Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/12/2022

Những kịch bản cho hồi kết của Putin

Liana Fix và Michael Kimmage

Các kịch bản dự đoán thất bại của người Nga.

putin1

Ảnh Eduardo Morciano

Cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đáng lẽ phải là thành tựu đỉnh cao của ông, bằng chứng cho thấy nước Nga đã tiến xa như thế nào kể từ khi đế chế Xô-viết sụp đổ vào năm 1991. Sáp nhập Ukraine được dự kiến là bước đầu tiên trong quá trình tái thiết đế chế Nga. Putin có ý định vạch trần Mỹ chỉ là "con hổ giấy" bên ngoài Tây Âu, và chứng minh rằng Nga, cùng với Trung Quốc, được định sẵn sẽ nắm giữ vai trò lãnh đạo trong một trật tự quốc tế mới, đa cực.

Nhưng kế hoạch đã không thành sự thật. Kyiv kiên trì đứng vững, và quân đội Ukraine đã phát triển thành một lực lượng hùng mạnh, một phần nhờ vào quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Ngược lại, quân đội Nga đã thể hiện khả năng tổ chức và tư duy chiến lược kém. Hệ thống chính trị Nga cũng cho thấy họ không thể học hỏi từ những sai lầm của mình. Vì gần như không thể tác động đến hành động của Putin, phương Tây buộc phải chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thảm khốc do Nga lựa chọn.

Chiến tranh vốn dĩ không thể đoán trước. Thật vậy, diễn biến của cuộc xung đột đã bác bỏ những dự đoán phổ biến ban đầu rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, và việc nước này đảo ngược vận mệnh là hoàn toàn khả thi. Người Nga đang hướng tới thất bại, chỉ chưa rõ thất bại này sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Về cơ bản, có ba kịch bản, và mỗi kịch bản lại có hàm ý khác nhau đối với các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây và Ukraine.

Kịch bản đầu tiên và ít có khả năng xảy ra nhất là Nga sẽ chấp nhận thất bại của mình bằng cách chấp nhận một thỏa thuận thương lượng dựa trên các điều kiện của Ukraine. Tình hình sẽ phải thay đổi rất nhiều thì kịch bản này mới trở thành hiện thực, bởi bất kỳ hình thức đối thoại ngoại giao nào giữa Nga, Ukraine, và phương Tây đều không còn tồn tại. Phạm vi xâm lược và mức độ tội ác chiến tranh của Nga cũng khiến Ukraine khó chấp nhận một giải pháp ngoại giao thấp hơn sự đầu hàng hoàn toàn của Nga.

Ngoài ra, chính phủ Nga – dưới thời Putin hoặc người kế nhiệm – có thể cố gắng giữ lại Crimea và tìm kiếm hòa bình ở nơi khác. Để giữ thể diện trong nước, Điện Kremlin có thể tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị cho chiến tranh trường kỳ ở Ukraine, để ngỏ khả năng xảy ra tiến công quân sự bổ sung. Họ có thể đổ lỗi cho NATO về sự kém cỏi của mình, lập luận rằng việc chuyển giao vũ khí của NATO, chứ không phải sức mạnh của Ukraine, đã cản trở chiến thắng của Nga. Để cách tiếp cận này được thông qua trong chế độ, những người theo đường lối cứng rắn – nhiều khả năng gồm cả chính Putin – sẽ bị loại ra bên lề. Điều này sẽ khó nhưng không phải là không thể. Dù vậy, dưới thời Putin, kết quả này rất khó xảy ra, vì ông đã chọn cách tiếp cận tối đa ngay từ đầu.

Kịch bản thứ hai sẽ là một thất bại trong bối cảnh leo thang. Điện Kremlin sẽ tìm cách kéo dài cuộc chiến ở Ukraine trong khi tung ra một chiến dịch gồm các hành động phá hoại ngầm ở các quốc gia ủng hộ Kyiv và ở chính Ukraine. Trong trường hợp xấu nhất, Nga có thể lựa chọn tấn công hạt nhân vào Ukraine. Sau đó, chiến tranh sẽ leo thang đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga. Nga sẽ chuyển từ một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại thành một quốc gia bất hảo, một quá trình vốn dĩ đang diễn ra rồi, và quá trình đó sẽ củng cố niềm tin của phương Tây rằng Nga là một mối đe dọa đặc biệt và không thể chấp nhận được. Vượt qua ngưỡng hạt nhân có thể dẫn đến sự can dự của quân đội NATO vào cuộc chiến, đẩy nhanh thất bại của Nga trên chiến trường.

