Dư luận quốc tế đối với những chuyển dịch trên thượng tầng quyền lực Đảng cộng sản Việt Nam
Trần Tô Hiệu, RFA, 23/01/2023
Nếu tin đơn xin từ chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ là "đòn gió" nhằm an ủi ông Phúc (ông Chính trước vốn là tướng Công an), thì rồi đây, "Tứ trụ" có thể sẽ có đến hai tướng Công an (khi ông Tô Lâm được Bộ Chính trị đặc cách vào đấy). Chế độ đã độc tài, nay đến "Tứ trụ" cũng toàn trị nốt. Điều này, liệu có đưa ra thông điệp sai lệch cho tiến trình hội nhập sâu rộng ?
AFP
Những cơn địa chấn chưa dừng lại
Chiến dịch bài tham nhũng của Việt Nam khiến ông Nguyễn Xuân Phúc mất chức cũng tương tự như đả hổ diệt ruồi ở Trung Quốc.
Hai phiên họp bất thường vào 26 và 27 Tết, với khoảng hơn 600 quan chức trong cả nước về dự để hợp thức hóa việc phế truất Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trên thực tế, đây là màn hài kịch, vừa hình thức vừa rất tốn kém, chỉ để thực thi quyết định tại một cuộc họp bí mật của Bộ Chính trị vào ngày 13/1, sau màn kịch tương tự cách đây nửa tháng để bãi chức hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Kể từ khi có tin lan truyền chóng mặt về việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị "thẻ đỏ" từ mấy hôm trước, hai ngày gần đây, dư luận bắt đầu kháo nhau, ai sẽ là người thay ông ta ở cương vị Chủ tịch nước. Lời đồn không chỉ rộ lên trên mạng xã hội hay trong quán nước vỉa hè, mà cả trên những trang báo quốc tế lớn : "Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng ?" (VOA), "Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị buộc về hưu, ai sẽ là người thay thế ?" (RFA)… (1).
Với người dân trong nước, ai lên thay ông Phúc là chuyện không mấy người bận tâm, vì cốt lõi vấn đề là thể chế chính trị chứ không phải cá nhân. Chừng nào Đảng cộng sản độc tài, toàn trị vẫn còn đó thì không hy vọng có sự thay đổi tốt hơn. Vả lại, ai lên ai xuống là chuyện của Bộ Chính trị, của giới lãnh đạo chóp bu trong Đảng cộng sản Việt Nam, người dân Việt Nam không có quyền được biết, cũng không bao giờ được bàn bạc, góp ý kiến hay bỏ phiếu, cứ như thể đất nước là tài sản riêng của những người đó. Đã vậy thì người dân cũng chẳng quan tâm nhiều, trừ khi cần trút nỗi tức giận trên các trang mạng xã hội (2). Cho đến hôm nay, theo các nguồn tin nội bộ không thể nêu nguồn cụ thể, dư luận được biết, tại hai cuộc họp Trung ương lẫn Quốc hội trong hai ngày 17 và 18/1, các cuộc tranh luận vẫn không ngã ngũ. Cuối cùng, hai Cơ quan quyền lực này tạm chấp thuận để bà Võ thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra chủ tịch nước mới. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết vị tân chủ tịch sẽ được xướng danh tại kỳ họp Quốc hội vào tháng năm tới đây.
Việc bãi chức ông Phúc chỉ vài ngày trước thời điểm chúc Tết có khi cũng là một cách hạ nhục ông ta. Việc đến tháng 5 này, mới công bố được danh tính tân Chủ tịch cho thấy, những cơn địa chấn trên thượng tầng Ba Đình sẽ không dừng lại sau Tết Nguyên đán. Tại sao vấn đề có thể quyết định trong một vài phiên họ mà lại phải kéo dài như thế ? Xin thưa, vì theo "luật và lệ", hiện chỉ có ba người có thể ngồi vào cái ghế đấy. Ứng viên mạnh nhất là Tô Đại tướng, kế đến là Trương ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Mai và sau cùng là Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng. Khốn nỗi, ông Tô lâm vừa "chê" vừa "sợ" cái ghế Chủ tịch nước. "Chê" là vì ông còn nhìn lên vị trí thực quyền hơn (Tổng bí thư chẳng hạn). "Sợ" là do, ông ngại chui ra khỏi "tổ kén" Bộ Công an sẽ không an toàn ; ông chưa thể quên bài học đắt giá của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Bà Mai và ông Thưởng cũng đã từ chối vì những lý do cá nhân (3).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022. AFP
Phản ứng của truyền thông quốc tế
Trước và sau cơn địa chấn chính trị trên thượng tầng quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam, truyền thông quốc tế từ Âu sang Á đã có phản ứng khá nhậy bén đối với các sự kiện tuyệt đối chỉ diễn ra đằng sau hậu trường. Khác với truyền thông trong nước, ngay sát thời điểm diễn ra cuộc thanh trừng, báo chí "lề phải" dường như không có dòng tin nào về sự kiện hy hữu trong nền chính trị "u u minh minh" của đất nước. Trong khi đó, báo chí quốc tế đã có ngay các bài phân tích khá rành rọt về các động lực đằng sau cuộc đấu đá cung đình của Hà Nội. Việc cách chức Chủ tịch nước khi "khung bộ tứ" vừa được bầu chưa được nửa nhiệm kỳ là một sự kiện vồ tiền khoáng hậu. Sự kiện chưa có tiền lệ này có thế đánh dấu một thời kỳ không mấy êm đềm trong sinh hoạt chính trị từ Trung ương đến Quốc hội. Nhất là nay đã có tin đồn Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng theo chân Chủ tịch nước, cũng đã "đệ đơn" xin từ chức. Tuy nhiên, tin này cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên. Giống như ông Phúc, ông Chính tuy đứng đầu chính phủ nhưng cũng là "đối tượng" bị phe "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "truy sát" lâu nay.
