Người dân Trung Quốc có nhìn ra được đại họa này không ? Câu trả lời là : có, không và không thành vấn đề.
Nhìn thấy được nguy cơ không thể kéo dài chính sách này nữa, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm Tập Cận Bình và sáu thành viên đã quyết định đảo ngược chính sách này.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kiểm tra một khu vực của Bắc Kinh dưới lệnh phong tỏa. (Tin tức Bloomberg)
Hôm 8 tháng Giêng, Trung Quốcmở cửa lại với thế giới bên ngoài bằng đường không, thủy và bộ. Bắc Kinh chính thức chấm dứt chính sách "Không Covid" (Zero Covid) để chấp nhận sống chung với con virus này, như đại đa số quốc gia khác đã thực hiện thành công. Tập Cận Bình bỏ hẳn chủ trương "chiến đấu" với nó cho đến cùng từ ba năm qua.
Còn nhớ, vào đầu năm 2020, tức cách đây đúng 3 năm, đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan khủng khiếp và hoành hành toàn thế giới, bắt nguồn từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán nhưng gần như toàn thế giới chẳng biết gì vì bị bưng bít. Cuộc sống, và lối sống, của mọi người trên thế giới, không loại trừ ai, đều bị ảnh hưởng một cách sâu rộng. Tính đến nay, gần 664 triệu người bị nhiễm Covid-19, trong đó 6,7 triệu tử vong, theokhoa Y tế của Đại học John Hopkins. Theo The New York Times thì 5,51 tỷ người, tức 71,8% toàn thế giới đã được chích ngừa. Vẫn có một số người cho đến nay chưa được hay chịu tiêm chủng, mà phần lớn là vì không tin vào vaccine.
Thông tin về Covid đã tràn ngập trong ba năm sau, nên giờ đây chẳng mấy ai còn muốn nghe về nó nữa. Nó đã đảo lộn cuộc sống của mọi người và vẫn còn gây ám ảnh cho bao người. Tuy thế dù không muốn nghe, các biến thể của Covid-19 vẫn được tường trình trên truyền thông, và số nhiễm và tử vong vẫn được tường trình mỗi ngày. Giờ đây ai nấy đều mong rằng dù biến thể của nó ra sao, miễn là tỷ lệ tử vong không quá nặng để gây khủng hoảng cho hệ thống y tế ; và không gây quá nhiều xáo trộn cuộc sống như cách ly, phong tỏa và đi lại thêm nữa. Tóm lại, đến lúc này người ta chỉ mong sống chung với nó thôi, vì đại đa số hiểu rằng lại trừ được nó là điều không thực tế.
Trong khi đại đa số thế giới chấp nhận biện pháp, và hình thành chính sách, sống chung với Covid, Tập Cận Bình cũng như giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn đi một con người khác cho 1,4 tỷ dân của mình. Trong 3 năm, Bắc Kinh vẫn chủ trương phải chiến đấu, và ảo tưởng sẽ chiến thắng, con virus này. Tập gọi nó là cuộc chiến của nhân dân (people’s war), cho đến khi không còn virus nào. Vì chủ trương này, người dân tại bao nhiêu thành phố bị phong tỏa một thời gian dài, nền kinh tế bị bóp cổ nên thiếu sức sống, và toàn nước bị đóng cửa với thế giới bên ngoài. Bắc Kinhbiện minh mạng sống công dân là trên hết, không có gì hơn cả, cho nên mọi thứ trở thành thứ yếu, kể cả mọi quyền sống và tự do khác.
Dù độc quyền và giáo điều đến mấy, sau cùng Bắc Kinh vẫn nhìn nhận rằng chính sách này không thể tiếp tục, vì lý do kinh tế và vì lòng dân sẽ bùng nổ. Và họ không thể kiểm soát được. Mọi chế độ, nhất là chế độ cường quyền, hiểu rõ sức dân khi bị dồn nén. Bằng chứng là đến cuối tháng 11 đầu tháng 12/2022, nhiều người đã xuống đường trên hơn chục thành phố ở Trung Quốc, bấp chấp khả năng trấn áp của công an, để biểu tìnhphản đối chính sách phong tỏa, kiểm duyệt và hạn chế tự do ngôn luận. Họ cầm tờ giấy trắng trong tay, không cần viết gì khác. Còn được gọi là "Cuộc cách mạng giấy trắng". Sáng kiến nghĩ ra tờ giấy trắng là hình thức phản đối một cách mỉa mai về sự kiểm soát và kiểm duyệt của chính phủ.
