Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2017

Liệu quân đội có chấm dứt hoạt động kinh tế sau vụ sân golf ?

Kính Hòa

Ngày 11 tháng sáu, hơn 40 nhân sĩ trí thức thuộc các nhóm xã hội dân sự gửi thư ngỏ lên Thủ tướng, bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến trong quốc hội muốn thu hồi diện tích đất sân golf trả về cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, và bày tỏ sự phẫn nộ đối với điều mà họ gọi là sự tham lam của một số thế lực trong quân đội.

Ngày 11 tháng sáu, hơn 40 nhân sĩ trí thức thuộc các nhóm xã hội dân sự gửi thư ngỏ lên Thủ tướng, bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến trong quốc hội muốn thu hồi diện tích đất sân golf trả về cho sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, và bày tỏ sự phẫn nộ đối với điều mà họ gọi là sự tham lam của một số thế lực trong quân đội.

tsn1

Cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất. Courtesy Thanh Niên

Hôm 12 tháng sáu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố quyết định sẽ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, điều đó có nghĩa là có thể sân golf 157 ha nằm phía bắc sân bay đang do quân đội quản lý sẽ được thu hồi để làm đường băng.

Hy vọng và nghi ngờ

Sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một cựu ủy viên trung ương đảng không muốn nêu danh tánh nói với đài Á Châu Tự Do rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có những nghiên cứu từ đảng và nhà nước Việt Nam về việc tách quân đội ra khỏi những hoạt động thương mại :

"Tôi hy vọng là sau việc này sẽ có chủ trương nghiên cứu về vấn đề đó. Hướng lâu dài tôi cũng tin là sẽ giảm cái việc kinh doanh làm kinh tế của quân đội. Rồi đến lúc quân đội sẽ không làm nữa. Nhưng mà cái đó không thể giải quyết nhanh gọn, sau cái này thì ổn thỏa việc kia đâu. Cái đó nó cũng phải có quá trình".

Những người trong nhóm các nhân sĩ trí thức gửi thư đến Thủ tướng mà chúng tôi tiếp xúc được đều nói là họ phấn khởi vì áp lực công luận đã thắng.

Tuy vậy ông Kha Lương Ngãi, một trong những người ký thư ngỏ, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, không hoàn toàn tin rằng sau vụ sân bay Tân Sơn Nhất, chuyện chuyển quân đội ra khỏi việc kinh doanh thương mại sẽ thành công :

"Chừng nào đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam chấp nhận đổi mới thể chế, thì mới hy vọng việc họ thay đổi là quân đội với công an không làm kinh tế nữa là tin tưởng được. Chứ còn bây giờ họ đành chấp nhận trước tình thế dư luận phản đối mạnh mẽ quá thì họ đành lùi một bước vậy thôi. Chứ không biết là họ có thật lòng trả lại sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất hay không, cái đó cũng chưa chắc".

Việc đổi mới thể chế mà ông Ngãi đề cập là việc chuyển hệ thống chính trị Việt Nam sang đa đảng, trong đó quân đội không phải thề trung thành với đảng cầm quyền như hiện nay. Ông Kha Lương Ngãi cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác đã ký một kiến nghị về việc này, gửi đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam vào năm 2013. Tuy nhiên kiến nghị đó đã không được chấp nhận.

Ông Ngãi nghi ngờ rằng việc nghiên cứu có tư vấn nước ngoài trong quyết định của Thủ tướng về việc xây thêm đường băng sân bay chỉ là kế hoãn binh của quân đội, vì theo lời ông chỉ cần quyết định thu hồi hay không thu hồi số đất đang làm sân golf mà thôi.

Quyết định của Thủ tướng cũng không nói rõ là sẽ xây đường băng ở phía bắc, nơi có 157 ha sân golf, hay là ở phía nam, nơi quân đội đã trao lại hơn 20 ha đất làm nhà đỗ máy bay.

Thiếu tướng Lâm Quang Đại, phó chính ủy quân chủng phòng không không quân đang quản lý đất của sân bay Tân Sơn Nhất, trả lời báo mạng Dân Trí trong nước vào ngày 12 tháng sáu rằng nếu có nhu cầu quốc phòng phát sinh thì sẽ thu hồi phần đất rộng 157 ha ở phía bắc sân bay, hiện là đất ông cho là nhàn rỗi đang được dùng để làm sân golf.

Báo Dân Trí và Thiếu tướng Lâm Quang Đại không làm rõ là nếu làm thêm một đường băng sân bay thứ ba thì đó có phải là một nhu cầu quốc phòng hay không.