Phóng viên Jonathan Head của BBC viết rằng, vụ này được gọi dưới cái tên chống tham nhũng nhưng thực chất là cuộc chiến quyền lực ở cấp cao nhất trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này dường như không dẫn đến thay đổi nào về chính sách chung khuyến khích đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế của Việt Nam và cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với việc có nhiều quan chức cao cấp nhất của Đảng xuất thân từ công an sẽ là tin xấu cho nhân quyền và những người phê bình chế độ. Viết trên hãng truyền thông quốc tế của Đức (DW), nhà báo David Hutt coi ông Phúc là một trong số nhà kỹ trị hàng đầu của Việt Nam, có quan hệ chặt chẽ với phương Tây trong thời gian làm thủ tướng. Ông bị buộc thôi chức vì vài tuần sau khi một số quan chức cao cấp về đối ngoại dày dạn kinh nghiệm khác bị đưa ra khỏi ban lãnh đạo (ông Minh và ông Đam). Việc thay đổi ban lãnh đạo hiện này sẽ củng cố quyền lực của lực lượng công an ở Việt Nam, vẫn theo David Hutt (4). Nếu lá đơn xin từ chức của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ là "đòn gió" nhằm an ủi ông Phúc, đồng thời để "làm mầu" với phe "đốt lò" (ông Chính trước là tướng Công an) ; nếu Tô Đại tướng tiếp tục tiến lên, thì rồi đây, "Tứ trụ" sẽ có đến hai tướng Công an. Chế độ đã độc tài, nay đến "Tứ trụ" cũng toàn trị nốt. Điều này, liệu có đưa ra thông điệp sai lệch cho tiến trình hội nhập sâu rộng ?
Bài viết trên Nikkei Asia chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt 8% vào năm ngoái, có thể là nhanh nhất ở Châu Á. Tuy nhiên "nền chính trị ổn định khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đang bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh cuộc cải tổ chưa từng có trong Bộ Chính trị và các cơ quan lãnh đạo khác". Ông Zachary Abuza bình luận tiếp : Hà Nội nên ý thức rằng có nhiều nước sẵn sàng trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư hiện đóng vai trò quan trọng đối với thành tích kinh tế của đất nước". Bài báo cũng ghi nhận, những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là "những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định" nên cũng có nhiều đối thủ. Một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, ông Hà Hoàng Hợp, được Reuters dẫn lời, cũng cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư quan ngại : "Điều này có thể dẫn Việt Nam đến một thời kỳ bất ổn khiến bạn bè và nhà đầu tư nước ngoài lo lắng" (5).
Nội dung cuối cùng nhưng rất đáng lưu tâm, khi dư luận quốc tế đặt vấn đề : "Mọi người đang hỏi có bao nhiêu phần trăm trong số này (tức số người được cho là chống tham nhũng) muốn theo đuổi chân thành để loại bỏ tham nhũng thật sự, so với động cơ chủ yếu là giành giật quyền lực nội bộ, theo phong cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình" (6).
"Tập hóa Việt Nam" (Xi-isation of Vietnam) là một từ mới của Bill Hayton dùng để mô tả sự tương đồng đáng kinh ngạc về cách tiến hành các cuộc đấu đá nội bộ giữa hai quốc gia cùng dưới sự cai trị của mô hình độc tài cộng sản. Cả hai đều nhắm tới một chế độ toàn trị triệt để, trong đó Đảng cộng sản nắm trọn bộ, từ quyền hoạch định chính sách cho đến điều hành luôn mọi hoạt động kinh tế xã hội, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh bảo vệ sự tồn tại của đảng hơn là phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân. Giới quan sát không ngạc nhiên khi thấy ông Trọng hoàn toàn rập khuôn theo Trung Quốc đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả vụ sỉ nhục ông Nguyễn Xuân Phúc, bãi chức ông Phúc chỉ vài ngày trước thời điểm ông đọc thư chúc Tết trên truyền hình quốc gia, làm người ta liên tưởng tới vụ cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bị xốc nách lôi ra khỏi đại hội 20 ĐCSTQ hồi tháng 10/2022. Những người cộng sản có một lối ứng xử rất giống nhau với đồng chí đồng đội, họ ca tụng nhau nhưng sẵn sàng đâm vào lưng, đạp vào mặt nhau hết sức cạn tàu ráo máng (7).
Trần Tô Hiệu
Nguồn : RFA, 23/01/2023
Tham khảo :
2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64258846
3. https://www.viet-studies.net/kinhte/PresidentOusted_AS.html
5. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-64258846
6. https://asia.nikkei.com/Politics/Vietnam-s-President-Phuc-dismissed-amid-Trong-s-anti-graft-drive
7. https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cuoc-dao-chinh-cung-dinh-o-ha-noi/
*************************
Cho lãnh đạo "thôi chức" là "ý Đảng", vậy còn "lòng dân" ở đâu ?
Minh Vũ, Thoibao.de, 23/01/2023
Những sự kiện thay đổi trong "công tác nhân sự" chấn động vừa diễn ra qua hai phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương, như cho thôi chức hai Phó Thủ tướng và Chủ tịch nước cho thấy, nhiều điều không bình thường đang diễn ra trong nội bộ Đảng cộng sản.
Ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Nhiều người quan sát đặt câu hỏi, tại sao Tổng bí thư lại gấp rút tiến hành việc thanh trừng các "đồng chí" của mình trước Tết Nguyên đán, trong khi chưa thể tìm được nhân sự thay thế cho vị trí quan trọng như chiếc ghế nguyên thủ quốc gia, người thay mặt cho đất nước về đối nội và đối ngoại, và sẽ đọc thư chúc Tết toàn dân vào ngày đầu năm mới.
Trong toàn văn thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, như bài đăng trên vietnamnet vào ngày 17/1/2023, từ "nhân dân" dùng để chỉ những chủ nhân của đất nước, chỉ xuất hiện vỏn vẹn một lần duy nhất. Những lãnh đạo phạm tội nghiệm trọng trong 2 vụ đại án kit test Việt Á và chuyến bay giải cứu, có liên quan đến hàng vạn mạng người, nhưng đối với nhân dân, hoàn toàn không hề có một lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.
