáo phải tiếp tục báo cáo các vi phạm của Việt Nam trong lĩnh vực này lên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác.

"Cần lập những hồ sơ vi phạm nghiêm trọng, và tạo cơ hội để các nạn nhân có thể làm nhân chứng tiếp xúc trực tiếp với quốc tế.

Bên cạnh đó thì các cộng đồng bị bách hại, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân bảo vệ nhân quyền cần can đảm, mạnh mẽ lên tiếng khi tình trạng đàn áp bị xẩy ra, để có thể nhanh chóng báo động với quốc tế".

Hoà thượng Thích Không Tánh, Thượng toạ Thích Vĩnh Phước, và Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho biết họ thường xuyên viết báo cáo vi phạm tự do tôn giáo mà họ hoặc nhóm của họ trải qua lên các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam và các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Cả ba vị chức sắc tôn giáo trên đều là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam. Nhiều lần nhóm này đã gặp đại diện ngoại giao của Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Đức, Anh, Canada, Úc, và Phái đoàn Liên minh Châu Âu để phản ánh tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Nguồn : RFA, 06/12/2022

*************************

Mỹ đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì 'vi phạm nghiêm trọng' tự do tôn giáo

BBC, 04/12/2022

Ngay phần đầu của thông cáo ngày 02/12, Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu.

tongiao1

Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Thông cáo ngày 02/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' về quyền tự do tôn giáo

Cụ thể, trong thông cáo ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (Special Watch List). 

"Hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo".

Với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước bị Mỹ đưa vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.

Hin Vit Nam chưa đưa ra phn hi chính thc v thông cáo này ca chính ph M. Trước đó, Vit Nam luôn khng định t do tôn giáo là "sự thật không thể xuyên tạc" .

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ba nội dung quan trọng liên quan đến quyền tự do tôn giáo :

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.

Gần đây nhất, ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo - một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa công nhận trước năm 1975 - vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Kết qu, tòa đã y án đối vi ông Lê Tùng Vân 5 năm tù và năm bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác vào Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin (Freedom of Religion or Belief Victims List) toàn cầu.

Có tự do tôn giáo qua phiên phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai ?

tongiao2

Năm 2022 nổi bật nhất là vụ bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai - một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết sau phiên tòa phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án

Ngay sau phiên xử phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai vào ngày 02 - 03/11 vừa qua ở Long An, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC News tiếng Việt :

"Trong phiên tòa ngày 02 và 03/11/2022, thì chiều ngày 02/11/2022, khi tự bào chữa, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên có cho rằng quyền tự do tôn giáo của ông ấy không được tôn trọng".

"Tôi nghĩ, nguyên nhân từ việc ông ấy và các thành viên của Thiền Am vốn là những người tu hành tại gia theo cách mà họ cảm nhận về đức Phật, họ không theo đạo Phật và cũng không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng lại bị bên bị hại là ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh là Thích Nhật Từ tố cáo rằng họ giả tu, giả chùa, giả sư nên bức xúc phát ngôn như thế".

V vic ch ta Hi đồng xét x liên tc ngt li và ct c công an đứng xung quanh các b cáo khi nói li sau cùng, Lut sư Mnh cho rng quyn ca các b cáo đã không được bo đảm.

"Căn cứ theo quy định tố tụng hình sự, trong phần tranh luận, khi đối đáp thì các bị cáo được tham gia. Tuy nhiên, trong phiên tòa vào chiều ngày 03/11, vị chủ tọa tuyên bố cắt phần này, cho nên, cả năm luật sư đều đứng dậy đề nghị Hội đồng xét xử tôn trọng quyền đối đáp của các bị cáo do luật pháp quy định.

"Theo đó, năm luật sư đều không có ý chống lại quyết định của chủ tọa mà chỉ đang bảo vệ quy định luật pháp và quyền của thân chủ mình mà thôi. Sau đó, đến phần nói lời sau cùng thì chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời của bị cáo và yêu cầu họ chỉ được nói theo gợi ý của chủ tọa. Điều này, rất tiếc, lần nữa, quyền của các bị cáo lại không được bảo đảm".

