Áp lực buộc Phạm Bình Minh từ chức
Nguồn : Nhân Việt TV, 26/12/2022
Nguồn : Nhân Việt TV, 27/12/2022
Nguồn : Nhân Việt TV, 28/12/2022
***************************
Hai cấp phó và một trợ lý bị tóm, Phạm Bình Minh đang bị "lửa phà vào gáy" !
Minh Tâm, Thoibao.de, 26/12/2022
Hiện nay, số phận chính trị của ông Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đang bị đe dọa tứ phía, khi mà cấp dưới của ông đang bị quẳng vào lò. Đầu tiên là tóm ông Tô Anh Dũng, một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời ông Phạm Bình Minh còn làm Bộ trưởng. Tiếp theo là bắt Trợ lý của ông Phạm Bình Minh là Nguyễn Quang Linh. Mới đây lại đến lượt ông Vũ Hồng Nam bị bắt – đây là một Thứ trưởng khác cũng dưới thời ông Phạm Bình Minh làm Bộ trưởng.
Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực
Vòng vây cứ dần dần siết lại và không khó để nhận ra, đích đến là ông Phạm Bình Minh. Vụ chuyến bay giải cứu đã gây bức xúc cho người dân từ hơn 2 năm qua. Khi thực hiện các chuyến bay giải cứu, chính quyền cộng sản đã sử dụng hết công suất của bộ máy tuyên truyền để tâng bốc lên tận mây xanh. Họ dùng những ngôn từ khoa trương như "bay thẳng vào tâm dịch", mô tả những chuyến bay này như một hành động anh hùng, cao cả. Tuy nhiên, trong thực tế, những người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài và muốn về nước, đã bị trấn lột thậm tệ và đã có rất nhiều tiếng kêu cứu trên mạng xã hội.
Khi dịch Covid bùng phát, người Việt Nam ở nước ngoài, mà đặc biệt là du học sinh và những người đi xuất khẩu lao động, họ cực kỳ khao khát được về nước. Bởi với du học sinh thì họ chỉ học online và không còn được đi làm thêm, không có thu nhập để sống. Những người xuất khẩu lao động cũng không có việc làm, không được nhận hỗ trợ hoặc hỗ trợ rất ít, mà chi tiêu ở nước ngoài lại đắt đỏ nên họ không kham nổi. Một số lại hoảng sợ vì dịch bùng phát quá mạnh ở nước sở tại, trong khi Việt Nam khá yên ổn.
Lúc đó, người Việt Nam ở nước ngoài rất tha thiết được về nước. Họ viết đơn đăng ký gửi lên đại sứ quán Việt Nam, sau đó đại sứ quán sẽ xét duyệt theo thứ tự ưu tiên. Khi được chấp nhận, họ sẽ nhận được email và được chỉ định ra một phòng vé máy bay để trả tiền.
Do lượng đơn quá lớn, các đại sứ quán nổi lòng tham và gửi báo cáo về Bộ Ngoại giao xin chỉ đạo giải quyết. Gần như tất cả các đại sứ quán Việt Nam trên khắp thế giới đều báo cáo về một tình trạng giống nhau. Thay vì chỉ đạo cho các đại sứ quán làm hết trách nhiệm để phục vụ người dân, thì Bộ Ngoại giao lại chỉ đạo các đại sứ quán thực hiện hành động trấn lột.
Chúng tôi có tham khảo ý kiến một người đang làm trong ngành ngoại giao rằng, việc trấn lột người Việt ở nước ngoài là chủ trương của các đại sứ quán, hay chủ trương của Bộ Ngoại giao ? Câu trả lời chúng tôi nhận được là, "Nếu chỉ là chủ trương của đại sứ quán, thì không thể có hành động nhất quán của hầu hết các đại sứ quán Việt Nam trên khắp thế giới. Đó là chủ trương của Bộ Ngoại giao".
Ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Dựa vào nhu cầu tha thiết của các nạn nhân, các đại sứ quán bắt tay với các hãng bay, nâng giá vé lên gấp 4- 5 lần giá trung bình. Lúc đó, rất nhiều người đã rỉ tai nhau là, mua vé về Phnompenh, rồi từ Phnompenh về Việt Nam bằng đường bộ, tiết kiệm hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, Campuchia không nhẫn tâm trấn lột hành khách trong mùa dịch, như các hãng bay và Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 4/6, ông Tô Ân Xô – Trung tướng, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an nói : "Để chứng minh cho trục lợi chính sách, theo các cán bộ điều tra, mỗi chuyến bay combo, sau khi trừ chi phí, có những chuyến lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng, mà có đến gần 2.000 chuyến bay". Tức là, nhóm trấn lột chuyến bay giải cứu đã trấn lột được gần 4.000 tỷ đồng của người dân Việt Nam, không thua gì vụ Việt Á.