putin2

Một khẩu lựu pháo của Nga bị phá hủy ở vùng Kharkiv, Ukraine vào tháng 9/2022. Nguồn ảnh : Lực lượng Vũ trang Ukraine / Reuters

Kịch bản cuối cùng sẽ là một thất bại thông qua sụp đổ chế độ, với những trận chiến quyết định không diễn ra ở Ukraine, mà là trong hành lang của Điện Kremlin hoặc trên đường phố Moscow. Putin đã tập trung quyền lực vào tay mình, và việc ông ngoan cố theo đuổi một cuộc chiến cầm chắc thất bại đã đặt chế độ của ông vào thế lung lay. Người Nga sẽ chỉ ủng hộ vị sa hoàng kém cỏi của họ đến một thời điểm nhất định mà thôi. Dù Putin đã mang lại sự ổn định chính trị cho nước Nga – một tình trạng được đánh giá cao sau những đổ vỡ của thời hậu Xô-viết – người dân vẫn có thể quay lưng lại với ông nếu chiến tranh dẫn đến tình trạng thiếu thốn chung. Sự sụp đổ của chế độ Putin có thể đồng nghĩa với việc kết thúc chiến tranh ngay lập tức, vì Nga sẽ không còn khả năng tham chiến khi chính nước này rơi vào hỗn loạn. Một cuộc đảo chính theo sau bởi nội chiến sẽ lặp lại những gì đã xảy ra khi phe Bolshevik giành chính quyền vào năm 1917, dẫn đến việc Nga rút khỏi Thế chiến I.

Bất kể nó diễn ra dưới hình thức nào, một thất bại của Nga tất nhiên sẽ được hoan nghênh. Nó sẽ giải phóng Ukraine khỏi nỗi kinh hoàng mà nước này phải gánh chịu kể từ khi bị xâm lược. Nó sẽ củng cố nguyên tắc rằng hành động tấn công một quốc gia khác chắc chắn sẽ bị trừng phạt. Nó có thể mở ra những cơ hội mới cho Belarus, Gruzia, và Moldova, và cho phương Tây hoàn tất việc sắp xếp Châu Âu theo dự định của mình. Đối với Belarus, sẽ xuất hiện một con đường để chấm dứt chế độ độc tài và hướng tới các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Gruzia, Moldova, và Ukraine có thể cùng nhau phấn đấu để cuối cùng hội nhập vào Liên Hiệp Châu Âu và thậm chí là NATO, theo bước các chính phủ Trung và Đông Âu sau khi Liên Xô sụp đổ.

Dù thất bại của Nga sẽ mang lại nhiều lợi ích, Mỹ và Châu Âu nên chuẩn bị cho tình trạng rối loạn khu vực và toàn cầu mà nó sẽ tạo ra. Kể từ năm 2008, Nga đã là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Họ đã vẽ lại biên giới, sáp nhập lãnh thổ, can thiệp vào các cuộc bầu cử, chen chân vào nhiều cuộc xung đột khác nhau ở Châu Phi, và thay đổi động lực địa chính trị ở Trung Đông bằng cách ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nếu Nga theo đuổi leo thang triệt để hoặc rơi vào hỗn loạn thay vì chấp nhận thất bại thông qua đàm phán, hậu quả sẽ được cảm nhận ở cả Châu Á, Châu Âu, và Trung Đông. Tình trạng rối loạn có thể diễn ra dưới hình thức ly khai, hoặc các cuộc xung đột mới nổ ra bên trong và xung quanh Nga, quốc gia có diện tích đất liền lớn nhất thế giới. Việc biến Nga thành một quốc gia thất bại bị nội chiến tàn phá sẽ làm sống lại những câu hỏi từng khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây chật vật vào năm 1991 : chẳng hạn, ai sẽ giành quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Nga ? Một thất bại trong hỗn loạn của Nga sẽ tạo ra một lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống quốc tế.