Hơn thế nữa, trong thông cáo về hội nghị bất thường lần thứ ba này, có thể thấy, nguyện vọng và vai trò của người dân trong các lần kỷ luật cán bộ lãnh đạo chưa hề được quan tâm, chú trọng. Toàn bộ hệ thống chính trị chỉ nghe theo sự sắp đặt của Đảng, mà cụ thể là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ răm rắp làm theo những gì đã được chỉ đạo sẵn.
"Khuyết điểm" và "vi phạm" của "hai đồng chí Phó Thủ tướng, ba bộ trưởng" được đề cập là "gây hậu quả rất nghiêm trọng". Nhưng nhân dân là đối tượng đã và đang trực tiếp gánh chịu các "hậu quả rất nghiêm trọng" đó, lại không hề được đếm xỉa đến. Tổng bí thư và các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn bình chân như vại, vì đã có một loạt những "đồng chí" không may làm con tốt chết thay, ra đứng mũi chịu sào theo "nguyện vọng cá nhân".
Tất cả hành động nhận lỗi của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ được tường thuật vỏn vẹn là "nhận thức rõ trách nhiệm" và có "đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công". Nhà nước do dân, của dân và vì dân hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong toàn bộ quá trình họp, cũng như xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Không biết trong nhận thức của ông Phúc, liệu rằng trách nhiệm với nhân dân có quan trọng hơn trách nhiệm với Đảng của ông ta không ?
Trách nhiệm của người đứng đầu nhà nước là thế, còn trách nhiệm của vị Tổng bí thư Đảng luôn huyên thuyên cho rằng, "Đảng lãnh đạo" thì như thế nào ? Tổng bí thư và các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 chỉ việc tham gia "chứng thực", rằng, "đồng chí" Nguyễn Xuân Phúc tự xin… thôi chức, và "nhất trí" để ông Nguyễn Xuân Phúc được thực hiện nguyện vọng.
Vì sao Đảng được toàn quyền đưa các "đồng chí" như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long… lên các chức vụ cao nhất. Nhưng đến lúc xảy ra những tiêu cực, thì không hề có sự kiểm tra, giám sát, để dẫn đến những thảm kịch đối với nhân mạng, tài sản và tinh thần của người dân. Nhưng tuyệt nhiên, họ không hề nhận trách nhiệm khi lựa sai, chọn lầm, giám sát lỏng lẻo, không ngăn chặn kịp thời, để rồi đến khi "hậu quả rất nghiêm trọng" xảy ra, thì mới trảm tướng để xoa dịu lòng dân ?
Trong lịch sử, chỉ có ở những triều đại phong kiến mới có kiểu làm độc đoán, không hề nhận sai khi phong chức cho quan lại và sau đó để mặc họ gây ra những lỗi lầm tai hại. Tuy nhiên, ở những triều đại đó, nhân dân được xem là con dân và phải nghe lời người được trời chọn lựa. Trớ trêu thay, Đảng cộng sản luôn tự nhận mình là đầy tớ, thì lại trơ trẽn quyết định hết, từ bổ nhiệm đến kỷ luật nhân sự và trịch thượng ra lệnh : "Giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định".
Có lẽ, trong mắt Tổng bí thư và các thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân không có giá trị. Vì nếu như toàn Đảng có làm sai, thì họ cũng chỉ nhận trách nhiệm đối với Đảng của họ. Trong một cơ chế độc quyền toàn trị thì làm gì có một tổ chức khác có năng lực, có chủ trương, đường lối tốt và quản lý hiệu quả hơn để thay thế. Nếu có thì đã bị họ diệt từ trong trứng nước rồi. Vì vậy, họ mới tự cho mình có quyền rẻ rúng và thản nhiên thể hiện sự xem thường "lòng dân" đến mức như vậy.
Minh Vũ (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 23/01/2023
*************************
Việt Nam đang có bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp bất an, ngại hoạt động ?
VOA, 23/01/2023
Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hay còn gọi là "đốt lò" đã và đang dẫn đến tình trạng bất ổn, khủng hoảng trong chính trị thượng tầng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra quan sát với VOA.
Tòa nhà Quốc hội Việt Nam, còn có tên gọi khác là Hội trường Ba Đình mới
Hai nhà trí thức cũng nhận xét rằng những hậu quả khác của "đốt lò" là tâm lý hoang mang, lo sợ trong các cấp của bộ máy nhà nước, dẫn đến tâm lý "không tích cực", "không muốn làm việc", "không dám hoạt động". Thực trạng đó cũng được nhiều người nói đến trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.
Như VOA đã đưa tin, trong diễn biến mới nhất của "đốt lò", Đảng cộng sản Việt Nam và quốc hội gần đây đã bỏ phiếu "cho thôi chức" chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc vì ông phải chịu trách nhiệm chính trị về nhiều cán bộ dưới quyền, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Đón nhận thông tin kể trên, trong khi nhiều người dân hoan hỉ, cũng có nhiều người khác bày tỏ trên mạng xã hội rằng càng có nhiều vụ kỷ luật, bắt bớ quan chức, bầu không khí đất nước càng ngột ngạt, trì trệ, đi xuống.
Khủng hoảng thượng tầng
Vào sáng mùng 2 Tết, tức ngày 23/1, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, viết trên trang Facebook cá nhân có hơn 12.000 người theo dõi : "Ổn định chính trị vĩ mô quan trọng không kém ổn định kinh tế vĩ mô. Năm mới cầu chúc cho đất nước là luôn có được cả hai sự ổn định này !"
Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá về tình hình chính trị thượng tầng của Việt Nam sau các diễn biến hồi cuối năm 2022 :
"Rõ ràng đang có sự bất ổn về chính trị ở Việt Nam. Cuộc chiến chống tham nhũng là đấu tranh nội bộ với nhau. Nó tạo ra bất ổn vì mọi người về mặt tâm lý mà nói là không tích cực. Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện làm việc không hiệu quả. Mọi người không muốn làm việc vì làm thì sợ bị sai. Nó là bất ổn chính trị ở tầng cao nhất".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một tiếng nói phản biện được biết tiếng rộng rãi lâu nay, có chung suy nghĩ rằng ở trong nơi mà ông gọi là "tầng lớp trên", có thể đang có tình trạng hoang mang :
"Nói là trì trệ cũng được, là bất ổn cũng được. Thực chất của trạng thái này làm một số người lo sợ, không dám hoạt động gì. Không biết ngày hôm nay là ông Phúc, ngày mai đến lượt mình hay chưa. Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn".
Tuy nhiên, trong khi tiến sĩ Hà Hoàng Hợp hàm ý nói đến sự chênh lệch không quá lớn giữa các phe phái trong cuộc đấu tranh nội bộ của đảng cầm quyền ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đình Cống lại cho rằng đang có tình trạng "chịu ép một bề", còn ở phía bên kia, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang "nắm hết" và bộ máy "làm theo ý của ông ấy".
Bà Võ Thị Ánh Xuân hiện là quyền chủ tịch nước của Việt Nam
Ảnh hưởng kinh tế, xã hội
Trong bối cảnh được tiến sĩ Hà Hoàng Hợp gọi là "không thể dự đoán được về ổn định chính trị thượng tầng", một số lĩnh vực quan trọng của đất nước đang bị đình trệ nặng nề. Đứng hàng đầu là bộ y tế và khu vực y tế công, với việc không đấu thầu, không mua thuốc, mua thiết bị nữa.
"Hơn 14 tháng nay hệ thống này không hoạt động hay chỉ hoạt động thoi thóp", ông Hợp nói.
Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng đường sá, cầu cống, hạ tầng giao thông cũng dừng lại, vẫn theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak. Tương tự, hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin đang bị trì trệ, tiến sĩ Hợp nói.
Khối các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng theo vì họ gặp vướng mắc trong hệ thống ngân hàng và thị trường vốn có tầm quan trọng "vô cùng to lớn". Sau khi các tỷ phú Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC ; Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh ; và Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị bắt, thị trường huy động vốn chỉ còn bằng 30% so với trước, ông Hợp đưa ra con số so sánh.
Ngay cả phía tư nhân cũng "tự bảo vệ" bằng cách "không làm gì nữa", nhà nghiên cứu này bình luận với VOA và nói thêm :
"Hiện nay, nói thẳng ra là chưa bao giờ có sự vô lý xảy ra như thế. Đây là hệ lụy trực tiếp từ việc ‘đốt lò’ mà ra. ‘Đốt lò’ không làm người ta phấn khởi, tin tưởng. ‘Đốt lò’ làm cho người ta sợ".
Trong con mắt của ông, tiến sĩ Hợp nhìn thấy ‘đốt lò" là trận chiến giành quyền lực hơn là nỗ lực thành thực để chống tham nhũng. Ông nêu ra ví dụ để củng cố cho lập luận của mình :
"Chống tham nhũng trong 10 năm đến nay xử lý được hơn 1.700 vụ, so với hệ thống có vài trăm nghìn vụ phải đưa ra xử lý mà không xử lý được. Thì kết quả người ta nhìn thấy ngay là nó chỉ có ở tuyên truyền thôi, nó không có trong thực tế".
Ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, một trong các quan chức mới bị bắt vì tham nhũng, 11/1/2023.
Không thể cải tạo hệ thống ?
Nhà nghiên cứu này cho rằng để chống tham nhũng thành công, Đảng cộng sản cầm quyền cần phải có 3 chân kiềng là minh bạch, pháp quyền và sự tham gia của người dân :
"Phải minh bạch. Nói rõ ra trường hợp nào tham nhũng đến mức độ nào, hỏng đến đâu, mọi người cùng biết. Thứ hai là nền tảng quan trọng nhất về mặt pháp lý, đúng hay sai, có tội hay không có tội. Thứ ba là sự tham gia của rất đông người dân. Rất nhiều người nhìn vào sự việc, người ta sẽ thấy nó rõ ràng, dẫn đến xử lý minh bạch hơn, đúng pháp luật hơn".
Về phần giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông có nhận định bi quan về tương lai công cuộc chống tham nhũng nói riêng và chính trị Việt Nam nói chung.
Trước hết là từ vai trò của đảng cầm quyền, mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bị xem là "xơ cứng" dưới con mắt của giáo sư Nguyễn Đình Cống, cho đến các cán bộ tham mưu cho ông Trọng, bị đánh giá là "chỉ biết nói dựa" :
"Theo dõi cuộc họp Ban chấp hành Trung ương không thấy người nào dám đề đạt cải cách. 200 người đấy nhìn vào thấy không có sinh khí. Không ai dám nói một câu gì phản biện. Sinh khí trong đảng không còn. Không còn ai có thể đề xuất đúng đắn nữa. Những quân sư, nhưng vị tham mưu cho ông Trọng chỉ nói dựa theo ý của ông ý thôi, mà sự hiểu biết của ông Trọng hiện nay kém rồi".
Theo giáo sư Cống, để thoát ra khỏi tình trạng kể trên, phải có những lực lượng bên ngoài mạnh dạn đấu tranh, phê bình, phản biện, nhưng với việc ông Trọng nắm chắc công an và an ninh trong tay, các tiếng nói phản biện đã và đang bị trấn áp nghiêm trọng :
"Hở ra một cái là họ mang còng số 8 đến. Hiện nay họ đàn áp kinh khủng, làm cho người trong đảng không dám mở mồm, người bên ngoài co vòi lại. Tình trạng này rồi nó suy sụp dần dần, chứ còn cải tạo thì rất khó vì không có lực lượng nào đảm nhận chuyện ấy cả".
VOA cố gắng liên lạc với Đảng cộng sản Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về các nhận định, bình luận kể trên, nhưng không nhận được hồi đáp.