Một khi đã có chỉ đạo đồng nhất cho các đại sứ Việt Nam trên khắp thế giới, thì trùm cuối của chủ trương này không ai khác chính là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Vụ việc này kéo dài qua 2 đời Bộ trưởng, từ thời ông Phạm Bình Minh khởi xướng và sau đó Bùi Thanh Sơn tiếp bước.
Hiện nay, lò ông Trọng đang tiến hành bắt bớ những tay chân của ông Phạm Bình Minh và Bùi Thanh Sơn. Có thể nói, hơi nóng hầm hập của lò đang "phà vào gáy" Phạm Bình Minh và Bùi Thanh Sơn. Liệu ông Trọng có cho hai nhân vật trùm cuối này vào khám hay không ? Chờ mà xem.
Minh Tâm (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022
****************************
Biến căng Hà Nội, Phó Chủ tịch xộ khám. Bộ Ngoại giao rung chuyển, vừa kỷ luật đã bắt luôn Đại sứ.
Trân Anh, Thoibao.de, 26/12/2022
Chiều tối ngày 22/12, các báo đồng loạt đưa tin Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng liên quan đến vụ "chuyến bay giải cứu". Thông tin được đưa ra bởi ông Tô Ân Xô – Trung tướng, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn Bộ Công an. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – để điều tra về tội nhận hối lộ.
Ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
Ông Chử Xuân Dũng, 49 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội. Trước khi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội từ năm 2020, ông Dũng từng giữ các chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ông Chử Xuân Dũng ban đầu là Phó Trưởng ban, sau đó là Trưởng ban Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố Hà Nội.
Điều đáng nói là, lệnh bắt được thực hiện ngay khi ông Chử Xuân Dũng còn đang đương chức, chứ không hề thông qua các thủ tục, các cách thức rườm rà. Đây là một lệnh bắt rất vội vàng, không giống với cách làm việc lâu nay của chính quyền cộng sản Việt Nam. Không biết ông Chử Xuân Dũng cũng có ý định cao chạy xa bay như Hồ Thị Kim Thoa hay không mà Bộ Công an quyết định bắt người gấp gáp như vậy.
Cũng cùng thời gian này, báo chí đưa tin Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, để điều tra về tội nhận hối lộ. Điều đáng nói là, ông Vũ Hồng Nam chỉ mới bị kỷ luật về mặt Đảng trước đó một ngày, cùng lúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đặc biệt, ông Vũ Hồng Nam từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2018. Đây là thời kỳ mà ông Phạm Bình Minh đang làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Bùi Thanh Sơn cũng bị kỷ luật chung với ông Vũ Hồng Nam, nên giờ này cũng đang rất chông chênh, không biết số phận sẽ trôi về đâu.
Vụ án chuyến bay giải cứu bắt đầu khởi tố từ cuối tháng Giêng năm nay. Đến nay đã có hơn 30 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ của Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh, Bộ Công an. Trong đó, quan chức cao nhất bị khởi tố là ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng bị điều tra về tội nhận hối lộ.
Ông Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Những người bị bắt chưa phải là Ủy viên Trung ương Đảng. Những người này dễ bắt nên ông Trọng cho Tô Lâm bắt trước. Còn ông Bùi Thanh Sơn là Ủy viên Trung ương Đảng nên việt bắt bớ khó khăn hơn. Chỉ khi nào ông Sơn bị xử lý xong xuôi về mặt Đảng thì khi đó Bộ Công an mới có thể vào cuộc.
Như vậy liên quan đến dịch bệnh Covid, thành phố Hà Nội có hai quan lớn đã bị bắt giam, đó là ông Chu Ngọc Anh và bây giờ là ông Chử Xuân Dũng. Bộ Ngoại giao thì dính lên đến cấp Bộ trưởng. Như vậy, bộ mặt của Đảng cầm quyền Viêt Nam ngày một lấm lem. Đảng luôn nói rằng, Nhà nước cộng sản là nhà nước của dân do dân và vì dân, nhưng xem ra cách "vì dân" của Đảng là cách như thế này. Quan chức với quyền lực trong tay đã trục lợi trên đầu trên cổ người dân lúc họ khốn cùng nhất.
Dù không có dịch thì quan chức vẫn ăn như thường, mà cụ thể là ông Nguyễn Đức Chung, tiền nhiệm của ông Chu Ngọc Anh. Sau khi ở tù, ông Nguyễn Đức Chung đã dùng 25 tỷ đồng để mua lấy 3 năm giảm án với tòa án, điều đó cho thấy quan chức cộng sản đã "vì dân" mà giàu đến mức nào ? !
