Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/12/2022

Trí thức trẻ và chế độ Trung Quốc : 100 năm sóng gió

Thùy Dương

Ngày 27/11/2022, vài trăm sinh viên của Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh đã biểu tình trong khuôn viên trường. Được thành lập khi Trung Hoa Dân Quốc ra đời vào năm 1911, Đại học Thanh Hoa là một trong những trường danh tiếng nhất trong cả nước, nơi Tập Cận Bình từng theo học. Nhân dịp phong trào biểu tình bùng lên trong giới sinh viên Trung Quốc, dẫn đến việc Bắc Kinh ngưng Zero Covid, trang The Conversation giới thiệu bài viết "Trí thức trẻ và quyền lực Trung Quốc : 100 năm sóng gió". 

tre0

Hàng ngàn sinh viên Đại học Thanh Hoa biểu tình. (Ảnh : Chụp màn hình video)

Bài viết của tiến sĩ lịch sử đương đại Marie Bouchez, chuyên gia về quan hệ Pháp - Trung và lịch sử trí thức, Đại học Lorraine, đăng ngày 07/12/2022. RFI giới thiệu bài viết.

Thanh niên Trung Quốc là những người đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong những biến động chính trị mà đất nước này đã trải qua trong thế kỷ 20. Đôi khi họ là những phát ngôn viên cho khát vọng dân chủ của Trung Quốc, chẳng hạn vào năm 1919 với phong trào đấu tranh quy mô lớn, Ngũ Tứ, của học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức, hay sự kiện ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Tuy nhiên, dưới thời Mao Trạch Đông, một số thanh niên cũng đã trở thành những thành viên nhiệt thành của chế độ, tham gia ức hiếp và làm nhục người khác, đặc biệt là trong những năm đầu tiên khi chế độ cộng sản được thành lập ở Trung Quốc hoặc trong giai đoạn Cách Mạng Văn Hóa (1966-1971), cho dù các thanh niên là sinh viên bị buộc phải "cải tạo" theo điều lệ của Đảng cộng sản.

Giới trí thức trẻ của Trung Quốc như vậy là lực lượng đã làm rung chuyển hai nước cộng hòa Trung Hoa, từ năm 1919 cho đến ngày nay. Nổi dậy hay bị thao túng, đâu là các mối liên hệ của giới trí thức trẻ Trung Quốc với chính quyền cộng sản Bắc Kinh ?

04/05/1919 : Các trí thức trẻ ở Trung Quốc đòi hỏi dân chủ

Phong trào Ngũ Tứ 04/05/1919 tương ứng với hai hiện tượng. Một mặt, đó là đỉnh cao của Phong trào Văn hóa Mới, được khởi xướng vào năm 1915 với việc xuất bản tạp chí có tên là Tân Thanh Niên, có phụ đề tiếng Pháp. Người sáng lập tạp chí là Trần Độc Tú (Chen Duxiu), hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và sau này là nhà sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông thuộc lớp thanh niên Trung Quốc có học thức và được đào tạo tại các trường đại học của Mỹ và Nhật Bản.

Năm 1919, Trung Quốc, nước Cộng hòa từ năm 1911, bị giằng xé giữa các thế lực lãnh chúa trong chiến tranh và không thể có được dân chủ trên lãnh thổ. Hơn nữa, cho dù Trung Quốc sát cánh với các nước thuộc phe đồng minh trong Đệ Nhất Thế Chiến, nhưng tnh Sơn Đông, một thuộc địa cũ của Đức trên đất Trung Quốc, lại bị giao cho Nhật Bản theo Hiệp ước Versailles.

Được một nhóm trí thức của Đại học Bắc Kinh huy động, 3.000 sinh viên Bắc Kinh đã tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/05/1919 để tố cáo sự bất công đối với Trung Quốc tại Hội nghị Hòa bình (Paris). Ngoài ra, họ lấy Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp làm hình mẫu và đòi hỏi có Khoa học và Dân chủ. Họ cũng chỉ trích các nguyên tắc Nho Giáo được dùng làm cơ sở nền tảng cho xã hội Trung Quốc, chẳng hạn như sức nặng của thứ hạng xã hội, thứ bậc gia đình và rất ít vị trí dành cho phụ nữ. Phong trào dân tộc chủ nghĩa và văn hóa được khởi xướng từ Bắc Kinh đã lan sang các thành phố khác của Trung Quốc, như Vũ Hán, Thiên Tân hoặc Thành Đô, và cũng lan ra cả nước ngoài : cộng đồng người Hoa ở Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ và thậm chí cả Nga cũng tham gia phong trào.

Sự kiện ngày 04/05/1919 trong suốt một thời gian dài đã bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm lu mờ. Đến năm 2019 thì lễ kỷ niệm 100 năm ngày này đã được tổ chức nhằm tôn vinh giới trẻ và tư tưởng dân tộc Trung Hoa. Nhưng trong vòng 100 năm đó, phong trào văn hóa 1919, được coi là khai sinh ra phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, đã tìm thấy một tiếng vang mới vào năm 1989.

Sinh viên dưới thời Mao : Hoặc làm tay sai, hoặc đi cải tạo

Thanh niên Trung Quốc cũng đã từng phải chọn phe trong thời kỳ Trung Quốc theo chủ nghĩa Mao. Trong suốt nhiệm kỳ chủ tịch của Mao Trạch Đông (1949-1976), giới trẻ Trung Quốc dường như bị chia rẽ : nhiều người trong số các thanh niên xuất thân từ tầng lớp nông dân và công nhân trở thành những phụ tá nhiệt thành của chế độ, trong khi những thanh niên có học thức cao hơn bị buộc tội là phản bội hoặc "hữu khuynh" và đã bị đẩy vào các trại cải tạo, đặc biệt là dưới thời Cách Mạng Văn Hóa.