Không thể đàm phán

Cố gắng thuyết phục Putin chấp nhận thất bại thông qua đàm phán là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể. (Việc này có thể khả thi hơn dưới thời người kế nhiệm ông). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ yêu cầu Moscow từ bỏ yêu sách đối với các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trên danh nghĩa ở Donetsk, Kherson, Luhansk, và Zaporizhzhia. Putin đã ăn mừng việc sáp nhập các khu vực này bằng nhiều hoạt động long trọng. Ông sẽ khó mà thay đổi quan điểm sau màn thể hiện lòng yêu nước, dù khả năng kiểm soát của Nga đối với các lãnh thổ này là rất mong manh. Bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào, dù là Putin hay người nào khác, cũng sẽ không chịu từ bỏ Crimea, một khu vực của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Các điều kiện ở Nga sẽ phải có lợi cho sự thỏa hiệp. Ban lãnh đạo mới của Nga sẽ phải đối diện với một quân đội mất tinh thần và đánh cược vào việc công chúng chấp nhận đầu hàng. Người Nga có thể trở nên thờ ơ nếu chiến tranh tiếp diễn mà không có giải pháp rõ ràng. Nhưng giao tranh sẽ vẫn tiếp tục ở các khu vực phía đông Ukraine và căng thẳng giữa hai nước sẽ vẫn ở mức cao.

Dù vậy, một thỏa thuận với Ukraine có thể giúp bình thường hóa quan hệ giữa Nga và phương Tây. Đó sẽ là một điểm hấp dẫn đối với một nhà lãnh đạo Nga ít quân phiệt hơn Putin, và cũng sẽ hấp dẫn nhiều người Nga. Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng có thể có lợi ích khi thúc đẩy đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Vấn đề ở đây là mặt thời điểm. Trong hai tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược vào tháng 2/2022, Nga đã để mất cơ hội đàm phán với Zelensky và tận dụng đòn bẩy chiến trường của mình. Sau đợt phản công thành công của Ukraine, Kyiv có rất ít lý do để nhượng bộ bất cứ điều gì. Kể từ khi xâm lược, Nga đã dốc toàn lực và liên tục leo thang chiến sự thay vì thể hiện sự sẵn lòng thỏa hiệp. Một nhà lãnh đạo mềm mỏng hơn Putin có thể khiến Ukraine cân nhắc việc đàm phán. Khi đối mặt với thất bại, Putin có thể dùng đến việc đả kích trên trường quốc tế. Ông đã liên tục mở rộng lập luận về chiến tranh của mình, tuyên bố rằng phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga với mục tiêu hủy diệt nước này. Các bài phát biểu năm 2022 của Putin là phiên bản lớn tiếng hơn của bài phát biểu mà ông đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich 15 năm trước, trong đó ông tố cáo chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ, lập luận rằng Mỹ "đã vượt quá biên giới quốc gia của mình về mọi mặt".

Gồm một chút đe dọa, một chút vô nghĩa, và một chút thăm dò, những luận điệu của Putin là nhằm động viên người Nga về mặt cảm xúc. Nhưng cũng có một logic chiến thuật đằng sau nó : dù việc mở rộng chiến tranh ra bên ngoài Ukraine rõ ràng sẽ không giúp Putin giành được lãnh thổ mà ông khao khát, nhưng nó có thể ngăn cản Ukraine và phương Tây giành chiến thắng trong cuộc xung đột. Ngôn từ hiếu chiến của ông đang đặt nền móng cho sự leo thang và cho cuộc đối đầu thế kỷ 21 với phương Tây, trong đó Nga sẽ tìm cách khai thác lợi thế bất đối xứng của mình với tư cách là một quốc gia khủng bố hoặc bất hảo.

Các công cụ đối đầu của Nga có thể bao gồm việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học bên trong hoặc ngoài Ukraine. Putin có thể phá hủy các đường ống vận chuyển nhiên liệu hoặc cơ sở hạ tầng dưới đáy biển, hoặc thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các thể chế tài chính phương Tây. Sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có lẽ là phương án cuối cùng. Trong bài phát biểu vào ngày 30/9, Putin đã đề cập đến Hiroshima và Nagasaki, đưa ra những diễn giải lộn xộn về giai đoạn kết thúc của Thế chiến II. Nói một cách nhẹ nhàng, thì phép so sánh ở đây là không hoàn hảo. Ngay cả khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, Kyiv vẫn sẽ không đầu hàng. Bởi một điều, người Ukraine biết rằng sự chiếm đóng của Nga đồng nghĩa với sự diệt vong của đất nước họ, điều đó không đúng với nước Nhật năm 1945. Chưa kể, Nhật Bản đang thua trận vào thời điểm đó. Còn tính đến cuối năm 2022, chính Nga, cường quốc hạt nhân, mới là kẻ thua cuộc.