*******************
Ông Phúc rớt đài là do vợ và người thân dính đến vụ Việt Á ?
VOA, 23/01/2023
Cú rớt đài của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – vốn buộc phải từ chức do có cáo buộc vợ và người thân của ông dính đến vụ tham nhũng nổi cộm – đã khởi động những vòng đua tranh chính trị mới, khi Đảng cộng sản cân nhắc xem ai sẽ trở thành chủ tịch nước kế tiếp theo, các nguồn tin và các nhà phân tích nói với kênh Channel News Asia của Singapore.
Ông Phúc được cho là người có công trong giai đoạn kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt
Bộ trưởng Công an Tô Lâm, 65 tuổi, là ứng cử viên nổi bật vào lúc này, các nguồn tin chính phủ cho biết và nói thêm rằng quá trình lựa chọn chính trị ở quốc gia cộng sản này thường bí ẩn và bất định cho đến phút chót.
Các nguồn tin đã yêu cầu được giấu tên do sự nhạy cảm khi nói về giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam.
Quốc hội Việt Nam hôm 18/1 đã chấp thuận cho ông Phúc từ nhiệm, một ngày sau khi ông đệ đơn xin thôi chức trong lúc những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng tăng cường đàn áp tham nhũng.
Động thái này của Quốc hội chỉ là sự phê chuẩn mang tính hình thức cho điều đã được Trung ương đảng quyết định để kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Phúc.
"Tôi nghĩ lý do chính là vợ và một số người nhà của ông Phúc bị cáo buộc dính đến một số vụ án tham nhũng", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết.
Bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc và thân nhân của ông bà được cho là nằm trong vụ tai tiếng lừa đảo về bộ xét nghiệm Covid-19 có quy mô 170 triệu đô la Mỹ.
"Trong các thông báo chính thức, Đảng không đề cập đến những chuyện tham nhũng này vì tôi nghĩ họ muốn giữ thể diện cho ông Phúc và cũng để bảo vệ tiếng thơm và hình ảnh của Đảng trước công chúng", ông Hiệp phát biểu trong chương trình ‘Asia Tonight’ của kênh CNA.
"Họ không muốn người dân tin hoặc nghĩ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng tham nhũng".
Trong những ngày đầu của đại dịch hồi tháng 3 năm 2020, Việt Nam đã công bố bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 đầu tiên được sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Với số tiền 800.000 đô la được cấp từ ngân sách nhà nước, dự án hợp tác giữa Học viện Quân y và công ty tư nhân Việt Á được cho là sẽ sản xuất bộ xét nghiệm rẻ hơn, theo các nhà nghiên cứu của dự án.
Tuy nhiên, theo điều tra, dự án này hóa ra là một trong những vụ lường gạt lớn nhất lịch sử Việt Nam.
Trước khi vụ việc được phát hiện, hàng triệu bộ xét nghiệm gian dối đã được bán với giá cao cho các trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở 62 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, công an cho biết.
Nhà chức trách nói rằng vụ lường gạt này sở dĩ xảy ra được là do hối lộ các quan chức để được họ hậu thuẫn.
Đây là một trong những vụ án tham nhũng nổi cộm nhất ở Việt Nam khiến cho Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Chu Ngọc Anh bị mất chức và bị bắt giữ.
Vụ này nằm trong số nhiều vụ án hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt ở Việt Nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.
Một vụ bê bối khác gây chấn động đất nước và vụ các chuyến bay giải cứu để hồi hương công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài trong lúc dịch.
Tất cả những vụ việc này xảy ra khi ông Phúc còn nắm quyền thủ tướng cho đến tháng 4/2021, khi ông được bầu làm chủ tịch nước.
Mặc dù triệt tiêu tham nhũng là ưu tiên của giới lãnh đạo Việt Nam trong nhiều năm, nhưng sự chú ý đã tập trung nhiều vào nạn tham nhũng trong đại dịch kể từ năm ngoái.
Điều này là do không giống các vụ án tham nhũng khác, vụ bê bối bộ xét nghiệm đã khiến công chúng quan tâm và phẫn nộ vào lúc cuộc sống của người dân bị đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng, giáo sư Carlyle Thayer nói với CNA.
"Vụ tham nhũng Covid thực sự quá đáng giận. Nó ảnh hưởng đến người dân, những người thực sự bị sốc và phẫn nộ khi biết rằng các quan chức trục lợi trên nỗi khổ của người dân", ông Thayer, giáo sư danh dự từ Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học New South Wales, Úc, cho biết.
Các cuộc điều tra và trấn áp sau đó đã dẫn đến con số chưa từng có các quan chức chính phủ bị loại bỏ, bao gồm hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng. Hơn 130 quan chức, nhà ngoại giao và doanh nhân đã bị bắt.
Ông Phúc, nhà lãnh đạo cao nhất bị nhắm đến trong cuộc điều tra, đã phải chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm của nhiều quan chức trong số này, chính phủ cho biết.
Ông Trọng, người được bầu lại vào nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi hồi năm 2021, đang đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng vốn đã đưa đến những biến động trong nền chính trị Việt Nam.
"Trước đây, chính quyền Việt Nam truy lùng những người phạm tội tham nhũng. Giờ đây họ mở rộng tới những người tiếp tay hay khuyến khích tham nhũng. Và những mạng lưới này đang bị phanh phui", ông Thayer nói.
"Đảng đang nghĩ cách chống tham nhũng hiệu quả hơn. Một trong những cách làm là bắt các quan chức phải chịu hậu quả không chỉ về việc họ làm, mà cả những gì người thân và thuộc cấp của họ làm", Tiến sĩ Hiệp nói.
Các cuộc thanh trừng mới đây đã để lại những chiếc ghế trống trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất.
Sự thay máu chính trị được cho là sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ trở nên hướng nội hơn khi trong các quan hệ quốc tế, các nhà phân tích cho biết.
