Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang trong "mùa" kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, thông tin dồn dập về các sai phạm cho thấy mục ruỗng là tình trạng phổ biến từ trên xuống dưới...
Cách chống tham nhũng hiện nay giống như vừa trưng gậy xong lại cho củ cà rốt.
Cho dù Ban chấp hành trung ương đảng vừa nhất trí loại trừ ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam, sau đó Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhất trí miễn nhiệm hai ông Phó Thủ tướng này mà toàn đảng, toàn dân chẳng ai biết tại sao, song ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định :Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (1)...
Tuy rõ ràng ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam phải chịu trách nhiệm về việc để cho thuộc cấp lợi dụng thảm họa để trục lợi khi "giải cứu" người Việt bị kẹt ở ngoại quốc và chống Covid-19 ở trong nước nhưng cả hai không bị đảng kỷ luật. Hạ tuần tháng trước, các thành viên trong Ban chấp hành trung ương đảng kéo nhau về Hà Nội chỉ nhằm trưng bày sự nhất trí cho ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảngvà ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng (2). Sau đó một tuần Quốc hội triệu tập các đại biểu cũng chỉ nhằm trưng bày sự thống nhất cao trong việcmiễn cho ông Minh và ông Đam khỏi phải gánh vác trách nhiệm Phó Thủ tướng.
Hai cuộc họp bất thường, một của Ban chấp hành trung ương đảng vào hạ tuần tháng trước, một của Quốc hội vào thượng tuần tháng này khiến ngân sách phải chi vài tỉ cho các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng và Đại biểu quốc hội đi lại, ăn ở, sinh hoạt chỉ để trưng bày sự nhất trí và thống nhất cao về nhân sự ! Các viên chức có trách nhiệm nhấn mạnh, ông Minh và ông Đam không bị đảng kỷ luật. Ban chấp hành trung ương đảng chỉ cho ông Minh "thôi" tham gia Bộ Chính trị và ông Minh, ông Đam "thôi" làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng. Quốc hội cũng không bãi nhiệm hai ông mà chỉ miễn nhiệm theo "nguyện vọng cá nhân" nhưng lưu ý các "nguyện vọng" đó không phải là "xin từ chức" và tất cả đã diễn ra "đúng quy định pháp luật" (3).
Nếu đúng là ông Trọng và đảng của ông kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì tại sao không ai yêu cầu Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng xem xét và đề nghị Ban chấp hành trung ương đảng khiển trách hay cảnh cáo Tổng bí thư, Bộ Chính trị và toàn bộ Ban chấp hành trung ương đảng như đã từng yêu cầu khiển trách, cảnh cáo nhiều Bí thư và đảng ủy hàng chục bộ, ngành, đảng bộ hàng chục địa phương vì đã để cho nhiều thành viên vi phạm kỷ luật đảng tới mức phải xử lý, vi phạm pháp luật tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Khi ông Trọng và các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam liên tục khẳng định sẽ truy cứu trách nhiệm, xử lý thấu đáo "người đứng đầu" và tổ chức đảng có nhiều thành viên bị đảng xử lý, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nên hiểu thế nào khi ông Trọng, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng vẫn bình yên vô sự dù chỉ trong vòng một năm có tới tám Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí trong số này có cả thành viên Bộ Chính trị ? Đó có phải là lý do ông Minh chỉ "thôi tham gia Bộ Chính trị" và ông Minh, ông Đam "thôi tham gia Ban chấp hành trung ương đảng". Tương tự, "miễn nhiệm" hai Phó Thủ tướng là một cách để "bỏ qua" cho Thủ tướng ?
Phải chăng chỉ cho "thôi" chứ dứt khoát không kỷ luật, không loại bỏ và "miễn nhiệm" chứ không bãi nhiệm, không truy cứu trách nhiệm chính là lõi của "không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện" ? Chẳng lẽ những "động tác kỹ thuật" này lại không phải là "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" theo nguyên nghĩa của chúng ? Nếu muốn biết chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" là thật hay giả thì cứ nhìn vào "thôi" và "miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân" chứ không phải là "từ chức", không phải "bãi nhiệm" thì sẽ nhận ra thật, hư.
***
Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang trong "mùa" kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự, thông tin dồn dập về các sai phạm cho thấy mục ruỗng là tình trạng phổ biến từ trên xuống dưới, nếu thật sự "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" thì chắc chắn sẽ chẳng còn ai yên lành, kể cả Tổng bí thư ("người đứng đầu" phải chịu trách nhiệm liên đới). Trong bối cảnh bất kỳ ai cũng có thể bị cây gậy "chống tham nhũng" vụt cho "thân bại, danh liệt", liệu đám đông có chịu ngồi yên ? Đó có lẽ là lý do ông Trọng vừa vung cây gậy "chống tham nhũng", vừa khẳng định sẽ bảo đảm "nhân văn", vì phải "cứu cây" nên mới "cắt cảnh" (4) !
Dường như cảm thấy chừng đó chưa đủ trấn an, duy trì "đoàn kết" nên tháng 9 năm ngoái, Bộ Chính trị công bố"Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật" (5). Theo đó, dẫu chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" nhưng Bộ Chính trị chỉ khuyến khích những cán bộ bị "khiển trách, cảnh cáo" từ chức, không chịu từ chức thì "cấp có thẩm quyền mới xem xét, miễn nhiệm theo qui định" ! Việc xử lý các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị "khiển trách, cảnh cáo" cũng được qui định hết sức "nhân văn" !
Chẳng hạn theo"Kết luận về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật" thì bất kể viên chức "tự nguyện từ chức" hay bị "miễn nhiệm", hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn phải "bố trí công tác phù hợp theo từng trường hợp cụ thể" đúng "qui định của đảng và pháp luật của nhà nước". Hai năm sau người từ chức hoặc bị "miễn nhiệm" do bị "khiển trách, cảnh cáo" có quyền yêu cầu "xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương" !.. Nhìn một cách tổng quát, kết luận vừa đề cập giống như "củ cà rốt" được đặt bên cạnh cây gậy "chống tham nhũng".
Ông Nguyễn Văn Thể - cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải – là một trong những ví dụ minh họa cho chuyện vừa bị vụt bằng gậy, vừa được tặng "củ cà rốt". Tháng 10 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam nhất trí "miễn" cho ông Thể trách nhiệm gánh vác Bộ Giao thông vận tải "theo nguyện vọng cá nhân và phân công của cấp có thẩm quyền" (6) ! Nhiều người thất vọng khi thấy ông Thể có thể rũ sạch toàn bộ trách nhiệm trong năm năm đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông vận tải, gây ra đủ thứ thiệt hại cho kinh tế - xã hội để chuyển qua làm Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương tiếp tục cùng đảng lãnh đạo toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng pháp chế xã hội chủ nghĩa là thế, làm sao khác được.
Hồi tháng 10 năm ngoái, "miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhânvà phân công của cấp có thẩm quyền" được ca ngợi là điển hình của "văn hóa từ chức" và "sự tự trọng của người đảng viên" (7) chứ không như bây giờ - "miễn nhiệm theo nguyện vọng cá nhân" sau khi được Ban chấp hành trung ương đảng cho "thôi" làm Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng "không thể xem là từ chức" ! Còn gì tài tình và thần bí hơn "không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái" ?Lãnh đạo các ngành ở đủ mọi cấp muốn làm Thăng hay được như Thể ? Cứ thế mà ngẫm Chống tham nhũng là vậy thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/01/2023
Chú thích
(6) https://thanhnien.vn/ong-nguyen-van-the-thoi-chuc-bo-truong-gtvt-post1512751.html