Hậu quả của một cuộc tấn công hạt nhân sẽ rất thảm khốc, không chỉ đối với người dân Ukraine. Chiến tranh sẽ tiếp diễn và vũ khí hạt nhân sẽ không giúp được gì nhiều cho binh lính Nga trên mặt đất. Thay vào đó, Nga sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ của quốc tế. Hiện tại, Brazil, Trung Quốc, và Ấn Độ chưa lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng không có quốc gia nào trong nhóm này thực sự ủng hộ Moscow trong cuộc chiến kinh hoàng của họ, cũng không quốc gia nào ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai điều này vào tháng 11 : sau khi gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông đưa ra một tuyên bố rằng hai nhà lãnh đạo "cùng phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân". Nếu Putin bất chấp lời cảnh báo này, ông sẽ trở thành một kẻ bị cô lập, bị trừng phạt về kinh tế và có lẽ cả về quân sự bởi một liên minh toàn cầu.

Do đó, đối với Nga, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có lợi hơn là thực sự làm vậy. Nhưng Putin vẫn có thể lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân : xét cho cùng, phát động cuộc xâm lược là một nước đi sai lầm nghiêm trọng, nhưng ông vẫn làm thế. Nếu ông chọn phá vỡ điều cấm kỵ hạt nhân, NATO có lẽ sẽ không phản ứng tương xứng, để tránh rủi ro xảy ra đáp trả hạt nhân. Tuy nhiên, liên minh rất có thể sẽ phản ứng bằng lực lượng thông thường để làm suy yếu quân đội Nga và ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân tiếp theo, theo đó đặt ra nguy cơ gây ra một vòng xoáy leo thang nếu Nga tiến hành các cuộc tấn công thông thường nhằm vào NATO để đáp trả.

Ngay cả khi tránh được kịch bản này, một thất bại của Nga sau khi sử dụng hạt nhân vẫn sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm. Nó sẽ tạo ra một thế giới không có trạng thái cân bằng hạt nhân không hoàn hảo của Chiến tranh Lạnh và kỷ nguyên 30 năm sau Chiến tranh Lạnh. Nó sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo trên toàn cầu sử dụng vũ khí hạt nhân, vì dường như sự an toàn của họ chỉ có thể được đảm bảo bằng cách có được vũ khí hạt nhân và thể hiện sự sẵn sàng sử dụng chúng. Một thời đại chạy đua phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra sau đó, gây tổn hại lớn cho an ninh toàn cầu.

Gánh nặng của nhà lãnh đạo

Lúc này, công chúng Nga vẫn chưa đứng lên phản đối chiến tranh. Người Nga có thể hoài nghi về Putin và có thể không tin tưởng vào chính phủ của ông. Nhưng họ cũng không muốn những người con trai, người cha, và người anh em đang mặc quân phục của mình thua trận trên chiến trường. Đã quen với vị thế cường quốc của Nga sau nhiều thế kỷ, và bị cô lập với phương Tây, hầu hết người Nga không muốn đất nước của họ trở thành một nước không có bất kỳ quyền lực và ảnh hưởng nào ở Châu Âu, vốn là hậu quả tất yếu khi Nga thất bại ở Ukraine.

Tuy nhiên, một cuộc chiến trường kỳ sẽ đẩy người Nga vào tương lai ảm đạm và có thể sẽ châm ngòi cho ngọn lửa cách mạng trong nước. Thương vong của Nga đã rất cao, và khi quân đội Ukraine phát triển mạnh hơn, họ có thể gây ra những tổn thất lớn hơn nữa. Cuộc di cư của hàng trăm ngàn thanh niên Nga, nhiều người trong số họ có tay nghề cao, đã khiến mọi người phải bất ngờ. Theo thời gian, sự kết hợp giữa chiến tranh, lệnh trừng phạt, và chảy máu chất xám sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp – và người Nga cuối cùng có thể đổ lỗi cho Putin, người đã bắt đầu sự nghiệp tổng thống của mình bằng danh hiệu tự xưng là "người hiện đại hóa". Hầu hết người Nga đều xa cách với các cuộc chiến trước đây của ông, vì chúng thường diễn ra ở xa mặt trận quê hương và không đòi hỏi động viên hàng loạt. Nhưng đó không phải là trường hợp của cuộc chiến ở Ukraine.

putin3

Một người lính Ukraine viết trên một quả lựu pháo ở vùng Donetsk, Ukraine tháng 11/2022. Nguồn ảnh : Serhii Nuzhnenko/ Radio Free Europe/ Reuters.