Tr li BBC News tiếng Vit, "liu phiên phúc thm va qua có phi là mt ví d v phiên tòa b túi Vit Nam hay không", Lut sư Mạnh nhận định :

"Tôi không rõ đây có phải là phiên tòa bỏ túi hay không. Nhưng cân nhắc về thời gian nghị án và thời gian tuyên bản án rất dài như vậy, dễ làm cho người theo dõi phiên tòa cho rằng đây là một phiên tòa bỏ túi".

Ông Mạnh cũng cho biết sau phiên phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.

"Đối với tội danh mà tòa án đã xét xử theo điều 331 Bộ luật hình sự, thì thân chủ chúng tôi đang cân nhắc về việc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án".

"Thậm chí, tái thẩm vì các chứng cứ mà luật sư nộp bổ sung trong phiên tòa phúc thẩm đã chưa được xem xét. Đồng thời, với tội danh theo điều 174 Bộ luật hình sự về 'Lừa đảo', thì chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị để tham gia vào quá trình điều tra vụ án".

'Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội'

tongiao3

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 9, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Ngày 29/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định :

"Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc "Hộ Quốc, an Dân" ; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Trong những năm qua, với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", tiếp nối dòng chảy của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Giáo hội đã luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc, hết lòng phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Phát biểu tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bế mạc ngày 29/11, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói về tự do tôn giáo như sau :

"Bên cạnh đó, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay".

Ông Phúc cũng nhấn mạnh lại đường hướng hành đạo là "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam :

"Với đường hướng hành đạo là 'Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội', Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc".

"Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc".

Trong mtbài viết trên BBC News tiếng Việt vào tháng Hai năm nay, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm nêu nhận định của ông về 'Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo' ở Việt Nam như sau :

"Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền. Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.

Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay".

Nguồn : BBC, 04/12/2022

**************************

Có phải cả Phật giáo và Đảng cộng sản đều 'đang khủng hoảng'

Nguyễn Hữu Liêm, BBC, 18/02/2022

Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam, dù không chính thức, nhưng Đảng cộng sản đã coi Phật giáo như quốc giáo.

tongiao4

Chùa Bài Đính - hình minh họa

Các biểu hiện suy thoái của đạo Phật là văn hóa tôn giáo nặng về hình thức và lễ nghi, trong khi nội dung đạo học và tu chứng dần khô cạn. Tôi nhận thấy một mặt ở Việt Nam số tăng sĩ thì rất đông, chùa chiền lớn và nhiều, nhưng mặt khác, đời sống tinh thần trong xã hội đi theo giáo lý thì nông cạn và thậm chí có nhiều nơi đang thoái hóa.

Đây không phải là lần đầu trong lịch sử Việt Nam khi Phật giáo đi vào khủng hoảng. Cuối đời nhà Lý và Trần, hai triều đại mà Phật giáo là quốc giáo, cũng đã trải qua sự thoái trào như hiện nay. Có phải lịch sử Việt Nam đi song hành và chia chung số phận với đạo Phật ?

Nhìn vào hiện tình chính trị công quyền và tôn giáo, ta phải hỏi, tại sao Phật giáo có vẻ như gần gũi với người cộng sản và chế độ này hơn là các tôn giáo khác, như Thiên Chúa giáo chẳng hạn ?

Tạm gác qua các yếu tố lịch sử, ở đây chúng ta hãy thử cùng suy nghiệm về hiện trạng đạo Phật từ góc độ tôn giáo - nhấn mạnh về bản sắc giáo lý và phương cách tiếp cận trong bối cảnh văn hóa và con người Việt Nam đương đại - nhằm tìm hiểu bản sắc quan hệ nầy trong những thay đổi và chuyển tiếp của Phật giáo và của Đảng cộng sản.