Ông Phúc, cùng với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng và là cựu bộ trưởng ngoại giao, đều là những gương mặt quen thuộc đối với các lãnh đạo nước ngoài. Các bộ trưởng mới lên thay có rất ít kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại, Giáo sư Thayer nói.
Dưới nhiệm kỳ thủ tướng của ông Phúc, Việt Nam đã có tăng trưởng kinh tế trung bình 6% một năm và ký được một số thỏa thuận thương mại tự do cho Việt Nam. Ông được nhiều người ghi nhận là đã đẩy nhanh các cải cách có lợi cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp và nhà phân tích có cảm nhận trái ngược về việc liệu môi trường chính trị bất trắc ở Việt Nam có cản trở đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế hay không.
"Cho đến nay chính quyền Việt Nam đã làm việc này một cách rất có tính toán và có phối hợp để kiểm soát các tác động", Tiến sĩ Hiệp nói về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam.
"Có những vấn đề trước mắt. Nhưng họ có thể trả cái giá ngắn hạn này để đạt được mục tiêu về lâu dài, đó là kiểm soát tham nhũng và cải thiện tính minh bạch trong chính phủ và cả trên thị trường", ông nói thêm.
Giáo sư Thayer nói rằng với việc nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ - tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã vượt qua các mục tiêu chính thức và tăng trưởng 8% hồi năm ngoái - tác động tiêu cực của việc thay máu lãnh đạo đối với nền kinh tế của đất nước có thể sẽ không nhiều.
Nguồn : VOA, 23/01/2023
***************************
Hậu ngã ngựa là chấn thương, liệu bà Trần Thị Nguyệt Thu có xộ khám không ?
Mai Hạnh, Thoibao.de, 20/01/2023
Người ta cho rằng, bà Trần Thị Nguyệt Thu vợ của ông Nguyễn Xuân Phúc là "trùm cuối" của Việt Á. Công ty Việt Á có đến 80% cổ phần là cổ đông ẩn danh, người nắm những cổ phần lớn này ắt phải có thế và lực rất lớn nên báo chí mới không dám nêu tên.
Bà Trần Thị Nguyệt Thu
Vụ Việt Á đã cho vào lò 2 cựu Bộ trưởng và rất nhiều thứ trưởng. Ngoài ra, các giám đốc CDC thì nhiều vô số kể. Vụ án này cũng đã kéo đổ một ông Phó Thủ tướng, nhưng tên tuổi của bà Trần Thị Nguyệt Thu thì vẫn chưa được nêu lên.
Thực ra, bà Trần Thị Nguyệt Thu không hề có quyền lực chính trị. Bà được xem là "trùm cuối" của Việt Á bởi vì bà là vợ của Chủ tịch nước. Tấm áo choàng của ông chồng làm cho bà có uy lớn và lực mạnh. Cũng chính vì cái danh phu nhân Chủ tịch nước, nên đàn em đi theo bà mới đông như vậy. Họ tham gia vì họ nghĩ, cái ô đó sẽ đảm bảo cho họ được an toàn. Tuy nhiên, họ đã nhầm.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng dùng Bộ Chính trị ép ông Nguyễn Xuân Phúc phải từ chức cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng không dung thứ cho bà Trần Thị Nguyệt Thu. Muốn bắt bà Thu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thì trước hết phải lột bỏ chiếc áo choàng "đệ nhất phu nhân" của bà. Mà để phế truất danh hiệu đệ nhất phu nhân, thì không thể ép bà li dị chồng, chỉ có thể phế truất chồng bà ra khỏi vị trí Chủ tịch nước.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, việc phế truất ông Nguyễn Xuân Phúc có phải là bước dọn đường để truy tố bà Trần Thị Nguyệt Thu ? hay chỉ đơn giản phế truất, để ông Nguyễn Xuân Phúc không còn là cái ô che chở cho bà vợ làm bậy ?
Thực ra, những tin tức từ bên trong đưa ra cũng khá hạn chế, thoibao.de cố gắng tìm kiếm nguồn tin tốt nhất để cung cấp cho bạn đọc. Tuy nhiên, có những thỏa thuận bí mật mà không ai biết, ngoài đương sự. Với kinh nghiệm phân tích tình hình chính trường Việt Nam, chúng tôi sẽ đưa ra một số giả định mà chúng tôi cho là có khả năng xảy ra cao nhất.
Có hai khả năng có thể xảy ra, một là, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc mất quyền lực chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cho Tô Lâm khởi tố bà Trần thị Nguyệt Thu. Bởi nếu không còn là đệ nhất phu nhân, thế và lực của bà Thu yếu hơn Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh rất nhiều.
Khả năng thứ nhì là có thỏa thuận chính trị. Ông Nguyễn Xuân Phúc thỏa thuận rút lui để cho vợ an toàn trước luật pháp.
Hình thức thỏa thuận miệng trước ván cờ chính trị lớn cũng đã từng được ông Nguyễn Tấn Dũng áp dụng khi rời khỏi chính trường. Đó là ghế Chủ tịch Quốc hội cho Nguyễn Thị Kim Ngân và thành viên Bộ Chính trị cùng với ghế Bí thư thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho Đinh La Thăng.
Cũng cần nói thêm về con người ông Nguyễn Phú Trọng. Ông từng thỏa thuận để Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị, nhưng đó chỉ là nước cờ để cho Nguyễn Tấn Dũng nhả quyền lực. Khi Nguyễn Tấn Dũng đã buông bỏ quyền lực, thì lập tức Nguyễn Phú Trọng tìm cách truất phế và bỏ tù Đinh La Thăng.
Về mặt luật pháp thì bỏ tù Đinh La Thăng là không oan. Nhưng trong trò chơi chính trị, ông Nguyễn Phú Trọng đã "lật kèo" khi ra tay hạ Đinh La Thăng. Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phần là phụ nữ, phần bà không để lại tai tiếng gì, nên ông Trọng để cho ngồi yên ở ghế Chủ tịch Quốc hội.