Nga có lịch sử thay đổi chế độ sau những cuộc chiến không thành công. Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) và Thế chiến I đã dẫn đến Cách mạng Bolshevik. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991 diễn ra hai năm sau khi quân đội Liên Xô kết thúc cuộc phiêu lưu bất thành ở Afghanistan. Cách mạng nổ ra ở Nga khi chính phủ thất bại trong các mục tiêu kinh tế và chính trị của mình và không ứng phó được với các cuộc khủng hoảng. Nhìn chung, đòn quyết định luôn là sự sụp đổ của ý thức hệ cơ bản của chính phủ, chẳng hạn như việc chế độ quân chủ và chế độ sa hoàng của Nga mất đi tính chính danh trong bối cảnh đói nghèo và nỗ lực chiến tranh thất bại vào năm 1917.

Putin đều gặp nguy trong tất cả các kịch bản này. Khả năng quản lý chiến tranh của ông rất tệ, và nền kinh tế Nga đang suy thoái. Đối mặt với những xu hướng ảm đạm này, Putin lại nhân đôi sai lầm của mình, khăng khăng rằng cuộc chiến đang diễn ra "theo kế hoạch". Đàn áp có thể giải quyết một số vấn đề : bắt giữ và truy tố những người bất đồng chính kiến có thể dập tắt phản kháng được một thời gian. Nhưng bàn tay cứng rắn của Putin cũng có nguy cơ gây ra nhiều bất mãn hơn.

Nếu Putin bị phế truất, không rõ ai sẽ kế nhiệm ông. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1999, "hàng dọc quyền lực" của Putin – một hệ thống chính phủ phân quyền dựa trên lòng trung thành với Tổng thống Nga – đã không còn là hàng dọc như trước. Hai ứng viên tiềm năng nằm ngoài giới tinh hoa truyền thống là Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, một nhà thầu quân sự tư nhân đã cung cấp lính đánh thuê cho cuộc chiến ở Ukraine, và Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya. Họ có thể muốn có được chút quyền lực còn sót lại của Putin, khuyến khích đấu đá nội bộ trong chế độ với hy vọng giành được một vị trí ở trung tâm cơ cấu quyền lực mới của Nga sau khi Putin ra đi. Họ cũng có thể cố gắng tự khẳng định quyền lực. Họ đã gây áp lực lên lãnh đạo quân đội và Bộ Quốc phòng Nga trước những thất bại trong chiến tranh và cố gắng mở rộng cơ sở quyền lực của mình với sự hậu thuẫn của các lực lượng bán quân sự trung thành. Các ứng viên khác có thể đến từ giới tinh hoa truyền thống, chẳng hạn như chính quyền của tổng thống, nội các, hoặc lực lượng an ninh và quân đội. Để ngăn chặn âm mưu đảo chính cung đình, Putin đã bao quanh mình bằng những kẻ tầm thường trong suốt 20 năm qua. Nhưng cuộc chiến không thành công đang đe dọa quyền lực của ông. Nếu ông thực sự tin vào những bài phát biểu gần đây của mình, ông có thể đã thuyết phục các cấp dưới tin rằng ông thực sự đang sống trong một thế giới giả tưởng.

putin4

Mức độ tàn phá ở vùng Kharkiv, Ukraine, tháng 12/2022. Nguồn ảnh : Vyacheslav Madiyevskyy / Reuters

Cơ hội để một nhà dân chủ thân phương Tây trở thành tổng thống tiếp theo của Nga là cực nhỏ. Kịch bản khả dĩ hơn sẽ là một nhà lãnh đạo chuyên chế theo khuôn mẫu Putin. Một nhà lãnh đạo từ bên ngoài "hàng dọc quyền lực" có thể chấm dứt chiến tranh và cân nhắc các mối quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây. Nhưng một nhà lãnh đạo đến từ Điện Kremlin của Putin sẽ không có lựa chọn này, bởi ông sẽ bị ràng buộc bởi một hồ sơ công khai ủng hộ cuộc chiến. Thách thức trở thành một người theo chủ nghĩa Putin sau Putin sẽ rất lớn.

Một trong những thách thức sẽ là chiến tranh Ukraine, điều không dễ quản lý đối với người kế nhiệm Putin, đặc biệt là nếu người đó chia sẻ giấc mơ khôi phục vị thế cường quốc của Nga. Một thách thức khác là xây dựng tính chính danh trong hệ thống chính trị mà không có bất kỳ nguồn lực truyền thống nào. Nga không thực sự có hiến pháp và không có chế độ quân chủ. Bất cứ ai ủng hộ Putin sẽ thiếu sự ủng hộ của quần chúng và sẽ gặp khó khăn khi cá nhân hóa hệ tư tưởng tân Xô-viết, tân đế quốc mà Putin đã trở thành hiện thân.