Cung nhịp thay đổi và chuyển hóa tôn giáo trên thế giới

Mọi tôn giáo đều phải được thay đổi theo thời tính và trình độ ý thức quần chúng. Thiên Chúa giáo qua hai ngàn năm lịch sử đã trải qua nhiều giai đoạn phân hóa, cải cách, chuyển hướng. Phật giáo cũng thế.

Mọi biểu tượng Thần đế hay Chúa, Phật, đều là hiện thân cho một bản sắc Ngã thức. Tôn giáo, từ chiều sâu vốn là một mệnh lệnh đạo lý siêu hình, muốn truyền trao một nội dung thông điệp khế cơ -thích ứng. Nó như một công thức toán học cao cấp trình bày bằng những biến số thích hợp cho trình độ của khối quần chúng liên hệ.

Ngoại trừ ở các quốc gia đang phát triển, Thiên Chúa giáo tồn tại cho đến cuối thế kỷ 20 và đang đi vào giai đoạn tàn lụi, nhất là ở các quốc gia Tây Âu tiên tiến. Ở Nam Mỹ, ví dụ Columbia, theo những khảo sát gần đây, quốc gia này đã mất đi một nửa số lượng tín đồ Công giáo theo hệ phái La Mã.

tongiao5

Đi lễ ở chùa Ngọc Hoàng, Sài Gòn

Phật giáo khắp Á Châu cũng đang đi vào một giai thời "Mạt pháp" trong các quốc gia mà quần chúng Phật tử đang chuyển hóa Ngã thức theo khung tham chiếu Tây phương thuần lý tính. Hàn Quốc là một thí dụ điển hình. Cách đây 50 năm, ở quốc gia ấy, Phật giáo vốn là quốc giáo, nay thì hơn nửa tín đồ Phật giáo đã cải đạo theo Thiên Chúa giáo trong các hệ phái Tin lành.

Tuy nhiên, hiện tượng suy vong hay hưng thịnh của đạo Phật, ở Hàn Quốc, Việt Nam hay trên thế giới, nhất là ở Á Châu, vẫn còn dung chứa nhiều chiều hướng mâu thuẫn và đối nghịch lẫn nhau.

Ở các quốc gia Đông Nam Á, chẳng hạn, đạo Phật bị phân hóa làm hai ngã chính :

Một đằng là sự bình dân hóa cho khối quần chúng mang trình độ tự ý thức thấp kém, một đằng kia thì nó trở nên một thể dạng trí thức hóa giáo lý nhà Phật thành một hệ thống triết học cao cấp dành cho tầng lớp trí thức ưu việt.

Theo nguyên lý Ấn giáo thì khối Phật giáo bình dân đi theo chiều hướng Tịnh độ, tức là Bhakti Yoga, nhấn mạnh đến cứu độ và sức mạnh huyền nhiệm ngoại thân.

Khối Phật giáo trí thức, trái lại, coi vấn đề nhận thức luận (epistemology) là điểm quan yếu. Họ xem đạo Phật chỉ như một triết lý sống, một con lộ trí tuệ cho cá nhân. Đây là con đường Jnana Yoga trong truyền thống Ấn giáo.

Cả hai khuynh hướng trên đang duy trì đạo Phật ớ hai bình diện : Một là từ góc độ xã hội và văn hóa bình dân ; Hai là vế triết học cho sinh hoạt tri thức của giới trung lưu. Giới sau coi trọng việc hành Thiền như một công việc đối trọng với cuộc sống, như là phép chữa bệnh lý căng thẳng trong đời sống đô thị thời công nghệ kỹ thuật nhiều sức ép.

Phật giáo ngày nay, ở Á Châu hay Việt Nam, do vậy, hiện diện trong xã hội và trong tâm tưởng con người một cách bàng bạc nhưng thiếu trật tự tổ chức cũng như là năng lực giáo lý. Nó là biểu dấu của một tôn giáo đang suy tàn, đang trở nên một nội dung văn hóa hơn là một tôn giáo như ở các tôn giáo khác.