Nhìn thấy được nguy cơ không thể kéo dài chính sách này nữa, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm Tập Cận Bình và sáu thành viên đã quyết địnhđảo ngược chính sách này. Tuy nhiên chính sách sai lầm trầm trọng về y tế, kinh tế, và xã hội này sẽ không có ai chịu trách nhiệm cả, kể cả Tập Cận Bình. Hệ thống chính trị này trước nay vẫn vậy. Tập là người nắm quyền lực tối cao và toàn diện, và chỉ có Tập của Trung Quốc mới ban hành và kéo dàichính sách Zero Covid như đã thấy trong ba năm qua. Đảo ngược chính sách này cũng có thể được xem là một bước nhượng bộ của Tập, và ảnh hưởng của sáu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị lên Tập. Nhưng đây là một nhượng bộ đầy tính toán, bởi vì tuy có đủ quyền lực trong tay, Tập tất nhiên không muốn chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì đã xảy ra trong ba năm qua, hay những gì có thể xảy ra trong những tháng ngày tới. Đây là một thứ văn hóa chính trị mà chỉ có người dân là nạn nhân khốn khổ nhất.
Theo một số tiên đoán dựa trên tình hình dịch bệnh đã xảy ra khắp nơi, thì việc đảo ngược chính sách trước đây mà thiếu sự chuẩn bị, kể cả tiêm chủng cho đại đa số người dân, sẽ làm Covid lây lan đến hàng trăm triệu người. Bắc Kinh lại không cho nhập vaccine nước ngoài, trong khi vaccine của Trung Quốc có hiệu quả giới hạn. Theo một dự đoán thì mỗi ngày có thể lên đến cảtriệu ca nhiễm mới, và có khả năng 600,000 ca tử vong sẽ xảy ra tại Trung Quốc trong vòng 6 tháng nếu có một bùng phát lớn. Bệnh viện sẽ không thể nào đối phó nỗi với số người bị nhiễm, và số tử vong khủng khiếp như vầy.
Từ khi ban hành chính sách sống chung với Covid, số người nhập viện tại Trung Quốc đã leo thang nhưng WHO cho biết Bắc Kinh vẫnbáo cáo thấp hơn con số thật. Lâu nay WHO vẫn quan ngại vềsự báo cáo trung thực từ Trung Quốc, điều mà dường như không thay đổi trong ba năm qua. Nó đã thuộc bản chất của họ.Biến thể "Kraken", XBB.1.5, chẳng hạn, có khả năng lây lan nhanh và khó phát hiện. Nếu XBB.1.5 hay một biến thể tương tự lan truyền tại Trung Quốc thì ảnh hưởng của nó lên quốc gia 1,4 tỷ người này, trong khi tỷ lệ chích ngừa còn khá thấp, và vaccine không hiệu năng lắm, sẽ là đại họa cho người dân. Đây là tình huống tồi tệ mà không ai muốn xảy ra cho đất nước này. Nếu Bắc Kinh chọn biện pháp như mọi quốc gia khác lâu nay thì giờ đây đa số người dân Trung Quốc đã được chích ngừa, bằng vaccine hiệu quả hơn loại do Trung Quốc chế tạo, và kinh tế cũng như mọi vấn đề liên quan đến đời sống không bị xáo trộn hay cản trở một cách vô lý như đã xảy ra. Và những ngày tháng tới không có những bất định không cần thiết.
Người dân Trung Quốc có nhìn ra được đại họa này không ? Câu trả lời là : có, không và không thành vấn đề. Có, vì một phần người dân mọi nơi luôn sáng suốt để nhìn ra vấn đề. Không, vì một phần khác không nhìn ra được hoặc luôn bị dẫn dắt. Phần còn lại, nhìn ra được, nhưng với họ, nó không thành vấn đề, vì văn hóa chính trị trước nay vẫn vậy. Nói cho cùng, nếu đại dịch lan tràn ngoài kiểm soát và số tử vong lên hàng triệu, Bắc Kinh sẽ tìm cách giao phó trách nhiệm cho các cơ quan y tế và cho từng công dân, và người dân sẽ phảitập trung nỗ lực ưu tiên vào việc giữ an toàn và sức khỏe như phần lớn thế giới đã làm vào năm 2020 và đặc biệt là năm 2021. Khẩu hiệu "Hãy là người đầu tiên chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình" giờ đã phổ biến, thay vì mọi thứ đều đã có nhà nước lo. Người dân chắc chỉ tập trung vào việc sống còn trong đại dịch và không còn sức lực gì để đấu tranh. Đó là điều Tập và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc mong muốn, và sẽ làm mọi cách để không phải chịu trách nhiệm nào về chính sách sai lầm của họ, cho dù hàng triệu người tử vong đi chăng nữa ! Tuy thế, giáo sư chính trị học tại Đại học Toronto Lynette H. Ongbiện luận trên Foreign Affairs ngày 11/01/2023 rằng đại dịch mất lòng tin của Trung Quốc (China’s Epidemic of Mistrust) là hệ quả của chính sách sai lầm trầm trọng của Tập, cho nên "thật khó để tưởng tượng đảng có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng do chính mình tạo ra này một cách hoàn toàn bình yên".