Câu chuyện ông Nguyễn Phú Trọng "lật kèo" trên bàn cờ chính trị là chuyện không mới. Ông Đinh Thế Huynh từng là một hạt giống được ông Trọng chọn, nhưng rồi cũng bị ông loại ra khỏi ghế Thường trực Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ, với nguyên nhân rất bí ẩn.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người làm chính trị chuyên nghiệp, là người thâm trầm và có toan tính hơn người. Cho nên, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc có thỏa thuận rút lui để an toàn cho vợ, thì vợ ông chưa chắc đã được an toàn. Trò chơi chính trị nó thế, họ không giữ lời hứa bao giờ.
Mai Hạnh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 20/01/2023
*******************************
‘Đệ nhất’ trùm cuối, ‘đệ nhị’ trùm cuối… Rồi sao nữa ?
Hải Lê, VOA, 18/01/2023
Cũng theo học giả Lê Hồng Hiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tương lai có thể sẽ gặp rắc rối do liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn...
Có thể gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là một "chùm cuối", còn ai mới thực sự là "đệ nhất trùm cuối" trong cả cái "chùm" ấy thì có lẽ phải chờ kết luận từ các cơ quan nghiệp vụ. Đến nay, chắc chắn họ đã biết rõ "cái tổ con chuồn chuồn" nhưng vẫn chưa công khai hết mọi chuyện. Rồi đây, có còn ai là "đệ nhị trùm cuối" nữa không ? Công bố cả bà trùm lẫn ông trùm thì liệu có "vỡ bình" hay không ? Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đau đầu…
Thật ra chuyện ông Phúc, chính xác hơn, theo dư luận từ một thời gian dài đến nay, là câu chuyện gia đình ông Phúc.
Thế là chấm dứt mọi đồn đoán. Hệ thống truyền thông lề phải đã loan tin : Ngày 17/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026. Rút kinh nghiệm những lần trước "hành tung" tù mù bị dư luận chất vấn, lần này Đảng đã cho công bố nguyên nhân "trảm" ông Phúc là do, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Phúc phải "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".
Thật ra chuyện ông Phúc, chính xác hơn, theo dư luận từ một thời gian dài đến nay, là câu chuyện gia đình ông Phúc, mà, vẫn theo dư luận, chủ yếu liên quan đến bà vợ ông và một lô họ hàng phía bà ta, bị cho là dính quá sâu vào vụ Test Kit Việt Á, đã lùm xùm từ giữa năm ngoái. Thậm chí các mạng xã hội từ lâu đã đưa khá chi tiết về lộ trình "tìm và diệt" trùm cuối của vụ đại án này. Chiều mai, Quốc hội sẽ "tuân thủ" nghị quyết của Đảng, nhiều khả năng 100% sẽ chấp nhận "nguyện vọng cá nhân" của Chủ tịch Phúc.
"Tiên hạ thủ vi cường"
Cho đến trưa hôm 14/1/2023, khi blogger "cô gái Đồ Long", tức nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà, viết trên FB cá nhân từng có hàng triệu người theo dõi : "Căng thẳng và kịch tính đến tận những phút cuối cùng, ngôi sao Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam, cầu thủ số 7 (tức Bảy Phúc) đã bị rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu. Anh chuẩn bị rời sân, chấm dứt sự nghiệp cầu thủ nhà nghề", thì mọi chuyệncoi như đã an bài. Bà Trà đã dùng ngôn ngữ bóng đá để diễn tả kịch tính trong quá trình nhân sự cấp cao chuyển động mạnh trong tuần trước Tết Con Mèo. Tại cuộc họp Ban Bí thư trước đấy một ngày, 13/7, ông Phúc đã chính thức nộp đơn xin trở về "làm người lương thiện". Chỉ dấu rõ nhất cho việc ông Nguyễn Xuân Phúc mất ghế là vụ bắt, khởi tố bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, 45 tuổi, giám đốc công ty SNB Holdings, với cáo buộc "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" từ hôm 4/1. Công ty SNB Holdings liên quan một loạt doanh nghiệp "họ" SNB, trong đó có công ty Thế Giới Tuổi Thơ (Soc&Brothers) và cô ng ty Phân Phối SNB (SNB Distribution). Đáng nói, theo mạng xã hội, doanh nghiệp này được cho là do bà Nguyễn Thị Xuân Trang, con gái ông Nguyễn Xuân Phúc, đứng sau và nắm quyền sở hữu. Việc Bộ Công an "sờ gáy" đến tận doanh nghiệp thuộc sở hữu của con gái đương kim Chủ tịch nước cho thấyngười nhà ông Phúc đã không còn thuộc diện "kim bài miễn tử" từ ngày ấy.
Trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ xảy ra chuyện chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà có đến hai cuộc họp trung ương bất thường chỉ để xử lý vấn đề nhân sự, trong đó, có việc xử lý một thành viên thuộc "Tứ trụ". Theo luật bất thành văn xưa nay, những chuyện đấu đá trên thượng tầng Bộ Chính trị, đặc biệt trong "Tứ trụ", rất hiếm khi được công bố ra bên ngoài. Kể cả trong thời internet và số hóa thì cũng phải chậm mất mấy "pha", công luận mới biết được cuộc chiến Ba – Tư khốc liệt đến nhường nào, mới rõ ngọn ngành của việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sao phải gạt nước mắt trước màn hình vô tuyến, vì đã không hạ bệ nổi Nguyên Tấn Dũng… Và cho đến bây giờ, người dân cũng chỉ thấy hiện tượng, mà vẫn chưa hiểu sự thật đằng sau thực tế là ông Nguyễn Phú Trọng nhắm ai "bồi dưỡng" để truyền ngôi thì người đấy không những không được tập thể trung ương chấp nhận, mà họ còn rơi vào cảnh thân bại danh li ệt. Hãy nhìn Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng… tất cả đều "treo ấn từ quan". Vì vậy mà lần này, những Vương Đình Huệ và Tô Lâm, những Võ Văn Thưởng… và chúng ta không biết hết còn những ai nữa đang lọt mắt xanh của đảng trưởng và hứa sẽ được "truyền ngôi", đã không còn mấy tin tưởng vào "chiếc bánh thánh" ấy của Tổng bí thư. Và ai ai cũng thấy thời gian gấp gáp lắm rồi.
