Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/12/2022

Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc và Việt Nam

Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng

Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc giúp Việt Nam tự chủ an ninh, đa dạng hợp tác

Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" ngày 05/12/2022 nhân chuyến công Seoul của chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hàn Quốc trở thành nước đồng minh đầu tiên của Mỹ thiết lập mối quan hệ ở mức cao nhất với Việt Nam. Trước đó, Hà Nội chỉ duy trì quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với ba nước có truyền thống hợp tác là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

hanquoc1

Chiến đấu cơ TA-50 trình diễn tại Ngày thành lập Lực lượng Không quân Hàn Quốc, căn cứ Không quân Busan, Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 23/09/2016. AP - Lee Jin-man

Hà Nội và Seoul có một điểm chung giữa là đều "tìm cách giữ thế cân bằng tế nhị giữa hai đại cường" Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo giới chuyên gia, việc chọn Hàn Quốc, thay vì Nhật Bản - một nước hỗ trợ lớn cho Việt Nam nhưng có đường lối cứng rắn với Bắc Kinh - được cho là để "tránh gây nghi ngờ vô ích từ phía Trung Quốc". Việt Nam cũng được Hàn Quốc coi là một trong những đối tác quan trọng nhất trong "Chiến lược hướng Nam" của nước này, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại.

Trả lời RFI tiếng Việt ngày 09/12/2022, nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales, cho rằng thắt chặt quan hệ với Hàn Quốc là một giải pháp giúp Việt Nam tự chủ hơn về quốc phòng, đa dạng nguồn cung vũ khí và hợp tác quân sự.

***

RFI : Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng quan hệ đối tác từ chiến lược lên thành quan hệ chiến lược toàn diện. Mối quan hệ này có ý nghĩa như nào với Việt Nam ?

Nguyễn Thế Phương : Nhìn ở dưới tất cả góc độ, việc nâng cấp quan hệ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam là "đa phương hóa, đa dạng hóa". Hiện nay, đối với Việt Nam, chỉ có ba nước ở tầm "Đối tác chiến lược toàn diện" là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, giờ thêm Hàn Quốc là bốn và năm sau (2023) có thể là Úc.

Nhóm đối tác chiến lược toàn diện là nhóm những quốc gia có mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Hàn Quốc sẽ đặc biệt quan trọng ở mặt kinh tế, giao lưu văn hóa, thương mại. Một số nhà quan sát cho rằng khi đã nâng cấp được mối quan hệ Việt-Hàn lên đối tác chiến lược toàn diện, hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên sẽ đẩy mạnh mảng quốc phòng và an ninh. Trước đây, yếu tố đó chỉ khu biệt ở trong một số mảng, ví dụ hàng hải. Sắp tới cũng hy vọng mảng đó được đẩy mạnh hơn và giúp cho Việt Nam có thể đa dạng hóa hơn hợp tác, đặc biệt trong an ninh quốc phòng.

RFI : Thời gian gần đây, Hàn Quốc nổi lên là nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là hợp đồng vũ khí với Ba Lan. Liệu Hàn Quốc có thể trở thành một nguồn cung vũ khí mới cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang gặp một chút khó khăn khi nguồn cung chính là Nga đang lâm chiến ở Ukraine ?

Nguyễn Thế Phương : Thực ra không phải là một chút khó khăn, mà là khá nhiều khó khăn trong vấn đề nhập khẩu một số loại vũ khí quan trọng. Vũ khí Nga chiếm khoảng 60-70% vũ khí Việt Nam hiện có, cho nên cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến cho quá trình nhập khẩu một số loại vũ khí của Nga, ví dụ máy bay, tầu chiến, bị ngừng trệ. Việt Nam đã lường trước được việc này bởi vì toàn bộ quá trình đa dạng hóa nguồn cung vũ khí đã xuất phát cách đây khoảng 5 năm, thậm chí là còn xa hơn. Việc nâng cấp mối quan hệ chiến lược toàn diện với Hàn Quốc mở ra một triển vọng rất lớn về ngắn hạn và trung hạn với việc Hàn Quốc có thể trở thành một trong những đối tác về quốc phòng và an ninh lớn của Việt Nam.