Khi trí thức, chuyên gia, giới trung lưu, không còn đến chùa ; khi cơ sở chùa chiền, niệm Phật đường bị bình dân hóa với nhiều hình thức phong hóa mê tín, đạo Phật đã mất hết năng lực tinh hoa của nó để chỉ còn là những biến dạng nặng về lễ nghi và hình thức.

Đạo Phật ở Âu Mỹ và những nhược điểm cơ bản

Trong khi đó, ở các nước Âu Mỹ, nơi trình độ tự ý thức của quần chúng đã lên đến nấc thang khá cao, đức tin trong đạo Chúa giảm hơi men, thì Phật giáo, nhất là phân nhánh Tây Tạng, lại đang được một số đông tầng lớp trí thức gia nhập - nhất là trên bình diện học thuyết nhấn mạnh năng lực lý tính, kèm theo phương pháp hành Thiền, nhằm chuyển hướng đời sống nội tâm cho cá nhân.

tongiao6

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc sinh thời đã đem lại cho xã hội Phương Tây một cách diễn giải Phật giáo giúp họ giải quyết ít nhiều một số vấn đề tâm lý hiện đại. Hình ông giảng cho trẻ em Pháp

Hai nhân vật Phật giáo từng đóng vai trò quan yếu cho phong trào Phật giáo ở Âu Mỹ trong vòng mấy thập niên qua là vị Đạt Lai Lạt Ma 14 của Tây Tạng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Việt Nam. Sách vở và các buổi thuyết pháp của hai vị này được đón nhận đông đảo và nhiệt tình bởi khối quần chúng trí thức Âu Mỹ.

Tuy nhiên, nếu ta đọc Ken Wilber, một triết gia người Mỹ đương thời, sẽ thấy được một nhược điểm của phong trào Phật giáo ở Tây phương - nhất là ở Hoa Kỳ. Tóm tắt, Wilber lý giải rằng khối Phật tử Tây phương, trong phong trào học Phật và thực hành thiền định, đang bị nhiễm một tình trạng bất cập giữa bản sắc Ngã-thức khiêm tốn đối với một trình độ đạo học cao cấp.

Wilber gọi hiện tượng nầy là Boomeritis - sự trộn lẫn giữa tri thức cao cấp, khai phóng - the green meme and noble pluralism - với một năng lực Ngã thức và cảm xúc vị kỷ thô lậu - low emotional narcissism.

Tức là năng lực tri thức của khối tân tòng Phật giáo Âu Mỹ này chỉ sử dụng giáo lý nhà Phật như một cơ năng tác động các tầng cảm xúc ngã mạn, vị kỷ, vốn chưa được khai mở và chuyển hóa đúng mức cho học thuyết đạo Phật.

Kết quả là khối tín đồ mới này, tự bản thân là những Ngã-thể rất nhạy cảm với những khuyết điểm của văn minh Tây phương, thành thật nhìn nhận khuyết điểm trong đời sống nội tâm cá nhân, ao ước muốn chuyển hóa chính mình, để rồi dự phóng khát vọng chuyển hóa của mình ra cho thế gian. Họ mang tham vọng của một Ngã thức bị thổi phồng quá mức so với bản sắc tiến hóa của mình vốn chưa được nâng lên một trình độ cần thiết và tương xứng cho đạo lý nhà Phật.

Wilber gọi hiện tượng thổi phồng này là the heroic self-inflation (hùng vĩ tự cao). Đây là vấn đề mà rất nhiều tín đồ Phật giáo khắp thế giới mắc phải - nhất là giới tăng sĩ, đặc biệt ở Việt Nam ngày nay.

tongiao7

Lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam thăm một ngôi chùa

Khi Ngã thức vẫn còn non yếu, nhạy cảm, chưa trưởng thành thì khi họ tự trang bị cho mình một trình độ đạo học cao cấp, tín đồ nhà Phật thường lấy kiến thức tôn giáo làm vũ khí hay áo mão cho tự-Ngã (Ego-self). Để rồi họ trở nên những cá nhân rất tự cao, đầy ngã mạn, và phần đông mang thái độ khinh người đối với tha nhân.