Quân đội, một thế lực kinh tế hùng mạnh

Việc quân đội Việt Nam có các đơn vị làm ăn thương mại lớn, cũng như có một quỹ đất lớn để kinh doanh đã được nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước nói đến từ lâu, với nhiều quan ngại. Ví dụ như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự sống ở Hà Nội nói với chúng tôi :

"Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng. Trong những chuyện như thế họ có thể vin đủ thứ để không ai dám đụng đến. Vì là quân đội nên tòa bên ngoài không dám đụng đến thì xác suất, khả năng tham nhũng càng nhiều hơn. Ở đấy hầu như không có sự minh bạch vì họ vin vào đó là lĩnh vực quân sự".

tsn2

Một cửa hàng Viettel ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO

Tuy nhiên, ông Carl Thayer từ học viện quốc phòng Úc, người đã có nhiều nghiên cứu về quân đội Việt Nam nói với đài Á Châu tự do rằng việc kinh doanh của quân đội là rất phức tạp vì họ nuôi sống binh sĩ và gia đình của các binh sĩ của quân đội Việt Nam.

Trong một nỗ lực tách rời hoạt động chuyên ngiệp của quân đội ra khỏi hoạt động kinh tế, vào năm 2007, đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết trung ương số 4 nói rằng quân đội chỉ có quyền được nắm những công ty có liên quan đến an ninh quốc phòng mà thôi.

Ngay sau nghị quyết này ra đời, nguyên Tổng Bí thư đảng là ông Lê Khả Phiêu có trả lời báo chí Việt Nam rằng cần phải chuyển các đơn vị kinh tế của quân đội sang cho nhà nước quản lý, và việc này theo ông sẽ tạo điều kiện cạnh tranh công bằng của các đơn vị kinh tế không phải quân đội, và quân đội sẽ chuyên tâm vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước của mình.

Theo ông Lê Khả Phiêu, những chuyển biến đó phải được thực hiện trong năm 2007.

Tuy nhiên theo sách trắng của bộ quốc phòng Việt Nam năm 2009, thì quân đội Việt Nam cũng có được nhiệm vụ làm kinh tế.

Theo nhận xét của ông Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, thì từ khi có nghị quyết trung ương số 4 đến nay, hoạt động kinh tế của các công ty của quân đội ngày càng mạnh hơn :

"Từ nghị quyết trung ương bốn khóa 11, đã có việc cấm không cho quân đội làm kinh tế. Tôi nhớ như thế. Đã có nghị quyết rồi, nhưng nghị quyết đó cứ bị chìm chìm đi, và quân đội cứ tiếp tục làm kinh tế, càng mạnh bạo hơn, lợi dụng chuyện làm kinh tế chiếm đất đai của người dân nhiều hơn".

Một trong những công ty quân đội làm kinh tế rất hùng mạnh là công ty viễn thông Viettel, cung cấp dịch vụ internet và điện thoại di động rất lớn ở Việt Nam.

Vào tháng tư năm nay, tại xã Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội đã bùng nổ một vụ nông dân bắt giữ 38 cảnh sát cơ động cùng với một số quan chức chính quyền để phản đối việc họ cho là quân đội lấy đất canh tác của họ giao cho công ty Viettel kinh doanh.

Giải thích nguyên do của việc không thực hiện được nghị quyết trung ương số 4 khóa 11, ông Kha Lương Ngãi nói :

"Lợi ích nhóm của phe phái quân đội quá mạnh. Trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam. Có một bộ phận phải dựa, phải lôi kéo, một lực lượng với số phiếu rất là đông của quân đội về phía mình cho nên họ không cương quyết thực hiện chủ trương cấm quân đội làm kinh tế. Họ vẫn để cho quân đội thực hiện hoạt động theo lợi ích nhóm của cánh quân đội. Dĩ nhiên là cánh quân đội cũng có cánh trong nội bộ đảng cầm quyền, nhà nước cầm quyền, trong đó họ vì lợi ích nhóm lợi ích phe phái của họ, họ kết với nhau nên cái chủ trương cấm quân đội làm kinh tế không thực hiện được".

Nhận xét này của ông Kha Lương Ngãi cũng đồng nhất với ý kiến của ông Carl Thayer rằng quân đội hiện đang nắm một số phiếu rất quan trọng trong các cơ quan quyền lực cao của Việt Nam là Bộ chính trị và trung ương đảng cộng sản Việt Nam.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 14/06/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 1147 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)