Mao Trạch Đông tin rằng sứ mệnh "của thanh niên là dẫn dắt cuộc cách mạng". Ngay từ những tháng đầu tiên dưới chính quyền cộng sản tại nhiều thành phố Trung Quốc, việc tuyển thanh niên vào hàng ngũ là điều hiển nhiên. Trong một bức thư đề ngày 12/12/1949, nhà truyền giáo người Pháp Louis Watine, giảng dạy tại Đại học Thiên Tân, đã báo cáo về việc các sinh viên đại học ức hiếp các nhà truyền giáo : "Trên tường, họ dán những tấm áp-phích viết tay đầy những lời dối trá, vu khống hoặc chỉ nói đúng một nửa sự thật để chống lại các cha xứ, chống lại Giáo Hội. Thật đáng sợ khi thấy sự thật không có một chút uy quyền nào trong khi mọi sai lầm, sự dối trá đều được phép diễn ra : họ gọi đó là ‘Ánh sáng, ‘Sự thật’, ‘Tiến bộ’".

Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, được khởi xướng hồi năm 1966, việc tuyển thanh niên vào hàng ngũ đã được nâng lên một bậc. Để trừng phạt các đối thủ, trong đó có cả Đặng Tiểu Bình, và tái thiết uy tín chính trị, Mao Trạch Đông đã khuyến khích các học sinh và sinh viên gia nhập "Hồng Vệ Binh", "Những người lính nhỏ của Cách mạng". Một đội quân hăng hái, nhiệt tình đã được thành lập theo mô hình của Hồng Quân.

Gắn chặt với Cuốn sách đỏ, hàng triệu thanh niên nói trên đã cổ vũ Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 08/1966, treo những tấm tấm áp phích lớn tố giác các giáo viên và sinh viên bị họ quy là tư sản hoặc xét lại. Tại Đại học Bắc Đại (Beida) ở Bắc Kinh, vào giữa tháng 10/1966, gần 3.000 sinh viên đã thành lập 92 nhóm hội Hồng Vệ Binh, nhưng thường là đối chọi với nhau. Từ tháng 01/1967, Hồng Vệ Binh thoát khỏi mọi sự kiểm soát và thực hiện các hành động chống lại toàn bộ giới trí thức Trung Quốc (giáo viên, nhà báo, cán bộ đảng, nhân viên bệnh viện).

Cũng vào thời đó, 17 triệu "thanh niên có học thức" bị đưa về nông thôn một cách độc đoán với mục đích cải tạo họ. Trong tiểu thuyết "Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa" (xuất bản năm 2000), nhà văn Trung Quốc Đới Tư Kiệt (Dai Sijie) miêu tả hai thanh niên ở tuổi 17-18, vừa mới tốt nghiệp trường trung học cơ sở và bị đẩy đi một khu làng hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc. Là con trai các bác sĩ, nhân vật Tôi, người kể chuyện trẻ tuổi kể rằng "chỗ ở tại nơi cải tạo không có đồ đạc", công việc nặng nhọc trên núi là mang "những thứ rác rưởi trên lưng" và "bài học cải tạo kéo dài suốt hai tháng". Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt vào năm 1971, nhưng bạo lực đã giết chết gần 4 triệu người.

Từ Thiên An Môn đến Đại học Thanh Hoa : Tuổi trẻ đối mặt với chế độ cộng sản (1989-2022)

Cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình trở thành chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và mở cửa đất nước với kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, từ ngày 15/04 đến ngày 04/06/1989, 70 năm sau phong trào Ngũ Tứ 04/05/1919, 200.000 sinh viên đã tập trung tại quảng trường Thiên An Môn. Các đòi hỏi dân chủ khi đó ở Trung Quốc rất mạnh mẽ, phong trào đã tranh thủ một số sự kiện để bày tỏ các mong muốn, đòi hỏi, trong đó có chuyến thăm Trung Quốc của nhà cải cách Liên Xô Mikhail Gorbachev. Các sinh viên, thường là con cái của các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, muốn tưởng niệm cuộc tập hợp ngày 04/05/1919 và bắt đầu tuyệt thực.

Trong khi đó, giới trí thức đòi "công cuộc hiện đại hóa lần thứ 5 và dân chủ". Lần đầu tiên, báo chí quay lưng lại với Đảng cộng sản. Bất chấp sự trung gian của tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã quyết liệt sử dụng các phương tiện mạnh mẽ ; ông ban hành thiết quân luật và điều quân đội đến quảng trường Thiên An Môn trong đêm 03 rạng sáng 04/06/1989. Khoảnh khắc này trở thành bất tử với hình ảnh một thanh niên một mình đứng chặn đoàn xe tăng đang lao tới. Hình ảnh này bị cấm ở Trung Quốc, nhưng trở thành biểu tượng cho cuộc đàn áp có lẽ đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.

33 năm sau (vào năm 2022), và trong khi "Mùa xuân Trung Quốc" năm 1989 vẫn bị đè bẹp dưới sự im lặng ở Trung Quốc, sinh viên Bắc Kinh một lần nữa đi đầu phong trào biểu tình.

Có nhiều điểm chung giữa các phong trào của sinh viên Trung Quốc từ năm 1919 đến năm 2022. Những biểu ngữ được giới trẻ, từ các thành phố lớn của Trung Quốc có học thức và cởi mở với thế giới, giương lên, hầu như vẫn không thay đổi. Các trí thức trẻ cũng cố gắng tập hợp quanh họ các tầng lớp xã hội khác trong nước. Thường là bị trấn áp, đôi khi cũng được các nhà cầm quyền chính trị Trung Quốc ủng hộ, các sinh viên không ngừng giữ vai trò là các tác nhân quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 12/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)