Ắt hẳn những quan chức bị bắt ấy đều rất giàu. Chu Ngọc Anh ở biệt thự trăm tỷ và nhiều quan chức khác cũng thế. Hầu hết họ đều kiếm tiền từ mồ hôi nước mắt của dân, nhưng khi họ bị bắt, dân vẫn không được hoàn trả đồng nào.
Trân Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 26/12/2022
****************************
Lửa cháy Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn bị "lên thớt", Phạm Bình Minh chuẩn bị ?
Lưu Ly, Thoibao.de, 23/12/2022
Vụ chuyến bay giải cứu là vụ án vô cùng nghiêm trọng. Nếu không có sự tiếp tay của Bộ Ngoại giao thì Vietnam Airlines không thể trấn lột được người dân Việt Nam số tiền lên đến 4.000 tỷ đồng. Ở vụ án này, đại sứ quán ở các nước đóng vai trò như những đầu mối "gom gà" để phối hợp với hãng bay. Hàng động bất nhân này đã gây ra phẫn uất cho người dân Việt Nam trong vòng 2 năm qua.
"Lửa cháy" đến tận cửa nhà ông Bùi Thanh Sơn
Ngày 14/4 vừa qua, Bộ Công an cho bắt ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ trong khi thực hiện "chuyến bay giải cứu". Đây là Thứ trưởng đã từng làm phó cho 2 đời Bộ trưởng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nay là Phó Thủ tướng Thường trực và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Cấp phó được xem là phụ tá trợ giúp cho cấp trưởng, và thực hiện các chỉ đạo của cấp trưởng, chứ cấp phó không phải là người đề ra chủ trương, cũng không thể qua mặt cấp trưởng được. Như vậy, khi cấp phó bị bắt thì tất nhiên cấp trưởng không thể tránh khỏi liên quan. Cho nên, sau khi đã bắt ông Tô Anh Dũng mà ông Nguyễn Phú Trọng không bắt thêm ông Phạm Bình Minh và ông Bùi Thanh Sơn là không công bằng.
Chiều 21/12, báo chí đồng loạt đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 24. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Phú Trọng, đã chỉ đạo cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận : "Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19".
Lần này Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao ; cảnh cáo Đảng ủy Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Hàng loạt người bị kỷ luật, trong đó có ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng (trái) và Trợ lý phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Quang Linh vừa bị khai trừ khỏi Đảng vì cáo buộc "nhận hối lộ" trong vụ chuyến bay "giải cứu" công dân Việt Nam giữa đại dịch.
Như vậy là lửa trong lò ông Trọng đang bén tới nhà ông Bùi Thanh Sơn. Vấn đề của ông Bùi Thanh Sơn là chữa lửa hay chấp nhận cho lửa tấn công ?
Kỷ luật về mặt Đảng là bước khởi đầu cho hàng loạt hành động tiếp theo sau đó. Hình thức kỷ luật nặng nhất là cách chức và khai trừ khỏi Đảng. Nếu ông Bùi Thanh Sơn dính vào kỷ luật nặng, ông có thể sẽ nhận cái kết như ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh mấy tháng trước.
Vụ án chuyến bay giải cứu được đánh giá không thua gì vụ án Việt Á. Vụ Việt Á đã đưa 2 Ủy viên Trung ương Đảng vào lò, còn vụ án chuyến bay giải cứu bùng phát sau và lửa đang hướng tới nhà một Ủy viên Trung ương Đảng và một Ủy viên Bộ Chính trị. Sau ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Phú Trọng chưa tóm được Ủy viên Trung ương Đảng nào và rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa một ông nữa vào lò. Vậy người đó là ai ?
Người đó không ai khác là ông Phạm Bình Minh, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là đương kim Phó Thủ tướng Thường trực. Cấp phó của ông Phạm Bình Minh đã bị bắt, và trợ lý của ông cũng bị bắt, thì xem như số phận chính trị của ông Phạm Binh Minh đang bị thử thách nghiêm trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp "Ban sáng lập Liên đoàn người Việt tại Đức " hồi tháng 9/2022.
Tội thì đã hiện ra, nhưng ông Phạm Bình Minh là Ủy viên Bộ Chính trị, bắt một Ủy viên Bộ Chính trị bao giờ cũng khó hơn bắt một Ủy viên Trung ương Đảng. Vì thế, nếu ông Trọng cho bắt ông Phạm Bình Minh, thì trước đó, ông phải cho ông Bùi Thanh Sơn vào lò.
Với việc bị đưa vào diện kỷ luật thì ông Bùi Thanh Sơn tới rất gần với nhà lao. Vấn đề bây giờ là ông Sơn sẽ chạy chọt như thế nào mà thôi. Nếu không biết cách chạy, thì chỉ cách còn chạy vào tù để cho ông Chử Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long có bạn.
Lưu Ly (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/12/2022