Ở đây sẽ có nhiều mảng khác nhau. Thứ nhất về mặt vũ khí, Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn cho việc nhập khẩu vũ khí. Một ví dụ điển hình ở ngay Đông Nam Á là Philippines. Hiện tại, Philippines đã mua một số loại vũ khí, khí tài lớn, ví dụ máy bay tấn công TA-50 của Hàn Quốc. Đối với việc hiện đại hóa hải quân Philippines, nước này cũng đã đặt đóng một số tầu chiến loại lớn ở Hàn Quốc. Đó là ví dụ cụ thể để Việt Nam có thể xem xét các loại vũ khí phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của Việt Nam.

Thứ hai, không chỉ về buôn bán vũ khí, mà là một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều, đó là có khả năng nâng cấp sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam lên một chút, ví dụ chuyển giao công nghệ hoặc cả hai bên có khả năng thành lập một công ty chung để sản xuất các loại vũ khí quốc phòng hoặc đóng tầu. Như chúng ta biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tầu rất lớn, đứng thứ 3 hay thứ 4 trên thế giới.

Ví dụ công ty đóng tầu lớn Hyundai của Hàn Quốc cũng xuất hiện ở Việt Nam hay Samsung, ngoài điện thoại là sản phẩm mà chúng ta dễ dàng nhận biết, cũng là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn của Hàn Quốc và họ tập trung phát triển những loại vũ khí công nghệ cao. Với lịch sử hiện diện ở Việt Nam như vậy, có thể hy vọng trong tương lai ngắn, hai bên có thể tìm cách nào đó kết hợp với nhau để phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam. Yếu tố đó cũng giúp Việt Nam hạn chế bớt việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài. Bởi vì về căn bản, khi có xung đột xảy ra, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nước ngoài sẽ khiến cho khả năng thành công trên chiến trường bị hạn chế. Điểm này có thể thấy rõ qua cuộc chiến Nga-Ukraine.

Yếu tố thứ ba là những vấn đề mềm hơn một chút, liên quan tới an ninh hàng hải. Trước đây, Việt Nam và Hàn Quốc cũng có một số hợp tác về an ninh hàng hải, trong đó điểm rõ ràng nhất là Hàn Quốc chuyển giao hai tầu chiến đã qua sử dụng cho Việt Nam. Hy vọng rằng trong khoảng 1-2 năm sắp tới, họ cũng chuyển giao thêm một tầu chiến nữa cho Việt Nam. Ngoài ra, trong tương lai, khi mối quan hệ được nâng lên tầm chiến lược toàn diện, cũng hy vọng là hai bên có thể tìm thấy những điểm chung để từ đó tăng cường hợp tác, ví dụ có thể chia sẻ một số thông tin, như thông tin tình báo, hoặc có thể kết hợp huấn luyện chung, tuần tra chung hoặc những vấn đề có tầm mức quan trọng tương tự.

Nhưng còn có một yếu tố cần phải nhấn mạnh, đó là mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đặt trong bối cảnh khu vực. Hiện nay, khi Mỹ tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và họ mong muốn tăng cường năng lực của các đồng minh và đối tác của Mỹ, rõ ràng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong an ninh biển sẽ đặt trong tư duy đó của cả khu vực. Trong một số lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng, nhiều người nói rằng Việt Nam và Mỹ, trong một số trường hợp cụ thể, khó có thể ngồi nói chuyện song phương và nâng cấp điều đó. Cho nên có thể có trường hợp đi vòng, thông qua một nước thứ ba - có thể là Ấn Độ, Úc (Úc năm sau có thể nâng lên đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam), Nhật Bản (vừa rồi Nhật Bản đã bỏ quy tắc xuất khẩu vũ khí của họ) và bây giờ là Hàn Quốc - Việt Nam có thể phần nào đó tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đồng minh của Mỹ, với mạng lưới an ninh của Mỹ nói chung và với Mỹ nói riêng. Đó là một trong những phần mềm mà Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.