Trong trường hợp xấu nhất, sự sụp đổ của Putin có thể dẫn đến nội chiến và sự tan rã của nước Nga. Sẽ xảy ra tranh chấp quyền lực ở cấp cao nhất và quyền kiểm soát nhà nước sẽ bị phân tán khắp nơi. Giai đoạn này có thể được xem là sự tái hiện Thời kỳ Rắc rối, hay Smuta, cuộc khủng hoảng quyền kế vị kéo dài 15 năm ở nước Nga cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, được đánh dấu bởi những cuộc nổi loạn, tình trạng vô pháp, và ngoại xâm. Người Nga coi thời kỳ đó là thời kỳ nhục nhã cần phải tránh lặp lại bằng mọi giá. Những rắc rối trong thế kỷ 21 của Nga có thể mở đường cho sự xuất hiện của các "lãnh chúa" đến từ các cơ quan an ninh và những đội quân ly khai bạo lực ở các vùng kinh tế khó khăn của đất nước, nhiều vùng trong số đó là nơi sinh sống của đông đảo người dân tộc thiểu số. Dù một nước Nga đang trong tình trạng hỗn loạn có thể không chính thức chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng nó có thể đơn giản là không thể tiến hành chiến tranh được nữa. Trong trường hợp đó, Ukraine sẽ giành lại hòa bình và độc lập, còn Nga sẽ chìm trong hỗn loạn.

Tác nhân hỗn loạn

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin như là bước đầu tiên trong kế hoạch tái thiết đế chế Nga đã bị phản tác dụng. Chiến tranh đã làm giảm khả năng hỗ trợ các nước láng giềng của Nga. Năm ngoái, khi Azerbaijan giao tranh ở biên giới với Armenia, Nga đã từ chối can thiệp để ủng hộ Armenia, dù họ là đồng minh chính thức của Armenia.

Tình trạng tương tự đang diễn ra ở Kazakhstan. Nếu Kyiv đầu hàng, Putin có thể sẽ quyết định xâm lược Kazakhstan tiếp theo : nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có một lượng lớn người gốc Nga sinh sống, còn Putin thì không tôn trọng biên giới quốc tế. Một khả năng khác hiện đang dần sáng tỏ : nếu Điện Kremlin thay đổi chế độ, điều đó có thể giúp Kazakhstan hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm soát của Nga, cho phép nước này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những người Nga lưu vong. Nhưng đó không phải sự thay đổi duy nhất trong khu vực. Ở Nam Caucasus và Moldova, các cuộc xung đột cũ có thể hồi sinh và trở nên dữ dội hơn. Ankara có thể tiếp tục hỗ trợ đối tác Azerbaijan chống lại Armenia. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không còn sợ bị người Nga chỉ trích, họ có thể thôi thúc Azerbaijan tiến hành các cuộc tấn công tiếp theo vào Armenia. Ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lý do để tăng cường hiện diện quân sự nếu Nga rút lui.

Nếu Nga rơi vào hỗn loạn, Gruzia sẽ có thể hoạt động với phạm vi lớn hơn. Cái bóng của lực lượng quân sự Nga, vốn bao trùm nước này kể từ cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, sẽ bị xóa bỏ. Gruzia có thể tiếp tục nỗ lực trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, dù nước này đã bị gạt bỏ tư cách ứng viên vào năm ngoái vì bất ổn nội bộ và thiếu cải cách trong nước. Nếu quân đội Nga rút khỏi khu vực, xung đột có thể lại nổ ra giữa một bên là Gruzia và Nam Ossetia, và bên kia là giữa Gruzia và Abkhazia. Động lực đó cũng có thể xuất hiện ở Moldova và khu vực ly khai Transnistria, nơi binh lính Nga đã đóng quân từ năm 1992. Việc Moldova ứng cử làm thành viên Liên Hiệp Châu Âu, được công bố vào tháng 6/2022, có thể là cách để nước này thoát khỏi cuộc xung đột lâu dài đó. Liên Hiệp Châu Âu chắc chắn sẽ sẵn sàng giúp Moldova giải quyết xung đột.