"Tiên hạ thủ vi cường" – Ra tay trước sẽ dành được lợi thế, trở thành kẻ mạnh ; ra tay sau sẽ chịu phần thua thiệt, bất lợi. Phải chăng đấy là chỗ gặp gỡ nhau giữa ông Trọng và "các lãnh chúa" quyết xuống tay với Phúc ? Từ phía ông Tổng bí thư, nhờ vào sự năng nổ của Tô Đại tướng, ông Trọng thấy giờ là thời cơ để dẹp bớt các thế lực đang bủa vây ông. Ông bực mình khi nghe Phúc và Phạm Minh Chính cứ hát mãi "bè" cải cách thể chế trong "dàn đồng ca" khá nguy hiểm cho sự độc tôn của Đảng. Phải dẹp sớm các ảo tưởng về cải cách chính trị ở xứ Đông Lào. Chủ tịch Tập Cận Bình dặn thế và đồng chí không vui khi trong nội các của Phạm Minh Chính có những thành viên như Minh và Đam đại biểu cho giới kỹ trị thân Mỹ và phương Tây. Vì vậy, ông Tổng tính cho "đi tàu suốt" một thể. Ông Tổng quyết định "bứng" Phúc sớm, vì "hậu thủ vi tai ương" (ra tay sau sẽ thua thiệt). Sách Trung Quốc xưa vẫn dạy vậy ! Còn từ phía c ác đồng chí được ông hứa sẽ "cân nhắc" cũng khá bồn chồn, vì trong vòng hơn hai năm nữa cho tới ngày Đại hội 14, ai mà biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra ! Vẫn còn "treo đây" nhiều vụ lắm : AVG cho Tô Lâm, Tập đoàn AIC dính Phạm Minh Chính, Thưởng thì liên quan đến việc chuyển nhượng mấy thửa đất vàng cho các đại gia hiện vừa xộ khám cách đây chưa lâu…
Họa phúc phải đâu một buổi…
Đảng vẫn dành cho Phúc "củ cà-rốt" trước khi về vườn thế này : "Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt… sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng". Nhưng phần ân oán đằng sau vụ "trảm" Phúc thì phải nói giới giang hồ còn thua. Được biết, năm 2019, Nguyễn Xuân Phúc đã "bật đèn xanh" cho Trần Văn Vệ, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát sờ gáy đại tá Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo và Hồ Hữu Hòa, tức "cậu" Hòa, về tội "nhận hối lộ" và "môi giới hối lộ". Linh là con trai duy nhất của tướng ba sao Nguyễn Văn H ưởng, một "bố già" khét tiếng toàn cõi Đông Dương. Hồ Hữu Hòa là cháu ruột của Hồ Mẫu Ngoạt, mà Ngoạt lại là Trợ lý Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhận hối lộ từ Vũ "nhôm" 5 tỷ đồng, Linh bị tuyên án 14 năm tù. Nói ở tù, thực tế Linh chỉ đi nằm viện dưỡng bệnh, nhưng mất tương lai Ủy viên Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an mà Tô Lâm quy hoạch cho Linh vào khoá Đại hội 14 tới.Nhục và cay cú, Hưởng thề sẽ bắt Phúc có ngày phải trả giá.
Cựu nhà báo Võ Văn Tạo từ Khánh Hòa bình luận về việc "thôi chức vụ" của Chủ tịch Phúc : "Đột nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc được ‘thôi chức’, thực chất đó là sự phế chức… nói nôm na đó là sự bãi chức. Đó là một sự đặc ân của giới chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam khi anh phạm sai lầm, mắc khuyết điểm và thậm chí khi có tội, nhưng vì cương vị, vai vế của anh trong đảng rất lớn, chẳng hạn như "Tứ trụ" triều đình hay Bộ Chính trị, cho nên khi người ta xử lý anh, người làm một cách nhẹ nhàng hơn để giữ bộ mặt cho đảng thôi". Văn phòng Chủ tịch nước của ông Phúc không thể đưa ra bình luận ngay lập tức và không rõ liệu khi đảng chấp nhận đơn từ chức của ông Phúc, họ có xác định được ứng cử viên thay thế ông là ai hay không,theo Reuters. Trong một bài viết mang tựa đề"Thẻ đỏ" cho Chủ tịch nước ? Màn kịch chính trị lớn nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ (nguyên văn "Red Card" for the President ? Vietnam’s Biggest Political Drama in Decades) đăng trên Fulcrum ngày 17/1/2023, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệ p, một nhà quan sát chính trị Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét : "Trong trường hợp để thay ông Phúc, ứng cử viên hàng đầu có thể là Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ông Tô Lâm dường như đã giành được sự tin tưởng từ ông Trọng vì sự trung thành và vai trò quan trọng trong việc điều hành các điều tra chống tham nhũng. Là ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ thứ hai, ông Tô Lâm cũng có phần mạnh hơn so với các ứng viên cạnh tranh khác". Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng, ông Tô Lâm, vì những lý do khác nhau đã chưa chấp nhận "phần thưởng cao quý" ấy.
Cũng theo học giả Lê Hồng Hiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong tương lai có thể sẽ gặp rắc rối do liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người mới bị kết án 30 năm tù giam vắng mặt về hai tội danh "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "đưa hối lộ" trong vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc đó là ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Thời gian đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh. Vậy sau "đệ nhất" trùm cuối, sẽ có "đệ nhị" trùm cuối nữa hay không ? Và nếu liên tục công bố cả bà trùm lẫn ông trùm thì liệu có bị "vỡ bình" hay không ?Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực sự đau đầu…
Hải Lê
Nguồn : VOA, 18/01/2023