Một điểm nữa cũng cần lưu ý trong hợp tác kỹ thuật quân sự, mới đây (ngày 09/12), Mỹ cũng tuyên bố sẽ bán 12 máy bay huấn luyện cho Việt Nam. Có thể nói đây là hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ, từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, nếu không tính phần Mỹ hỗ trợ cho Việt Nam một số tầu đã qua sử dụng cho cảnh sát biển. Đây sẽ là một tiền đề để Việt Nam và Hàn Quốc mở rộng hơn nữa hợp tác, bởi vì Hàn Quốc có kinh nghiệm trong việc tích hợp các loại vũ khí hệ Châu Âu. Mối quan hệ an ninh quốc phòng với Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí, sẽ được mở rộng hơn, nếu như đã có tiền lệ hợp tác an ninh và mua sắm khí tài giữa Việt Nam và Mỹ.

Nói tóm lại, về ngắn hạn và trung hạn, tức là trong vòng 10 năm nữa, triển vọng hợp tác an ninh quốc phòng, đặc biệt là về mặt vũ khí, khí tài và chuyển giao công nghệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, sẽ rất có tiềm năng trong bối cảnh cả hai đều cần có nhau và trong bối cảnh Việt Nam đang cần đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, khí tài hiện nay.

RFI : Như vừa đề cập là Việt Nam đang tìm cách nâng cao tự chủ quốc phòng. Ở Hà Nội diễn ra Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức. Đây là cách để Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung và khẳng định phần nào khả năng tự chủ quốc phòng ?

Nguyễn Thế Phương : Thông điệp đó là đúng. Đối với nhiều người nước ngoài, họ sẽ thấy đó là vấn đề mang tính tự chủ nhưng nếu phân tích rõ ra, sẽ thấy có nhiều chiều hướng khác nhau về đối nội và đối ngoại.

Về đối nội, rõ ràng là một triển lãm quốc phòng lớn như vậy mang thông điệp gửi đến người dân trong nước rằng quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trong một giai đoạn bất ổn như hiện nay, được thể hiện qua vũ khí, khí tài và thông qua thông điệp trên báo chí.

Về đối ngoại, có hai ý. Ý thứ nhất muốn nói : Việt Nam đang muốn đa dạng hóa và chúng tôi không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Nga nữa. Và chúng tôi mở thị trường an ninh trong nước, thị trường vũ khí ra với tất cả những nhà thầu, đối tác quốc phòng nào có nhu cầu.

Thông điệp thứ hai liên quan đến trình độ phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa Việt Nam sau khoảng 10 năm bắt đầu và khoảng 5 năm sau Đại hội Đảng lần thứ 12. Lúc đó, Đảng cộng sản Việt Nam ra một nghị quyết về phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng mà Viettel là cánh chim đầu đàn. Rõ ràng là trong vòng 5 năm trở lại đây, Viettel và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng đã có khả năng sản xuất ra được một số loại vũ khí, khí tài, đặc biệt là những loại mang tính công nghệ cao, ví dụ các loại thiết bị không người lái, radar phát hiện máy bay.

Triển lãm quốc phòng lần này là cách để thể hiện rằng công nghiệp quốc phòng Việt Nam có khả năng chế tạo được một số loại vũ khí, khí tài và có khả năng xuất khẩu những vũ khí, khí tài đó. Nói cách khác, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá sản phẩm cho một số khách hàng tiềm năng và cố gắng phát triển thị trường cho các tổ hợp quốc phòng trong tương lai. Ví dụ một số nước ở Đông Nam Á, vì gần đây có một số thông tin Philippines cũng quan tâm tới một số loại vũ khí của Việt Nam, hoặc một số nước ở Châu Phi. Điều này cũng thể hiện rõ qua một tuyên bố của Viettel tại Triển lãm Quốc phòng lần này rằng họ mong muốn tới năm 2025 và sau đó, Viettel có thể xuất khẩu được các vũ khí "made in Vietnam".

Đó là những thông điệp không chỉ về đa dạng hóa mà còn về mặt bán vũ khí và cũng là thông điệp gửi tới một bộ phận trong nước rằng ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để làm rất nhiều việc, không chỉ để bảo vệ tổ quốc mà còn xuất khẩu vũ khí nữa.

RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Úc.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 12/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thế Phương, Thu Hằng
Read 320 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)