Những thay đổi về lãnh đạo ở Nga sẽ làm rung chuyển Belarus, nơi nhà độc tài Alexander Lukashenko đang được hỗ trợ bởi tiền bạc và sức mạnh quân sự của Nga. Nếu Putin thất bại, rất có thể Lukashenko sẽ là người tiếp theo. Thực chất đang tồn tại một chính phủ Belarus lưu vong : Svetlana Tikhanovskaya, sống ở Litva, trở thành lãnh đạo phe đối lập của đất nước vào năm 2020 sau khi chồng bà bị bỏ tù vì dám ra tranh cử đối đầu với Lukashenko. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng có thể được tổ chức, cho phép Belarus tự giải cứu mình khỏi chế độ độc tài, nếu họ xoay sở để tự bảo vệ mình khỏi Nga. Nếu Belarus không thể đảm bảo nền độc lập của mình, xung đột nội bộ tiềm tàng của Nga có thể tràn sang nước này, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Latvia, Litva, Ba Lan, và Ukraine.

Nếu Nga thực sự tan rã và mất ảnh hưởng ở lục địa Á-Âu, các chủ thể khác, chẳng hạn như Trung Quốc, sẽ nhảy vào cuộc chơi. Trước chiến tranh, Trung Quốc chủ yếu gây ảnh hưởng kinh tế hơn là quân sự trong khu vực. Điều đó đang thay đổi. Trung Quốc đang trên đà phát triển ở Trung Á. Nam Caucasus và Trung Đông có thể là những khu vực xâm lấn tiếp theo của họ.

Một nước Nga bại trận và bất ổn nội bộ sẽ đòi hỏi một mô hình trật tự toàn cầu mới. Trật tự quốc tế tự do hiện tại xoay quanh việc quản lý quyền lực bằng pháp luật. Nó nhấn mạnh các quy tắc và thể chế đa phương. Mô hình cạnh tranh giữa các cường quốc, một mô hình yêu thích của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, là về cân bằng quyền lực, ngầm định hoặc công khai xem các vùng phạm vi ảnh hưởng là nguồn gốc của trật tự quốc tế. Nếu Nga hứng chịu thất bại ở Ukraine, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tính đến sự hiện diện và thiếu vắng của quyền lực, đặc biệt là sự thiếu vắng hoặc suy giảm nghiêm trọng của quyền lực Nga. Một nước Nga suy yếu sẽ tác động đến các cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm cả những cuộc xung đột ở Châu Phi và Trung Đông, chưa kể đến ở Châu Âu. Tuy nhiên, một nước Nga suy yếu hoặc tan rã sẽ không nhất thiết mở ra một thời kỳ vàng son của trật tự và ổn định.

Một nước Nga bị đánh bại sẽ đánh dấu một sự thay đổi so với 20 năm trước, khi đất nước này là một cường quốc đang lên. Trong suốt những năm 1990 và trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, Nga khao khát được hội nhập vào Châu Âu và trở thành đối tác của Mỹ. Họ gia nhập G-8 và Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan. Trong 4 năm khi Dmitry Medvedev làm Tổng thống Nga, từ 2008 đến 2012, Nga dường như đã tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nếu người ta không soi xét quá kỹ đằng sau hậu trường.

Một nước Nga có thể chung sống hòa bình với phương Tây có lẽ là sự ảo tưởng ngay từ đầu. Putin đã thể hiện một bầu không khí hòa giải trong giai đoạn đầu sau khi lên làm tổng thống, dù ông có thể đã nuôi dưỡng lòng căm thù phương Tây, coi thường trật tự dựa trên luật lệ, và mong muốn thống trị Ukraine từ lâu. Dù sự thật có là gì, sau khi ông tái đắc cử tổng thống vào năm 2012, Nga đã từ bỏ trật tự dựa trên luật lệ. Putin chế giễu rằng hệ thống này chẳng khác gì lớp ngụy trang cho một nước Mỹ độc đoán. Nga đã xâm phạm chủ quyền của Ukraine một cách thô bạo bằng cách sáp nhập Crimea, tái khẳng định vị thế của mình ở Trung Đông bằng cách hỗ trợ Assad trong nội chiến Syria, và thiết lập mạng lưới quân sự và ảnh hưởng an ninh của Nga ở Châu Phi. Một nước Nga quyết đoán và một Trung Quốc đang trỗi dậy đã góp phần tạo nên mô hình cạnh tranh giữa các cường quốc ở Bắc Kinh, Moscow, và thậm chí là Washington thời hậu Trump.