Chìa khóa tôn giáo nằm ở mức trưởng thành của Ngã thể cá nhân

Tín lý "tự thắp đuốc lên mà đi" của nhà Phật hiện có vấn đề hiện đại là cá nhân không thể lấy năng lực từ Ngã thể non yếu để chuyển hóa chính mình : chúng ta không thể lấy một đòn tre để tự khiêng cả tòa nhà ngàn tấn.

Câu hỏi và vấn nạn ở đây cần được nêu lên : Vậy thì cá nhân với một tầm mức Ngã-thể còn chưa trưởng thành, còn non yếu, thì phải dựa vào đâu để cho cái ta Ngã thức được lớn dậy theo cùng trình độ tri thức ?

Chúng ta thử tìm câu trả lời trong khiêm tốn. Các sách vở tâm lý học chiều sâu hiện đại, hay các tác phẩm của các chuyên gia tâm lý và học giả uy tín Âu Mỹ, với những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khách quan, khoa học, đều đồng ý rằng phương pháp Thiền định - nếu được hướng dẫn và thực hành đúng cách - với thời gian, sẽ giúp Ngã-thể chuyển hóa nhanh hơn là qua sinh nghiệm đời sống. Điều này mang hiệu quả tốt đối với những cá nhân được trưởng thành và lớn lên trong một nền văn minh tiên tiến, với phong hóa cao cấp, với một trình độ quần chúng trí thức thích hợp, cộng với một đời sống thế tục trong sạch, đạo đức - đồng lúc họ cũng dấn thân tích cực và năng động vào sinh hoạt xã hội chính trị công dân.

Cần thiết hơn, họ phải mang đức tính khiêm tốn thực tình - chứ không phải khiêm tốn hình thức - và thực hành hạnh từ bi, bố thí, làm việc thiện nhằm giải hóa năng lực ngã mạn và vị kỷ.

Tại sao Phật giáo Việt Nam đang suy thoái ?

Tiến hóa cần thời gian và sinh nghiệm gian khổ. Mọi phương cách hành đạo nói trên vẫn chưa phải hoàn toàn hiệu năng - nếu cái ta Ngã-thể vẫn còn là hệ quả của một dòng nghiệp thức nặng nề và tiêu cực, từ một hệ di truyền sinh hóa thấp kém, lớn lên và trưởng thành trong một nền văn hóa non nớt, hoang dã, thiếu vắng yếu tố sinh hoạt tinh thần, trong một đế chế chính trị hư hỏng, một xã hội dân sự nhiễu nhương - như Việt Nam hiện nay.

Với Ngã thức khiêm tốn và hư hỏng, họ sẽ hiện thân như một bệnh lý. Dù có thật lòng cố gắng sửa sai, tu chỉnh họ càng vô tình mang lại những hệ quả càng tiêu cực và hư hoại hơn trước.

Đối với thể loại Ngã thức của đại đa số dân tộc Việt Nam rất non yếu ngày nay thì dòng đạo lý ngoại thân - tức là sự cứu độ đến từ bên ngoài - như Thiên Chúa giáo với hệ Công giáo, Hồi giáo, hay Phật Giáo Tịnh độ tông, sẽ thích hợp và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và giúp họ trưởng thành hơn.

Khi Ngã thức còn non nớt, thiếu bản lãnh nội tại, thì cá nhân không thể là ngọn đuốc để có thể thắp sáng chính mình, hay nói cách khác, tự mình bơi sang sông được. Đây có thể là nhược điểm lớn nhất của đạo lý nhà Phật khi áp dụng vào con người Việt Nam hiện nay.

tongiao8

Hình từ một ngôi chùa ở Thành phố Sài Gòn

Cá nhân non yếu phải cần thiết được soi sáng bởi một ngọn đuốc khác, nhằm tiếp dẫn nguồn ánh sáng cứu độ khách quan, từ bên ngoài. Họ phải bám vào chiếc bè ngoại thân nhằm có thể đem họ sang bên kia bờ Bỉ ngạn (giác ngộ).