Bất chấp những hành động gây hấn và kho vũ khí hạt nhân đáng kể, Nga không phải là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Trung Quốc hay Mỹ. Hành động quá trớn của Putin ở Ukraine cho thấy rằng ông đã không nắm bắt được điểm quan trọng này. Nhưng bởi vì Putin đã can thiệp vào nhiều khu vực trên khắp thế giới, một nước Nga tan rã sau thất bại ở Ukraine sẽ là một cú sốc lớn đối với hệ thống quốc tế.

Chắc chắn, thất bại đó có thể mang lại những hậu quả tích cực cho các nước láng giềng của Nga. Chẳng cần tìm đâu xa, ở thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô đã mở đường cho sự xuất hiện của hơn một chục quốc gia tự do và thịnh vượng ở Châu Âu. Một nước Nga hướng vào trong có thể giúp thúc đẩy một "Châu Âu toàn vẹn và tự do", như lời Tổng thống Mỹ George H. W. Bush dùng để mô tả tham vọng của Mỹ dành cho lục địa già sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn ở Nga có thể đồng thời tạo ra một vòng xoáy bất ổn : tình trạng vô chính phủ giữa các cường quốc thay thế cho cạnh tranh giữa các cường quốc, dẫn đến một loạt các cuộc xung đột khu vực, dòng người di cư, và bất ổn kinh tế.

Sự sụp đổ của Nga cũng có thể lây lan hoặc khơi mào một phản ứng dây chuyền, trong trường hợp đó cả Mỹ và Trung Quốc đều không có lợi, vì cả hai sẽ phải cố gắng ngăn chặn hậu quả. Trong trường hợp đó, phương Tây sẽ cần thiết lập các ưu tiên chiến lược. Lấp đầy khoảng trống gây ra bởi thất bại của Nga là điều không thể. Ở Trung Á và Nam Caucasus, Mỹ và Châu Âu sẽ có rất ít cơ hội ngăn chặn Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khoảng trống. Thay vì cố gắng ngăn chặn họ, một chiến lược thực tế hơn đối với người Mỹ sẽ là cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đưa ra một giải pháp thay thế, đặc biệt là chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Dù Nga có thất bại dưới hình thức nào đi chăng nữa, việc ổn định đông và đông nam Châu Âu, bao gồm cả vùng Balkan, sẽ là một nhiệm vụ nặng nề. Trên khắp Châu Âu, phương Tây sẽ phải tìm ra câu trả lời sáng tạo cho những câu hỏi chưa bao giờ được giải quyết kể từ năm 1991 : Nga có phải là một phần của Châu Âu không ? Nếu không, bức tường giữa Nga và Châu Âu nên cao bao nhiêu, và nên bao xung quanh những quốc gia nào ? Nếu Nga là một phần của Châu Âu, họ sẽ thuộc về vùng nào ? Bản thân Châu Âu bắt đầu và kết thúc ở đâu ? Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ chỉ là khởi đầu của dự án này. Belarus và Ukraine đã cho thấy những khó khăn trong việc bảo vệ sườn phía đông của Châu Âu : những quốc gia này là nơi cuối cùng mà Nga sẽ từ bỏ tham vọng cường quốc của mình. Và ngay cả một nước Nga đổ nát cũng sẽ không mất hết năng lực quân sự thông thường và hạt nhân.

Hai lần trong 106 năm qua – vào năm 1917 và năm 1991 – các phiên bản khác nhau của nước Nga đã chính thức tan rã. Và cũng hai lần, các phiên bản của nước Nga đã tự phục hồi. Nếu quyền lực của Nga suy giảm, phương Tây nên tận dụng cơ hội đó để định hình một môi trường ở Châu Âu nhằm bảo vệ các thành viên NATO, đồng minh, và đối tác. Một thất bại của Nga sẽ mang đến nhiều cơ hội và cũng nhiều cám dỗ. Một trong số những cám dỗ là kỳ vọng rằng một nước Nga bại trận về cơ bản sẽ biến mất khỏi Châu Âu. Nhưng một nước Nga bại trận một ngày nào đó sẽ tự tái khẳng định bản thân và tự theo đuổi lợi ích của mình. Phương Tây nên được trang bị cả về mặt chính trị lẫn nhận thức cho cả sự thất bại và trở lại của Nga.

Liana Fix Michael Kimmage

Nguyên tác : "Putin’s Last Stand", Foreign Affairs, tháng 1-2/2023

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/12/2022

Liana Fix là Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là tác giả cuốn "A New German Power ? Germany’s Role in European Russia Policy".

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao tại CSIS. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Liana Fix, Michael Kimmage, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)