Hiện trạng mở cửa tu hành quá rộng, quá dễ, để cho hầu như bất cứ ai cũng có thể trở nên tăng sĩ Phật giáo, là cả một thảm họa.

Bỏ qua các thành phần lợi dụng hay mưu đồ kinh tế, thì đối với các Phật tử, dù thành tâm bao nhiêu, khi đứng ra lập chùa, tự tin là chính mình không cần qua quy trình tuyển chọn và huấn luyện từ các học viện giáo lý, và không được hướng dẫn và chỉ dạy bởi tăng sĩ cao cấp hơn, thì họ sẽ trở thành nạn nhân của chính mình và hoàn cảnh thực tế. Trong bối cảnh đó, các tu sĩ non nớt, với số vốn văn hóa khiêm tốn, nhân cách chưa trưởng thành, không thể là những ngọn đuốc khai sáng cho mình và thế gian ; trái lại, rất đông đã trở nên đầu mối hỏa hoạn cho làng xóm.

Nhìn về phía Công giáo thì sao ?

Con người Việt Nam cần phải được hướng dẫn, giáo dưỡng nghiêm mật thì mong có thể thoát bỏ bớt những căn gốc phong hóa làng xóm thô lậu và trẻ con. Phật giáo Việt Nam thiếu một truyền thống trật tự đẳng cấp, một giáo hội uy tín và hiệu năng để giáo huấn tu sĩ trong trật tự cưỡng chế với quy trình tu học nghiêm mật. Về phía Công giáo thì gần như ngược lại. Đây là nguyên do tại sao ở trong nước những tai tiếng về giới tu sĩ hầu hết đến từ phía Phật giáo mà rất ít nghe từ phía Công giáo.

Riêng về nhân cách, đối với tu sĩ Công giáo, nhờ vào trật tự đẳng cấp của Giáo hội, sự tuyển chọn và huấn luyện có quy trình nghiêm ngặt, cộng thêm vào tín lý dựa vào đức tin tới một thứ bậc cao hơn mình, nên chúng ta có thể thấy rằng - xin phép nói thẳng - các tu sĩ Công giáo nhìn chung có vẻ ít ngạo mạn, mang cung cách khiêm tốn hơn các tăng sĩ Phật giáo.

Chìa khóa Đạo học là ở chỗ : Khi ngã thể cá nhân dâng hiến toàn diện chính mình với đức tin đến một khách thể siêu hình thì tâm chất ngã mạn sẽ có cơ hội được giải hóa. Ngoại trừ một số ít cá nhân ưu việt, không ai có thể tự mình giải thoát hay cứu độ cho chính mình. Con người vẫn không nhận thức rằng ta yếu đuối và dễ hư hỏng hơn là ta vẫn tưởng. Biết bao nhiêu người nghe và đi theo tiếng gọi của Đạo lý, nhưng rất ít người được chọn và đạt thành.

Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo

Trong khi nhân loại nói chung ngày càng trưởng thành hơn về năng lực Ngã thức - thì dân Việt, trái lại, càng đi thụt lùi về cá tánh và nhân cách.

Vì tự bản sắc, nói cho cùng, thì mỗi đảng viên cộng sản Việt Nam khởi đi là một Phật tử bình dân.

Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền.

Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.

Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay.

Nguyễn Hữu Liêm

Nguồn : BBC, 18/02/2022

Tiến sĩ triết học, luật gia Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose, California. Tác giả trích một phần từ "Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới", Chương 65 (Domino Books, Sài Gòn, 2019).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, Nguyễn Hữu Liêm
Read 303 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)